WEDNESDAY, NOVEMBER 29, 2023
3132. ĐINH TRƯỜNG CHINH Thêm một chiếc lá vàng rơi xuống.
Những ngày cuối thu, đi giữa rừng cây mùa thu trút lá, tôi không khỏi nghĩ đến một thế hệ làm nghệ thuật tài hoa của miền Nam Việt Nam trước 1975, đang dần rơi xuống…
Trong một thời gian ngắn qua, chỉ hơn 1 tháng vỏn vẹn, tôi đã được đọc, được biết bao tin buồn về sự ra đi của nhiều người trong nền nghệ thuật đó - từ Phật Giáo, đến sân khấu, hội họa, văn chương .. Như những chiếc lá vàng rục cuối cùng rơi xuống từ những cành cây mùa thu. Tôi thấy một thế hệ như dần khép lại, rơi rụng .. ít ra trong ý nghĩa vật lý. Một "rừng xưa đã khép", khép lại dần sau gần 50 năm từ khi nền nghệ thuật ấy bị bức tử.
Nếu những cái tên sân khấu được cả người dân miền Nam yêu mến, xem như "người của mình", như Thành Được, Tùng Lâm .. thì những cái tên như Tuệ Sỹ, Nguyễn Đình Toàn, hay trẻ hơn trong âm nhạc như Quốc Dũng, chắc chắn là những người được yêu thương và hâm mộ không kém trong thế giới của họ. Xa hơn nữa, những cái tên được nhắc lên từ mọi ngành nghề nghệ thuật như Thanh Nga, Thành Được, Út Bạch Lan, hay như Thái Thanh, Sĩ Phú, Lệ Thu, những Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Lê Uyên Phương.., Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ ..trong Phật Giáo, Thái Tuấn, Duy Thanh, Đinh Cường .. trong hội họa, những Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Dương Nghiễm Mậu ,.. và còn rất rất nhiều nữa kể không hết. Những chiếc lá đó đã rơi xuống, từng chiếc ...
Hôm qua là Nguyễn Đình Toàn.
Một thế hệ, nói theo ngoa ngữ, là một thế hệ vàng - vàng ròng. Ngày ấy, họ đã phát triển tài năng bằng thực lực thật thụ - mỗi người mỗi vẻ, không "công nghệ", chiêu trò, hội đoàn…
Nguyễn Đình Toàn - một cái tên được nhắc lên thôi là cả một hình ảnh, giai đoạn sinh hoạt văn học nghệ thuật phong phú của miền Nam trước 1975 hiện ra trong tâm tưởng. Những nhà văn, nhà thơ, ca sĩ, nhạc sĩ , họa sĩ ...thời ấy dường như đều có những tình bạn, quan hệ thuần văn nghệ, mật thiết, hỗ trợ cho nhau. Thái Thanh, Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Phạm Đình Chương, Khánh Ly, Trịnh Công Sơn, Đỗ Long Vân, Bùi Giáng, Nguyễn Đức Sơn, Đinh Cường, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Trung, và còn cả hàng chục nhân vật khác, thở trong một bầu khí quyển của văn nghệ thời thượng, pha chút hiện sinh, của giai đoạn đó. Thi ca, âm nhạc, hội họa, văn chương, song hành đẹp đẽ.
Mẹ tôi kể, ngày xưa đi với Bố vào quán Cái Chùa / La Pagode, nằm ngay góc Lê Thánh Tôn - Tự Do cũ, là gặp biết bao nhiêu bạn bè ở đó. Nếu không ngồi chung bàn với Duyên Anh, hay Cung Tiến, thì đằng xa kia, cũng Nguyễn Đình Toàn hay Nguyễn Xuân Hoàng vẫy tay chào, Mai Thảo đang cắm cúi viết, và biết bao nhiêu tao nhân mặc khách quen. Bố tôi cũng đã lê la ở đó. Dĩ nhiên là tôi chỉ nghe kể, từ lúc bé. Như lớn lên, tôi đã được nghe Mẹ kể về những cái tên như Tự Do, Đêm Màu Hồng, những buổi đi phòng trà nghe Thái Thanh, Lệ Thu hát, hay nghe Bố kể về những cuộc gặp gỡ miên man với giới văn nghệ Sài Gòn ở La Pagode. Chỉ nghe kể không đã thấy ra một không khí rất văn học - văn học trong thời chiến tranh, thời loạn.
Đó chắc chắn là một nền nghệ thuật giàu có và đã phát triển mạnh trong một bầu không khí sáng tạo tự do, trong những xúc tác văn nghệ thật sự. Nền văn học nghệ thuật ấy chưa bao giờ "được" công nhận hay đi vào lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam sau 1975, thậm chí nó còn bị âm mưu vùi dập và giết chết biết bao nhiêu lần. Còn những nhà văn, nhà thơ, các bậc chân tu kia thì đã bao lần bị bắt bớ, tù tội, kết án tử hình ... Nhưng chắc chắn nó đã ăn sâu vào tâm hồn người dân Việt Nam qua bao thế hệ.
Cánh rừng nghệ thuật một thời xanh tươi phồn thịnh đang rơi từng "chiếc lá cuối cùng", trong ý nghĩa thân xác kiếp người. Giá trị tinh thần, di sản nghệ thuật họ để lại sẽ còn đó, sẽ được tìm hiểu đúng mức, một lúc nào đó.
Nghệ thuật đích thực là thứ nghệ thuật chịu sự đọc lại, nghe lại .. và thực tế đang chứng minh điều đó thôi, cho những ai còn quan tâm và muốn tìm đến. Dĩ nhiên, tôi viết vội chút status này trong tinh thần nhớ về, chút cảm tính cá nhân, chứ không phải "tiếc nuối".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét