bài đáng đọc : Phố cổ Hà Nội xưa & nay "/ Nguyễn Hoạt / -- trích: Chim Việt Cành Nam, số 90/ 30/ 06/ 2023. ( Paris).
Phố cổ Hà nội xưa và nay
NGUYỄN HOẠT
Những người Hà nội hay du khách đã thăm viếng thành phố này thì không thể quên được khu phố cổ ở trung tâm thành phố, gần hồ Hoàn kiếm. Đây là nơi tập trung các hoạt động thương mãi, buôn bán sầm uất bậc nhất ở thành Thăng Long. Bên cạnh đó khu phố là nơi sinh sống chủ yếu của cư dân thuộc tầng lớp khá giả trong xã hội xưa. Thời xưa,khu phố cổ nằm ở phía đông của hoàng thành Thăng Long ra đến sát sông Hồng. Bên ngoài khu vực là vòng thành Đại La có các cửa ô. Thời này, dân cư từ các làng quanh đồng bằng Bắc Bộ tụ tập về đây sinh sống, tạo thành khu phố đông đúc nhất kinh thành. Khu phố cổ này được nhà văn Thạch Lam trong nhóm Tự lực văn đoàn mô tả trong tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường như sau : Người Pháp có Paris, người Anh có London, người Tàu (Trung Quốc) có Thượng Hải… Trong các sách vở, trên các báo chí, họ nói đến thành phố của họ một cách tha thiết, mến yêu... Chúng ta cũng có Hà Nội, một thành phố rất nhiều vẻ đẹp vì Hà Nội đẹp thật và cũng vì chúng ta mến yêu. Yêu mến Hà Nội với tâm hồn người Hà Nội cũng như người Paris chính hiệu yêu mến Paris... ...Để cho những người mong ước kinh kỳ ấy, và để cho những người ở Hà Nội, chúng ta khuyến khích yêu mến Hà Nội hơn, chúng ta nói đến tất cả những vẻ đẹp riêng của Hà Nội, khiến mọi sự đổi thay trong ba mươi sáu phố phường đều có tiếng vang ra khắp mọi nơi.[1] Ca dao xưa cũng có câu: “Hà Nội băm sáu phố phường. Hàng Gạo, Hàng Đường, Hàng Muối trắng tinh”. Họa sĩ nổi tiếng Bùi Xuân Phái tạo ra các bức tranh nổi tiếng về khu phố này và được mệnh danh là tranh phố Phái cùng nhiều họa sĩ Pháp đã ghi lại hình ảnh của các hàng phường ngày xưa. Các tranh vẽ phố này với màu sắc rực rỡ ngày nay rất ̣được ưa chuộng. Năm 1995 của Bộ Xây dựng xác định phạm vi khu Phố cổ Hà nội có: phía Bắc là phố Hàng Đậu; phía Tây là phố Phùng Hưng; phía Nam là các phố Hàng Bông, Hàng Gai, Cầu Gỗ và Hàng Thùng; phía Đông đường Trần Quang Khải và đường Trần Nhật Duật, thuộc quận Hoàn Kiếm trên diện tích khoảng 100 ha, có 76 tuyến phố thuộc 10 phường: phường Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Mã, Đồng Xuân, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. Phố này chỉ là một phần phố của kinh thành Thăng Long, được lập nên theo thuyết phong thuỷ. Kinh thành này có sông hồ bao quanh : sông Hồng Hà phía bắc sang đông; phía tây nam có hồ lớn: hồ Tây, Bảy Mẫu,và có sông Tô Lịch, Kim Ngưu. Khi thành Thăng Long còn mang tên là Đại La, phố Hàng Bè đã thành một chợ lớn của lưu vực sông Hồng, dân cư tụ họp buôn bán, lập thành các làng nghề, mở đầu cho việc thành hình các phố phường nghề sau này, buôn bán hàng hóa đổ về đây, như câu thơ : Nhị Hà qua Bắc sang Đông,, Kim Ngưu, Tô Lịch là sông bên này Vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Đại La lập ra kinh đô mới, đổi tên thành Thăng Long, là vùng đất thuận tiện cho việc phát triển lâu dài, thì nơi đây trở nên tấp nập. Để đáp ứng nhu cầu , Triều đình đã cho mở thêm hàng loạt các bến như Triều Đông, Thái Cực, Thái Tổ, Giang Tân, Thiên Thu, Đại Thông, ... Khi các bến được mở ra thì chợ cũng thành hình. Khu chợ Đông Bạch Mã liền với sông Hồng Hà là nơi trên bến, dưới thuyền, buôn bán sầm uất là một thương cảng cổ. Thăng Long chưa có phố. mà mới chỉ có nhiều làng, rồi dần dần biến đổi thành phố rất nhanh, do sự đô thị hóa. Các phố nghề tập trung theo từng khu vực. Các thuyền buôn có thể vào giữa phố để buôn bán trao đổi, khiến cho các phố nghề càng phát triển. Và sản phẩm được buôn bán trở thành tên phố, với chữ hàng phía trước, chuyên buôn bán một thứ hàng đó. Sử cũ ghi chép thời kỳ này cho thấy thuyền buôn nước ngoài theo sông Hồng Hà đến thẳng Thăng Long. Vua Lý Anh Tông cho lập thương cảng Vân Đồn , các tàu buôn nước ngoài có thể dừng lại ở đây. Năm 1230, nhà Trần đặt ra 61 phường cho khu vực kinh tế của dân chúng ngoài hoàng thành Thăng Long,cho đến nay chỉ có tên một số phường còn được biết như: An Hoa, Cơ Xá, Giang khẩu, Tây Nhai,Phục cổ...Nhà Minh gọi Thăng Long là Đông Quan. Đến thời nhà Lê, triều đình chú trọng phát triển nông nghiệp, hạn chế dân cư các nơi khác nhập cư đến Kinh đô, 61 phường chỉ còn 36 phố phường, dù thế nhưng 36 phố phường rất sầm uất, buôn bán phát triển, sau này người Hoa cũng đến đây buôn bán hình thành các khu phố Tàu. Nguyễn Trãi viết: Nhà Trần lấy Thăng Long làm Trung-kinh. Hồ thiên đô sang An-tôn lấy Trung-kinh làm Đông-đô. Thái-tổ định thiên hạ đổi tên là Đông-kinh. Thượng-kinh là kinh đô của vua. Thời Ngô, quận-thú là Sĩ vương đóng đô ở đấy. Thời Đường, đô-hộ là Cao-vương đắp thành Đại-la ở đấy. Từ Lý đến nay, cũng đóng đô ở đấy. Có 1 phủ lộ, 2 thuộc huyện, 36 phường. Phủ là Phụng-thiên , 2 huyện là Thọ-xương (xưa gọi là Vĩnh-xương) và Quảng-đức , mỗi huyện đều có 18 phường.[2]̉ Ông có nói đến các phường của phủ Phụng-thiên như: phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, binh khí, võng, lọng...phường Yên Thái làm giấy, phường Thụy Chương, Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa, phường HàTân nung đá vôi, phường Hàng Đào nhuộm điều,phường Tả Nhất làm quạt, phường Thịnh Quang có long nhãn, phường Đường Nhân bán áo diệp y...Các phường cổ truyền đó đã có từ thời Lý Trần và chỉ có đổi tên theo thời đại và tồn tại cho đến cuối đến thế kỹ XIX. Trong thời kỳ này phần lớn của huyện Thọ Xương, hầu hết các phố đều là nơi buôn bán, rất nhiều đền và chùa cũng được xây vào thời kỳ này. Năm 1446, vua Lê Nhân Tông đặt ra phủ Trung Đô gồm 2 huyện là Quảng Đức và Vĩnh Xương. Năm 1469, Lê Thánh Tông đổi phủ Trung Đô thành Phụng Thiên. Nhà Lê đổi Thăng Long thành Phủ, trực thuộc trung ương và suốt ba thế kỷ chỉ gồm có 36 phường. Từ thời này đã có một số Hoa kiều buôn bán ở đây, lập thêm các phố người hoa. Bấy giờ, giữa khu phố cổ Hà Nội có một số đầm hồ, lớn nhất là hồ Thái Cực. Chính sách cấp đất cho dân ra đời từ đầu thời Lê, đến cuối triều đại này thì công điền bị thu hẹp,các tư điền lớn ra. Vì các chúa Trịnh đã ban hành những chính sách thuận lợi hơn như: giảm thuế chợ, nới rộng buôn bán và tự do sản xuất thủ công nên các làng nghề chung quanh Thăng Long đổ ra buôn bán ở kinh đô. Những chính sách đó đã thúc đẩy kinh tế phát triển, lưu thông hàng hóa giữa các vùng với Thăng Long mở rộng. Theo thời gian, Thăng Long trở thành những nơi vừa sản xuất vừa bán sản phẩm, đồng thời cũng là nơi đặt hàng của các thương gia, rồi lập thành khu Phố Cổ ngày nay. Theo Nguyễn Trãi thì phường không chỉ là đơn vị hành chính mà còn là nơi tập hợp những người cùng nghề như phường chèo, phường thợ. Các cửa hàng kéo dài trên các con phố thường bán chung một mặt hàng,gọi là phường về sau biến thảnh phố gọi là Hàng. Những người bán cùng một thứ hàng thường tập họp với nhau tạo thành các khu phố nghề chuyên môn. Những người ngoại quốc đến Việt Nam rất ngạc nhiên khi thấy những người trong khu phố cùng bán một thứ hàng, hiện tượng này không thể có ở tây phương nhưng ở nước ta thì có thành ngữ buôn có bạn, bán có phường. Vì thế phường không những là tổ chức nghề nghiệp ở Thăng Long mà còn là đơn vị hành chính như làng xã ở vùng quê. Các nghề sau đó phát triển ở Hà Nội là nghề nhuộm, dệt, làm giấy, đúc đồng, rèn và gốm và còn có nghề đúc tiền (sắt và đồng), đóng thuyền, làm vũ khí và xe kiệu. Theo Đại Việt sử ký tục biên thì 36 phường được lập ra từ thời vua Lê Hiển Tông,nhà Hậu Lê (1740-1786),với mục đích giữ gìn an ninh, trật tự: vào tháng 12 năm Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) triều đình hạ lệnh chia bên trong kinh thành làm 36 khu, mỗi khu đặt một quan coi giữ việc tuần phòng, khám xét. Lại định phép ty tộc đoàn (liên kết các gia tộc ở gần nhau cùng giữ an ninh). Tiếp đó lại chia làm 9 điện, mỗi điện có 4 khu, mỗi khu đặt một viên chánh khu.[3] Nhà văn Phạm Đình Hổ ghi lại : Kinh thành Thăng Long chia ra 36 phường, mỗi phường đặt một người phường trưởng. Lại đặt ra phủ Phụng Thiên có quan Phủ doãn, quan Thiếu doãn kiêm coi cả việc tuần phủ và việc liêm sát, đốc suất hai huyện Thọ Xương và Quảng Đức, mỗi huyện có quan Huyện úy cai trị. Toàn thành thì cử một quan trọng thần sung chức Đề lĩnh tứ thành quân vụ, phân ra chánh phó hai dinh, chuyên coi việc cấm phòng, xét hỏi... ...Đời Trịnh An Đô Vương Trịnh Cương, Nguyễn Công Hãng làm Thượng thư cầm quyền chính, mới chia hai huyện ra làm tám khu, mỗi khu đặt một người trưởng khu và một người phó khu; lại chia ra năm nhà là một tị, hai tị là một lư, mỗi lư cũng có một lư trưởng; bốn lư là một đoàn, mỗi đoàn đặt một quản giám, hai quản điểm, dưới quyền người khu trưởng và trực thuộc quan Đề lĩnh. Đó là phỏng cái ý cổ nhân bảo trợ phù trì lẫn nhau... ...Theo lệ cũ, chốn kinh thành không phải chịu thuế dung, thuế điệu, chỉ tính từng dãy nhà, không cứ nhà quan hay nhà dân, hàng năm mỗi nhà phải chịu một suất đi sửa sang đắp lại nền cắm cờ tướng, dọn cỏ chung quanh cung đình, cung ứng các việc kiến trúc… ...Phủ Phụng Thiên có hai huyện, thuở xưa là Quốc Oai trung lộ. Các huyện trong phủ Quốc Oai là thượng lộ, còn Thanh Trì, Thượng Phúc, Thanh Oai là hạ lộ, đời Lý đời Trần đều tóm gọi là Uy lộ. Huyện Thọ Xương khi trước là huyện Vĩnh Xương, huyện Thanh Oai khi trước là Thanh Oai , huyện Thanh Trì trước kia là Thanh Đàm ; chữ Thanh vì tỵ húy chúa Trịnh Thanh vương nên mới phải bớt nét đổi là thanh; chữ đàm vì tỵ húy với vua Thế Tôn nên đổi ra chữ trì. Còn như trung lộ sau đổi là Phụng Thiên hạ lộ, Thanh Oai sau thuộc về phủ Ứng Thiên, Thanh Trì; Thượng Phúc sau đổi là phủ Thường Châu; Vĩnh Xương sau đổi thành huyện Thọ Xương. Những cải cách ấy trong quốc sử đều bỏ qua không chép. Từ đời Lê trung hưng trở về sau đều như thế cả. Sông Nhuệ Giang phát nguyên từ làng Tây Đàm, huyện Từ Liêm, qua huyện Thanh Oai, Thanh Trì, phía nam hợp lưu với sông Tô Lịch; những đoạn bờ khoảng giữa, nhiều chỗ nhọn hoắt như mỏ hạc, nên mới đặt tên cái làng ở bờ sông ấy là xã Nhuệ Giang. Nhân thế cũng gọi tên sông là Nhuệ Giang. Lại còn có tên nữa là Thanh Oai Giang, nên quanh vùng sông ấy gọi là Uy Lộ; Thanh Oai huyện, tả hữu thượng hạ Thanh Oai xã, cũng đều bởi thế cả. Lại như kinh thành khi xưa có phường Giang Khẩu, sau đổi thành Hà Khẩu tiếp giáp bờ sông Nhị, liền với cái ngòi sông Nhị chảy vào sông Tô, hàng năm, bờ sông bị nước xói, không thể giữ cho khỏi lở được. Đời Lê trung hưng mới đạc suốt dọc bến phường Hà Khẩu, để cho Hoa kiều trú ngụ. Các hiệu khách liền làm đơn xin tải đá làm mỏ hàn chắn phía thượng lưu, từ bấy giờ mới bớt nạn nước xói lở. Ven sông, về phía nam, dần dần nổi bãi phù sa, người đến tụ họp đông đúc. Bởi thế, những phường Thái Cực, Đông Hà, Đông Các , nhà ở hai dãy phố xen liền mãi cho đến vạn Hàng Mắm, vạn Hàng Bè, bến Tây Long, đều trở thành phố phường đô hội cả.[4] Khu 36 phố phường đã lập nên ở nơi có nhiều ao hồ. đến cuối thế kỷ 19 thì các đầm hồ đó bị lấp, nhưng vẫn còn để lại dấu tích qua các địa danh: Hà Khẩu, Giang Khẩu, Cầu Gỗ, Cầu Đông. Khu này có sông Tô Lịch bọc ở phía Bắc, sông Hồng ở phía Đông và hồ Hoàn Kiếm ở phía Nam. Khu vực chợ và nhà ở đầu tiên được đặt tại nơi sông Tô Lịch và sông Hồng gặp nhau. Cửa sông Tô Lịch là bến cảng và có thể có rất nhiều con kênh nhỏ nằm rải rác trong khu Phố Cổ. Cuối thời Lê, sông Hồng, sông Tô Lịch, cùng các hồ lớn ở phía Đông và phía Nam Thăng Long vẫn thông với nhau bởi các con kinh. không chỉ là đường giao thông thủy quan trọng mà tại các bến sông, hồ còn là nơi tập trung dân cư đông đúc, họ vừa sản xuất hàng hóa vừa buôn bán. Đầu thế kỷ XVII ở Thăng Long bắt đầu có người Tây phương đến cư trú và buôn bán. Đông nhất là người Hoà Lan, Bồ Đào Nha, Anh, dần dần là người Tây Ban Nha, Pháp... Những công ty thương mại Hoà Lan và Anh đã lập thương điếm tại bờ sông Hồng. Các tiệm buôn Trung Quốc, Nhật Bản cũng xuất hiện nhiều.Nhờ có hệ thống sông ngòi thuận tiện nên quan hệ kinh tế giữa Thăng Long với các địa phương ngày càng chặt chẽ. Thuyền buôn từ Thanh Hóa - Nghệ An và Đàng Trong, cũng như thuyền buôn từ mạn ngược về kinh thành luôn nhộn nhịp. Thương gia S.Baron có cửa hiệu ở Thăng Long khoảng cuối thế kỷ XVII nhận xét về sông Hồng như sau: “Đối với kinh thành sông này cực kỳ thuận lợi: Tất cả các thứ hàng hóa đều đem tới đây, đây là nơi thâu tóm mọi hoạt động trong nước với một số lượng thuyền bè vô tận, đi đi lại lại khắp nước để buôn bán”. Sông Tô Lịch cũng tấp nập thuyền bè ra vào. Phường Hà Khẩu (phố Hàng Buồm hiện nay) ở ngã ba sông Tô, sông Hồng tập trung nhiều hiệu buôn của người ngoại quốc. Có thể nói, 36 phố phường của Thăng Long thời kỳ này thương mại phát triển, tựa như một cái chợ lớn,nên Thăng Long thời Lê-Trịnh được người phương Tây gọi là Kẻ Chợ. Alexandre de Rhodes có giải thích là tên Kẻ Chợ là những người ở trong chợ. nghĩa là những người ở Đông Kinh, còn theo Từ điển Bách khoa Việt Nam thì Kẻ Chợ chỉ nơi tập trung dân cư ở Đông Kinh, phân biệt với Hoàng thành là nơi các vua quan ở. Thương mãi phát triễn thì dân số tăng lên. Theo Alexandre de Rhodes thỉ dân cư Thăng Long đầu thế kỷ XVII có thể đến 1 triệu người , còn thương gia W.Dampier thì Kẻ Chợ ước chừng 20.000 nóc nhà. Giáo sĩ Richard sống vào thế kỷ XIVII, trong sách Lịch sử thủ đô Hà Nội, đã mô tả Kẻ Chợ : “Số lượng thuyền bè lớn lắm, đến nỗi rất khó mà lội được xuống bờ sông: những sông, những bến buôn bán sầm uất nhất của chúng ta , ngay thành phố Venise nữa với tất cả những thuyền lớn thuyền nhỏ của nó cũng không thể đem đến cho người ta được một ý niệm về sự hoạt động buôn bán về dân số trên sông Kẻ Chợ”. Các thợ thủ công của từng ngành nghề thường cùng quê, lập thành nơi buôn bán gọi là phường. Kẻ Chợ đã có đến 61 phường thành lập vào thời nhà Lý. phố cổ đã có nhiều phường. Trong một số sách như : Các tổng, trấn, xã danh bị lãm, Hoàng Việt dư địa chí…có kể tên của 36 phường như ở huyện Thọ Xương có 18 phường gồm: Yên Thọ, Hà Khẩu, Báo Thiên, Đông Hà, Đồng Xuân, Đông Tác, Đông Các, Cổ Vũ, Xã Đàn, Đồng Lạc, Thái Cực, Diên Hưng, Khúc Phố, Phục Cổ, Phúc Lâm, Kim Hoa, Hồng Mai, An Xá. Mười tám phường khác thuộc huyện Vĩnh Thuận là: Bích Câu, Quảng Bá, Thuỵ Chương, Yên Thái, Hoè Nhai, Tây Hồ, Nghi Tàm, Nhật Chiêu, Trích Sài, Võng Thị, Bái Ấn, Yên Lãng, Công Bộ, Thạch Khối, Hồ Khẩu, Thịnh Quang, Yên Hoa và Quan Trạm. Theo kinh tế thì phố là chỗ bán hàng , cửa hàng, cửa hiệu.Tên phố là tên phường nghề, tên của các sản phẩm bày bán...Trong sách Lịch sử Hà Nội sử gia Philippe Papin,đã viết: danh từ phố theo chữ Nôm là nơi mua bán, là khu dân cư tập trung quanh khu vực bến thuyền. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc thì phố có nghĩa là chỗ bán hàng và phố có thể là một nhà bày bán hàng. Dần dần phố có nghĩa là nơi có nhiều cửa hàng. Năm 1802, vua Gia Long lên ngôi lập ra nhà Nguyễn, định đô ở Phú Xuân, Thăng Long không còn là Kinh đô nữa. Lúc này các thương cảng lớn như Phố Hiến, Vân Đồn không còn, vì thế mà Kẻ Chợ vẫn giữ được vị trí quan trọng trong kinh tế. Thương nhân và thợ thủ công sống rải rác trong tất cả các phố phường. Phố giàu có như Mã Mây tập trung khá nhiều nhà buôn lớn, nhất là thương nhân Hoa Kiều. Đường xá ở đây được lát sạch sẽ. Các phố được ngăn với nhau bởi những chiếc cổng lớn xây như bức tường mà bề rộng chiếm cả mặt đường, ban đêm được đóng một cách nghiêm ngặt. Bên trong khu phố cổ còn có các cổng ngăn cách giữa các phố với nhau, được bác sĩ Hocquard mô tả chi tiết: “Các khu phố khác nhau của Hà Nội hoàn toàn được tách rời bởi những cánh cổng lớn. Những cổng này rộng bằng cả bề ngang của phố và người ta đóng lại vào ban đêm. Trên mỗi cánh cổng có dán những quy định về an ninh của thành phố và những tờ sức của Tổng đốc”. Hầu hết các cánh cổng của khu phố cổ ở Hà Nội đều “có một kiểu đóng rất độc đáo”, như theo mô tả của bác sĩ Hocquard: một bức tường bằng đá được xây ngang từ bên này sang bên kia của con phố, bức tường đó được đục thủng một cánh cửa lớn hình chữ nhật được giới hạn bởi một cái khung chắc chắn bằng gỗ, tạo nên bởi 4 cây gỗ đẽo nhẵn. Hai cây gỗ phía trên và phía dưới được khoan những lỗ cách nhau đều đặn, chúng được lắp vào ở hai đầu một loạt các cây gỗ lớn tròn đặt song song với nhau. Các lỗ ở bên trên rất sâu, đến mức người ta có thể mỗi lần nâng cao lên đủ vừa cho người ta tháo cây gỗ ra khỏi lỗ phía dưới để cho việc đi lại qua cửa được dễ dàng. Hệ thống này cho phép lúc thì mở rộng cánh cửa bằng cách tháo tất cả các cây gỗ, hoặc chỉ để vừa một chỗ qua lại hẹp, đơn giản bằng cách tháo ra một hoặc hai cây gỗ. Theo tài liệu cổ vào thế kỷ XVII-XIX, ở các khu phố của người Hoa , lòng đường đều được lát đá hoa lớn, còn các con phố trong khu người Việt thì không được lát đá, không có vỉa hè và đầy bùn mỗi khi có mưa xuống, rất khó khăn trong việc đi lại.Nhà cửa ở Hà Nội xưa đều lợp bằng tranh, thấp, gian trước thường để bán hàng, có tấm phên cột chặt ở bên trên ban ngày thì chống lên bằng hai cây sào, ban đêm lại chụp xuống. Cũng vì toàn nhà lá, dùng đèn dầu nên thường xuyên xảy ra hoả hoạn. Trong mỗi phố là những dãy nhà san sát làm theo kiểu chồng hộp quẹt mà hiện nay người ta còn thấy ở các phố Hàng Buồm, Hàng Bạc, Hàng Ngang, Hàng Đào... Các dãy nhà này vừa là nhà ở lại vừa là cửa hiệu, tất cả các loại hàng khác nhau đều được bán và mỗi phố bán một loại hàng riêng, hoàn toàn theo kiểu các hãng lớn hay các hội phường phương tây. Năm Tân Mão (1831) vua Minh Mạng thi hành cuộc cải cách , trong đó có việc phân chia và đặt tên mới theo địa giới hành chính cấp tỉnh; lúc này Thăng Long xưa được sáp nhập với một số khu vực khác thành tỉnh Hà Nội với diện tích rộng hơn, gồm 4 phủ, 15 huyện so với Thăng Long xưa,và có 239 phường, thôn, trại, thời Tự Đức có 153 phường, thôn, trại.Số phường có thay đổi theo thời nhưng tên g̣ oi 36 phố phường từ thời nhà Lê vẫn còn tồn tại ngày nay Trong số 15 huyện của Hà Nội thời Minh Mạng,vẫn có 2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận thuộc phủ Hoài Đức, 36 phố phường đều nằm trong địa phận hai huyện này. Sách “Hoàng Việt dư địa chí” in vào năm Quý Tỵ (1833) cho biết như sau: “Phủ Hoài Đức, xưa là phủ Phụng Thiên có hai huyện, 13 tổng, 249 thôn phường. Huyện Thọ Xương: 18 phường. Huyện Vĩnh Thuận (xưa là huyện Quảng Đức): 18 phường”. Vào cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX việc đô thị hóa phát triễn nhanh. Khu phố cổ được mở rộng tập trung theo hướng trung tâm của khu phố. Các ao, hồ, đầm, dần dần bị lấp kín để lấy đất xây dựng. Đặc điểm chung của các phố cổ Hà Nội là nhiều tên phố bắt đầu bằng từ Hàng, tiếp đó là một từ chỉ một nghề nghiệp nào đó như: Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Mã, Hàng Thiếc...Đến giữa thế kỷ 17, các phố có tên Hàng xuất hiện như Hàng Cót, Hàng Hòm, Hàng Chiếu, Hàng Mã, Hàng Gà. Một người phương Tây là Filippo de Marini từng đến Thăng Long thời gian này có viết: “Ở đầu mỗi phố đều treo một tấm biển gỗ trên đó có ghi tên mặt hàng”. Từ đời Lê , nhiều người Trung Quốc được phép cư trú ở Thăng Long từ thế kỷ XV, họ đến buôn bán ở phố Hàng Ngang (tên này đặt ra vì ở hai đầu phố có hai cái cổng chắn ngang đường, tối đến đóng lại). Như tên gọi Hàng Đường có rất nhiều cửa hàng bán đường, mứt, bánh, kẹo. Sát với chợ Đồng Xuân là phố Hàng Mã - chuyên bán các mặt hàng truyền thống làm từ các loại giấy màu. Từ đầu phố Hàng Mã đi thẳng sang phố Hàng Chiếu (nơi bán chiếu, thảm bằng cói) là đến Ô Quan Chưởng (cửa Đông Hà) di tích khá nguyên vẹn của một trong 36 phố phường Thăng Long xưa hay phố nghề rất điển hình: Hàng Thiếc. Ký giả Pháp Paul Bourne đến Hà nội năm 1884 có miêu tả về phố cổ như sau: ...Khu này rất đông đúc, mặt trước các căn nhà chật hẹp san sát...Các cánh cổng vĩ đại ở đều và cuối phố với các câu chữ Hán như:Dân chúng được yên ổn trong phố này...Nếu phố được yên ổn thì không cần đóng cổng lại. ...Các cửa hàng thường do thương nhân nắm giữ, họ ngồi xổm trên chiếu trước cửa hàng nhai trầu chờ khách. Khách hàng cũng ngồi trên chiếu bên cạnh chủ cùng nhau khảo sát hai ba hòm hàng bán.Chủ sai thằng ở mời trầu khách và cùng nhau thong thả chuyện trò , thương lượng. ...Thợ thủ công, thương nhân làm việc trước cửa hiệu,họ bào,dũa,cưa,cắt,đục,đập búa,vẽ,sơn, thêu,dệt...dưới cái nhìn của công chúng. Xưỡng làm việc lớn như cái hộp, một người Âu châu dang hai tay có thể làm bay các tường ngăn.Các thợ dẻo dai, nhẹ hơn, cùng ngồi trên chiếu làm việc không khó khăn. Từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều cả phố là một xưỡng và cửa hàng mênh mông...các gánh hàng rong rao bánh,kẹo. Cu li đi lại không ngừng...[5] Mỗi nghề còn giữ lại trên tên phố Hà Nội nay đã qua bao thay đổi, đến nay đã có hơn sáu mươi phố bắt đầu bằng chữ Hàng như Hàng Đào, Hàng Tre, Hàng Sắt, Hàng Mành, Hàng Bún, Hàng Bè... một số phố nghề ở khu phố cổ vẫn còn giữ được sản phẩm truyền thống như phố Hàng Mã, Hàng Tre,Hàng Chiếu, Hàng Thiếc. Tuy nhiên có nhiều phố trong khu này không mang tên có chữ hàng như: Bát Đàn, Bát Sứ, Cầu Đông, Cầu Gỗ, Chả Cá, Chợ Gạo, Đương Thành ,Gầm Cầu, Gia Ngư... Bây giờ nhiều phố không giữ nghề, không sản xuất thứ hàng như tên gọi xưa ,nhưng cũng chuyên bán một loại hàng hóa , như phố Hàng Hòm không sản xuất Hòm nữa. phố hàng Khoai không bán khoai nữa,mà bán bát đĩa, phố Hàng Đường nổi danh với Ô mai, phố Hàng Gà thì in thiệp cưới, phố Hàng Quạt bán đồ thờ, phố Mã Mây chuyên dịch vụ du lịch… Một vài phố còn giữ được mặt hàng truyền thống: Lãn Ông bán thuốc bắc thuốc nam, Hàng Ngang Hàng Đào bán tơ lụa, quần áo may sẵn. Hàng Trống vẫn nhiều thợ may. Mấy hàng bánh kẹo, ô mai nổi tiếng cách đây nửa thế kỷ ở Hàng Đường lấy lại bảng hiệu cũ, đông khách. Một số phố trở thành thương mãi chuyên môn : Lương Văn Can - phố đồ chơi ; Thuốc Bắc - phố hàng sắt ; Bà Triệu - phố xe đạp ngoại ; Nam Đồng, Hàng Bột - phố điện máy ; Hàng Buồm - phố bia rượu, đồ hộp và bánh kẹo ngoại ; Hàng Giầy - phố thuốc lá ; phố Huế - phố phụ tùng xe máy xe đạp ; Phùng Hưng, Hàng Khoai, phố đồ điện gia dụng. Ngày nay,nhiều phố đã được đổi tên mới như phố Hàng Cỏ ( phố Trần Hưng Đạo ), Hàng Đẫy (Nguyễn Thái Học), Hàng Giò (Bà Triệu ), Hàng Lọng (Đường Nam bộ ,Lê Duẩn), Hàng Nâu (Trần Nhật Duật), Hàng Kèn (Quang Trung), Hàng Bột (Tôn Đức Thắng)… Giáo sư Dương Quảng Hàm có ghi lại ca dao về 36 phố phường như sau: Rủ nhau chơi khắp Long Thành, Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai; Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay, Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giầy, Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn, Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang, Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Than, Hàng Đồng, Hàng Muối, Hàng Nón, cầu Đông, Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè, Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre, Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà. Quanh đi đến phố Hàng Da, Trải xem Hàng phố, thật là cũng xinh. Phố hoa thứ nhất Long Thành, Phố dăng mắc cửi, đàn quanh bàn cờ. Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ, Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền”.[6] 36 phố phường Hà Nội đã được nói đến trong đoạn thơ trên một cách đầy đủ. và còn phản ánh sự sầm uất, náo nhiệt và nên thơ của khu phố cổ ngày xưa. Bản đồ Việt năm 1873 thời Tự Đức cho thấy sự kiến trúc cùa khu phố Cổ đã thành hình trước khi người Pháp quy hoạch và xây dựng Hà Nội. Đại đa số các đường phố không thẳng, vì xưa là những đường làng bằng đất và dần dần được lát gạch nung theo đô thị hóa.Một vài ô phố đã có nhà vừa ở vừa buôn bán xây kín, trong khi đó một số ô phố khác hãy còn diện tích trống, dạng ao hoặc sân trong. Hầu hết các ô phố này đã được chia thành các lô đất dài và hẹp chạy dọc theo đường, nhà ở dạng cửa hàng rất phổ biến và thông thường được xây cất hai tầng. Nhà vườn phân bố rải rác dọc bờ sông và nằm phía ngoài các tuyến phố buôn bán tấp nập. Các công trình tín ngưỡng như chùa chiền và đền phủ miếu được xây dựng khắp nơi trong Khu phố Cổ. Tại đây cũng có một cộng đồng người Hoa sinh sống và buôn bán với người Việt. Trước khi người Pháp sang, đường phố Việt Nam có chiều rộng khoảng 3m, hai bên là những ngôi nhà, sử dụng để ở, để buôn bán hoặc sản xuất thủ công (làm hàng gỗ, khảm...). Đây là kiểu nhà tượng trưng ở thế kỷ 19, nhà một tầng mái tranh xen lẫn nhà gạch mái ngói, với chiều rộng khá hạn chế, thường không quá 3 - 4m, có mặt bằng hình ống, phát triển theo bề sâu và có sân trong. Đặc biệt là ở phía đông của phố có cổng, nằm ở vòng ngoài Thành Hà Nội, có hào sâu và xây cầu dẫn. Tất cả những phố dạng này không còn nữa, bởi từ tháng 10 năm 1886 đã xây thành các phố rộng đến 18m, mặt đường rải nhựa, hai bên phố là cửa hàng buôn bán, là một số khách sạn đầu tiên của người Âu châu ở Hà Nội. Trong thời này,Hà Nội chỉ có chợ lộ thiên, cũng không có nơi chỉ định để họp. Cứ sáu ngày lại có một phiên chợ Hà Nội. Lái buôn và thợ thủ công đủ các loại từ các làng mạc xung quanh kéo tới. Những người bán tơ lụa tới phố Hàng Đào, những người làm cuốc xẻng tới phố Hàng Đồng, những người làm mũ tới phố Hàng Mũ, tóm lại, thợ gì thì tới phố dành cho thợ ấy.Cả thành phố biến thành một cái chợ mênh mông trong đó người ta đi lại, dạo chơi, chuyện trò,số người gấp bội số ngày thường vốn đã đông như kiến. Việc họp chợ chẳng tốn kém gì, chỉ cần thời tiết tốt. Những người nông dân bày bán hàng hóa của mình trong chiếc khăn vải hoặc trong rổ, hoặc ngay trên mặt đất nếu hàng không sợ hư hỏng. Ngày xưa, mặt phố tràn ngập người. Khi có quan trẳy thì cảnh tương khác khẳn như Labarthe, ghi chép về chợ Hà Nội trong thời kỳ lãnh sự như sau: “Đột nhiên ở đầu phố, theo bước chân chạy đều của hai lính mặc quần áo đỏ và trong tiếng trống, người ta thấy dãn ra một lối đi. Ngay lập tức mọi tiếng động ngừng hẳn. Những người bán hoa quả, thịt lợn, hàng khô, thuốc tễ, đồ gốm, hàng cá... cùng với hàng hóa biến mất như có phép lạ. Mọi người chen nhau vào những nhà xung quanh. Những người không tìm được chỗ thì quỳ rạp xuống, hai tay chắp lại, đầu cúi gằm. Tất cả thể hiện sự khiếp sợ cùng cực. Viên quan uể oải nằm dài trên võng theo bước chân chạy đều của phu khiêng. Người ta có thể thấy trên nét mặt ông ta sự ủ ê buồn phiền, một vẻ mặt vờ vịt và che giấu dường như tính cách riêng của những người cầm quyền. Viên quan đi qua rồi, chợ trở lại bình thường’’. Sau khi người Pháp chiếm Hà Nội, quy hoạch Hà Nội bắt đầu có sự thay đổi. Công sứ Bonnal viết về khu phố cổ trong sách Au Tonkin- notes et souvenirs 1883- 1885 thì: "Phố rất hẹp, họ chỉ lát gạch rộng chừng 1m ở giữa đường và gạch thì bị vỡ hoặc xô lệch. Hai bên là bùn bốc mùi hôi thối vì nước thải không có chỗ tiêu thoát. Mỗi khi có kiệu hay người cưỡi ngựa qua, người đi bộ phải lội xuống bùn lầy để tránh, có chỗ bùn sâu tới 30cm". Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ đã ra lệnh cho trưởng phố dỡ bỏ những chái nhà lấn chiếm và buộc các nhà buôn phải thu hẹp mái hiên và giá để hàng. Còn Jordany, ủy viên Cảnh sát trưởng thành phố sử dụng tù nhân lấy gạch ngói vỡ ở các phố bị quân Cờ đen đốt phá để san bằng các con đường, đào rãnh thoát nước. Thời kỳ này phố trưởng ở một vài phố tự động cho treo biển tên phố bằng chữ Hán để thuận tiện cho việc buôn bán. Từ năm 1884, các phố Tràng Tiền và Hàng Khay đã trở thành một trục của trung tâm buôn bán, mở đầu thời kỳ xây dựng khu phố Pháp ở Hà Nội. Trong giai đoạn 1890-1902, khu phố Cổ bắt đầu thay đổi, một số đường phố sửa thẳng lại thành những trục chính Đường phố có hệ thống thoát nước, có hè phố, đường được rải nhựa và có hệ thống chiếu sáng, nhà cửa hai bên đường phố được xây gạch lợp ngói. Bên cạnh những nhà cổ mái ngói xuất hiện các ngôi nhà có mặt tiền được làm theo kiểu cách Châu Âu. Khu phố cổ hiện nay được thiết kế và quy hoạch theo phong cách kiến trúc Pháp với mạng lưới đường hình bàn cờ. Đến thời thuộc Pháp, các đầm và hồ được lấp lại, các khu phố được chỉnh trang. Trong vòng 30 năm đầu tiên của thời kỳ thuộc địa (1885 – 1914), người Pháp đã có những đóng góp quan trọng trong việc giữ gìn Khu phố Cổ: hu này vẫn còn giữ trong trạng thái nguyên vẹn thời xưa. Nhưng nhiều di tích lịch sử ở các khu chung quanh, một phần Hoàng Thành đã bị phá đi để xây dựng hai khu phố Pháp ở phía Tây và ở phía Nam khu phố Cổ. Khu phố Cổ được cải thiện và phù hợp với số lượng cư dân tăng lên.Trên các lô đất còn trống, hoặc tại những vị trí mà nhà ống truyền thống đã mục nát đổ sụp, các nhà phố kinh doanh được được xây dựng theo kiểu kiến trúc thuộc địa. Các nhà phố Pháp này tương tự nhà ống về mặt cấu trúc và chức năng, chỉ khác biệt ở thiết kế mặt đứng và chi tiết trang trí, góp phần tạo nên sự đa dạng về mặt hình khối và phong cách kiến trúc trong khu phố cổ. Với các lô đất có chiều ngang 6 m, mặt tiền nhà kiểu kiến trúc thuộc địa được phân vị làm đôi, nhằm làm ngôi nhà hòa hợp với nhịp điệu của cả tuyến phố. Để đề phòng hỏa hoạn, tất cả các nhà ống và nhà phố kiểu thuộc địa được xây dựng bằng các vật liệu không cháy như tường gạch, sàn hoặc nền bê tông và mái lợp ngói. Trước đó, hỏa hoạn thường xảy ra với nhà lá trong khu vực. Ở trong khu phố này,người Pháp đã thành lập nhà in đầu tiên (ở phố Hàng Bông), trường học đầu tiên (ở phố Hàng Bè, sau đó ở phố Hàng Bồ). Các nhà buôn lớn đều ở khu này vì gần bến tàu hàng. Năm 1888 các chợ có mái bắt đầu được xây ở phố Hàng Tre (nay không còn), phố Hàng Gạo (nay là chợ Đồng Xuân), phố Đường Thành (nay là chợ Hàng Da) và đại lộ Đồng Khánh (tại đầu phố Hàng Bài, nay không còn)., cùng với các rạp chiếu phim và nhà hát, chủ yếu dành cho người Pháp cùng với một số người Việt sống lối Tây phương. Ngày nay di sản kiến trúc nhà ở cổ truyền khu phố cổ Hà Nội là những "ngôi nhà hình ống”, thấp, mặt tiền hẹp, chiều dọc lớn. Đó là di sản kiến trúc của thời xưa mà theo quy định của các vua quan thì “nhà dân không được xây cao hơn chiều cao của kiệu vua đi”; cũng do hoàn cảnh “phố phường chật hẹp, người đông đúc”, phải dành mặt tiền cho thật nhiều cửa hàng san sát còn phía trong, ngôi nhà phát triển theo chiều sâu để lần lượt từng ngăn làm nơi sản xuất, ăn ở, sinh hoạt của mỗi gia đình.Những ngôi nhà ống như thế làm thành những dãy phố ven theo những con đường đất, thỉnh thoảng cũng được lát đá hoặc gạch, chỉ đến thời cận đại mới trải nhựa. Tên gọi nhà ống là do kích thước khác thường, chiều dài đạt tới 40 đến 50 m ( đôi khi lên đến 60 m) chạy sâu vào bên trong ô phố và chiều rộng thông thường chỉ từ 3 đến 4 m (tối đa là 6 m). Đa số các ngôi nhà nguyên bản được xây hai tầng. Tầng một có chiều cao khoảng 3 m, còn tầng trên cao tối đa 2,5 m. Một căn nhà điển hình thông thường được chia thành ba đến bốn khối, phân tách nhau bằng hai đến ba sân trong. Tầng dưới có nhiều phòng dùng như sau: Phòng ngoài là cửa hàng, không làm tường vách mà mở thông ra phố để bày hàng, tiếp theo với một gian kho , một sân trong được sử dụng làm xưởng gia công, một phòng khách ở giữa nhà, một sân trong nữa là chỗ cho trẻ con vui chơi, một phòng ăn và nhà bếp, rồi đến một khoảng mở để giặt và phơi quần áo, cuối cùng là một phòng tắm và một nhà vệ sinh.Giữa các lớp nhà có khoảng sân bày chậu cảnh, tạo không gian trong lành, mang lại cảm giác gần gũi với thiên nhiên. Tầng trên có hai đến ba phòng ngủ cho các người trong gia đình. Ở tầng trên của khối nhà đầu tiên phía trước, phòng ngủ thường đặt dịch ra phía sau so với gian bán hàng dưới tầng một. Cửa sổ của tầng trên chỉ được trổ khá nhỏ và không cao hơn phần đỉnh lọng che đầu của viên quan khi đi ngựa dọc theo tuyến phố Các phòng thông nhau bằng cách xuyên phòng, tận dụng khoảng trống để kê đồ sát một mặt tường dọc làm lối đi. Nhu cầu người dân lúc đó còn đơn giản, họ chưa cần những khoảng không gian riêng như ngày nay, vì vậy việc xuyên suốt từ không gian phòng này sang phòng khác là đặc điểm của các nhà ống trong khu 36 phố phường. Di sản kiến trúc nhà xưa còn tồn tại ở phố cổ là ngôi nhà số 87 phố Mã Mây được xây dựng vào đầu thế kỷ XIX theo kiểu kiến trúc truyền thống Việt Nam với dùng để ở và bán hàng. Chủ nhà này trước năm 1945 ở đây và bán hàng gạo, sau đó năm 1945 đã bán lại cho một gia đình người Hoa ở và bán thuốc Bắc. Năm 1954, gia đình người Hoa di cư vào Nam, để lại ngôi nhà dưới sự quản lý của nhà nước. Năm 1954, Sở Nhà đất đã cho 5 gia đình đến sinh sống tại ngôi nhà này. Cách kiến trúc, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cho đến những vật dụng sinh sống đều được giữ nguyên tình trạng xưa. Hiện nay cỏn có những kiến trúc cỗ với mặt tiền chật hẹp chỉ vưà một người đi vào như đền Hàng Bạc số 102 ở trong một con ngõ chật hẹp, rộng chưa đến 1m. Hiện nay, là kiểu mẫu của ngôi nhà truyền thống trong khu Phố cổ Hà Nội được bảo quản, dưới sự quản lý của UBND thành phố Hà Nội và được xếp hạng Di sản quốc gia ngày 16/02/2004. Đến năm 1990, khu này được gọi là khu phố cổ.nơi đăy không chỉ đã từng là một trung tâm kinh tế mà còn là một trung tâm văn hoá đa dạng: văn hoá ẩm thực phong phú với nhiều cửa hàng ăn uống nổi tiếng, văn hoá nghệ thuật tiêu biểu của các đoàn Quảng Lạc, Chuông Vàng, Kim Chung, Kinh Phụng; hoạt động sôi nổi của các rạp chiếu phim. Ở đây còn có các trụ sở làm việc của toà soạn các báo trong thời kỳ Cận đại, như Trung Bắc tân văn, Hà thành Ngọ báo, Phong hoá, Tiểu thuyết thứ năm, Tiểu thuyết thứ bảy, Tin tức Đảng Cộng sản Đông Dương, Nhà xuất bản Tân Dân, trụ sở Hội truyền bá Quốc ngữ, Hội Khai trí tiến đức… Năm 2004 có hơn 15.270 gia đình với hơn 66000 người sống trong khu phố cổ. Trong đó có 14,9% sống ở đây từ trước năm 1950 và trung bình có 5,52 hộ gia đình chung sống trong một số nhà. Cùng với dân cư đông đúc là sự xuống cấp của nhiều ngôi nhà. Có tới 63,1% số nhà xuống cấp, 11,7% số nhà hư hỏng và 78 ngôi nhà không đủ điều kiện sống. Nhà ở chật chội, cũ nát, môi trường bị ô nhiễm nặng. Nhiều biệt thự, nhà cổ dựng lên từ đời Pháp thuộc không được trùng tu, sửa chữa nên có thể đổ sập bất cứ lúc nào,nhưng vẫn có rất nhiều người đang cư trú ở đây hoặc làm nơi buôn bán. Những nhà mặt phố diện tích 18-20 m2 không nhiều, chỉ độ vài chục cái, phần lớn là những cửa hàng mua đi, bán lại, cho thuê với diện tích 7-8 m2. Số người có tiền mua nhà ở khu phố cổ, đập đi xây khách sạn hay phá nhà cổ, xây nhà bằng bê-tông tăng dần. Nơi đây vẫn là nơi sầm uất của thủ đô với 453 doanh nghiệp, 419 chi nhánh, cửa hàng, 5.243 hộ kinh tế , 294 hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và 4.949 hộ kinh doanh thương mại, dịch vụ. Hà Nội đang có đồ án quy hoạch phân khu đô thị tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng. Phố cổ Hà Nội về đêm trở nên rất sống động, nhất là vào những ngày cuối tuần. Chỉ cần rảo bước trên các đường đi bộ, người ta sẽ thấy cuộc sống nhộn nhịp: gia đình dắt trẻ nhỏ đi dạo, những nhóm bạn thi tài nhảy múa, du khách dạo phố, chuyện trò...Mặt khác khách có thể thưởng thức ẩm thực phố cổ Hà Nội với phong phú , đâu đâu cũng thấy hàng quán, từ vỉa hè đến hàng quán sang trọng. Những quán cà phê cóc, bia vỉa hè, các hàng lẩu, đồ nướng, bún miến, cháo phở, và đủ các món ăn vặt... xen nhau, tràn cả xuống đường phố. Phố Tạ Hiện là khu phố đêm náo nhiệt nhất ở Hà Nộì , là phố đi bộ nối dài từ Tạ Hiện-Lương Ngọc Quyến - Hàng Bạc thông sang Hàng Ngang -Hàng Đào,phố quen gọi ngõ Quảng Lạc bởi ở giữa phố lcó rạp hát nổi tiếng là Rạp hát Quảng Lạc.Phố nổi tiếng là phố bia.Giới trẻ Hà Nội ngày nay mê ngồi trà đá trên phố Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến hay cà phê ở phố Mã Mây. Vài món ẩm thực có tiếng như : chợ Đồng Xuân: thịt xiên nướng, cháo sườn sụn, bún ốc, bún đậu mắm tôm, chè khoai dẻo...các hàng quán nổi tiếng ăn ngon như phở gánh Hàng Chiếu, phở Bát Đàn, phở Lý Quốc Sư... Bún chả Hàng Mành.Kem Tràng Tiền. Xôi chè bà Thìn,Bánh trôi tàu Hàng Bạc,chả cá Lã Vọng, đường Thành... Khi các thành phố lên đèn thì nơi đây biến thành sân khấu ngoài trời cho các nhóm nghệ sĩ tài năng biểu diễn, từ cổ truyền, dân gian, cho đến các tiết mục ca hát, nhảy múa, hòa tấu nhạc đương đại... Từ 1/10/2004 nhiều đường phố trong khu phố cổ được dành riêng cho bộ hành và hoạt động vào các buổi tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hằng tuần Nguồn gốc tên gọi Hà Nội 36 phố phường khó xác định rõ ràng,các sách sử hay địa dư cổ không nói đến tên này. Hà Nội 36 phố phường không có trong lịch sử. Hà Nội chỉ có 36 phường vào thời Lê và có hơn 50 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” ở cuối thế kỷ 19. Vào thập kỷ 1890 thế kỷ 19 đã có hai nhà thơ viết về Hà Nội 36 phố phường. Bài 1 có đầu đề "Ba mươi sáu phố phường Hà Nội", tác giả khuyết danh, bài 2 có đầu đề "Hà Nội 36 phố phường", tác giả Đặng Huy Thu. Mỗi bài đều kể ra đủ tên 36 phố phường, có điều là tên phố trong hai bài khác nhau khá nhiều và khoảng nửa số phố trong mỗi bài ta có thấy được tên trên bản đồ Hà Nội năm 1890 do nhân viên Sở Lục lộ thành phố vẽ. Sang thế kỷ 20, Trần Huy Bá có chép lại bài hát bản đồ Hà Nội trong sách Đồng Khánh địa dư với đầu đề là "Hà Nội có 36 phố phường từ bao giờ?" song trong bài không có tên phố nào mà chỉ có tên vài chục phường. Tư liệu lịch sử tên các phố phường Hà Nội có thể tra cứu trong các sách dư địa chí triều Nguyễn mà cuốn Đại Nam nhất thống chí do quốc sử quán triều Nguyễn (đời Tự Đức) soạn và cuốn Đồng Khánh địa dư chí lược soạn vào đời Đồng Khánh 1886-1888 là đầy đủ hơn cả. Sách Đại Nam nhất thống chí chép tên 21 phố, còn bản đồ Hà Nội trong sách Đồng Khánh địa dư chí đã chép gần đủ tên 36 phường ở Hà Nội, không thấy chép tên phố nào, nếu dùng cả sách Chuyến điBắc Kỳ năm Ất Hợi 1876 của Trương Vĩnh Ký bổ sung thêm 2 phố thì cũng chỉ được 23 phố. Vậy 36 phố mới tìm được 23 phố, còn 13 phố chỉ có thể tìm trong các tư liệu của Pháp hay của người nước ngoài khác ghi chép để lại; tư liệu đó có thể là các bản đồ, các bài báo, bài ký sự của các phóng viên, ký giả người nước ngoài. Tất cả các tên phố khác, trước sau nếu trùng với tên phố đã liệt kê trước rồi đều bỏ không dùng để tránh sự trùng lặp, chỉ dùng những phố mới không trùng với các tên cũ. Năm 1883, sau khi đánh chiếm xong thành Hà Nội,người Pháp đã cho sĩ quan Lai Nay vẽ một bản đồ Hà Nội để có thể khai thác được tên phố mới, một bài báo của một nhà báo Pháp thường trú ở Hà Nội năm 1883 đã mô tả lại các chợ phiên ở Hà Nội, những người từ các vùng xung quanh đem hàng đến các phố Hàng Đồng, Hàng Khoai, Hàng Nón bán hàng; trong ba phố đó thì phố Hàng Nón là phố mới không trùng tên với các phố cũ. Tên các phố ở Hà Nội bị cháy từ 1883-1888 do Claude Bourrin ghi lại đăng trong sách Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 - Nguyễn Văn Uẩn. Sách Lịch sử thủ đô Hà Nội của Trần Huy Liệu còn ghi thêm được tên ba phố mới không trùng tên với các phố cũ(5). Những tư liệu trên giúp ta khai thác được tên 13 phố mới, cộng với 23 phố cũ vừa đủ 36 phố: 1. Phố Hà Khẩu: Hàng Buồm (Đại Nam nhất thống chí); 2. Phố Việt Đông: Hàng Ngang (Phố Việt Đông, Trương Vĩnh Ký ghi là ph. Quảng Đông, nên ghi chú là phố Hàng Ngang); 3. Phố Hàng Mã; 4. Phố Hàng Mắm; 5. Phố Báo Thiên: Hàng Trống (Phố Báo Thiên ở phường Báo Thiên . 6. Phố Nam Hoa: Hàng Bè; 7. Phố Hàng Bồ; 8. Phố Vàng Bạc: Hàng Bạc ( Đại Nam nhất thống chí ghi là phố Vàng Bạc); 9. Phố Hàng Giấy; 10. Phố Mã Mây; 11. Phố Đồng Lạc 12. Phố Thái Cực: Hàng Đào (Phố Đồng Lạc và phố Thái Cực sau này là phố Hàng Đào; 13. Phố Đông Hà: Hàng Chiếu; 14. Phố Phúc Kiến: Lãn Ông; 15. Phường Phục Cổ: Nguyễn Du; 16. Phường Hàng Lam: phố Thợ Nhuộm 17. Phường Đồng Xuân; 18. Phường Thanh Hà; 19. Phường Hàng Gai; 20. Phường Hàng Đẫy; 21. Phường Hàng Chè; 22. Phường Hàng Muối (theo Trương Vĩnh Ký ); 23. Phố Quảng Minh Đình, 24. Phố Hàng Đường, 25. Phố Hàng Mành; 26. Phố Hàng Hòm; 27. Phố Hàng Gà; 28. Phố Hàng Đồng; 29. Phố Hàng Nón ; 30. Phố Hàng Vai; 31. Phố Hàng Lược; 32. Phố Hàng Bông, 33. Phố Lò Sũ; 34. Phố Bắc Ninh (nay là phố Nguyễn Hữu Huân); 35. Phố Hàng Tre; 36. Sở Lục lộ: Hàng Vôi Tất cả tên 36 phố kể trên đều thuộc huyện Thọ Xương (̀nay là quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng hiện nay), không có một tên phố nào thuộc huyện Vĩnh Thuận. Trên bản đồ huyện Thọ Xương (tỉnh Hà Nội trong sách Đồng Khánh địa dư chí 1886 đã ghi được tên 34 phường; nếu bổ sung tên phường Đồng Xuân và phường Hòe Nhai ghi trong sách Tìm về cội nguồn thì vừa đủ 36 phường như sau: 1. Phường Nhật Chiêu; 2. Phường Trích Sài; 3. Phường Võng Thị; 4. Phường Yên Thái; 5. Phường Hồ Khẩu; 6. Phường Thụy Chương; 7. Phường Bái Ân; 8. Phường Tây Hồ; 9. Phường Quảng Bá; 10. Phường Nghi Tàm; 11. Phường Yên Phụ; 12. Phường Thạch Khối; 13. Phường Giai Cảnh; 14 Phường Vĩnh Hanh; 15. Phường Đông Hà;16. Phường Đông Hà;17. Phường Diên Hưng; 18. Phường Ngư Võng; 19. Phường Hà Khẩu; 20. Phường Đồng Lạc; 21. Phường Đại Lợi; 22. Phường Đông Tác 1: Hàng Bạc ;23. Phường Đông Tác 2: ở phía bắc hồ Bảy Mẫu (Phường Đông Tác 2: ở phía bắc hồ Bảy Mẫu, phía đông phố Kim Liên và thôn Trung Phụng);24. Phường Thanh Hà; 25. Phường Hội Vũ; 26. Phường Báo Thiên; 27. Phường Tự Pháp; 28. Phường Cổ Vũ; 29. Phường Kim Liên; 30. Phường Phúc Lâm; 31. Phường Nhược Công; 32. Phường Thịnh Hào; 33. Phường Bạch Mai; 34. Phường Phục Cổ; 35. Phường Đồng Xuân; 36. Phường Hòe Nhai . Theo thống kê , khu 36 phố phường trước năm 1954 có 115 cơ sở tôn giáo tín ngưỡng, tới nay hiện còn 54 ngôi đình, 6 chùa, 22 đền, 3 miếu, tổng cộng là 85 cơ sở nằm trên khu vực gần 100 mẫu tây, mật độ các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng ở khu phố cổ thuộc loại cao. Nhiều cơ sở được khởi dựng từ thế kỷ XI cùng thời bắt đằu xây dựng thành Thăng Long. Các ngôi đình đã được Bộ Văn hoá thông tin xếp hạng: đình Thanh Hà (10Ngõ Gạch), đình Yên Thái (8 ngõ Tạm Thương), đình Tú Thị (2A ngõ Yên Thái), đình Thái Cam (44 Hàng Vải), đình Đức Môn (38 B Hàng Đường), đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào).Một số đình khác đang chở xếp hạng như đình Lò Rèn, đình Trung Yên, Đình Kim Ngân, đình Trương Thị… Những khu chợ với đủ các mặt hàng , với lối mua bán đôi khi vẫn theo truyền thống nói thách và mặc cả, như ở Chợ Đồng Xuân. Ngày nay khu này có 76 phố, ngõ. Trên 50 phố và ngõ bắt đầu bằng chữ Hàng, gồm có : Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bè, Hàng Bồ, Hàng Bông, Hàng Bột (ngõ), Hàng Buồm, Hàng Bún, Hàng Chai, Hàng Cháo, Hàng Chỉ (ngõ), Hàng Chiếu, Hàng Chĩnh, Hàng Chuối, Hàng Cỏ (ngõ), Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Dầu, Hàng Đào, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Giày, Hàng Giấy, Hàng Hành, Hàng Hòm, Hàng Hương, Hàng Khay, Hàng Khoai, Hàng Lược, Hàng Mã, Hàng Mành, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Ngang, Hàng Nón, Hàng Phèn, Hàng Quạt, Hàng Rươi, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Thịt (ngõ), Hàng Tre, Hàng Trống, Hàng Vải, Hàng Vôi. Ngày nay Hà Nội không còn là thành phố xe đạp như xưa. Công chức đi xe gắn máy đến sở làm, các bến giữ xe gắn máy hay mô tô choán cả lề đường gây khó khăn cho bộ hành. Khu phố cổ Hà Nội đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2004. Trải qua thời gian và biến đổi của lịch sử, phố phường Hà Nội xưa đã thay đổi nhiều về tên gọi, nhưng một số phố phường vẫn giữ nguyên tên cũ như gợi nhắc Thăng Long- Hà Nội thời xưa. Tham khảo [1]-Thạch Lam- Hà Nội 36 phố phường,nxb Văn Học [2]̉-Nguyễn Trãi-Dư địa chí [3]-Đại Việt sử ký tục biên [4]- Phạm Đình Hổ -Vũ Trung tùy bút [5]-Paul Bourne-Hanôi, nxb Magellan [6]̉-Dương Quảng Hàm-Việt Nam thi văn hợp tuyển [7]-Đồng Khánh địa dư chí 1886 .
Nguyễn Hoạt
=============
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ