đọc thêm (4) : " nhà văn Nguyễn Thuỵ Vũ : 50 năm, tưởng mình đã cũ ... "/ Tiểu Quyên / tphcm -- trích : Phụ Nữ (tphcm) -- 22/ 03/ 2017.
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ: 50 năm, tưởng mình đã cũ…
PNO - Bà xuất hiện trên văn đàn vỏn vẹn 7 năm, với 10 cuốn sách nhưng lại được đánh giá là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất trước năm 1975.
Có câu nói đại ý là người cầm bút đôi khi có số phận thật kỳ lạ. Họ phải gánh chịu nhiều hơn người khác những thăng trầm, phải lắng nghe và chịu đựng nhiều hơn; để đến một lúc mọi thứ sẽ kết tinh thành những trang viết. Điều này có lẽ rất đúng với nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ (tên thật là Nguyễn Thị Băng Lĩnh, sinh năm 1937).
Bà xuất hiện trên văn đàn vỏn vẹn 7 năm, với 10 cuốn sách nhưng lại được đánh giá là một trong năm nhà văn nữ nổi tiếng nhất trước năm 1975. Các tác phẩm của bà vừa được tái bản, vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ ký tặng sách tại buổi giao lưu tại Đường sách TP.HCM |
Với thế hệ người đọc trẻ sau này, Nguyễn Thị Thụy Vũ có lẽ là một cái tên… lạ, vì tác phẩm như chìm khuất vào hư vô suốt mấy chục năm qua, chưa một lần được nhắc đến, nhưng không ngờ, buổi giao lưu với bà – nay đã ở tuổi 80, lại có mặt rất nhiều người trẻ. Và bên cạnh những người trẻ, không thiếu những người tóc đã bạc.
Đã 50 năm kể từ ngày nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ quyết định dừng sự nghiệp viết lách. Cũng chừng ấy năm, cớ ngỡ trong lòng bà, những câu chuyện, những nhân vật ngày nào cũng đã chìm khuất, nhưng nhà văn Lý Lan và nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc – hai người dẫn chuyện – nhắc đến đâu là bà nhớ đến đó; nhớ cả cái lúc sinh con mới ba ngày đã bỏ con một mình trong bệnh viện chạy về nhà viết tiếp cho kịp thời hạn đăng báo.
Thời đó bà sống chủ yếu bằng viết truyện nhiều kỳ cho các báo. Người cùng thời công nhận bà “viết rất dữ, viết liên tục với những đề tài vô cùng hấp dẫn”, giờ nhìn lại, với bà, chỉ còn một câu chạnh lòng: “Sinh nhai bằng ngòi bút, viết văn để nuôi con là quá thảm với một người đàn bà”; còn dư âm của nỗi ám ảnh: “Tôi cày vậy mà đến khi đi đẻ trong túi chỉ có vài đồng bạc”.
Bà tâm sự: “Tôi viết để chia sẻ những cái khổ, những ẩn ức của mình, của những cô gái lấy Tây, kể chuyện trong những xóm lao động nghèo… Không ngờ nghề viết lại thành nghề chính để kiếm tiền. Cái nghề viết đúng là có vinh có nhục; có người thương người ghét, người khuyến khích người chèn ép. Ngày xưa mỗi kỳ truyện nhận được nhiều lắm là 20.000 đồng, chủ báo còn cò kè thêm bớt. Nhận nhuận bút mà giống như đi xin. Có người đọc truyện nghĩ tôi viết xấu về họ, xách lựu đạn tới nhà dọa tôi mà viết nữa sẽ ném lựu đạn cho chết. Cái khổ cùng tận đến mức nhiều lúc cứ nghĩ đến cảnh sẽ pha thuốc chuột mẹ con cùng uống”.
Cuộc đời 80 năm của bà giờ rất đơn giản, sống vui với con cháu. Nhưng, những chìm nổi một đời người ấy, bà bảo, vẫn là những “ẩn ức” sống để dạ chết mang theo. Tác phẩm bao giờ cũng phảng phất bóng dáng của nhà văn. Cứ đọc tác phẩm của bà sẽ thấy. Từ truyện đầu tiên Mèo đêm đến sau đó là Khung rêu, Thú hoang, Nhang tàn thắp khuya, Chiều xuống êm đềm, Lao vào lửa… đều như những tiếng thở dài.
Bà kể: “Tôi viết nhiều về thân phận của những cô gái bán bar, lấy Mỹ đến nỗi có ông lính thấy tôi thì nhào lại ôm, hỏi tôi là Michelle hay Jacky; tôi phải giải thích mình chẳng phải là ai cả. Hồi đó tôi từ Vĩnh Long lên Sài Gòn dạy tiếng Anh cho mấy cô làm ở các snack bar. Họ học là chuyện phụ, chủ yếu là có người để tâm sự chuyện đời mình. Nhờ vậy mà tôi có chất liệu thật như thể mình cũng sống trong môi trường đó. Nghề của các cô bị người đời khinh rẻ, nhưng có gần gũi mới hiểu mỗi cô đều có riêng những nỗi khổ và dù thế nào vẫn giữ được cái tình chân chất của con gái miền Tây”. Cái nhìn nhân văn của người cầm bút sẽ cứu rỗi những thân phận - nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ đã làm được điều đó bằng các tác phẩm của mình.
Tác phẩm được đánh giá là “lạc khỏi dòng chảy quen thuộc của Nguyễn Thị Thụy Vũ” là Khung rêu (giải thưởng văn học miền Nam 1971). Khung rêu là một câu chuyện có bối cảnh lùi về gần với thời Tắt đèn của Ngô Tất Tố hay Giông tố của Vũ Trọng Phụng, viết về một nông thôn Nam bộ với tá điền, địa chủ và số phận cùng quẫn của con người trước thời cuộc. Viết xong cuốn này, bà bị cha mình – nhà văn Mặc Khải, giận suốt nhiều năm.
“Cha tôi tuổi Canh Tuất mà nhân vật tôi viết lại tên Canh. Thế là ông giận, nói tôi làm xấu ông”- bà nói vui. Sở dĩ bà viết chuyện gì cũng có người tự nhận là bà viết họ bởi “70% chi tiết trong các câu chuyện của tôi là lấy từ sự thật”. Văn của bà không hoa mỹ, không quy chiếu, không lý luận, suy ngẫm mà hoàn toàn là tả chân. Nhiều truyện không có cái tôi của người viết, nhà văn chỉ miêu tả, ghi chép và để người đọc tự nhận diện tính cách nhân vật thông qua cử chỉ, lời nói của họ.
Văn phong của bà rất gần với báo chí. Đây là việc tưởng dễ nhưng thật ra là vô cùng khó, đòi hỏi nhà văn phải quan sát rất kỹ và biết chọn lọc những chi tiết đắt giá nhất để thể hiện lại.
Ai cũng hỏi vì sao sau năm 1975 bà không viết nữa và tiếc nuối khi biết những bản thảo truyện ngắn viết tay sau đó đã bị bà đốt hết vì nhiều lý do. “Sau này tôi mới tiếc là sao mình không mang bản thảo gửi cho một ai đó. Giờ ở tuổi gần đất xa trời, tôi hưởng phúc với con cháu được ngày nào hay ngày ấy, viết lách gì nữa” – bà cười hiền. Một cuộc đời dài nhiều sóng gió, giờ bà đang tận hưởng những khoảnh khắc bình an…
Sau Nguyễn Thị Thuỵ Vũ sẽ tái bản tác phẩm của 4 nữ văn sĩ khác “Từng có đơn vị muốn in lại tác phẩm của nhà văn Thụy Vũ nhưng vấn đề giấy phép gặp khó khăn. Những cuốn sách này đã được nhà văn ủy quyền cho nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, chúng tôi cũng nhận được giới thiệu của NXB Hội Nhà văn. Liên lạc với tác giả, bà cũng rất vui khi sách được tái bản. Chúng tôi hiểu nhiều độc giả trẻ chưa biết Nguyễn Thị Thụy Vũ là ai, nhưng hy vọng nếu đã đọc tác phẩm của bà, bạn đọc sẽ hiểu vì sao đây là một nhà văn nữ hàng đầu ở Sài Gòn trước năm 1975” – bà Ngân Hoa, đại diện Phương Nam Books chia sẻ. |
Tiểu Quyên
được đăng bởi khedo@outlook.com @ 14:33 0 Nhận xét
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ