Những điều tưởng khó khăn, phức tạp, lý luận dài dòng, được Xuân Quỳnh “giải mã” lại thành ra giản dị, sáng sủa. Và bao giờ cũng mang khí vị hài hước.


NHỚ QUỲNH


Ý NHI


(Tưởng nhớ 35 năm ngày mất của Xuân Quỳnh)


1.

Tôi chỉ giữ được một bức ảnh chụp chung với Quỳnh hôm một số nhà thơ tiếp Yevtushenko, khi ông đến Việt Nam. Ảnh đã cũ và khá nhỏ nhưng vẫn còn có thể nhận rõ từng người. Yevtushenko rất cao lớn, đội mũ lưỡi trai trắng, cười hóm hỉnh. Bên phải ông là Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Hổ, Phạm Tiến Duật và bên trái là Tế Hanh, Thúy Toàn, Thái Bá Tân, Xuân Quỳnh và tôi. Quỳnh mặc quần jean, áo thun đen, rất đúng mode và cười rất tươi. Hình như lúc nào chụp ảnh Quỳnh cũng cười và cười rất tươi, hai lúm đồng tiền hiện rõ trên khuôn mặt sắc sảo, mặn mà.

Bữa đó, giữa chừng câu chuyện, Yevtushenko hỏi chúng tôi có biết Marina Tsvetaeva không. Người bảo có, kẻ bảo không. Yevtushenko nói, giọng xúc động, đại ý: Đó là một nhà thơ lớn và là một người phụ nữ tuyệt vời. Đôi môi của bà có thể sánh với kim cương.

Quỳnh quay sang tôi: “Nếu là kim cương thì đàn ông sẽ bán đi để lấy tiền tiêu xài”. Tôi nói to lời nhận xét của Quỳnh, mọi người đều cười. Riêng Yevtushenko thì phải đợi anh Thúy Toàn dịch xong mới được cười vì câu nói hóm hỉnh của nhà thơ nữ xinh đẹp.

Quỳnh lại thì thầm: “Nhìn cậu kìa, cậu đeo dây chuyền, đeo nhẫn mặt đá như tài tử xi-nê vậy. Cậu lại sắp lấy vợ nữa đấy”. Cậu ở đây là Yevtushenko. Quả thật, nhà thơ này khá màu mè, ăn diện. Ông khoe với cô phiên dịch vừa mua được một chiếc thắt lưng mạ vàng ở Thái Lan, dành tặng cho vợ sắp cưới, hình như trẻ hơn ông rất nhiều. (Quỳnh thường gọi các vị có chút danh tiếng là cậu, có pha chút giễu cợt trong giọng nói, trong bộ điệu. Nào là cậu HC, cậu TH, cậu Th, cậu LD, cậu TC… Tôi không hiểu vì sao, tiếng cậu của Quỳnh khi được đặt trước tên các nhân vật quan trọng, luôn khiến tôi buồn cười).

Giữa lúc mọi người đang trò chuyện sôi nổi, Quỳnh lại quay sang tôi: “Hôm nay mày có đi mua dầu không. Mua dầu ở Yết Kiêu vắng hơn”.

Yevtushenko vừa bước lên ô tô là Quỳnh đã vội vã dắt chiếc xe đạp mi ni có buộc sẵn can dầu, ra khỏi 65 Nguyễn Du. Nhà Quỳnh ở trên tầng cao của 96 phố Huế nên luôn thiếu nước, nhất là vào mùa hè. Vì vậy, có khi Quỳnh còn đem cả giỏ quần áo đến giặt chỗ vòi nước khuất phía bên hông cơ quan. Thế là, diễn ra cái cảnh nhà văn này, nhà thơ nọ xúm quanh cái máy nước ấy để trao đổi công việc, để thăm hỏi, để tán gẫu… Và cũng như ở mọi nơi nào có Quỳnh, câu chuyện chỗ máy nước rất rôm rả, náo nhiệt.

2.

Tôi quen Quỳnh từ mùa hè 1969. Dịp đó, từ chỗ sơ tán của Viện Văn học tại Hà Bắc, tôi đã đọc và viết bài phê bình đầu tay về tập thơ Hoa dọc chiến hào của Quỳnh. Tôi gửi bài cho Quỳnh. Quỳnh viết thư trả lời ngay, mừng vì có người hiểu thơ mình. Tiếc rằng tôi không còn giữ bức thư mà bài của tôi cũng đã thất lạc.

Tôi nhớ rõ buổi tối đầu tiên đến 96 phố Huế thăm Quỳnh. Nhà Quỳnh chật lắm, tôi lại đang có mang cháu đầu lòng, Quỳnh kéo tay rủ tôi lên sân thượng ngồi chơi cho mát. Quỳnh lúc này đã nổi tiếng trong làng văn cả về thơ và về nhan sắc, nhưng Quỳnh không có chút gì điệu hạnh, kiểu cách. Trái lại, Quỳnh rất ân cần, vồn vã. Biết tôi hồi đi học có làm thơ, Quỳnh dặn tôi viết rồi chuyển cho Quỳnh.

Sau này, khi rời khỏi viện Văn, tôi làm thơ nhiều hơn và có thơ in trên báo Văn Nghệ, nơi Quỳnh làm việc. Năm 1976 tôi về làm biên tập thơ tại nhà xuất bản Tác Phẩm Mới. Ít lâu sau thì Lê Minh Khuê về tổ Văn xuôi và Quỳnh cũng về tổ Văn nhưng lo mảng chuyên đề Văn học thiếu nhi.

Chúng tôi thường tụ tập ở phòng của tổ Thơ. Vương Trí Nhàn, Lại Nguyên Ân trước khi vào phòng Lý luận – Phê bình cũng thường tạt vào đây hàn huyên chuyện này chuyện khác. Đây cũng là căn phòng đón rất nhiều các nhà văn, nhà thơ. Một phần vì nó ở ngay đầu cầu thang. Phần khác, vì ở đây, các câu chuyện thời sự, đặc biệt là thời sự văn nghệ, bao giờ cũng mới mẻ, nồng nhiệt, thẳng thắn.

Ba chúng tôi khá thân nhau, chia sẻ được với nhau nhiều điều trong công việc, trong đời sống. Hồi đó đứa nào cũng nghèo, chưa hết tháng đã hết tiền. Cứ thấy tôi và Quỳnh loanh quanh chỗ phòng tài vụ, cô Thoa thủ quỹ liền hỏi: Các chị có cần ứng lương không. Những khi rủng rỉnh một chút, chúng tôi rủ nhau đi ăn bánh rán, ăn chè, sang nữa thì ăn phở chỗ đầu đường Nguyễn Du, giáp với phố Huế. Lê Minh Khuê có một câu nói vui rất nổi tiếng vào lúc này: Phở là món ăn ngon nhất trên đời.

Có lần, cả bọn đang ngồi tán gẫu, thì thầm chuyện “cậu” này, “cậu” kia thì anh Nguyễn Minh Châu đến. Anh mặc bộ quần áo bộ đội, tay xách túi vải. Vừa bước vào, anh đã hỏi: “Các cô có chuyện gì mà vui thế. Còn tôi thì nhiều nỗi sợ quá”. Lúc này anh Châu cho in một loạt truyện ngắn mới và đang bị phê bình là có vấn đề tư tưởng, là phi xã hội chủ nghĩa…

Thấy anh Châu có vẻ buồn, tôi và Khuê chẳng dám nói gì. Quỳnh thì gọi mấy người phê bình anh Châu với đủ các thứ biệt danh. Người thì “chữ vón trong đầu”, người thì “mồm như ống nhổ thầy đề”, kẻ lại giống “bươm bướm ma”… Anh Châu phì cười. Thế là quên cả bực dọc. Anh lững thững ra về, xuống cầu thang, ngang qua cửa sổ, còn giơ tay chào, nét mặt đã tươi tỉnh, nhẹ nhõm.

Quỳnh thuộc nhiều ca dao, tục ngữ, ví von sắc sảo. Ở đâu có Quỳnh là ở đó có tiếng cười. Quỳnh nhận xét chân xác, ngôn ngữ tinh diệu, chỉ một câu nói, đôi khi chỉ một từ đã có thể làm rõ tính cách một người. Chỉ một người quá cẩn thận, Quỳnh bảo: Cậu ta rửa tay ở máy nước này rồi lại tráng ở máy nước khác. Thấy một vị lãnh đạo văn nghệ cuộc họp nào cũng nhắc đi nhắc lại những điều đã cũ đến nhàm tai, Quỳnh bảo: Y như cái mày hát hỏng ấy, cứ bèo dạt, bèo dạt mãi. Chả thấy mây trôi đâu cả.

Những điều tưởng khó khăn, phức tạp, lý luận dài dòng, được Quỳnh “giải mã” lại thành ra giản dị, sáng sủa. Và bao giờ cũng mang khí vị hài hước. Trong lúc người ta tổ chức các cuộc hội thảo lớn nhỏ, sôi nổi tranh cãi “làm thế nào để đổi mới thơ” thì Quỳnh nói tỉnh khô: Làm thơ cho hay là đổi mới thơ. Có người viết không được nhưng cứ đổ tại thiếu điều kiện này điều kiện khác, thiếu tự do. Quỳnh cười: Chẳng hiểu cậu ấy dùng tự do vào việc gì. Cứ loanh quanh như chó nằm chổi ấy. Rồi Quỳnh nghiêm trang: Phải tự tìm lấy tự do chứ đi xin ai.

Có lần cả bọn chúng tôi đang túm tụm bàn chuyện của nhà văn nọ, có vị lãnh đạo ghé lại bảo: Các cô các cậu đừng bàn tán nhiều, làm mất uy tín của ông ấy. Trong lúc cả bọn ngớ ra, chưa biết trả lời ra sao thì Quỳnh đã đáp: Có đâu mà mất ạ.

Khi nghe mọi người bàn luận về nguyên cớ khiến người ta làm thơ, Quỳnh bảo: “Không đui, què, mẻ, sứt thì ai đi làm thơ làm gì”. Cái khả năng gọi sự vật bằng tên cúng cơm ấy tôi chỉ gặp ở Quỳnh. Người ta bảo Xuân Quỳnh là hậu duệ của bà Hồ Xuân Hương chắc vì lẽ đó.

Mọi người dễ nghĩ Quỳnh là người ruột để ngoài da, chuyện gì cũng kể cho cả làng cả xóm cùng nghe. Nào là chuyện mua được nửa ký đường, vài mét vải ngoài tiêu chuẩn, nào là việc mua phải chiếc tủ lạnh dỏm, nước chẳng chịu đông, Quỳnh gọi nó là tủ mát. Nào là chuyện hai vợ chồng vừa mua chiếc xe Mobilet cá ươn. Nó ươn thật. Vũ cưỡi xe ngoài phố, gặp bạn đi xe đạp, vẫy tay chào đi trước. Nửa đường xe hư, sửa mãi, đến nơi thì mọi người họp đã gần xong.

Rồi chuyện Vũ đập muỗi. Thấy muỗi bay, Quỳnh bảo Vũ đập. Vũ đập nhẹ quá, muỗi bay mất. Hôm sau thấy ruồi, Vũ quyết lập công, đập thật mạnh, be bét cả hai tay. Rồi chuyện nhà Quỳnh trồng hành trong chiếc chậu men cũ. Lúc hành nảy lá, Vũ kêu lên: Hành kìa. Lũ trẻ con xúm lại, cùng kêu lên: Hành kìa. Ông Đoàn Dũng bên phố Trần Nhân Tông nhìn qua, lại kêu: Hành kìa. Quỳnh cười: Nhà tao giồng hành để kêu…

Người ta cũng dễ nghĩ Quỳnh là người dạn dĩ, thậm chí táo tợn. Không ưa một người, nghĩ là người đó hèn, một hôm gặp giữa đường, Quỳnh bảo: Thấy ông, tôi chỉ muốn cho ông một hào. Câu nói như đóng dấu lên trán nhân vật ấy. Rồi người là “trâu luộc cả con”, người là “gián chui lọ mỡ”, kẻ thì “cười như cua”

Quỳnh nói suốt ngày, hết chuyện nọ đến chuyện kia. Đi họp, ngồi cạnh Quỳnh, chẳng còn tâm trí đâu mà nghe người khác nói. Tôi đi họp về, nhà tôi hỏi: Có gì hay không. Tôi đáp: Hôm nay ngồi cạnh Quỳnh, nghĩa là chẳng biết họp về chuyện gì, ai nói và nói những gì. Nếu có lúc nào than phiền thì Quỳnh đáp: “Tao nói hay hơn”. Có lần tôi trêu Quỳnh: “Mày mà bị địch bắt, chỉ cần nó cấm nói vài giờ là bao nhiêu bí mật sẽ khai tuốt tuồn tuột”. Quỳnh cười, nheo nheo mắt: “Lấy đếch đâu bí mật mà khai”.

Nhưng tôi biết Quỳnh có những nỗi khổ không bao giờ nói ra, những giọt nước mắt được giấu kín. Nhưng tôi biết Quỳnh là người rất e thẹn, rất ngại đám đông.

Có lần, lãnh đạo công trường nọ mời Quỳnh đến nói chuyện, đọc thơ cho công nhân. Quỳnh tìm cách từ chối không được, đành nhận lời. Lúc về, Quỳnh bảo với tôi: “Thế quái nào mà nói hết cả ý, khản cả giọng mà nhìn đồng hồ mới chỉ ba mươi phút”.

Quỳnh có mối bất hòa với Xuân Diệu (hình như chuyện chọn thơ cho một tuyển tập nào đó), khi Xuân Diệu mất, Quỳnh đến 51 Trần Hưng Đạo dự lễ truy điệu nhưng chỉ đứng quanh quẩn chỗ mấy gốc cây ngoài vỉa hè, trông rất bối rối. Đọc thơ, đọc tham luận trước đám đông, giọng Quỳnh run run, nghẹn ngào như sắp khóc. Có lần tôi đùa, bảo Quỳnh: “Chỉ được cái đanh đá xó nhà”.

3.

Quỳnh thích hoa cúc. Thơ Quỳnh rất nhiều hoa cúc. Tôi còn nhớ như in hình ảnh Quỳnh một chiều thu trên đường Trần Bình Trọng, quãng gần giáp đường Trần Hưng Đạo. Vũ chở Quỳnh trên chiếc xe đạp cũ, nét mặt Vũ hiền hòa. Quỳnh ngồi sau, tay ôm một bó cúc đại đóa, vẻ rất vui.

Quỳnh thích màu vàng. Mùa hè 1973, khi tôi sinh cháu thứ hai, Quỳnh đến thăm. Quỳnh mặc một chiếc áo phin nõn màu vàng nhạt, Quỳnh khoe mới mua được. Quỳnh đem cho tôi một chục ổi chín, thơm phức, ngượng nghịu bảo: “Thay vì mang trứng thì tao lại mang ổi”. Tôi nhớ bấy giờ Quỳnh nghèo lắm, như tất cả chúng tôi. Quỳnh ngồi chơi rất lâu, nói rất nhiều chuyện. Quỳnh đang rất buồn vì một chuyện tình cảm đổ vỡ. Quỳnh có đôi mắt rất đẹp và buồn. Hôm ấy tôi nhìn thấy ngấn nước trong đôi mắt đen tuyệt đẹp ấy.

Mùa đông năm ấy Quỳnh lại khoe chiếc áo len mới, cũng màu vàng nhạt. Chiếc áo rất vừa vặn. Chính màu vàng nhạt ấy làm tôn màu da nâu của Quỳnh.

Có lần Quỳnh bảo tôi: “Tao không có tiền, mày cũng không có tiền. Tao đi vay, mày cũng đi vay. Vậy mà trông mày cứ đủng đà đủng đỉnh, phát ghét”.

Quả là Quỳnh lúc nào cũng vội vàng, tất tưởi. Có hôm hai đứa đang ngồi chơi ở ghế đá ngoài sân 51 Trần Hưng Đạo, trông thấy một vị lãnh đạo đi qua, Quỳnh bật dậy chạy theo. Lát sau Quỳnh quay lại, cười phân bua: “Xin tăng lương cho ông Vũ”.

Ở các cuộc họp, Quỳnh không ngồi yên, chạy đi chạy lại, gặp người này người nọ để trao đổi bài vở, trao đổi công việc. Có hôm, đang đi giữa phố, chợt nghe Quỳnh gọi ơi ới.Tôi dừng lại, thấy Quỳnh dắt xe băng qua phố, nói không kịp thở: “Đang có dịch đấy, đừng cho trẻ con ăn quả xanh nhé”. Rồi vội vã lên xe đạp đi.

Dịp nhà xuất bản tổ chức đi nghỉ ở Bãi Cháy, Quỳnh đem theo ba đứa con, tôi đem theo hai, lại thêm mấy cháu con cô Thịnh, con bác Khánh, một lũ con trai khoảng mươi, mười lăm tuổi, rất nghịch. Lúc bọn trẻ đi thăm thú hang động, đi tắm, tôi và Quỳnh dạo chơi trên bờ, đợi con. Chúng kéo về, đói ngấu. Xuất ăn có hạn, Quỳnh bê cơm, bê canh chia đều cho bọn nhỏ. Còn lại một ít, Quỳnh bảo: “Chỗ này của tao với bác Nhi”. Câu nói cứ lặp đi lặp lại nên đến bữa ăn, bọn trẻ đợi Quỳnh chia xong phần, lại đồng thanh kêu lên: “Chỗ này của tao với bác Nhi”. Hai bà mẹ bữa nào cũng đói.

Quỳnh thương con. Thương cả ba đứa. Nhưng có lẽ Quỳnh ái ngại cho Tuấn Anh hơn cả. Nhà Quỳnh rất chật. Quần áo, sách vở, tranh ảnh… bày hết cả trong gian phòng khoảng 10 mét vuông. Thế nhưng khi Vũ đã có nhiều vở diễn, Quỳnh đã có đồng ra đồng vào, tôi hỏi sao không tìm chỗ khác cho rộng rãi hơn, Quỳnh bảo, ở quanh quẩn để còn chăm cho Tuấn Anh (Tuấn Anh ở với bố Tuấn trong một căn phòng khác, cũng tại 96 phố Huế).

Có hôm tôi gặp Quỳnh đến cơ quan sớm, Quỳnh bảo có hẹn với bà cụ anh Tuấn. Khi tôi hỏi có việc gì, Quỳnh bảo bàn với cụ tìm cho anh Tuấn một đám tử tế để anh ấy vui mà Tuấn Anh cũng được nhờ.

Dạo chúng tôi đi nghỉ ở Bãi Cháy, Tuấn Anh đã lớn nhưng Quỳnh vẫn lo lắng, chăm nom từng ly từng tí. Tuấn Anh bị trầy chân, đem đường rắc lên vết đau theo sự chỉ dẫn của một tài liệu nào đó. Quỳnh thấy vậy hoảng quá, quýnh quáng lau rửa rồi bôi thuốc cho con. Hôm chúng tôi trở về Hà Nội, Tuấn Anh vẫn còn đau chân. Đoàn chèo Quảng Ninh mời Vũ ở lại làm việc. Quỳnh và Mí (Quỳnh Thơ) cũng ở lại. Quỳnh đứng tần ngần giữa đường nhìn chiếc ô tô của cơ quan rời đi. Quỳnh lo Tuấn Anh về mà không có mẹ theo cùng.

Đối với Kít (Minh Vũ), Quỳnh cũng có sự chăm sóc đặc biệt. Kít gọi Quỳnh là má Quỳnh (chắc là để phân biệt với mẹ Uyên). Hồi Kít vào trường Sân khấu-Điện ảnh, Quỳnh mừng lắm. Quỳnh kể, thường dậy từ 4 giờ sáng để lo cho Kít ăn sáng, kịp vào Cầu Giấy học.

Quỳnh mua áo quần cho ba đứa, đan áo cho ba đứa, làm thơ, viết truyện cho ba đứa. Những bài thơ Quỳnh viết tặng cho các con không chỉ biểu lộ tình yêu của người mẹ mà còn có một giá trị văn học độc đáo. (Ở ta, nhiều người làm thơ thiếu nhi, hoặc tạt qua hoặc dành tất cả thời gian, tâm sức cho công việc này, trong đó có tôi, nhưng có được những bài thơ có giá trị văn chương thực sự thì không nhiều).

Ở Quỳnh, bên cạnh người phụ nữ đa đoan, say đắm, day dứt là đứa trẻ thơ trong trẻo, thông minh, tinh nghịch. Hay, cũng có thể nói như Thanh Tâm Tuyền: “Tâm hồn anh vừa sống lại thành trẻ thơ/ Trong sạch như một lần sự thật”. Không phải ai cũng có thể “sống lại” như vậy. Không phải ai cũng có thể lưu giữ tâm hồn trẻ thơ như vậy. Con yêu mẹ, Mùa xuân mừng con thêm một tuổi, Cắt nghĩa, Con chẳng biết được đâu, Bầu trời trong quả trứng, Chuyện cổ tích về loài người… là một giá trị trong khối giá trị lớn của thơ Xuân Quỳnh. Nhờ tình yêu thương của mẹ Quỳnh mà bọn trẻ rất thân thiện, yêu quý nhau. Quỳnh là người mẹ tuyệt vời. Quỳnh được sinh ra để làm một người yêu, để làm một người mẹ.

Tôi vào Sài Gòn một năm thì Quỳnh mất. Anh Hoài Vũ gọi điện thoại báo tin dữ, tôi không tin. Tôi cãi, sắp vào năm học rồi, Quỳnh đưa Mí đi Hải Phòng làm gì. Chỉ đến khi Hồng Ngát từ Hà Nội vào, đến nhà báo tin, tôi mới tin sự thật đau đớn đó.

Tôi gặp Quỳnh lần cuối vào tháng 2/1988. Tôi từ Sài Gòn ra Hà Nội, chuẩn bị đi dự một khóa ngắn hạn ở học viện Gorki. Quỳnh đã đi khóa trước đó. Quỳnh kể chuyện học hành, dặn dò tôi mang thứ này thứ khác. Hôm chúng tôi đi, Quỳnh theo xe qua tận Nội Bài để tiễn. Quỳnh đưa cho tôi một chục đũa tre, bảo đem theo mà ăn cơm. Tôi có cảm giác Quỳnh đang buồn, đang có chuyện muốn nói nhưng vì thời gian gấp gáp, lại chạy đi chạy lại lo việc nên chúng tôi không có lúc nào trò chuyện.

Sau khi Quỳnh mất, có lần tôi nằm mơ gặp Quỳnh. Quỳnh vào một căn nhà, tôi đi theo Quỳnh. Quỳnh bước qua cánh cửa rồi khuất hẳn. Bài thơ Chiêm bao gặp Xuân Quỳnh được viết sau giấc mơ này.

Cơn mưa ta ngóng đợi

còn ở tận cuối trời

đường dài, ngày nắng xối

bước chân trần Quỳnh ơi

Nào thấy đâu bến bờ

sau gió Lào, cát trắng

nào đâu mảnh vườn êm

nào đâu miền biển lặng

Ánh mắt nhìn đăm đắm

lệ trôi qua môi cười

suốt một đời vội vã

suốt đời không tới nơi

Kìa mây mùa thu trôi

cúc đã vàng thắm lại.


Ý NHI

nguồn: Lê Thiếu Nhơn Blog ( Tp HCM).


============