Thứ Ba, 13 tháng 6, 2023

' Những Chuyện Tình Thờii Chinh Chiến'/ Huỳnh Ái Tông / Mỹ -- trích: Huỳnh Ái Tông Blog / Monday, June 12, 2023.

 


Monday, June 12, 2023

Những chuyện tình thời chinh chiến

 

Mấy hôm nay tôi thích nghe đọc truyện trên Youtube, trước đa&y vài năm tôi đã nghe, nay nghe lại nhừng chuyện tình buồn bên cạnh đời lính, quân trường có những tình tiết mà tôi thấy gần gủi với tôi, trước tiên tôi nghe truyện Mối tình thời chinh chiến tác giả Phạm Văn Sanh thuộc khóa 20 Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, mối tình của anh sinh viên sĩ quan khóa 20 chưa ra trường với cô nữ sinh Liễu trường Couvent des Oiseaux, thuộc gia đình giàu có ở tại thành phố Đà Lạt.

Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt

Khóa 20 Trường Võ bị Đà Lạt, tôi có tới 3 người bạn và có những kỷ niệm với họ khi còn học tại Trung học Kỹ thuật Cao Thắng Sàigòn. Trước tiên phải kể là anh Trần Thanh Quang con của giáo sư dạy Kỹ Nghệ Họa ở trường nầy là ông Trần Văn Đặng, Quang học cùng lớp với tôi từ năm Đệ Tứ tới Đệ Nhị.

Thời đó kỷ sư Cao Thanh Đảnh, tốt nghiệp kỷ sư ENSM, ở Nante, Pháp quốc về Việt Nam làm Hiệu trưởng Trung học Kỹ Thuật Cao Thắng, ông xếp học sinh giỏi, trung bình, kém vào các lớp theo thứ tự A, B, C …. Trong lớp tôi có Quang ở khu Nancy và Huỳnh Văn Dân ở bên Thủ Thiêm sau khi có bằng Tú Tài 2 Kỹ Thuật đã theo học khóa 20, có một anh nữa khi đi chùa quen biết nhau đó là Nguyễn Tống HIến, anh nhập học sau tôi 1 năm, nhưng anh học nhảy thi đậu Tú Tài 1 trong khi đang học Đệ Tam Cao Thắng, nên được lên lớp Đệ Nhất rồi đõ Tú Tài 2 Kỹ thuật cũng đi khóa 20.

Quang với tôi có nhiều kỹ niệm, năm 1961 Nguyễn Chánh Thi đảo chánh ông Diệm, ở Sàigòn học sinh trong trường tôi có những lớp họ đảo chánh Trưởng lớp. Lớp tôi cùng thế, anh trưởng lớp Trần Văn X. chơi thân với anh Kh, anh Kh. nghỉ học, vắng mặt Trưởng lớp X. không ghi, do đó bị anh em trong lớp đảo chánh, rồi Quang đề nghị tôi được bầu làm Trưởng lớp Đệ Tam A, rồi Đệ nhị A năm học 1961-1962.

Khi Quang xuất thân từ quân Trường Võ Bị Đà Lạt, ra trận anh bị thương, cụt hết cánh tay trái, được đưa sang Mỹ chữa trị, trong khi đang tập sử dụng cánh tay giả thì chiến trận Mậu Thân xảy ra, Quang lo sợ cho gia đình nên xin xuất viện trở về Việt Nam sớm hơn thời gian tập luyện.

Sau đó Quang theo học ở Đại Học Vạn Hạnh ban Báo Chí và Ban Văn học Anh Mỹ. Khi đó tôi cũng học thêm tại Đại Học Vạn Hạnh, nên có một số giờ chúng tôi học chung với nhau, cùng ra trường năm 1973.

Quang ở bên tay trái hang trước, tôi đứng giữa hàng trên cùng

Năm 1974 Quang có xin một chân giáo sư ở Trung Tâm Chuyên Nghiệp Phan Đình Phùng, vài tháng sau Quang được học bỗng Fulbright, trước khi đi Mỹ, Quang có gặp tôi chào từ giã, vì trường Quang và trường tôi cùng nằm trong khuôn viên Nha Kỹ thuật Học vụ số 48 Phan Đình Phùng Sàigòn, nay là đường Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đa-Kao, Quận 1, Tp HCM.

Quang đi được vài tháng thì biến cố 30-4-1975 xảy ra. Tôi nghĩ cũng lạ, lần trước Quang đi Mỹ chữa trị cánh tay thì Việt Nam Cộng Hòa bị Mậu Thân, lần nầy Quang đi du học thì Việt Nam Cộng Hòa bị mất nước !!! Sau đó, Quang bảo lãnh cha mẹ và vợ con sang, hiện gia đình Quang sinh sống ở Saint Louis Missouri.

Còn Huỳnh Văn Dân sinh sống ở Denver, Colorado. Nguyễn Tống Hiến tôi mới liên lạc được gần đây, anh sinh sống ở Houston, Texas. Vợ anh chị Nguyễn Thị Chuyên vào cuối thập niên 1950 đi sinh hoạt với tôi tại chùa Giác Minh dường Phan Thanh Giản, nay là Điện Biên Phủ, chị đã mãn phần vào năm 2020 hay 2021.

Cho nên nghe đọc Mối tình thời chinh chiến làm cho tôi nhớ tới những người bạn của mình.

Đà Lạt thì tôi cũng có đến đó nhiều lần, lần đầu tiên vào dịp Giáng sinh năm 1960, lần thứ hai năm 1965, lần thứ ba năm 1990. Có lần từ Mỹ về, tôi thuê xe đưa chị tôi, anh tôi, em gái tôi, cháu ngoại và nhà tôi lên Đà Lạt ở nhà của người anh ở Pháp, lần đó là ở Đà Lạt lâu nhất, những lần khác chỉ ngày đi, ngày ở, ngày về. Còn đi tour thì đến, ngủ 1 đêm hôm sau lại rời Đà Lạt rồi.

Nhưng mà những địa danh như Hồ Than Thở, Hồ Xuân Hương, Trại Hầm, Chùa Linh Sơn, Chùa Linh Phong, Thác Prenn, Thung Lũng Tình Yêu, Thác Cam Ly, Chợ mới Đà Lạt … thì tôi có biết, có uống cà phê Tùng, ăn tối với hai người bạn ở nhà hàng Shanghai, ở nhà Thủy Tạ.

Mối tình thời chinh chiến rất đẹp mà cũng rất buồn, tình yêu của những người có học thức, gần như nó không có hậu, vì nhân vật chính anh Sanh và Cô Liễu không còn gặp lại sau 1975, nhất là năm 1984 khi Vũ con trai của Sanh được 18 tuổi, Vũ sẽ hưởng được một gia tài ký gửi ở Ngân hàng Thụy Sĩ và cô Liễu sẽ kể cho Vũ nghe về tông tích của Vũ.

Sau khi đi tù về Sanh vượt biên sau ngày trại đóng cửa, chàng đuợc thanh lọc, phái đoàn Mỹ nhận cho định cư, nhưng Sanh không đi Mỹ mà xin đi Úc theo diện nhân đạo.

Kết cục đó ra sao chúng ta chỉ biết Sanh được định cư ở Úc, không rõ Liễu và Vũ con chàng về sau nầy có gặp lại Sanh hay không.

Tiếp theo, tôi có nghe Chuyện tình thế kỷ trước của Trương Văn Huy, truyện đem lại cho tôi nhiều kỷ niệm êm đềm, vì tôi từng sống ở cái thành phố đó, ba chữ Banmêthuột hay Buôn Ma Thuộc, có người giải thích Buôn là Buôn làng Ama Thuộc là tên riêng của một người trong câu chuyện truyền thuyết của dân tộc Ê-Đê cũng gọi là Ra-đê sống phần nhiều ở Banmêthuột. Banmêthuột hay Buôn Ma Thuột, các chữ cái ở đầu BMT người ta gọi là thành phố Buồn Muôn Thuở, thành phố Bụi Mịt Trời.

Truyện viết về một anh chàng xuất thân từ Trường Võ bị Quốc Gia Đà Lạt, đáp phi cơ đến Banmethuột để trình diện với Sư Đoàn 23 Bộ Binh, anh ta xuống xe của hãng Hàng Không Việt Nam, đáp xuống phi trường Phụng Dục rồi được đưa về phòng vé của hãng máy bay nằm trên đường Lý Thường Kiệt. Đến nơi lạ chỗ lạ người, anh gặp hai nữ sinh trung học hỏi đường nào về Sư Đoàn 23 Bộ Binh, anh ta bị một trong hai cô sẵn giọng trả lời:

-        - Vô duyên ! Không biết hỏi mấy ông Cyclo.

Tôi nhớ năm 1966, tôi đến Banmêthuột chắc cùng thời với anh Thiếu Úy nọ, cũng không biết Trường Kỹ thuật Banmêthuột ở đâu, tôi gọi Cyclo máy đi đến đó. Nói cho đúng ra cái thành phố Tây nguyên đó nhỏ xíu, ai ở đó mà không biết Toà Hành Chánh Tỉnh, Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, Bệnh Viện, Ty Tiểu Học, Biệt Điện (nhà nghĩ của vua Bảo Đại), Bưu Điện, những cơ quan đó ở gần nhau, từ chợ hoặc văn phòng đại lý Air Việt Nam, đi bộ từ 5 đến 10 phút là tới.

Rồi về sau anh chàng Thiếu Úy nầy có quen với cô gái con của ông bà chủ một tiệm bán sách báo tên là Luận. Luận chính là cô gái lần đầu tiên anh chàng Thiếu Úy mới ra trường, bị xối một thùng nước lạnh khi hỏi đường. Rồi họ yêu nhau, cô Luận thổ lộ tâm tình là mẹ cô ta đang rắp tâm gã cô cho một anh chàng con một của một bà có mấy tiệm vàng ở Sàigon. Một thời gian sau đó, anh Thiếu Úy thấy cô Luận đi dạo phố thân mật với một anh thanh niên. Chàng Thiếu Úy đoán là cô Luận đang say sưa hạnh phúc mối tình với anh chàng con nhà giàu kia.

Anh chàng Thiếu Úy lâm vào cảnh thất tình, không gặp thêm cô Luận lần nào nữa, rồi anh ta tình nguyện chuyển sang binh chủng Nhảy dù, tham gia các chiến trận Hạ Lào, Lam Sơn 719, Mùa Hè đỏ lửa .. Bốn năm sau khi về phép thăm mẹ ở Đà Lạt, vô tình mẹ chàng đem bộ quần áo cũ để giặt, anh ta tìm thấy còn bỏ quên trong túi áo một bức thư. Mở ra đọc là thư cô Luận viết từ 4 năm trước hỏi thăm anh, và cho biết ngày sinh nhật cô ta có người anh đi học ở Sàigòn về, hai anh em dạo phố cô ta hạnh phúc như đi bên cạnh người yêu. Bấy giờ anh ta mới biết mình lầm, vội bay sang Banmêthuột, đến cửa hàng cũ gặp mẹ cô Luận, hỏi thăm, bà ta cho biết cô Luận đã mất hơn một năm, vì ốm tương tư mà chết.

Những địa danh Banmêthuột, phi trường Phụng Dực, phòng vé Air Việt Nam trên đường Lý Thường Kiệt, làm sao tôi quên được, bốn năm tôi ở cái xứ Buồn Muôn Thuở đó. Nơi đó tôi còn nhớ cụ Tôn Thất Hối nguyên là Đại sứ Việt Nam tại Lào, biệt thự của ông đối diện với Bưu Điện, ông là thân phụ của Bác sĩ Tôn Thất Niệm, Trưởng ty Y tế, Giám Đốc Bệnh viện tỉnh Darlac, Thượng nghị sĩ VNCH, cũng là thân phụ của bà Dược sĩ có Pharmacy trên con đường bên hông chợ Banmêthuột.

Tôi có quen với anh chủ cửa hàng cao cấp Trúc Lâm xê xế rạp Ciné Lido, rạp chiếu bóng độc nhất ở thành phố nầy, nhưng tôi chưa một lần vào đó, nên chẳng biết nó ra sao ?

Cinema LIDO ở Banmêthuột

Banmêthuột có cái rất đặc biệt là xung quanh chợ có những kios, tuy bề ngoài nhìn có vẻ xập xệ, nhưng hầu hết đều bán vàng, ngoài chợ chúng ta có thể gặp những phụ nữ thượng mặc váy, ngực để trần rất tự nhiên.


Người Thượng ở Tây nguyên

Tưởng cũng nên nhắc lại, lúc tôi lên Banmêthuột từ năm 1966 đến 1970, nơi đó có một cửa hàng sách báo, tôi không nhớ tên, hoặc là vì không có bảng hiệu, nằm cách xa nhà lồng chợ chừng 3 hay 4 căn phố, cùng đường với Pharmacy của người nhà cụ Tôn Thất Hối, hai dãi phố cách nhau một cái ngã tư và nhà thì cách nhau chừng 7, 8 căn phố mà thôi. Nơi cửa hàng sách báo nầy, có thể nói là cửa hàng duy nhất tại thành phố nầy, nơi đây có 2 cô gái bán sách, cô chị là Phượng, cô em là Phi.


Quán sách tại Tp Banmêthuột năm 1966

Chị Phượng chắc lớn tuổi hơn tôi, cô Phi chắc nhỏ hơn tôi vài tuổi, hai chị em không có sắc nước hương trời, nhưng ở cái xứ Bụi Mịt Trời đó thì cũng gọi là phụ nữ đẹp, có vóc dáng bình thường, nước da trắng, nói chuyện có duyên để vừa lòng khách đến vui lòng khách đi. Thời đó tôi cho rằng bất cứ anh sĩ quan độc thân nào cũng tới quán chị Phương và cô Phi để mua báo, tạp chí và để có dịp trò chuyện hoặc nhìn người phụ nữ Kinh xinh đẹp hơn là nhìn thấy phụ nữ Thượng khắp nơi.

Anh Phụ tá Hiệu Trưởng và tôi đều độc thân, nên mỗi chiều sau khi dùng cơm xong, thả bộ ra quán sách, để mua sách báo về đọc, thứ thì giải trí, thứ thì để biết tin tức chiến sự, thứ thì để biết tin “xe cán chó”. Anh Phụ tá Hiệu Trưởng có vợ sắp cưới, tôi thì cũng thế, nên chúng tôi không có mặn mòi chuyện tình cảm với hai chị em chị Phượng và cô Phi, nhưng tôi được biết chị Phượng rất có cảm tình với anh Phụ Tá. Sau đó anh Phụ tá cưới vợ ở Biên Hòa, chị tốt nghiệp Sư Phạm, anh đưa chị lên dạy cùng trường. Đầu năm 1968, tôi bị nhập khóa 27 Trường Bộ Binh Thủ Đức, lúc đó tôi đã lập gia đình. Đầu niên học 1969-1970, tôi được biệt phái về lại trường cũ, chị Phượng và cô Phi vẫn thế, vẫn có nhiều sĩ quan đến mua sách báo, liếc mắt đưa tình, cho đến gần cuối năm 1970 tôi thuyên chuyển về Sàigòn, hai chị em vẫn phòng không gối chiếc.

Chợ Banmêthuột

Với tôi, không hiểu sao tôi có liên tưởng cô Phi như là cô Luận trong Chuyện tình thế kỷ trước, một chút thương cảm cho cô Phi.

Nhưng hình như tôi thích chuyện Chiến tranh bên cạnh tình yêu của Trương Văn Huy, vì chẳng những nó dài, mà có những chuyện tình trái ngang, học tập cải tạo. Chuyện xây dựng 3 anh bạn đồng ngũ sinh viên Sĩ Quan trường Bộ Binh Thủ Đức, khóa 6/69 đó là các anh Bình, Long và Quân. Long vì là con nhà giàu và xài tiền xả láng nên các anh đạt cho biệt danh là Long công tử, gia đình có Biệt thự ở đường Công Lý, Quân vì ở Đà Lạt cho nên có biệt danh là Quân bắp cải, còn Bình ở đường Nguyễn Minh Chiếu gần quán bò bảy món Ánh Hồng, Bình có cô em gái tên Dung.

Trường Bộ Binh Thủ Đức

Ngày sinh viên gắn Alfa, sinh viên được đi phép, ba anh chàng về Sàigòn đi dạo phố, ăn uống có cô Dùng cùng đi, họ chụp ảnh kỷ niệm bốn người. Trước khi về Sàigòn Bình đã cho Long và Quân biết, anh ta có em gái, sẵn sàng làm nội ứng cho hai người bạn, chỉ còn tùy tài tán gái của hai chàng trai.

Một vài tuần sau, Quân đi phép, Long và Bình bị cấm trại nên Long gửi quà sinh nhật cho Dung, nhờ Quân mang về. Khi Quân trao quà của Long cho Dung, Dung mở gói quà và thư ra xem, rồi hỏi:

-         -  Còn quà của anh đâu ?

Quân cho biết vì không biết ngày sinh nhật của Dung, nên không có quà. Dung quay quắt vào trong nói vọng lại:

-         - Anh về đi !

Quân lủi thủi ra về, trước đây nuôi bao nhiêu hy vọng được Dung yêu, thì nay thất vọng tràn đầy, anh tìm lãng quên Dung từ đó và nghĩ rằng Long sẽ chiếm được tình yêu của Dung, nhưng thật ra Long đã có vợ là cô Hà và có con trai đang ở đồn điền cà-phê của gia đình chàng trên Banmêthuột.

Khi ra trường, Long và Bình ra đơn vị tác chiến, còn Quân được phân phối về Trường Võ Bị Đà Lạt làm ở văn phòng.

Một thời gian sau, vì thấy mình ở Trường Võ Bị mà học lực chỉ có Tú Tài 2 nên anh ghi danh học thêm ở Viện Đại Học Đà Lạt. Một hôm tự dưng được Thiếu Tá Trưởng phòng Hành Quân là xếp trực tiếp của anh, đưa cho anh cái giấy phép nghỉ 7 ngày, anh không biết làm sao giải thích, nhưng thiếu tá trưởng phòng bảo phải tuân lệnh, sau đó anh được điện thoại của bác Bảy, nhà thầu khoán ở Sàigòn là bạn của cha chàng, gọi điện thoại đến, nhờ chàng hộ tống đưa dùm con gái ông đang học ở Viện Đại Học Đà Lạt về thăm nhà ở Sàigòn.

Quân phải đưa Cúc ra phi trường Liên Khàng về Sàigòn, về Sàigòn Quân mới biết bác Bảy có biệt thự nguy nga ở trên đường Công Lý, bác Bảy nhờ Quân giúp cho ông giải mối bất hòa giữa 2 cha con. Rồi Cúc cho chàng biết vì ba nàng làm di chúc, chia gia tài cho nàng và em trai, nhưng đứa em trai đó nàng tin là không phải con ruột của ba nàng, nên mới xảy ra bất hòa giữa 2 cha con. Quân giải thích mặc dù vậy, nhưng trên pháp lý đứa bé vẫn là con ruột của ba nàng, vẫn là em của nàng, nên phải làm theo ý ba nàng cho vui vẻ cả nhà. Sau đó thì gia đình nàng hòa thuận và 2 gia đình tiến hành cuộc hôn nhân giữa chàng và Cúc. Đám hỏi được cử hành, chờ khi nào Cúc tốt nghiệp sẽ cử hành lễ thành hôn.

Rồi chiến cuộc ngày càng dữ dội, cuộc rút quân của VNCH ngày càng co cụm, từ vùng 1, vùng 2 về Nam, về Sàigòn. Trường Võ Bị Đà Lạt rút về về Long Thành, rồi cùng Trường Bộ Binh Thủ Đức rút về Thủ Đức. Quân theo đơn vị khi về tới Long Thành thì được Dung tìm đến, báo cho Quân biết hãy về cùng đi ngoại quốc với gia đình nàng, hai người gian nan mới về tới Sàigòn. Nàng cho biết anh nàng là Bình đã hy sinh, sau đó nàng đã có lễ đính hôn với một sĩ quan, nhưng anh ta cũng đã tử trận, vào phi trường Tân Sơn Nhất, khi cùng gia đình Dung bước lên chiếc phi cơ C130, chàng bị 2 quân cảnh giữ lại, rồi đưa ra khỏi phi trường, để tự về đơn vị.

Đến sáng 30-4-1975, đang ở tuyến phòng thủ tại Trường Bộ Binh chàng được nghe Radio, Tổng Thống Dương Văn Minh ra lệnh buông súng tại chỗ, chờ bàn giao.

Quân cỡi bỏ quân phục, về Sàigòn đi lang thang qua nhà Cúc, chàng nghĩ Cúc đã theo bác Bảy di tản sang Đức từ trước, nhưng trong sân nhà giấy tờ dồ đạc tứ tung, nên chàng đi vào nhà xem thử, thấy có người đang tháo võ chiếc xe hơi, chàng đi vào nhà cảnh vật xác xơ, thấy đói bụng vào bếp lục lọi may tìm được 1 hộp thịt hộp, chàng ăn cho đỡ đói, rồi lên lầu vào phòng ngủ, trước đây chàng đã ngủ, đánh một giấc tới sáng. Hôm sau chàng dậy, ra khỏi phòng bỗng ngạc nhiên gặp Cúc, Cúc cũng ngạc nhiên gặp lại chàng. Ngay sau đó xe tăng chạy vào nhà và người ta tuyên bố nhà bị sung công, yêu cầu Cúc và Quân ra khỏi nhà, nếu không sau đó không bảo đãm tánh mạng của 2 người.

Rồi Quân và Cúc ra bến xe Lục tỉnh cũ đường Pétrus Ký, tìm được chiếc xe chỡ hàng sáng hôm sau sẽ đi lên Đà Lạt, tối đó cả 2 ngủ tạm trước hiên nhà người ta, hôm sau cả 2 về Đà Lạt xum họp với gia đình.

Tháng sau Quân cũng như các Sĩ quan khác ở Đà Lạt được lệnh trình diện, tập trung đi cải tạo 10 ngày. Chàng đi trình diện gặp ông Năm bánh xèo, nay mới biết ông là Trần Chiến, người ký giấy gọi đi học tập, xưa chàng thỉnh thoảng vẫn ăn sáng bánh xèo của ông, có lần ông thân mật chụp ảnh chung với chàng, sau thủ tục trình diện ông Năm bánh xèo lục trong túi xách đưa cho chàng tấm ảnh ngày xưa đã chụp chung, ông cho biết nhờ nó lúc trước bị cảnh sát xét hỏi, ông cho biết chàng là cháu của ông, nên mọi việc êm xuôi , dễ dàng, nay ông không cần nữa, nên tặng lại cho chàng.  

Rồi Quân được đưa đến Sông Mao, cắt tranh đựng láng để ở, sau đó có nhóm ở Bình Thuận đưa đến, Quân đã gặp lại Long công tử trong Đội Bình Thuận nầy. Một thời gian sau Long trốn trại, Quân bị đưa lên Ban Quản Trị Trại để điều tra, chàng bị dợt sơ cũng ói cơm bất tỉnh, chàng khai mình là cháu của Trần Chiến Bí thư Tỉnh ủy Đà Lạt, nên người cán bộ trở về trại lấy cái túi hành trang của chàng, trong đó chàng có để tiền và dollars của Cúc đưa cho chàng trong lần thăm nuôi, Cúc đã có mang, số tiền còn lại sau khi chia bớt cho Long, người cán bộ nói với Quân:

- Anh nhớ trong túi xách nầy không có gì hết, trừ cái màn và cái chăn của anh, rồi người cán bộ lấy 2 cái túi cát đưa cho chàng, yêu cầu bỏ mùng mền vào túi để về trại.

Chẳng bao lâu sau đó Trại được lệnh tập họp chuẩn bị biên chế, có danh sách 300 người, ngày mai sẽ chuyển trại, sáng sớm hôm sau, có danh sách bổ túc 17 người trong đó có tên Quân. Rồi được xe chuyển đi nơi khác cũng gần đó, được vỗ béo trong 3 ngày, rồi mọi người được trả tự do.

Sáng sớm, chờ cơn mưa tạnh chàng ra khỏi trại được một người bán bún cho ăn, rồi bảo con đưa chàng ra Chợ Lầu để đón xe về Phan Rang. Hôm sau, từ Phan Rang chàng trở về Đà Lạt, trùng phùng với gia đình, chàng đã có đứa con gái mới vài tháng tuổi.

Một hôm ông Năm bánh xèo đến nhà thăm Quân và Cúc, cho biết Cúc còn cái biệt thự ở Sàigòn hãy ký giấy bán cho ông ta, chỉ ký tên còn ngày tháng và người mua để ông ta ghi vào sau. Cúc cho biết Cách Mạng muốn thì lấy chớ nàng không bán. Ông Năm ôn tồn nói với Quân, ông ta không phải là Bí Thư Tỉnh Ủy, nhưng có nhận Quân là cháu và cũng đã bảo lãnh cho chàng trở về xum họp gia đình, ông nhắc lại lời người xưa “Bánh xếp đi, bánh Qui lại”. Biết ông Nam đã xem giấy tờ chàng khai  trong trại, đó là nói dối có bà con với ông Năm. Tội ấy đi tù lại dễ như chơi, nên Cúc và Quân vội ký giấy tờ.

Trước khi ra về, ông Năm nói rằng ông ta là người của Mặt Trận, bây giờ thì Mặt Trận đã ra rìa, Quân và Cúc đều có học, ông nói ít phải hiểu nhiều, ông mà còn bị vắt chanh bỏ vỏ, Quân đã chống lại họ thì nên tìm con đường sống.

Truyện tới đó đã 35 chương, tôi nghĩ còn những chương sau, nhưng chưa thấy tác giả viết tiếp.

Cuộc dâu bể một thời đã qua, mới đó mà đã 48 năm rồi, tôi chỉ đi học tập cải tạo có 2 năm 2 tháng 20 ngày từ 25 tháng 5 năm 1975 tới 16 tháng 9 năm 1977, đã trải qua các Trại Trãng Lớn, Kà-Tum  Tây Ninh. Tôi mang sắc lính 7 năm 4 tháng, nhưng ở trong quân ngũ chỉ có tròn 1 năm 9 tháng, trong đó ở các Quân trường Trường Bộ Binh 8 tháng, Trường Quân Cụ 7 tháng, phục vụ trong đơn vị Đại Đội Bảo Toàn Tiểu Đoàn 21 Tiếp Vận, thuộc Sư Đoàn 21 có 9 tháng, chưa hề có tham dự trận chiến nào, có 1 lần đơn vị hành quân yểm trợ chiến trân ở vùng không xa Sóc Trăng về hướng Tây, tôi bảo với đơn vị: “Để tôi đi với !” Một ông Thượng sĩ già nói với tôi: “Tôi biết ông muốn đi tìm bà con ở Mỹ Tú, nhưng chiến trận xảy ra dân chúng tản cư, biết đâu mà tìm, cũng chẳng có gì vui. Thôi Thiếu Úy chờ dịp khác đi ông !”

Chiến tranh, dâu biển, tình yêu, tù tội, nước mất nhà tan. Nghe đọc truyện mà lòng buồn khôn tả, có lúc tôi ứa lệ, vì cảm thấy có mình trong đó. Chuyện đã qua gần nửa thế kỷ rồi, nhắc lại người Miền Nam ai cũng là người chịu chung số phận tủi nhục, hờn đau. Người ta thường nói thời gian sẽ xóa nhòa, nhưng tôi nghĩ trong trường hợp nầy chỉ có người nằm xuống mới quên đi, còn lịch sử chẳng những của Việt Nam mà cả thế giới vẫn còn ghi lại. Ai Thắng, ai Bại, ai người chính nghĩa ? Kẻ Bắc, người Nam, nhưng Việt Nam muôn đời chỉ có một.


HUỲNH ÁI TÔNG

866412062023

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ