Thứ Năm, 17 tháng 8, 2023

bài đáng đọc : " Nhà Thơ HOÀI VŨ-- Ngưới Mắc Nợ Những Dòng Sông [ i.e. Nguyễn Đình Vọng 1935 / Sài Gòn -- bài vết: Lê Thị Bích Hồng -- trích: Giao Blog ( Hà Nội)

 

Nhà thơ Hoài Vũ – Người ‘mắc nợ’ những dòng sông

LÊ THỊ BÍCH HỒNG

Hoan hỉ cầm trên tay tập thơ Thì thầm với dòng sông (NXB Hội Nhà văn 2023) do nhà thơ Hoài Vũ ký tặng, gửi ra từ TP.HCM và liền đó là cuộc gọi từ số điện thoại lạ. Tôi nghe máy và thực sự xúc động biết chủ nhân cuộc gọi chính là nhà thơ Hoài Vũ.


Giọng ấm áp, rõ ràng, điềm đạm, ông ân cần, chu đáo gọi điện nhẹ nhàng hỏi cuốn thơ đã đến tay người nhận chưa. Nhà thơ vui lắm khi nghe tôi nói nghiên cứu thơ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước và ông là một trong những nhà thơ thuộc đối tượng nghiên cứu trong Luận án Tiến sĩ mà tôi vô cùng quý trọng…

Nhà thơ Hoài Vũ tại chương trình “Thì thầm với dòng sông” do Liên hiệp các Hội VHNT TPHCM và Hội Nhà văn VN tổ chức để tôn vinh ông vào tháng 01.7.2023

Cơ duyên với đất và người Nam Bộ


Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng sinh ngày 25.8.1935 trong một gia đình có truyền thống yêu nước cách mạng tại xã Đức Lân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 11 tuổi, ông vào học trường Trường Thiếu sinh quân, phục vụ Phòng Quân nhu Bộ Tư lệnh Quân khu 5. Tròn 18 tuổi (1954), Nguyễn Đình Vọng tập kết ra Bắc…

Cuối năm 1963, Hoài Vũ được tập trung luyện tập vượt Trường Sơn vào Nam cùng các văn nghệ sĩ: Mai Lộc, Trần Đình Vân (Thái Duy), Ngô Y Linh, Hồng Sến, Kim Chi, Thái Ly… Đoàn đi ròng rã gần 4 tháng, vượt bao hiểm nguy, gian khổ, những trận sốt rét ác tính. Tháng 3.1964, đoàn về đến căn cứ Trung ương Cục miền Nam…

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Ngãi, nhưng sự nghiệp văn chương của Hoài Vũ lại gắn bó bền chặt với mảnh đất Nam Bộ trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, ác liệt, khiến có người tưởng ông là người Nam Bộ thứ thiệt. Mỗi tác phẩm ra đời đều có duyên nợ với mảnh đất đã chở che ông và đồng đội. Ông biết ơn nhân dân cưu mang, đùm bọc; tri ân với bao đồng đội đã ngã xuống trong hành trình đến ngày chiến thắng như: Lê Anh Xuân, Nguyễn Thi, Trần Hữu Trang… Qua mưa bom bão đạn, nhà thơ – chiến sĩ Hoài Vũ cảm thấy mình may mắn được sống và sáng tác. Ông đã trở thành gương mặt thơ tiêu biểu của miền Nam thành đồng.

Nhìn vào sáng tác và tên bút danh, hình thư ông “hợp nước” như có lần ông từng chia sẻ Hoài Vũ tức là “nhớ mưa” gắn với những kỷ niệm không quên. Cũng là nước, nhưng thơ ông lại cực kỳ duyên với nước từ những dòng sông. Tên tuổi ông gắn bó mật thiết với những dòng sông bắt đầu từ Vàm Cỏ Đông đến Gửi miền hạ (Anh ở đầu sông em cuối sông), Thì thầm với dòng sông, Xa rồi sông Hậu, Trời mênh mông, nước mênh mông, Em về bên kia sông… và cả dòng sông ở ngoài nước như Tình ca Đa –nuýp

Hai nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phan Hoàng cùng kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu chúc mừng nhà thơ lão thành Hoài Vũ.

Mỗi sáng tác của Hoài Vũ đều kết tinh, tổng hợp từ vốn sống thực tế của mình, đồng đội, nhân dân; có xuất xứ, có đời sống chiến đấu; được viết bằng tấm lòng chân thành chắt ra từ yêu thương, rung động của trái tim.

Là Ủy viên thường trực Hội Văn nghệ “R”, trải nghiệm cuộc sống chiến đấu từ bưng biền Đồng Tháp Mười đến “chân trời miền hạ” đã cho nhà thơ nhiều chất liệu quý giá.

Bài thơ Vàm Cỏ Đông ra đời trong một hoàn cảnh đặc biệt trong lần đầu tiên cùng nhà thơ Giang Nam từ “R” về miền hạ chiến trường Long An cuối năm 1963. Mỹ bắt đầu đổ quân vào miền Nam. Hai anh em vượt sông Vàm Cỏ trong tầm kiểm soát gắt gao của tàu giặc; vượt bao hiểm nguy về nằm giấu mình trong chòi nuôi vịt giữa cánh đồng (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ). Trong nỗi xúc động tràn trào, nhà thơ Giang Nam sáng tác bài thơ Qua sông Vàm Cỏ với hình ảnh xúc động ra đời ngay thời điểm cuộc chiến khốc liệt phải đổi bằng tính mạng, hy sinh: “Cô gái áo xanh quai chèo nhè nhẹ/ Nắng gió mơn man đôi cánh tay tròn…”. Còn Hoài Vũ viết bài thơ Vàm Cỏ Đông rất nhanh, câu chữ bật ra từ cảm xúc nóng hổi:

Ở tận sông Hồng, em có biết/ Quê hương anh cũng có dòng sông/ Anh mãi gọi với lòng tha thiết:/ Vàm Cỏ Đông! Ơi Vàm Cỏ Đông!

Đây là một trong những bài thơ tình yêu tiêu biểu của thơ ca thời kỳ kháng chiến chống Mỹ: da diết mà cháy bỏng, lãng mạn mà hào hùng, âm thầm mà mãnh liệt, đậm chất trữ tình, sử thi…

Từ bài thơ Vàm Cỏ Đông, sông Vàm Cỏ trở nên thân thuộc với đồng bào cả nước với sức sống bền bỉ vượt thời gian, gắn bện sâu sắc với cuộc đời, sự nghiệp nhà thơ Hoài Vũ.

Từ trái sang, các nhà văn nhà thơ: Hoài Vũ, Nguyễn Quang Sáng, Trần Đình Vân, Giang Nam và Chim Trắng ở chiến trường Tây Ninh, 1974. 

Năm 1968 khi theo đoàn quân vào Sài Gòn, miền Tây Nam Bộ, ông bị sốt rét phải nằm lại Trạm giao liên Đồng Tháp Mười. Nhà thơ Hoài Vũ được các nữ giao liên trong Trạm chăm sóc chu đáo, tận tình. Trong số các cô giao liên đó, ông có cảm tình đặc biệt với cô Lan.

Thời gian sau quay trở lại thì cả rừng tràm đã xác xơ vì bom đạn tàn phá và ông xa xót biết Lan hy sinh ngay dưới gốc tràm. Ngay đêm đó, ông chong đèn viết một mạch bài thơ Đi trong hương tràm, không sửa một chữ trong cảm xúc đau đớn, mất mát đến xé lòng:

Gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu/ Có nỗi thương đau, có niềm hy vọng/ Bầu trời thì cao, cánh đồng thì rộng/ Hương tràm bên anh mà em đi đâu?

Trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân, người dân vùng địch hậu đã đùm bọc, che chở cho Hoài Vũ và đồng đội. Một lần, trên đường đi công tác, đoàn của ông bị địch bất ngờ tập kích, hai chiến sĩ bảo vệ hy sinh. May mắn thoát chết, ông chạy vào một ấp chiến lược và được hai cô gái Duyên và Hạnh là du kích nằm vùng che chở, giúp đỡ.

Trước giờ phút chia tay xúc động, để đền đáp tấm lòng, nghĩa tình của người dân Nam Bộ, Hoài Vũ sáng tạo cuộc chia ly của đôi lứa trong chiến tranh sáng tác bài thơ Hoàng hôn lặng lẽ: “Anh phải về thôi, xa em thôi/ Ngoài kia phiên chợ vãn lâu rồi/ Giọt nắng cuối ngày rơi xuống tóc/ Mà lời từ biệt chẳng lên môi/ Anh phải về thôi, xa em thôi/ Xa vườn cây, đêm chờ giặc, ta ngồi/ Hoa khế rụng tím ngần lối nhỏ/ Để mãi lòng ta xao xuyến bồi hồi…”

Cảnh sắc, con người thấm vào thơ Hoài Vũ rất lắng, rất lâu. Chiếc cầu tre lắt lẻo, gập ghềnh đi vào thơ Hoài Vũ hồn hậu, tự nhiên: “Tôi yêu cây cầu tre, chiều qua, sáng lại/ Nước có tương tư, khi nước chảy qua cầu”; và trên cây cầu tre ấy: “người giao liên dìu nàng qua cầu tre nghiêng nghiêng” (Qua cầu tre nghiêng nghiêng).

Đồng lúa thơm, rừng mía níu chân người chiến sĩ trên chặng đường hành quân: “Từ đó anh đi xa Vàm Cỏ/ Băng đường khô, vẫn ngóng đường xuồng/ Vẫn nhớ tóc người em gái nhỏ/ Vị ngọt ngào lóng mía quê hương” (Rừng mía quê hương); “Thương lắm thay cánh đồng miền Hạ/ Những Nàng Thơm vàng mơ óng ả/ Như con người một tấc không đi/ Bám trụ cùng ta trong kháng chiến trưởng kỳ” (Nàng Thơm); “Đồng ruộng ta nay thành chiến lũy/ Vườn thơm ta sâu thẳm chiến hào” (Gởi Bến Lức); “Mùa nước nổi, sóng Vàm Cỏ Tây đang vỗ/ Tiếng vọng thầm thì khúc nhạc tình yêu” (Long An, ngày trở lại)…

“Hôm đó, Giang Nam mang bên mình chiếc radio và kêu tôi lại cùng nghe. Nghe thơ Vàm Cỏ Đông lúc đang chiến đấu ở Vàm Cỏ Đông thì sướng biết chừng nào” – nhà thơ Hoài Vũ kể về lần đầu tiên nghe bài hát Vàm Cỏ Đông trên đài.

Cơ duyên, cộng hưởng thơ – nhạc


Lấy cảm xúc chân thành làm thế mạnh, nhà thơ Hoài Vũ đã tạo cho mình một lối đi riêng và làm nên một phong cách riêng. Thơ ông giàu cảm xúc, trữ tình, đằm thắm, dung dị như con người của ông vậy. Thơ là tiếng lòng tha thiết, trìu mến, yêu thương quê hương, đất nước, con người. Dù trong hoàn cảnh nào, dù khốc liệt đến mấy, nhà thơ vẫn làm chủ dòng cảm xúc từ trái tim.

Thơ Hoài Vũ giàu nhạc điệu. Đó là cơ sở nhiều bài thơ của ông đã được các nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng đi cùng năm tháng, như: Vàm Cỏ Đông, Trên mảnh vườn cô dũng sĩ, Rừng mía quê hương, Nàng Thơm, Một thoáng đầm sen (Trương Quang Lục); Anh ở đầu sông em cuối sông, Người ấy bây giờ đang ở đâu, Tình ca Đambri, Dấu chân em đâu, Gởi Bến Lức, Xa rồi sông Hậu, Giữa đồi dâu Bảo Lộc, Nắng gió Vũng Tàu, Chiều chiều trên biển Cần Giờ, Xa vắng (Phan Huỳnh Điểu); Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn, Thì thầm với dòng sông, Gởi lòng theo ngọn trúc đào (Thuận Yến); Gởi em cô gái Gò Công (Lê Lôi); Tâm tình trước ngã ba sông (Lương Hải); Cô thợ thêu ấy (Lư Nhất Vũ); Nỗi niềm (Thế Bảo); Gửi lại Chư Sê (Phạm Thế Mỹ); Em về bên kia sông (Kiều Tấn); bài vọng cổ Dòng sông quê em (soạn giả Huyền Nhung), Bên sông Vàm Cỏ (soạn giả Trọng Nguyễn), Anh ở đầu sông, em cuối sông (soạn giả Mai Thanh Phượng)…

Những bài thơ của ông đã được nhạc sĩ cộng hưởng cảm xúc, chắp cánh cho giai điệu lan tỏa, vang xa lay động.

Nhà thơ Hoài Vũ xúc động khi lần đầu nghe bài thơ Vàm Cỏ Đông trong chương trình Tiếng thơ (Đài Tiếng nói Việt Nam): “Hôm đó, Giang Nam mang bên mình chiếc radio và kêu tôi lại cùng nghe. Nghe thơ Vàm Cỏ Đông lúc đang chiến đấu ở Vàm Cỏ Đông thì sướng biết chừng nào. Năm 1966, nhạc sĩ Trương Quang Lục khi ấy đang là kỹ sư hóa chất Nhà máy Lâm Thao, tình cờ nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết ngâm Vàm Cỏ Đông, đọc bài thơ trên báo Văn nghệ, anh ấy xúc động phổ nhạc. Và lần đầu tôi được nghe bản nhạc Vàm Cỏ Đông phát trên đài cũng vào một đêm nằm cạnh Giang Nam bên sông Vàm Cỏ Đông. Nhạc sĩ phổ nhạc đã chắp thêm đôi cánh cho bài thơ bay xa”.

Vàm Cỏ Đông là một trong những ca khúc được chọn phát khi làm việc trong Ban trao trả tù binh sau Hiệp định Pari năm 1973; được sử dụng làm nhạc hiệu của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An…

Nhà thơ Hoài Vũ có gương mặt phúc hậu, tính tình hiền hòa, đôn hậu, thân thiện, nhẹ nhàng, chậm chãi, khoan thai, đậm chất Nam Bộ. Mỗi khi ai hỏi về giải thưởng văn học nghệ thuật, ông chỉ cười hiền hiền, nhìn với anh mắt trìu mến, an nhiên, tự tại. Chạm vào dòng suy nghĩ nghề văn của ông đã như một câu trả lời: “Tôi viết văn, làm thơ với niềm đam mê không bao giờ vơi cạn. Hạnh phúc lớn nhất đến với người cầm bút dẫu năm tháng qua đi, người đọc vẫn nhớ đến tác phẩm của mình như nhớ đến một hình bóng thương yêu thoáng qua đời họ”.

Tôi tin, Nhà nước luôn ghi nhận sự cống hiến xứng đáng của văn nghệ sĩ cho nền văn học nghệ thuật nước nhà và Hoài Vũ là một nhà thơ – chiến sĩ trong số đó.

Nhà văn Trần Nhã Thụy tặng sách, họa sĩ Lê Sa Long tặng tranh chân dung nhà thơ Hoài Vũ

Vài nét về nhà thơ Hoài Vũ

Nhà thơ Hoài Vũ hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ, báo chí, đảm nhiệm nhiều vị trí công tác: Ủy ban thường trực Tiểu ban Văn nghệ khu Sài Gòn – Gia Định; Ủy viên thường trực Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam; Tổng Biên tập báo Văn nghệ Giải phóng. Sau 4.1975, Hoài Vũ là ủy viên Ban biên tập Tuần báo Văn nghệ, Phó Giám đốc NXB Tác phẩm Mới (Hội Nhà văn Việt Nam), ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM, Phó Tổng biên tập báo Sài Gòn Giải phóng, Tổng biên tập tạp chí Nhịp sống Sài Gòn…

Nhà thơ, nhà báo Hoài Vũ sáng tác thơ, văn và dịch thuật, trong đó thơ là thế mạnh tạo nên dấu ấn phong cách. Ông là tác giả các tập thơ: Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông (1989), Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn, Thơ với tuổi thơ, Lời thì thầm của dòng sông.

Ngoài thơ, Hoài Vũ viết văn xuôi với các tập truyện ngắn: Tiếng sáo trúc, Rừng dừa xào xạc (1977), Quê chồng (1978), Bên sông Vàm Cỏ (1980), Bông sứ trắng (1980), Vườn ổi (1982), Gái thời chiến (2020).

Và Hoài Vũ là dịch giả nhiều tác phẩm dịch từ văn học Trung Quốc đương đại: Người đàn bà bất hạnh, Loạn luân, Nữ điền chủ cuối cùng, Hồn ma, A-sư-ma bé bỏng, Đèn lồng đỏ treo cao, Gió mưa đưa đẩy đôi ta, Hoa trong tuyết.

LÊ THỊ BÍCH HỒNG

Báo Thể Thao & Văn Hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét