Trên phố cổ

1

Mãi đến năm 1986, ba tôi mới về lại nơi mà ông sinh ra và lớn lên rồi ra đi. Tôi theo Ba đi Hà Nội lần đầu tiên. Năm ấy, không hiểu vì mưa phùn trong cái rét tháng Ba hành hạ bệnh đau bao tử của Ba hay vì lý do nào khác mà tôi đọc được trong mắt ông một nỗi buồn đến nhức xương khi hai cha con từ trên xe lửa bước xuống ga Hàng Cỏ. Ngồi xích lô đến khách sạn trên đường Trần Hưng Đạo, tôi nghe rõ hai hàm răng Ba đánh vào nhau lập cập. Làm sao tôi biết được những gì diễn ra trong lòng Ba khi ông trở về thành phố một thời tuổi trẻ sau 32 năm xa cách?

“Hà Nội ngày tháng cũ. Có bóng trăng thơ in trên mặt hồ. Hà Nội ngày tháng cũ. Có tiếng oanh ca bên bờ tường vi” (*). Tôi rủ Ba đi xe điện từ bờ hồ đến Hà Đông hay ngồi cùng Ba trong nhà hàng Thủy Tạ ở bờ hồ ăn ly kem buốt răng, cóng miệng, ngắm phố phường kẻ qua, người lại vòng quanh. Hai cha con đi bộ trên những con đường rợp bóng cây, Ba chỉ cho tôi những nơi ngày xưa ông từng ở trọ đi học. Có cô con gái bà hàng cơm với lòng nhân từ vô bờ bến đã hào phóng tặng thêm cho cậu học trò tỉnh lẻ một vá cơm, tí canh; có cô láng giềng thường ra phơi quần áo dưới sân là điểm ngắm cho các cậu học trò tinh nghịch trên gác … Đó là phố cổ.

Tác giả và ông cụ thân sinh ở Hà Nội năm 1986

Và cũng từ ấy, với tôi, Hà Nội chỉ loanh quanh bờ hồ, phố cổ mỗi lần có dịp ra đây. Là lang thang, ngắm nghía, chụp hình, quan sát nếp sinh hoạt người phố cổ. Những chuyến đi lần nào cũng vội, lớt phớt ngắm nhìn bên ngoài đủ để nhớ Ba, nhớ có những người đàn ông theo thói quen xưa, sáng sớm quần áo “đóng thùng” thẳng thớm ra đứng trước nhà … mà sau này tôi không còn thấy nữa. Ngắm những bà cụ tóc búi gọn gàng kiểu cách, hay vấn khăn ngồi trên ghế nhìn xa xăm … Tôi không biết mặt bà Nội nhưng tôi hình dung bà tôi giống những người phụ nữ cũ kỹ ấy. Một năm sau ngày Ba tôi đi thì ông bà mất, hơn một năm sau nữa Ba tôi nhận được tờ điện tín từ  Bắc gởi vào. Khi ấy tôi chưa ra đời, làm sao tôi biết được “nỗi lòng người đi” qua ánh mắt buồn (mà tôi đoán) không thể nào buồn hơn của Ba khi ấy. “Hà Nội ngày tháng cũ. Mãi mãi theo tôi trôi trên biển đời. Hà Nội ngày tháng cũ. Như mây như mưa trong cuộc tình tôi” (*).

Bên Hồ Gươm buổi sáng

2

Cho đến vừa rồi, tôi mới thực sự có một ngày “sống chậm” ở phố cổ. Không còn chút gì của những ngày xưa cũ tôi theo Ba. Người đông hơn, đường phố chộn rộn nhộn nhịp, hơi rối mắt không hẳn là vội mà cũng không phải là chậm.

Tiệm bánh gối nổi tiếng gần Nhà thờ Lớn buổi sáng khá vắng khách. Không như 3 năm trước tôi đến đây vào buổi tối, chật ních người, bước lên tầng gác trên cùng may mắn mới còn một bàn trống.

Cô bạn tôi, dân phố cổ từ thời cha sinh mẹ đẻ bây giờ không còn ở đây nữa vì nhà đã bán hơn 10 năm trước, nhưng thói quen của cô sáng nào cũng bắt xe lên phố cổ chỉ để uống ly cà phê, nói vài câu chuyện với vài người quen, hết buổi sáng rồi về nhà làm gì thì làm. Cô nói: “Người phố cổ là vậy đó chị. Rời đi rồi, nhưng thói quen thì khó bỏ được”.

Cà phê phố cổ ở tít bên trong

Lần đầu tiên tôi ngồi cà phê phố cổ. Lối vào mà tôi không biết đó là hẻm hay hành lang dẫn ra sau một căn nhà, bên trong có vài ba cửa tiệm bán quần áo, hàng lưu niệm, tiệm may … Tôi nghĩ giá thuê chắc phải cao lắm. Lối đi tối hẹp rồi sáng dần và quán cà phê khá đặc biệt bởi tôi không biết không gian quán ở khu vực nào, liệu tiếp ra phía sau còn tiệm bán buôn khác nữa không?

Căn phòng nhỏ ở tầng trệt, bộ bàn ghế kiểu xưa, trên tường trang trí những bức tranh Hà Nội cũ … một nhóm khách không còn trẻ đang chụp hình cười nói mà tôi biết chắc là sau đó những tấm hình được bung ra, xem xét kỹ càng rồi đưa lên facebook.

Cầu thang cũ kỹ dẫn lên tầng lửng chỉ có hai người khách khi chúng tôi bước vào. Từ đây tôi có thể ngắm ngôi nhà mà thật sự tôi không biết nguyên thủy nó thế nào. Cô bạn kêu cà phê trứng và cà phê muối. Tôi không ngăn được tò mò xách máy hình đi lên các tầng trên. Một gian nhà cửa để mở, tôi đoán người ở phía sau vì phía trước có bàn thờ xưa của một gia đình có vẻ giàu có, phong cách.

Bên trong cà phê phố cổ

Từ đây có thể nhìn sang nhà kế cận, tuy thoáng đãng thấy được bầu trời nhưng che chắn lộn xộn, chắp vá không biết là nhà ở hay buôn bán. Tôi lên các tầng trên một cách cẩn thận vì bậc cấp cầu thang xoáy trôn ốc hơi cao. Một không gian cà phê trong nhà. Những bức tranh trên tường cố tình tạo thêm nét xưa, buồn buồn cũ kỹ. Vài người ngồi im lặng bên điện thoại hay máy tính … Tầng cuối cùng là sân thượng có mái che, phía xa một cái hồ rộng, chung quanh lô nhô mái nhà. Những người khách nước ngoài vẻ như đang tận hưởng một chỗ ngồi yên ắng quen thuộc trong lòng một không gian phố chật chội, ồn ã.  Không có gì lạ nữa, tôi quay xuống.

Bữa trưa, tôi ngỏ ý muốn ăn ổ bánh mì Hà Nội chính gốc. Cô bạn bắt xe ôm đi về 30 ngàn đồng, mua bánh mì 60 ngàn đồng một ổ. Cô nói: “Cả đời bố em chỉ ăn bánh mì này. Em cũng thích mỗi bánh mì hiệu này”. Tôi mở ổ bánh mì, chiếm trọn là khối pâte hình chữ nhật thuôn dài, bên dưới còn jambon, thịt nguội … Khá hấp dẫn.

Tháp Rùa

Một ngày lang thang phố cổ, những nhận xét của tôi chỉ là trong ngày ấy, thời điểm ấy. Tôi thấy khách du lịch phương Tây không nhiều bằng khách Ấn Độ. Người đông đến mức cảm giác quay qua, quay lại có thể đụng nhau. Những cửa tiệm bán hàng lưu niệm, đặc sản, quần áo… trông không sang trọng và hơi màu mè. Những chiếc xe đạp trên đó là hoa hay trái cây, hàng rong ăn vặt; xe cộ chật chội trên đường tạo cho phổ cổ một diện mạo khá lộn xộn, đặc biệt là khá nhiều rác giấy, bị nylon, lá cây … Một phụ nữ đội nón lá, cầm cây chổi quét rác và hốt vào một cái thùng rác có bánh xe đẩy. Tôi hỏi chị là nhân viên của công ty vệ sinh hay sao mà quét rác  lúc đông người vậy? Chị trả lời chị ở trong đội tự quản của phường.

Tôi đứng lại nhìn bao quát phố cổ. Nhà ống, cửa kính, lầu cao, sắc màu xanh đỏ và khách du lịch cũng như chúng tôi vừa đi vừa dòm ngó. Những chiếc xích lô đạp trang trí mui rèm vàng đỏ, người bán, người mua, tiếng chào mời tạo nên một âm thanh hỗn tạp … Một phố cổ Hà Nội trong mắt tôi vừa chen chúc sắc màu, vừa bộn bề chật chội … Tôi không mua gì nên không biết cảm giác bị “chặt chém” mà nhiều người đã từng.

Nhà Thờ Lớn Hà Nội, chỗ này lúc nào cũng đông đúc

Chiều hôm ấy chúng tôi chọn tiệm “Bún chả Obama”. Quán sạch sẽ, không phải chờ đợi lâu. Tôi quan sát đa phần là khách nước ngoài, bàn cạnh chúng tôi có hai người Nhật, họ ăn và uống bia, nói chuyện nho nhỏ …

Chạng vạng, em gái tôi ngỏ ý muốn đến Đền Ngọc Sơn. Một cơn mưa nhỏ vừa đi qua, Hà Nội chớm đông nên trời se mát. Cô bạn ngồi ở một quán bên đường uống chén trà mạn chờ chúng tôi. Một nhóm khách nước ngoài đang “thỏa thuận” gì đó với xích lô đạp. Đêm, vẫn là chật ních người và xe, chộn rộn nhưng trong một nhịp điệu không vội vã như Sài Gòn. Có lẽ vì ít tiếng còi xe chăng?

2 năm sau lần trở về Hà Nội ấy, Ba tôi mất. Phố cổ Hà Nội với tôi chỉ còn là nỗi nhớ Ba mỗi khi có dịp ra đây. “Ai ra đi mà không nhớ về. Trường Thi ngày ấy ta bên nhau. Ai ra đi mà không nhớ về. Hồ Gươm mù bóng gươm xưa…” (*)

ĐTTT

(*) Lời bài hát “Hà Nội ngày tháng cũ” của Song Ngọc