bài đáng đọc: " Những câu chuyện tự thuật di dỏm của Mạc Can "/ Tuệ Nhi -- trích : Tuổi Trẻ CƯỜI (tphcm) -- 20/04/ 2023.
Những câu chuyện tự thuật dí dỏm của Mạc Can
Nhà văn kiêm nghệ sĩ gạo cội Mạc Can tự nhận mình là người thật thà, ai nói gì tin nấy, hỏi gì trả lời đó và thường 'giặm' thêm những câu chuyện khiến người nghe phải bật cười thích thú.
Sáng 20-4, tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM đã diễn ra buổi giới thiệu cuốn tiểu thuyết Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện, do hai nhà văn nổi tiếng Mạc Can và Nguyễn Đông Thức cùng bắt tay thực hiện.
Theo lời giới thiệu, cuốn tiểu thuyết được khởi nguồn từ lời thách đố của nhà văn Nguyễn Đông Thức dành cho Mạc Can khi cả hai đi làm từ thiện chung, rằng xem ai viết nhanh hơn ai.
Do đó, tiểu thuyết kể chuyện ma có tên Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện được ra đời với tốc độ "nhanh như gió" về cả khả năng sáng tác lẫn việc phát hành.
Ma gánh hát v/s Ma bịnh viện là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của Mạc Can với vai trò tác giả sau một thời gian dài sức khỏe suy kiệt, từng tưởng không thể gượng dậy nổi.
Để dự sự kiện này, nghệ sĩ gạo cội đã thức dậy từ 5 giờ sáng để chuẩn bị với tâm trạng phấn chấn, hạnh phúc như được hẹn hò với cô gái đẹp vậy - Mạc Can bày tỏ khi được hỏi.
Thật thần kỳ, cây viết tài hoa này đã trở lại, làm bạn với chiếc máy tính xách tay và theo lời nhà văn Nguyễn Đông Thức - tác giả phần truyện Ma bịnh viện, ông hoàn thành tập truyện Ma gánh hát trước cả mình, không chỉ viết nhanh mà còn hay hơn rất nhiều.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức chia sẻ: "Làm như anh Can có sẵn một bụng chuyện ma rồi, chỉ chờ cầm bút là viết ra thôi. Không như tôi, chỉ có con ma trong tưởng tượng nên phải "bịa" thêm rất nhiều".
1. Mạc Can - Ma gánh hát
Nói về lý do chọn lấy "con ma" làm đề tài cho tiểu thuyết mới, Mạc Can cho biết, khởi nguồn từ việc hai tác giả muốn viết gì đó vui vui nên chọn chuyện ma.
Ông nói những con ma ông đề cập trong tiểu thuyết có khi là có thật mà ông từng gặp gỡ, cũng có những con ma tưởng tượng ra vì viết văn là phải thêm nếm chút xíu, đôi khi "xạo thêm", tưởng tượng thêm cho đầy trang, cho hay để người ta thấy hay dễ mua sách.
"Nói thật với bà con cô bác, mười mấy năm tôi sống trong nhà trọ nhỏ xíu vì tôi không có nhà. Ban đêm tôi không ngủ, thức đến 4-5 giờ sáng, tôi thấy có ma thiệt. Không phải tôi nói để "hù" mọi người sợ đâu, bởi nhiều khi tôi đang ngồi mà thấy có gió thổi nhẹ qua tai, tôi nghĩ gió là ma đó.
Nhưng không phải đâu, chỉ là gió thôi và có ma hay không là tùy theo suy nghĩ của mỗi người. Nếu nghĩ có sẽ có, nghĩ không là không nên mọi người đừng có sợ ma, có nhiều con ma cũng dễ thương lắm, nhiều con ma là nữ cũng đẹp lắm đó" - Mạc Can kể chuyện để lý giải về con ma trong tác phẩm mới của mình.
2. Đọc chuyện ma của ông Nguyễn Đông Thức phải đọc cho kỹ
Nhận xét về "bút lực" của người bạn Nguyễn Đông Thức, Mạc Can nói: "Tôi đọc của ông Nguyễn Đông Thức nhiều hơn. "Ổng" viết ít hơn tôi nhưng tôi đọc của mình thì chán, mà tôi đọc của ông Thức thích lắm.
Tôi là người thật thà nên tôi thấy sao nói vậy, ông Thức là người có học, chữ nhiều hơn tôi. Ngoài ra, lý lịch đặc biệt trong nghề nghiệp, cuộc sống, đi bộ đội rồi va chạm cuộc sống nhiều hơn tôi.
Thành ra chuyện Ma bịnh viện của ông ấy không phải đọc một lần mà được. Tôi đọc tỉ mỉ lắm, tôi xuôi đọc, ngược đọc đến 3 lần để suy nghĩ xem ổng muốn nói cái gì. Sau cùng tôi biết điều ông muốn nói tôi thấy sợ quá. Sợ thật á vì ông đem những chuyện ở ngoài đời vào chuyện ma. Theo tôi biết đó là những chuyện có thật.
Mạc Can nhắn nhủ, đọc chuyện ma của ông Nguyễn Đông Thức phải đọc cho kỹ, từng chữ một, từng dấu chấm, dấu phẩy mới hiểu được ý nghĩa của nó.
3. Nguyễn Đông Thức tặng quà cùng lời nhắn nhủ hài hước
Cũng trong sự kiện ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã trích tiền tác quyền sách, tiền riêng của mình để dành tặng cho Mạc Can 5 triệu đồng làm quà. Tặng món quà ý nghĩa cho người bạn già, nhà văn Nguyễn Đông Thức còn nhắn nhủ hài hước: "Không được đem cho cô bán vé số nữa nha".
Nhân chuyện cô bán vé số, Mạc Can tự thuật lại câu chuyện của mình. Ông xác nhận, quả thực hay tặng tiền cho mấy cô bán vé số, bán cà phê. Lý do ông đưa ra là bởi, tặng rồi thì ông không còn tiền để có cơ hội hư hỏng (chơi bời) nữa.
Ông cũng hồi tưởng: “Tôi có quen với cô bán vé số, rồi bị người ta bêu rếu rằng, nghề bán vé số không được trân trọng lắm. Tôi không để tâm lắm vì nghĩ người ta cũng làm việc bằng sức lao động của mình mà. Rồi cổ sinh một đứa con nhưng không phải “tại” tôi đâu nhé.
Sau đó, tôi đi sang Mỹ một thời gian rồi trở về thấy cổ lại sinh thêm một đứa con nữa. Thấy tôi ngạc nhiên lắm, cô ấy bảo tôi đưa cô ấy sợi tóc, móng tay đi xét nghiệm ADN với đứa trẻ. Tôi hoảng quá đi cạo hết tóc luôn, thế là từ đó đến nay tôi để đầu trọc như vậy. Ngay cả móng tay cũng cắt trụi, không dám để nữa".
4. Mạc Can: "Tại vì tôi có khiếu bẩm sinh đó"
Nhà văn kiêm nghệ sĩ tài hoa tâm sự, sau khi xuất bản tiểu thuyết Tấm ván phóng dao, "mọi người trong nhà xuất bản nói tôi là “nhà văn từ trên trời rơi xuống”. Nhưng tôi thấy tôi từ dưới đất mọc lên mới đúng đó".
Khi có phóng viên hỏi Mạc Can lấy cảm hứng ở đâu để viết những tác phẩm, lời văn phong phú dạt dào đến như vậy. Ông trả lời ngắn ngọn mà dí dỏm: “Tại vì tôi có khiếu bẩm sinh đó. Tôi cũng không hiểu tôi mọc ra từ đâu, tôi từ dưới đất mọc lên đó thôi".
Mạc Can tiết lộ, ông không được học nhiều, chỉ mới đến lớp 3 nên việc mắc lỗi chính tả khi viết văn là không tránh được. Nhà văn Nguyễn Đông Thức hài hước cho rằng, mắc lỗi nhiều như vậy là vì không biết mình sai để sửa, Mạc Can đồng tình ngay.
Sau đó, ông bày tỏ rằng từ giờ sẽ cố gắng cải thiện để không mắc lỗi, chỉ mong quý vị khán giả nhiệt tình mua sách ủng hộ để ông có thêm động lực... sửa lỗi viết sai chính tả "tè le" cho cuốn sách tiếp theo.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ