" Nhạc Sĩ Tôn Thất Lập Qua Đời "/ Hoàng Dung - Mai Nhật " -- trích : VnExpress , 26/ 07/ 2023.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập qua đời
TP HCMNhạc sĩ Tôn Thất Lập, tác giả "Hát cho dân tôi nghe", qua đời ở tuổi 81, tại Bệnh viện 175, sau thời gian trị bệnh, sáng 26/7.
Lễ viếng nhạc sĩ từ 9h ngày 28 đến 29/7 tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, quận Gò Vấp. Lễ truy điệu lúc 6h ngày 30/7, sau đó, nhạc sĩ được an táng tại Nghĩa trang TP HCM.
Nhạc sĩ Tôn Thất Thành - em trai nhạc sĩ Tôn Thất Lập cho biết - ông bị ung thư trực tràng, điều trị nhiều năm qua ở Viện Ung Bướu và Y học hạt nhân, Bệnh viên Quân y 175. Vài tháng trước, ông lại trải qua một đợt đột quỵ, may mắn vượt qua song sức khỏe giảm sút. Đến sáng 26/7, ông qua đời nhẹ nhàng bên vòng tay người thân. Theo người em, dù mắc bạo bệnh, những năm cuối đời, ông vẫn dốc lòng cho nghiệp sáng tác. Sau mỗi đợt xạ trị lẫn hóa trị, ông lại gượng đau, ngồi vào bàn tự viết hoặc phổ nhạc từ thơ, cho ra đời nhiều ca khúc về tuổi trẻ - mảng đề tài từng giúp ông thành danh đầu sự nghiệp.
Nhận tin, nhạc sĩ Trương Quang Lục - 90 tuổi, tác giả ca khúc Vàm Cỏ Đông - cho biết dù hiểu quy luật sinh tử, ông rất buồn khi đồng nghiệp qua đời. "Tôn Thất Lập là một trong những nhạc sĩ đi đầu khi sáng tác cổ vũ phong trào phản chiến mang tên Hát cho đồng bào tôi nghe", ông Trương Quang Lục nói.
Ca sĩ Cẩm Vân biết ông những năm 1990, khi ấy nhạc sĩ đã vang danh với loạt sáng tác như Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Tình yêu mãi mãi. Sau này, cả hai có dịp thân thiết hơn khi lưu diễn châu Âu đầu thập niên 2000 cùng một số nghệ sĩ TP HCM, ông làm trưởng đoàn. Trong ký ức của ca sĩ, ông hiền lành, điềm đạm, ít nói nhưng quan tâm đàn em từng ly từng tí. "Ông từng khen tôi có chất giọng đặc biệt, nhiều 'lửa'", Cẩm Vân nói.
Năm 2022, lần cuối gặp ông trong một sự kiện, Cẩm Vân nhận ra nhạc sĩ ốm, sụt ký nhiều. Hỏi thăm, ông cười hiền cho biết chỉ là bệnh tuổi già. Nhạc sĩ ngỏ lời mời chị hát hai bài trong một liveshow ông đang lên kế hoạch thực hiện khi ấy. "Sau đó, tôi không thấy ông gọi lại, dự định tham gia đêm nhạc mãi không thành", ca sĩ cho biết.
Năm ngoái, ở tuổi 80, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có chương trình Hát cho dân tôi nghe - nhìn lại sự nghiệp hơn nửa thế kỷ sáng tác của ông, tại Nhà hát Truyền hình TP HCM.
Nghệ sĩ sinh năm 1942 ở Đà Nẵng, lớn lên tại Huế. Những năm cuối thập niên 1960, thời kỳ nổi lên phong trào phản chiến của học sinh - sinh viên, nhạc sĩ Tôn Thất Lập có những ca khúc ảnh hưởng đến nhiều thế hệ thanh niên trong nước như: Hát cho dân tôi nghe, Hát cho quê hương, Lúa reo trên khắp cánh đồng.
Ông từng có thời gian ra Bắc học tại Nhạc viện Hà Nội rồi quay vào Nam làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1973 nhạc sĩ Tôn Thất Lập sang Pháp du học và tham gia Đại hội sinh viên Việt Nam hải ngoại tại Paris (Pháp) năm 1974.
Nhạc sĩ tốt nghiệp thạc sĩ đại học Văn hóa Hà Nội, từng là Phó Chủ tịch Hội âm nhạc TP HCM, Hội nhạc sĩ Việt Nam, công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin TP HCM.
Thời bình, ông tiếp tục sở trường viết tình ca, có nhiều ca khúc mới như Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi. Ông từng nói về quan niệm làm nghề: "Đối với tôi, sáng tạo là tự giải phóng bản thân, ngay cả những tác phẩm đặt hàng cũng phải tìm tòi, lấy đó làm cơ hội để tìm cái mới. Nếu đặt hàng mà viết không được thì thôi chứ không làm theo kiểu trả nợ. Sự sáng tạo phải đặt lên hàng đầu".
Hoàng Dung - Mai Nhật
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 06:34 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ