bài đáng đọc : Cuộc đời & sự nghiệp nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông -- trích: chuyenxua.net
Cuộc đời & Sụ nghiệp Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông
chuyenxua.net
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông nguyên là một đại tá quân đội trước năm 1975, tuy nhiên ông được biết đến nhiều hơn với vai trò là nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, và cũng là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của dòng nhạc vàng trước 1975.
Ông là tác giả của các ca khúc được nhiều thế hệ yêu thích trong hơn nửa thế kỷ qua: Chiều Mưa Biên Giới, Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, Phiên Gác Đêm Xuân, Sắc Hoa Màu Nhớ…
Nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác khá đa dạng, từ những ca khúc phổ thông đại chúng đến những bài hát được đánh giá cao về nhạc thuật với lời ca trau chuốt. Ngoài bút danh là tên thật Nguyễn Văn Đông, ông còn dùng các tên khác là Phượng Linh, Vì Dân… và sáng tác cổ nhạc với bút danh Đông Phương Tử. Ông được xem là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng và phát triển thể loại nhạc tân cổ giao duyên.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sinh năm 1932 tại Sài Gòn trong một gia đình là điền chủ có nhiều ruộng đất ở Tây Ninh. Nhờ có điều kiện khá giả nên ông được cha mẹ thuê thầy riêng về dạy học bậc tiểu học tại tư gia. Lên trung học, ông theo học ở trường Huỳnh Khương Ninh ở Dakao. Năm 14 tuổi, Nguyễn Văn Đông học trường Thiếu sinh quân Đông Dương tại Vũng Tàu, là trường võ bị đầu tiên và lâu đời nhất của Việt Nam. Trường Thiếu sinh quân tại Vũng Tàu thập niên 1960 nhìn từ trên cao
Tại ngôi trường nổi tiếng này, ông được học nhạc với các giáo sư âm nhạc người Pháp, rồi sau đó trở thành một thành viên của ban quân nhạc thiếu sinh quân, sử dụng được nhiều loại nhạc cụ khác nhau như trumpet, trống, đàn madoline và đàn guitar Hawaii. Năm 16 tuổi ông đã bắt đầu sáng tác với ca khúc đầu tay mang tên Thiếu Sinh Quân Hành Khúc.
Năm 1951, khi 19 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông tốt nghiệp Tú tài 1 tại trường Thiếu sinh quân và gia nhập Quân đội Quốc gia Việt Nam và được cử theo học trường võ bị Vũng Tàu, sau đó là trường Võ bị Đà Lạt. Đến năm 1955, ông gia nhập quân lực VNCH vừa mới được thành lập và nhiều lần được trực chiến tại vùng Đồng Tháp Mười. Đây cũng là thời gian ông bắt đầu sáng tác những ca khúc nổi tiếng có thể xem là đã đặt nền móng cho thể loại nhạc vàng, đó là Phiên Gác Đêm Xuân và Chiều Mưa Biên Giới. Quân hàm cuối cùng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là Đại tá, đó cũng là cấp bậc cao nhất mà một nhạc sĩ miền Nam có được
. Vì vậy sau này, nhiều người gọi ông là Nhạc sĩ – Đại tá Nguyễn Văn Đông. Với vai trò là một nhạc sĩ trong quân ngũ, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã có rất nhiều đóng góp trong lĩnh vực âm nhạc, cả về vai trò sáng tác lẫn vai trò quản lý. Ngay từ thập niên 1950, ông thành lập Đoàn văn nghệ Vì Dân quy tụ được rất nhiều nhạc sĩ tên tuổi đương thời như nhạc sĩ Mạnh Phát, Thu Hồ, Minh Kỳ, Hoài Linh, ca sĩ Khánh Ngọc, quái kiệt Trần Văn Trạch…
Ông cũng tổ chức và điều khiển các chương trình đại nhạc hội khắp nơi ở miền Nam. Năm 1958, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông là trưởng ban ca nhạc Tiếng Thời Gian trên đài phát thành Sài Gòn, sau đó là trưởng ban tổ chức Đại hội thi đua văn nghệ toàn quốc với sự tham dự của 40 Đoàn văn nghệ khắp miền Nam. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và nhạc sĩ Lê Mộng Bảo – giám đốc Tinh Hoa Miền Nam Đáng chú ý hơn cả là ông còn là giám đốc của 2 hãng dĩa nhạc danh tiếng Sơn Ca và Continental, đóng góp cho làng nhạc Sài Gòn hàng ngàn bản thu âm vẫn còn được công chúng tìm nghe cho đến ngày nay.
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể như sau:
“Vàᴏ năm 1960, tôi và người bạn ᴄaᴏ niên tên là Huỳnh Văn Tứ, một nhà dᴏanh nghiệp ᴄó tiếng ở Sài Gòn, ᴄùng đứng ra sáng lập hãng dĩa Cᴏntinental và Sơn ᴄa. Ông Huỳnh Văn Tứ phụ trách giám đốᴄ sản xuất, tôi phụ trách giám đốᴄ nghệ thuật. Chủ trương ᴄủa chúng tôi là nhắm vàᴏ hai bộ môn tân nhạᴄ và sân khấu ᴄải lương, ᴄa ᴄổ. Về lãnh vựᴄ tân nhạᴄ, tôi chᴏ ra đời hàng trăm chương trình mang dấu ấn ᴄủa hãng Cᴏntinental, Sơn Ca, Premier…
” Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và ông Huỳnh Văn Tứ, những người sáng lập hãng băng dĩa danh tiếng Sơn Ca, Continental Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng là người đã tiên phong thực hiện album riêng cho từng ca sĩ mà trước đó chưa từng ai làm. Đầu tiên là tiếng hát Phương Dung với Sơn Ca 5 và 11, Giao Linh – Sơn Ca 6, Khánh Ly – Sơn Ca 7, ca sĩ Sơn Ca trong băng Sơn Ca 8, Lệ Thu – Sơn Ca 9, Phương Dung – Sơn Ca 5, Thái Thanh và Ban Thăng Long – Sơn Ca 10…
Với vai trò là giám đốc những nhãn hiệu băng dĩa nổi tiếng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã phát hiện, đào tạo và lăng xê và là thầy của các nữ ca sĩ đã trở thành huyền thoại của nhạc vàng, nổi tiếng nhất là Thanh Tuyền và Giao Linh. Ngoài ra ông cũng gắn bó với nữ ca sĩ Hà Thanh, người đã hát thành công nhiều ca khúc của ông. Những sáng tác tiêu biểu nhất của Nguyễn Văn Đông là Chiều Mưa Biên Giới, Phiên Gác Đêm Xuân, Nhớ Một Chiều Xuân, Hàng Hàng Lớp Lớp, Thương Về Miền Đông Biên Giới, Sắc Hoa Màu Nhớ, Bóng Nhỏ Giáo Đường, Mấy Dặm Sơn Khê
… Với bút danh Phượng Linh, ông sáng tác những ca khúc thể loại bình dân đại chúng là Khi Đã Yêu, Đom Đóm, Thầm Kín, Đoạn Tuyệt… Phong cách sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông rất đa dạng, và có nhiều ca khúc có nét riêng biệt, dù là nhạc đại chúng hay nhạc mang tính chất thính phòng đều được ông trau chuốt cả phần nhạc lẫn lời. Trong một số sáng tác nổi tiếng của mình, nhạc sĩ thường sử dụng các điển tích, điển cố.
Điển hình là bài Chiều Mưa Biên Giới: “Vầng trăng xẻ đôi, vẫn in hình bóng một người” Hình ảnh vầng trăng xẻ đôi, tượng trưng cho sự chia ly, có lẽ được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông dựa theo hai câu thơ nổi tiếng trong Truyện Kiều của Nguyễn Du tả cảnh Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều: “Vầng trăng ai xẻ làm đôi Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường” Bên cạnh đó, ta cũng cần chú ý tới câu: “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng…” Đây là một trong những câu hay nhất trong nhạc phẩm này, trong đó “Công, hầu, khanh, tướng” là bốn tước vị, chức vụ cao trong triều đình phong kiến xưa
. Khi lòng người vẫn còn đầy thù hận, vẫn còn tơ vương nào là khanh với tướng, thì những khổ ải còn gieo, đau thương còn dài, và phận người cũng chỉ như là chiếc lá nhỏ bé ở đường trần mưa bay gió cuốn mà thôi. Còn trong bài hát mang tựa đề chỉ có 1 chữ là “Anh”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sử dụng cả ý thơ cổ và điển cố văn học, rất hay và cũng không kém phần khó hiểu. Trước hết là câu: “Trên bốn ngàn năm qua, dải sơn hà đôi phen thạch mã” .
Theo tác giả Khương Duy giải thích trong bài viết mang tên “Điển cố và thơ cổ trong nhạc Nguyễn Văn Đông”, nghĩa đen của chữ “Thạch mã” là con ngựa đá. Để hiểu câu này, lật lại sử đời nhà Trần vào thế kỷ 13, sau khi hai lần đánh thắng quân Nguyên-Mông, vua Trần Nhân Tông cùng quần thần tới bái tế tại Lăng vua Trần Thái Tông.
Nhìn con ngựa đá nơi cửa lăng lấm bùn, ông xúc cảm làm bài thơ: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá Non sông nghìn thuở vững âu vàng) Như vậy, nhắc tới “đôi phen thạch mã”, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã khéo léo dùng ý thơ của vua Trần, nhắc lại lịch sử binh đao giữ nước của dân tộc.
Ngoài ra, nhạc sĩ còn viết: “Chim Bắc cành Phương Nam, há chi người ơn nghĩa thâm sâu”. Để hiểu được câu này thực sự không dễ; thơ xưa có câu: “Hồ mã tê Bắc phong Việt điểu sào Nam chi” (Ngựa Hồ gầm gió Bắc Chim Việt đậu cành Nam) Sách xưa có chép: Nước Hồ đem ngựa cống vua Hán, ngựa được nhốt vào chuồng cho ăn uống thật ngon nhưng khi gió bấc thổi đến thì ngựa lại bỏ cả ăn uống, ngóng về phương bắc hí vang lên những tiếng bi thảm. Nước Việt cống chim trĩ cho Chu Vương, tuy đã sang phương Bắc nhưng khi ngủ đều chọn cành quay đầu về hướng Nam. Cũng có sách giải thích rằng: Chim Việt là loài chim sinh ở đất Việt, thuộc phía nam. Mỗi năm cứ đến buổi đầu thu, từng đàn chim Việt bay sang phương Bắc để kiếm ăn. Tuy sang phương Bắc nhưng đàn chim Việt vẫn nhớ quê hương. Muốn làm tổ, chúng chọn cành cây chĩa về phương Nam.
Dù hiểu thế nào, “ngựa Hồ, chim Việt” cũng mang ý nghĩa nhắc nhở về mối ân tình với quê hương, bản quán. Nguyên văn hai câu hát mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết trong ca khúc “Anh”: “Vui sướng gì đâu anh, chốn quê người vui riêng hạnh phúc Chim Bắc cành phương Nam, há chi người ơn nghĩa thâm sâu” Một trường hợp khác nữa là bài Khúc Tình Ca Hàng Hàng Lớp Lớp, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã sử dụng điển tích tráng sĩ Kinh Kha và bạo chúa Tần Thủy Hoàng: “Nhìn em muốn nói chuyện người Kinh Kha” Cũng theo tác giả Khương Duy, “Chuyện người Kinh Kha” ngụ ý việc trọng đại nhưng hiểm nguy, không rõ sống chết..
Chính vì thế, trước khi lên đường, chàng trai không nỡ nói về điều ấy, bởi anh “sợ khơi nước mắt nhạt nhòa môi em”. Liên quan tới tích truyện này, tương truyền khi lên đường, tại bờ sông Dịch, Kinh Kha đã ứng tác hai câu thơ: Phong tiêu tiêu hề, Dịch thuỷ hàn Tráng sĩ nhất khứ hề, bất phục phản (Gió đìu hiu sông Dịch lạnh lùng ghê Tráng sĩ một đi không trở về) Ý “một đi không trở về” của điển tích này từ đó đã trở thành kinh điển trong văn chương.
Có lẽ cũng do đây mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết trong ca khúc mang tên Mấy Dặm Sơn Khê rằng: “Mấy ai ra đi hẹn về dệt nốt tơ duyên”. Click để nghe Thái Thanh hát Mấy Dặm Sơn Khê trước 1975 Ngoài những ca khúc nổi tiếng được ký bút danh Nguyễn Văn Đông, nhạc sĩ còn sử dụng một cái tên khác là Phượng Linh, trong những ca khúc dành cho khán giả đại chúng, như là Khi Đã Yêu, Đom Đóm, Thầm Kín, Đoạn Tuyệt, Bóng Nhỏ Giáo Đường, Cay Đắng Tình Đời, Chiếc Bóng Công Viên, Cô Nữ Sinh Gia Long, Dạ Sầu, Lời Giã Biệt, Niềm Đau Dĩ Vãng, Thương Về Mùa Đông Biên Giới…
Có thông tin cho rằng một số trong những ca khúc ký tên Phượng Linh này vốn không phải của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sáng tác, mà là của một số nhạc sĩ khác vốn là thuộc quyền của ông tại hãng dĩa Continental viết, rồi nhờ ông sửa lại và cùng thống nhất ký tên là Phượng Linh. Tuy nhiên chi tiết này chỉ là phỏng đoán và chưa được xác thực
. Ngoài lĩnh vực tân nhạc thì nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông cũng có đóng góp to lớn cho cổ nhạc khi đã viết nhạc nền và đạo diễn cho trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng với bút danh Đông Phương Tử, đặc biệt là các vở Nửa Đời Hương Phấn, Đoạn Tuyệt, Tiếng Hạc Trong Trăng. Ông cũng là người có sáng kiến hát tân cổ nhạc chung, đến nay người ta vẫn gọi là tân cổ giao duyên.
Sau năm 1975, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đi tù 10 năm và trở về với sự suy sụp cả về tinh thần lẫn thể xác. Với thời gian tù đày lâu như vậy, ông hoàn toàn đủ điều kiện để ra đi diện HO, nhưng ông đã từ chối vì muốn sống những năm còn lại của cuộc đời tại quê hương. Suốt hơn 30 năm sau đó, hàng ngày ông phụ vợ bán bánh mì vào mỗi buổi sáng tại nhà riêng ở đường Nguyễn Trọng Tuyển cho đến khi qua đời năm 2018.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông sống lặng lẽ, khép kín, ít tiếp xúc với công chúng, chỉ nhận lời gặp thân hữu. Các trung tâm âm nhạc hải ngoại nhiều lần mời ông sang để làm chương trinh, nhưng ông đều từ chối, hoặc khi nhận lời thì đều gặp sự cố nên không đi được. Sau khi ông qua đời, Trung tâm Thúy Nga thực hiện chương trình Paris By Night 125 – Chiều Mưa Biên Giới để vinh danh dòng nhạc và tưởng niệm ông.
chuyenxua net
===========
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ