đọc thêm: Đặng Tiến [ 1940- 2023 ] & Thế Giới Của Thơ / Huỳnh Như Phương [ 1955- / Sài Gòn -- trích: Website Khoa Văn Học / Trường Đại Học Khoa Học Nhân Văn & Xã Hội Tp. HCM .
Đặng Tiến và thế giới của thơ
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Website Khoa Văn học - Nhà văn, nhà phê bình văn học Đặng Tiến đã qua đời vào sáng hôm nay, ngày 17/4/2023 (giờ Paris) tại Orléans (Pháp), hưởng thọ 83 tuổi. BBT website khoa Văn học đăng lại bài viết này để tưởng niệm ông.
----
Nhà văn Đặng Tiến[1] định cư và lập nghiệp ở châu Âu từ giữa những năm 1960, nhưng vẫn có mặt trong đời sống văn học miền Nam với những bài phê bình thơ cổ điển và hiện đại thường xuất hiện trên các tạp chí thời đó. Năm 1972, tập tiểu luận đầu tay của ông nhan đề Vũ trụ thơ được Nhà xuất bản Giao Điểm ấn hành ở Sài Gòn. Hơn một phần ba thế kỷ sau đó ông không hề in sách, dù sự theo dõi và quan tâm không lúc nào ngưng nghỉ của ông đối với văn học dân tộc luôn được ghi dấu trong những bài viết tài hoa trên các phương tiện truyền thông, gần gũi với chúng ta là các báo Văn Nghệ, Thanh Niên, Đất Quảng, Sông Trà…
Nhà văn, nhà phê bình Đặng Tiến và GS. Huỳnh Như Phương
thăm lâu đài
bên sông Loire, ngày 15/4/2000
(ảnh: GS. Huỳnh Như Phương cung cấp)
Trong sự nghiệp trước tác của mình, Đặng Tiến có những bài viết đặc sắc về truyện ngắn và tiểu thuyết của Nhất Linh, Sơn Nam, Bùi Ngọc Tấn, nhưng sở trường của ngòi bút ông chủ yếu vẫn là phân tích thơ ca. Điều này dễ hiểu, không chỉ vì tác giả là người am hiểu thể loại vi diệu này, mà còn vì thơ ca là sợi dây cảm ứng đo được những rung động của tâm hồn dân tộc qua những biến thiên xã hội.
Trong chuyến về thăm quê nhà vào dịp Tết Kỷ Sửu 2009, ông mang theo tập bản thảo Thơ - thi pháp và chân dung mà nhà xuất bản Phụ Nữ vừa cho ra mắt bạn đọc.
Những độc giả lâu năm của Đặng Tiến gặp lại ở đây những cảm nhận và phân tích mà ông thể hiện từ thời trẻ tuổi về Bà Huyện Thanh Quan, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng, Hoàng Trúc Ly. Cùng với điều đó, người ta cũng có thể ngạc nhiên nhận thấy những suy ngẫm từ rất sớm, và càng ngày càng sâu sắc, của tác giả về lý thuyết thơ, khi ông tìm hiểu và vận dụng quan niệm của những nhà thi pháp học hàng đầu như Roman Jakobson, Claude Lévi-Strauss, Paul Valéry, Nguyễn Tài Cẩn vào công việc phê bình văn học.
Với một người say mê và có chí hướng, làm việc ở một trung tâm khoa học có điều kiện thuận lợi về tài liệu và thông tin như Paris, thì khả năng giới thiệu các quan niệm và phương pháp phê bình không phải là điều lạ. Nhưng phải nói là đặc biệt, từ ngàn trùng xa cách với đời sống văn nghệ đang biến đổi từng ngày của đất nước, Đặng Tiến tạo dựng cho mình một thế giới văn chương Việt Nam thu nhỏ đủ để ông có thể sống, suy tư và cảm xúc như từ trong nguồn của nó.
Ảnh bìa một số tác phẩm của nhà văn, nhà phê bình Đặng Tiến
(ảnh: GS. Huỳnh Như Phương cung cấp)
Coi trọng chức năng thi ca của ngôn ngữ, nhưng Đặng Tiến thực ra không phải là nhà phê bình hình thức luận. Cứ xem những gì ông viết về thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Quang Dũng, Văn Cao, Lê Đạt, Bùi Giáng, thì thấy ông còn tiếp cận những chân dung sáng tạo đó từ góc độ biểu cảm cá nhân và góc độ quy chiếu về bối cảnh xã hội. Một thái độ cân bằng như vậy về khoa học cũng đi liền với một thái độ công bằng đối với những giá trị, đồng thời là công bằng với chính thị hiếu và sự cảm thụ đa dạng của bạn đọc. Điều đó cắt nghĩa cách viết uyển chuyển trong những đề tài có thể là khó viết đối với một người ở xa xôi cách trở - cả về không gian lẫn về tâm thức - như thơ kháng chiến chống Pháp, thơ Chính Hữu, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật. Nhưng dù phải hoà giải với truyền thống phê bình đã kiến tạo nên tầm đón nhận quen thuộc của bạn đọc, Đặng Tiến vẫn giữ cho ngòi bút mình ưu thế của những phân tích nghệ thuật, những khám phá và liên tưởng về chiều sâu của biểu tượng văn hoá.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên khi Đặng Tiến để hai bài viết về ca dao và dân ca quan họ ở cuối tập sách - như một lời chia tay. Hãy chia sẻ với tâm tình của người viết những dòng này ở bên bờ sông Loiret, miền Nam nước Pháp: “Thế hệ chúng ta còn may mắn tiếp xúc với dĩ vãng của dân tộc qua những văn bản ca dao, những làn điệu ghi âm hay vài ba buổi trình diễn. Nhưng không khí dân gian thì đã xa xăm. Điệu hò mái đẩy não nùng tiếng sương, lời chào giã bạn nửa đêm về sáng và tiếng hò lơ trong rừng tràm rừng đước, chúng ta còn được nghe những điệu hát đã tách rời ra khỏi không gian…Chúng ta là những đêm rằm đã mất ánh trăng” (tr. 455).
Và có ngụ ý gì không khi Đặng Tiến kết thúc những trang sách tái ngộ quê hương ở hai câu ca dao: Ra về răng được mà về/ Bức thư ai gửi lời thề ai trao…? Ai đó sẽ giải mã giùm chúng ta: đây là nói với ánh trăng trên dòng sông Loiret hay với đêm rằm hò hẹn nơi quê cũ?
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Báo Phụ Nữ, tháng 5-2009
Tập san Quán Văn chủ đề “Ánh trăng, đêm rằm”, số 44, NXB Hồng Đức, tháng 3-2017.
[1] Nhà văn, nhà phê bình Đặng Tiến, còn có bút hiệu Nam Chi, sinh ngày 30-3-1940 tại làng An Trạch, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng; từ trần ngày 17-4-2023 tại Orléans, phía Nam Paris, nơi ông định cư cùng gia đình hơn nửa thế kỷ nay. Ông nguyên là viên chức ngoại giao, giáo sư trung học và giảng viên ban Việt học, Đại học Paris 7 - Denis Diderot. Tác phẩm chính: Vũ trụ thơ (NXB Giao Điểm, Sài Gòn, 1972), Vũ trụ thơ II: thơ miền Nam trong thời chiến (NXB Thư Án Quán, NJ, 2008); Thơ - thi pháp và chân dung (NXB Phụ Nữ, Hà Nội, 2009). Ông là tác giả của khoảng 150 bài tản văn, tùy bút, tiểu luận phê bình với phong cách độc đáo, nhuần nhị và tinh tế (Chú thích ngày 17-4-2023. HNP).
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ