Chủ Nhật, 10 tháng 12, 2023

bài đáng đọc : Đôi điều ít biết về nhà văn NGUYÊN VŨ [ i.e. Vũ Ngự Chiêu 1942 - / Hoa Ky -- bài viết": Du Tử Lê [ i.e. Lê Cự Phách 1942- 2032 -- trích: Internet .

 Ðôi điều ít biết về nhà văn Nguyên Vũ


Du Tử Lê

Ðầu thập niên 1960s, khi chiến sự bắt đầu lan tràn, chính quyền miền Nam VN, đã ban bố chính sách động viên, quân dịch. Vì thế, hầu hết thanh niên thời đó, phải nhập ngũ. Cũng chính vì thế mà, số lượng những người cầm bút cũ cũng như mới mặc áo lính, được ghi nhận là một con số đáng kể.

Sinh hoạt quân đội, chiến tranh, dù muốn hay không cũng là môi trường phong phú, giàu có chất liệu cho những người làm công việc sáng tác ở tất cả mọi lãnh vực; từ thơ, văn tới âm nhạc, kịch nghệ, điện ảnh…


Từ trái qua: Nhà thơ Ngọc Hoài Phương, nhà văn Nguyên Vũ. (Hình: NHP)

Những cây bút chọn khía cạnh quân đội, chiến tranh làm đề tài chính hoặc, nghiêng nặng về lãnh vực này, được dư luận xếp vào hàng ngũ “những nhà văn quân đội.”

Nhưng không phải nhà văn quân đội nào cũng được người đọc đón nhận, như một tác giả nổi tiếng. Có số lượng sách tiêu thụ lớn.

Số nhà văn quân đội nổi tiếng với những tác phẩm (thơ cũng như văn) của họ, có thể kể những tên tuổi về thơ, như có Tường Linh, Phạm Văn Bình, hay Linh Phương… Cả hai nhà thơ sau, đều nổi tiếng nhờ có thơ được cố nhạc sĩ Phạm Duy soạn thành ca khúc. (Phạm Văn Bình với ca khúc “Chuyện Tình Buồn,” và “Mười Hai Tháng Anh Ði”; Linh Phương với “Kỷ Vật Cho Em”) (1). Về văn có thể kể Văn Quang (lớp trước). Lớp sau vài năm, có thể kể tới Trần Hoài Thư, Ðào Vũ Anh Hùng, Huỳnh Văn Phú… Nhưng, nổi bật hơn cả, theo tôi là Nguyên Vũ (truyện) và, Phan Nhật Nam (bút ký, phóng sự).

Theo nhà báo Ngọc Hoài Phương, hiện cư ngụ tại miền Nam California thì, những bài viết đầu tiên của Nguyên Vũ xuất hiện trên báo Thời Luận của cụ Nghiêm Xuân Thiện, năm 1965.

Thời gian đó, nhà báo Ngọc Hoài Phương, tuy còn rất trẻ nhưng được chủ nhiệm Nghiêm Xuân Thiện chọn vào vai trò phụ tá tổng thư ký tòa soạn, kiêm nhiệm trang văn nghệ; sau khi các nhà báo đàn anh như Sao Biển, Tâm Chung từ chối nhận lãnh trách nhiệm này.

Theo lời kể của nhà báo Ngọc Hoài Phương thì, thời gian đó, Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu là sĩ quan pháo binh, trú đóng ở miền Tây.

Thoạt đầu, Ngọc Hoài Phương khuyến khích họ Vũ viết về đời pháo thủ của mình, để Ngọc Hoài Phương lấy tiền nhuận bút, cho bạn tiêu vặt trong những lần về phép Sài Gòn.

Không ngờ, loạt bài của Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu được độc giả, nhất là giới quân nhân đón nhận nồng nhiệt.

“Ðược cái Nguyên Vũ viết rất nhanh,” Ngọc Hoài Phương kể.

“Buổi tối anh em đi chơi, ăn nhậu với nhau tới khuya mới giải tán. Về nhà, họ Vũ có thể viết tới sáng. Vì thế, sau mỗi tuần về phép Saigon, trước khi trở lại đơn vị, bao giờ Nguyên Vũ cũng gửi lại tòa soạn Thời Luận số bài đủ để ‘đi’ cả một tháng. Nhờ thế mà tòa soạn rất yên tâm về loạt bài của Nguyên Vũ. Nghĩa là người phụ trách là tôi, không phải lâu lâu lại nhắn tin ‘…Hết bài rồi. Gửi bài gấp…’ như từng xẩy ra với nhiều nhà văn viết feuilleton khác.” Nhà báo Ngọc Hoài Phương nhấn mạnh.

Vẫn theo lời kể của Ngọc Hoài Phương thì ông không nhớ nhà văn Nguyên Vũ / Vũ Ngự Chiêu cộng tác với báo Thời Luận bao lâu? Ông chỉ biết sau một thời gian ngắn, tên tuổi họ Vũ nổi tiếng khắp nơi, nên Nguyên Vũ được nhiều báo Sài Gòn thời đó, mời viết feuilleton cho họ. Và, cũng vì thế mà Nguyên Vũ không còn thì giờ viết cho Thời Luận nữa.

Trong loạt bài chủ đề “Văn Học Miền Nam,” nhà văn Nhị Linh đã viết về Nguyên Vũ, một đoạn ngắn, với các chi tiết, như sau:

“Trước 1975, Nguyên Vũ là tác giả của nhiều tác phẩm về cuộc đời lính.

“Sinh năm 1942 ở Hải Dương, Nguyên Vũ (tên thật Vũ Ngự Chiêu) học khóa 16 Thủ Ðức, sau khi tốt nghiệp trở thành lính pháo binh.

“Sau 1975, Vũ Ngự Chiêu học tiếp ở Mỹ, lấy bằng tiến sĩ sử học, viết nhiều công trình sử học bằng tên thật và bút danh Chính Ðạo.”

Về một số tác phẩm đã xuất bản của nhà văn Nguyên Vũ, được Nhị Linh liệt kê gồm có:

“Ðời Pháo Thủ (ký sự chiến trường) do Chọn Lọc in năm 1967 là một tác phẩm thuộc giai đoạn sớm của nhà văn Nguyên Vũ.

“Thềm Ðịa Ngục do Ðại Ngã in năm 1969, cũng có nhiều chi tiết liên quan đến pháo binh, mặc dù nhân vật chính thuộc biệt động quân đang chịu án do tội ‘đào binh’ phải đi làm ‘lao công’…”

Phần tư liệu trong bài viết của mình, nhà văn Nhị Linh cũng chụp lại bìa một số tiểu thuyết của Nguyên Vũ, như “Uyên Buồn, Nguyệt Thực, Bóng Tối Tiếng Cười Môi Hôn Và Nghĩa Trang, Sau Cơn Mộng Dữ, Lửa Mù, Ðêm Hưu Chiến, Mồ Hôi Mũ Ðỏ, Vòng Tay Lửa (tập một)”… (2)

Mặt khác, vì trên mạng có quá ít tư liệu về nhà văn Nguyên Vũ/Vũ Ngự Chiêu, nên một độc giả đã gửi câu hỏi đại ý “Nguyên Vũ là ai” cho trang mạng Wikipedia-Mở. Và trang mạng này chọn một câu trả lời tương đối đầy đủ nhất của độc giả Tường Vi Trắng, cách đây 7 năm, nguyên văn như sau:

“Câu trả lời hay nhất: Chính Ðạo là một trong hai bút danh của Vũ Ngự Chiêu. Bút danh kia là Nguyên Vũ, rất nổi tiếng ở Miền Nam trước năm 1975. Trước 1975, Vũ Ngự Chiêu phục vụ trong binh chủng Pháo Binh Dù, QLVNCH, và đã có hơn 20 tác phẩm xuất bản. Sau khi ra hải ngoại, ông vừa tiếp tục cầm bút vừa đeo đuổi việc học. Tốt nghiệp tiến sĩ Sử tại Ðại Học Wisconsin-Madison năm 1984, sau khi cùng gia đình di chuyển về Houston, ông là giám đốc nhà xuất bản Văn Hóa và tốt nghiệp tiến sĩ Luật tại Ðại Học Houston năm 1999.

“Những tác phẩm của Vũ Ngự Chiêu xuất hiện trước năm 1975 dưới bút danh Nguyên Vũ gồm có “Ðời Pháo Thủ (bút ký), Những Cái Chết Vô Danh (tập truyện), Trở Về Từ Cõi Chết (truyện), Vòng Tay Lửa (trường thiên), Thềm Ðịa Ngục (truyện), Ðêm Hưu Chiến (truyện), Sau Bảy Năm Ở Lính (bút ký), Ðêm Da Vàng (trường thiên), v.v… Tại hải ngoại, Vũ Ngự Chiêu đã in thêm các tập Xuân buồn thảm: Cuộc Sụp Ðổ của Nam Việt Nam (bút ký), Trận Chiến Chưa Tàn (truyện), Giặc Cờ Ðỏ (trường thiên), cùng hai tâm bút Paris: Xuân 1996, và Ngàn Năm Soi Mặt.

“Về nghiên cứu sử học, ông đã in ba tác phẩm bằng tiếng Anh dưới tên thực, và 10 biên khảo bằng Việt ngữ với bút danh Chính Ðạo. Biên khảo duy nhất bằng Việt ngữ ký tên thực của ông là bộ Các Vua Cuối Nhà Nguyễn (1883-1945) gồm ba tập. Những tác phẩm ký tên Chính Ðạo thường được viết cho độc giả không chuyên môn, dễ đọc hơn, không quá khô khan như các biên khảo đúng yêu sách bác học.

“Ông vừa xuất bản tác phẩm mới nhất với tựa đề Cuộc Thánh Chiến Chống Cộng (1945-1975) tập I, gồm 5 phần: Sơ lược tiểu sử Tổng thống Jean Baptiste Ngô Ðình Diệm (1897-1963); Từ Ðiện Biên Phủ tới Geneva; Cuộc truất phế Bảo Ðại; Mùa Phật Ðản đẫm máu (1963); và ‘Phiến Cộng’ trong Dinh Gia Long.

“Sau năm 1975 ở hải ngoại, có những dòng thác ngụy tạo ngụy biện nhằm vặn méo sử kiện để chạy tội và biện minh cho sự vô minh của một số người. Vũ Ngự Chiêu đã dần dần xuất hiện như một nhà sử học khai sáng và can trường. Giá trị tinh thần của người trí thức không chỉ là tôn trọng sự thật mà còn nói lên sự thật và chấp nhận hậu quả của quyết định can trường đó. Ðó là một sự đổi đời tâm linh có ý nghĩa đã hình thành nơi Vũ Ngự Chiêu. Huyền thoại và huyễn mị lịch sử đã làm cho người Việt xa nhau, chỉ có sự thật mới làm cho người Việt gần lại với nhau, trong tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Những tác phẩm mới của Vũ Ngự Chiêu là một đóng góp sáng giá và có ý nghĩa trong chiều hướng đó.” Nguồn: http://www.geocities.com/docsu17/noichuy

 DU TỬ LÊ

(Còn tiếp một kỳ)


===============

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ