Thứ Sáu, 11 tháng 8, 2023

" Làm rõ vài chi tiết về NGUIỄN NGU I [ i.e. Nguyễn Hữu Ngư 1921- 1979 Sài Gòn ] "/ Đỗ Hồng Ngọc [ 1940 - Sài Gòn -- trích: Trang nhà của bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc .

 

Làm rõ vài chi tiết về Nguiễn Ngu Í

ĐỖ HỒNG NGỌC

ngui

Gần đây tôi được đọc bài viết “Gặp Nguyễn Ngu Í và Bùi Giáng trong nhà thương điên” trên một trang Web của các bạn Việt kiều ở Ý, thấy có mấy chỗ sai, cần đính chính.

1) Nguyễn Hữu Ngư ( 1921-1979), nhà văn, nhà báo có nhiều bút danh trong đó bút danh Nguiễn Ngu Í ( với I cụt) được nhiều người biết với lọat bài phỏng vấn văn nghệ sĩ rất nổi tiếng trên báo Bách Khoa thập niên 60 tại Sài gòn. (Ông còn có các bút danh như Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb, Trần Hồng Hừng, Phạm Hòan Mĩ…). Ông có lối viết tiếng Việt rất đặc biệt, rất riêng, gây ít nhiều tranh cãi, ít nhiều khó chịu cho người đọc, nhưng vẫn có cái lý riêng của ông. Thí dụ ông thấy không hợp lý khi ta viết NGA, nhưng lại NGHE (ông sửa lại NGE), GA nhưng GHE (ông sửa lại GE…). Mẹ ông họ Nghê, tên Mỹ,(Nghê Thị Mỹ) ở Tam Tân (Tân Tiến, Thị xã Lagi, Bình Thuận), sau dời về Phong Điền và Hiệp Nghĩa, nay thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Cha ông là nhà giáo Nguyễn Hữu Hoàn gốc Hà Tĩnh, có tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (trong cuốn Đông Kinh Nghĩa Thục của Nguyễn Hiến Lê có nhắc đến). Cho nên ta thấy bút danh ông có khi là Ngê Bá Lí, Tân Fong Hiệb, Phạm Hoàn Mĩ…


2) Bài viết “ Gặp Nguyễn Ngu Í và Bùi Giáng trong nhà thương điện” nói trên… ghi ông là “nhà báo nông chuyên nghiệp” là không đúng. Ông thường ghi trong danh thiếp: “nhà văn, nhà jáo, nhà báo kông chuiên ngiệb” (tức nhà báo không chuyên nghiệp).

3) Bài viết cũng ghi ông muốn tái bản cuốn “Sống vô vi” của ông là không đúng. Ông không hề có cuốn sách nào có tên là “Sống vô vi” cả! Một trong những cuốn sách đã xuất bản khá nổi tiếng của ông là “ Sống và Viết với…” tập hợp các bài phỏng vấn đăng trên báo Bách Khoa (Lê Ngộ Châu), trong đó có Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, Đông Hồ, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Hiến Lê, Hồ Hữu Tường, Sơn Nam, Doãn Quốc Sĩ… Ngoài tập “Sống và Viết với…”, ông còn hai tập bản thảo là “Sống và Vẽ với…”, phỏng vấn các họa sĩ nổi danh đương thời, và “Sống và Đàn với…”, phỏng vấn các nhạc sĩ. Cả hai chưa được xuất bản. (Cách đặt tựa sách của ông cũng rất lạ!).

4) Trong thời gian nằm Dưỡng trí viện Biên Hòa (nay là bệnh viện Tâm thần Đồng Nai), ông cùng các “bạn điên” có ra một tập thơ, lấy tên là “Thơ điên thứ thiệt” rất thú vị, do ông làm Chủ biên. Trong tập thơ có vài bài thơ của Bùi Giáng. Thời đó, ngoài thuốc men, các bác sĩ ở Dưỡng trí viện Biên Hòa còn khuyến khích bệnh nhân làm thơ, vẽ tranh, đánh cờ, lao động tay chân v.v… như một liệu pháp chữa trị tâm bệnh. Khi được hỏi vì sao gọi là “Thơ điên thứ thiệt”, thì ông cười bảo vì lúc này có nhiều người làm thơ giả điên quá! Cho nên ông bảo đảm thơ của ông và các bạn ở Dưỡng trí viện Biên Hòa là “thứ thiệt”!

5) Nguyễn Hữu Ngư (Nguiễn Ngu Í) là một nhà báo, nhà văn, nhà thơ có tài, tác giả tập “Có những bài thơ…” do Nxb Trí Đăng, Saigon 1972 xuật bản, cũng là một trường hợp hy hữu: có ruột mà không có bìa!. Ông là bạn cùng lớp, cùng trường Pétrus Ký với Trần văn Khê, Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng… Sau này, gia đình có làm một tập tư liệu về ông- do gia đình và bạn bè viết- rất cảm động Ngu Í Nguyễn Hữu Ngư, qua ký ức người thânn. Tác phẩm này chưa đựơc xuất bản, do bà Nguyễn Thị Thoại Dung, vợ ông, cùng gia đình thực hiện (1996).

Mẹ tôi và ông là chị em cô cậu ruột. Tôi gọi ông bằng cậu. Rất gần gũi, thân thiết. Những điều tôi đựơc biết về ông- với tư cách là người trong gia đình- đã được trình bày ở phần trên, để làm rõ thêm vài chi tiết.

Đỗ Hồng Ngọc

(Đỗ Nghê ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét