'nhạc sĩ ĐAN THỌ [ i.e. Đan Đình Thọ 1924- 2023/ Mỹ ] / Trường Kỳ / Mỹ -- trích: Internet.
ĐAN THỌ: NHÌN TỪ NHỮNG BUỔI CHIỀU TÍM CỦA CUỘC ĐỜI
(Bài Trường Kỳ trích đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 134 phát hành ngày 1 tháng 9 năm 2017)
Chắc chắn nhạc sĩ Đan Thọ đã lặng người đi khi nhìn thấy cây đàn vĩ cầm thân yêu được vớt lên từ căn nhà gồm 3 phòng ngủ ngập nước của ông tại New Orleans do trận bão Katrina gây nên khi vợ chồng ông được người trưởng nam là Đan Thành chở về nơi hai ông bà cư ngụ khi từ nam California về đây vào năm 1997.
Hình ảnh của một ngày trong tháng 9 năm 2005 đó thật khó phai mờ trong ký ức già nua của người nhạc sĩ đã có một quá trình họat động âm nhạc từ trên 60 năm nay. Cây kèn tenor sax hiệu Selmer mạ vàng của ông đã không được tìm thấy, nên ông đành phải ngậm ngùi bỏ lại nơi xứ sở của nhạc Jazz, là thể lọai nhạc mà ông và vài ba người bạn cùng thời đã được coi như những người tiên phong trình diễn tại vũ trường Đại Nam của Sài Gòn vào đầu thập niên 60.
Khi quay trở lại Houston là nơi hai vợ chồng ông cư ngụ hiện nay, sau khi căn nhà ở New Orleans bị tàn phá bởi trận bão Katrina, nhạc sĩ Đan Thọ đã nhờ cậy nhiều chuyên viên sửa đàn phục hồi cho ông cây vĩ cầm từng gắn bó với cả cuộc đời âm nhạc của mình.
Nhạc sĩ Đan Thọ từ Houstron trở về căn nhà ngập lụt tại New Orleans do cơn bão Katrina tàn phá, vớt cây đàn violin thân yêu từ sàn nhà ngập nước lên. Nhưng chuyên viên tài giỏi nhất cũng chỉ sửa sang được lại bề ngoài cây đàn từng sống với ông những giây phút thăng trầm trong thế giới âm nhạc. Trong khi đó âm thanh của nó chẳng còn được réo rắt như xưa, cũng như tiếng nói của chủ nhân nó bây giờ cũng đã giảm đi nhiều năng lực khi tuổi đời đã tới con số 84.
Cây vĩ cầm quí giá của một đời nghệ sĩ đó giờ đây đang được trưng bầy ở một nơi trang trọng nhất trong cái apartment xinh xắn và gọn gàng có 2 phòng ngủ của cặp vợ chồng già, quấn quít bên nhau từ 63 năm nay. Mỗi lần nhìn cây vĩ cầm quen thuộc, Đan Thọ cảm thấy như cả một dĩ vãng ngày nào hiện về rõ mồn một với ông…
Nhạc sĩ Đan Thọ tên thật là Đan Đình Thọ, sinh năm 1924 tại Nam Định, là nơi ông mới trở về thăm mồ mả tổ tiên và họ hàng ngoài Bắc, vào tháng 4 năm 2008. Đây là lần thứ hai ông trở về quê hương sau lần đầu tiên vào năm 2006 để thăm gia đình và người em ruột của ông là nhạc sĩ Đan Phú, năm nay cũng đã ngoài 80, từng có thời kỳ cùng với ông cộng tác với phòng trà Bồng Lai ở Sài Gòn trong thập niên 60.
Cũng tại nơi ông sinh trưởng, trong những năm từ 1936 đến 1942, Đan Thọ theo học chữ và học nhạc tại trường Saint Thomas D’Aquin do các sư huynh thành lập, trong số có sư huynh Maurice là người hướng dẫn ông về vĩ cầm. Ngoài ra, ông còn biết xử dụng nhiều nhạc khí khác như Hạ uy cầm và Tây ban cầm.
Qua năm 1942, ông bắt đầu theo học về hòa âm và sáng tác với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự cho đến năm 1945, là năm ông bắt đầu đàn violin cho phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng, cũng ở Nam Định. Và cùng năm đó ông lập gia đình với một thiếu nữ Hà Nội mới 16 tuổi, là người vợ đoan trang và đảm đang của ông cho tới bây giờ, qua sự giới thiệu của chính người em họ của bà mà ông quen biết trước.
Thoạt tiên, gia đình bên vợ không bằng lòng vì “sợ ông ấy đánh đàn rồi ông ấy hư, quen nhiều gái“, như chính lời bà Đan Thọ kể. Nhưng sau trên 63 năm chung sống, tư cách và cuộc sống mực thước của ông đã phá vỡ được tất cả những e ngại ban đầu đối với một người nghệ sĩ, suốt đời tận tụy với âm nhạc nhưng luôn luôn giữ được vai trò người chồng và người cha gương mẫu trong gia đình…
Khi đưa ra nhận xét về người bố của mình, trưởng nam nhạc sĩ Đan Thọ là Đan Thành –một kiến trúc sư, hiện cư ngụ ở Tampa, Florida– cho biết, như mọi người cha Việt Nam thuộc thế hệ ông, nhạc sĩ Đan Thọ luôn giữ một khỏang cách rõ ràng giữa cha và con. Vì theo nền hóa và phong tục Việt Nam thời đó vẫn còn khắc nghiệt và nghiêm minh. Nên việc trò chuyện thân mật giữa cha và con là điều hãy còn hiếm hoi.
Mặc dù là một nghệ sĩ, nhưng nhạc sĩ Đan Thọ không khuyến khích các con của ông, gồm 1 trai và 3 gái, theo con đường âm nhạc. Tất cả đều được ông dạy dỗ rất nghiêm khắc. Và ông đã từng dùng đến roi vọt đối với trưởng nam của mình, mặc dù anh đã học ở bậc trung học.
Đối với những người trong giới, Đan Thọ còn được coi là một người nghệ sĩ mẫu mực mặc dù từng lăn lộn hàng chục năm trong một môi trường có nhiều quyến rũ, nhất là đối với những người có nhiều tình cảm như ông.
Năm 1954, Đan Thọ gia nhập ban quân nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các nhạc sĩ Nguyễn Túc, Nhật Bằng, Văn Phụng, Nguyễn Khắc Cung, Nguyễn Cầu, Nguyễn Hiền, vv… cho đến khi chia đôi Nam-Bắc vào năm 1954.
Trong thời gian phục vụ trong nhành quân nhạc, ông đã được quân nhạc trưởng Schmetzler hướng dẫn về kèn. Sau đó ông cùng ban quân nhạc di cư vào Nha Trang trong cùng năm 1954. Đến khi vào Sài Gòn năm 1956, Đan Thọ lại tiếp tục theo học kèn với nhạc sĩ Phi Luật Tân Mano Umali.
Với hai nhạc khí sở trường là violin và kèn tenor sax, nhạc sĩ Đan Thọ từ khi vào Sài Gòn đã liên tục cộng tác với nhiều chương trình nhạc trên Đài Phát Thanh Tiếng Nói Quân Đội, trên đài Truyền Hình VN và tại các vũ trường cùng phòng trà ở Sài Gòn. Ông cũng đã từng là trưởng Ban Nhạc Nhẹ Đài Phát Thanh Quân Đội trong một khoảng thời gian dài từ năm 56 đến năm 65, gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Xuân Tiên, Xuân Lôi, Văn Ba, Nguyễn Ích và Canh Thân. Ban nhạc của ông có thêm một đặc điểm là được một nhạc sĩ người Philippines tên Alano Badin soạn hòa âm cho những nhạc phẩm Việt Nam thu thanh, nhờ đó đã mang lại cho người nghe những âm thanh mới lạ. Một tuần có khoảng 5 bài được soạn hòa âm như vậy và Đan Thọ đã thu thanh cũng như lưu trữ tất cả bài vở để làm tài liệu và còn giữ được cho đến nay như một kỷ niệm quí. Cũng với những nhạc phẩm đó, ông và ban nhạc đã từng mang đi biểu diễn ở Bangkok vào năm 56 và Manila năm 61, gặt hái được nhiều thành công đáng kể.
Về mặt sáng tác, Đan Thọ không có một gia tài đồ sộ, mà ông chỉ cho ra đời vọn vẹn không quá 10 nhạc phẩm. Ông chủ trương không chú trọng nhiều đến số lượng mà đặt trọng tâm vào chất lượng của từng sáng tác của mình. Tuy nhiên giá trị của những nhạc phẩm đó đã là những đóng góp giá trị vào thế đứng vững vàng của ông trong số những nghệ sĩ có công với âm nhạc Một điểm đặc biệt cần ghi nhận quá nửa sáng tác của mình, Đan Thọ đã phổ nhạc từ thơ và mang đến cho những thi phẩm đó những nét quyến rũ bằng âm thanh và giai điệu.
Nguồn cảm hứng đến với Đan Thọ kể từ khi ông rời nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở miền Bắc để di cư vào Nha Trang với ban quân nhạc. Nỗi nhớ nhà và một tình quê hương canh cánh bên lòng khi phải rời bỏ quê cha đất tổ đã khiến ông dâng lên một cảm xúc dạt dào để cùng với người bạn cùng phục vụ trong ban quân nhạc là Nhật Bằng viết thành hai nhạc phẩm đầu tiên là “Bóng Quê Xưa” và “Vọng Cố Đô” tại Nha Trang. Vẫn còn mang nặng tình quê hương, một thời gian ngắn sau, Đan Thọ lại cho ra đời nhạc phẩm “Tình Quê Hương”, phổ từ một bài thơ của Phan Lạc Tiếp.
Một thời gian ngắn sau khi vào đến Sài Gòn năm 1956, Đan Thọ đã trở thành nổi tiếng ngay sau khi ông phổ nhạc thành ca khúc một thi phẩm của Đinh Hùng mang tựa đề “Chiều Tím”. Nhạc phẩm này cho đến nay đã được rất nhiều ca sĩ thuộc nhiều thế hệ ở hải ngọai cũng như trong nước trình bầy. Và đó cũng là nhạc phẩm đã gắn liền với tên tuổi Đan Thọ với âm điệu du dương và tình tứ đã làm say mê bất cứ ai có dịp thưởng thức.
“Chiều Tím” cũng còn có thể được coi là một trong những nhạc phẩm đặc sắc của nền tân nhạc Việt Nam. Trước khi xẩy ra biến cố tháng 4 năm 75, Đan Thọ chỉ còn viết thêm 2 nhạc phẩm nữa ở trong nước là “Mimosa Thôi Nở”, phổ thơ Nhất Tuấn và Xa Quê Hương, sọan chung với Xuân Tiên.
Trong lãnh vực vũ trường, Đan Thọ là một trong những nhạc sĩ kỳ cựu nhất. Trước ngày đất nước chia đôi, ông đã từng với nhạc sĩ Nguyễn Túc trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội. Vừa vào đến Sài Gòn, ông đã được mời cộng tác ngay với vũ trường “Grand Monde” tức “Đại Thế Giới”. Năm 57 ông qua vũ trường Đại Nam cộng tác với ban nhạc gồm nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.
Đến năm 62, vì lệnh cấm khiêu vũ nên ban nhạc này đổi qua trình diễn nhạc Jazz với một thành phần gồm các nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện và Huỳnh Anh. Đối với khán giả Việt Nam thời đó, trình diễn nhạc Jazz là một điều mới mẻ. Do đó ban nhạc của vũ trường Đại Nam đã lôi cuốn được rất nhiều người đến thưởng thức.
Một thời gian sau ông về vũ trường “Croix Du Sud” , sau đó đổi tên là “Tự Do”. Tại đây ông cộng tác với các nhạc sĩ Hoài Trung, Hoài Bắc cùng với Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Nguyễn Văn Thanh, Văn Ba, vv… Sau đó ông được giải ngũ vào năm 1969 để sang cộng tác với vũ trường Mỹ Phụng cho đến năm 72 và sau đó là phòng trà Bồng Lai.
Tại miền Nam trước biến cố tháng 4 năm 75, trong rất nhiều năm, bóng dáng Đan Thọ với cây vĩ cầm hoặc với cây kèn saxo đã là một hình ảnh quen thuộc với những người lui tới các phòng trà và vũ trường về đêm.
Sinh hoạt hàng ngày trong thời gian cộng tác với đài quân đội của Đan Thọ song song với việc chơi nhạc tại các dancing đã chiếm gần như hết cả thời gian dành cho gia đình. Từ 8 giờ sáng cho đến trước 12 giờ trưa ông ở đài Quân Đội, sau đó chạy sang đài Sài Gòn thu thanh trực tiếp với nhiều ban nhạc, mỗi ban nửa tiếng. Sau đó về nhà ăn cơm, rồi lại trở về đài quân đội cho đến 5 giờ 30, rồi lại chạy sang đài Sài Gòn chơi cho những ban Vũ Huyến, Mạnh Phát, Võ Đức Tuyết, Võ Đức Thu. Sau đó trở về nhà ăn cơm vào khoảng 7, 8 giờ, nghỉ ngơi đến 9 giờ tối ông lại bắt đầu đi làm tại dancing Đại Nam cho đến 2 giờ sáng.
Qua đến những năm cuối thập niên 60, Đan Thọ trở thành một thành viên nồng cốt của ban nhạc The Shotguns do nhạc sĩ Ngọc Chánh thành lập để trình diễn tại vũ trường cũng như thu băng cho trung tâm thực hiện băng nhạc của nhạc sĩ này. Sau này tại hải ngọai, Đan Thọ chỉ viết một ca khúc độc nhất mang tựa đề “Dương Cầm”, dựa trên ý thơ của người con rể là Mùi Quý Bồng. Cảm hứng đã đến với ông khi nhìn cô cháu ngoại lướt những ngón tay nhỏ nhắn trên phím dương cầm.
Sau năm 75, Đan Thọ cộng tác vơi ban nhạc của Đoàn Kịch Nói Kim Cương gồm trên 10 nhạc sĩ. Trong đó, ngoài ông, còn có những nhạc sĩ Xuân Tiên, Lâm Thoại Nguyên, Ngọc Chánh, Lê Văn Thiện, Phạm Văn Phúc, Đài Trang, Đặng Văn Hiền, vv… Ông từng cùng với Đoàn Kịch Nói Kim Cương ra Hà Nội trình diễn vào năm 1980 trong vòng một tháng với nhiều thành công tốt đẹp.
Trong thời gian còn ở lại Việt Nam, ông đã cùng với ban nhạc này đi diễn ở nhiều nơi như Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, vv… Cho đến năm 80 ông quyết định xin nghỉ. Có thể nói đúng hơn là nhạc sĩ Đan Thọ đã không còn tìm thấy được nguồn vui trong nghệ thuật sau khi ông ngưng cộng tác với đoàn Kim Cương vào năm 1980, để sau đó ông dành cả thì giờ của mình cho gia đình cùng với thú nuôi chim yến của ông và đã từng đoạt giải thưởng.
Tuy không còn đi lưu diễn nhưng Đan Thọ chưa có thể xa rời sân khấu. Mặc dù sống dưới những sự đổi thay của xã hội, nhưng thời gian này đối với ông có những kỷ niệm khó quên. Cùng với nhạc sĩ Cao Phi Long và một số nhạc sĩ khác như Trí, Hòa, vv…, ông được mời cộng tác với vũ trường Maxim’s ở trên lầu.
Tại địa điểm này Đan Thọ và các nhạc sĩ trong ban đã khiến khán giả thích thú với nghệ thuật trình bầy loại nhạc Zigane, trong số có rất nhiều khán giả người ngoại quốc thuộc các nước xã hội chủ nghĩa. Đêm cuối cùng trước khi ngưng cộng tác với Maxim’s để ngày hôm sau rời khỏi Việt Nam, phái đoàn Hungary thường đến nghe ban nhạc của ông biểu diễn đã mang hoa lên tặng ông và hôm sau còn đến tận nhà ông tặng thêm, vì ban nhạc thường đàn bài “Danse Hongroise No 5” của Brahms rất được người Hungary ưa thích.
Sau khi rời Việt Nam qua đến Bangkok vào cuối tháng 2 năm 85, Đan Thọ cũng nhờ chơi nhạc mới được sang New Orleans, tiểu bang Louisiana vào khoảng đầu tháng 3 cùng năm.
Louisiana là nơi vợ chồng người con gái ông cư ngụ từ lâu trong khi đáng lẽ gia đình ông phải đi Washington D.C. do một người em của vợ ông bảo lãnh. Đan Thọ lấy lý do sợ cái lạnh của vùng đông bắc Hoa Kỳ nên đã xin với phái đoàn phụ trách sắp xếp chuyến bay để qua sống tại New Orleans trước khi dời qua California một thời gian ngắn sau, trước khi quay trở lại sống ở New Orleans vào năm 1997.
Với hai nhạc phẩm “Red Eyes Are Smiling” và “Lòng Mẹ”, tiếng đàn vĩ cầm của Đan Thọ đã khiến cho những nhân viên Mỹ cũng như Việt của phái đoàn này cảm động để sau đó chiều theo lời đề nghị của ông.
Những năm tháng ở Orange County, nhạc sĩ Đan Thọ với số tuổi lúc đó đã ngoài 60, nhưng vẫn cùng với vợ xông xáo đi làm. Trước đó, ông từng hy vọng sau khi ra đến hải ngoại sẽ tìm lại được hứng thú với những bạn bè cùng thời. Nhưng với cuộc sống chạy theo kim đồng hồ ở một xã hội máy móc và do sự đòi hỏi của cuộc sống, cả hai ông bà cũng đã phải trải qua một giai đoạn vất vả với những công việc mưu sinh.
Ông làm việc trong công ty General Ribbon chuyên hãng sản xuất “ruy-băng” cho máy điện toán. Vợ ông, sau khi thất bại trong việc khai thác một tiệm ăn, cũng đã vào làm cùng hãng với ông một thời gian trước khi cả hai ngưng nghỉ sau khi đã tỏ ra là những nhân viên siêng năng và cần mẫn. Riêng ông, cuối tuần vẫn chơi nhạc tại vũ trường Ritz của nhạc sĩ Ngọc Chánh.
Đến năm 95, Đan Thọ chính thức tuyên bố giải nghệ trong một đêm văn nghệ, tổ chức vào tối 30 tháng 6 tại vũ trường Ritz để đánh dấu quá trình hoạt động âm nhạc của ông. Vì theo Đan Thọ, sự cống hiến cho âm nhạc của ông đã quá đủ. Hơn nữa tuổi tác và sức khỏe của ông không còn cho phép ông đi theo con đường nghệ thuật.
Nhớ lại khoảng thời gian dài hoạt động không ngưng nghỉ của người chồng nghệ sĩ, bà Đan Thọ cũng đã phải khâm phục sức làm việc của ông. Điều đó cũng đã chứng tỏ được sự thông cảm lớn lao của bà khi Đan Thọ dấn thân vào con đường phục vụ âm nhạc.
Đáng ghi nhận hơn cả là thời gian ông còn ở Sài Gòn: “Chưa bao giờ ông ấy có mặt ở nhà trước 2 giờ sáng… Từ sáng cho đến 2 giờ đêm, ông ấy ở đâu chứ không ở nhà”. Với một vẻ âu yếm, bà nói thêm “Ông ấy muốn làm gì ông ấy cứ việc làm, nhưng mà 2 giờ tôi cứ ngồi đợi cửa. Không bao giờ tôi đi ngủ trước, mấy chục năm như vậy. Thành ra ông ấy đâu có dám đi đâu vì biết tôi ngồi đợi cửa mà!”, như lời kể của bà Đan Thọ.
Một điều không ai ngờ là trong suốt quá trình hoạt động của Đan Thọ, hầu như chưa hề ai thấy mặt vợ ông tại vũ trường cũng như tại các đài phát thanh ông cộng tác. Hai vợ chồng nhạc sĩ Đan Thọ hiện đang hưởng những chuỗi ngày nhàn hạ, nương tựa nhau trong lúc xế chiều tại Houston với sự thường xuyên liên lạc hay gặp gỡ con cháu từ Tampa đến Houston.
Khá nhiều bạn bè nghệ sĩ cùng thời với ông đã nhắm mắt xuôi tay. Riêng Đan Thọ còn đây trong những buổi chiều tím của cuộc đời. Chắc hẳn người nhạc sĩ lão thành đang mỉm cười mãn nguyện với những gì ông đã cống hiến cho nền âm nhạc Việt Nam, trong vai trò một nhạc sĩ sáng tác và nhất là một nhạc sĩ trình diễn bên cạnh cây vĩ cầm, giờ đây đã im tiếng. Còn chăng chỉ còn là vang vọng dư âm của những ngày xưa cũ…
Trường Kỳ
------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ