Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

HỠI LINH HỒN TÔI (iii) / Thế Phong -- trích; Việt Văn Mới 17/ 11/ 2023 ( Paris).

 Việt Văn Mới

      

tranh của cố danh họa Tạ Tỵ

HỠI LINH HỒN TÔI



             III.

ột buổi trưa khác, Đỗ đang giặt quần áo cho vợ, tã cho con chất đầy trong chậu lớn thì nghe thấy có tiếng khách ngoài cửa gọi. Đỗ đi ra, nhìn thấy Hùng kiến trúc sư, con bà cô ruột lên Đà Lạt tới thăm. Hùng nói ngay, mục đích đến thăm xem mặt bà chị mày ngang, mũi dọc ra sao dám nhận làm vợ người anh họ hoang đàng như Đỗ. Hùng thăm cháu nằm bên cạnh chị, bụ bẫm, hiện cháu đang bị tiêu chảy. Rất nhiều tiền mua thuốc chữa trị, chẳng kết quả bao nhiêu. Đỗ tien Hùng ra cửa thì nhận được thư của Thế Nguyên ở Sài Gòn báo tin cuốn truyện Khu rác ngoại thành sắp in xong. Thế Nguyên cũng báo cho biết bản quyền đươc đầu nậu Thành, bỏ tiền in ấn phát hành, sẽ trả tác giả ba ngàn đồng. Đỗ tính nhẩm với số tiền này anh có thể mua được ba vé máy bay khứ hồi Đà Lạt - Sàigòn. Tự nhiên trong trí anh nảy ra ý , ở Đà Lạt này không có cách gì kiếm ra tiền, và anh đang cần tiền mua thuốc cho con; cách hay nhất về Sài Gòn lấy tiền nhuận bút và sách biếu tác giả. Bây giờ không thể đi đường bộ, vì bị đắp mô liên tục, nhất là đọan đường cây số 135, tính từ Sài Gòn lên Đà Lạt. Như thế sẽ mất chín trăm đồng vé máy bay khư hồi, tiêu vặt dọc đường dè sẻn mất vài trăm, còn lại khoảng ngàn tám để mua thuốc cho con. Đỗ bàn với Khuê về việc này, nàng đồng ý ngay, vét được còn năm trăm đưa cho chồng. Về đến Sài Gòn, anh đến gặp bạn với tất cả hý hửng có tiền, có sách, sẽ được nhìn thấy diện mạo đứa con tinh thần, đẹp đẽ hay xấu xí?

Cầm hai mươi cuốn sách biếu, nhưng không tiền bản quyền, Đỗ nhắc lại lời nói của bạn:

- Biết anh cần tiền mua thuốc cho cháu, nên đã gửi ngay bưu phiếu cho anh từ mấy bữa rồi.

Đỗ ra về không mấy vui, mặc dầu có đứa con tinh thần bên cạnh, anh cũng không buồn mở ra xem. Anh vội vã trở lại đường Phạm Ngũ Lão, văn phòng đi đến của hãng Hàng Không Việt Nam mua vé sớm nhất về Đà Lạt.

Chiếc máy bay DC3 đang bay trên vùng trời Biên Hoà, thì bỗng có tiếng xì xào của khách bàn tán rằng máy bay hỏng hóc động cơ thì phải? Đỗ rất bình thản, có thể bu-gi đóng chấu; anh có ý nghĩ khôi hài ở trên không làm sao cạo được bu-gi như đối với xe gắn máy, xe hơi ở dưới đất. Anh chẳng mảy may sợ sệt cho là máy bay có rơi rồi chết đi chăng nữa, thì ít nhất vợ con cũng nhận được tiền bồi thường. Và lại, là một số tiền khá lớn làm vốn để nuôi con có tiền ăn học sau này. Và, thật sự tin máy bay trục trặc chỉ là dự đoán từ một hành khách; bởi lẽ cô chiêu đãi viên hàng không đang trấn an, qua tiếng nói dịu dàng từ loa phát ra.

Về đến Đà Lạt, vợ cho biết con trai đã bớt tiêu chảy, và vội vã ra bưu điện lĩnh tiền. Trên đường về Phan Đình Phùng, có tiếng ơi ới gọi của một giọng nói quen quen; quay lại gặp một số bạn cũ từ Sài Gòn lên Đà Lạt theo phái đoàn chính phủ làm phóng sự, tường trình. Cảm tưởng đầu tiên khi gặp lại bạn bè cũ, chúng nó như là giầu có rủ rê đi ăn uống, thì bản thân Đỗ không vui vì việc này, bởi lẽ túi anh rỗng. Đỗ tư chối thẳng thừng, mặc dầu anh rất thèm bữa ăn ngon miệng ở hiệu đã từ lâu không được bén mảng tới. Cứ mỗi lần anh nghe radio loan tin phái đoàn này nọ sắp đến Đà Lạt là một lần tránh mặt đi ra phía bờ hồ hay khu Hòa Bình, mà đành chọn đường vắng, cốt tránh gặp họ.

Thường ngày, vợ chồng anh có rất ít bạn bè đến thăm; nếu có thì đôi lần Bùi Thức đến. Bởi anh giấu địa chỉ không muốn cho ai biết. Buổi tối ở đại gia đình này, cha mẹ vợ, con cái, cứ sau bữa ăn tối ngồi lại với nhau đánh chắn, tuy không sát phạt, nhưng có nhiều cảm giác thích thú. Về khuya thường ra đói bụng, đánh chắn xong ai thắng thì tiền ấy dùng mua bánh mì nóng về ăn. Trời Đà Lạt về đêm lạnh, ăn bánh mì nóng cũng đủ ngon. Nhưng bữa nay mẹ vợ Đỗ không vui như mọi lần, bà có giọng ăn nói kỳ kỳ khác hẳn trước; chỉ cần mở cánh cửa tủ mạnh tay, vang lên âm thanh kèn kẹt là chau mày khó chịu. Đỗ đoán ngay ra được đây chỉ là cái cớ để bà thể hiện sự túng bấn trong gia đình, khi có thêm hai vợ chồng anh; và cháu bé Mạnh. Vợ chồng anh đã về ở nhờ bên ngoại đã trên ba tháng. Và ngày Tết ta cận kề, thì đồng tiền lại càng cần thiết để chi tiêu vào dịp này. Con cái lớn trong gia đình có việc làm, nhưng chẳng đóng góp được là bao! Có ngày bà đi chợ mà trong túi không còn đồng xu, cắc bạc, bà đi thu xếp từng tờ báo cũ thật ngay ngắn, vuốt thẳng, cột lại cho vào giỏ đi chợ bán lấy tiền chợ. Đỗ nhìn thấy và biết thế lại ngó lơ như không hay gì; song vẫn đập vào mắt.

Trưa hôm ấy Đỗ lấy cớ bụng đau không ăn trưa, lòng no nê sự chán chường. Đỗ rủ Khuê:

- Em mặc áo vào chúng ta đi dạo một vòng được không?

- Anh chờ em một tí, em cũng định rủ anh đi dạo có chuyện muốn bàn với anh.

Trời gần tết ta Đà Lạt lạnh buốt, hai vợ chồng đi bộ dọc theo lối tắt đường Phan Đình Phùng sang Hai Bà Trưng. Đỗ nói với vợ:

- Em thấy thái độ của mợ ( mẹ) hôm nay thế nào?

- Mợ buồn vì đồng tiền eo hẹp, tết gần đến, lại phải nuôi hai vợ chồng chúng mình và cháu bé. Sáng nay mợ đem báo cũ đi bán chẳng được bao nhiêu tiền, đi chợ về mắt kèm nhèm vấp ngã ở đầu hẻm chân sưng vù. Em thương mợ lắm và chưa có cách gì để có tiền đưa cho mợ. Anh có cách nào không?

- Sáng qua anh nhận được thư một thằng bạn học cũ từ Hà Nội, nay nó là chỉ huy trưởng Lữ đoàn Phòng vệ Phủ tổng thống. Trong thư trả lời, anh cứ về Sài Gòn nó sẽ kiếm cho chân binh nhì làm lính kiểng hợp lệ tình trạng quân dịch, rồi viết báo kiếm sống, nuôi vợ con. Anh nghĩ chẳng đi đâu thoát được Sài Gòn, cóc chết ba năm lại quay đầu về núi. Thằng Quang Dù còn tử tế; chứ thằng Sảnh, cũng trung tá Dù, chỉ huy trưởng Cảnh sát Dã chiến không thèm trả lời thư anh lấy một lời khi bạn bè cũ cậy nhờ. Anh chẳng trách gì Sảnh, chỉ nghĩ tình đời xử với nhau lúc này mới rất dễ biết.

Khuê gật đầu đồng tình ngay, một điều mà anh chưa dám nghĩ là có sự đồng tình. Vợ anh cũng rất tỉnh táo nhận xét về mẹ vợ khó chịu với con rể nghèo túng bị khinh khi, chứ không bênh mẹ.

Buổi chiều hôm ấy thật đáng nhớ đời. Một chiều đông xám năm sáu bẩy, không gian chùa Linh Sơn, hai vợ chồng đứng đây nhìn xuống phố núi. Chồng nói với vợ:

- Khuê ơi, tình cảnh này chúng ta không thể tiếp tục ở lại Đà Lạt được rồi. Với anh, thì Đà Lạt chỉ là nơi để tiêu tiền, chứ không thể là nơi kiếm ra tiền được. Chẳng thể trách ai, chỉ tại sự túng bấn đưa đến điều ra tiếng vào nặng nhẹ của mẹ vợ. Anh chắc chắn một khi có tiền đưa thường xuyên, chắc hẳn những buổi đánh chắn trong gia đình còn vui hơn nhiều, không còn con đường nào khác là trực chỉ về Sài Gòn.

Khuê gật đầu, trong óc nàng có phương án chi tiết hơn chồng dự tính, Khuê đáp:

- Tiền xe, ăn đường em đến Bích mượn. Anh còn nhớ Bích chứ, năm 65 anh lên Đà Lạt đến tìm em rồi phải chờ, vì em đi dự đám cưới Bích lập gia đình với ông Lượt bạn anh , quân cảnh ở Vũng Tầu ấy. Bích là con gái của nhà in Công Đồng ở đường Minh Mạng là bạn thân của em. Em chắc chắn thế nào Bích cũng cho mượn anh ạ.

- Đỗ không thể quên chú rể ấy là trưởng đồn quân cảnh Vũng Tầu, cũng là một trong những người si mê co Tỵ. Lượt từng nói đùa rằng lương Lượt bẩy ngàn, còn lương Đỗ tám ngàn. Nuôi cơm ba bữa, quần áo có người giặt, ngủ trại sang như tiêu chuẩn Mỹ với giường, nệm trắng; nếu so sánh thì cô mết Đỗ hơn Lượt là chắc rồi! Bởi vậy, Lượt đành lập gia đình ở Đà Lạt với con chủ nhà in thôi. Đỗ nhớ buổi vợ Lượt đến nhà tìm gặp Khuê, Bích gặp Đỗ ôm con gà trống nhỏ bằng nắm tay, dí mỏ nó vào cửa kính bắt ruồi. Chẳng hiểu sao con gà biết Bích là người lạ, nó muốn vượt khỏi tầm tay anh để mổ Bích. Con gà sống này là bạn thiết của Đỗ nó, làm anh khuây khoả trong những ngày phiêu linh, sống chẳng ra sống ở Đà Lạt thời kỳ này. Chỉ mới nuôi nó được ít ngày, săn sóc, chăm bẵm và nó rất thích được bồng bế trong tay đưa lên cửa kính bắt ruồi. Thức ăn của nó bằng ruồi nhiều hơn cơm, gạo – nên chất tươi thực phẩm ruồi khiến tâm tính nó rất dữ dằn. Nó mổ “choác” một cái, chú ruồi biến mất, không còn loay hoay bò chậm chạp trên mặt cửa kính nữa.

- Đỗ nói với vợ:

-Về lại Sài Gòn anh sẽ nhớ nhất là con gà, chẳng biết còn ai nuôi nấng, cho nó ăn ruồi trên cửa kính nữa không?

Hai vợ chồng về đến nhà, anh đi tìm con gà, nó đang tìm ăn đâu đó; khi nhìn thấy Đỗ, nó chạy miết lại phía anh thật mừng rỡ. Buổi chiều áp Tết năm ấy, không hiểu sao thời tiết còn lạnh như kỳ Giáng sinh. Một chiều trong đời thật khó quên của vợ chồng anh thấm hiểu nghĩa lý cuộc đời thật sâu đậm!

Từ trên cao nhìn xuống phố, một Đà Lạt thật buồn, với nhiều dẫy nhà tầng thang; xa xa ngọn thông nhấp nhô trên đồi xa đứng thẳng trước nhiều cơn phong ba của mưa đồi, gió núi. Và mai này đây phải xa Đà Lạt đối với vợ chồng Đỗ mà thôi - còn Đà Lạt vẫn có từ muôn đời từ thời hồng hoang cho đến khi được bác sĩ Yersin khám phá ra, với thác Pongour, Prenn, Gougah...

Vợ chồng Đỗ từ giã Đà Lạt trời vừa xẩm tối; riêng anh quay lại nhìn đoạn đường xe chạy; bật nhớ đến con gà đang chúi đầu đâu đó không biết diều có căng ngoẹo đầu ngủ sớm.

Cùng về Sài Gòn với vợ chồng con anh, còn bà chị vợ. Chán việc làm nha công cho nha sĩ có phòng khám ở Duy Tân chỉ là cái cớ nhỏ bề ngoài; chị muốn bỏ phố núi, nơi một chuyện tình với một sinh viên sĩ quan Đà Lạt, gọi là yêu để có nơi hò hẹn vào ngày nghỉ - sau này mới biết Thành lợi dụng để bù thêm vào cơm no bò cưỡi. Tốt nghiệp thiếu úy Trường Võ bị Liên quân, Thành bỏ đi ngay không một lời giã từ. Chị vợ anh thở dài, an ủi với chính bản thân may đã không cấn thai với gã sở khanh này.

Về đến Sài Gòn, vợ chồng anh thuê được căn gác chuồng chim của người bà con xa, qua bà cô ruột giới thiệu. Cái ngõ hẻm gần rạp chớp bóng Thanh Vân trên đường Lê Văn Duyệt, chạy ngang qua nhà ca sĩ nổi danh Thanh Thúy, là đến nơi tạm cư của vợ con anh cùng bà chị vợ. Ngày ngày, anh đi gửi bài vở cho nhật báo Sống chủ nhiệm Chu Tử; truyện ngắn được đăng ngay vào cuối tuần. Rồi anh thu gom bản thảo, truyện dài, sách biên khảo đem đến các nhà xuất bản gạ bán, hy vọng bán được để có tiền độ nhật. Một hai nhà xuất bản nhận và thật lòng muốn xuất bản chỉ có một nhà nhận in ba cuốn, với điều kiện tác giả xin cấp được giấy phép. Đỗ thật vui khi cầm ba giấy phép: truyện dài Nửa đường đi xuống, Friedrich Nietzsche, và, truyện dịch Chiếc Roi Ngựa của V.C.Gheorghiu. Nhà xuất bản Đời Mới đang in một sê-ri truyện dài của Duyên Anh, sách bán rất chạy, nào Dzũng Dakao, Châu Kool... tác giả bán đứt một triệu đồng mỗi tựa. Còn anh chỉ bán một lần in ba ngàn cuốn, khoảng bốn trăm ngàn cho một tựa truyện dầy năm trăm trang, như Nửa đường đi xuống chẳng hạn.

Hàng ngày, anh đến nhà in chữa bông, bìa cuốn này là ảnh Nguyễn Cao Đàm, chụp một thanh niên đội nón đi trong vòng dây kẽm gai không lối ra-- và, bốn chữ Nửa đường đi xuống không viết hoa qua nét chữ bay bướm nghệ sĩ nhiếp ảnh tài danh,  Đỗ dùng luôn làm tựa sách. Lúc này Đỗ đã đồng hoá vào quân chủng Không quân làm biên tập viên báo Lý Tưởng, mang lon trung sĩ đồng hoá. Phải tự đi mua lon lá, đeo trên vai quân hàm mầu trắng hai chữ V ngược, về đến trại mọi người cười ồ:

- Thế ra cậu không chịu mang lon trung sĩ sao? Thượng sĩ Cường hỏi vậy.

Đỗ biết rằng đã nhận lầm cặp lon hạ sĩ mầu trắng, thay vì trung sĩ mầu vàng, nhưng Đỗ vụng chèo cả vụng chống luôn:

- Bữa nay đeo quân hàm hạ sĩ, mai hạ sĩ nhất và ngày mốt là trung sĩ đích thực.

- Thôi cha, dốt thì nhận đi, hay cha nghe câu Tư lệnh Không quân trao Sự vụ văn thư, nói rằng “anh phải mang lon trung tá mới đúng”; rồi làm mình làm mẩy mua lon hạ sĩ đeo cho bõ ghét chứ gì?

Thượng Sĩ  Dương Hùng Cường viết báo bên ngoài, tác giả cuốn truyện dài Buồn vui phi trường mới xuất bản, viết về chuyện vui buồn đời lính không quân. Ngay khi nhận được sách tặng, Đỗ cảm ơn tác giả, đọc mấy vần thơ tếu:

“Hào hoa là lính Không quân/ Anh có cái quần anh cũng bán đi/ Ngày mai anh mặc bằng gì?/ Anh mặc cái áo anh đi khòm khòm”.

- Kể ra mới vào lính Không quân mà tếu như vậy là khá rồi! Cường vỗ vai bạn khen cách trịch thượng từ môi mép đàn anh lính tráng có  nhiều năm quân ngũ.


Vừa mặc áo lính chưa được hai tháng, là bắt đầu cấm trại, cấm quân. Cũng chỉ vì sắp có cuộc bầu cử Tổng, Phó tổng thống, và tướng Kỳ đứng chung liên danh ở ghế phó. Đỗ khó chịu khi bị ghép vào trung đội ứng chiến, bị điểm danh liên miên. Đứng trên ban- công, anh dõi mắt nhìn về phía xa xa, thế là tối nay không thể xuất trại. Bỗng có ai vỗ vai, an ủi:

- Buồn vì cấm trại phải không? Tối nay hãy theo tôi, nếu muốn dù khỏi trại.

Trung sĩ Thiều, chàng trung sĩ KQ còn là nhà báo này thâm niên quân ngũ, tác giả dăm ba cuốn truyện diễm tình bầy trên kệ các nhà sách bán khá chạy. Tướng tá khá bảnh trai, chỉ tội môi thâm; cứ như sách nhận dạng vóc dáng nghiện ngập là điều chắc chắn. Đỗ lóe lên hy vọng tối nay có thể về nhà, buổi sáng đi làm anh chưa biết lệnh cấm trại. Nếu tối không về được, vợ anh không thấy chồng về hẳn lo lắng. Cũng may ở nhà còn bà chị vợ, chiều đi làm về nhà cũng đỡ trống trải. Lượt, quân cảnh Vũng Tầu đã đổi về Quân vụ thị trấn, và Bích vợ Lượt mua nhà buôn bán ở gần chợ Ông Tạ - hai vợ chồng này đã xin việc cho chị vợ Đỗ làm y tá Nha Thương cảng. Nhờ vậy chị vợ anh cũng khuây khoả được tình buồn với chàng thiếu úy Võ bị, và cũng tự kiếm sống bằng nghề làm y tá. Bỗng thấy trung sĩ Thiều quay trở lại, đưa mắt nháy, anh theo xuống căng tin. Thiều bảo Đỗ:

- Ông theo tôi nhé, xe hơi tôi để ở khu gia binh. Xe Hillman loại cà tàng ấy mà, giá trị xe này chỉ bằng tiền một xe gắn máy tốt thôi. Nhưng dầu sao thì nó vẫn là xế bốn bánh dễ dù ra khỏi trại. Bữa nay tôi đưa ông qua lối Nhà Ma rồi vòng qua sang khu Hàng không Dân sự chuồn dễ lắm!

Đỗ liếc nhìn Thiều mặc quần áo treilli mới tinh như anh mặc; nhưng không hiểu sao bề ngoài nhìn vào dễ phân biệt đâu là lính mới, lính cũ. Vừa chui qua lỗ chó chui hàng rào concertina Thiều qua lọt, còn anh bị quân cảnh ém trong bụi rậm lừng lững bước ra giơ tay chặn anh lại.

- Cho coi giấy

- Thưa tôi là trung sĩ mới đồng hoá làm biên tập viên báo Lý Tưởng, Đỗ đap.

Anh quân cảnh này chỉ anh đi tới phía chuẩn úy quân cảnh trình diện.

- Bộ Tư lệnh Không quân hay là Không đoàn 33?

-Thưa,  báo Lý Tưởng.

- Lính mới đồng hoá phải không? Đi theo nhà báo trung sĩ Thiều hả. Thôi đi đi, cho qua lần này thôi nhé.

- Xin cảm ơn chuẩn úy.

- Phải cảm ơn thiếu úy chứ trung sĩ Đỗ, Thiều quay trở lại đón bạn, dạy bài học phải biết nịnh cấp trên, chuẩn gọi là thiếu, cứ tăng lên một cấp.

Đỗ ngồi nhờ xe của Thiều qua cổng Nhà Kiếng Hàng Không dân sự, cảm thấy thoát được rồi, niềm sung sướng dù khỏi trại thật mãn nguyện. Tự nhủ là sắp gặp được vợ con thật mừng! Buổi tối lại trở vào trại, hai mươi giờ, rồi hai mươi hai giờ, Đỗ được cắt làm tiểu đội trưởng thuộc trung đội I ứng chiến. Tiểu đội văn phòng gồm những ca sĩ nổi danh như Anh Khoa, Duy Quang..., diễn viên cải lương đoàn Kim Chung như: Phúc Lai, Tư Vũng, Ba Hội..., kỹ sư Biên ở Pháp về đồng hoá hạ sĩ kiểng, ban ngày dạy tiếng Pháp cho con gái Tham mưu trưởng, hoặc Lâu, làm cho hãng Reuters chuyên dạy tiếng Anh cho con tướng, chỉ ban đêm vào điểm danh ứng chiến. Có một đêm điểm danh lúc hai mươi giờ xong, ca sĩ Anh Khoa đi lại phía Đỗ, nói lí nhí:

- Thưa bố, em xin một việc, rất biết ơn, nếu bố đồng ý.

- Thì nói ra mới biết được mà đồng hay không đồng chứ?

- Tối nay em có hai sô hát, xếp thương cho em được miễn điểm danh lúc hai mươi hai giờ. Không những em chịu ơn Sếp, còn nhân danh vợ con cảm ơn Sếp nữa.

- Thôi được, lần này thôi nhé!

Nói thì nói vậy, thâm tâm Đỗ biết chẳng cứ một mình ca sĩ lính kiểng Anh Khoa hay Duy Quang, đến hề Ba Hội, Tư Vững... chỉ điểm danh lấy lệ thôi. Quân cảnh Không đoàn 33 gác cổng Phi Long, Phi Hùng... quen mặt nghệ sĩ, nhà báo mặc áo lính vẫn thông cảm cho qua cổng bình thường; trừ cấm quân, cấm trại, có xếp lớn ra đứng kèm thì mới hỏi giấy xuất trại, hoặc đuổi vào mà thôi. Khi Anh Khoa vừa biến mất, thì có một anh lính mặc quần áo mới toanh, dáng điệu rất ngố đi lại phía Đỗ rụt rè chụm chân chào, nói giọng hùng hổ:

- Sếp cho tôi khỏi điểm danh lúc hai mươi hai giờ như ca sĩ Anh Khoa nhé. Tôi dạy tiếng Pháp cho con gái Tham mưu trưởng.

Biên nói xong đi ngay, không cần Đỗ đồng ý hay không? Xốn mắt, gai tai, Đỗ gọi Biên lại ra lệnh:

- Báo cáo tên, cấp bậc, số quân.

- Thưa em tên Biên, số quân...

- Trong quân ngũ, không xưng em, con, cháu. Báo cáo nhanh, gọn, ăn nói chững chạc.

- Tôi là hạ sĩ Lê Biên, số quân 58/600594.

- Rồi sao nữa?

- Xin cho tôi được xuất trại như ca sĩ Anh Khoa vậy.

- Hít đất hai mươi cái rồi đứng nghiêm báo cáo. Thi hành trước khiếu nại sau.

Hạ sĩ chống hai tay xuống đường nhựa, đẩy hai tay lên, mà chưa nhấc tay lên được, đã nằm quỵ xuống. Đỗ bực với lối nói cậy thế, ỷ quyền của Biên; nên đá vào ống quyển Biên một cái nên thân, ra lệnh tiếp:

- Không hít được hả?

- Dạ xin trung sĩ tha cho.

Đỗ đưa mắt về phía tiểu đội phó Nho:

- Đưa xuống Tổng hành dinh cho garde à vue cậu ta, sáng mai giải quyết tiếp.

...... CÒN TIẾP ....




VVM.17.11.2023-NVA2534.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ