Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

đọc thêm: Chuyện về ông tướng Tư lệnh/ ngọc tự [ i.e. Trần Ngọc Tự 1948- / Mỹ -- trích: https://t-van.net /2022 /06 /28

 

ngọc tự: Chuyện về ông tướng Tư lệnh

 
 
 
 
     
           Trung tướng Trần Văn Minh-- Đề đốc Trần Văn Chơn,
                                 và một vị Thiếu tướng Mỹ

(Tạp Văn)


Ông tướng Tư lệnh nói đến trong bài này, chính là Trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh Không Quân, vị Tư lệnh thứ sáu của quân chủng, có cấp bậc cao nhất, cũng như thâm niên chức vụ lâu nhất (từ 11/1967 – 4/1975).

Ông sinh ngày 21.7.1932 tại Bạc Liêu, và từ trần ngày 27.8.1997 tại Las Gatos, một thị trấn nhỏ thuộc Santa Clara, San Jose, California; nơi ông định cư sau khi rời khỏi Việt Nam, trong mấy ngày cuối tháng Tư năm 1975 đau thương ấy.

Bài viết không nói tới binh nghiệp của ông, mà chỉ là hồi ức vài mẩu chuyện khác về ông, có mẩu chuyện nơi các sinh hoạt bình thường, không hẳn thuộc phạm vi quân vụ hay cương vị chỉ huy thuần túy. Chi tiết từng thời gian cụ thể, cũng không còn nhớ được chính xác. Nhưng qua vài mẩu chuyện này, có thể biết thêm những tính cách của ông tướng Tư lệnh, để hiểu được sự mến phục ông, từ mọi người.

Tháng Tư như mỗi năm lại đến. Lại thêm một lần nhói đau trong tâm khảm, khi nhìn tờ lịch nhắc đến cái ngày ba mươi tháng Tư bi thảm đầy cay đắng ấy, ngày đàn chim vỡ tổ lìa đàn, bay tan tác khắp các phương trời tha hương.

Xin chân thành tưởng nhớ ông, trong tâm tình kính mến, nhân sắp đến kỷ niệm ngày Không Lực Việt Nam Cộng Hòa năm nay 1.7.2022, cũng tròn 90 năm ngày sinh và 25 năm ngày ông mất.

*

Nói tới Bạc Liêu, người ta liên tưởng ngay đến những câu chuyện chung quanh nhân vật công tử Bạc Liêu, Ba Huy Trần Trinh Huy (1900-1974), hồi cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20. Chuyện thật cũng nhiều và không thiếu các giai thoại, về sự ăn chơi lẫy lừng đủ kiểu cách khác người của ông công tử còn có biệt danh Hắc công tử này. Xuất thân trong một gia đình đại phú hộ, nhưng ông công tử không lo học hành, chỉ vùi đầu ngập chìm trong lối sống trác táng, nên cuộc đời lưu lại những điều chẳng hay ho đẹp đẽ gì.

Đất Bạc Liêu cũng là nơi có nhiều nghệ sĩ, danh tiếng nhất phải kể đến nhạc sĩ Sáu Lầu tức Cao Văn Lầu (1890-1976). Ông là cha đẻ bản Dạ Cổ Hoài Lang, rất quen thuộc và nổi danh, được xem như bài vọng cổ đầu tiên của làng cổ nhạc Việt Nam. Nhạc sĩ tuy được sinh ra ở Tân Thạnh, Tân An, Gia Định (Long An ngày nay), nhưng từ lúc mới hơn mười tuổi, đã theo gia đình đến Bạc Liêu sinh sống và trở thành dân Bạc Liêu cho đến cuối đời.

Người thanh niên Trần Văn Minh, cũng dân Bạc Liêu, thuộc thế hệ sau, con nhà thuộc hàng cũng rất khá giả của xứ ruộng đồng mênh mông bát ngát. Người thanh niên ấy đã chuyên tâm học hành, đỗ đạt và cũng tiềm ẩn tố chất văn nghệ quê mình. Rồi tình nguyện gia nhập quân đội để phụng sự tổ quốc. Đi từ cấp bậc, chức vụ khởi đầu khiêm tốn, thăng tiến dần lên đến cấp bậc, chức vụ cao cấp nhất của quân chủng Không Quân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Danh tiếng của ông còn mãi với quân sử, với tổ quốc Việt Nam.



3 sĩ quan KQVN thăm Normandie, Pháp quốc, 1955:

 từ trái, Nguyễn Văn Trương, Trần Văn Minh, Vũ Văn Ước 

(hình của cố Đại tá Vũ Văn Ước)


Ông có cá tính rất mạnh mẽ. Với một người đã trải qua những năm tháng chỉ huy tại nhiều đơn vị, rồi thời gian dài đứng đầu quân chủng như ông, tưởng chừng gánh nặng trách nhiệm công việc dễ gây áp lực, tác động lên con người, ít nhiều ảnh hưởng đến tính khí. Thế nhưng không thấy ở ông có biểu hiện nóng nẩy, mọi trường hợp luôn thể hiện phong thái ôn hòa trầm tĩnh, khôn khéo. Trong cư xử, ông thật phóng khoáng và không câu nệ điều gì. Nét mặt lúc nào cũng tươi vui và luôn nở nụ cười. Thần thái ấy biểu lộ một tâm hồn nghệ sĩ. Sinh hoạt thường ngày của ông ở văn phòng, hay tại nhiều nơi chỗ bên ngoài, đã cho thấy điều đó.

Sau khi tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức, được về phục vụ tại Văn phòng Tham mưu phó Chiến tranh Chính trị, Bộ Tư lệnh Không quân (Tham mưu phó/ Bộ Tư Lệnh Không Quân ) cuối năm 1969, và ở đây cho đến tháng Tư năm 1975, do nhiệm vụ và công tác, nhiều dịp tôi được gần ông tướng Tư lệnh. Tôi cũng được biết, được nghe nhiều câu chuyện về ông, từ những người khác.

Điều đầu tiên phải nói, như ông luôn minh định và thể hiện, ông là người chỉ phục vụ cho đất nước, cho quân chủng, chứ không lệ thuộc bất cứ một cá nhân hay phe nhóm nào. Sự thẳng thắn này được ông bầy tỏ qua nhiều thử thách.

Trong không khí cuộc tranh cử Tổng Thống năm 1971, hẳn mọi người còn nhớ lúc ban đầu, có sự ghi danh ứng cử của liên danh Nguyễn Cao Kỳ - Trương Vĩnh Lễ (về sau rút lui). Có nhiều thăm dò để muốn biết thái độ của ông, qua việc xin ông ý kiến hướng dẫn cho cử tri Không Quân và gia đình. Ông nói mỗi người đều có trái tim và khối óc, tình cảm và lý trí. Vậy hãy chọn cách xử sự và quyết định sao cho đúng đắn, thích hợp nhất.

Cũng trong bối cảnh chính trị thời gian này. Không biết do đâu và từ đâu, râm ran loan truyền nguồn tin Không Quân sẽ thay đổi vị trí chỉ huy cao cấp. Cùng lúc, cũng có một tin tức kín hở truyền miệng rằng ông Tướng Tư lệnh bị trĩ rất nặng, vì vậy mặt ghế ngồi phải khoét thủng một lỗ ở giữa. Nhiều người nói điều này xuất phát từ chính ông. Và hẳn nhiên hàm chứa một thâm ý nào đó, để bầy tỏ thái độ về vị trí chức vụ của ông.


Năm 1971, việc Thiếu tướng Tư lệnh Không Quân  “xuống râu” đã đưa tới nhiều tin đồn trong dư luận!

Nhưng rồi không xẩy ra chuyện thay đổi nào, ông vẫn tại vị như đã thấy. Chắc hẳn thế lực muốn thay chuyển vị trí của ông vì lo ngại, cũng nhận ra rằng ông không thuộc bất cứ một phe nhóm hay cá nhân nào, chỉ có tổ quốc và Quân chủng trên hết.

Ông luôn quan tâm đến đời sống của anh em quân nhân và gia đình. Soạn thảo Lá thư Tư lệnh trong những dịp lễ Tết, ngoài nội dung chính, không bao giờ được quên đoạn kết với nội dung ân cần thăm hỏi anh em thương bệnh binh đang nằm trên giường bệnh, lời thăm hỏi thân ái gửi đến gia đình quân nhân các cấp.

Khu gia binh của Hạ sĩ quan và binh sĩ trong căn cứ Tân sơn Nhất có từ hồi còn quân đội Pháp, nên mọi thứ đều cũ kỹ, nhất là hệ thống điện rất yếu ớt, khung cảnh  buổi tối ở đây thật buồn bã. Anh Nguyễn Đình Thiều, một nhà văn Không Quân, trong Ban Biên tập Nguyệt san Lý Tưởng, cũng là một cây bút phóng sự của báo giới Sài Gòn, có viết bài phóng sự về tình trang này, đăng trên một số báo Lý Tưởng, trong đó đã ví von (dù hơi khập khiễng) tình trạng ấy giống như vết ghẻ trên đùi một cô vũ nữ mặc jupe ngắn, làm mất đi vẻ đẹp tươi mát nữ giới. Đọc bài này, ông Tướng Tư lệnh không lấy làm bực giận, ngược lại, chỉ thị các cấp có liên quan phải xem xét giải quyết. Và kết quả việc cung ứng điện cho khu gia binh sau đấy đã được cải thiện.

Ngoài nhiệm vụ chính của quân chủng là chiến đấu, phục vụ, điều mà ông phải chú tâm, ông cũng không quên các hoạt động khác.

Ông tưởng thưởng các đơn vị, các chiến sĩ Không Quân xuất sắc trong chiến đấu và phục vụ. Ông cũng khen thưởng các thành quả làm rạng danh Quân chủng, dù phạm vi nhỏ hẹp hơn.

Bộ môn Thái Cực đạo Không Quân và võ đường Thần Phong SĐ5KQ, luôn ghi nhớ sự ưu ái mà ông Tướng Tư lệnh đã dành cho, trong lần đi tranh giải có bối cảnh đặc biệt năm 1973. Tôi phụ giúp Thiếu tá Trần Như Đẩu, Trưởng đoàn, trong các việc liên quan cần thiết, cũng như phụ trách hướng dẫn đội B, đoàn tuyển thủ Thái cực đạo Không Quân đi tham dự giải lần ấy.

Thái cực đạo Không Quân đã giữ ngôi vô địch toàn quốc liên tục nhiều năm liền trước đó, nên bước vào mùa tranh giải năm 1973 này, các đối thủ rất quyết liệt trong mục tiêu phải hạ bệ cho bằng được.

Thời gian tập trung các võ sĩ ưu tú từ các võ đường đơn vị về võ đường Thần Phong để ráo riết luyện tập tích cực, chuẩn bị dự giải, quyết tâm bảo vệ chức vô địch, làm tiêu hao rất nhiều sức lực của các tuyển thủ. Thông qua Văn phòng Tham mưu phó Chiến tranh Chính trị BTLKQ, chúng tôi làm tờ trình xin cho khoảng hai mươi võ sĩ trong thành phần hai đội Không Quân A & B, được hưởng tiêu chuẩn bữa ăn trưa dành cho nhân viên phi hành tại câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, và được ông chấp thuận. Đây là một ngoại lệ chưa có bao giờ. Ông đã phát động phong trào Thể dục Thể thao tại BTLKQ và là người chơi thể thao, nên hiểu giá trị của sự đổ mồ hôi trên thao trường.

Và đoàn Thái Cực đạo Không Quân đã không phụ kỳ vọng cũng như sự ưu ái của ông Tướng Tư lệnh, khi tiếp tục bảo vệ thành công ngôi vị đội vô địch toàn quốc thêm một lần nữa, cộng thêm giải toàn đội hạng nhì cho đội B, lần đầu tiên tham dự và các giải cá nhân.


Đoàn Thái cực đạo Không Quân đoạt giải năm 1973 được đón tiếp tại Văn phòng BTL/KQ


Trong buổi tiếp kiến toàn đoàn tại văn phòng Bộ Tư lệnh để khen thưởng, có cả sự hiện diện của Thiếu tướng Võ Xuân Lành, Tư lệnh phó; ông hết lời khích lệ từng cá nhân đã cố gắng trên sàn đấu để đem về chiến thắng vẻ vang.

Ông vui mừng và tỏ ra thích thú khi ân cần thăm hỏi huy chương bạc cá nhân Huyền đai, hạng tuổi thiếu niên Huỳnh Phi Hùng. Đây là một võ sinh trẻ của võ đường Thần Phong, đội viên Thiếu niên Thần Phong, con trai của Thiếu tá Huỳnh Công Lành, Trưởng đoàn Phòng vệ, Liên đoàn Phòng Thủ Sư đoàn 5 Không Quân.

Đoàn được tặng thưởng một số hiện kim làm ngân khoản để tổ chức chuyến đi Đà Lạt nghỉ bồi dưỡng.

Nhờ có sự quan tâm và khích lệ của ông tướng Tư lệnh, mà phong trào võ thuật nói riêng, cũng như các bộ môn sinh hoạt khác trong Quân chủng, luôn được khởi sắc.

Cũng trong buổi tiếp kiến này, thoáng ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi, ông bước tới ghé tai nói nhỏ sao vụ này cũng có bạn vậy ta, ngon à nghe. Hẳn ông không nhớ tên nhưng chắc nhận ra tôi, vì cùng với anh em ban nhạc, tôi cũng luôn phải có mặt để phục vụ những buổi tiệc của Văn phòng Tư lệnh tại câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc.

Cũng từ chuyện này, xin nói đến một vài sinh hoạt cá nhân khác của ông tướng Tư lệnh như văn nghệ, thể thao, vài thứ giải trí và tính hay đùa vui của ông.

Không rõ ông bắt đầu viết văn từ bao giờ, nhưng sau khi ông nhận chức Tư lệnh, trên nguyệt san Lý Tưởng, thường thấy bài của ông xuất hiện. 2 tập truyện Chết Non (1967, tái bản 1974), Trong Đục (1971) và bài in trong Tuyển Tập Thơ Truyện Không Quân thời chiến do nhà xuất bản Vàng Son ấn hành năm 1974, được ký tên thật. Ngoài ra các bài viết đưa cho Lý Tưởng, ông sử dụng vài bút danh khác nhau như: Trần Trụ Y, Trần Mộng Thường, Cô Dương, Mđ

Thủ bút và chân dung nhà văn Trần Văn Minh

Có người hỏi về danh xưng công tử vùng đất quê nhà Bạc Liêu, cũng như bút danh viết tắt ”của ông có ý nghĩa gì. Nở nụ cười hóm hỉnh, ông nói đấy là biệt danh của công tử bạc lẻ đất Bạc Liêu, ai muốn hiểu sao cũng được. Vì vậy, từ những diễn dịch liên quan đến con người ông mà có Minh đù (tiếng đệm quen thuộc của ông), Minh đen (ý nói nước da hơi đậm của ông). Nghe biết, nhưng ông không xác nhận và cũng chẳng phản đối.

Đơn giản việc ông có thêm biệt danh là để phân biệt với Trung tướng Trần Văn Minh, biệt danh Minh nhỏ bên Lục quân, lớn hơn ông 9 tuổi. Nếu chỉ nêu tên không kèm theo họ, như đã biết còn có Big Minh (Đại tướng Dương Văn Minh), Minh đờn (Trung tướng Nguyễn Văn Minh, khóa 4 Võ Bị Đà Lạt, người có tiếng chơi guitar giỏi).

Là người yêu thích và tham gia sinh hoạt văn chương chữ nghĩa, ông gần gũi, yêu mến những người Không Quân cầm bút. Ngoài các bạn văn là các sĩ quan cao cấp trong Quân chủng, ông cũng dành nhiều thiện cảm đặc biệt cho những nhà văn Không Quân cấp bậc thấp.

Như trường hợp bài phóng sự của nhà văn Nguyễn Đình Thiều vừa nêu trên, nếu rơi vào một đơn vị khác và một cấp chỉ huy khác, không phải là ông, có thể chỉ là võ đoán, sợ rằng tác giả bài viết, một hạ sĩ quan, và cả những người phụ trách đăng tải, chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi.

Hoặc nữa, trường hợp nhà văn chuẩn úy Dương Hùng Cường, tác giả Buồn Vui Phi trường, cũng là Dê Húc Càn, người chuyên châm chọc thiên hạ trên mục Cà Kê Dê Ngỗng, tuần báo trào phúng Con Ong. Năm 1968, từ thời điểm chiến cuộc Mậu Thân, căn cứ cắm trại 100% và cấm quân liên tục ngày đêm. Một buổi tối đã khuya muộn, ảnh hưởng vài chai bia uống dưới khu gia binh, ông anh tôi quần xà lỏn, áo thung, đi lui tới ngoài sân, ca hát nghêu ngao và bất mãn nói năng lè nhè vung vít, rất to giọng. Ông tướng Tư lệnh đứng ở bao lơn trên văn phòng nhìn thấy, cho người xuống nói đưa ông anh tôi vào đi ngủ. Sáng sau tỉnh rượu, cứ thấp thỏm chờ một lệnh phạt, hay lời khiển trách, nhưng rồi ông anh nhà văn vẫn được bình an vô sự.

Cũng anh Dương Hùng Cường, một lần túy tửu ngoài quán phố Sài Gòn hồi giữa năm 1972, đã có chuyện lời qua tiếng lại với mấy ông dân biểu trẻ, thành phần thân cận của Phủ Tổng Thống. Kết quả vụ vạ miệng này, anh bị thuyên chuyển ra một đơn vị Bô binh ngoài miền Trung, theo bút phê của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Được hơn năm, sự việc nguôi ngoai, ông tướng Tư lệnh có thêm tiếng nói can thiệp, giúp trung úy Dương Hùng Cường được về lại Không Quân, dù phải đổi sang ngành hành chánh, không còn được ở Chiến tranh Chính trị / Bộ Tư Lệnh Không Quân, mà xuống Sư đoàn 4KQ dưới Cần Thơ.

Anh Thế Phong, một trong những nhà văn thời danh ngày đó, với nhiều tác phẩm đủ thể loại đã ấn hành, cũng có tiếng là “nhà văn cao bồi” trong văn giới Sài Gòn. Khi gia nhập Không Quân, rất được ông ưu ái và dành cho nhiều biệt đãi, vì quý mến văn tài của anh, đồng thời chắc cũng đồng điệu với văn phong, cùng nếp sống từng trải, ngang tàng của một con người khá đặc biệt. Anh có nhiều bạn học từ hồi còn trẻ ngoài Hà Nội đang là những sĩ quan trong Quân chủng. Anh được đồng hóa vào Không Quân đầu năm 1967 với cấp bậc Trung sĩ, cùng thời lần lượt với các nhà văn, nhà báo Hồ Phong, Kiêm Thêm, Phạm Hồ, Khải Triều…  để phục vụ hoạt động báo chí. Thâm niên quân vụ chưa được bao lâu, nhưng nhờ tiếng nói của ông Tướng Tư lệnh, gia đình anh đã sớm được cấp nhà trong khu gia binh trại Phi Long, trong khi số lượng hồ sơ xin cấp nhà nộp trước anh đang chờ duyệt xét còn cả đống.

Anh Thế Phong  cũng hay được ông Tướng Tư lệnh rủ đi ăn sáng, uống cà phê bên câu lạc bộ Mây Bốn Phương, thân tình như với một bạn văn. Đáp lại, có đôi lần, anh đưa ông tướng Tư lệnh tham dự họp mặt văn nghệ ngoài phố, cũng nhân dịp giới thiệu ông với các văn nghê sĩ tên tuổi. Các vị này rất trân trọng việc được gặp gỡ ông tướng nhà binh yêu văn chương chữ nghĩa. Ông tướng Tư lệnh cũng thật vui, vì mối giao hảo này tạo thêm nét đẹp cho con người nhà binh của ông.


  
Vị tướng tư lệnh KQ trong một buổi sinh hoạt văn nghệ “dân sự” (khoảng 1969-1970). Ông là người cao nhất, thắt cà-vạt ca-rô, đứng gần giữa hình, phía bên trái ông lần lượt là nhạc sĩ Hùng Lân, nhà văn Thế Phong, Tr/tá Phạm Xuân Ninh (báo Tiền Tuyến), nhà văn Mai Thảo. Hàng ngồi (tính từ trái) có học giả Hồ Hữu Tường (sơ-mi trắng), bên trái ông là học giả Phạm Đình Tân, học giả Đào Đăng Vỹ. Cho đến hôm nay, duy nhất chỉ còn nhà văn Thế Phong còn sống, tất cả các vị trong ảnh đều đã từ trần. (*)
.                              (ảnh: Nguyễn Mạnh Đan)
------------
(*)    -  nhà văn Phan Nhật Nam 
       - nhà biên luận Nguyễn Đình Tuyến, 
                                - 2 vị  hiện ở Hoa Kỳ)  -- Bt.

Năm 1973, tại Văn phòng Tham mưu phó/ Chiến tranh Chính tri / Bộ Tư Lệnh Không Quân  có sự tố giác việc thiếu minh bạch về nguồn thu chi tiền quảng cáo của nguyệt san Lý Tưởng, do Phòng Tâm lý chiến phụ trách, khiến cơ quan an ninh phải mở cuộc điều tra. Kết quả, nhiều người phải nhận quyết định rời khỏi đây, thuyên chuyển đi đơn vị khác.

Cũng xin nói qua một chút về vấn đề này của nguyệt san Lý Tưởng. Báo không có bất cứ ngân khoản dành riêng nào để hoạt động. Sự yểm trợ các phương tiện in ấn không đáng kể. Thời kỳ đó, tờ báo phát triển mạnh mẽ với số lượng ấn hành mỗi kỳ lên đến con số mười ngàn bản, chỉ phân phối cho các đơn vị và biếu tặng, rất được bạn đọc trong và ngoài Quân chủng đón nhận nồng nhiệt. Nội dung phong phú, giới thiệu kịp thời các sinh hoạt chiến đấu và phục vụ của các đơn vị Không Quân, bên cạnh các trang văn nghệ đặc sắc. Tham gia viết bài, ngoài các cây bút trong Quân chủng, còn có sự cộng tác của các tác giả thuộc Quân Binh chủng bạn và nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi.

Do vậy, để trang trải các chi phí điều hành Lý Tưởng (in ấn, trả nhuận bút cho các tác giả có bài đăng trên báo…), nên mới có việc đi xin quảng cáo của các cơ sở thương mại. Công việc này do các anh Phúc Lai, Ba Hội, Tư Vững đảm trách thêm, ngoài phần vụ chính dưới Ban Văn nghệ. Cả 3 anh vốn là các danh hài của đoàn Kim Chung Tiếng Chuông Vàng Thủ đô, đồng hóa vào Không Quân trong đợt đồng hóa Hạ sĩ quan & Binh sĩ năm 1966-1967, phục vụ tại Ban Văn nghệ Phòng Tâm Lý chiến.

Mặc dù anh Thế Phong, chỉ là thành phần cộng tác viên của Lý Tưởng, không trực tiếp liên quan dính dáng gì đến vấn đề nêu trên, nhưng vì lý do tế nhị trong cách giải quyết của các cấp thẩm quyền, anh vẫn có tên trong danh sách thuyên chuyển. Anh cũng là bạn từ lúc bắt đầu bước vào làng văn ở Hà Nội ngày xưa với Đại úy Huy Sơn - Dương Quang Thuận, Trưởng khối Cổ động &Tuyên truyền Phòng Tâm lý chiến, thư ký tòa soạn của Lý Tưởng, người phải ra Sư đoàn 6 ngoài Pleiku. Ông tướng Tư lệnh can thiệp xin cho anh Thế Phong về Khối Chiến tranh Chính trị  Liên đoàn Kiểm Báo, cũng đồn trú trong phạm vi căn cứ Tân Sơn Nhất, thay cho việc phải đi xa Sài Gòn. Nếu không có sự giúp đỡ này, chắc chắn gia đình anh sẽ gặp nhiều khó khăn, vì các cháu còn nhỏ quá.

Sau này ở hải ngoại, ông vẫn nhớ tới anh và có lần gửi chút hiện kim làm quà cho anh Thế Phong bên quê nhà.

Cũng trong cùng vụ việc, Trung tá HSL [ Hoàng Song Liêm ] ., Trưởng phòng Tâm lý chiến, chủ bút nguyệt san Lý Tưởng, bạn xoa mạt chược thường xuyên của ông tướng Tư lệnh, phải nhận sự vụ lệnh ra Sư đoàn 1 KQ ngoài Đà Nẵng. Không thể giúp gì được ngay, ông trấn an người đi rằng sau một năm sẽ liệu cách đưa về lại Sài Gòn. Hơn năm sau, Trung tá HSL. được thuyên chuyển về làm Phụ tá Tham Mưu phó Chiến tranh Chính trị / Sư Đoàn 5 Không Quân. Ông tướng Tư lệnh đã giữ đúng lời hứa. Ông trọng tình nghĩa và thủy chung trọn vẹn với tình nghĩa, nhưng vẫn tôn trọng nguyên tắc, cân bằng giữa tình và lý.

Trong đối xử với các nghệ sĩ có liên quan đến việc phục vụ cho sinh hoạt của ông, bao giờ ông cũng biểu lộ sự để ý lưu tâm hết mực, thật phóng khoáng.

Toán Chiến sĩ ca thuộc Đoàn Công Tác Chính Huấn với tôi, luôn được văn phòng Tư lệnh chỉ thị đảm nhận phần trình diễn văn nghệ trong các buổi tiệc tiếp tân khoản đãi các phái đoàn quân sự đồng minh, và là ban nhạc chính trong các dạ tiệc, dạ vũ của ông tướng Tư lệnh, tại Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, chứ không phải Ban Văn nghệ Phòng Tâm Lý chiến.

Lý do là vì các anh em này sử dụng thuần thục các loại nhac cụ, hát đủ loại nhạc, từ dân ca, hùng ca, tình ca Việt Nam và cả nhạc ngoại quốc nhiều thể loại, thích hợp trong việc phục vụ văn nghệ cho nhiều buổi tiệc khác nhau, tùy theo tiệc tiếp tân các phái đoàn quân sự đồng minh hay buổi dạ vũ. Điều thuận lợi có được là nhờ ngoài phần vụ sinh hoạt Chính huấn trong đơn vị, quanh năm họ trình diễn và chơi nhạc buổi tối tại các vũ trường, phòng trà ngoài phố hay tại các Club ở các căn cứ của quân đội Hoa Kỳ, và là những tên tuổi quen thuộc trong giới nhạc trẻ từ hồi chưa vào Không Quân, như mấy người con của nhạc sĩ Phạm Duy: Duy Quang, Duy Minh, Duy Hùng (ban The Dreamers), Nguyễn Trung Cang (ban Phượng Hoàng), Minh Phúc, Nguyễn Quốc Trí, Vũ Bắc Sơn…

Tại những buổi tiệc này, tôi có nhiệm vụ phụ trách điều hợp tổng quát và giới thiệu chương trình, cùng với nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, phong trào du ca Việt Nam, cũng thuộc Đoàn Công Tác Chính Huấn, đảm nhận soạn thảo, sắp xếp nội dung chi tiết chương trình.

Nhờ vậy, được biết thêm một vài tính cách của ông tướng Tư lệnh qua các buổi tiệc như thế.

Những buổi tối có công tác, chúng tôi đều được phép ăn trước tại phòng ăn dưới tầng trệt, theo thực đơn dành cho khách của Câu lạc bộ. Anh Ngô Mạnh Thu và tôi bao giờ cũng đã có ổ bánh mì thịt và chai Coca Cola mua ngoài cổng trại mang theo. Còn các anh em, đây là những dịp để họ thay đổi sự thưởng thức các món ăn Tây trong thực đơn. Đại tá Đỗ Văn Ry, Chánh văn phòng Tư lệnh, nói với sếp của chúng tôi là thanh toán cho câu lạc bộ phần ăn của một ông lính văn nghệ, bao giờ cũng nhiều tiền hơn phần ăn một khách mời của ông tướng Tư lệnh. Phải kê khai chi tiết thanh toán cho Câu lạc bộ khi làm tờ trình, nhưng khi đọc qua, ông tướng Tư lệnh bảo cứ để cho đám nhỏ được thoải mái. Dĩ nhiên, nhà thầu khai thác câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc tính tiền cho văn phòng Tư lệnh phải khác với phần ăn của một thực khách bình thường.

Đặc biệt phải kể thêm trường hợp Hạ sĩ Ngô Thiết Toàn, tên khác là Tô. Anh là nhạc sĩ đàn piano quen thuộc tại các vũ trường ban đêm. Tuy thuộc Ban Văn nghệ Tâm lý chiến, nhưng luôn được tăng cường cho các buổi dạ tiệc có dạ vũ của ông tướng Tư lệnh. Và thường khi đã có men cay thấm vào người, những ngón tay điêu luyện của anh như nhẩy múa trên các phím đàn, quyện chặt những bước chân khách, không ai muốn rời sàn nhẩy sớm. Vì thế, những tối anh ngồi trước cây piano đặt nơi góc phòng tiệc, bao giờ ông tướng Tư lệnh cũng dặn phải để sẵn trên mặt đàn một chai Martell. Tôi thấy anh thường cầm chai lên miệng để tu từng hớp rượu chứ không dùng ly bao giờ. Và nhiều lần (xin lỗi bạn đọc), anh tiểu tiện ướt quần mà không hề hay biết.

Cách đối đãi của ông tướng Tư lệnh với giới nghệ sĩ đặc biệt đến như vậy đấy.

Thường ra ai cũng có các sở thích và thú giải trí cá nhân, nhiều khi chỉ là thứ bình dân, ông tướng Tư lệnh cũng không là ngoại lệ. Với ông, các thứ đó hẳn nhiên không phải để sát phạt, dù vẫn có thắng thua. Ngoài sự giải trí, còn giúp ông luôn suy ngẫm để nhắc nhở mình việc thành bại trong lãnh đạo chỉ huy. Bởi vậy, cũng có nhiều chuyện để nói, vì với ông, tinh thần chủ thắng trên hết. Về thể thao, ông chơi quần vợt thường xuyên để rèn luyện sức khỏe. Còn quân cờ và lá bài, mạt chược thì đều hơn, xập xám chỉ thỉnh thoảng.

Mấy sĩ quan trẻ cùng Văn phòng với tôi, như anh Trần Quang Tuyến, Nguyễn Dũng Toại (con Đại tá Nguyển Cả, Trưởng phòng Tổng Quản trị Bộ Tổng Tham Mưu) vẫn hay có mặt trên sân quần vợt Bộ Tư lệnh mỗi chiều sau giờ làm việc và thường được ông rủ đánh “độ”, mỗi “độ” chỉ một “râu” (giá trị năm trăm đồng thời đó). Người thắng sẽ dùng tiền “độ” trả tiền bia giải khát. Hôm nào sung sức thắng được ông, nhất định sau đó ông phải hẹn tái đấu để phục thù cho bằng được. Người luyện banh cho ông là anh Ôn Văn Năng, cựu tuyển thủ quốc gia môn banh nỉ (em Trung tá Ôn Văn Tài, dưới Cần Thơ), cũng là người phụ trách sân quần vợt Bộ Tư lệnh, cho biết tinh thần quyết thắng mạnh mẽ của ông qua các cữ thao dượt vã mồ hôi. Bao giờ ông cũng nung nấu ý chí quyết không còn gặp thất bại trước đối thủ cũ nữa.

Thiếu úy phi công Tạ Duy Báu, đơn vị đồn trú ngoài căn cứ Phù Cát. Trước khi vào Không quân, là một tuyển thủ trẻ của Đội tuyển Quần vợt quốc gia. Mỗi lần về Sài Gòn công tác, anh đều được ông tướng Tư lệnh nhắn vào sân Bộ Tư lệnh để đấu với ông vài ván. Ông luôn muốn biết năng lực của mình khi có dịp, dù chỉ trong một bộ môn thể thao.

Mạt chược là một môn chơi giải trí, nhưng cũng đòi hỏi nhiều suy nghĩ tính toán. Và người ta cũng thường nói cứ nhìn xem cách chơi mà biết tính cách người chơi. Như thể quan sát từng cử chỉ, điệu bộ trong khi chơi, cách cầm quân bài trên tay, các phản ứng, thái độ trước mỗi tính toán của chính mình hay đối thủ…Ngồi vào bàn xoa mạt chược, ông tướng Tư lệnh luôn cho thấy là một người điềm đạm, trầm tĩnh, từ tốn trước các diễn tiến của ván bài, không tỏ ra hấp tấp nóng vội, kiên nhẫn chờ đợi tới lúc có thuận lợi nhất.

Về món mười ba con ma, giới hạn trong phạm vi những người thân gần, ông chơi non tay nên thường thua xiểng liểng. Nghe nói có một tay binh xập xám lão luyện mới nhập ngũ, đang là khóa sinh khóa dưới Khu Huấn luyện Sư Đoàn 5, ông xin mượn vài ngày để học hỏi, tìm hiểu kỹ thuật ngón nghề, cải thiện cách chơi cho hiệu quả.

Và những ai tùng sự tại Bộ Tư lệnh Không Quân, ra vào hàng ngày, chắc hẳn đều nhìn thấy chiếc xe mô tô phân khối lớn hiệu Suzuki, luôn đậu ở chỗ đậu xe bên hông dinh Tư lệnh. Có thể lầm tưởng về vấn đề tài chánh hay cách chơi nổi trội của ông. Thật ra, hình như chưa có lần nào thấy ông ngồi trên chiếc xe to đùng ấy bao giờ. Và ít người hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ của chiếc xe này, vì đâu biết bà phu nhân của ông tướng Tư lệnh có người anh là ông Ngô Bảo (1930-2010), một họa sĩ học hội họa ở Pháp về, một thương gia tên tuổi tại Sài Gòn. Ông hoạt động trong nhiều lãnh vực mới mẻ, như quảng cáo trên đài phát thanh (hẳn nhiều người còn nhớ đoạn quảng cáo kem đánh răng anh Bẩy Chà Hynos quá quen thuộc, phát nhiều lần trong ngày trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn), trang trí mỹ thuật nội thất…Nhất là việc làm đại lý nhập cảng và phân phối xe gắn máy Suzuki thời đó. Hãng xe đã gửi cho đại lý những chiếc xe mẫu có kiểu dáng đặc biệt để quảng cáo. Chiếc xe đậu bên hông văn phòng Tư lệnh Không Quân là một chiếc như thế.

Gia đình, thân nhân một vài vị sĩ quan trong căn cứ Tân Sơn Nhất thường cũng có một hình thức sinh hoạt kinh tế nào đấy để kiếm thêm thu nhập. Riêng gia đình, thân nhân của ông tướng Tư lệnh, tuyệt nhiên không dính dáng đến bất cứ một thứ gì. Ông có một người em ruột, cấp bậc Thượng sĩ, làm việc tại Khối Huấn luyện/Boo65 Tư lệnh Không Quân. Anh thật hiền lành và lúc nào cũng hết sức lo chu toàn công việc, không bao giờ dám bê trễ. Chỉ sợ bản thân mình có điều gì không phải, mà đến tai ông anh thì coi như lãnh đủ.

Nhìn khuôn mặt ông tướng Tư lệnh lúc nào cũng như nghiêm nghị, nhưng tùy theo hoàn cảnh, con người đùa vui của ông cũng thật dí dỏm, và thường hay kèm theo nụ cười cùng tiềng đù, mỗi khi có điều gì đắc ý, thật sảng khoái.

Tại câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, ông như hòa mình trọn vẹn vào không khí vui tươi với các chiến hữu dưới quyền, trong các tiệc khen thưởng khoản đãi Chiến sĩ Không Quân xuất sắc. Trong các buổi tiệc tiếp tân các phái đoàn khách, phong cách của ông đĩnh đạc trang nhã bao nhiêu thì nơi khung cảnh các dạ tiệc thân hữu, con người ông khác hẳn. Đầy vẻ lịch lãm, ông lui tới thăm hỏi đùa vui với từng nhóm khách khác nhau. Tôi thường nghe nhiều người cùng cười rộ lên, sau khi ông nói một câu pha trò gì đó.

Một lần, cũng trong buổi tiệc thân hữu, có màn hợp ca bài Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội gồm có ông, ông tướng tầu bay Nguyễn Cao Kỳ và nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc (hai ông này là bạn thân thiết của tướng Kỳ). Khi đã lên sân khấu chuẩn bị trình diễn, ông Kỳ quay ra sau dặn chúng tôi nhớ nhắc bài vì ông thường hay quên, không thuộc lời bài hát. Liền sau đó, ông tướng Tư lệnh cũng quay mặt lại, giơ ngón tay trỏ lên miệng rồi xua tay như thầm bảo đừng thực hiện. Hiểu ý, tôi lui khuất hẳn ra đằng sau cánh gà. Và đến đoạn ông Kỳ quên lời, vói tay ra sau vẫy lia lịa. Không nghe ai nhắc, ông cứ ngọng nghịu ú a ú ớ hát theo các vị kia. Tôi nhìn thấy nụ cười khoái trá của ông tướng Tư lệnh.

Và một chuyện đùa vui nhỏ khác, mặc dù ông không có ý gì, nhưng cũng khiến người trong cuộc ngớ nghệt, sững sờ.

Xin nói qua về bối cảnh câu chuyện. Năm 1972, Quân chủng vẫn đang trong giai đoạn bành trướng và phát triển. Cùng sau thời điểm “Mùa Hè đỏ lửa” năm ấy, bên cạnh việc tuyển ứng viên sĩ quan phi hành, có nhiều đợt tuyển mộ rầm rộ HSQ kỹ thuật các ngành để đáp ứng cho nhu cầu. Vì thế số lượng thanh niên nhập ngũ vào Không Quân rất đông đảo. Trong khi chờ đợi gửi đi quân trường để thụ huấn chính thức, họ được tập trung dưới Khu Huấn luyện Sư đoàn 5 Không Quân để huấn luyện sơ khởi. Điều kiện doanh trại có giới hạn nên thời gian này, sinh hoạt của các tân khóa sinh tương đối được phần nào thoải mái. Bởi vậy mới có tình trang nhiều anh chàng, chắc cũng con nhà khá giả, đi loanh quanh các hàng quán trong căn cứ để ăn uống, kể cả các câu lạc bộ; một khi không có những thời điểm bắt buộc phải có mặt tại Khu Huấn luyện.

Vào một buổi sáng thời gian đó tại câu lạc bộ Mây Bốn Phương. Ông tướng Tư lệnh đang ngồi ăn sáng với Đại tá Phan Phụng Tiên, Tư lệnh Sư đoàn 5 KQ (đến ngày 1/11/1972 ông mới vinh thăng Chuẩn tướng). Có mấy anh chàng tân khóa sinh đi ngang qua bàn hai vị đang ngồi đối diện nhau, dừng lại rồi chỉ đứng nghiêm nhìn Đại tá Phan Phụng Tiên giơ tay chào kính.

Và sau đây là mẩu đối thoại ngắn tiếp theo:

_ “Ê, nè mấy anh bạn. Sao chào ông này mà hổng chào tui dzậy ta. Biết tui là ai hông?

_ Dạ, thưa không.

_ Ủa, kỳ thiệt ha, sao dzậy. Mà sao biết ổng.

_ Dạ, Đại tá có xuống chỗ tụi em nói chuyện…

_ Ờ ha, dzậy thôi, cám ơn heng, đi chơi dzui dzẻ nghen.”

Nói xong ông nhìn lên trần nhà cười tủm tỉm, chỉ là một nụ cười vui. Đại tá Phan Phụng Tiên ngồi lặng người.

Tôi kể chuyện này cho người bạn cùng khóa là sĩ quan cán bộ dưới Khu Huấn luyện. Anh nói các ông tân binh Không quân mới toanh đã biết gì mấy về Quân chủng đâu, nhất là mặt mũi các cấp lãnh đạo. Sau đấy, tại văn phòng làm việc dưới đó thấy treo trên vách tường chân dung các sĩ quan cao cấp thuộc Bộ Tư lệnh Không Quân cũng như Sư đoàn.

Tôi cũng còn nhớ một chuyện đùa vui khác nữa của ông tướng Tư lệnh.

Nhân kết thúc một kỳ họp các đơn vị trưởng tại Bộ Tư lệnh Không Quân, Ban Thể dục Thể thao thuộc Văn phòng CTCT chúng tôi được chỉ thị tổ chức trận túc cầu giao hữu để kỷ niệm, tại sân banh Bộ Tư lệnh. Thành phần cầu thủ hai đội tham dự trận đấu, gồm các Sĩ quan đơn vị trưởng về dự họp, được tăng cường thêm các cầu thủ của đội banh Không Quân cho đủ các vị trí trên sân. Có hệ thống phóng thanh để làm lễ khai mạc và giới thiệu long trọng đội hình hai bên. Ông tướng Tư lệnh chỉ đá hiệp một. Bắt đầu hiệp hai, ông ngồi ngoài, cầm micro để tường thuật và bình luận trận đấu như ký giả Huyền Vũ vẫn thường làm trên Vô tuyến truyền thanh. Có điều, kèm theo lời tường thuật và bình luận của mình, ông chêm vào những câu mô tả pha trò đầy dí dỏm làm khán giả liên tục cười nghiêng ngả. Trong khi đó, vài vị cầu thủ là sĩ quan đơn vị trưởng, có cái bụng hơi phệ, nên di chuyển trên sân chậm chạp, cứ đón hụt các đường banh, hoặc giao trả qua lại không gắn bó, được ông nêu đích danh đùa vui, bị chi phối nên càng thêm loạng quạng, khó điều khiển trái banh hơn. Có vị giận quá bỏ ra sân, nghỉ đá luôn, tan trận đi thẳng ra chỗ thay đồ, không thèm quay lại bắt tay chào từ giã đội bạn và khán giả.

*

Dù xa quê nhà từ lâu, nhưng con người bình dị bộc trực, trọng lễ nghĩa đất Bạc Liêu vẫn còn nguyên trong ông. Năm thân phụ ông từ trần tại Bạc Liêu (hình như năm 1971 hay 1973?), ông về thọ tang. Nhìn cung cách ông một mực tôn kính khi tiếp đón, thưa chào, chuyện trò thăm hỏi các bậc trưởng thượng, các vị khách địa phương đến viếng tang, chắc nhiều người không nghĩ ông đang là một tướng lãnh cao cấp, đứng đầu Quân chủng Không quân.

Cá nhân tôi cũng có thêm vài điều ghi nhớ, đơn thuần như những kỷ niệm kể lại, không mang ý nghĩa nào khác.

Một lần nọ, cũng trên sân khấu câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, sau một tiết mục mà ông tham gia, trước khi bước xuống về lại chỗ ngồi, bất chợt ông quay lại bước đến gần tôi đang đứng phía sau, mỉm cười và khẽ nói ông Trung gúy thấy ông Trung tướng để râu nên học theo phải hông. Tôi hơi bối rối, mặc dù biết ông chỉ nói vui và mình cũng đã có giấy phép để râu do Đại tá Chỉ huy trưởng Tổng Hành dinh Không Quân cấp cho từ lâu rồi.

Và chuyện nữa, được Trung tá Trưởng phòng của tôi nói lại cho biết. Qua mấy lần Trung tướng Trần Văn Trung, Tổng cục trưởng Tổng cục Chiến tranh Chính trị  có dự tiệc Tiếp tân khoản đãi các Phái đoàn Quân sự Đồng minh tại câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, không biết chấm điểm người phụ trách giới thiệu chương trình là tôi như thế nào mà sau một buổi tiệc, ông đã ngỏ ý với ông tướng Tư lệnh muốn xin tôi về bên đó, và sẽ hoán đổi bằng các sĩ quan khác. Ông tướng Tư lệnh hứa sẽ chỉ thị tiến hành việc này. Nhưng rồi ông nói với Văn phòngTham mưu phó/ Chiến tranh Chính trị  rằng, phải lựa lời để từ chối khéo léo bằng văn thư. Đâu có thể để đơn vị bạn nhìn thấy sĩ quan trẻ của mình làm việc tốt là muốn lấy đi.

Sau đó, có thêm một đợt mấy sĩ quan tốt nghiệp Trường Đại học Chiến tranh Chính trị  Đà Lạt khóa I, từ bên Bộ binh được chuyển sang Không quân, nhưng tôi vẫn ở nguyên nơi chỗ cũ.

Hình như có một nguyên tắc về Hành chánh Quản trị là các sĩ quan tốt nghiệp Trường Bộ Binh Thủ Đức như tôi, khi làm đơn và được chấp thuận chuyển sang Không Quân, đương nhiên đã đổi tình trạng quân vụ từ Trừ bị sang Hiện dịch, đồng thời đổi số quân Bộ binh thành số quân của Không quân. Và không thể trở về lại Bộ binh được nữa thì phải.

Chuyện cuối, khoảng đầu tháng Tư năm ấy, bạn tôi bên Phòng Thăng thưởng & Huy chương Khối Nhân viên cho biết, tôi có tên trong Danh sách được lên Đại úy kể từ 01.4.1975, và chờ ngày chính thức ban hành Nghị định để được gắn lon mới.

Thời gian ấy, các đợt sĩ quan tân thăng chỉ được gắn lon trong phòng, thuộc phạm vi phần sở phục vụ trực thuộc, thay vì trong Lễ chào cờ thứ hai đầu tuần ngoài sân cờ như trước đây, vì đang trong giai đoạn chiến sự khốc liệt, đề phòng tình trạng Cộng quân pháo kích.

Tôi đã tưởng việc lên lon của mình cũng sẽ như thế, nhưng rồi tin từ trên Văn phòng Tư lệnh cho biết, sau ngày nghỉ lễ Lao động quốc tế 1.5, sẽ thực hiện trở lại việc chào cờ thứ hai đầu tuần ngoài sân cờ, để chứng tỏ tinh thần và ý chí của Không Quân. Việc gắn lon cho các sĩ quan tân thăng cũng được tiến hành ngoài đó và dĩ nhiên do ông tướng Tư lệnh chủ sự theo thường lệ.

Nhưng cuối cùng, tôi đã không bao giờ được đeo lon mới. Thôi thì cũng là một kỷ niệm sau hết và chẳng bao giờ có thể quên, về những năm tháng mặc áo lính của tôi và những buồn vui phi trường, bên trong vòng rào Căn cứ Không quân Tân Sơn Nhất.

*

Biến cố Ba mươi tháng Tư năm 1975 đau thương buồn thảm ấy đưa đất nước, dân tộc và mỗi một gia đình, từng con người, thuộc mọi tầng lớp, thành phần Quân Dân Cán chính Việt Nam Cộng Hòa, bước vào khúc quanh lịch sử để đời.

Cách riêng với những tướng lãnh đã thoát ra được hải ngoại, có vị kết thúc đời mình nơi bước đường lưu vong xứ người trong những bối cảnh sôi nổi, sóng gió. Nhiều vị khác chọn cuộc sống thầm lặng bình yên. Trung tướng Trần Văn Minh Tư lệnh Không Quân, là một người như thế. Ông tìm chút vui nhỏ nhoi với văn chữ. Ông có thêm tập truyện Chốn Lao Xao và những bài viết được đăng tải rải rác đây đó.

Hơn ai hết, ông hiểu được chữ Thời và thấm thía với câu nói của người xưa Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng.

Chỉ một lần duy nhất vì cần thiết chẳng đặng đừng, ông mạnh mẽ và thẳng thắn lên tiếng nói bằng tâm bút Sự thật đời tôi mà nhiều người đã được đọc. Và qua những dòng chữ tâm huyết ấy, ông không chỉ bộc bạch mọi nỗi niềm của riêng ông, mà  như còn nói thay cho các chiến hữu thân quý của ông nữa.

Ông đã có mặt với Không quân từ những ngày tháng phôi thai đầu tiên được thành lập. Ông đã đồng hành với Quân chủng cho đến cuối hết cuộc hành trình. Ông nắm giữ trong trách lãnh đạo Quân chủng Không quân trong những thời kỳ quan trong vào giai đoạn Hiện đại hóa và Bành trướng, với những thành quả vàng son rực rỡ. Ông đã cùng cam chịu những tháng ngày khó khăn vất vả và cả nỗi nghiệt ngã cay đắng cuối cùng của Không lực Việt Nam Cộng Hòa.

Bất cứ thời điểm nào, hoàn cảnh nào, ở nơi ông luôn thể hiện hình ảnh một cấp chỉ huy mẫu mực, bên cạnh một con người đầy nghệ sĩ tính.

Hình ảnh đẹp đẽ ấy sống mãi với quân sử, và trong tâm tình chân thành yêu kính của những người chiến binh Không Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Xin thêm một lần tưởng nhớ ông, thưa ông tướng Tư lệnh kính mến.


(Bài viết ghi nhớ ngày Quốc hận lần thứ 47)

(Cũng để ghi nhớ ngày Không Quân lần thứ 67)


ngọctự

(thành phố Richmond Texas 18.4.2022)



0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ