Từ trước năm 1975, tên tuổi học giả Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường đã hiện diện trên văn đàn miền Nam. Nghề chính của ông là dạy học. Ông kinh qua nghề giáo ở khắp vùng miền trong cả nước, từ Hà Nội, Hải Phòng đến Nha Trang, Sài Gòn. Ông từng là Giám đốc trường Trung học tư thục Tương Lai (Nha Trang), Cửu Long, Nguyễn Huệ (Sài Gòn).

Nụ cười gừng uyên bác và thâm thúy - Ảnh 1.

Theo nghiệp sư phạm nhưng ít ai biết học giả sinh quán tại đất Khánh Hòa đã làm thơ, làm báo từ năm 1931 khi mới ở tuổi 12. Trong đời mình, Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường từng cộng tác với các báo Tràng An (Huế), Tiểu thuyết thứ Năm, Tiểu thuyết thứ Bảy, Thế giới (Hà Nội), lại từng là Chủ bút báo Đuốc Việt (Sài Gòn)…

Với vốn kiến thức uyên thâm, học giả họ Nguyễn còn là tác giả của nhiều đầu sách có giá trị ở nhiều thể loại khác nhau. Trực tiếp đứng lớp, ông tự tay biên soạn sách dạy học trò, như "Việt văn" do Tân Việt xuất bản, 1955; Việt luận tú tài (nghị luận luân lý và văn chương), Nhà sách Khai Trí ấn hành năm 1960… Và những đầu sách ở nhiều mảng khác đã ra đời như "Tư tưởng Tây phương", "Từ điển danh ngôn" do Khai Trí xuất bản năm 1970, "Kiều phiên" (2003), "Từ điển điển cố văn học thuyết minh" (2010)…

Riêng tác phẩm "Nụ cười gừng" được tác giả viết và hoàn thành đầu những năm 90 thế kỷ XX. Tiếc rằng khi tác giả qua đời năm 2010, bản thảo vẫn chưa được xuất bản. Sau hơn 20 năm ngủ yên tại thư viện gia đình của tác giả ở quận 10, TP HCM, nay "Nụ cười gừng" đã được NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành lần đầu tiên như một ghi nhận cho tâm huyết của tác giả.

Sách dùng nhiều điển tích Đông Tây kim cổ, chuyện nước ta, nước người, mượn xưa nói nay với lối viết ngắn gọn mà thâm thúy. Đọc "Nụ cười gừng", độc giả sẽ thấy bản thân mình trong câu chuyện nào đấy cùng những bài học về đối nhân xử thế, về kinh nghiệm sống, về đạo đức con người… Đọng lại những suy ngẫm thấm thía mà sâu cay về người, về đời. Tỉ như "nụ cười Bao Tự" mà làm "nghiêng nước nghiêng thành" thì thật nguy hại cho sự u mê của kẻ trị nước Chu U Vương; hay nhà hoạt động xã hội người Mỹ Helen Keller tuy bị mù, điếc, câm nhưng vẫn học xong đại học cho ta thấy nghị lực phi thường của con người vượt lên trên nghịch cảnh… Những câu chuyện xưa đã bao giờ là cũ?

Thêm một điều ít ai biết, học giả Thanh Vân -Nguyễn Duy Nhường chính là phu quân của nữ sĩ Như Hiên- Nguyễn Ngọc Hiền, tác giả của những tiểu thuyết dã sử như "Nàng Phiên" (1970), "Nàng Châu Long" (1991)… đặc biệt là tác phẩm khảo cứu "Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ XVII" (sách được NXB Tổng hợp TP HCM in lại năm 2016).

TRẦN ĐÌNH BA

==============