Huỳnh Ái Tông
Sunday, October 8, 2023
Bệnh già khó tránh
Vài tháng trở lại đây, tôi gọi điện thoại cho chú em ở Santa Ana không thấy chú ấy bắt điện thoại, tôi vào Favebook của thàng con chú ấy, hỏi xem chuyện chi đã xảy ra, cũng không thấy thằng cháu trả lời. Tôi thắc mắc tự hỏi mình có làm điều chi cho chú em phiền lòng, không muốn liên lạc với mình ?
Tôi nhớ năm ngoái, chú ấy có về Việt Nam ở Cần Thơ, tôi về ở Sàigòn không có gặp nhau, tôi có hẹn khi nào lên Sàigòn để đi thăm người anh của chú ấy, cho tôi tháp tùng đi cùng, vì tôi không biết nhà của người anh chú ấy, người nầy đang bệnh, tuổi ngoài 80. Nhưng ngày đó chú ấy không ghé qua nhà cho tôi quá giang. Sau đó, tôi hỏi thăm địa chỉ rồi đi tìm ở Quận 12.
Vài tuần trước con gái tôi đi sang thăm bạn ở Santa Ana, nhân đó nhờ bạn đưa đi thăm chú ấy, mới biết chú đã bị Alzheimer, còn thằng con trai duy nhất của chú thím ấy, cháu sanh tại Mỹ, từ nhỏ đã bị chứng bệnh lạ, thân thường bị ngứa, mắt dần dần bị mờ, bác sĩ ở Mỹ không chữa trị được, về Việt Nam đi khám Đông y để chữa trị, rồi cũng bó tay, gần đây mắt cháu bị mờ quá, nên không có vào Facebook. Biết được như vậy tôi an tâm phần nào, nhưng chưa có dịp sang Cali thăm chú ấy cũng như quý Thầy cũ và bạn bè, thân hữu.
Về bản thân mình, thường người cao tuổi, người ta nói nhiều người “quên trước quên sau”, hoặc bị “ba cao, một thấp”. Tôi nhớ năm 1991, khám bác sĩ để đi Mỹ, bác sĩ cho biết tôi bị Cao huyết áp, tôi xin bác sĩ cho toa thuốc Lowpressor, sỡ dĩ tôi biết thuốc nầy, vì trước đó cô tôi bị cao huyết áp, anh tôi ở Pháp gửi về Lowpressor 100mg cho cô tôi uống.
Lúc mới sang Mỹ, tôi chọn bác sĩ gia đình người Việt là Cao Văn Luyện, vài năm sau ông ta chuyển sang tiểu bang bên cạnh, tôi chuyển sang ông bác sĩ Thái Lan, ông nầy phát hiện tôi bị mỡ trong máu, uống thuốc vài năm, ông cho biết thôi khỏi uống, rồi ông về hưu, tôi vẫn tiếp tục đi với cô bác sĩ người Mỹ, cô nầy tiếp tục điều hành văn phòng bác sĩ của ông bác sĩ Thái, cô ta cho biết tôi có mỡ trong máu và bị Tiểu Đường, mỡ trong máu uống Simvastatin 20mg, còn Tiểu đường uống Metformin HCL 500mg.
Bệnh tiểu đường cũng dễ phát sinh ra Alzheimer, tôi trong những năm gần đây cũng thường hay quên. Tệ nhất là có một giáo sư trường Kỹ thuật Cao Thắng tên Lang, có lần tôi về Việt Nam thăm giáo sư Trần Phác Lạc, anh Lạc hẹn tôi sẽ mời anh Lang tới chơi ăn cơm gia đình. Bữa cơm đã diễn ra, chừng trên 10 năm về trước khi vợ anh Lạc chị Triệu Thị Chơi còn khỏe mạnh. Vậy mà sau đó mấy lần CHS Cao Thắng tổ chức họp mặt tân niên, anh Lạc, anh Lang … được mời tới với danh nghĩa giáo sư, tôi được mời tới với danh nghĩa CHS, trong những bữa tiệc ấy, gặp anh Lang tôi không nhớ anh tên chi, nên tôi thường đánh trống lãng, né tránh gặp anh để khỏi phải chào hỏi, đó không phải là bản tánh của tôi. Tôi vốn mến khách, mến bạn, mỗi lần nhớ tới anh Lang, tôi cảm thấy có lỗi với anh vô cùng.
Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn quên tên anh Lang, nhưng tôi có cách ghi nhớ là tôi ghép tên anh Lang với chị Lan vợ anh Phấn bạn tôi, chị Lan thường đi chùa, nhà ở gần chùa, thỉnh thoảng tôi gặp chị Lan, tôi dễ nhớ tên chị là Lan vì thường gặp và như thế tôi nhớ tới tên anh Lang, vài người khác tôi cũng áp dụng cách nầy.
Gần đây tôi xem kênh youtube của Trà Mi phụ trách chương trình về Sức khỏe của đài VOA và chương trình Youtube kênh Việt Mỹ của Rachel Quý, một cô thì đẹp một cô có duyên nhưng quan trọng hơn là bác sĩ Phạm Hiếu Liêm cũng như bác sĩ Bảo Khanh đã giải thích nhiều điều hữu ích cho người bệnh cũng như người muốn tìm hiểu về bệnh tiểu đường.
Tôi nhớ khoảng 10 năm trước tóc tôi đang bạc, bỗng dưng tiến độ bạc trắng ấy dừng lại, tôi không hiểu vì sao, nhưng có lúc tôi đoán hay là những thứ thuốc mình uống có thứ nó làm cho tóc đen lại.
Theo bác sĩ Phạm Hiếu Liêm giải thích tôi mới hiểu thuốc Metformin nó có tác dụng phụ là làm chậm quá trình lão hóa, nhưng uống lâu ngày có thể bị trầm cảm, có thể sanh biến chứng gắt gỏng, nên uống thêm B12, tôi bắt đầu uống B12 chừng tuần nay, nên chưa biết có kết quả chi.
Có điều tôi muốn nói thêm ở Viêt Nam người ta thường viết Bác sĩ Phó Giáo Sư hay Thạc sĩ Phó Giáo sư hoặc Bác sĩ Giáo sư … Cho nên có anh ghi trên Facebook của mình phần giới thiệu “Học trường Bụi đời”, có anh ghi “Học trường đầu đường, xó chợ”. Là vì mấy anh ấy bức xúc, do ở Việt Nam làm quan theo qui định phải có bằng cấp tương xứng, nên người ta mua bằng, làm bằng giả, khi bị báo chí phát hiện cũng không thấy mấy ông quan ấy bị xử phạt gì cả. Trước 1975 danh xưng Bác sĩ phải học 7 năm, ngày nay danh xưng Bác sĩ chỉ học chánh qui có 4 năm, nên tốt nghiệp 6 năm là Thạc Sĩ Bác sĩ, 7 năm là tiến sĩ Bác Sĩ.
Thật tình mà nói trên kênh Việt Mỹ của Rachel Quý ghi là Giáo sư - Bác Sĩ Phạm Hiếu Liêm, nói theo phong trào bây giờ tôi hơi bị dị ứng. Theo tôi chỉ cần ghi Bác sĩ Phạm Hiếu Liêm là đủ giá trị của người bác sĩ nước ngoài.
866408102023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét