Nhà thơ Ngọc Bái:
"Con người Quảng Ninh cũng đẹp như thơ Quảng Ninh vậy..."
Ngọc Bái là nhà thơ dành nhiều tình cảm cho mảnh đất, con người và bạn văn Quảng Ninh. Năm 2013, bài thơ “Trải lòng với Hạ Long” của ông được trao giải nhì cuộc vận động sáng tác VHNT và báo chí kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh Quảng Ninh...
Trò chuyện với tôi về bài thơ được giải, nhà thơ Ngọc Bái tâm sự:
+ Thú thực tôi không có ý định làm thơ để thi thố gì cả. Chỉ là cảm xúc của tôi tặng cho bạn bè ở Quảng Ninh thôi. Bạn bè Quảng Ninh thật chí tình. Bởi thế như trên tôi đã nói tôi làm thơ là để tặng bạn bè Quảng Ninh. Không ngờ bài thơ lại mang đến cho tôi một vinh dự là đạt giải nhì cuộc vận động sáng tác VHNT nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh…
- Ông là người rất gắn bó với đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Ninh cùng thời với mình. Theo ông họ có ý nghĩa như thế nào với nền VHNT tỉnh nhà giai đoạn ấy?
+ Tôi chơi và rất thân thiết với nhiều nhà văn, nhà thơ Quảng Ninh, như Lý Biên Cương, Tô Ngọc Hiến, Sỹ Hồng, Lê Hường, Dương Hướng, Tạ Kim Hùng, Trần Nhuận Minh... Quảng Ninh thời đó là thời của văn chương đích thực. Một giai đoạn hoàng kim khi mà văn học Quảng Ninh gần như đứng đầu trong cả nước. Đứng đầu về nhiều mặt như về lực lượng sáng tác, Quảng Ninh có một “dàn đại bác” về văn học mà tên tuổi tác phẩm của họ thì cả nước biết đến. Bây giờ thì chững lại rồi. Chỉ còn một vài nhà văn, nhà thơ còn sót lại…
Ngọc Bái sinh năm 1943 tại Trấn Yên, Yên Bái, nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hoá Quân khu 2, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Yên Bái. Ngọc Bái tốt nghiệp âm nhạc tại Đại học Văn hoá Hà Nội và tốt nghiệp sáng tác tại Trường Viết văn Nguyễn Du. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Hiện nay ông nghỉ hưu và viết văn tại TP Yên Bái. Ông là tác giả của 17 tập thơ, trường ca, văn xuôi... Chuyên nghiệp từ khi mới xuất hiện, thơ Ngọc Bái không thuộc trường phái cách tân, nhưng đọc không hề thấy cũ. Ngoài thơ, truyện ngắn, Ngọc Bái còn sáng tác âm nhạc. Các tác phẩm chính đã xuất bản của ông là “Trầm tĩnh cánh rừng” (tập thơ, 1990), “Thấp thoáng bóng mình” (tập thơ, 1991), “Thời áo lính” (tập thơ, 1993), “Thạch thảo miền rừng” (tập thơ, 1994), “Những con đường đất đã qua” (tập thơ, 1996), “Đá mồ côi” (tập truyện, 1992). Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT vào năm 2012. |
- Liệu có phải vì “thân thiết chí tình” mà ông đánh giá hơi thiên vị quá chăng?
+ Không đâu. Quảng Ninh cảnh tượng thiên nhiên đẹp thì ai cũng biết rồi, ai cũng nói được. Nhưng còn một điều ít người nói là cái đẹp trong tâm hồn con người Quảng Ninh. Vào năm 1989, tôi đến Quảng Ninh cùng đoàn với nhà thơ Cù Huy Cận dự Hội nghị VHNT một số tỉnh phía Bắc. Lúc ấy, Hội Văn nghệ Quảng Ninh được coi như đứng đầu cả nước. Nhiều hội văn nghệ các tỉnh, thành khác còn ở trong những căn nhà xập xệ thì ở Quảng Ninh, Hội Văn nghệ đã có trụ sở hoành tráng. Không những tỉnh quan tâm đến cơ sở vật chất mà còn rất quan tâm đến văn nghệ sĩ. Hội nghị ở Quảng Ninh năm đó đã cứu vãn các hội văn nghệ địa phương bởi ở Trung ương cũng đang có quan điểm không cần đến các hội văn nghệ hay liên hiệp các hội VHNT địa phương vì đã có các hội chuyên ngành như Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Âm nhạc, Hội Sân khấu v.v.. hoạt động rất tốt, rất độc lập không cần phải ghép lại nữa. Thế nhưng chính tiếng nói của các văn nghệ sĩ tại hội nghị này ở Quảng Ninh năm đó đã lan toả, giúp ích cho văn nghệ sĩ các địa phương. Tôi tự hào vì mình đã cùng Quảng Ninh lên tiếng để hội văn nghệ các địa phương đứng vững trước chiều hướng giải thể các tổ chức này…
- Trong quá trình sáng tác của mình, kỷ niệm nào mà ông nhớ nhất về Quảng Ninh?
+ Nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất đó là một lần ra Móng Cái đúng lúc bão về. Thế là tôi nảy ra cái tứ rằng địa đầu Móng Cái như một cái lá chắn vững vàng để mà sau khi cơn bão đi qua con người lại bình thản, thong thả bước ra đường trước cây cối tướp táp, nhà cửa bị hủy hoại. Người Móng Cái xác lập cương vực cũng nhờ vào cái tâm thế ấy. Bài thơ “Gặp bão ở Móng Cái” đã ra đời như thế…
- Ngoài bài thơ vừa kể, ông còn có những sáng tác nào nữa về Quảng Ninh?
+ Bài đầu tiên viết vào năm 1981, “Đêm Hạ Long nghe sóng” khi được Bộ Tư lệnh Hải quân đưa ra thăm Vịnh. Bài này là tứ để cho nhạc sĩ Nguyễn Cường phổ nhạc. Bài thơ bắt đầu bằng mấy câu: “Lính biển hát về biển/ Bằng những lời gió đại dương/ Con sóng xa nhà con sóng buồn/ Anh lính xa nhà anh lính hát…”. Sau này, tôi còn mấy bài nữa như: “Hạ Long”, “Gặp bão ở Móng Cái”, “Thơ viết ở mũi Trà Cổ” như tôi vừa kể…
- Cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện này.
Huỳnh Đăng
(thực hiện)
----------------
lời bàn:
-Ngọc Bái bị " tai biến ' cách đây vài năm; sau khi vợ chồng anh vào thăm con gái buôn bán ở Tp. Hồ Chí Minh. Chúng tôi , trò chuyện rôm rả về văn chương, đời sống -- nhất là chuyện về Nghĩa Lộ
( huyện Văn Chấn/ Yên Bái ) , nơi tôi sinh , trưởng thành tới năm 20 tuổi, mới về Hà Nội ( 1950) -- như Nguyễn -Trần Huân viết :" pour
s' adonner ses études". (*)
Cuộc gặp gỡ này giúp tôi biết thêm về sinh hoạt Nghĩa Lộ sau những năm 1950, từ chuyện cây đa cổ thụ ở cuối đường phố chính của Nghĩa Lộ vẫn ' sống thọ ngàn năm" , chuyện " nếp cum ngon Tú Lệ, ; đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất của Nghĩa Lộ ; anh đều giải đáp mọi chuyện tò mò mà tôi muốn biết.
Cho anh là " pho từ điển" sống"
về chuyện Nghĩa Lộ, Yên Bái mà tôi muốn biết cũng không "ngoa ' !
Nhìn anh đi " xe lăn" bên phu nhân dẫn đắt đi lại, lòng tôi bùi ngùi khôn tả !
---------------
(*) -Introduction à là littérarure Vietnamienne par M. M. Durand & Nguyen-Tran Huan ( Paris 1969).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét