Thứ Ba, 3 tháng 10, 2023

bài đáng đọc : " Từ những bức tranh của danh hoạ NGUYỄN PHAN CHÁNH [ 1892- 1984 ] '/ Võ Văn Trường / Hà Nội -- trích : Giao Blog ( Hà Nội)

 

Từ những bức tranh của danh hoạ Nguyễn Phan Chánh

VÕ VĂN TRƯỜNG

Trong chiến tranh việc vẽ phụ nữ bán khỏa thân bị hạn chế. Một số người có ý kiến: Cụ Chánh vẽ nhiều tranh “nuy” thế. Nhà thơ Tố Hữu lúc đó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng cười: “Cụ nhiều tuổi rồi, cứ để cụ vẽ gì cụ thích. Tranh “nuy” của cụ không giống tranh “nuy” phương Tây đâu”. Dịp sinh nhật 80 tuổi của cụ, cả Tố Hữu và Cù Huy Cận đã tặng thơ và rượu chức mừng họa sỹ Nguyễn Phan Chánh.


Danh hoạ Nguyễn Phan Chánh (1892- 1984) được coi là người khai sinh nền hội hoạ tranh lụa Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn có tiếng vang ở khu vực và trên thế giới. Thế nhưng cuộc sống đời thường ông khá “dị biệt” so với giới hoạ sỹ đương thời bởi tính đạm bạc, không hút thuốc, không uống rượu, không tham gia vào các cuộc tranh luận ồn ào mà chỉ say sưa đi thực tế sáng tác kể khi tuổi đã cao sức đã yếu. Những câu chuyện “xuất xứ” các tác phẩm của ông do những người thân trong gia đình kể lại, trong hồi ký của ông và cô con gái đầu danh hoạ tức nữ nhà văn Nguyệt Tú (Nguyễn Thị Tuệ) đã cho chúng ta nhiều điều thú vị về một tài năng hội hoạ luôn chọn hình mẫu bởi chất liệu đồng quê, dân dã từ cảnh vật đến con người…song cũng rất lãng mạn bởi khi tuổi cao ông mới bắt đầu vẽ những bức tranh mà giới chuyên môn thường gọi là “nuy”.

Bác Hồ với họa sỹ Nguyễn Phan Chánh tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III, 1962.

Tác phẩm đầu tiên nổi tiếng của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh phải kể đến là bức tranh “Ruộng lúa” (Lariziere) thường gọi “Người đi cấy” ông tham dự cuộc thi tem Đông Dương năm 1929 giành giải nhất và được đưa vào con tem trên bì thư năm 1929. Con tem đầu tiên do người An Nam vẽ khi nước ta là thuộc địa của Pháp.  Nhân vật chính là một nông dân quần xoắn quá gối, tay trái cầm nắm mạ, tay phải cấy lúa. Trên đồng lúa mới cấy, các cụm mạ xén đều, rải rác trên mặt ruộng lấp xấp nước. Xa xa phía chân trời, những tia nắng hắt lên…

Cuối năm 1930, bức tranh “Chơi ô ăn quan” ra đời từ một buổi chiều thứ bảy đi thực tế sáng tác ở làng Kim Liên. Người con gái đầu của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh kể, chị thấy cha cặm cụi vẽ bằng bút chì những ký hoạ các cô gái quê lứa tuổi 14, 15 mặc áo tứ thân ngồi theo nhiều tư thế. Sau đó về nhà Nguyễn Phan Chánh mới căng lụa, pha màu, vẽ nhiều lần rất mất công. Vẽ xong rửa tranh đợi khô lại tô màu thêm lớp nữa. Nguyệt Tú xem phát chán, bỏ đi chơi, không nghĩ rằng bức tranh ấy đi vào lịch sử hội hoạ, đánh dấu sự ra đời của tranh lụa hiện đại Việt Nam. Bức tranh ấy được gửi đi triển lãm Đấu xảo thuộc địa Pari 1931 cùng với các bức “Lên đồng”, “Em bé cho chim ăn”, “Rửa rau cầu ao” của một hoạ sỹ An Nam làm xôn xao giới hoạ sỹ Pháp. Sau đó, Nguyễn Phan Chánh nhận được bức thư của một GS từ Pháp: “Tôi rất sung sướng báo tin những bức tranh của anh được công chúng đánh giá rất cao. Cả bốn bức tranh đã bán rồi…”

Hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh từng viết cảm xúc mình khi vẽ bức tranh “Chơi ô ăn quan là vào những năm 1924-1925 trên đường phố Hà Thành, tôi trông thấy rất nhiều cô gái cạo lông mày nhỏ tí, môi bôi son đỏ hình quả tim, hai mi mắt lại bôi đen. Bổng một buổi chiều tôi trông thấy một cô thôn nữ chừng 15,16 tuổi, chít khăn mỏ quạ, quần đen, áo nâu đi thơ thẩn trên đường, có ý trông chờ ai…và người con gái quê mùa đó đã đi vào bức vẽ của ông.

Có thể nói đề tài nông thôn, nông dân, những con người lao động bình thường trong tranh Nguyễn Phan Chánh đã được khẳng định ngay từ ngày đầu sáng tác. Mối tình cố hữu của người nghệ sĩ với hình tượng nghệ thuật này đã được nhà nghiên cứu Thái Bá Vân viết: “Nguyễn Phan Chánh ca ngợi cuộc sống của họ, làm đẹp tâm hồn họ, lấy họ làm trung tâm cho thẩm mỹ của mình, đó là lý tưởng mà suốt đời ông theo đuổi”.

Bìa sách hồi ký “Đường sáng trăng sao” của Nguyệt Tú (con gái họa sỹ Nguyễn Phan Chánh)

Những người mẫu của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh cũng không lấy gì làm giống các hoạ sỹ đương thời bởi ông chọn đó là mẹ và các con gái, còn cảnh là vườn nhà do chính tay ông tạo ra. Các bức “Mẹ con”, “Trốn tìm”, “Cô gái bên bể nước” lần lượt ra đời bằng hình mẫu như vậy. Trong một triển lãm tranh Nguyễn Phan Chánh giới thiệu những bức vẽ nói trên Nhà văn Nguyễn Tuân có bài đăng trong Thời vụ báo lúc đó đã nhận xét:“ Cũng như mọi kỳ trước, kỳ này trong phòng triển lãm, Nguyễn Phan Chánh bày toàn tranh lụa, một sở trường của Đông Dương và của ông nữa. Nhưng lần này khác với lần trước, bây giờ những tác phẩm mới đều nhuộm những mầu tươi sáng nhẹ nhõm…Nguyễn Phan Chánh đã làm cho mầu thuốc mất trọng lực. Chúng nó bay bổng. Và trong làng nghệ thuật phôi thai xứ này, hoạ sỹ đã tìm được một chỗ gọn để đặt tên”.

Các bức tranh “Hái rau muống”, “Cô gái trên cành đào”, “Cô gái dưới giàn hoa thiên lý”…lại ra đời với một người mẫu là một thiếu nữ bị câm cũng rất tình cờ, thú vị. Chuyện do chính hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh kể với vợ, khi ông đang vẽ mấy con bò đang ăn cỏ dưới lùm tre thì cô gái trong xóm ra xem ông vẽ. Mắt cô gái sáng lên khi thấy con bê bú mẹ hiện lên dưới ngòi bút của ông. Cô gái cứ đứng nhìn ông vẽ cả buổi sáng. Ngước mắt lên chợt ông thấy khuôn mặt cô gái giống những thiếu nữ mình vẽ trên lụa. Nguyễn Phan Chánh nói vui: “Có muốn về nhà xem tui vẽ tranh không”. “Tui sẽ vẽ cho o một bức tranh”. Cô gái mỉm cười ngượng nghịu, má ửng đỏ, không trả lời nhưng khẽ gật đầu… đi theo ông.

Hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh vẽ say sưa quên cả sức khoẻ, tuổi tác. Ông tranh thủ đi ký hoạ ở khắp nơi như công viên, nhà ga, bến chợ, trường học, chung quanh đình, miếu, bờ sông, quán nước và ông rất thú khi về các miền quê để vẽ. Có lần ông vào tận rừng Sơn (rừng cây thiên lu) để vẽ. Muốn vẽ từ trên cao xuống ông trèo lên cây Sơn và bị Sơn ăn sưng mặt mày, nên mỗi lần đi ông xoa nước tiểu khắp mặt, cổ tay. Cây đa cổ thụ trong bức tranh “Rê lúa” là cây đa đầu làng Đình Bảng. Nói như vậy để thấy niềm đam mê đi thực tế sáng tác của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh.

Ở tuổi sau 70 hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh tiếp tục cho ra đời bức “Trăng tỏ”, “Trăng lu”, Kỳ lưng”.  Nguyễn Phan Chánh tự cho là “lãng mạn” vì cô gái trong tranh chỉ ở trần, mặc quần ngắn. Trong hồi ký của mình ông viết: Tôi thường lên Hoà Bình xem các chị em Mường tắm để vẽ. Phụ nữ tắm dưới sông thường kỳ lưng nhau. Họ quay mặt về sau, hai tay ôm khư khư lấy vú. Người đã có tuổi nghĩa là từ 16 tuổi trở lên, thì họ xuống nước dần dần đưa váy lên đầu cho thân ẩn dưới nước. Còn những cô 15 trở xuống thì xuống tắm cởi quần áo như con trai. Tôi lấy ống nhòn trông rõ lắm, còn họ thì tưởng tôi lấy cái gì đó che mắt để không trông thấy họ. Rất may lúc đó cơ quan chủ quản của ông là Hội Mỹ thuật Việt Nam không cho bức “Kỳ lưng” là “lãng mạn”. Nhiều người còn động viên, bác cố vẽ được nhiều cái “Kỳ lưng”.

Sau bức “Trăng tỏ” “Trăng lu”, “Kỳ lưng” được mọi người yêu thích hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh lại tiếp tục vẽ “Tắm ao”, “Tiên dung tắm”, “Kiều tắm”… Trong chiến tranh việc vẽ phụ nữ bán khoe thân bị hạn chế. Một số người có ý kiến: Cụ Chánh vẽ nhiều tranh “nuy” thế. Nhà thơ Tố Hữu lúc đó Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Đảng cười: “Cụ nhiều tuổi rồi, cứ để cụ vẽ gì cụ thích. Tranh “nuy” của cụ không giống tranh “nuy” phương Tây đâu”. Dịp sinh nhật 80 tuổi của cụ cả Tố Hữu và Cù Huy Cận đã tặng thơ và rượu chức mừng ông.

Tám mươi mà vẫn xuân xanh/ Nâu sồng mà lại nên tranh yêu đời/Trăm năm đẹp ở tình người/Trăng lu, trăng tỏ càng tươi nét thần/Phải chăng lòng sạch bụi trần/Mát trong làn nước trắng ngần làn da/Mừng ông chén rượu gọi là…(Tố Hữu). Và Huy Cận là những câu: “Bác tám mươi tuổi rồi ư/ mà sao trăng tỏ trăng lu vẫn tình/Hồn xuân mình biết với mình/Màu quê hương đậm dáng hình quê hương/ Chơi ô ăn quan bên đường/ Các o sống mãi trên tường thời gian/ Khi tác nước lúc đan mây/ Tay gân mà vẫn dịu dàng nét tơ/Ánh ngần da thịt mởn mơ/ Bút hoa Phan Chánh hồn thơ vẫn nồng/ Nhớ về Hà Tĩnh quê chung/ Yêu nhau xin mượn góc khung kính đề…”

 Chuyện không phải ai cũng biết đó là bức phác thảo mãi mãi không thành tranh của hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh. Đó là thời kỳ chiến tranh, bom Mỹ đánh sập một mái nhà ga Hàng Cỏ Hà Nội và Khu nhà tập thể văn nghệ sỹ số 65 Nguyễn Thái Học. Nhiều người bảo ông đi sơ tán nhưng ông quyết định ở lại Hà Nội để vẽ với lý do người già yếu và trẻ em không làm được gì mới sơ tán, còn ông thì vẫn còn vẽ được. Lúc này ông đã 80 tuổi, hàng ngày Nguyễn Phan Chánh mang cặp xuống khu lao động An Dương và đến gia đình một công nhân có cô gái khá đẹp để vẽ. Cô gái ấy cũng làm công nhân có người yêu ở mặt trận. Lúc nào cô cũng mong thư.

Hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh tại “xưởng vẽ” của mình năm 1964

Ngồi uống nước ở nhà người mẫu ông bất chợt thấy cô gái rửa mặt bên thau nước. Cúc áo mở của cô khi cuối xuống hé lộ một phần ngực trần thiếu nữ khoẻ đẹp. Cậu em bổng chạy về reo lên: “Có thư của anh ấy đấy”.  Cô gái ngước lên ánh mắt tươi vui càng làm rạng rỡ khuôn mặt trái xoan trắng trẻo với đôi má lún đồng tiền. Một cảm hứng đến với hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh. Phải vẽ bức tranh “Nhận thư từ tiền tuyến”. Sau mấy ngày phác thảo, mỗi khi về nhà ông đều gửi cặp vẽ tại nhà cô gái. Một hôm tin dữ đến, máy bay B52 đánh vào thôn An Dương, ngôi nhà của người mẫu ông chọn chỉ còn bãi đất chi chit hố bom và cặp vẽ có bức phác thảo cũng không còn. Bức phác thảo “Nhận thư từ tiền tuyến” mãi mãi không thành tranh. Cô người mẫu đã hy sinh đêm 26 tháng chạp năm 1972 khi đang làm nhiệm vụ tự vệ trên phố Khâm Thiên.

Hàng chục năm sau chiến tranh, một người Mỹ sang Việt Nam tìm hiểu đời sống người Việt Nam thời Hà Nội bị B52 ném bom. Nhà văn Mỹ Lady Borton đưa ông ta đến khu hầm tránh bom nơi hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh ngồi vẽ tranh. Người Mỹ này đã hỏi, vẽ tranh khi có bom đạn hoạ sỹ không sợ chết sao? Và điều người Mỹ này bất ngờ hơn khi biết ngay trong thời kỳ Mỹ ném bom B52  hoạ sỹ Nguyễn Phan Chánh vẫn vẽ tranh về chuyện cổ tích Tiên Dung và Chữ Đồng Tử…

          VÕ VĂN TRƯỜNG


nguồn: vanhocsaigon


===============


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét