Thứ Năm, 22 tháng 6, 2023

bài đáng đọc : ".,.. Một Thuở Thanh Xuân "/ Từ Hoài Tấn -- trích : Từ Hoài Tấn Blog , Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013.

 


Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

Bài viết lại : Về một tập thơ sẽ xuất bản



Một Thuở Thanh Xuân
            
Tôi được sinh ra ở vùng tản cư vào khoảng những năm 1949 -1950. Cha mẹ tôi sinh cơ dựng nghiệp từ những ngày lấy nhau ở làng An Truyền (tên gọi dân gian là làng Chuồn) huyện Phú Vang tỉnh Thừa Thiên. Những năm đó phải theo gia đình ông bà Ngoại tôi về quê Hà Trữ để tránh giặc – đó là quê của bà Ngoại tôi. Và tôi được chào đời ở đó. Cha tôi kể lại rằng ông phải bồng tôi xuống hầm tránh pháo “ca nông”  của Pháp sau khi được lọt lòng.

Gia đình tôi trở lại làng Chuồn sau đó và chúng tôi trải qua một thời tuổi thơ êm đềm ở quê hương mặc dù thời gian này đất nước đang trải qua cuộc kháng chiến và đi đến kết thúc tạm thời bởi Hiệp định Genève 1954.

Tôi không có được cuộc sống chung cùng với gia đình cha mẹ tôi và các em nhỏ. Năm 6 tuổi cha mẹ tôi bồng bế các em tôi lên đường lập nghiệp ở các khu dinh điền phía Nam – đó là các khu kinh tế mới được xây dựng để di dân từ miền Trung vào. Lúc đầu gia đình tôi ở quận Tánh Linh tỉnh Bình Tuy, sau đó di chuyển về địa điểm Mê Pu thuộc Võ Đắt - Võ Xu cũng thuộc tỉnh. Những năm 1960 và đầu những năm 1970 cha mẹ tôi lại có cuộc phiêu lưu mới vì sinh kế ở thành phố Kontum.

Tôi được tiếp tục việc học hành không gián đoạn mặc dù gia đình di chuyển nhiều lần các vùng khác nhau. Hai nơi cố định là Huế và Sài Gòn.
Tôi sống ở làng quê hầu hết những năm học Trung học đệ nhất cấp và đệ nhị cấp – nghĩa là trong khoảng từ năm 1962 đến 1968. Đó là những năm tuổi trẻ đẹp đẽ của tuổi học trò. Và là những năm bước vào một nghiệp dĩ : thơ ca.
Như trào lưu thịnh hành dạo ấy, tôi cùng mấy người bạn thành lập một nhóm viết (bút nhóm, thi văn đoàn như tên gọi lúc đó) gồm những người ban đầu là Mường Mán, Nguyễn Miên Thảo, Từ Hoài Tấn, Hồ Hữu Kha (Hồ văn Kham, mất tích năm Mậu Thân 1968), Trầm Kha (Đại úy Nguyễn văn Đồng tử trận năm 1974 ở Trường Sa) – sau đó thêm Phạm Tấn Hầu, Ngụy Ngữ, Thái Ngọc San (mất 2005), Hồ Trọng Thuyên,  một tờ tập san viết tay (tôi viết và đóng tập),  một nhà xuất bản trên danh nghĩa (ít ra thì đã có in 1 tập thơ typo của Nguyễn Miên Thảo : Hãy thức dậy cùng ta thầm lặng đêm nay – có đăng quảng cáo trên báo Văn hồi đó). Chúng tôi đã có một đêm đọc thơ đáng nhớ ở giảng đường Đại Học Sư Phạm Huế mùa Đông năm 1967.
Đó là những năm chúng tôi bắt đầu tạo dựng tên tuổi văn học trên các tạp chí văn học nghệ thuật miền Nam trước 1975. Những sáng tác thơ văn từ đó như một giai đoạn sung sức nhất của tuổi trẻ - những năm hai mươi của cuộc đời.
Tôi bắt đầu nghiệp dĩ từ những năm niên thiếu ở làng – một mình trong ngôi nhà của cha mẹ để lại khi lên đường mưu sinh ở đất phương Nam. Sau bao nhiêu cuộc bể dâu và biến động của một đời người, tôi còn giữ lại một số bản thảo ghi dấu lại một thời sáng tác. Đây là tuyển tập thơ của thời kỳ 1967 – 1974, được chọn lọc lại từ 3 tập thơ chép tay còn giữ lại được qua bao nhiêu đổi thay của thời cuộc (Tôi phải mở ngoặc ở đây với lời cám ơn sâu sắc đến bạn thân và cũng là bạn học của tôi – Trần Đinh Sơn – đã cất giữ cẩn thận giùm tôi trong gần 3 năm tôi buộc phải đi khỏi thành phố).
Tôi không có ý định xuất bản các bản thảo này, chỉ in theo dạng bản thảo lưu trữ vài chục tập, dành tặng thân hữu để kỷ niệm một thời kỳ - một thuở thanh xuân đáng nhớ. Và tuyển tập này sẽ được mang một tên chung : PHỤC HƯNG TÔI & EM.

Từ Hoài Tấn
Tháng 6 - 2013

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ