Thứ Sáu, 5 tháng 1, 2024

đọc thêm (3) về nhà biên khảo NGUYỄN Q. THẮNG, tác giả cuốn VĂN HỌC VIỆT NAM NƠI MIỀN ĐẤT MỚI / Nguyễn Lê Hiếu -- trích : talawas, 08/ 09/ 2010.

 


talawas blog

Chuyên mục: 

NGUYỄN LÊ HIẾU – VỀ NHÀ BIÊN KHẢO NGUYỄN Q. THẮNG, TÁC GIẢ CUỐN “VĂN HỌC VIỆT NAM NƠI MIỀN ĐẤT MỚI”


08/09/2010 | 6:00 sáng | 1 phản hồi

Tác giả: Nguyễn Lê Hiếu

Category: Văn học - Nghệ thuật
Thẻ:  > 

Xin cùng theo nhiều độc giả khác để cảm ơn ông Nguyễn Vy Khanh đã đọc và phân tích hộ quyển Văn học Việt Nam nơi miền đất mới của soạn giả Nguyễn Q. Thắng (NXB Văn Học, Hà Nội); và cũng tỏ một lời thán phục sự điềm tĩnh và cả sự can đảm của ông Nguyễn Vy Khanh. Tuy nhiên, xin có một điểm không hoàn toàn đồng ý khi ông bỏ nhỏ một câu đá chéo: Bộ sách của ông Nguyễn Q. Thắng đã khiến người đọc nhận thấy sự hiện diện quẩn quanh của một chỉ thị nào đó của Bộ Chính trị! Điều này có thể có thiệt nhưng cũng có thể chỉ là vì trong lòng chúng ta có cái ý đó. Giản dị hơn là tìm lý do ở ngay chính người viết, phương pháp và con người ông ta. Hãy thử tìm hiểu về nhà biên khảo Nguyễn Q. Thắng.

“Được biết nhà biên khảo văn học Nguyễn Q. Thắng, tên thật là Nguyễn Quyết Thắng, sinh năm Kỉ Mão 1940, tại Trường Xuân, Quảng Nam. Thuở nhỏ, ông trải qua một thời gian giữ trâu, làm ruộng ở nhà quê. Lớn lên, ông đã học xong các chương trình Tú tài, Cử nhân, Cao học và Tiến sĩ (năm 1975.) Nguyễn Q. Thắng từng là giảng sư ở các trường Đại học Văn khoa, Sư phạm (Cần Thơ,) Đại học Vạn Hạnh, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Ông cũng là tác giả bộ sách ‘Văn học Việt Nam’, bìa cứng, khổ lớn, dầy trên, dưới 4.000 trang – là một loại biên niên văn học, giới thiệu, phân tích một số tác phẩm, cộng với tiểu sử tác giả, từ thời cổ đến thời hiện đại – Mà tập thứ 4, chủ đề ‘Nơi miền đất mới’, mở đầu với phần đóng góp cho văn học của giáo sư Nguyễn Văn Trung và, khép lại bằng nhà thơ Từ Kế Tường –  Tổng cộng gần 300 tác giả ở miền Nam Việt Nam.” (“Tác phẩm mới của nhà biên khảo Nguyễn Q. Thắng: “Sống đẹp với Hà Đình-Nguyễn Thuật“. 01/3/2010)

Nguyễn Q. Thắng có nhiều biên khảo khác như cuốn Hoàng Sa Trường Sa – lãnh thổ Việt Nam nhìn từ công pháp quốc tế, nxb Tri thức, thì trong bản in năm 2008, chính nxb cũng đã nêu rõ: “Vì tính nhạy cảm của chủ đề nên chúng tôi cũng đã khuyến nghị tác giả cuốn sách này hết sức cẩn trọng trong khi khai thác các tư liệu lịch sử, mà trước hết là yêu cầu về tính chính xác; và một khi cuốn sách đã đến tay bạn đọc trong và ngoài nước thì trách nhiệm xã hội trước hết thuộc về tác giả”. Và sau đó, cuốn sách bị phê bình “hơi nặng nề”. “Mặc dù vậy, do thiếu tính khoa học, tính chính xác và những lập luận logic, cuốn sách khó có thể được coi là một công trình nghiên cứu”. (“Thận trọng khi biên soạn sách về Hoàng Sa – Trường Sa”, Tuần Việt Nam 03/3/2009) 

Một biên khảo khác là cuốn Tự điển nhân vật lịch sử Việt Nam (viết chung). Độc giả góp ý phê bình rằng “tính chính xác của một số sự kiện trong từ điển cần kiểm tra lại; Ngôn ngữ sử dụng trong từ điển đôi chỗ không đảm bảo được tính chính xác; Dường như tác giả không xác lập một qui tắc chung để sắp xếp các mục từ (tên các nhân vật lịch sử) theo một trật tự nhất quán”; Tóm lại, “một công trình đồ sộ và phức tạp như Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam do cá nhân thực hiện trong hoàn cảnh thiếu tư liệu (trang 1418) kèm theo những lý do khách quan khó mà chủ động khắc phục được (34) thì không thể nào tránh khỏi những sơ suất… Để công trình hoàn hảo hơn, tác giả cần rà soát tỉ mỉ và sửa chữa những điểm chưa chính xác và đầy đủ trong lần tái bản tiếp theo. Bài viết này hy vọng sẽ là một ít tư liệu góp phần vào công việc đó.” (“Về tiểu sử các nhân vật lịch sử Quảng Ngãi trong một quyển từ điển“, Nguyễn Duy Long, 06/5/2009)

Có thể suy rằng vấn đề đầu tiên là do phương pháp biên khảo thiếu chặt chẽ.

Bây giờ trở lại cuốn Văn học Việt Nam, nhấn vào con người của tác giả. “Mới đây nhất, ngày 13-3 vừa qua, Thế Phong khiếu nại NXB Văn hóa Thông tin vì trong cuốn Văn học miền Nam (tập II) của Nguyễn Q. Thắng của NXB này có hai phần Bảo Lương Nữ Sĩ và Nguyễn Đức Quỳnh là của ông đã được in trong một phần Lược sử văn nghệ miền Nam – 4 cuốn (1930-1956) với lời ghi ở trang 4: bản quyền thuộc tác giả, cấm phóng tác, trích dịch.

Tìm đến nhà ông Q. Thắng, để hỏi về vụ việc trên, ông Thắng trả lời: ‘Anh chưa biết Thế Phong, ông ta là con người côn đồ, con người không có lương tâm, nên tôi chẳng sợ cái anh Thế Phong này. Ông ấy thích thì cứ mà đi kiện’. Ông Q. Thắng nói thêm: ‘Tôi là người lịch sự nên tôi mới để tên ảnh. Nếu của ông ta giống như của người khác thì sao?“. (“Nạn đạo văn: Sự xuống cấp của đạo đức trí thức“, Tuổi Trẻ, 20/3/2004)

Thế Phong sinh năm 1932 (năm khai 1936) tại Yên Bái, năm nay gần 80 tuổi. Nếu ai muốn biết hơn về ông lão gần 80 tuổi bị nhà biên khảo 70 tuổi chê là côn đồ này thì xin vào hãy bấm vào mạng sau đây: newvietart.com/THEPHONG_saigon.html. (*) 

Giản dị là có hai vấn đề: phương pháp và tư cách. Chưa cần nói đến ảnh hưởng của Bộ Chính trị vội.

Xin cảm ơn Nguyễn Vy Khanh một lần nữa.


© 2010 Nguyễn Lê Hiếu

© 2010 talawas



----------

(*) - Thế Phong kiện Nguyễn Q. Thắng  ra Toà Án Tp  HCM lần đầu, sau Toà Án Tp. HCM chuyển vụ án qua Toà Án Quận 3 / Tp. HCM. 

 Toà  xử kiện, phán quyết ;

- Nguyễn Q. Thắng phải bồi thường 2.000.000 NMD về tôi" đạo văn' của tác giã Thế Phong/ Đỗ Mạnh Tường.'

   (Bt).  


0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ