TÔI ĐỂ (LẠC) TRÁI TIM MÌNH… ĐÂU ĐÓ?!
I.
Một trong những ca khúc Mỹ được ưa thích đầu đời của tôi là I Left My Heart In San Francisco. Nguồn gốc bản nhạc khá dài giòng nên tôi không ghi xuống ở đây, chỉ biết rằng đó là tâm sự của một kẻ sống lang bạt nhiều nơi, trải qua nhiều tâm cảnh, cuối cùng gửi tấm lòng thương nhớ về quê hương San Francisco của mình.
The loveliness of Paris seems somehow sadly gray
The glory that was Rome is of another day
I've been terribly alone and forgotten in Manhattan
I'm going home to my city by the Bay
I left my heart in San Francisco
High on a hill, it calls to me
To be where little cable cars climb halfway to the stars
The morning fog may chill the air, I don't care
My love waits there in San Francisco
Above the blue and windy sea
When I come home to you, San Francisco
Your golden sun will shine for me
Nghe như có cái gì đồng điệu giữa tác giả bài ca và tâm sự riêng tôi theo mối cảm hoài dành cho một thành phố? Dù vậy cũng có điểm “vô cùng khác” giữa hai con người phiêu lãng, hai mảnh đời rách nát mỗi khi trái tim chùng lại, ký ức chỉ dành nghĩ về một nơi chốn dấu yêu.
San Francisco của con người này lúc nào cũng còn đó, nằm đó chờ người, mở rộng vòng tay đón người quay lại sau những trải nghiệm tình cảm đắng cay và te tua cuộc sống. Vì thế mà, cho dù “nét đáng yêu của Paris vất vương chút buồn thiu xám xịt” (the loveliness of Paris seems somehow sadly gray), hay sự “huy hoàng của một Roma cổ” (the glory that was Rome is of another day) có làm người này “cảm nghe cô đơn kinh khủng, bị lãng quên” tàn tệ “ở Manhattan”, New York… (I' ve been terribly alone and forgotten in Manhattan) thì San Francisco với “sương mù buổi sáng làm không khí lạnh tê” (the morning fog may chill the air) vẫn không khiến chùng bước quay về của anh ta! (I don't care).
Còn Sàigòn của tôi thì sao?
Giọt nắng vàng mấy mươi năm xưa mỗi sáng mỗi chiều vẫn bò lên trên liếp cửa sổ căn nhà màu gạch, bây giờ có còn nghiêng nghiêng đổ xuống vách tường nhà một anh Cộng Sản nòi nào đó? Những chuỗi mưa dầm tháng Năm được đám trẻ nghèo Miền Nam lợi dụng chơi trò tắm mưa, lúc này có được là niềm thích thú cho con cháu ông Hồ từ tuổi thơ đã được dạy “phải quên gốc quên nguồn, quên cả giống nòi, cha mẹ, tông chi”?
Mùa hè năm 1967, lần đầu nghe anh Nguyễn Ngọc Thùy vừa đàn guitare vừa hát câu “I left my heart in San Francisco”, trái tim tôi đã bị cuốn nhanh trong nỗi ngất ngây rung động. Giọng hát trầm, tiếng khẩy đàn nho nhỏ không phải là nguồn cội cho điều vừa kể… mà..., là một cái gì rất xa xăm đã đánh thức trong tôi những xúc cảm tự nhiên.
San Francisco!
Thuở 1967 đó, có bao giờ tôi nghĩ được đến điều mất quê hương như hiện tại? Có bao giờ tưởng tượng ra một ngày không còn nhìn thấy Sàigòn và căn nhà quét vôi màu gạch thân yêu?
Vậy mà tại sao San Francisco, thành phố cách xa VN đến nửa vòng trái đất lại có mặt sẵn trong tiềm thức, tạo nên nỗi xôn xao ngay từ lời ca thứ nhất được nghe đến? Có phải đó là dự báo mơ hồ về một lỗ hỗng lớn không bao giờ lấp được cho đầy trong trái tim một nhà-văn-nghệ-sĩ khi nhớ về cố quận hôm nay?
Tôi yêu San Francisco từ dạo ấy. Cái tình bàng bạc có có không không, từng ngày trôi qua… biến thành đậm nét. Một biểu tượng tự do cho một số kiếp chim bay không còn được tung cao đôi cánh sau cái Tháng Tư Đen uất hận. (Đó cũng là đầu đề cho nỗi buồn chìm đắm BÂY GIỜ của một kẻ hơn ba mươi năm “giam chí lớn đời mình theo chuyện áo cơm!”)
II.
Đôi khi vẫn cứ nghe lòng quặn thắt theo kỷ niệm một chiều Sàigòn tháng 8 của năm 1978…
Nơi quán café lộ thiên cạnh cái đống rác to đùng nơi bờ sông Trương Minh Giảng, đối diện trường đại học Vạn Hạnh, bốn người bạn chụm đầu bên nhau, thì thầm câu chuyện vượt biên.
Anh bạn thân đưa ra câu hỏi:
“Nếu thành công, mỗi đứa sẽ định cư ở đâu và làm gì trên xứ đó?” Ai cũng nói lên một mơ ước… Còn tôi:
“Định cư San Francisco và sẽ cố tạo một quán sách be bé xinh xinh!”
40 năm trôi qua cái vèo! Anh bạn thân đã vùi thây dưới biển. Nhóm bạn ngày nào đã tản mác bốn phương. Các ước mơ, không biết có được ai thực hiện? Riêng tôi, quán sách Văn Uyển bé bé xinh xinh được mở ra trong San Jose; còn chốn định cư San Francisco thì vẫn mãi là mơ ước mù khơi.
Suốt bảy năm sống đời chồng vợ, hẳn TNH (*) từng đã rất ngạc nhiên khi cứ thấy tôi nhiều đêm nài xin đưa lên San Francisco, đến đầu Cảng, uống cốc café rồi trở về nhà ngủ, đơn giản!
--------
(*) - Trần Nghi Hoàng , hiện sống & viết, dạy học ở Hội An ( Bt).
Lại có lần tôi nói: “Em mong một tối nào ở San Francisco, trong một quán nhỏ, em vừa nghe ngóng tiếng tù và rú lên từng chặp, vừa dõi theo tiếng sóng vỗ liên tục, vừa nhấp đều những cốc rượu đến say. Còn bố chỉ ngồi nhìn, không uống, lái xe đưa em về nhà an ổn…”
(TNH gật… Nỗi mơ ước nhỏ nhoi chẳng bao giờ biến thành sự thật!)
Ở với nhau, tôi chưa một lần tâm sự cho TNH nghe tại sao vẫn cứ đeo dai dẳng giữa hồn niềm ưa thích ấy. Nghĩ, không thể nào TNH hiểu “cái mùi ly biệt” toát ra từ “tiếng còi tàu giục giã” đã lay động trái tim tôi dường nào! Vì thế mà im lặng. San Francisco cùng với Sàigòn, Dalat, Nha Trang vẫn âm thầm “đi bên cạnh cuộc đời tôi” dù là trong cuộc sống hôn nhân hay về sau chấp hành một định mệnh đơn lẻ).
[Nhớ, dạo về Nha Trang, đêm Chủ nhật 26 Tết Mậu Tuất (Feb. 11/2018), tình cờ được Diêu Cự đưa đến uống bière nơi cái quán rẻ tiền ở khu Mã Vòng, sát đường xe lửa.
Trời đã khá khuya. Cái gió se se thổi từ biển cả. Không gian buồn buồn, thời gian ủ ê lãnh đạm. Đêm 26 Tết lắng dần trong giấc ngủ. Câu chuyện hai chị em đang hào hứng… bỗng, tiếng còi tàu rú lên từ xa, hai người gác trạm kéo nhanh hai cánh cửa sắt ngăn hai phía lưu thông qua lại. Trong giây lát, cả đoàn tàu Bắc Nam lù lù xuất hiện, thân hình dài ngoằng, các toa rực sáng. Đoàn tàu khuất dạng, hai người gác kéo lùi hai thanh trạm, xe cộ ùa nhau phóng ngang qua đường rầy.
Tất cả sự việc xảy ra chỉ trong một phút. Vậy mà con người tôi trở thành tê cứng trong nỗi rung động gần như man dại. Tiếng còi tàu cơ hồ vọng lên từ một cõi âm nào xa thẳm, xé nát Nha Trang một đêm cận Tết, làm bàng hoàng trái tim nghệ sĩ... (Dư âm xúc động của nó còn lưu đến đêm nay ở Cali., ngồi viết kỷ niệm này.)
Tôi không tin Cự hiểu tâm trạng mình ở giây phút đó. Cũng tin, chẳng bất cứ ai trên đời cảm thấu điều diệu kỳ trong tôi theo âm vang một tiếng còi tàu vọng lại giữa khuya.
Đêm đó quá hứng thú nên hai chị em uống nhiều, về muộn.
Đến nhà bà Dì, tôi đã say say. Thấy Dì còn chong đèn thức, tôi áy náy quá sức. Nhưng rồi bằng cái giọng có phần líu nhíu, tôi huyên thiên kể với Dì tâm trạng vừa mới xảy. Tôi cứ nói, cứ nói trong cảm xúc vẫn còn mạnh mẽ, rồi kết luận:
“Con không biết Dì hiểu không, nhưng tin linh hồn Cha con hiểu cặn kẽ những gì con đang bày tỏ. Dì từng là vợ Cha con thì Dì biết cái tính nghệ sĩ của ông thế nào rồi. Con là như vậy. Chẳng vật chất nào trên đời có thể níu nổi bước chân một khi bên tai vang lên tiếng còi tàu giục giã. Điều này khó diễn giải, chỉ tự mình con cảm nhận. Nhưng cứ mỗi lần nghe tiếng kêu bí mật đó là con chỉ muốn ôm đàn, xách gói, bỏ tất cả mà lên đường ngay.”
Câu cuối nói với Dì trước khi nằm xuống trên chiếc giường nhỏ kê bên cạnh:
“Mấy đêm nay ngủ lại nhà Dì, con thấy lòng rất ấm. Sáng ra mở mắt, phải định thần mới nhớ là đang ở cạnh bên Dì. Tưởng như đang được trở về ăn Tết trong căn nhà quét vôi màu gạch có tình thương bao la của Mẹ. Con cảm ơn Dì tạo được cho con cảm giác thiêng liêng kia.”
Thật là một kỷ niệm nhớ đời của đêm 26 Tết Mậu Tuất ở Nha Trang với tiếng còi tàu xe lửa rú lên từ xa, với một người bạn và những chai bière ngọt xớt, nhất là những lời kể huyên thiên với Bà Dì tâm tính rất nghệ sĩ cho dù lúc bấy giờ Dì đã ở vào cái tuổi chín mươi hai!
Một nỗi niềm tuyệt diệu khắc ghi trong tâm não, không bao giờ còn phai nhòa được.]
III.
Bây giờ, hơn 30 năm định cư nước Mỹ, tôi nhiều lần tìm tới San Francisco cách xa nơi tôi ở khoảng 45 phút lái xe. Bản nhạc qua giọng hát rất trầm của Tony Bennette vẫn quyến rũ tôi; không khí se sắt buốt da vẫn làm tôi rung động; những mái nhà nhấp nhô ánh đèn nơi lưng trời vẫn là điểm rất gợi cảm dưới mắt nhìn tôi-một-người-nghệ-sĩ. Nhưng cái tình đã dành cho một San Francisco thì thấy không còn bao nhiêu dư âm của thuở ngày xưa. “Jamais nous n’aurons l’âme de ce soir” là thế! Nỗi xúc cảm trong “ta” ở phút giây này không hề là vĩnh viễn.
Mọi vẽ vời về San Francisco trong buổi chiều uống café cùng đám bạn năm 1978 đã lịm đi gần hết.
Chỉ duy nhất cái phi trường tấp nập kẻ đến người đi là vẫn còn giữ nguyên vị trí thân cận trong tôi.
Ngẫm tại sao? Thì đây, câu đáp:
*/ Đó là nơi chốn duy nhất trên nước Mỹ tạo được cho tôi cảm nghĩ “tôi đang rất gần với Sàigòn” sau 16 giờ bay bổng, “sống trên mây”!
Do đó mà “Tấm tình tôi vẫn đợi chờ trong San Francisco, trên sóng xanh và cơn gió biển lộng” (My love waits there in San Francisco, above the blue and windy sea); để, từng khi nỗi nhớ quê hương trở nên là điều làm cho thắt gan héo ruột thì tôi lại “trở về với San Francisco” (come home to you, San Francisco) cũng hệt như đang trở về Sàigòn mà “ánh nắng rực vàng sẽ sưởi ấm trái tim tôi!” (your golden sun will shine for me.)
[]
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét