bài đáng đọc : ' Tình của Băng Sơn với Hà NỘi '/ Lương Văn Hồng [ 1944- tphcm -- trích : Việt Văn Mới ( Paris ).
TÌNH CỦA BĂNG SƠN VỚI HÀ NỘI
N hà văn Băng Sơn tên thật là Trần Quang Bốn. sinh năm 1932, quê cha ở Hà Nam; quê mẹ ở Thanh Trì, Hà Nội. Tạ thế ngày 03 tháng 9 năm 2010 tại Hà Nội, hưởng thọ 77 tuổi.
Ông sinh ra (1932) và lớn lên ở đất Cẩm Giàng tỉnh Hải Dương, nhưng khởi nghiệp ở Hà Nội bằng thơ từ năm 1947 cho đến 1970 với hai tập thơ đã in Nắng bên sông, 1984, Thơ hai người, 1992.. Bỗng một ngày năm 1975 ông thấy, thơ không nói hết được cảm xúc. Ông tìm đến văn xuôi để có thể nói được hết tâm tư tình cảm của mình cùng những thay đổi của Hà Nội. Từ năm 1975 đến nay ông chuyên viết tản văn, tùy bút. Nhà văn Băng Sơn nổi tiếng qua những tùy bút chủ yếu là về Hà Nội. Các tác phẩm tiêu biểu của ông là Thú ăn chơi người Hà Nội,1992 ; Ngàn mùa hoa, 1993; Đường vào Hà Nội, 1997; Nghìn năm còn lại, 1996; Những nẻo đường Hà Nội, 1998; Trời đang mưa, 1999; Nhịp sống, 2005; Trăm ngôi nhà nghệ sĩ Hà Nội, 2008.
Với Ngàn mùa hoa, Băng Sơn gói gém 95 truyện như Bờ hoa tầm xuân; Tiếng hát trên đồng; Ăn bánh chưng; Đánh tam cúc; Cánh bèo; Điếm canh đê; Đò dọc, Đò ngang; Cây đa làng; Con đường mòn; Đám cưới quê … trong vỏn vẹn 130 trang sách mà đầy ắp những kỷ niệm thời ấu thơ - “những kỷ niệm trong trẻo của cuộc đời”. “Ngàn mùa hoa” là một nhắc nhở kín đáo của Băng Sơn với việc bảo tồn nền văn hóa dân tộc, và làm phong phú tâm hồn cho lớp lớp các em thơ (lời nhà văn Hoàng Quốc Hải)
Trăm ngôi nhà nghệ sĩ Hà Nội cho ta thấy cuộc đời thực của một trăm nghệ sĩ- một trăm “hồn phố hồn nhà”: có một Văn Cao nhấn phím dương cầm bên cửa sổ một căn nhà ở phố Yết Kiêu, ở phố Thuốc Bắc có Bùi Xuân Phái nghiêng cái xác ve rửa cây cọ; sống trên tầng ba một căn nhà ở phố Hồ Xuân Hương là nhà thơ Phạm Huy Thông, sống ở phố Hàng Chiếu là nhà thơ Nguyễn Hoàng Quân, ông tự diễu mình bên người vợ nghèo, chịu thương chịu khó:”Hoàng Quân nay đã là thi sĩ, Chân đá dày lên vạn trái tim.” Hà Nội có Nguyễn Tuân khinh bạc, Thạch Lam tinh tế, Hoàng Đạo Thúy uyên thâm, nhà thơ bạch đinh Đào Ngọc Vĩnh cắm lều bên bờ ao cạnh Bộ thủy sản…
Hà Nội nơi hội tụ tinh hoa của đất nước. Hà Nội là nơi đặc sản của mọi miền về đây thi thố tài năng ẩm thực như bánh dày Quán Gánh, bún Phú Đô…
Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân mỗi người một phong cách với những lát cắt về văn hóa ẩm thực đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất của Hà Nội. Thạch Lam có “Hà Nội 36 phố phường”, Vũ Bằng có “Thương nhớ mười hai”, Nguyễn Tuân có tùy bút về món ngon của người Hà Nội như phở, giò lụa, cốm… thì Băng Sơn bỏ ra mấy chục năm ôm trọn mảng văn hóa đời thường, văn hóa ẩm thực đặc trưng, đa dạng và phong phú, thú chơi, kiểu mặc của người Hà Nội với “Thú ăn chơi người Hà Nội” toàn tập (NXB Văn hóa thông tin, 2009, 1150 trang khổ 14,5. 20,5 cm, sách này in lần thứ nhất năm 1993 tập 1, năm 1996 tập 2, năm1999 tập 3). Qua sách, bạn đọc biết được cách chọn thực phẩm, cách nấu và cách trình bầy món ăn… sao cho đẹp mắt, gợi cảm xúc ngon miệng. Bạn đọc thấy người nấu rất tinh sành trong chọn thực phẩm, trong chế biến. Người ăn cũng phải tinh sành trong thưởng thức. Nấu riêu cua với quả dọc nước trong, cho vị thanh, nhưng nấu với khế nước màu xám vị hơi gắt, nấu với mẻ thì vị chua hơi thô. Bánh giò làm bằng bột lọc thì trong và giòn. Vắt bánh dày bằng tủy lợn ăn mới ngon, nếu vắt bằng mỡ sẽ có mùi khét… Qua sách ta thấy mùa nào thức nấy. Ăn phải đúng lúc, hợp thời tiết, hợp khí hậu mới là người sành ăn.
Nhà văn Hà Nội Băng Sơn ở 66 Lê Văn Hưu, nhưng bạn muốn vào thì phải đi lối ngõ số 7 đường Ngô Thời Nhiệm, lên những bậc thang ngoài trời, rồi tới cửa căn hộ của ông ở gác ba. Qua những trang tản văn nhẹ nhàng của ông về ngõ nhỏ, phố nhỏ, rặng cây, loài hoa, bạn đọc hình dung ngay được những nét thanh tao, lịch lãm, trầm lắng, kiêu sa, bi hùng của người Hà Nội. Khi ngồi xuống trong phòng khách, khách chợt nhận ra, vợ chồng chủ nhà vẫn giữ chất người Tràng An trong văn hóa ứng xử: nhẹ nhàng, tế nhị, giản dị, ấm áp tình chủ-khách. Một lúc sau, khách mới chợt nhớ, cái ồn ào, có phần xô bồ của đô thị không hiện hữu trong phòng khách cũng như trong câu chuyện giữa chủ và khách: từ tốn, sâu lắng, đượm chút sảng khoái tinh thần qua đàm đạo chuyện nhân tình thế thái, chuyện đạo chuyện đời.
Người con gái Hà thành và nhà thơ Băng Sơn gặp nhau, quyến luyến, đi đến kết hôn với tâm hồn nghệ sĩ: không nhà, không công ăn việc làm ổn định, đến với nhau bằng tấm lòng chân thành, nên tuy nay cả ông lẫn bà tóc bạc hoa râm, nhưng cả hai vẫn giữ hòa khí, tế nhị trong lời nói, trong cuộc sống hàng ngày như những ngày còn trẻ. Chỉ thoáng nhìn là biết ngay ý nhau.
Cùng với năm tháng, với cái thú lãng du là những ghi chép ban ngày, nhẩn nha viết lúc đêm khuya, suy ngẫm trong giấc ngủ, những trang viết của Băng Sơn cứ nối đuôi nhau ra mắt bạn đọc xa gần. Băng Sơn nhớ và biết rất rõ từng con phố của Hà Nội, những ngôi nhà kia có ai sống trong đó, họ là người như thế nào... Tâm hồn ông thuộc về Hà Nội.
Nhà văn Băng Sơn dành mấy chục năm nửa sau cuộc đời cho tùy bút. Ông tâm sự:” tùy bút đòi hỏi người viết phải rất công phu đào sâu vào từng “góc nhỏ của xã hội”.
Những công trình nghiên cứu lịch sử, địa lý Hà Nội của Nguyễn Vinh Phúc, những tác phẩm của nhà văn viết “hồn phố hồn nhà” Hà Nội tạo thành một bức tranh toàn cảnh về Hà Nội, cả hai được vinh danh là hai nhà HÀ NỘI HỌC và nhận Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội” năm 2009 .
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ