Thứ Tư, 12 tháng 7, 2023

đọc thêm (3) : " Bí ẩn chưa từng có trong lịch sử văn học : T.T.Kh, người là ai ? " - - trích : https://www.nguoiduatin.vn> -- 08/ 10/ 2026.

 

Bí ẩn chưa từng có trong lịch sử văn học: T.T.Kh, người là ai?

Bí ẩn chưa từng có trong lịch sử văn học: T.T.Kh, người là ai?

Thứ 7, 08/10/2016 | 20:55
Chỉ với bốn bài thơ và một bút danh đầy bí ẩn, thi sĩ T.T.Kh đã khiến văn đàn Việt Nam gần 80 năm nay phải thổn thức, trăn trở. Vậy T.T.Kh, người là ai?

Ngay sau khi bài thơ Hai sắc hoa Ti – gôn được đăng vào ngày 23/9/1937 trên tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, T.T.Kh bỗng dưng trở thành một hiện tượng của văn đàn Việt Nam lúc bấy giờ. Những bài thơ của T.T.Kh nổi lên như một tràng pháo hoa rực rỡ nhưng mang chút hoài niệm rồi sau đó lại biến mất như chưa từng tồn tại khiến người ta phải bồi hồi, xao xuyến rồi thẫn thờ suốt 80 năm nay.

Bài thơ Hai sắc hoa Ti – gôn được lấy cảm hứng từ truyện ngắn Hoa Ti – gôn của tác giả Thanh Châu (đăng vào tháng 7/1937). Câu chuyện kể về mối tình ngang trái của chàng họa sĩ và một cô gái trẻ. Cô gái đã cố gắng thoát khỏi những bó buộc về lễ giáo, định kiến xã hội để được hạnh phúc bên người mình yêu. Cho đến cuối cùng, sự can đảm của cô gái không đủ để giúp cô thoát khỏi những sắp đặt của định mệnh. Cô gái và chàng họa sĩ không thể thực hiện được mơ ước bên cạnh nhau. Bốn năm sau, cô mất. Câu chuyện tình kết thúc với sự vấn vương, ám ảnh của những sợi hoa Ti – gôn trên nấm mộ của nàng và trong căn phòng của chàng như thể hiện sự nuối tiếc.

Tin cũ - Bí ẩn chưa từng có trong lịch sử văn học: T.T.Kh, người là ai?

Những chùm hoa Ti - gôn đã ám ảnh Thanh Châu và T.T.Kh bởi hình ảnh trái tim vỡ. Ảnh: Internet.

Quả thực, người ta sẽ không nhớ, không ấn tượng với câu chuyện đó nếu không có bài thơ Hai sắc hoa Ti – gôn của T.T.Kh được đăng ngay sau đó 2 tháng (9/1937). Bài thơ là sự “xúc cảm hóa”, “nội tâm hóa” câu chuyện Hoa Ti – gôn kể trên. Và đồng thời, nó cũng như một lời đáp trả của cô gái dành cho chàng trai trong câu chuyện.

Sau đó, T.T.Kh còn đăng đàn ba bài thơ nữa rồi mới biến mất hoàn toàn. Đặc biệt những bài thơ của T.T.Kh đều có giọng điệu như trách móc, hờn dỗi, nói xa nói gần thì đều xuất phát từ hoàn cảnh, điểm nhìn của một cô gái tình duyên không như ý.

Chính sự trùng hợp giữa câu chuyện của nhà văn Thanh Châu và những bài thơ của T.T.Kh đã khiến mọi sự nghi ngờ đều tập trung vào những mối quan hệ xung quanh nhà văn. Tuy nhiên, trong quá trình “lần ra dấu chân người”, có khá nhiều thông tin đa chiều, được truyền tai nhau trong giới văn học khiến công cuộc vén màn bí mật T.T.Kh ngày càng phức tạp và nhiễu loạn. Có rất nhiều “ứng viên” được đưa lên “bàn cân” để đo ni đóng giày cho bút danh T.T.Kh.

Nguyễn Vỹ - một nhà thơ mới đương thời đã chia sẻ một câu chuyện trên Tạp chí Phổ Thông vào những năm 1960. Ông cho biết, một buổi tối trên đường về nhà, ông gặp Thâm Tâm đang lang thang. Ông mời Thâm Tâm về nhà mình uống rượu. Ngà ngà say, Thâm Tâm kể chuyện tình của mình. Thâm Tâm cho biết, người yêu của mình là một nữ sinh tên là Trần Thị Khánh. Nàng đã có lần gợi ý Thâm Tâm đến nhà hỏi cưới nhưng chàng bảo sự nghiệp chưa có gì. Bẵng đi một thời gian, một hôm chàng nhận được phong thư báo tin nàng sắp lấy chồng. Đã bị người yêu bỏ đi lấy chồng, lại còn bị đám bạn chế nhạo, Thâm Tâm đâm ra bị quê. Vì thế đã phải thức một đêm để làm một bài thơ tựa đề là Hai sắc hoa ti gôn, ký tên T.T.Kh. Thâm Tâm làm như vậy với dụng ý để các bạn của mình tin là của Khánh làm, cho khỏi mang tiếng bị tình phụ. Sau đó, Thâm Tâm gửi bài thơ tới tòa soạn. Về phần cô gái đó, sau khi đọc được bài thơ Hai sắc hoa ti gôn, liền viết thư phản đối Thâm Tâm kịch liệt. Thâm Tâm bèn lấy những câu chữ trong bức thư này để viết tiếp các bài thơ sau này và vẫn kí là T.T.Kh...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng chính Trần Thị Khánh (em họ nhà thơ Tế Hanh) mới là T.T.Kh. Phỏng đoán đó cũng dựa trên chính kí tự viết tắt của bút danh đối chiếu với tên thật của bà. Rồi chỉ dựa vào một chi tiết “vườn Thanh” mà Nguyễn Bính cũng từng được xếp vào “diện nghi vấn”. Nhưng tất cả những phỏng đoán trên đều chỉ dừng lại ở “phỏng đoán” vì không có một “ứng cử viên” nào chính thức lên tiếng để khẳng định mình là T.T.Kh, tất cả những câu chuyện trên đều chỉ do một người thứ ba nói lại. Đồng thời, cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh của Thâm Tâm hay Nguyễn Bính đều quá “cũ” và “Việt” so với T.T.Kh – một lối chữ tân thời và mang hướng ngoại lai.

Cho đến cuối cùng thì tất cả mũi nhọn lại một lần nữa dồn về phía nhà văn Thanh Châu – tác giả của truyện ngằn Hoa Ti – gôn. Cả T.T.Kh và cả Thanh Châu dường như đều có một ám ảnh về loài hoa Ti – gôn. Chính loài hoa này đã khơi dòng tâm sự, khơi mạch nghệ thuật cho cả hai người. Trong truyện ngắn, cánh hoa Ti - gôn từ chỗ là nguồn cảm hứng bao la của chàng họa sĩ trẻ khi gặp người con gái cho đến chỗ là thông điệp của bi kịch khi chàng nhận phong thư báo tang viền đen có ép một dây hoa Ti - gôn nhỏ rơi ra. Thì trong những bài thơ của T.T.Kh, cánh hoa Ti - gôn từ chỗ là niềm vui, niềm mong đợi của người con gái rồi dần trở thành sự giận dỗi, trách móc người đã nhắc đến hoa: “Đẹp gì một mảnh lòng tan vỡ/ Đã bọc hoa tàn dấu xác xơ”. Dường như T.T.Kh thông qua những bài thơ của mình, đối thoại với tác giả truyện ngắn Hoa Ti - gôn đó một cách tài hoa, khéo léo. Trần Đình Thu – tác giả cuốn sách Giải mã nghi án văn học T.T.Kh đã có dịp nói chuyện với nhà văn Thanh Châu. Và trong cuộc nói chuyện đó, chính Thanh Châu đã công nhận rằng quả thật những câu thơ của T.T.Kh đều có hàm ý đối thoại và trách móc ông. Vậy, chắc chắn T.T.Kh phải là người đã từng có mối quan hệ thân tình với Thanh Châu nhưng... cuối cùng chẳng đi đến đâu.


-------------------



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét