bài đáng đọc : MỖI TÁC PHẨM LÀ MỘT SỰ VONG THÂN... / Nhã Thuyên trả lời phỏng vấn Đặng Phú Phong -- trích :https: //junglepoetry.wordpress...
Nhã Thuyên: Mỗi tác phẩm là một sự vong thân…?
Ghi chú của Nhã Thuyên:
Cuộc trò chuyện được tiến hành qua điện thoại và chủ yếu qua email này giữa tôi và nhà văn Đặng Phú Phong diễn ra lần đầu khoảng đầu 2008, khi cuốn Viết (NXB Văn học & nhà sách Kiến thức, 2007) vừa ra đời, khoảng thời gian tôi viết và đăng tải nhiều trên hai diễn đàn văn chương Tiền Vệ và Da Màu. Sau đó, đến khi hai tập sách Rìa vực (nxb Giấy Vụn, 2011) và Ngón tay út (Phương Nam Books & Nxb Hội nhà văn, 2011) ra đời, hầu như cùng khoảng thời gian, Đặng Phú Phong đề nghị nối tiếp cuộc trò chuyện này. Một lần thứ ba, khi “luận văn Nhã Thuyên” đã đi qua những năm tháng sóng gió mệt mỏi nhất, Đặng Phú Phong cũng muốn chúng tôi trò chuyện tiếp để “hoàn tất” một phần nào đó câu chuyện văn chương với Nhã Thuyên. Lần thứ ba này, vì tôi đã nhận trả lời phỏng vấn nhà văn Phùng Nguyễn (người dự định “lập một profile đầy đủ” về Nhã Thuyên, trong câu chuyện về tự do học thuật và tự do tư tưởng và tiến hành một cuộc trò chuyện dài, mà một phần là cuộc phỏng vấn “3 câu hỏi cho Nhã Thuyên” đã đăng trên blog VOA của anh – nhưng có những dự định sẽ mãi nằm đó như những câu chuyện chưa hoàn tất trong cõi sống này, vì tôi đành hẹn gặp anh ở một cõi khác!), một phần khác, vì câu chuyện với Đặng Phú Phong vốn chỉ định là những chuyện liên quan tới các tác phẩm văn chương của tôi, nên tôi nghĩ dừng lại ở đây cũng là hoàn tất.
Phiên bản đầu tiên của bài phỏng vấn này đã đăng tải trên tạp chí online Da Màu, nơi thực hiện một “mini chuyên đề” về Nhã Thuyên nhân dịp tập Viết ra đời. Nhân dịp Đặng Phú Phong đưa bài phỏng vấn này vào tập sách mới nhất của ông “Bên kia con chữ & nghệ thuật” (nxb Chương Văn, phát hành tháng 12/2015), tôi xin phép đăng lại bài phỏng vấn này trên blog mình, như một chia sẻ và nhìn lại những bỡ ngỡ tôi vẫn-thế đã nhiều năm qua –rồi-vẫn-vậy.
Cảm ơn những người đã trò chuyện cùng tôi, một hành trình lúc nào với tôi cũng là quá dài.
Hanoi, 16.1.2016
_——————————–
NHÃ THUYÊN: MỖI TÁC PHẨM LÀ MỘT SỰ VONG THÂN…?
(Trò chuyện văn chương với Đặng Phú Phong)
Đặng Phú Phong: Gần đây trên các web văn học xuất hiện những truyện ngắn, truyện chớp…đã gây chú ý cho người đọc vì nội dung chất chứa quá nhiều tư tưởng. Muốn tìm hiểu Nhã Thuyên, tác giả những truyện này là ai…, thì cũng chẳng biết gì thêm ngoài việc Nhã Thuyên là phái nữ, còn rất trẻ (sinh năm 1986) hiện đang sống trong nước. Vậy thay mặt cho độc giả của cô, xin hỏi “ Cô là “ai” mà lặng lẽ trên đời này”?
Nhã Thuyên: Cảm ơn anh đã tỏ ý quan tâm đến một người viết. Câu hỏi “bạn là ai” hay “giới thiệu về mình” bao giờ cũng làm tôi khó xử, bởi vì nó dễ khơi mạch giãi bày mà tôi luôn muốn ngăn chặn. Tôi cảm thấy mình không có gì để “giới thiệu” nhưng tôi lại cảm thấy mình có cả một thế giới, cả khi thế giới ấy trống rỗng, nông cạn. Tôi sinh năm 1986 tại Hải Dương, tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm Hà Nội. Hiện tại, tôi sống (bình yên) ở Hà Nội. Tôi thích sự lặng lẽ để được nghĩ và mơ mộng nhưng tôi luôn (phải) đặt mình vào hoạt động. Có nhiều ý tưởng chật chội trong đầu nhưng cũng cứ để mọi thứ tự nhiên, “thuận thiên” bởi tôi luôn cảm thấy cuộc sống có thể kết thúc bất cứ lúc nào, không lường được. Mà cuộc sống của tôi, ở dạng cô đặc nhất, là tình yêu và chữ nghĩa, những từ vừa say mê vừa mệt mỏi và nhiều khi lại như chẳng còn gì quan trọng.
Về những truyện chớp anh nhắc đến trên Damau – Damau khi đó còn chưa đông, vui, (cười), có lẽ vì thế mà tôi nhận được nhiều phản hồi – mà chính tôi cũng ngạc nhiên. Tôi chưa kịp tin là tác phẩm của mình “chứa quá nhiều tư tưởng”. Khi đó tôi ào ạt quá.
Thực ra, tất cả tiểu sử của tôi thuộc trong sáng tác của tôi. Tôi cảm thấy những biến động xã hội không xâm hại tới tôi theo những cách phải nói to ra. Tôi quan sát, va động với đời sống… theo cách mà chỉ tôi mới cảm nhận được niềm hạnh phúc và khổ sở của nó. Tôi cũng mơ mộng những cuốn sách rộng lớn. Nhưng biết đâu nó sẽ không bao giờ đi ra ngoài đời sống của cá nhân tôi. Và biết đâu, cả cuộc đời, tôi chỉ viết về bản thân mình mà thôi.
Đặng Phú Phong: Tuyển tập VIẾT của cô, tác phẩm đầu tay, chia làm 2 phần, phần đầu là thơ, phần thứ hai là truyện. Cô nghĩ sao khi có đề nghị là hãy bỏ cách phân chia ấy đi vì truyện (ngắn và chớp ) của Nhã Thuyên đều như thơ xuôi cả.
Nhã Thuyên: Có lẽ tôi hơi dài dòng một chút. Hồi sinh viên, tôi quan tâm đến vấn đề thể loại, và luôn tìm kiếm những “đặc trưng” của chúng, và sự dung trộn các thể loại là một xu hướng dễ nhận thấy trong văn học, trong cả các nghệ thuật khác. Tuy nhiên, khi viết, cảm giác về thể loại đến với tôi hết sức mới mẻ, lạ lùng và hoàn toàn không – biết – trước. Rời trường Đại học, tôi cũng tách luôn đời sống sách vở để tự do … say mê mình. Cơ thể nhỏ bé của con người quá chật chội với đời sống nội tâm ào ạt. Tôi viết, tự nhiên vậy đó, không có sự phân biệt thơ – văn xuôi gì nữa cả. Tôi gọi là thơ khi gửi lên Damau. Nhưng tôi để trống. Ban biên tập xếp vào truyện chớp. Cảm ơn những bạn đọc đã đọc tác phẩm tôi như những bài thơ.
Nằm sâu trong mỗi sự bung xả là một khao khát tìm kiếm ngôn ngữ và kích thích tư duy như là sự hiện diện của chính tôi. Ngôn ngữ, ở sự say mê trong nhất, đó là Thơ. Tôi bị đẩy đi bởi một nỗi thèm muốn tìm kiếm Thơ. Tôi muốn (và vẫn tin) đó là một say mê mãn kiếp. Cũng đâu biết lúc nào nó rời khỏi tôi. Nhưng tôi tin điều này: một khao khát và bị thôi thúc đi tìm độ trong của ngôn ngữ (tôi khó diễn đạt cảm nhận của mình, nhưng có nghĩa là một thứ ngôn ngữ không bị đeo nặng bởi tất cả các thành kiến, định kiến…) sẽ đưa người viết đến với Thơ. Ở đó, tôi không chịu bất cứ áp lực nào ngoài bản thân mình. Tôi hiện diện như một cá thể xúc cảm và tư duy, đơn giản như vậy.
Đặng Phú Phong: Bây giờ qua đến tập truyện ngắn mới nhất (2011) “Ngón Tay Út” . Có tất cả là 38 truyện., truyện ngắn nhất tên: “Giấc mơ của người mê ngủ” chỉ có 1 câu 21 con chữ. Truyện dài nhất “Gió cứ thổi trong bầu trời xám” cũng chỉ trên 1300 con chữ. Cô có nghĩ rằng chỉ danh : “tập truyện ngắn” này là tập truyện cực ngắn hay tập truyện chớp (flash fiction) cho đúng hơn ?
Nhã Thuyên: Tôi vẫn đeo đuổi lối viết ngắn, nén từ khi bén duyên với nó. Ở tập truyện ngắn mới nhất “Ngón tay út” do công ty sách Phương Nam in ấn và phát hành, tôi có ý cấu trúc chủ yếu là theo hai mảng: một mảng là những truyện cực ngắn (tôi viết một số truyện một câu, nhưng không phải lúc truyện nào đọc lại cũng ổn) và một mảng dài hơn như Ngón tay út, Gió cứ thổi trong bầu trời xám, Lửa… là những tác phẩm khai thác thế giới cảm giác, truy đuổi cảm giác – những truyện này không có cái chất đột ngột bất ngờ ở những truyện cực ngắn. Bởi vậy, lúc đầu tôi đề là “tập truyện cực ngắn” nhưng sau khi tham khảo ý kiến một số bạn bè và nghĩ lại, tôi đề là “tập truyện ngắn” cho gọn, bởi khái niệm truyện ngắn rất mở và bao quát, cũng chẳng có một khuôn thể loại nào cho nó, bất kể mọi lý thuyết, luận bàn. Nhưng có một bạn đọc đã nói với tôi là: nên đề đây là thơ, và việc đề là “truyện ngắn” có lẽ chỉ là một giải pháp… thương mại mà thôi.
Đặng Phú Phong: Cô định nghĩa truyện chớp như thế nào?
Nhã Thuyên: Bởi sự không chủ đích truyện chớp, (cũng như không có chủ đích về thể loại trước khi một tác phẩm được viết ra, từ những chữ đầu tiên), tôi không có định nghĩa cho truyện chớp ngay từ đầu. Tất nhiên, tôi biết đến truyện chớp, truyện cực ngắn. Tôi yêu Luis Borges qua những bản dịch từ lâu (dù yêu qua bản dịch – và không (cần) biết bản dịch sai đúng ra sao) nhưng có sao, cái cảm giác yêu mến từ thuở 18,19 rất đẹp, rất mộng. Tôi đọc cũng rất buồn cười. Nếu bảo tôi nói cụ thể về một truyện nào đó, chẳng hạn, tôi chịu. Nhưng tôi nhớ, một lần, ngay khi đọc những dòng chữ đầu tiên về một cuốn sách cát (có phải thế không?), thì tôi gập sách lại. Đôi khi chỉ cần một cụm từ thôi, cả thế giới tưởng tượng sẽ cuồn cuộn chảy ngay trước mặt. Tôi không mất nhiều thời gian hoài nghi và mệt mỏi về “thần kinh trầm cảm” của mình nữa. Tôi nhập thẳng, xộc thẳng vào những giấc mộng của tôi và của những thể sống đa loài hoặc chính chúng ộc vào (ngôn ngữ) tôi và biến đổi hình sắc. Thật lạ lùng. Lúc đầu, có lẽ đó như một bung xả bản năng. Tôi viết như lên cơn vậy, nhanh, nhiều, mệt nhọc và phấn khích. Và vì thế, may thay, tôi tìm được sự thanh thản. Sau đó viết rất thích.
Tôi cũng có ý thức về việc viết truyện cực ngắn nhưng chưa dành thời gian cho nó. Lâu lâu tôi quên mất cảm giác học hành (cười). Tôi viết những mẩu nhỏ khi muốn giải trí, khi bị dẫn dụ bởi một ý tưởng, khi thích một cách sắp xếp, thử trí thông minh, v.v … – đó là những khi tôi tự tìm kiếm nó, và đôi khi chỉ là trò tỏ vẻ vặt vãnh hoặc tôi tìm cách giãn mình ở một khoảng cách khác, không khổ sở, đam mê, và mệt như khi đuổi theo thơ – thế giới cuốn tôi đi, phiêu dạt, tưởng tượng ăm ắp, không cưỡng chế được mình, những từ ngữ đến sau tráo trở những từ ngữ bắt đầu tạo tác, những chữ đã đi kéo tuột những chữ chưa đến sang một đường rẽ lạ hoắc bội phản mọi kết dính sắp đặt của ý tưởng,… Tôi làm thơ rất nhanh, bất cứ lúc nào, ở đâu vì chúng xộc vào tôi không báo trước và không quên được, tôi đã viết như nỗi đau trào ra, quặn lại và dẻo dai, như thân thể trút ra từng phần, dai dẳng gắng sức đến kiệt cùng theo đuổi một điểm khởi đầu, một nỗi miệt mài vô vọng, cuộc rượt bắt mệt mỏi và phi lý cái tôi… Tôi có thể hóa hình, nhưng xấu hổ nếu thấy từ ngữ giả trá. Thơ không thể là một kĩ xảo. Nhưng cũng có thể đó chỉ là nỗi tiếc xót không nguôi vì một thế giới tôi đã buộc phải chọn lựa trong ngôn ngữ…
Với riêng tôi, tìm kiếm các giấc mơ, những ẩn dụ, những đột khởi hình ảnh và ý tưởng…., hay bất cứ điều gì khiến tôi xúc cảm, suy nghĩ và bật ra, thì dù có mang tên gọi thế nào, trong bản chất, tôi tìm kiếm ngôn ngữ của thơ ca. Tôi muốn viết theo cách không gạch đi được một từ, viết theo cách không có hai lựa chọn. Cho nên, có những khi ý tưởng đến, tôi ngồi viết, nhưng nếu ngôn từ không đến với tôi, thì ý tưởng dù có hay ho, tôi cũng cảm thấy khó chịu và từ bỏ. Ở tập “Viết” cũng vậy, có những tác phẩm tôi đọc lại đến giờ và cảm thấy… lẽ ra tôi nên can đảm hơn.
Đặng Phú Phong: Trong bài thơ đầu tiên của tập truyện “Viết”, có tựa là “Hành Trình”. Những câu như:
Tôi đi
Gan bàn chân non nín thở đất mềm
Cười mỏng tang xanh cánh muỗm
Baylên
Gió lùa cỏ thơm vầng trăng dâng ngợp sáng
. . . . . . . . . . . . . .. . . . . . . .
Tôi dành dụm được những điều đi qua tôi
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Ồ tim mở vào thế giới
Ồ năm ngón
Xòe sao xa hân hoan
Xem này, tôi nảy ra….
Phải chăng “Hành trình” chính là sự dấn thân vừa hân hoan thơ thới vừa pha một chút sờ sợ của Nhã Thuyên vào cuộc chơi “ Viết” ?
Nhã Thuyên: Trong kho lưu lộn xộn của tôi, có quá nhiều những bài thơ hồi 17, 18, 19… Tôi sống bằng những khoảng thời gian ào ạt và biến chuyển. Hồi làm cuốn sách đầu tay, tôi lựa lại một ít, sau (may mà) (tỉnh táo) (và được một số góp ý quý) cứ loại dần loại dần. Dù đó vẫn là những bài thơ tôi yêu. Đến cuối cùng, bài Hành trình, tôi cũng định bỏ (vì nó lạc khỏi tập sách, cũng như một số truyện dài ở phần Truyện – những truyện tôi viết thời sinh viên – cả một loạt những tác phẩm thời sinh viên, sau này tôi không lục lại nữa – cũng là vì tôi lưu luyến với một phần tôi đã bỏ lại đằng sau). Nhưng mà… Lưu luyến quá. Dẫu sao, tôi cũng yêu cái không gian – tôi ở đó, nó hân hoan thơ thới, run rẩy (chứ không sờ sợ). Tôi xúc động như đứa bé chạm chân vào đất tơi – mà đến nín thở đi vì run rẩy. Và không phải là cuộc chơi “Viết” đâu. Tôi luôn hồi hộp chạm vào những vùng sống. Hồi hộp những động thái sống sâu kín. Dầu sau này, tôi nhiều lúc ngỡ ngàng (sợ hãi, hạnh phúc) biết rằng “Viết” chính là cuộc sống của mình cũng như nhiều lúc tôi nghĩ mình sẽ vứt bỏ hết.
Bây giờ, tôi có nhiều cuốn sách trong đầu, nhưng tôi thấy mình không “hiếu chiến”. Tôi viết, in hay không cũng được, gửi tiền vệ, damau, hay chỉ đăng blog cá nhân, thích thì xoá… Cảm giác đó tôi rất trọng vì tôi muốn và cần giữ sự bình yên của tôi, và cả sự kiêu ngạo của tôi. Nghệ thuật, rút lại, như bây giờ tôi nghĩ, chỉ có nghĩa trước hết với chính bản thân người sáng tạo ra nó (tôi không loại trừ bạn đọc là người sáng tạo). Mọi sự rẻ rúng hay tụng ca của người khác, nếu như chỉ là những lời lẽ xôm xoam ngoài mặt, nếu như chẳng phải anh tìm được ở tôi một điều gì đó – sự yêu thương, hay là thù ghét, giận dữ, sự gần gũi, những kích thích, hay một khoái thú chiêm ngưỡng, đọc, v.v… thì (tất nhiên) anh không quan tâm đến tôi và ngược lại.
Đặng Phú Phong: Trong bài thơ thứ tư với tựa là Viết cô đưa ra nhiều định nghĩa về hành động viết. Bằng một thứ ngôn ngữ thường hằng, cô có thể nói rõ hơn về quan niệm ấy của mình? Và thế nào là thuần túy hình thức?
Nhã Thuyên: Bài thơ ấy ngôn ngữ chưa tới, khá vụng dại, tôi không có hứng đọc lại hết. Có nhiều người nói với tôi rằng tôi viết khó hiểu, và họ nghĩ cái gì khó hiểu là “đi tìm hình thức thuần túy, xa lạ”. Tôi thấy quan niệm đó ấu trĩ, hài hước và nó ăn sâu vào nhiều đầu óc, tôi nghĩ, ở VN, nó gần như bắt nguồn từ nỗi sợ lẫn nỗi thèm hình thức, đặc biệt là những “của lạ”. Mặc kệ, khi đó, tôi chỉ say sưa với mình thôi. Tôi thích cái mới, thích bất cứ một tìm kiếm nào đem lại hứng thú, kích thích về ý tưởng, ngôn ngữ… nhưng tôi lại không khoái hóng theo các cách tân. Chúng mệt mỏi. Có lẽ lúc đó tôi đã gọi “thuần túy hình thức” là những cách tân/mạng rỗng, ở đó, khẩu hiệu, tuyên ngôn, nhan đề lớn, các phụ đề, các trích dẫn và quy chiếu, những cụm từ đóng hộp quan niệm… không đem lại được một khoái cảm nào hết, hoặc những thú vị ban đầu càng lúc càng bạc màu, trơ cảm. Đó có thể chỉ là cảm nhận của riêng tôi mà thôi. Sự say mê tìm kiếm hình thức, (thơ ca, tiểu thuyết…) sẽ trở nên mệt mỏi và trống rỗng khi nó tự cho mình độc quyền là/được cho là CÁCH TÂN, vì khi đó, nó như miếng đất bạc màu vậy.
Chỉ có những tác phẩm cụ thể mới kiểm chứng được cảm giác/lý thuyết của mỗi người thôi. Quan niệm luôn ở dạng thể lỏng, và bao chứa tất cả. Nó biến đổi, đả phá nhau. Nói về một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ thế này: một bài thơ/tác phẩm trên mặt giấy/mạng… nó chỉ là một phần của bài thơ/tác phẩm mà người viết đã viết từ trong đầu và cả sau khi dừng ở chữ cuối cùng. Nó là một mạch đi, nhưng chỉ hiện diện như một lát cắt dễ nhìn nhất. Nó hiện diện rồi, thì tôi không còn quan tâm đến nó như kẻ viết ra nữa. Tôi chẳng phải kẻ vừa giết chết những ý nghĩ, cảm xúc của mình – ở dạng phức tạp, sống động hơn hết, để đổi lấy việc được hiện diện giữa mọi người, và được nhận khen/chê/vô cảm? Những quan niệm sẽ đến và lại biến mất. Tôi nghĩ, chẳng thể nào tìm được một nội dung minh xác của quan niệm viết, hoặc chỉ tìm được rõ ràng khi nó đã chết mà thôi – khi đó, nó chỉ còn là một cái – xác –quan – niệm. Ngay cả những người cả đời họ tâm niệm một quan niệm nào đó, thì tôi nghĩ, đó cũng chỉ là một cách nói, vì mỗi tác phẩm (phải được) là một động thể.
Đặng Phú Phong: Nếu như “quan niệm sẽ đến và lại biến mất” như cô nói thì chẳng lẽ thế giới này chỉ sống bằng hoài nghi sao? Và như vậy tác giả là kẻ vong thân trong sáng tác?
Nhã Thuyên: Thế giới không sống yên ổn được bằng hoài nghi, nhưng những cá nhân có thể chẳng còn lại gì ngoài những hoài nghi, ở một nghĩa tích cực của từ này, bởi với tôi, đó chính là Biến Đổi. Điều này cũng là khác biệt ở các cá nhân. Những vùng suy nghĩ của tôi không thể đứng yên, thì tôi có thể không biến đổi quan niệm được không? Tự nhiên tôi nhớ một ý của Lê Đạt, đại ý rằng Don Juan là kẻ chung tình nhất: chung tình với Tình Yêu. Với văn chương, có lẽ tôi cũng là một kẻ chung tình như vậy.
Anh nói tác giả là kẻ vong thân trong sáng tác cũng rất … thú vị về hình tượng. Mỗi tác phẩm là một sự vong thân – nhưng chính ở đó, tôi đi vào mình sâu nhất.
Đặng Phú Phong: Qua “Viết”, từ cách xây dựng nhân vật trong các truyện ngắn cũng như tư tưởng trong những bài thơ, tôi có một nhận xét như thế này: Nhã Thuyên đã viết như dịch những tác phẩm ngoại quốc, hay nói một cách khác nhân vật và tư tưởng trong Viết có cung cách của ngoại quốc hơn Việt Nam. Cô nghĩ sao về nhận định này?
Nhã Thuyên: Cảm ơn cảm nhận của riêng anh. Nhưng cái gì để phân biệt ngoại quốc và Việt Nam, tôi chưa rõ. Tôi chỉ thấy …đáng giật mình nếu người ta đồng loạt bảo tôi không biết viết tiếng Việt. Còn lại, nhân vật, tư tưởng, v.v tôi không nghĩ mình… lạc lõng vậy đâu.
Đặng Phú Phong: Theo tôi thấy tình yêu trong Viết không đẹp lóng lánh, không biết cười mà nó thô nhám, có khi nó xa lạ với chính nó. Nếu đúng như vậy thì cô chưa bao giờ có kinh nghiệm thật sự về tình yêu và cô đã đứng trên một độ chênh triết lý để viết về tình yêu?
Nhã Thuyên: Tình yêu là kẻ lạ mặt tôi hằng quen biết. Dù có nói cạn lời, nó vẫn là một bí ẩn bất khả nắm bắt với đáp số là vô cùng. Với tình yêu, ai là kẻ có kinh nghiệm thật sự được đây? Và ai là kẻ đang yêu say đắm lại có thể “hớn hở” mãi về nó? Ai là kẻ không xa lạ với chính mình? Trong mọi trường hợp, tôi không phải một kẻ – yêu – hớn –hở.
Tôi yêu một người yêu giấu mặt đằng – sau –các –bài – thơ, kẻ đó vô tận hơn tất cả những bài thơ mà tôi chưa bao giờ phải cố gắng để viết.
Đặng Phú Phong: Nãy giờ chúng ta nói chuyện về cuốn Viết với cô trong vị trí là tác giả. Giờ tôi ví dụ cô là độc giả (không hề quen biết với tác giả) , cô thấy gì ở người viết tác phẩm này?
Nhã Thuyên: Hắn nói nhiều và có vẻ…thiếu tỉnh táo.
Đặng Phú Phong: Truyện“Kinh Nghiệm cảm giác” (“Ngón Tay Út”), đọc những dòng cô viết:
Mỗi sáng thức giấc, tôi lại hoảng hốt bởi một ngày mới
Mặt trời sẽ mọc ở đâu?
Mặt trời sẽ mọc ở đâu?
Có chảy tràn trề máu như trong đêm không?
Tôi có cảm giác cô bị ám ảnh thường trực bởi những tư tưởng muốn khám phá những gì vốn được xem như là chân lý. Ví dụ như mặt trời sẽ đương nhiên mọc (rise), và sẽ mọc phương đông (east). Và, dĩ nhiên đó chỉ là khái niệm. Có phải tự cô muốn tìm muốn khái niệm khác cho riêng cô đối với cuộc đời? Tại sao cô đang “ở trong giai đoạn gây sự với chính mình”?
Nhã Thuyên: Tôi thường bị ám ảnh bởi những giấc mơ, và có những giai đoạn, tôi chìm đắm trong thế giới của những cơn mơ đến nỗi gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp với cuộc sống thực tế vào ban ngày. Tất nhiên, tôi coi trọng thế giới riêng tư đó và muốn lưu giữ chúng trong nghệ thuật, văn chương. Từ quan niệm cá nhân, tôi vẫn tin vào một thế giới khác, vào sự tồn tại của những linh hồn, sự bí ẩn kì lạ khó phân giới giữa cái (vẫn được coi) là thực và cái hư huyễn của nội tâm, của cảm giác, của suy tưởng. Tôi khao khát đi vào cái bí ẩn của những linh hồn sống và chết và bởi thế, tôi tìm đến cái ảo diệu, siêu thực… Nhưng tất cả những điều đó thiên về kinh nghiệm và cảm thức cá nhân hơn là sự ảnh hưởng của các chủ nghĩa, dù chủ nghĩa siêu thực có sức hút mạnh mẽ với tôi và tôi học được nhiều từ đó.
Việc “gây sự với chính mình” có lẽ là một nhu cầu thường trực. Tôi không chịu nổi mình nếu thấy mình nhợt nhạt, vô cảm, lười nhác. Mà cuộc sống thường nhật luôn dễ dàng cuốn người ta vào những trạng thái sống như vậy. Không phải “thời gian ăn cuộc đời” (Bauderlaire) mà hình như cuộc đời ăn ruỗng thời gian sống của con người… Mọi thứ sẽ vận động về phía tàn lụi, bị hủy hoại nếu không tìm cách chống lại nó. Tôi sợ hãi trạng thái đó.
Đặng Phú Phong: Trong tập thơ “Rìa Vực” và tập truyện ngắn “Ngón Tay Út” cô cho in lại một số bài trong “Viết”. Tại sao?
Nhã Thuyên: Mỗi khi vô tình ai đó nhắc đến cuốn Viết, tôi thường có một cảm giác… xấu hổ vô cớ, và ao ước rằng được làm lại cuốn sách này, với cái đầu tỉnh táo hơn và nhiều can đảm loại bỏ hơn, dù tôi mất rất nhiều thời gian cho nó. Viết, gần như một sự chọn lọc lại trong những bung xả mà tôi nghĩ phần ý thức tìm tòi ít hơn phần “bản năng hồn nhiên”. Sau đó, tôi hướng tới việc định hình rõ hơn bút pháp và ngôn ngữ cũng như một “cấu trúc” nào đó cho các cuốn sách. Tập thơ “Rìa vực” hoàn thiện năm 2009 nhưng có một lịch sử khá dài dòng. Lúc đầu tôi lấy tên là “Chạm mặt sống”, với bài thơ dài cùng tên làm “xương cốt” đã đăng trên Damau, cùng những tác phẩm không xuất hiện trong Viết dù cũng nối tiếp nó. Nhưng sau, tôi quyết định bỏ bài thơ “Chạm mặt sống” ra. Bài thơ này tôi cấu trúc như những giọng đối thoại, các phần đặt cạnh nhau như một màn kịch, được hoàn thành trong một giai đoạn cảm xúc căng thẳng, nhiều bất bình trong lòng, nhiều bức bối, muốn phá bỏ… nên sau một thời gian dài đọc lại, tôi thấy mình có ý hướng… tuyên ngôn và đại ngôn, nhiều vội vàng, mạnh mẽ nhưng lại thiếu sâu lắng, và có gì đó… không phải là tôi. Tôi nhận ra một mạch nối tiếp “Viết”, và quyết định chọn lọc lại một số bài và tất nhiên, đổi tên. Cả “Rìa vực” (tôi đã gửi bản thảo cho NXB Giấy Vụn và sẽ phát hành ebook song song trong thời gian tới) và Ngón tay út (hoàn thành bản thảo năm 2010 -2011) đều có lấy lại một phần trong Viết, mang tính chất lọc lại và nối tiếp. Đó không phải là giải pháp tôi thích, nhưng cần thiết cho sự định hình với cá nhân tôi và cho những tìm tòi khác của thì…chưa đến. Tôi sẽ trở lại với bài thơ “Chạm mặt sống” ở một khoảng cách khác.
Đặng Phú Phong: Qua câu trả lời này, rõ ràng là cô đang “gây sự với chính mình”. Như nhịp chạy của xe lửa: xình xịch xình xịch tới lui tới lui. Cô có nghĩ rằng mình sẽ mãi mãi dằng co với những điều đáng ra phải quên đi hay ít ra chỉ để đó. Co cưỡng, niu kéo thì làm sao có lối thoát, trong khi tác phẩm tự nó sẽ sống hay chết, không cần một sự giải thích từ người sinh nó ra?
Nhã Thuyên: Đúng vậy, tôi đang làm mọi việc để “kết thúc” nó, để cho mọi thứ được quên đi và để đó, để sẽ không phải xình xịch xình xịch tới lui. Tôi không bận tâm việc giải thích cho độc giả về tác phẩm của mình hay những bình luận về nó, tôi chỉ bận tâm về sự bất toàn của bản thân mà thôi.
Đặng Phú Phong: Và câu chuyện rất thú vị của chúng ta cũng “kết thúc” ở đây. Rất cảm ơn Nhã Thuyên.
——————–
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ