Thứ Hai, 23 tháng 10, 2023

' Về Các Nhà Văn Hậu Chiến : 1950- 1956 [ Quốc Gia VN & Miền Nam ( VNCH) '/ Thế Phong -- trích: Việt Văn Mới ( Paris ).

 Việt Văn Mới





        

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM




Từ Vũ và Việt Văn Mới Newvietart chân thành cảm tạ nhà văn Thế Phong đã cho phép đăng tải toàn bộ tập Lược Sử Văn Nghệ, tài liệu không thể thiếu cho những người yêu chuộng văn chương nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt cho những người muốn khách quan sưu tra sử liệu .

KỲ THỨ XX


VỀ CÁC NHÀ VĂN HẬU CHIẾN : 1950 – 1956

[ QUỐC GIA VN VÀ MIỀN NAM (VNCH) ]


Giai đoạn kháng chiến, từ 1945 đến 1950 Việt Nam độc lập được gần một năm. Tiếp, Pháp chiếm lại Hà Nội, (ngày 19 tháng 12 năm 1946) cho dù đảng phái Quốc hay Cộng đều bỏ phù hiệu riêng, đoàn kết trong danh xưng kháng chiến chống thực dân tái xâm lăng. Suốt chín năm (1945–1954), thì kháng chiến ở bốn năm về sau, đã hao hụt thực chất; Mác xít ra mặt lãnh đạo – và cho đến 20–7–1954, phân chia đất nước, danh xưng toàn dân kháng chiến mất hẳn ý nghĩa. Song trên bình diện văn nghệ, ý thức toàn dân kháng chiến tạo được nền văn học có chiều sâu và rộng.
Giai đoạn văn nghệ phân hóa, văn nghệ Mác xít – theo hẳn lối sáng tác được chỉ huy, nhất là sau 1954 miền Bắc là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Còn Quốc Gia và miền Nam (VNCH) văn nghệ chỉ là vườn hoang, mọc đủ loại thảo mộc. Trong tập này, với người khe khắt cho quá nhiều – người dễ dãi cho chưa đủ. Với tôi, vẫn chỉ là bắt voi bỏ giọ, và tất nhiên chủ quan; thiếu sót tất nhiên không thể tránh. Nhìn vào những người viết sách nhận định văn học trước như Vũ Ngọc Phan kết luận cuối trang sách phê bình văn học, có đoạn:
“... Trước hết, bộ sách này là bộ phê bình văn học như tôi đã nói nhiều lần, vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn. Sau nữa, trong khi tôi viết những trang phê bình về thơ, có nhiều thi sĩ chưa có quyển thơ nào xuất bản, về kịch hay tiểu thuyết, có nhiều nhà văn chưa có sách biên khảo, chưa có kịch hay tiểu thuyết ra đời. Như vậy, biết căn cứ vào đâu cho chắc chắn? Rồi lại những nhà văn chính trị tuy đã có văn thơ in trên báo chương hay xuất bản thành sách, cũng không có trong bộ sách này, vì một lẽ mà ai cũng hiểu khi nhớ đến chế độ hiện hành về sách báo. Còn những nhà văn chuyên viết những sách Pháp văn thì tôi cho là không phải nói đến trong văn học Việt Nam. (...) Tôi xin nhắc lại đây một lần nữa rằng bộ Nhà Văn Hiện Đại này chỉ là một bộ phê bình văn học, không phải là bộ văn học sử. Trong văn học sử, người viết cần phải xét rất kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến văn phẩm, rồi lại phải định rõ cả sự liên lạc của nhà văn nọ với nhà văn kia đồng thời hay khác thời đại. Nếu không đủ được những điều cốt yếu ấy, để định rõ phong trào văn học, thì dù có văn học sử đi nữa, người ta cũng chỉ coi là một mớ sử liệu...” (1)
Thời gian này tác phẩm viết bằng Pháp ngữ như Phạm Duy Khiêm với Légendes des terrres sereines và Nam et Sylvie; hoặc Nguyễn Tiến Lãng Le Chemin de la Révolte; Phạm Văn Ký: Frère de Sang, Celui qui régnera; Cung Giụ Nguyên Le Fils de la baleine – sử học Lê Thành Khôi với Le Vietnam, Histoire et Civilisation v.v..., không nói đến, cũng như lý do mà ông Vũ Ngọc Phan đề cập tới ở trên. Đến nhà chính trị văn sĩ Hồ Hữu Tường với Phi Lạc sang Tàu, Phi Lạc bỡn Nga, ... thì cũng vậy. Cả đến loại sách trinh thám kỳ tình, kiếm hiệp, phong thần, phỏng dịch chắp vá được gọi là tác phẩm văn học – chúng tôi xin phép không nói tới. Rõ hơn là Phạm Cao Củng có mặt từ tiền chiến với Kỳ Phát; hoặc truyện Người Nhạn Trắng cũng thế v.v... Tác giả Hoàng Như Mai, thời gian 1950–1954 trong kháng chiến; chúng tôi đưa vào cuốn này; vì vở kịch Tiếng Trống Hà Hồi đặc sắc được in trình diễn ở Hà Nội. Có thể nói điển hình bộ môn kịch là Tiếng trống Hà Nội. Bước sang bộ môn biên khảo, đưa Duy Sinh vào một tiết, như một điển hình cho lớp người viết biên khảo; cũng vẫn chủ quan, so với Diên Hương, Thu - Giang - Nguyễn - Duy - Cần; Khi đối chiếu lại thì, Duy Sinh không thể giá trị bằng hai nhà biên khảo vừa nêu danh.
Trở lại bình diện văn nghệ hậu chiến, tập 3 gồm trên dưới một trăm nhà văn; chọn ba mươi điển hình nói tới cặn kẽ; so với người khác viết tóm lược. Cũng vẫn chủ quan thô thiển và tự nhận thiếu sót. Bởi còn nghĩ xa hơn rằng: "không thể viết đầy đủ các nhà văn mình muốn đưa vào một quyển, thay vì mỗi nhà văn điển hình phải viết hẳn một cuốn nói về họ".
Nên coi những trang viết này chỉ là chữ viết (écriture) trong bộ sách này, và không là văn học (littérature); như quan niệm của Michel Buto (2). Lẽ trang viết có ý nghĩa tổng quát hơn. Còn nữa, bộ sách này chỉ là kết quả viết về tác phẩm các tác giả mà tôi đã đọc, đưa ra nhận xét của riêng tôi; giúp cho nghề tôi nuôi nghiệp (littérateur). Từ 1950 đến 1956, biến chuyển thời cuộc tác động đích thực vào đời sống văn học mà nhà văn sống trong đó. Ở miền Bắc của Quốc Gia Việt Nam (1950 – 1954) nhóm Thế Kỷ tạo thành một Triều Đẩu, qua những mảnh đời phóng sự hồi cư nóng bỏng, hàng ngày phải đối phó với đời sống, tạm gọi độc lập trong lồng son Liên Hiệp Pháp. Còn thêm nhà văn điển hình như Hoàng Công Khanh với Mẹ Tôi Sớm Biệt Một Chiều Thu, (truyện), Bến Nước Ngũ Bồ (kịch dã sử), Nguyễn Minh Lang, ngọn bút tài hoa của văn chương lãng mạn mới, qua Gái Hà Nội, Nước Mắt Trong Đêm Mưa, Cánh Hoa Trước Gió (2 tập)... Hai nhà văn này, chúng tôi đề cập ở Chương 3 (tiết 2 và 4) – nhưng tập 3 này xuất bản ở Sài Gòn vào 1959 (Loại sách Đại Nam văn hiến trong nhà xuất bản Huyền Trân, Nhật Tiến chủ trương) bị kiểm duyệt bỏ trọn tiết. Bản in lại lần thứ hai in lại đầy đủ; nhưng trong lần này vẫn phải để trống phần phân tích; vì lý do tầm thường – không kiếm được bản tái bản vào 1973. Hai nhà văn điển hình khác nói đến trong Chương 3 là Thanh Hữu, Văn An. Về nhà thơ điển hình: Đinh Hùng, Nguyễn Quốc Trinh... Viết tóm lược nhà thơ: Hoàng Phụng Tỵ, Song Nhất Nữ, Băng Sơn, Vân Long, Trần Nhân Cư... Bình diện văn nghệ miền Trung (Quốc gia Việt Nam) vào giai đoạn này, nhà thơ điển hình được nói đến : Huyền Chi (nữ), Hoài Minh, Thanh Thuyền. Viết tóm lược các nhà thơ: Hồ Đình Phương, Huyền Viêm, Thế Viên...
Bình diện văn nghệ miền Nam (Việt Nam Cộng Hòa), nhà văn điển hình: Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo (nữ), Triều Lương Chế, Phạm - Thái - Nguyễn - Ngọc -Tân Phạm Thái kèm tên thật Nguyễn Ngọc Tân, phân biệt với một Phạm Thái khác), Chấn Phong Hư Chu. Viết tóm lược: Tùng Long (nữ), Quỳnh Hương (nữ), Thiếu-Mai-Vũ-Bá- Hùng (nữ), Minh Đăng Khánh, Tạ Quang Khôi, Tường Hùng, Kiêm Minh, Nguyễn Hoài Văn, Uyên Thao, Tô Kiều Ngân... Một số nhà văn khác nổi tiếng sau giai đoạn 1956 như Võ Phiến chưa có tác phẩm xuất bản. Phải kể thêm trong số đó: Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Trùng Dương, (nữ), Nguyễn Thị Hoàng, Túy Hồng (nữ), Võ Hồng, Thế Uyên, Tuấn Huy, Thế Nguyên, v.v... của Đệ nhị Cộng hòa (sau 1963 trở đi). Riêng về phóng sự tiểu thuyết: Hoàng Hải Thủy với Vũ Nữ Sài Gòn (3), Duyên Anh qua bút hiệu Thương Sinh, Toàn Phong với Đời Phi Công, chúng tôi chưa có cơ hội nói đến, và nhờ Vũ Ngọc Phan giúp giải vây sự khốn đốn; ... vậy không lẽ gì bắt buộc soạn giả phải nói đến tất cả nhà văn... Thêm nữa, khoảng thời gian viết đến lúc in ra (dầu cho là in ronéo-typé cách vài năm). Do đó, chưa kịp nói đến Võ Phiến (Chữ Tình), (4) Thế Uyên, Nguyễn Thị Thụy Vũ, Toàn Phong , Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đình Toàn, Thế Nguyên, Văn Quang (Thùy Dương Trang), Huy Trâm, Phạm Nguyên Vũ, Túy Hồng (nữ), Lê Vĩnh Hòa, Nhật Tiến, (văn) v.v... – Về thơ: Thái Thủy, Tô Thùy Yên, Tôn Thất Quán, Hoàng Khanh, Cung Trầm Tưởng, Cao Mỵ Nhân, Viên Linh, Trần Dạ Từ (khi ấy ký Hoài Nam), Hoài Khanh, Hà Yên Chi v.v... và v.v... (5).
Giá trị văn chương tiền chiến Tự Lực văn đoàn, có cả Lê Văn Trương, (tập một: Nhà văn tiền chiến), tiếp đến giá trị văn chương lửa kháng chiến; sau là hậu chiến. Đọc Bướm Trắng, Nửa Chừng Xuân. Mấy Vần Thơ, Gửi Hương Cho Gió, Vang Bóng Một Thời, Thằng Kình, Ngoại Ô, Giông Tố... không nhìn thấy đầy đủ hình tượng sống cuộc sống hôm nay được thấy trong: Gió Bấc, Truyện Năm Người Thanh Niên, Trên Vỉa Hè Hà Nội, Cánh Hoa Trước Gió, Trại Tân Bồi, Nhìn Xuống, Điệu Đàn Muôn Thuở, Đêm Giã Từ Hà Nội, Sợ Lửa, Rừng Địa Ngục.... Văn nghệ là sản phẩm phản ánh thời đại, nên Kim Vân Kiều có hay đến mức thượng thừa – cũng chưa thể đại diện cho một khoảng thời gian không tiếp nối. Tác phẩm Nguyễn Du mới chỉ nói lên đầy đủ về xã hội phong kiến giao thời mà tác giả Kim Vân Kiều sống – đủ một số điều tương đồng hiện cảnh. Không thể nói đến Kim Vân Kiều là đủ điều tất yếu hình tượng sống lịch sử. Tác phẩm của Karl Marx, S.Freud cũng bị vượt qua, hiện nay vẫn cần khối óc siêu việt Oppeheimer, Einstein, Gandhi, JP Sartre v.v...
Phải hiểu được rằng: lịch sử một nước như lịch sử văn học, luôn theo đà diễn tiến, tiếp nối không ngừng. Nói khác đi, sử học, văn học sử một nước không thể cắt quãng, cũng không tùy thuộc vào lập luận một phe nhóm nào để định giá trị vĩnh viễn. Rất cảm phục lập luận của Vũ Ngọc Phan dẫn trên kia; được gọi văn học sử, phải xét kỹ ảnh hưởng thân thế nhà văn đến tác phẩm, định rõ liên hệ (chữ dùng: TP) giữa nhà văn này với nhà văn nọ, định rõ phong trào văn học. Càng rõ hơn, được gọi văn học sử, ít ra phải làm được một bộ sách Lịch Sử Văn Chương Ngôn Ngữ Pháp (tạm dịch Histoire des littératures de la langue française) (6) do nhóm chủ trương gồm 209 giáo sư văn học thực hiện bộ sách vĩ đại ấy.
Cảm ơn số bạn giúp tài liệu, ý kiến, khích lệ, động viên, khi tôi khởi sự viết bộ sách này. Như họa sĩ Đinh Cường cởi áo, ngồi xệp trên sàn gác căn nhà trọ cùng tôi chia giúp những trang sách in ronéotypé xếp thành tập vào 1959, ở hẻm nhà thờ Lý Thái Tổ (Chợ Lớn). Uyên Thao mượn cho chiếc máy chữ, có lịch sử sản xuất cùng thời kỳ Tây hạ thành Hà Nội. Nguyễn Quang Tuyến nuôi ăn ở hàng năm, tôi ra thư viện đọc sách. Cùng với nhiều thư tình đầy tâm huyết người - tình - bậc - chị đến từ Hong Kong (nàng gọi Cảng Thơm) khích lệ người - em - bạn - tình miệt mài với chữ và nghĩa. Lại không thể quên bạn vong niên Phan Văn Thức cấp tiền ăn sáng, giấy stencil và thẩm phán Đào Minh Lượng, khi là sinh viên Trường Luật mua bánh mì dùng bữa trưa để tôi ngồi lì ở Thư Viện Quốc Gia làm mọt sách. Cũng không thể quên chịu ơn André Gide, qua cuốn sách viết phê bình về Fédor Dostoievskï (7) và cả Textes philosophiques của V.Biélinsky (8) nữa.


THẾ PHONG


CHƯƠNG BỐN
CÁC NHÀ THƠ ĐIỂN HÌNH


Tiết 1 . – KHÁI QUÁT VỀ CÁC NHÀ THƠ MIỀN BẮC

Tiết 2 . – ĐINH HÙNG

Tiết 3 . – NGUYỄN QUỐC TRINH

Tiết 4 . – Tiểu mục: SONG NHẤT NỮ – HOÀNG PHỤNG TỴ – HOÀNG SONG LIÊM – TRẦN NHÂN CƯ – HUYỀN GIANG – VÂN LONG – BĂNG SƠN – SONG HỒ.



Tiết 1 : KHÁI QUÁT VỀ CÁC NHÀ THƠ MIỀN BẮC : 1900–1954


Nhìn vào bình diện thi ca miền Bắc (Chính phủ Quốc gia), có hai khuynh hướng rõ rệt: một số nhà thơ vẫn làm thơ theo lối thơ mới, và một số nữa muốn mở một lối thơ khác gọi là thơ tự do. Nghệ thuật thơ mới tiền chiến, những Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lưu, Thâm Tâm, J.Leiba, Thế Lữ... chịu ảnh hưởng thi ca Tây phương; nhất là Pháp để tạo ra thơ mới. Thơ mới chấm dứt vào thời kỳ kháng chiến bùng nổ; một trong những người mở đầu viết lối thơ tự do là Nguyễn Đình Thi. Đọc bài Sáng Năm Xưa trích đoạn:

“… Sáng mắt trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Cỏ mòn thơm mãi dấu chân em
Gió thổi mùa thu vào Hà Nội
Phố dài xao xác heo may
Nắng soi ngõ vắng
Thềm cũ lối ra đi
Lá rung đầy...”

Thơ tự do hiểu theo quan niệm mỗi ngày một mới, một khác, và Hegel khẳng định chân dung thơ tự do là:... “thơ là phần nghệ thuật trẻ nhất của nhân loại.” Nếu thơ trẻ nhất của nhân loại cho đến ngày thơ mới cáo chung cùng thời đoạn kháng chiến bắt đầu; thơ tự do tiếp tục sứ mạng trẻ ấy. Và thơ tự do không riêng chỉ khởi đầu qua Nguyễn Đình Thi, còn nhiều nhà thơ khác. Một thí dụ thơ tự do trong Bài Nhớ Hồng Nguyên:

“…Lũ chúng tôi
Bọn người tứ xứ
Gặp nhau hồi chưa biết chữ
Quen nhau từ buổi một hai...
Súng bắn chưa quen
Quân sự mười bài
Lòng vẫn cười vui kháng chiến...”

Và Hữu Loan trong Mầu Tím Hoa Sim:

Nàng có ba người anh
Đi bộ đội
Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh...

Ở Hoàng Cầm, qua bài Bên Kia Sông Đuống:

... Em ơi!
Buồn làm chi
Anh đưa em về bên kia sông Đuống
Ngày xưa cát trắng phẳng lì
Sông Đuống trôi đi
Một giòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ...

càng tự do, bay bổng, ý thơ đẹp tứ thơ thâm trầm trong Nhà Tôi Yên Thao:

Tôi đứng bên này sông
Bên kia vùng địch đóng
Làng tôi đấy: xám đen mầu tiết đọng
Tre cau buông tóc rũ ướt mưa sương
Màu trắng vôi lôm lốp mấy khung tường
Nếp đình xưa người hỡi đau gì không?

đến một Vệ Quốc Em có tên Minh Tiệp trên báo tường; sáng tác thơ tự do phải nói bài thơ tự do có giá trị tư tưởng, cấu trúc vững; chẳng thua gì nhà thơ kháng chiến chuyên nghiệp đàn anh, trong bài Tranh sinh hoạt.

“…Trung đội anh đóng bên bờ suối trong
Gió núi mênh mông rạo rực lòng
Xóm xa
Rừng rậm!
Đình trơ vơ đứng trên đồi nắng
Lùm che hai chục mái đầu xanh
Cây lũy
Tre thành...”

Thêm một em Vệ Quốc Em khác, vẫn là thơ tự do đăng bích báo, Bước đường công tác từ cấu trúc, tư tưởng nghệ thuật, phải nói là tuyệt vời. “Một khả năng ở bước đầu đi đã vững: hẳn rằng thiên tài không chờ tuổi ở Phùng”, như chúng tôi đã nói về Phùng. (21)

“…Lời ai còn nhớ mãi
Lời ai còn bên tai
Lời ai còn vang dậy khúc đường dài
Lời ai khiến ta thêm dài nhịp bước.

Tầu qua Yên Bái
Tầu đến Lào Cai
Rồi đỗ lại
Ô kia biên giới
Cờ hồng bay phất phới

Ai đi Phố Lu
Ai rẽ Bắc Hà
Làm ơn nhắn hộ ta
Hỏi thăm đoàn Thiếu Sinh Quân

Qua Bắc Hà công tác...
Đoàn quân bé nhỏ oai hùng
Bước đi mạnh dạn chập chùng đồi nương.

Thơ không có tuyệt đối, nói khác hơn, Thơ Đường chỉ có một giai đoạn của thơ đường - thơ mới cũng vậy, chỉ sống một thời đoạn nào đó rồi, nhường cho một loại hình thơ trẻ nhất khác. Loại hình thơ trẻ nhất những năm năm mươi là thơ tự do. Đừng đòi hỏi tuyệt đối cho thi ca, như nhà thơ tượng trưng Pháp, A. Rimbaud cũng đòi hỏi vậy, nhưng sự kiện này không tồn tại; rồi với chính thi nhân này, về sau bỏ thi ca; bỏ thơ rồi ly dị thơ – Ý kiến này của Lê Huy Oanh thật đáng ghi nhận.
Đại diện xu hướng thơ mới, số nhà thơ còn sót lại tiền chiến, hoặc nhà thơ mới nổi lên sau này, làm thơ theo lối diễn đạt thơ mới. Đinh Hùng, lớp nhà thơ cùng thời Huyền Kiêu, Hằng Phương, Tế Hanh, Trần Dần, với tác phẩm Mê Hồn Ca (Hà Nội 1954) xuất bản vào đúng chu kỳ hội nghị Genève chia cắt đất nước. Tập thơ xuất đầu lộ diện cho phong trào thơ mới cuối. Một số phương danh khác làm thơ như: Phan Phong Linh, Trương Uyên, Hoài Việt... trong dòng thơ mới còn lại. Qua xu hướng mới, thơ tự do ở Hà Nội vào giai đoạn này, có Nguyễn Quốc Trinh, với thi phẩm Ươm Đẹp mở đầu cho thơ tự do thời ấy. Một số nhà thơ khác đồng lứa như Song Nhất Nữ, Nhất Tuấn, Đức Thái, Hoàng Phụng Tỵ, Hoàng Song Liêm... chưa thể gọi là theo xu hướng thơ tự do được; mặc dầu đôi khi họ cũng làm một đôi bài theo lối thơ tự do. Kể cả hai xu hướng thơ mới và thơ tự do, cũng không hẳn có ranh giới rõ rệt – chỉ nhà thơ mới không làm thơ tự do và nhà thơ tự do ban đầu đều làm thơ mới. Xưa Baudelaire, Vigny, Lamartine, Musset có ảnh hưởng lớn lao đến các nhà thơ mới thời tiền chiến, tiếp theo thế chiến thứ hai, các nhà thơ Pháp, như: Prévert, Éluard, Breton, Soupault... thay chân cho các nhà thơ cổ điển. Như trên, chúng tôi nhắc đến thơ tự do, khởi sự 1945, bắt đầu là Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Yên Thao, Hồng Nguyên, Tất Vinh, Chính Hữu... rồi đến Nguyễn Quốc Trinh sau này ở Hà Nội.
Đinh Hùng, nhà thơ siêu thực, người thơ và nhân vật thơ bí hiểm, thần kỳ, diễm ảo; nhưng không phải là thiếu những bài thơ hay. Trong Mê Hồn Ca có nhiều bài thơ thoát tục, thoát bỏ cuộc đời đang sống; bước vào thế giới ngõ khói công yên. Ý nghĩa thơ trong đời chỉ là thứ tiêu dao, như quan niện của nhà thơ anh rể Vũ Hoàng Chương:

“… Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh?”

Một nhà thơ khác Trần Thanh Đạm, tên thật Trần Đình Đạm sinh 1919 – tác giả Đạm Hoa (Hà Nội, 1949), hồn thơ chưa siêu phách đạt đến mức như ngõ khôi công yên của Đinh Hùng; thơ ông còn nhiều bài thơ mới lẫn thơ Đường; nhưng không nổi trội. Trần Thanh Đạm, qua Đạm Hoa, so với Mê Hồn Ca, hẳn một trời, một vực - cũng những vần thơ phản ánh về sự trốn mình, khóc thời đại nhiễu nhương, kiếp phù sinh trôi dạt bến mê.

Trương Uyên, Huyền Quang, số nhà thơ tiền chiến sót lại, chưa có bản sắc riêng; một số bài thơ chỉ có tính cách góp mặt trong chợ thơ mới hậu chiến cho đông hơn mà thôi.

Riêng Nguyễn Quốc Trinh mở đường thơ tự do được coi là khám phá mới về thơ tự do; như Hegel quan niệm thơ trẻ nhất nhân loại vào thời kỳ hậu chiến của những năm năm mươi - Nguyễn Quốc Trinh không thể cưỡng được chịu ảnh hưởng thơ tự do kháng chiến, như vừa nhắc; hoặc xa hơn là P.Éluard, Simonov, Aragon, Lorca. Thơ tự do không nhận nhịp điệu như thơ mới, song cách gieo nhịp có tiết tấu riêng. Thơ tự do tổng hợp các thi pháp, đủ các loại hình thơ, tám chữ, năm chữ, bẩy chữ; có khi trên mười chữ – hoặc có khi một, hai, ba chữ. Lối thơ tự do Maðakovski, thơ bậc thang, không phải thơ văn xuôi (poème en prose). Âm nhạc hòa hợp với tư tưởng hay là thơ tự do, song quan trọng hơn vẫn là tân ý. Càng nhiều tân ý bao nhiêu đạt đỉnh cao bấy nhiêu. Cũng có quan niệm cho rằng: nhạc không có tư tưởng là âm nhạc thuần, tư tưởng không âm nhạc là văn xuôi; như thế Mallarmé có thể gọi là nhà thơ tự do đầu tiên của Pháp, cho rằng định nghĩa đó toàn bích. Và Lỗ Tấn: thơ phải là cảm rồi mới hiểu, hiểu trước chưa cảm được là văn xuôi.

Nguyễn Quốc Trinh điển hình thơ tự do vào thời đoạn 1950–1954 ở miền Bắc (Hà Nội), bao trùm Hoàng Phụng Tỵ, Hoàng Song Liêm, Nguyễn Quốc Dương, Song Nhất Nữ... Còn số nhà thơ khác như Mọc Đình Nhân với Hương Mùa Loan (Hiến Nam, Hà Nội 1954), Hương Mùa Chinh Chiến, thơ Hồng Anh, Mùa Ly Loạn thơ Anh Quân, thơ Nam Tê thơ đăng lẻ trên báo của Văn Thế Bảo... chưa hẳn có một bản sắc thơ độc đáo; song họ là người làm thơ có tâm hồn, càng sâu sắc hơn, với kinh nghiệm trải đời, cộng thời gian hàm dưỡng – họ vẫn đạt được giá trị cao hơn.

Ngoài Nguyễn Quốc Trinh còn nhóm thơ dưới tên Hoa Phượng, trưởng nhóm Huyền Giang; với Vân Long, Băng Sơn, Hương Huyền (Lê Thị Hồng Châu), Huyền Vân (nữ) đều là khuôn mặt thơ khả ái của một giai đoạn. Băng Sơn là nhà văn viết tạp bút rất độc đáo, tư tưởng mới, ý tân kỳ, văn thể đặc biệt không lẫn với văn phong một ai khác. Tạp bút Băng Sơn thường đăng tải trên các tuần báo, tạp chí: Quê Hương, Tia Sáng, Giang Sơn, (Hà Nội) và tuần báo Đời Mới (Sài Gòn). Nhà thơ Vân Long, còn viết truyện ngắn đặc sắc, như Đói đăng trên Đời Mới, hoặc Huyền Vân với truyện ngắn Tuổi Xuân đăng trên Quê Hương rất hay. Huyền Giang với lối thơ năm chữ mượt mà ý thơ sâu sắc, ông cộng tác với tạp chí Văn Nghệ Tập San ở Sài Gòn, cho đăng bài thơ (Ngày Mai Hoa Nở) hoặc một số thơ khác đăng trên Phụng Sự, Văn Nghệ Tiền Phong... nói về đời quân nhân, bởi ông là một sĩ quan quân đội miền Nam.

Bình diện thi ca miền Bắc còn phong phú hơn, nhờ sự đóng góp của số nhà văn khác còn làm thơ như Hoàng Công Khanh, qua bài thơ Lá Thư Gửi Mẹ, hoặc Khúc Quân Hành của Thanh Nam, Trần Nhân Cư, Hoài Việt, Huyền Quang, Nguyễn Hoàng Quân v.v…


Tiết 2 : ĐINH HÙNG. (1920–1967)

Tiểu Sử.

Còn ký nhiều bút hiệu khác, với thơ châm biếm: Thần Đăng (Đàn Ngang Cung, nhật báo Tự Do, Sài Gòn 1954–1955), Hoài Điệp Thứ Lang (truyện dã sử). Sinh 3–2–1920 ở Hà Nội. Nổi danh từ tiền chiến, ban đầu trong nhóm Dạ Đài với Trần Dần.. Vào Nam sau hiệp định Genève, phụ trách mục thi ca trên Đài Phát Thanh Sài Gòn. Qua đời ngày 24–8–1967 tại Bệnh Viện Bình Dân, với bệnh sơ gan cổ chướng. Tác phẩm: Mê Hồn Ca (thơ, Hà Nội, 1954), Đường Vào Tình Sử, (thơ, Sài Gòn 1963), Ngày đó có em (thơ, Sài Gòn 1967), Đốt Lò Hương Cũ (tiểu luận văn học, Sài Gòn 1971...

Ngay khi theo học Trường Bưởi ông đã làm thơ, được sự khích lệ tận tình bước đầu của Thế Lữ, nhờ sự giới thiệu Thạch Lam. Có một giai thoại văn chương giữa Đinh Hùng và Thạch Lam và Thế Lữ; “...Có Thế Lữ mới có Mê Hồn Ca”, như sau:

“... Ngoài tình kết nghĩa giữa Thạch Lam, Đinh Hùng và Huyền Kiêu mà nhiều người biết, riêng một chi tiết nhỏ thật quan trọng liên hệ đến cuộc đời tác giả, tác phẩm ít ai biết. Đinh Hùng làm quen với Thế Lữ khi cậu Tú Tài bản xứ còn ở làng Trung Phụng (ngoại thành Hà Nội), được sự giới thiệu của Thạch Lam. Hồi đó Thạch Lam đã cho xuất bản Hà Nội 36 phố phường. Tác giả ở sâu trong làng Trung Phụng; mỗi khi lên phố phải qua nhà Đinh Hùng. Đinh Hùng bèn nghĩ kế làm quen, ông viết một lá thư kèm theo bài thơ Thịt Chó ghi chú là xin ý kiến Thạch Lam sau khi đọc. Một buổi, Thạch Lam ghé vào nhà Đinh Hùng, khiến Đinh Hùng sửng sốt có ngay ấn tượng ban đầu lưu luyến ấy khó quên! Nhờ Thạch Lam giới thiệu, Đinh Hùng được gặp Tự Lực văn đoàn, gặp Nhất Linh, Khái Hưng, Thế Lữ... Và Thế Lữ là người nâng đỡ nghiệp thơ Đinh Hùng của bước đầu. Đinh Hùng từng tâm sự: “…Hồi đó mỗi khi làm xong một bài thơ, tôi thường tìm Thế Lữ đọc cho ông ta nghe. Lần nào cũng như lần nào, nghe xong, Thế Lữ lắc đầu bảo: Chưa được, cậu cần phải chịu khó hơn nữa. Tôi buồn quá, tự ái nổi dậy, tôi nghĩ thế nào cũng phải làm cho được một bài thơ hay. Không lẽ cứ để ông ấy chê hoài. Đinh Hùng còn yêu thầm, nhớ trộm một cô đầu ở Phố Khâm Thiên. Ông làm bài thơ Kỹ Nữ xong, đưa Thế Lữ đọc. Thế Lữ im lặng hồi lâu, phán: ... “Được lắm, cậu nên làm theo loại này” Mê Hồn Ca bước đầu khởi sự là như vậy. Rồi Hồ Dzếnh, chồng sau bà Nhật, chủ hiệu sách Bình Minh, phố Huế Hà Nội, in tập thơ đầu tay Đinh Hùng, đúng vào dịp tháng bẩy Genève 54. Đinh Hùng ôm theo hai nghìn cuốn thơ vào Nam vừa bán vừa ký tặng bạn bè...

Năm 1940, Đinh Hùng hai mươi tuổi ông viết cho các báo Hà Nội Tân Văn, đăng thơ trên giai phẩm Tân Việt, hoặc Đời Nay; viết cho báo Thông Tin (Nhật thuộc), báo kháng chiến, trình bầy báo Cứu Quốc. Khi về Hà Nội, viết cho các báo Hồ Gươm, Công Tội, Dân Chúng… chủ trương tập san Kinh Đô Văn Nghệ (hình như chỉ ra được một số báo duy nhất), Thẩm Mỹ (Sài Gòn), Dần Quyền, Tự Do, Ngôn Luận, Văn Nghệ Tiền Phong, Bông Lúa...

Tác Phẩm.

Xu hướng thơ Đinh Hùng là thơ hoài vọng cá nhân. Chưa nhà thơ nào đem cái riêng tư sâu kín, phản ánh trung thực trong thơ như Đinh Hùng. Hay nói cách khác, thơ là cuộc - đời - thơ - Đinh - Hùng được đưa vào tác phẩm. Gồm cả tính chất thần kỳ, ý tưởng quái đản, hồn tan siêu phách, thế giới ma quái, yêu cuồng sống nhiệt... ta có thể tìm thấy đủ trong thơ Đinh Hùng. Có câu thơ, đọc lên hình dung thấy đâu đó thế giới vàng son, cung ngà, điện ngọc còn phảng phất đâu đây:

“... Gió trăng ngự uyển buồn sâu sắc
Thử bước vào xem cung điện ma”.

Thơ Đinh Hùng luẩn quẩn trong vấn đề than mây, khóc gió; chàng thi nhân lầu son gác tía, bây giờ mặc Âu phục dấn thân trần tục, vẫn không quên thế giới hồng hoang! Bùi Giáng (22), nhà thơ rất gần với Đinh Hùng trong thơ – song cuộc sống thường nhật ngoài đời Đinh Hùng tỉnh hơn. Còn Bùi Giáng lần này cũng tỉnh hơn để nhận định về thi tài của bạn:

... “Đinh Hùng là thi sĩ muốn khai phá một nẻo đường đưa tới thế giới hồng hoang, nơi đây con người trút bỏ hết hình hài... thể phách, tinh anh cũ, mà đắm mình trong một bầu không khí ảo huyền, trác tuyệt đầy những sương lá phong thần. Thi sĩ người quên mối lo eo sèo thế sự. Cuộc sống tủi buồn của nhân thế đã xa biết bao! Tiếng cười tiếng khóc ở đây có những âm vang kỳ ảo:

... Trận cười tan hợp núi sông
Còn mơ kỳ thú lạ lùng cỏ hoa
Hý trường đổi lớp phong ba
Mượn tay ngụy tạo xóa nhòa bể dâu... (23)

Vẻ buồn thương, tiếc nuối thời vàng son thế kỷ nào của Đinh Hùng khác hẳn thơ Vũ hoàng Chương; cũng buồn thương xa vắng; trừu tượng, siêu thực; sinh lầm thế kỷ – nhưng thơ Đinh Hùng siêu thực, trừu tượng trẻ, khỏe cách lạ thường. Trái lại, thơ Vũ Hoàng Chương là mộng thơ già cỗi, nhìn thấy được điểm lụi tàn. Trở lại với Đinh Hùng, qua đoản khúc thơ trích dẫn biểu hiện vẻ tươi, duyên dáng, ngây thơ, sâu sắc hồn nhiên, dung dị; khi nhà thơ nhìn đôi má đầy duyên thầm người thiếu nữ trẻ:

“... Trời hồng, chắc má em tươi?
Nước trong chắc miệng em cười thêm xinh
Em đi hoài cảm một mình
Hai lòng riêng để mối tình cô đơn...”

Phút xuất thế đối với Đinh Hùng, chính là sự trốn chạy thế sự đa tạp, ngổn ngang, chui thân trong hồn ốc; để không còn được sống trong xã hội. Nếu có là sống từ bộ lạc xa xôi phiêu lãng về thăm:

“... Qua xứ ma sầu ta mất trí
Thiêu đi tạp sách vẽ hoa nguyền...”

Với tình yêu, Đinh Hùng thật trân trọng, si mê cuồng dại đến mất trí, chung thủy tận cùng. Chẳng hạn như một bài thơ có nhan đề Gửi người dưới mộ cho một nàng thơ có thực ngoài đời tên Liên. Đó là thời kỳ ông đang theo học Trường Bưởi. Liên là tình thơ đầu đời của ông chăng? Nàng qua đời, Đình Hùng làm bài thơ tiễn nàng cùng với đêm đêm nguyện cầu:

“... Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh, chắc em sầu?
Thu ơi, đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu.

Em mất về đâu, mộng về đâu?
Từng đêm ta nguyện với ta cầu
Ấy mầu hương khói là mầu mắt xưa...

Em đã về chưa?
Em sắp về chưa?
Trăng sao tắt ngọn đèn mờ
Ta nằm nhỏ lệ đọc thơ gọi hồn...

Kết Luận.

Thơ xuất thế Vũ Hoàng Chương cũng sinh lầm thế kỷ/ Bị quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh; nhưng ít bài hơn so Đinh Hùng về vấn đề này– Vì thơ Vũ Hoàng Chương còn phản ánh nhiều hình tượng đời sống thực. Và Đinh Hùng tuy sống thực, nhưng ảo hóa cuộc đời, mà chỉ có cuộc sống ảo hóa, thần kỳ, ma quái, bộ lạc, cung ngà, điện ngọc...; mới chính là đời sống thực bằng thơ của ông. Như trên phân tích, thơ Đình Hùng siêu thực, trừu tượng, thần kỳ; song trẻ, khỏe, sung sức cách lạ thường - trái lại Vũ Hoàng Chương thơ mộng già cỗi nhìn thấy nhược điểm lụi tàn. Thế giới thơ Đinh Hùng là thế giới ma quái Bồ Tùng Linh, chuyện liêu trai Bồ Tùng Linh vẫn ẩn chìm hướng giáo dục; còn thơ Đinh Hùng không vậy – chỉ vần thơ ảo hóa trụi trần. Vì vậy, có một nhận xét đọc thơ Đinh Hùng thỏa mãn sự yếu đuối chán chường, đọa lạc tâm linh; nhưng cần phải có liều lượng nhất định; bằng không là tác dụng phụ.

Trích thơ:

1. CUNG ĐÀN TƯỞNG NIỆM

Khi anh chết các em về đây nhé
Vị chút tình lưu luyến với nhau xưa
Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ
Tay cầm hoa xõa tóc đứng bên mồ

Em lả lướt Em là buồn cố kết
Tự ngày anh ra sống kiếp trần ai
Em khóc cho anh hối hận tình dài
Em nói cho anh tấm lòng cô lữ

Và Em nữa ôi Sầu Hoài Thương Nữ
Anh thường mê tiếng hát của Em xưa
Những ngày vui bóng một mất không ngờ
Em thân ái cùng anh tưởng nhớ.

Anh quên đấy: con người em duyên số
Em đã về chưa nhỉ, hỡi Đau Thương
Nhớ cùng em đối bóng mấy canh trường
Tự đêm ấy cầm tay nhau không nói...

Anh tưởng niệm các em về một buổi
Ở bên mồ, cỏ úa sắc chiều rơi
Ngược Sông Mê, bàng bạc nẻo luân hồi
Sầu rũ tóc, ngậm ngùi in khóe mắt

Anh đã thấy dáng em buồn cúi mặt
Anh đã cảm lòng vì lệ của Thương Đau
Các Em sang vĩnh biệt tấm thân sầu
Các Em khóc, các Em buồn lắm nhỉ?

Phải xa Anh từ đây đường nhân thế
Các Em đi, phiêu bạt giữa thời gian
Và từ đây, trong khe núi, bên ngàn
Các em dạo, làm nhiều hồn oan khổ

Anh bơ vơ lạc trên đường thiên cổ
Lạnh tâm tư, mờ tỏ ánh tinh cầu
Mất Anh rồi, các Em sẽ về đâu?

1954
(Trích báo Xuân TỰ DO)


2.– GIÁP MẶT PHÙ DUNG

Trong im lặng tôi rùng mình nín thở,
Cầm tay em, nâng từng ngón tay hoa.
Tình yêu tràn trong thớ thịt, làn da,
Tình yêu rợn tự đầu mày, chân tóc?
Thoáng nét sương, nụ cười in khuôn ngọc,
Em bâng khuâng hé nửa cặp môi hồng,
Mắt nhắm nghiền, và sóng rực rung rung,
Hơi thở ấm não nùng hương phấn dại
Mặt giáp mặt để hai lòng tê tái,
Tôi điên rồ uống hết vị hoài nghi
Trên môi em – Hai dòng lệ đầm đìa,
Hai ngực ép tới vô cùng đau đớn.
Tôi e ngại từ nét mi sầu gợn,
Tôi xót thương từ sợi tóc thơm nồng.
Em là người như một cánh hoa rung,
Tôi khăng khít ôi cõi đời tiêu tán!

Khi tỉnh lại, trông thấy trời xán lạn,
Con đường đi bừng nở ánh muôn hồng.
Em tuyệt trần đã mở lối thiên cung,
Tôi sửng sốt hái nụ tình phong nhụy.
Từ buổi ấy, mê một làn hương quý,
Tôi ra đi, chưa biết sẽ về đâu?
Thấy quanh đây toàn xác thịt âu sầu,
Toàn những dáng hoa phai buồn ủ rũ.

Ôi hương sắc một thân hình nương tử!
Cặp mắt thu và đôi má mùa xuân.
Ôi áng thiên hương một buổi yêu gần!

(Trích ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ)

ĐINH HÙNG.




Tiết 3. NGUYỄN QUỐC TRINH

Tiểu Sử.

Sinh 1932 ở Hải Dương, học qua Trung học Chuyên khoa Tư thục Hàn Thuyên (Hà Nội). Bạn văn đồng lứa Song Nhất Nữ, Nguyễn Ngọc Dương, Hoàng Phụng Tỵ, Băng Sơn... Thi phẩm đầu tay Nhựa Mới, đồng tác giả Nguyễn Ngọc Dương; có lời tựa Hoàng Công Khanh; cho đó là “bốn vì sao mới nổi lên nền trời”. Nguyễn Quốc Trinh, lớp nhà thơ tiếp nối thơ tự do, phát khởi từ giai đoạn kháng chiến 1945. Cũng chịu ảnh hưởng sâu sa các nhà thơ tự do Pháp như: P.Éluard, Simonov (Nga), Nguyễn Đình Thi...

Tác Phẩm.

Thực ra tuyển tập thơ Nhựa Mới gồm bốn tác giả: Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Ngọc Dương, Song Nhất Nữ và Hoàng Phụng Ty. Xuất bản ở Hà Nội vào 1953. Cuối năm, Nguyễn Quốc Trinh tự xuất bản thi tập khác, tập Ươm Dẹp. Thơ tự do trong tập này mới được xuất hiện đầy đủ, với một kỹ thuật điêu luyện, tiến bộ hơn so với thơ tự do, qua tập in chung. Thơ mang sinh khí mới, rất trẻ, khỏe; tô đậm triết lý nhân sinh, truyền cảm. Đối với tình yêu, dầu ở giai đoạn hậu chiến, vẫn chưa thoát được ảnh hưởng thơ lãng mạn cách mạng Xuân Diệu tiền chiến:

“... Năm nay mùa được ngựa em bồng
Em dậy thì em có biết không?
Hội hè sắp sửa linh đình lắm
Ta sẽ rồi ra sẽ cốm hồng...”

và thơ yêu đỏm dáng, như thiếu nữ tự biết có gò má ửng:

“... Nhấm dần trái ổi đẫm men yêu
Anh nhắm tình em với mộng kiều
Dè dặt anh ăn từng chút một
Để hồn lẳng lặng bỗng phiêu phiêu...”

hoặc:

“... Em ơi! ổi ấy anh ăn rồi
Nào biết em ban một trái thôi
Dần dà xa cách càng xa cách
Oan trái đầy thơ mộng rã rời...”

Không chỉ nói về tình yêu, Nguyễn Quốc Trinh còn đưa hình ảnh nhân sinh vào thơ; quan niệm lý luận thơ của Rimbaud, thơ phục vụ con người và con người cũng chưa là tuyệt đối. Ngôn ngữ thơ, như vũ khí chọc thẳng vào giai cấp quyền uy:

“... Hoa đẹp nở vườn nào?
Thơ bầy trong tủ kính
Con choắt vợ xanh xao
Ngựa xe người đủng đỉnh...”

Sử dụng chữ, âm thanh, tiết tấu; Nguyễn Quốc Trinh lựa chọn ngôn từ và tâm hồn, giầu cảm xúc thơ. Thơ phục vụ người ở đây là cách dấn thân tranh đấu gián tiếp qua thi ca, chống lại sự bất công quá đáng ung dung ngự trị.

Kết Luận.

Ngôn ngữ, cảm xúc mới, khỏe, giàu âm thanh, đầy hình tượng mới, đó là thế giới thơ Nguyễn Quốc Trinh. Thơ ông không chịu ảnh hưởng một riêng ai; thế giới thơ như tổng hợp kết tinh từ rung cảm chính bản thân đối diện cuộc sống, hơi hướng Xuân Diệu tình yêu thanh xuân, hơi thơ bị cầm tù tranh đấu Tố Hữu, Lưu Trọng Lư nhẹ nhàng con nai vàng đẹp trên lá vàng khô, một hơi thở khỏe, trẻ, mạnh, sắc, nội lực xung thiên của Éluard, một Rimbaud, mà thơ phải tuyệt đối nhưng không riêng cho con người. Thơ truyền cảm, xúc động như bàn tay người thợ hồ tô vữa đang chín xây cao bức tường thi ca những năm 1950–1954 ở Hà Nội.

Trích thơ:

1. ĐƯỢC MÙA

Sắc lúa vàng cười sắc thiên thanh
Sóng lúa vàng xô tới mây xanh
Yếm lụa em ơi
Tình đời ấm ngọt
Lời ca thánh thót
Giọt giọt pha lê
Đượm hồng khói thuốc tê mê
Đồi cao vẫy nguyệt thu về mắt thơ
Gái lành trai tơ
Sững sờ thoáng mắt
Triều yêu ngần ngật
Tay thưa nhẹ bứt lá xanh
Trán bừng thẹn
Tóc bồng bềnh
Tiếng cười pháo vỡ tan tành
Đời xưa có chuyện nghiêng thành Cô Tô
Cỏ mát chân đưa
Trời mơ gió ngát
Sóng lòng dào dạt
Nhắc gì chua chát nắng mưa
Trâu bò nghỉ nhé cày bừa
Cho hàm răng trắng cho vừa mắt xanh.

Em gái tôi không biết thị thành
Má thì mọng chín ửng tình xanh
Mắt thì say quá như men ấy
Và nữa làn môi ngọt ý lành.

Năm xưa mùa được ngực em bồng
Em dậy thì em có biết không?
Hội hè sắp sửa linh đình lắm
Ta sẽ rồi ra sẽ cốm hồng...

1952


2.– DỄ HIỂU

Vì mải gò lưng kéo
Cầy cho kẻ khác no
Chiều về nhai cỏ héo
Chuồng hẹp nằm co ro

Vì sống như trâu bò
Kiếp này sang kiếp khác
Cha già cha phát ho
Mẹ già xương sộc sạc

Vì đời buồn sơ sác
U ám như đêm nghèo
Mồ hôi chua rách áo
Muối mặn quả cà meo

Hoa đẹp nở vườn nào?
Thơ bầy trong tủ kính
Con choắt vợ xanh xao
Ngựa e người đủng đỉnh

Vì tôi muốn anh muốn
Vì chúng tôi cùng muốn
Đêm già sô ngã xiêu
Ngày mai cười thằng dướn.

1953
(Trích ƯƠM ĐẸP).

NGUYỄN QUỐC TRINH




Tiết 4. TIỂU MỤC


1. SONG NHẤT NỮ.– (1927–1977)

Tên thật Đặng Bá Ngữ. Sinh 1927, qua đời 1977 ở Hà Nội. Năm 1953, đồng tác giả với Nguyễn Quốc Trinh, Nguyễn Ngọc Dương, Hoàng Phụng Tỵ trong Nhựa Mới. Viết bài đăng trên tạp chí Quê Hương, Giác Ngộ, Cải Tạo, Liên Hiệp... (Hà Nội), tuần báo Đời Mới, Nguồn Sống Mới (Cn: Nguyễn Hữu Pha, Sài Gòn). Thơ truyền cảm, xử dụng nhiều bài lục bát qua nội dung tranh quê, tình cảm người thành thị.

Trích thơ:

QUÊ EM

CHIỀU CHIỀU LAI LÁNG LÒNG QUÊ
KHÓI BAY SÓNG VỖ Ủ Ê NỖI SẦU
(TẢN ĐÀ DỊCH THÔI HIỆU)


Quê em tận cuối xanh thắm
Cách biệt kinh đô những dặm đường
Qua mấy con đò... xa quá lắm!
Nhiều nhiều thôn nữ dáng thương thương.

Quê em náo nức cùng xuân mới
Lụa dệt thơm thơm tựa cốm vòng
Bao nhiêu cô gái xuân chờ đợi
Người về... khắn thắm đón sang sông

Quê em dù nắng hè oi ả
Bão táp phong ba vẫn đẹp bền
Quanh thôn sông lượn hình con cá
Từ chùa xuống chợ cuối làng bên.

Quê em cứ mỗi mùa thu đến
Là hội chùa trên rộn trống chèo
Đoàn trai lao mình qua mấy bến
Reo hò cố giật giải làng treo.

SONG NHẤT NỮ


2. HOÀNG PHỤNG TỴ – (1929–197?)

Sinh 1929. Anh ruột nhà thơ Hoàng Song Liêm. Như Song Nhất Nữ, là một trong bốn tác giả tập thơ Nhựa Mới (Hà Nội, 1953). Cuối 1953, cho xuất bản tập thơ riêng Hương thơ mùa loạn. Thơ phản ánh đời sống quân nhân có bước chân trên đường hành quân; hình tượng sống người đô thị. Với Song Nhất Nữ, đọc thơ ông thì yêu vườn khoai, nương sắn, chẩy hội chùa, kéo co nơi đình hội thì thơ Hoàng Phụng Tỵ là thơ công thức thơ đăng trên tạp chí văn học ở Hà Nội và Sài Gòn, Quê Hương, Giang Sơn, Thẩm Mỹ... thì đa số bài thơ mang khuôn sáo cũ, cả nội dung lẫn hình thức.

Trích thơ:

TƯƠNG BIỆT DẠ

Say một đêm nay cạn rượu nồng
Ngày mai lên ngựa ruổi mông lung
Cuộc đời quên nỗi niềm cay đắng
Nuôi chí trai vung lưỡi kiếm hồng

Quen với trăm phương lạc hướng tình
Xóm làng vẫn những lũy tre xanh
Những nàng quẩy nước qua thôn vắng
Khuất bóng vào sau những mái tranh.

Say kiếp giang hồ, say gió trăng
Quê hương khắp nẻo nhớ muôn nàng
Rượu hồng ai uống đêm nao nhỉ?
Ai chuốc men nồng, anh nhớ chăng?

Say một đêm nay chăn gối ấm
Ngày mai người của núi sông rồi
Chiều nơi quan ải say trong quán
Anh có buồn chi có nhớ tôi?

HOÀNG PHỤNG TỴ


3. HOÀI VIỆT.

Tên thật Nguyễn Việt Hoài. Không rõ năm sinh. Lớp nhà thơ còn sót lại từ tiền chiến, sống ở Hà Nội những năm 50, cùng thời Đinh Hùng, Trần Thanh Đạm, Huyền Quang, Trương Uyên..., thơ đăng rải rắc trên báo chí Thủ Đô. Đề tài thơ lấy từ nguồn cảm hứng nông thôn bản thân người thơ, nhiều hơn thành thị. Thơ Hoài Việt, như lối nói khác; thơ đủ để là thơ; thơ chưa nổi trội, đủ tạo cho có bản sắc riêng.

Trích thơ:

VỠ ĐẤT

Hai đứa mình hẹn nhau
Thuở còn xanh mái tóc
Sau này khi bỏ học
Trở về vun luống cày thơm
Cả hai từ giã nhà trường
Mỗi thằng đi một ngả
Anh về cầy trưa bắc mạ
Tôi đi cầm bút cùng người
Trán anh bóng giọt mồ hôi
Tóc tôi bạc ròng năm tháng
Ruộng lúa nhà anh đầy ánh sáng
Bốn mùa hoa cỏ reo vui
Anh cầy vỡ đất, anh hát yêu đời
Đất anh bàn tay anh giữ
Anh bẻ bắp cây đuổi loài muông thú
Thân anh cao đẹp lạ lùng
Bỗng dưng tôi thấy sượng sùng
Bút tôi không buồn viết nữa
Đất tôi không còn để vỡ
Luống cày nay đã cằn khô
Cỏ xanh rạp xuống quanh bờ
Mạ con úa thành cây lụi
Nhớ lại ngày xưa kề vai sớm tối.

Còn nói gì câu sự nghiệp
Còn bận gì chuyện sới vun
Ruộng tôi nay đã không còn
Bài ca vỡ đất nghe buồn vô biên

HOÀI VIỆT


4.– HOÀNG SONG LIÊM.

Sinh 1933 ở Hà Nội. Bạn văn, đồng lứa Tạ Quang Khôi, Nguyễn Thiệu Giang, Nghiêm Huy Giao... Năm 1954, xuất bản tập Thơ cùng Nghiêm Huy Giao (Hà Nội, 1954). Tập thơ học sinh vừa rời khỏi trung học bước vào đời (Quyển Vở Kỷ Niệm). Và chẳng bao lâu, bước vào quân ngũ, hình ảnh chiến binh bộc bạch trong bài thơ, nhan đề Tôi Là Anh Lính Chiến; loại hình thơ công thức, nội dung tâm lý chiến. Ngoài ra Gửi Người Chị Phố Phường trích dẫn là bài thơ hay, đóng góp thơ tự do cho văn học hậu chiến.

Trích thơ:

GỬI NGƯỜI CHỊ PHỐ PHƯỜNG.

Phố phường khóc nhớ quê hương
Quê hương nằm nhớ phố phường
Chị nhớ em
Em nhớ chị
Xa nhau dài mấy thôi đường
Thư nào kể siết niềm thương
Hỡi người chị của em
Đây lòng em của chị
Trời dịu
Mây hiền
Làng xanh
Ruộng vàng
Sóng trắng
Lá đỏ sang ngang
Hai vụ chiêm mùa
Mấy tuần sương nắng
Gieo hạt mạ đầy tay
Đổ bao sức vóc trọn ngày
Tát mấy đêm trăng thanh nước mắt
Gặt vài buổi nắng đỏ sàn phơi
Ấm no bằng giọt mồ hôi
Nằm nhà tranh hát cuộc đời thôn trang
Thị thành của chị
Một lần em qua
Chao ôi! Lửa điện sao lòa chói
Xe cộ phồn hoa
Bụi cát mù
Chị ơi ! Son phấn đêm tàn lửa
Hướng cũ phai dần hoa tuổi xưa
Những khách du nằm chờ tiễn biệt
Vội vàng yến tiệc
Ép duyên mơ
Kỹ nữ gượng say hồng má đỏ
Đàn ca nhịp mãi điệu giang hồ
Tay trắng đổ nghiêng tiền bạc trắng
Cuộc đời theo chuyện vu vơ
Chị gối tay bao khách lạ lùng
Ngỡ ngàng chị có đoái em không?
Em thường ao ước thường mong đợi
Chị lại về đây với ruộng đồng
Thương chị bao nhiêu
Chẳng gửi ai mà đưa tới chị
Chị khi nào gặp lại em
Đêm nay ngồi ngóng về đô thị
Nghe gió xa về cũng đau
Em lần giở tấm áo nâu
Sờn vai sương nắng bạc mầu tuổi thơ
Bao giờ lại đến bao giờ?
Chị về chiếc áo năm xưa quê nhà.

(Trích tuần báo ĐỜI MỚI)

HOÀNG SONG LIÊM


5. TRẦN NHÂN CƯ.

Chưa tìm được tên thật, năm sinh, lai lịch tác giả. Chỉ biết vào năm 1953, trên tập san Nhân Loại (Sài Gòn) thơ Trần Nhân Cư xuất hiện, qua đôi bài giọng hoài cảm quá vãng, hồn thơ ngọt ngào; như hơi hướng thơ Lưu Trọng Lư Nhớ Mẹ thời tiền chiến. Đưa Trần Nhân Cư phương danh ông vào văn học hậu chiến, ý nghĩa đầu tiên của tôi là nhớ đến trường hợp Xuân Tiên, chỉ cần một đôi bài in trên Hà Nội Tân Văn (Vũ Ngọc Phan chủ trương) tự tạo cho Xuân Tiên nổi tiếng. Đó là bài Lá Rụng có những câu thơ đẹp, như:

“... Một chiều ngồi nghỉ gốc bàng
Thấy chưa gió mạnh, lá vàng đã rơi
Mênh mông buồn mãi lòng tôi
Vẩn vơ nghĩ ngán cho đời phù vân...”
X.T

Trích thơ:

NHỚ QUÊ

Tôi nằm đọc sách buổi trưa
Nắng hè vẫn đổ nhạt thưa trước thềm
Mẹ già lặng lẽ chỉ kim
Trên giàn thiên lý con chim yêu đời
Dưới nhà rộn tiếng trẻ cười
Thầy tôi bên kỷ mài thoi mực tầu
Hương trầm quyện lấy hương cau
Lắng nghe trầm bổng mấy câu thơ Đường.

Giờ đây biền biệt cố hương
Nằm nghe gió thổi bốn phương quê người.

1953
(Trích tập san Nhân Loại Sài Gòn)

TRẦN NHÂN CƯ.


6. HUYỀN GIANG.

Tên thật Đào Đức Chinh. Sinh 1932 ở Hà Nội. Thơ đăng rải rác trên các báo Quê Hương, Thẩm Mỹ (SàiGòn) Văn Nghệ Tập San, Phụng Sự (báo Quân đội) Trưởng nhóm thơ văn Hoa Phượng ở Hà Nội vào năm 50, quy tụ một số tác giả như: Băng Sơn, Vân Long, Huyền Vân, Hương Huyền (Lê Thị Hồng Châu)... Thơ Huyền Giang sử dụng thể năm chữ, thơ ngọt ngào, rung động, nhận thức về đời sống thâm trầm.

Trích thơ:

NGÀY MAI HOA NỞ

(TẶNG T.P)

Kề bên những đầu xanh
Anh quê rừng Việt Bắc
Tôi học trò kinh thành

Mây trời thương đổ máu
Mùa thu nào hòa bình
Bến Hải nhìn u uất
Hồn gương xưa Sông Gianh

Bài ca sầu nức nở
Ai khóc những đêm dài
Đã từng đêm vấy máu
Trời thương đất chia hai

Anh lìa rừng núi Lạng
Chị xa quê Đầm Hà
Thương mây trời Yên Bái
Nhớ Cao Bằng núi xa

Tôi giã từ Hà Nội
Thương hoài năm cửa ô
Chiều bên bờ Sông Lũy (24)
Nghe gợn sóng Tây Hồ

Gặp nhau rừng đất đỏ
Nghe gió núi Trường Sơn
Chúng ta nhìn ngọn lửa
Nung nấu những căm hờn

Những bàn tay chung góp
Dựng đôi mái nhà tranh
Chúng ta cùng tạm trú
Chờ qua ngày điêu linh

Núi thôi hờn vấy máu
Sông nối đôi khúc cầu
Ngày mai hoa nở đẹp
Đất trời ca bên nhau

Chúng ta về quê cũ
Chị mừng trông Đầm Hà
Anh say trời Yên Bái
Tôi nghe sóng Tây Hồ
Thôi hoài năm cửa ô. (25)

(Trích tạp chí VĂN NGHỆ TẬP SAN, Sài Gòn)

HUYỀN GIANG


7. VÂN LONG.

Tên thật Nguyễn Văn Long. Sinh 1934. Thơ đăng trên các tạp chí Thủ đô: Quê Hương (Hà Nội), Đời Mới (Sàigòn)... Ngoài thơ, còn viết truyện ngắn, một truyện Đói đặc sắc đăng trên tuần báo Đời Mới (Cn: Trần Văn Ân). Thơ Vân Long không mới, hồn thơ truyền cảm, thể hiện tâm trạng thanh niên sống lạc loài giữa xã hội tù túng thị thành vào đầu thập niên năm mươi.

Trích thơ:

CHIỀU ĐỒNG NỘI

Quán vắng sầu nghiêng một dáng mây
Đồng không lạc lõng cánh chim gầy
Lúa e dè thẹn trong chiều nắng
Ta uống hương đồng say ngất ngây

Đi trốn kinh kỳ trốn phấn hoa
Về đây đón gió một thời xa
Tâm tư quạnh quẽ mầu thơ úa
Ờ nhỉ đâu rồi những tiếng ca

Mến quá đồng quê cùng dáng lúa
Ai giam ta mãi với đô thành?
Bao giờ đồng ruộng vang lừng nhỉ
Khúc nhạc yên bình trỗi ý xanh.

(Trích tuần báo ĐỜI MỚI, Sài Gòn)

VÂN LONG.


8. BĂNG SƠN. (1932-2010)

Tên thật Trần Quang Bốn. Sinh 1932 ở Hải Dương. Còn ký Mai Băng Phương dưới những bài tạp bút, như Sông Dài đăng trên tuần báo Đời Mới (Sài Gòn), Mạch Sống (Sài Gòn), và đăng thơ trên báo Thẩm Mỹ (Sài Gòn), Quê Hương (Hà Nội). Băng Sơn có bút pháp thật đặc biệt trong loại hình tạp bút. Văn không giống một ai khác. Thơ văn phản ảnh tâm sự buồn chán, khắc khoải của thơ lớp thanh niên sống ở thành thị. Băng Sơn thường sử dụng thơ bốn chữ, ý thơ nồng nhiệt, lời thơ bao hàm ý nghĩa nhân sinh sâu sắc có lập ý cao.

Trích thơ:

MỖI ĐỘ THU VỀ

Mỗi độ thu về
Sương mù lê thê
Lá đan mành gió
Lòng ta não nề

Ngoài sông nước rộng
Bao kẻ ra đi
Ở đây đô thành
Lòng ta tái tê
Hỡi khách phương xa
Còn nhớ lời thề

Mỗi độ thu về
Nắng nhạt thôn quê
Mây bay tản mạn
Tràn ngập sơn khê

Ai nghe nức nở
Của kẻ phòng khuê
Hồn đang chĩu nặng
Lệ thảm tràn trề
Người chinh phu đi
Không hẹn ngày về

Môi độ thu về
Sương mù lê thê
Lá đan mành gió
Lòng ta não nề.

(Trích tuần báo Đời Mới, Sài Gòn)

BĂNG SƠN.


9. SONG HỒ.

Tên thật Nguyễn Thanh Đạm. Sinh 1932 ở Bắc Ninh. Bạn văn đồng lứa Hiệp Nhân, Dương Vy Long, Tô Hà Vân (Nguyễn Đình Toàn) Nhật Tiến... Viết văn, làm thơ, đăng trên tuần báo Đời Mới, Nguồn Sống Mới (Sài Gòn), Quê Hương, Tia Sáng, (Hà Nội) v.v... Thơ Song Hồ có hình tượng mới, truyền cảm, ngôn ngữ sử dụng tài tình, nói như Rimbaud thơ phục vụ cho con người và con người chưa là tuyệt đối, ông đóng góp vào thơ tự do cho văn học hậu chiến không nhỏ.

Trích thơ:

AI VỀ MIỀN QUÊ TÔI NHẮN

Ai về miền quê tôi nhắn
Cho bóng người áo vải
Rằng thành đô đổ nát đến nơi rồi
Say thú vui: khóe mắt làn môi
Đổ ngày tháng cho hung thần khoái lạc
Ai đã trông mà lòng không tan tác
Trẻ già trai gái
Trụy lạc như nhau
Mặc súng ngoài xa nổ
Gục mấy hàng cau
Gục người mẹ
Người cha
người anh
người em
Họ hàng thân thích
Đây Hà Nội!
Trời mưa tuôn rả rích
Bê bết bùn lầy, nước đọng nhớp nhơ
Đèn nê ông tỏa ánh điện xanh mờ
Nhạc cuồng loạn
Gót giầy đinh lắc ván
Một và hai, trăm ngàn
Rồi đến vạn
Đèn nhạt, đèn xanh, đèn tím, đèn vàng
Nhạc điên cuồng vẫn réo rắt reo vang
Mầu biến đổi là lòng người biến đổi
Mập mờ và yếu đuối
Hiện dần trong bóng tối
Có bóng người con gái miền quê
Khăn yếm bỏ đi rồi
Làn tóc soăn soăn
Đỏ mọng đôi môi
Chiều thứ bảy
Giầy đinh vang hè phố
Ai về miền quê tôi nhắn
Cho bóng người áo vải
Rằng Thành đô đổ nát đến nơi rồi...

1954
(Trích tuần báo Nguồn Sống Mới, Sài Gòn)

SONG HỒ


CÒN TIẾP ...



VVM.13.10.2023 - NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ