MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM
NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI
* cao mỵ nhân * diễm châu * đào minh lượng *
* hà phương * hà yên chi * kiều thệ thủy * nhị thu *
* như lan * tuyết linh * thanh nhung * trần dạ từ * viên linh *
DẪN NHẬP
Giới thiệu 12 nhà thơ mới nhất hôm nay của Miền Nam trong khoảng thời gian 1955 đến 1960, tôi không làm công việc phê bình mà chỉ ghi lại cảm tưởng riêng khi nhìn họ qua thơ trong giai đoạn bắt đầu - dù nhiều tác giả đã xuất bản thơ, như Hà Phương, Hà Yên Chi, Diễm Châu … và có tác phẩm đăng nhiều trên tạp chí, sách báo, đích thực đã là nhà thơ nổi tiếng với giới thi ca vào giai đoạn này.
Trước khi tập hợp một số bài báo thành cuốn MƯỜI HAI NHÀ THƠ MỚI NHẤT HÔM NAY (in ronéotypé trong Loại Sách Đại Nam Văn Hiến, Saigon 1961), những bài viết nói về các tác giả Cao Mỵ Nhân, Diễm Châu, Đào Minh Lượng, Hà Phương được đăng tải trên tuần báo Tân Dân, chủ nhiệm Mai Lâm Nguyễn Đắc Lộc, vào những năm 60-61, ký Đường Bá Bổn.
1961
__________________________________________________
(*) Sách in lần này mang nhan đề : MƯỜI HAI NHÀ THƠ MIỀN NAM NHỮNG NĂM SÁU MƯƠI ký Thế Phong.
10 - TUYẾT LINH
Tuyết Linh là một trong ba người nữ có in hình chân dung trong tập thơ Hoa Mười Phương. Dáng người như dáng thơ rất là nữ tính, có những nét mềm mại, thơ tâm sự buồn thoảng, gợi lên từ đôi mắt mây thu. Trước khi góp mặt vào thi tuyển trên, cô đã có một số bài thơ đăng trên tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, tạp chí Giáo Dục Phổ Thông vào những năm 1958, 1959 như : Buồn, Cầu Khẩn, Riêng Tư, Vào Thu, Chiều, Thổn Thức, Chiều Ơi Tâm Sự vv… Tuyết Linh chưa tạo cho mình một trường thơ riêng, song trong thơ có bút pháp tân kỳ, tài hoa đầy triển vọng - đúng là một nhà thơ nữ có tâm hồn! Tôi giới thiệu để không muốn đời vô tình quên Tuyết Linh ngay từ bước đầu vào làng thơ hôm nay.
Hẳn tôi có đôi chút khắt khe, xét nét với người thơ được giới thiệu - nhất là nữ, đối với chính bản thân tôi, người thân, bè bạn gần gũi. Nếu một người thơ nam có khả năng, nghệ thuật thơ tầm cỡ như Tuyết Linh, chắc chắn tôi đã tự buộc tôi nhường đất cho một nhà thơ khác được đề cập đến. Lẽ dĩ nhiên sẽ không giống như hiện tôi đang làm việc giới thiệu như bây giờ.
Nói vậy, hẳn nam giới, có bạn cho tôi đặt cảm tình nghiêng về nữ giới nhiều hơn. Tôi không chối cãi hoàn toàn, nhưng không phải hẳn vậy đâu, lẽ là thân con gái đáng quí, càng quí hơn là có tâm hồn thơ (vì hiện nay con gái mất nết nhiều như thế này!), Tuyết Linh lại có tâm hồn của một người thơ nữ nhậy cảm, nên tất nhiên càng không thể khe khắt. Trong bất cứ ngành nào, người nữ vẫn cần được khích lệ, quí hoá, đặt lên ngôi vị cao. Như ca dao đề cập đến thuở nào: Ba trăm một vị đàn bà, còn đàn ông thì ba đồng một chục đàn ông. Nên có ai trách cứ, tôi vui lòng; cho rằng đây là quan niệm lạc hậu, tôi cũng xin vâng, kể cả không đặt vấn đề nam nữ bình đẳng. Vì thế, với nhà văn nữ tài danh của Pháp, như Simone de Beauvoir qua Les Mandarins được nhắc ở trên kia chẳng hạn, tôi cho là hay - nhưng nếu là phái nam; chưa hẳn tôi đã cho là đáng nói đến! Cũng vẫn viện lẽ đó, tôi thừa nhận những bậc tài hoa lập quốc, hoặc lập thuyết từ xưa đến nay- nếu có - chắc không phải do người nữ tạo nên hết cả.
Trong ngành văn chương, tiếng nói người nữ còn là một điều tối ư cần thiết, không ai hiểu phụ nữ hơn là phụ nữ, khi chính họ có tài năng bầy tỏ về mình. Với Tuyết Linh, tình yêu vẫn là chính yếu, qua hầu hết những bài thơ mà tôi đã đọc hoăïc đăng trên báo chí, thì lớp người nữ trên dưới hai mươi này, chẳng mấy ai có thể nói khác qua thơ tình yêu, tuổi trẻ, và khác cái tôi (xin hiểu khác: đây là quốc gia xã hội, đồng loại) mà vẫn chỉ thêm một cái phụ thuộc khác mình cùng hoà đồng - là thanh niên, người yêu bên cạnh. Như ở đây:
…… Ồ như có gió lâm hành
Có cây thóc mách rằng mình bâng quơ
………………………………………
Để mình mình lại vu vơ
Để mình mình lại bơ phờ dại chưa?
Quả là tâm hồn người nữ bầy tỏ thực sự, ý thơ mang một đôi nét nhõng nhẽo mà ta chỉ tìm thấy trong tâm hồn người nữ khôn ngoan, sắc sảo, nhưng cũng không loại bỏ sự dại khờ! Thơ Tuyết Linh không phải là có ngôn từ mới hoàn toàn đâu, nhưng người đọc vẫn muốn nghe, vẫn muốn được biết chắc chắn lời thơ kia thốt trong chính hàm răng ngà ngọc, của đoá môi hồng mấp máy, của trái tim hồng máu nóng. Còn nữa, hình ảnh đầy vóc dáng mềm mại qua lối so sánh thơ rất ngây thơ, lại rất có duyên:
…. Toa lòng nên chẳng hẹn ga
Gặp người mới một chuyến mà vấn vương
Mây chiều chở gió ngàn phương
Ngẩn ngơ tôi đếm phong sương cuộc đời
Mới hai mươi mốt tuổi trời Mà trong hồn lắm ngậm ngùi đi qua …
Chính tôi, người đọc cũng cảm nhận ngay được rằng, lời thơ đó thực tình lắm, một người thơ nữ tỏ bầy tình cảm mình đang bị nỗi niềm yêu đương vò xé rất thầm kín, rất bâng quơ - mà chẳng thể dối lòng mình đã xúc động, đó là thơ hay.
Và, Tuyết Linh rất nhẹ tay trách móc qua những vần thơ dưới đây, cô chịu ảnh hưởng không ít ngôn từ, âm thanh, vần điệu của Hàn Mặc Tử, hay là Huy Cận. Lối nhìn đời của cô có nét sầu cổ độ, chán chường kiểu Huy Cận tiền chiến, đúng hơn:
…. Ai ai đó! Tôi cúi đầu cầu khẩn
Này giùm đi thôi, lòng tôi quá nặng
Bởi sầu đau, bởi vị đắng cay chua
Của trăm ngày, vỡ lở mộng tình say
Hồn lưu lạc chưa hẹn về một bữa…
Nó mang cảm nghĩ của Ai chết đó nhạc sầu chi lắm thế! (Huy Cận) hoặc đôi chút hình ảnh thơ Hàn Mặc Tử khi đối đáp với Mộng Cầm, pha đôi chút nhỏ nhoi tình chết cuồng si Xuân Diệu. Kể ra khi lý luận, so sánh thơ Tuyết Linh cũng thấy được thơ cô có một không khí thơ là lạ, nhưng đúng ra là thơ còn non tay nên phảng phất sự ngây ngô, chẳng đến độ khổ đau như thực có, để chưa phải cầu khẩn đã khẩn cầu, vì tình kia chưa góp về một mối. Thơ cô vẫn chưa hết chịu ảnh hưởng hương thơ Xuân Diệu ngày xưa, gió hôn lá, mây theo trăng và vơ vẩn cùng mây / bươm bướm vàng về qua hoa lá (?) kiểu Nguyễn Bính; nhưng thơ khinh bạc của Tuyết Linh lại vẫn chưa vượt Hà Phương, ngưới thơ đồng lứa tuổi:
… Nhẹ nhàng gió lại hôn trên lá
Lá giận buông mình sương rụng lây
… Bươm bướm từ mô tản mạn về
Chập chờn hướng mộng áo nhung khoe
… Qua vườn cũ ai nỡ làm thơ nhỉ?
Ai nỡ đầy hoa đến xứ hờ?
Cũng vẫn chưa não nùng sầu thảm thực sự như thơ T.T.Kh, chưa gieo vần già dặn lão luyện như thơ Ngân Giang, và cũng chưa triết lý bằng Mộng Sơn:
… Thôi đã hết rồi tuổi biết nhau
Đã xa xôi hẳn buổi ban đầu
Thì ai còn nhớ người năm trước
Mà giết giúm tôi những khổ sầu
……………………………………
Rồi có khi nào người nhớ tôi
Nhớ tình duyên trước đã xa xôi
Nhìn mây trắng lạnh bên thềm gió
Nhưng bảo tình ta đã chết rồi! …
Xã hội hôm nay, kể cả tình yêu cũng bị so kè, tính toán chi ly, chẳng cứ gì người nữ mà thôi, cả đến người thơ nam còn tính toán, so kè gấp bội! Thì yêu chỉ là khoảnh khắc, có dăm ba người tình rồi lại giã từ cho là lẽ tất nhiên, nhưng lại nói là tình cờ, bỏ bê không lý do… nghĩa là, tất cả đều mất hết ý nghĩa trung thực, đam mê, thử hỏi rằng xã hội, trong đó có những câu thơ tình được gọi là tha thiết, thủy chung, tin cậy, hẳn làm sao có được! Khung cảnh lá hoa dầu đẹp, đáng mộng mơ chừng nào cũng vẫn chỉ là màn kịch đang diễn trên sân khấu, nó thực đấy mà thật ra không thực đấy, lại có thể thực hơn là thực:
… Là thuở tình ta mê say lắm
Yêu một người và tính chuyện thủy chung
Ta đâu biết tình ta là cơn gió thảm
Lọt qua hồn cho mộng đẹp lao lung
…………………………………………
Nên một bữa người chưa gần vội
Lìa xa ta không một tiếng giã từ
Đường xa mà người đi không ngoảnh lại
Mộng bàng hoàng rõ nhẹ mấy âm dư
Tất cả đều giả tạo, chân thành man trá, thương đau hững hờ, sầu ngoài chân tóc, trái tim. Trong cái xã hội đầy sự chung chung đó, làm sao Tuyết Linh thoát ra cho được:
… Và tuổi trẻ vội đi tìm vị trí
Xếp tàn phai theo ngày tháng lớp lang
Xuân vẫn đẹp nhưng lòng ta đã xế
Vui dửng dưng chờ lúc đến thiên đàng…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét