Thứ Tư, 22 tháng 11, 2023

bài đáng đọc ; Nỗi Lòng & Nguyễn Văn Khánh / nhạc sĩ Lê Hoàng Long 1930- / Sài Gòn -- trích: Saigon Weekly ( Mỹ ).

 

Lê Hoàng Long:  NỖI LÒNG  VÀ NGUYỄN VĂN KHÁNH 

  



Năm 1952, khi tôi cộng tác viết loạt bài phê bình âm nhạc trên tờ nhật báo Giang sơn, chủ nhiệm; bác sĩ Hoàng Cơ Bình - ở phố Hàng Trống Hà Nội, tôi được quen nhạc sĩ trử tình nổi tiếng thời bấy giờ là Nguyễn Văn Khánh, (NVKh) tác giả các ca khúc được nhiều người ưa thích : Nỗi lòng  Chiều Vàng.

     Lúc ấy, Nguyễn Văn Khánh là công chức Sở Tài chính thành phố Hà Nội. Con người NVKh, ai mới trông thấy cũng cảm thấy tỏa chất nghệ sĩ, từ mái tóc, lối nói chuyện và nhất là dáng dấp thật phong phú ! NVKh ít nói, nhưng khi nói thật dí dỏm, có duyên. Nhà NVKh ở phố Khâm Thiên, phố toàn nhà các cô đầu,  ở trong ngõ,  nhưng đất rất rộng. Khu ăn chơi này, trong một bài thơ nói đến thảm cảnh 2 triệu dân chết đói 1945, nhạc sĩ Văn Cao đã gọi đó là  phường Dạ Lạc (bài Chiếc xe xác đi qua phường Dạ Lạc), đã làm xúc động dân chúng Bắc Hà. 
     Trong khuôn viên, có cả một cái ao nuôi cá, nên vào ngày Chủ Nhật, NVKh có cái thú ngồi uống rượu và câu cá.  Rượu đối với NVKh là cái hũ chìm, uống bao nhiêu không say mà càng uống càng tỉnh táo. Lối uống rượu của NVKh đáng gọi là tiên tửu,  khác hẳn  một số đông tực tửu, rượu vào lời ra, ăn nói thô lỗ đi đến cãi nhau, đánh lộn ! Hàng tuần, NVKh hay đến vũ trường chơi với tôi vào Thứ Năm ;  còn tôi thì khoảng 10 giờ sáng Chủ Nhật là xuống uống rượu, câu cá, hàn huyên với NVKh. Có một lần, vào một sáng Chủ Nhật mùa đông gần Tết ; trời lạnh như cắt ruột ; xuống đến nhà, thấy Khánh đang đứng phục vụ vợ chiên một cá chép rất lớn. Thấy tôi đến, Khánh vội dừng tay, kéo tôi lên nhà, quạt lò lửa cháy lớn, hơ tay sưởi cho đỡ lạnh. Hôm ấy lại mưa phùn lất phất, nên chúng tôi không ra câu cá mà ngồi với nhau trong nhà. Một lúc sau Khánh ôm cái hũ sành khá lớn ra, đặt lên trên bếp lò, cười, nói :
      - Lòng mình lúc nào cũng lạnh, muà đông mưa phùn gió bấc lại càng lạnh, nên chúng mình phải đổ nước sôi (rượu hâm thật nóng) vào để cho lòng ấm lại. Hôm nay cậu phải  uống thật say, mệt thì đắp chăn bông ngủ kỹ, đến tối tôi đưa cậu đi làm.
      Dứt câu nói, thì chị Khánh đã bưng mâm lên, đặt vào giữa bộ ghế ngựa (những tấm cây lớn ghép vào nhau để nhiều người ngồi ăn hoặc vài người có thể  nằm ngủ). Thế là hai đứa  tôi ngồi đối ẩm, tán phét đủ chuyện trên đời cho đến chiều.

      Được vài hôm, tôi được ban tổ chức Chợ Phiên (kermesse) tổ chức đón mừng xuân Quý Tỵ (1953) tại bờ hồ Hoàn  Kiếm - nhờ lo cho một cuộc thi hát. Tôi nhận lời và lập ban gíám khảo ; người đầu tiên được mời là Nguyễn Văn Khánh, rồi Hoàng Trọng, Hùng Lân. Trong số thí sinh được phát thưởng hôm ấy, đến bây giờ, hơn 40 năm tôi vẫn còn nhớ - có 1 thí sinh dự thi - anh Duy Trác sau trở thành nam ca sĩ nổi danh vào thập niên 60, 70 và còn là luật sư tòa Thượng Thẩm Sài Gòn.  

      Dù thân với NVKh khá lâu mà chưa có lần nào có dịp thuận tiện để móc anh bộc lộ đời tình ái của mình khiến anh có được sợi tơ lòng óng ả ở các ca khúc Chiều Vàng và Nỗi Lòng. Thế rồi, cho đến một buổi chiều thứ bẩy vào dịp lễ Các Thánh (Toussaint), đột nhiên anh đến chơi, rủ tôi đi lễ nhà thờ ; mặc dù cả hai chúng tôi đều không có đạo. Cách đó 2 ngày, trôi đã cùng người yêu bé bỏng có đạo đi lễ tại nhà thờ Hàm Long. Nhân buổi lễ, tôi viết được bài Cầu xin Đức Mẹ, tôi bèn lấy ra hát cho NVKh nghe. Anh ngồi lắng nghe tôi hát, xong, tủm tỉm cười, nheo mắt, nói :
      - Đi với người đẹp, mắt cậu sáng như đèn pha ô tô, nên mới nhìn thấy Đức Mẹ, để có được ca khúc này hả ? Bài nghe ra có âm hưởng nhạc đạo lắm, được đấy !
     Sau này, đất nước chia đôi,  mỗi lần vào dịp mừng Chúa Giáng sinh, đài phát thanh cho trình bầy bài ấy, tôi lại sực nhớ tới lời bình của NVKhánh. 

     Chúng tôi lững thững đến nhà thờ. Sau buổi lễ hai đứa tôi băng qua đường, vào quán cà  phê Bằng, .... khi đang nhâm nhi ly cà phê nóng hổi ; từ loa phóng thanh phát ca khúc Nỗi Lòng : ' Yêu ai yêu cả một đời '  - tất cả khách trong quán im lặng thưởng thức. Khi giọng ca chấm dứt, tôi mở lời :
      - Cuộc tình mê ly nào đã làm cậu có được bài Nỗi Lòng và Chiều Vàng buồn tê tái vậy ?
Im lặng với nét mặt  như đượm buồn, đưa hồn trôi về quá khứ, NVKhánh tâm sự. Khánh là con người đa sầu, đa cảm, biết yêu rất sớm. Mới bước vào năm thứ 2 bậc Thành chung (nay lớp 7) , NVKh đã để ý, thầm yêu, trộm nhớ cô bé láng giềng. Cô bé này cũng đang cắp sách đến trường, con gái út của  một ông thông phán làm ở Phủ Thống sứ Bắc Kỳ.  

      Những đêm trăng sáng, NVKh ra đằng sau vườn nhà, mang đàn ra, hát : C' est à  Capri,  J' ai deux amours, Madelon..., chứ tân nhạc lúc bấy giờ  mới có được một vài ba bài của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước,  Văn Chung, Dzoãn Mẫn... và chưa được phổ biến rộng rãi.  Tiếng đàn quyện với tiếng hát trong đêm khuya thanh vắng, bay tới tai cô gái nhà bên. Về sau, cứ đúng giờ, NVKh ra vườn nghêu ngao. Có lẽ, cả hai đều "tình trong như đã"... nên sau buổi học chiều về đến nhà, là cả hai cùng ta vườn sau, cách nhau  có cái giậu mía thưa để nhìn nhau. Để làm hiệu, NVKh ra tới gần cửa ra vườn là cất tiếng hát lớn. Một lúc sau,   đang thơ thẩn ngoài vườn, nhìn sang, NVKh đã thấy bóng dáng mỹ nhân cũng ra, giả vờ làm một việc gì đó, nhưng 4 mắt thường vô tình gặp nhau.
      Một buổi chiều  ra vườn, NVKh hái ở cây một quả cà chua chưa chín rồi vứt nhẹ qua hàng rào. Vứt xong, NVKh lên tiếng, nhờ cô nhặt giùm, vì với tay không tới. Cô bé ranh mảnh lắm, nhặt xong, đưa cho anh, nói bâng quơ :
- Quả còn xanh thế này sao tự nhiên lại rụng được ?!
NVKh cũng thông minh, láu lỉnh, đáp :
- Phải là quả chín mới rụng được hay sao, hả cô ? Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống được nữa là. Cám ơn cô nhiều !
     Lúc ấy 4 mắt liếc nhẹ  nhìn nhau, thầm nói với nhau: tình của 2 đã rạt rào rồi. Đêm hôm ấy,  NVKh thao thức, sung sướng, xen lẫn lo lắng ; nên không sao chợp mắt được ! Nằm trong giường, NVKh chỉ mong chóng sáng, nóng lòng chờ tiếng gà gáy sáng, thỉnh thoảng lại nhìn lên  chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường mong sao chóng đến 5 giờ - nhưng ở đời,  càng mong lại càng thấy lâu ! Nằm chán,  lại ngồi dậy,  \ngồi mãi thi lòng dạ bồn chồn,  đi đi, lại lại, thì mỏi chân ; NVKh  càng nóng ruột, thì lại càng nhớ. Thế rồi, chuông đồng hồ ngân nga 4 tiếng. Không tin ở tai mình,  NVKh lấy bao diêm ra, quẹt lửa, nhìn kỹ, thì quả thực mới 4 giờ.  Anh bực lắm, bước xuống giường, vặn cây đèn dầu sáng lên, lấy giấy bút ra ngồi vào bàn viết. NVKh viết tự tình gửi cho cô gái nhà bên. Viết rồi lại xé, xé xong lại viết;  cứ như thế suốt 1 tiếng đồng hồ. NVKh chẳng viết được một lá thư nào ưng bụng, dù là ngắn ngủi. Đang loay hoay, NVKh mừng rỡ, khi nghe thấy chuông đồng hồ thánh thót đổ 5 tiếng ngân vang. Cùng lúc ấy, tiếng chuông nhà thờ gần nhà đổ từng hồi, ngân rung trong gió như đánh thức, như nhắc nhở - rồi hồi chuông dần dần nhanh như thúc giục đàn chiên của Chúa tỉnh giấc, thức dậy, chuẩn bị đi dự lễ đầu. Nghe tiếng chuông xong, không khí buổi sớm mai trong sáng đã làm cho mọi người vui vẻ, chào đón ngày mới tốt lành. NVKh cũng mang tư tưởng ấy, còn yêu đời hơn, lại vội vã đi ra vườn phía sau. Thật hữu duyên thiên lý, NVKh vừa ra đến vườn, nhìn sang bên cạnh, đã thấy người đẹp đang múc nước giếng, NVKh đánh liều, hỏi trước :
- Sao hôm nay cô dậy lấy nước sớm thế...
Cô chưa kịp trả lời, vì đang kéo gầu nước đầy, NVKh hỏi tiếp ngay :
- Giờ mà trăng vẫn còn. Cô múc nước giờ này cô có múc được ánh trăng không đây ?
Người đẹp không trả lời, nhìn NVKh, với ánh mắt thật tình, kèm theo nụ cười chúm chím,  như đóa hoa hàm tiếu -  làm cho NVKh thấy mình luýnh quýnh, run rẩy -  vì quá càm động - và bữa kể lại cho nghe, Khánh xác nhận hình ảnh ban đầu ấy, dù ngàn năm không những không bao giờ anh quên được mà nó còn rực sáng, nóng bỏng mãi trong lòng, mỗi khi nhớ đến ; còn tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua. Thật đúng :
                             Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy
                             Ngàn năm sau hồ dễ mấy ai quên !

                                                     ( Thế Lữ )

      Sau lần đối thoại đầy tình tứ ấy, NVKh và cô gái bé bỏng nhà bên có được những buổi hẹn hò bên hồ Hoàn Kiếm, rồi còn hẹn nhau đi xa hơn là Hồ Tây, Chùa Láng, Quảng  Bá,  Nghi Tàm - và có lần lên Bác Cổ để tâm tình. Cuộc tình  thơ mộng, trong sáng kia kéo dài  tới 3 năm - cả 2 gia đình không một ai biết chuyện. Cho tới  khi NVKh học năm tư 4 Thành chung, đi thi  tốt nghiệp Diplôme (Trung học cơ sở bây giờ), NVKh nhớ kỹ : Buổi sáng đầu tiên thi luận viết tiếng Pháp (Rédaction francaise) - ai đủ điểm trung bình trở lên thì ngày thứ 3 mới được thi toán và các môn kế tiếp. Thi viết xong, vô thi vấn đáp. Mỗi kỳ thi có 2 khóa : Khóa đầu (1ère session) vào tháng 6 ; Khóa nhì (2ème session) vào tháng 8. Thi đậu kỳ thi viết, vào vấn đáp mà rớt thì khoá sau chỉ phải thi vấn đáp thôi. Rớt vấn đáp nữa thì học lại 1 năm, để sang năm thi lại hoàn toàn. Khóa thi trung học năm ấy,  NVKh mãi ngụp lặn trong cuộc tình, nên khóa đầu bị trượt. Cô em nhà bên được tin này buồn lắm, nói với Khánh :
- Anh bị rớt keo đầu rồi thì em không muốn thấy anh phải mất thêm 1 năm nữa học lại. Vi thế, trong 3 tháng hè này, em xin anh phải để hết tâm trí vào việc học, và nhất định em không gặp anh như trứơc được nữa !
Nguyễn Văn Khánh năn nỉ, hứa chắc chắn rằng khóa 2, anh sẽ đỗ - nhưng chỉ xin mỗi tuần cho anh gặp 1 lần vào chiều Chủ Nhật. Nói mãi ,cô ta mới bằng lòng, lại cương quyết  : nếu thi khóa 2 không đỗ thì chia tay luôn ! Đó thật là một động lực vô cùng mãnh liệt,  khiến NVKh dùi mài kinh sử đêm ngày ; đến khóa thi, NVKh đỗ thật . Đời có những may rủi thật bất ngờ. Đúng lúc ấy, NVKh đang mừng, no tròn mộng đẹp - thì cụ thông phán phải đổi lên Thái Nguyên, cách xa Hà Nội hàng 100 cây số.  
Đêm cuối cùng ở Hà Nội, 2 người đã gặp nhau chia tay tạm biệt. Sáng hôm sau,  với vẻ mặt thẫn thờ, NVKh ra khỏi cửa nhà, nhìn, và chờ chiếc xe đưa người yêu rời xa cố đô Thăng Long để ngược lên miền núi. Nói tới  đất Thái  Nguyên, người miền xuôi ai cũng sợ, cho đó là nơi của ma thiêng, nước độc. Có người còn xếp Thái Nguyên, đất khỉ ho, cò gáy, chó leo thang - thực tế, họ sợ là phải, vì mạn ngược thỉ bệnh sốt rét hoành hành ác liệt, nên đã có câu :
                      - Lử khử lừ khừ không ở Đại Từ thì cũng Vũ Nhai...
nên NVKh vừa lo vừa thương người yêu - từ hôm ấy NVKh  tương tư ra mặt.

      Thời đó,  phương tiện giao thông thật hạn chế,  chỉ có xe lửa từ Hà Nội lên Lạng Sơn,  muốn đi Thái Nguyên phải xuống ga Bắc Giang, rồi đi xe đò ngược lên, mà mỗi ngày chỉ có 1 chuyến. Dù xa xôi vất vả, thứ 7 nào NVKh cũng lặn lội đều đặn lên thăm nàng. nàng gặp thì gắt gỏng, tại sao mưa phùn cũng không  ngăn được NVKh. lên đây sao ?
      Người yêu của NVKh đã có kẻ đánh tiếng xin cưới làm vợ,  hai gia đình môn đăng hộ đối, chàng thanh niên kia là dân có học - nhưng vì trót thề non, hẹn biển với Khánh, nên cô thoái thác, bằng cách hẹn lần hẹn lữa. Vì thế, mỗi lần gặp nhau ; cả 2 đều tâm sự qua hai hàng nước mắt - nhưng không biết và chẳng có cách nào giải quyết được cái nếp áo mặc sao cho qua khỏi đầu ?
       Trong hoàn cảnh  đau khổ ấy, một lần trên xe từ Thái Nguyên về  lại Hà Nội, NVKh đã nảy ra  một ý nhạc thật dịu dàng, thổn thức :
Yêu ai yêu cả một đời 
rồi từ Bắc Giang về Hà Nội - trên xe lửa Nguyễn văn Khánh đã hoàn tất được nhạc phẩm  Nỗi Lòng - và có lẽ ca khúc này là điềm báo  trước : Hai người yêu nhau không trọn vẹn cuộc tình :
... dù sao, dù sao nếu có một ngày
một ngày gieo trong tim ta
là tình yêu kia ly tan
để rồi vẫn thương vẫn nhớ ...
   
       Nhưng dù thế nào đi  chăng nữa, thì, NVKh vẫn trọn đời thủy chung : ' vẫn yêu hoài !'
       Sau lần  lên Thái Nguyên  này, Nguyễn văn Khánh bận việc nhà quan trọng, nên 2 tuần tới, Khánh không lên Thái Nguyên như trước nữa. Nửa tháng không được gặp nhau, lỏng Khánh như lửa đốt và chỉ có 15 ngày thôi làm Khánh cảm thấy thời gian lâu bằng 1thế kỷ .  Lần này,  Khánh lên Thái Nguyên như mọi lần. Đến nơi, ra nơi hẹn cũ, chờ mãi chẳng thấy bóng nàng. Chờ đến chiều, dù bụng đói, dạ khát ; Khánh cũng liều đi bộ đến gần nhà nàng dò la tin tức. Gặp một người ở gần nhà nàng, trong quán nước, NVKh  khôn khéo thăm hỏi, bà chủ quán cho hay : Tin sét đánh ngang trời, cách đây khoảng 10 ngày, nàng bị trúng gió, người nhà vội đưa vào nhà thương, sau 1, 2 ngày, cô ấy đã trút hơi thở cuối cùng. Gia đình xin xác về, đem chôn cô trên một đồi thông, cách đó chừng 1 cây số.
       Nghe tin xong,  Nguyễn Văn Khánh lật đật rời khỏi quán, bước đi như kẻ không hồn, đi thẳng về phía đồi thông, nơi đó ấp ủ hình hài người yêu dấu trong một buổi chiều vàng.
       Sau mấy ngày mưa phùn, gió bấc - chiều hôm ấy mưa tạnh, mặt trời ra khỏi đám mây tỏa xuống những tia nắng vàng yếu ớt như người vừa trải qua cơn bệnh. Khi tới nơi, NVKh thoăn thoắt bước lên đồi, dù đất đồi sỏi đá lổm chổm, ngổn ngang, Khánh vẫn tìm thấy mộ, mắt nhòa lệ, họng nấc từng cơn đau đón, nhìn không chớp mắt lớp đất mới đắp,  NVKh ngồi sụp xuống, say sưa hát :
       - Yêu ai yêu cả một đời...
Với niềm tin vững dạ trong lòng : Hương hồn người yêu bé nhỏ đang phảng phất đâu đây, lắng nghe được giọng hát của Khánh như ngày nào... ngồi quên cả giờ giấc, ngẩng mặt lên,  màng trời tắt nắng. Hoàng hôn xuống dần. Nguyễn Văn Khánh u sầu, buồn chán lê gót chân mỏi đi về quán trọ.
       Đi được một quãng đường, đột nhiên Khánh dừng bước, lại vào  một quán nước xiêu vẹo bên đường, Khánh vội móc túi, lấy ra cấy bút chì, mảnh giấy đã hơi nhầu nát, viết một mạch ý nhạc đang dâng lên nóng hổi và đỏ thắm như dòng máu con tim. Viết nhạc tới đâu, Khánh hát tiếp lời ca tới đó. Giữa một khung cảnh bi ai trầm buồn, lòng người nhạc sĩ như tan nát, tim như bị nhồi máu, vậy là ca khúc Chiều vàng  ra đời, với  ca từ ai oán  não nề :
                            ... Trên đồi thông, chiều đã xuống dần
                                mặt trời lấp ló sau đồi, chiều vàng ...
                            ... giờ đây vướng thầm hồn cố nhân
                                năm tháng trôi qua sóng gió đời
                                chiều chiều nhớ em lòng khôn nguôi ... !
Kể chuyện xong, Khánh rủ tôi về nhà anh ăn cơm tối. Về tới nhà, anh vội lấy ra một cái hộp vuông trong đó có đựng một cái khăn len quàng cổ, do nàng ấy đan, tặng Khánh và xấp thư tình của nàng.
              
     ...Nhân năm ấy, có kỳ thi tuyển nhân viên cho Sở Tài chính thành phố Hà Nội, Khánh trúng tuyển, trở thành một công chức, sáng vác ô đi, tối vác về.  ...
        Năm 1954, lệnh Tổng động viên, tuổi tôi bị kẹt trong lệnh đó, Khánh và tôi rủ nhau  đi uống cà phê để giã từ.

     Cho tới ngày 30- 4- 1975, gặp lại một số nhạc sĩ ngoài Bắc vô Nam, tôi mới biết : Sau ngày giải phóng Thủ đô Hà Nội được vài năm ;. Nguyễn Văn Khánh đã trút hơi thở cuối cùng tại căn nhà xưa.. Tôi không ngờ buổi cà phê năm xưa lại là lần cuối gặp nhau để rồi từ đó vĩnh biệt nhạc sĩ Nguyễn văn Khánh.


LÊ HOÀNG LONG

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ