Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

đọc thêm: Nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả ' Sài Gòn ' Niềm Nhớ Không Tên, qua đời ở tuổi 87 ' -- trích : VOA Tiếng Việt, 30/ 11/ 2023.

 Tìm

 
Nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả ‘Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên’, qua đời ở tuổi 87

Nhà văn Nguyễn Đình Toàn, tác giả ‘Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên’, qua đời ở tuổi 87


Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Đinh Quang Anh Thái)
Nguyễn Đình Toàn. (Hình: Đinh Quang Anh Thái)

Nguyễn Đình Toàn làm thơ, viết văn, viết kịch, sáng tác nhạc với bút hiệu Nguyễn Đình Toàn. Thời mới lớn ở Hà Nội, ông dùng bút hiệu Tô Hà Vân, và sau 1975, để tránh rắc rối với nhà nước cộng sản, khi đưa “chui” những sáng tác của ông ra phổ biến ở nước ngoài, ông dùng bút hiệu Hồng Ngọc.

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn, người nổi tiếng một thời với chương trình Nhạc Chủ Đề trên đài phát thanh Sài Gòn trước năm 1975, qua đời tối Thứ Ba, 28 Tháng Mười Một, tại California, hưởng thọ 87 tuổi.

Khuôn mặt nổi bật của Văn học Nghệ thuật Miền Nam trước 1975

Sinh ngày 6 tháng 9 năm 1936 tại huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh, Nguyễn Đình Toàn làm thơ, viết văn từ rất sớm, thời còn học trung học.

Di cư vào Nam năm 1954, ông trở thành biên tập viên của đài phát thanh quốc gia - Đài phát thanh Sài Gòn. Ông gia nhập quân đội Việt Nam Cộng Hòa năm 1968, giải ngũ vì lý do sức khỏe, và trở lại làm việc với đài phát thanh Sài gòn.

Nguyễn Đình Toàn làm thơ, viết văn, viết kịch, sáng tác nhạc với bút hiệu Nguyễn Đình Toàn, tên thật của ông. Thời mới lớn ở Hà Nội, ông dùng bút hiệu Tô Hà Vân, và sau 1975, để tránh rắc rối với nhà nước cộng sản, khi đưa “chui” những sáng tác của ông ra phổ biến ở nước ngoài, ông dùng bút hiệu Hồng Ngọc.

Sau 1975, như các văn nghệ sĩ cùng thời bị kẹt lại Việt Nam, ông bị đưa đi ‘học tập cải tạo’, tổng cộng 6 năm.

Sang Mỹ trễ, cuối năm 1998 theo diện gia đình bão lãnh, không lâu sau, Nguyễn Đình Toàn cộng tác với Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ - VOA, trong chương trình “Đọc Sách” do Nguyễn Đình Toàn và vợ, Nguyễn Thị Thu Hồng, nghệ danh Hồng Ngọc, phụ trách. Trong chương trình này, Nguyễn Đình Toàn thường giới thiệu một tác giả hay một tác phẩm, hoặc một khía cạnh văn hóa nghệ thuật, Việt Nam hay Tây phương. Bà Thu Hồng từng là xướng ngôn viên của một chương trình phát thanh Sài Gòn trước 1975. “Đọc Sách” được phát đi đều đặn trên làn sóng VOA trong vài năm, cho tới khi Nguyễn Đình Toàn nghỉ hưu.

Văn

Tác phẩm đầu tay, “Chị em Hải”, viết ở miền Bắc thời Nguyễn Đình Toàn còn rất trẻ với bút hiệu Tô Hà Vân, được đăng từng kỳ trong báo Tự Do trước khi xuất bản năm 1961 ở miền Nam.

Sự thành công của tác phẩm này đưa ông vào nghiệp văn. Trước năm 1975, Nguyễn Đình Toàn đã xuất bản 20 tác phẩm, gồm văn và thi ca.

Được nhắc đến nhiều là “Áo Mơ Phai”, truyện, xuất bản năm 1972, đoạt giải văn học toàn quốc của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa năm 1973, và “Đồng Cỏ” xuất bản lần thứ nhất tại Úc năm 1994.

Viết về hai tác phẩm dấu ấn này của Nguyễn Đình Toàn, nhà văn Ngô Thế Vinh nói: “Áo Mơ Phai là dự cảm về một thành phố Hà Nội sắp mất, Đồng Cỏ là một tác phẩm khác dự báo một Sài Gòn sắp mất. Nguyễn Đình Toàn mẫn cảm với thay đổi thời tiết cũng như với những biến chuyển của lịch sử. Dự cảm hay trực giác của nhà văn đi trước tấn thảm kịch, đi trước những đổ vỡ chia ly đã mang tính tiên tri.”

Trong một chương trình trên Jimmy Show, Nguyễn Đình Toàn cho biết ông đã dự tính viết thêm một quyển thứ 3 cho đủ bộ ba - trilogy, nhưng tuổi già, sức yếu, khiến ông không thể hoàn thành ý định.

Trong lĩnh vực báo chí, Nguyễn Đình Toàn từng cộng tác với các tạp chí Văn, Văn học… và viết “feuilleton” – truyện dài đăng nhiều kỳ - cho các tờ báo lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ: Tự Do, Chính Luận, Xây Dựng, Tiền Tuyến… Phần lớn các sáng tác in từng kỳ trên các báo ấy sau này được in thành tiểu thuyết, truyện ngắn, tập truyện. Nhưng không chỉ viết bài, tiểu thuyết feuilleton, Nguyễn Đình Toàn còn đóng góp nhiều cho sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975, trong vai trò thành viên của ban tuyển chọn sáng tác thơ, văn cho tạp chí Văn.

Nhà thơ Du Tử Lê lúc sinh thời từng nhận xét, trong văn, thơ, cũng như trong âm nhạc, Nguyễn Đình Toàn luôn tìm một ‘cách nói khác/cách viết khác’.

Thơ

Nguyễn Đình Toàn làm thơ rất sớm khi mới 16, 17 tuổi. Bài thơ đầu đời của ông, Khúc Ca Phạm Thái, để lại ấn tượng sâu đậm nơi người nghe.

Nói với VOA trước đây, nhà báo Đinh Quang Anh Thái, một người rất gần gũi với Nguyễn Đình Toàn, cho đây là bài thơ tâm đắc nhất của ông:

“Bài thơ tâm đắc nhất đối với cá nhân tôi thời còn trẻ… bởi vì cậu bé nào lớn lên cũng – nói theo nhà văn Duyên Anh, ‘mơ thành người Quang Trung’, có một tính chất gọi là... gắn liền với quê hương đất nước, thì tôi thích bài Khúc Ca Phạm Thái của Nguyễn Đình Toàn. Ví dụ như câu mở đầu:

“Ta tráng sĩ hề… lòng không mềm bằng kiếm/Ta anh hùng hề… chí khí không chứa đầy đôi mắt Trương Quỳnh Như…”

Sau này quen và thân anh Nguyễn Đình Toàn thì mới biết bài thơ này là bài thơ đầu đời của anh ấy, viết ra lúc mới 16, 17 tuổi.”

“Cái thuở của những đêm lửa trại của thanh niên Sài Gòn ngày xưa, mà được nghe Thanh Hùng ngâm Khúc ca Phạm Thái thì tuyệt lắm!”

Khúc Ca Phạm Thái là bài thơ phổ thành kịch thơ, nằm trong tập thơ “Mật Đắng” của Nguyễn Đình Toàn xuất bản năm 1962. Nhà văn Ngô Thế Vinh cho biết “Mật Đắng” được sáng tác trong “một giai đoạn đen tối, gần như tuyệt vọng” trong cuộc đời nhà thơ, lúc Nguyễn Đình Toàn mắc bệnh lao, tưởng như khó qua khỏi.

Nguyễn Đình Toàn, “người tình không chân dung”

Nhưng thơ không chỉ có trong những tập thơ, mà thơ Nguyễn Đình Toàn còn bàng bạc, phảng phất trong lời văn, trong ca từ, trong cả những lời bạt giới thiệu những ca khúc trong Chương Trình Nhạc Chủ Đề của đài phát thanh Sài Gòn trước 1975.

Chương Trình Nhạc Chủ Đề do Nguyễn Đình Toàn và Vũ Thành An phụ trách là một hiện tượng ở Sài Gòn thời bấy giờ. Lời dẫn nhập cho mỗi bản tình ca qua giọng đọc truyền cảm của Nguyễn Đình Toàn, như “thủ thỉ” vào tai người nghe, đã giúp đài phát thanh quốc gia lôi cuốn đông đảo thính giả yêu nhạc. Mỗi lời giới thiệu, theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn ở Úc, là một “tiểu tác phẩm”, lời văn mượt mà, ý tưởng sâu lắng, mà qua giọng đọc trầm ấm, ngọt ngào của Nguyễn Đình Toàn, như rót mật vào hồn người nghe, đi thẳng vào trái tim thính giả ngay từ lời mở đầu “Em yêu dấu”…

Viết về Nguyễn Đình Toàn, nhà thơ Du Tử Lê từng nhận định:

“Với những giới thiệu hay dẫn nhập bằng cách viết (cách nói) riêng của mình; nhất là qua giọng nói, như một thủ thỉ tư riêng giữa hai người, qua làn sóng điện, họ Nguyễn trở thành một thứ “người tình không chân dung” của rất nhiều nữ thính giả. Đồng thời, ông cũng là “người bạn thiết” của rất nhiều thính giả thuộc nam giới. Với lớp thính giả này, ông như người đã nói thay họ những điều họ muốn nói về tình yêu, âm nhạc, thời thế.”

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái, thuở mới lớn cũng từng say mê chờ đón Nhạc Chủ Đề của Nguyễn Đình Toàn vào mỗi tối thứ Năm:

“Không gì hạnh phúc cho bằng mỗi tối thứ Năm, bận mấy thì bận cũng phải chạy vù về nhà ngồi bên cạnh cái radio nghe giọng Nguyễn Đình Toàn. Ngồi nghe cái giọng ấm của người đàn ông Hà Nội nói về nhạc chủ đề… Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về Nguyễn Đình Toàn, rồi sau đó mới đọc sách của ông, nghe nhạc của ông, và nhất là đọc thơ của ông.”

Tình khúc thứ nhất- Nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn

Vũ Thành An, lúc 21 tuổi, vào làm đài phát thanh Sài Gòn và kết thân với Nguyễn Đình Toàn. Tình bạn và có lẽ sự đồng điệu giữa hai tâm hồn nghệ sĩ đã cho ra đời hai nhạc phẩm bất hủ: “Tình Khúc thứ Nhất” và “Em đến thăm anh đêm ba mươi,” nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn.

Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian làm giông bão mê say

“Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai”… ý tưởng lạ, ca từ đẹp, nhạc hay, đã giúp cho hai ca khúc này trở thành ‘bất tử’, ra đời hơn 50 năm về trước mà cho tới giờ vẫn làm xúc động người nghe, những ‘fan’ mới thuộc các thế hệ đến sau.

Trong một cuộc trao đổi với VOA trước đây, nhạc sĩ Vũ Thành An nói nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đã “thổi hồn” vào bản nhạc, đặt tựa và lời cho “Tình khúc thứ Nhất”, mà ông đã sáng tác để tặng một người bạn.

“Hồi đó tôi có người bạn gái thân muốn tôi viết bài nhạc tặng cô ấy, tôi viết xong, cũng có cả lời, rồi đưa cho anh Toàn nghe thì anh Toàn chê lời tôi viết không hay. Anh bảo để anh đặt lời cho. Hồi đó anh cũng có một người bạn cho nên cũng muốn viết một tình khúc để tặng bạn của anh. Phải nói là khi viết nhạc, tôi cũng chưa thấy được cái nét đặc biệt của tình khúc ấy, sau khi anh Toàn viết lời vào thì thấy là quả thật, nó là một bài hát rất là… có hồn. Chính anh ấy là người đặt tên cho bài này là bài Tình khúc thứ nhất, và đồng thời anh ấy cũng bảo tôi nên lấy tên thật là Vũ Thành An chứ không cần lấy tên hiệu gì cả.”

Với Tình khúc thứ nhất, nhạc sĩ Vũ Thành An xuất hiện trên bầu trời âm nhạc, mở màn cho loạt bài Không Tên, đưa tên tuổi Vũ Thành An vào lịch sử âm nhạc miền Nam.

Nguyễn Đình Toàn và Vũ Thành An còn hợp tác để thực hiện Chương Trình Nhạc Chủ Đề. Theo lời Vũ Thành An thì linh hồn của chương trình này cũng là Nguyễn Đình Toàn, chính ông nảy ra ý tưởng thành lập chương trình, kêu gọi Vũ Thành An đệ đơn xin lập chương trình, viết lời giới thiệu và đọc những đoạn dẫn nhập đó cho các ca khúc chọn lọc với những giọng ca nổi bật nhất thời đó.

Tù cải tạo

Mất Sài gòn, do dự mãi không biết nên đi hay ở, cuối cùng Nguyễn Đình Toàn bị bỏ lại, và như các văn nghệ sĩ ở lại, bị tập trung đi ‘học tập cải tạo.’

Ra tù, Nguyễn Đình Toàn sáng tác hơn 50 ca khúc với bút danh Hồng Ngọc. Có lẽ được nhiều người Việt tị nạn đồng cảm nhất là bài “Nước Mắt Cho Sài Gòn”, viết lúc Nguyễn Đình Toàn còn ở trong tù, ca khúc được tuồng ra nước ngoài qua trung gian Hồ Trường An, tới tay tạp chí Quê Mẹ của Võ Văn Ái ở Paris, được Jeannie Mai trình bày đầu tiên, nhưng bản nhạc cất cánh với giọng ca Khánh Ly dưới tên “Sài Gòn, Niềm Nhớ Không Tên”, ghi tên tác giả là “Người ở lại”. Băng nhạc ‘Người Di Tản Buồn’ phát hành năm 1979 có cả “Sài Gòn, Niềm Nhớ Không Tên” và “Người Di Tản Buồn” của nghệ sĩ Nam Lộc gây tiếng vang lớn trong các cộng đồng người Việt tị nạn khắp nơi.

Tới cuối năm 1999, sau khi định cư ở Mỹ gần 1 năm, Nguyễn Đình Toàn mới chính thức ra mắt một số ca khúc sáng tác sau năm 1975 trong 3 tập nhạc: Hiên Cúc Vàng (1999), Tôi Muốn Nói Với Em (2001) và Mưa Trên Cây Hoàng Lan (2002).

Nguyễn Đình Toàn: liệu thơ có như người?

Đối với một tâm hồn nghệ sĩ mẫn cảm, những trải nghiệm cay đắng do biến đổi của thời cuộc và các trải nghiệm trong tù cải tạo, chắc hẳn phải có ảnh hưởng sâu đâm tới tác giả và tác phẩm. Đời thực của người nghệ sĩ thì sao?

Nhà báo Đinh Quang Anh Thái:

“Thỉnh thoảng những người hay đến chơi với anh, ngồi hút thuốc lá, uống một tí rượu hay nghe anh nói chuyện, uống trà, cà phê… thì có lúc thấy được cái khoảnh khắc mà Nguyễn Đình Toàn cảm thấy cuộc sống này nó đáng chán, nhưng mà bình thường thì Nguyễn Đình Toàn hóm hỉnh lắm.”

Đinh Quang Anh Thái nhắc đến một bài thơ khác của Nguyễn Đình Toàn ít người biết đến mà ông và tác giả khá tâm đắc. Đó là bài “Tro Tàn”, viết năm 1984.

Ta yêu nhau trong nghèo khó
Khi quê hương tàn phá
Được mấy ngày vui trong đời
Tóc biếc ngoảnh đi đã đỏ màu phai
Ta xa nhau vào lúc xa đời
Bóng bỏ theo người
Đổ một lần cho hết cuộc rủi may
Cứ coi là mất coi là hết
Lật ngửa bàn tay mà cắt dây

“Tôi tâm đắc cái câu: ‘Bóng bỏ theo người/ Đổ một lần cho hết cuộc rủi may’. Đó là tâm tư của một Nguyễn Đình Toàn mà thảng hoặc, thấy anh như hốt hoảng trong cái cuộc sống trên cái cõi tạm này.”

Giờ bóng đã “bỏ theo người”. Người nghệ sĩ đa năng, tài hoa đã ra đi ‘vào sương đen’, những lời ông viết trong bài “Mai Tôi Đi” khi rời Việt Nam, nơi chôn nhau cắt rốn, giờ diễn tả tâm trạng của những người ở lại.

“Mai tôi đi, tôi đi vào sương đen
Sương rất độc, tẩm vào người nỗi chết
Quê hương ta sống chia giòng vĩnh biệt
Chảy về đâu những nước mắt đưa tin

Phu nhân Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thu Hồng, trong chương trình Đọc Sách của VOA, qua đời ngày 24/2/2021, hưởng thọ 78 tuổi. Với sự ra đi của người vợ hiền mà ông đã đền đáp ân tình bằng cách tận tình chăm sóc trong nhiều năm, có lẽ không còn gì trên cõi tạm này để níu kéo ông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét