Chủ Nhật, 5 tháng 3, 2023

bài đáng đọc: " Hoạ sĩ CHOÉ : Một Cây Cọ -- Một Đời Người "/ Hà Đình Nguyên / tphcm -- trích: https://www.dutule.com/auith...

 

                        Hà Đình Nguyên


  HOẠ SĨ CHOÉ :  "MỘT CÂY CỌ - MỘT ĐỜI NGƯỜI"

                 

                     05 Tháng Ba 20233:42
HÀ ĐÌNH NGUYÊN - Hoạ sĩ Choé: Một cây cọ-một đời người

Một ngày đầu tháng 4.2002, một người bạn báo cho tôi cái tin họa sĩ Chóe đang lâm bạo bệnh, đôi mắt hầu như đã mù hẳn. Người bạn hối thúc: “Ông tới phỏng vấn ngay đi, kẻo không còn kịp!”.

Với họa sĩ Chóe, tôi vẫn thường gặp ông ở các cuộc triển lãm tranh trong thành phố HCM. Bẵng đi một thời gian không thấy bóng dáng quen thuộc của ông, ai ngờ…

Tôi gọi điện thoại, và dù đã được họa sĩ đồng ý gặp gỡ, trao đổi nhưng tôi vẫn băn khoăn bởi câu chuyện chắc chắn sẽ phải đề cập đến một vấn đề hết sức nhạy cảm: bệnh tật và khả năng sáng tác của người nghệ sĩ…

 Tuy nhiên, điều lo lắng của tôi đã “hơi bị… thừa” khi họa sĩ Chóe tươi cười, niềm nở đón tôi một cách chân tình tận ngoài cổng ngôi nhà số 5 đường Quang Trung (Gò Vấp, TP.HCM), và câu chuyện giữa chúng tôi không còn đơn thuần là một cuộc phỏng vấn báo chí mà lan man đủ thứ chuyện, nhất là khi phát hiện ra chúng tôi cùng chung một tín ngưỡng: đạo Amen! 

- Ông khoe với tôi bức ảnh ông được diện kiến Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II trong một chuyến hành hương Vatican năm 1998, ông cười hóm hỉnh:
 
“Thường thì Đức Giáo hoàng chỉ tiếp kiến các vị nguyên thủ quốc gia không à, vậy mà ngài đặc cách tiếp tôi đấy!”

Họa sĩ Chóe tên thật là Nguyễn Hải Chí, sinh ngày 11.11.1943 (Quý Mùi) tại Chợ Mới (An Giang). Ông phải rời trường lớp từ rất sớm để lên Sài Gòn mưu sinh. “Thế ông đến với nghệ thuật bằng cách nào?”. Ông nháy mắt rất… 

Chóe: “Anh biết không, năm 20 tuổi tôi thầm yêu, trộm nhớ một cô gái Sài Gòn gốc Bắc, rất ngoan đạo. Cô ấy có khoảng… một tá sĩ quan VNCH săn đón, còn tôi chỉ là anh chàng thất học, không mong gì lọt vào mắt xanh người đẹp. Tôi biết nàng là độc giả trung thành của một tờ báo, thế là tôi… liều mạng sáng tác truyện ngắn, thơ gửi tới tờ báo đó, chỉ mong “tài vặt” sẽ làm nàng lưu ý. Làm liều thế mà năm 1969 tôi đoạt giải nhất một cuộc thi truyện ngắn và cũng nhờ viết lách mà tôi thâm nhập vào làng báo Sài Gòn. Khi họa sĩ chính của tờ Diễn Đàn tên là Tuýt đột ngột bỏ việc, ông chủ bút là nhà văn Viên Linh túng quá, bảo tôi: “Ông vẽ thử đi!” Tôi chỉ có mày mò học vẽ với một thầy giáo hồi ở dưới quê, nhưng nể bạn cũng vẽ liều. Vẽ xong chẳng biết ký bút danh gì, Viên Linh lại bảo: “Ông tên là Chí, vậy thì ký… Chóe!”.  Dân Nam Bộ chỉ nói “cãi nhau ỏm tỏi” chứ không nói “cãi nhau chí chóe”. Mà thôi, nghe cũng “kêu”. Ký luôn!” Những bức hí họa ký tên Chóe ra đời từ đó…”.

 “Thế còn cô thiếu nữ ngoan đạo?”

 “À, cô ấy tên là Nguyễn Thị Kim Loan. Tôi theo đuổi cô ấy từ năm tôi 20 tuổi, 3 năm sau thì cô ấy… lấy chồng. Bây giờ đã là mẹ của 4 đứa con (1 trai, 3 gái), gọi họa sĩ Chóe bằng… bố!”

Điềm đạm và hóm hỉnh là thế nhưng ít ai ngờ rằng con người này đã có đến… 15.000 bức tranh vẽ bằng tài năng bẩm sinh, sự nhạy cảm nhìn các sự việc qua lăng kính hài hước, trào lộng đã đưa ông trở thành một họa sĩ biếm tầm cỡ của làng báo Sài Gòn. Cây cọ của ông không nể nang một ai, từ Tổng thống Mỹ Richard Nixon, ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho đến Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Trần Văn Hương, “Big” Minh… trong những thời điểm nhạy cảm và nguy hiểm (cho mình) nhất.

 Năm 1973, nhà báo Mỹ Barry Hilton đã thu thập một số tác phẩm của ông để in thành sách phát hành tại Mỹ với tên gọi “The World of Chóe” (Thế giới của Chóe) và gọi ông là “Cây biếm họa số 1 của Việt Nam”…

 Sau 1975, tranh của ông lại tiếp tục xuất hiện trên rất nhiều tờ báo nhằm phê phán những thói hư tật xấu, những tiêu cực góp phần vào công cuộc lành mạnh hóa xã hội.

60 tuổi, một đời lao động nghệ thuật không ngừng nghỉ, cơ hội đóng góp và tiềm năng của người họa sĩ tài năng này còn rất nhiều, tiếc thay một căn bệnh nan y đã chặn ngang con đường nghệ thuật của ông. Sau 2 năm vật lộn với những di chứng của bệnh tiểu đường được điều trị trong nước, ở Pháp (6 tháng), ở Mỹ (2 tháng)… trái tim người nghệ sĩ tài hoa đã ngừng đập vào lúc 4 giờ sáng ngày 12.3.2003 trong một bệnh viện thuộc tiểu bang Virginia – Hoa Kỳ (16 giờ Việt Nam). Thi hài cố họa sĩ đã được chuyển về Việt Nam và an táng tại xã Phú Cường, huyện Định Quán (Đồng Nai).

Xin Chúa nhân từ thương xót linh hồn Martino!

HÀ ĐÌNH NGUYÊN

---------

P/S: Khi tôi ngồi gõ lại bài này để post lên FB (vì những bài báo cách đây 20 năm khó còn file lưu giữ) thì cô em Ngọc Linh (làm thư viện ở báo TN) – người mà ở đầu bài viết, là “một người bạn đã báo tin…, người bạn hối thúc…” – tự nhiên nhắn tin Zalo cho tôi (đã lâu chúng tôi không liên lạc, đây là lần đầu em nhắn, là do thấy tôi xuất hiện trên TV). Chúng tôi lại trao đổi về Họa sĩ Chóe. Ngọc Linh cho biết: Phu nhân của HS Chóe (bà Nguyễn Thị Kim Loan) đã mất cách đây vài tháng tại Canada, gia đình đã hỏa táng và đem tro cốt về VN, đồng thời cũng cải táng Hs Chóe. 2 hũ tro cốt của ông bà đã được gửi vào nhà thờ Hạnh Thông Tây trong một thánh lễ long trọng, có Ngọc Linh tham dự.


                                           ============

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét