Nhã Ca, O Xưa
& một buổi tối tràn đầy ký ức
- Tina Hà Giang
- Gửi đến BBC News Tiếng Việt từ Nam California, Hoa Kỳ
Chiều thơ nhạc và ra mắt sách của Nhã Ca tối hôm 10/02/2023 trang trọng nhưng ấm cúng, thân tình như buổi gặp mặt bạn bè ở một nơi ai cũng quen nhau.
Phòng ăn của The Villa đầy ắp những khuôn mặt quen thuộc trong giới báo chí, văn chương, hay nghệ sĩ sáng tác. Và không chỉ là khách, đa số họ là thân hữu đã gắn bó với gia đình Nhã Ca, Trần Dạ Từ và tòa soạn Việt Báo từ lâu.
Trước mặt tôi là bàn của gia đình nhà văn Doãn Quốc Sỹ, đã trên 100 tuổi. Bên phải là bàn của Nhã Ca Trần Dạ Từ, Kiều Chinh, Đỗ Quý Toàn, ông bà giáo sư Peter Zinoman – Nguyệt Cầm.
Xa xa thấp thoáng bóng các nhà báo Đinh Quanh Anh Thái, Bồ Đại Kỳ, Phan Tấn Hải. Đâu đó là họa sĩ Nguyễn Đình Thuần - họa sĩ Khánh Phan - họa sĩ Ann Phong...
Cách giao tiếp của khách cho thấy họ là những người quý mến nhau, vì tài cũng có, nhưng quan trọng hơn, có lẽ vì họ cùng cảm nhận là mình chia sẻ một điều gì đó rất chung mang tên Việt Nam Cộng Hòa.
Một Việt Nam Cộng Hòa với những biến cố đau thương mà Nhã Ca, là nhân chứng, cũng như họ từng là nhân chứng. Chỉ khác một điều, Nhã Ca ghi lại được những điều mắt thấy tai nghe, và qua hơn 50 tác phẩm đã xuất bản, đã lưu lại cho hậu thế nhiều nét chấm phá của lịch sử, đặc biệt là quanh cố đô Huế, nơi chôn nhau cắt rốn của bà.
Từ 'Tình Ca Cho Huế Đổ Nát'
Chẳng hiểu sao những cuốn sách mới cũ của bà được trưng bày hôm ấy khiến tôi chìm vào ký ức.
Nhã Ca là tên tôi đã quen từ thời vừa bước vào tuổi teen ở Việt Nam, với những ngày nằm lì trong phòng ôm Giải Khăn Sô Cho Huế (1969), cuốn sách đoạt giải Văn Chương Quốc gia Việt Nam Cộng Hòa năm 1970, nhưng sau năm 1975 bị Hà Nội liệt vào hạng tối kỵ, trưng bày trong Nhà Triển Lãm Tội Ác Mỹ Ngụy, đẩy bà vào vòng tù tội.
Giải Khăn Sô Cho Huế nổi tiếng là thế, nhưng tập truyện Tình Ca Cho Huế Đổ Nát gây cho tôi nhiều ấn tượng hơn. Có lẽ vì truyện ngắn thường hay hơn truyện dài?
Không biết. Chỉ biết trong Tình Ca Cho Huế Đổ Nát, tôi nhớ mãi câu chuyện về Diễm và Phan, hai người yêu sắp lấy nhau, thường vừa đạp xe đạp bên nhau vừa nói chuyện trên con đường hàng Đoát khi hẹn hò. Trong lẫn gặp cuối hôm 30 Tết Mậu Thân, Phan xúc động khi để ý thấy Diễm thẹn thùng mãi cũng đã dám đeo vào tay chiếc nhẫn đính hôn, Họ chia tay sớm để mỗi người về nhà lo cúng đêm giao thừa, hẹn nhau ra Giêng sẽ gặp, rồi sẽ lo đám cưới để Phan còn vào Thủ Đức. Nhưng chẳng bao giờ có đám cưới. Huế bị tấn công. Bị dội bom trên đường di tản cùng gia đình, Diễm chết không toàn thây. Sau mười mấy ngày điên đảo đi theo đoàn người tìm xác, Phan chỉ nhận được xác Diễm nhờ mảnh áo thêu hai chữ P, D quấn quýt vào nhau còn dính trên ngực người yêu… Và từ đó, người ta thấy chàng thẫn thờ ngồi trên một chiếc xe đạp, tay dẫn thêm chiếc xe đạp không người, ghi đông treo lủng lẳng chiếc nhẫn vàng.
Và đoạn cuối của câu chuyện:
"Con đường hàng Đoát bây giờ vẫn còn đẹp và chiều chiều vẫn còn những đôi tình nhân song song đạp xe trên đó. Bóng dáng của Diễm cũng như những đống gạch vụn, những dấu bom đạn đã lùi dần trong trí nhớ bạn bè. Người ta bắt đầu quen dần với hình ảnh Phan vừa đi vừa dắt theo một chiếc xe đạp bên cạnh. Không ai còn thì giờ nhắc đến mối tình của họ."
Còn hình ảnh nào ám ảnh hơn để tả cái thê thảm của chiến tranh?
Đến 'O Xưa'
Tuyển tập truyện ngắn O Xưa, tác phẩm thứ bảy của Nhã Ca in tại hải ngoại, được ra mắt độc giả tối hôm ấy là một trong những tiết mục chính của chương trình thơ nhạc sau bữa ăn tối.
Viết về những điều đang xảy ra trước mắt, khi mọi việc vẫn còn làm mình xúc động là một chuyện, nhưng viết về những gì mình phải nhớ lại từ một khung cảnh đã thay đổi hay từ nơi xa lại là một điều khác.
Tôi hỏi Nhã Ca về điều này và được bà trả lời:
“Sống và viết là con đường tôi đã lựa chọn từ thời mới lớn. Thời trước năm 1975, công việc của tôi là viết văn. Tôi viết đều đặn mỗi ngày, coi đó là công việc chính. Dĩ nhiên tôi con phải nuôi con và việc gia đình.”
Nhã Ca cho biết việc viết trước và sau 1975 khác nhau nhiều:
“Khác nhiều lắm. Trước năm 75, tôi viết nhiều sách, làm nhiều thơ, có khi làm báo nữa. Sau năm 75, bản thân tôi và chồng bị bỏ tù, mất nhà cửa, xe cộ, tài sản, con cái bị đuổi học vì tội chúng tôi làm báo, viết văn. Viết sao được. Khi ra khỏi tù, bị quản thúc, theo dõi, tôi đã không viết gì. Chỗ ở của tôi luôn bị khám xét, một tờ giấy có viết chữ, dù là giấy gói xôi cũng bị lấy đi.”
"Nhưng tôi vẫn giữ trong lòng và khi ra hải ngoại, tôi đã viết."
Điều gì âm ỉ mãi trong lòng thì sẽ có lúc tuôn tràn ra.
Tập truyện O Xưa chắc hẳn là tổng kết của những giây phút tuôn tràn ấy. Được hỏi câu chuyện bà thích nhất trong tuyển truyện O Xưa là gì, Nhã Ca trả lời gỏn lọn: 'O Xưa'
O Xưa, nhân vật chính trong truyện cuối cùng của tuyển tập 13 truyện ngắn, là một người đàn bà luôn chỉ mặc “chiếc áo tứ thân màu nâu phai lạt và sờn rách, tóc vấn khăn xô lệch” không nhà cửa, sống một mình, nửa tỉnh nửa điên, nhưng cả lúc tỉnh cũng mơ về một cuộc tình thắm thiết với một nhân vật không có thật được O Xưa gọi là ‘chàng Ba’, và những đứa con, cũng không có thật, mà nhân vật mơ là mình đã có với người tình không thật.
Tình tiết của chuyện khiến người đọc xót xa cho thân phận người đàn bà bất hạnh, và không khỏi thầm hỏi điều gì đã khiến O Xưa trở thành điên khùng như vậy.
Và trong đoạn cuối, Nhã Ca cho chúng ta câu trả lời:
"Với tôi, O Xưa là một hình ảnh khó quên trong tuổi mới lớn. O Xưa còn nhắc nhở tôi một giai đoạn lịch sử kinh hoàng. Đó là những năm trước, thời kháng chiến mùa Thu của Việt Minh. Nhiều buổi sáng, mấy đứa trong xóm rủ nhau đi học, ra khỏi con hẻm đầu dốc, chúng tôi gặp nhiều xác chết. Đó là lúc thường nghe tiếng đàn bà rú lên, gào khóc. Có xác bị mất tứ chi, có xác bị cắt đầu, hoặc cái đầu máu me đặt trong chiếc nón rách ghim một bản án của Việt Minh. Không theo Việt Minh là Việt gian, giết đến bao giờ cho hết. Như người bạn nhỏ của tôi, một buổi sáng dậy, xách cặp đi học, thấy cha bị giết, xác và bản án đặt trước ngõ nhà...
Con nít không dám ra đường sáng sớm, những lúc xác người chưa được dọn đi. Nhưng O Xưa ra đường sớm lắm. Vẫn bế bọc vải trên tay, O đi đến bên xác chết. Có người chết nào, hay đầu lâu nào chưa chịu nhắm mắt, O Xưa vuốt mắt cho họ và thủ thỉ:
"Đừng buồn. Đừng sợ. Để tui nhờ chàng Ba chỉ đường tránh cửa ngục..."
Thuận An năm Ất Dậu, một câu chuyện khác trong tuyển tập O Xưa, lấy bối cảnh từ năm 1945, khi quân Nhật đang chiếm đóng Việt Nam, khiến tôi chú ý, vì từ tấm bé đã được nghe mẹ kể lại những cái ác của người Nhật, ngoài việc gây ra nạn đói làm chết hàng triệu người Việt vì đã bắt nông dân nhổ lúa trồng đay để giải quyết nạn khan hiếm vải.
Một lần nữa, tác phẩm của Nhã Ca, qua cách miêu tả cuộc sống đời thường và đối thoại của các nhân vật, luôn ghi lại lịch sử thăng trầm của đất nước.
'Tôi chọn làm thi sĩ'
Nhiều người có khuynh hướng chỉ nghĩ về Nhã Ca như một nhà văn, có lẽ một phần vì tác phẩm Giải Khăn Sô Cho Huế quá nổi tiếng, nhưng khi được MC trẻ tuổi Jimmy Nhựt Hà hỏi nếu chỉ được chọn một trong ba lãnh vực, là thi sĩ, văn sĩ, hay nhà báo thì Nhã Ca trả lời, “tôi sẽ chọn làm thi sĩ.”
Và khi nghe chính thi sĩ Nhã Ca đọc bài thơ Tiếng Chuông Thiên Mụ của mình bằng một giọng Huế hết sức truyền cảm, trong khi vũ công ballet Nicole trình diễn vũ khúc của vũ sư Thắng Đào minh họa cho lời thơ thì khán giả mới ngẩn ngơ hiểu tại sao:
Tôi lớn lên bên này sông Hương
Con sông chẻ đời ra những vùng thương nhớ
Cây trái Kim Long, sắt thép cầu Bạch Hổ
Cửa từ bi vồn vã bước chân sông...
Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông
Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn
Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy...
Từ dạo xa chuông khôn lớn giữa đời
Đổi họ thay tên viết văn làm báo
Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo
Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư
Tháp cổ chuông xưa sông nhỏ sương mù...
Tôi thức dậy rồi đây chuông ơi chuông hỡi
Tôi thức dậy đây tôi thức dậy rồi
Thức dậy thực sự rồi
Thức dậy cùng giông bão, thức dậy cùng tan vỡ
Thức dậy cùng lịch sử
Mẹ hiền ơi thành phố cũ chiều nay
Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay
Trên mặt nước trên mặt người mặt lộ
Cho con trở về đứng mê sảng ngó...
Chiều thơ nhạc của Nhã Ca còn nhiều tiết mục đặc sắc như phần đọc một truyện ngắn trong tuyển tập O Xưa của Giám đốc Điều hành VAALA Lê Đình Ysa, phần đọc thơ Nhã Ca của nhà thơ Đỗ Quý Toàn, phần hát Bài Nhã Ca Thứ Nhất của ca sĩ Khánh ly, v.v..
Nhìn quanh quang cảnh hôm ấy, khách tham dự người cười nói, kẻ trầm ngâm, tôi tự hỏi không biết bao nhiêu người trong khung cảnh này đang nhớ về một Việt Nam ngày xưa xa xôi.
Đêm ấy, trên đường về nhà, Thu Thủy Ngô, người bạn tôi tâm sự:
"Thật ngưỡng mộ sức sáng tác còn mạnh mẽ của nhà thơ Nhã Ca sau khi đã qua tuổi 80. Nhưng tôi thoáng buồn khi nghĩ rằng lần này gặp gỡ chị Nhã Ca và thi sĩ Trần Dạ Từ, trước khi anh chị đi Thụy Điển sống với con gái đầu lòng, là không biết có còn cơ hội nào khác hay không ? Hạnh phúc có khi mong manh, nên rất đáng quý. Tôi sẽ nhớ mãi buổi tối này."
Riêng tôi, bên tai vẫn âm ỉ tiếng ngâm thơ trầm buồn của Nhã Ca:
...Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông...
Tôi bỏ Việt Nam đi năm mười chín tuổi. Và đêm nay Nhã Ca đã làm ký ức tràn về. Cảm ơn Nhã Ca và hơn 50 tác phẩm để đời.
..
Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Tina Hà Giang,
hiện sống tại Nam California, Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét