Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

bai đáng đọc : " nhà thơ Ý NHI - người đã biết tự chán mình" / Nguyễn Thị Hồng Ngát / Hà Nội -- trích : https://nhancdfan.vn -- 23/ 05/ 2007.

 

Nhà thơ Ý Nhi - Người đã biết tự chán mình

 

NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT

Nhà thơ Ý Nhi.
Nhà thơ Ý Nhi.

Mới ngày nào trông những người bạn cùng lứa, những người anh người chị trong làng văn còn mơn mởn sắc xuân...

Vậy mà nay gặp nhau vẫn khen nhau trẻ ra đấy nhưng lòng không khỏi  ngậm ngùi khi thấy mớ tóc của ta, của bạn bè ta đã điểm bạc, da đã  mồi, cặp mắt không còn tinh nhanh đen láy như xưa nữa...

Có người đã mất, có người thì tha phương, người thì di chuyển “hành phương nam” sinh sống...

Có những người mà ngày trẻ trung thân thiết là thế mà nay về già tuy sống cùng một thành phố đấy nhưng cũng chả có nhu cầu gặp mặt làm gì...

Trớ trêu thay là tình cảm con người, nó thay đổi không thể nào lường nổi... Có những lúc không khỏi tự vấn “Thế là thế nào nhỉ? Tại sao nó lại ra như thế?” Chịu, giời mới hiểu nổi. Đến gắn bó như vợ với chồng mà khi đã bỏ nhau thì cũng ít khi còn muốn nhìn mặt nữa là...

Tôi cứ miên man những điều vớ vẩn như thế khi những năm gần đây, mỗi lần có công chuyện vào thành phố Hồ Chí Minh...

Lần nào cũng nghĩ, cũng nhớ đến một người, đó là chị Ý Nhi - một nhà thơ nữ thuộc lớp đàn chị. Nhưng phần vì chuyến đi nào cũng gấp gáp, cũng lắm công nhiều việc,  phần cũng cảm thấy ngại ngần không dám đến chơi vì nghe nói đã lâu rồi nhà thơ dường như ở ẩn, ít thích giao du tiếp xúc với ai, ít thích xuất hiện trong những cuộc đọc thơ như trước...

Thật ra những điều như vậy tôi không lạ gì bởi tính chị từ xưa vốn đã không phải người dễ dãi. Chị đã từng viết “tôi không ưa đồ trang sức - kể cả nhẫn, vòng và các chức danh” hoặc “tôi rất ít bạn-  đôi khi tôi mất họ vì một lẽ nào đó-ngoài ba mươi tôi không tìm thêm bạn mới- và không thường giao du với các đồng nghiệp” (Tiểu dẫn).

Rất ít nhà thơ “dám” thẳng thắn khắc họa tính cách mình như nhà thơ Ý Nhi. Có thể họ cũng có những ý nghĩ giống chị nhưng lại được che phủ bởi những câu nói khéo hơn. Nhưng chị là vậy, thẳng thắn đến mức cực đoan, không cần biết người ta thích hay không thích chỉ biết rằng TÔI là như thế!

Chị là người bao dung với lớp đàn em chúng tôi nhưng lại rất khe khắt với chính mình. Đặc biệt chị rất hay thương xót và tìm đến với những người bạn văn chương gặp cảnh trớ trêu hay gặp khó khăn trong cuộc sống để họ cần gì thì giúp đỡ. Nhưng khi họ đã khá giả, đã trưởng thành thì chị lại lặng lẽ lùi xa...

Còn nhớ những năm 70 của thế kỷ trước, một hôm tôi đến thăm GS - NSND Trần Bảng khi ấy ở khu tập thể nghệ sĩ phía trong Nhà hát nhân dân (nay là Cung Hữu Nghị).

Biết tôi là người mê thơ và cũng đã có một số bài được đăng báo, Giáo sư bảo nhà thơ Ý Nhi vừa sinh con đang ở nhà bố mẹ  cạnh nhà chú đấy, cháu sang thăm chị ấy không?

Thú thực là tôi nghe danh nhà thơ đã lâu nhưng chưa một lần gặp mặt nên cũng rất muốn gặp chị. Và tôi đã được phu nhân GS dẫn sang. Lúc ấy chị Ý Nhi đang bế con.

Cậu bé mới sinh còn đỏ hỏn... Cảm giác đầu tiên trông chị không giống một nhà thơ (chí ít là trong trí tưởng tượng của tôi lúc đó - nhà thơ là phải có chút gì đó khác người hoặc làm ra vẻ khác người).

Chị thì lại đoan trang, lịch thiệp,  hiền từ, giản dị  cười cười nhìn tôi gật đầu chào. Biết tôi là người mới vào nghề còn rụt rè, bỡ ngỡ chị liền đưa cho tôi xem một chùm thơ chép tay của chị chắc là mới viết xong, bài nào cũng khá dài, tôi không kịp đọc chỉ kịp liếc nhìn thấy chữ chị sao mà đẹp thế, cứng cỏi thế, chữ nào ra chữ nấy chả bù với chữ tôi quều quào ngoáy tít như gà bới…

Phu nhân GS Trần Bảng bảo nhà thơ Ý Nhi quê gốc ở Quảng Nam, là con bác Hoàng Châu Ký “ông thầy Tuồng” nổi tiếng  đấy, chồng chị ấy là GS Nguyễn Lộc - một trong không nhiều GS nổi tiếng của trường ĐH Tổng Hợp (chị lại là sinh viên của anh)!

Ôi chao, thảo nào  chả trách trông chị ấy sang trọng thế, nhàn nhã thế chứ chả có vẻ gì là “đầu bù tóc rối”, là “mẹ bổi” như những nhà thơ nữ vất vả khác của thời ấy. Sau này được quen thân với chị thì cảm giác đầu tiên của tôi càng thấy đúng. Chị bao giờ cũng đi đứng khoan thai, nói năng từ tốn chứ chẳng như chúng tôi lúc nào cũng hấp tấp vội vàng lốp chốp loác choác...

Hồi ấy đời sống của mọi người đều rất khó khăn. Mấy chị em làm thơ có hôm nào đãi nhau được bữa bún chả đã là to lắm, sang trọng lắm. Tôi tuy ít tuổi hơn nhưng lại hay chơi với các nhà thơ đàn chị nhưng có lẽ, những người thường gần gũi với tôi nhất đó là hai nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn và nhà thơ Ý Nhi. (Chị Nhàn thì tuần nào chị em cũng gọi điện cho nhau, thỉnh thoảng vẫn gặp nhau.

Còn chị Nhi thì thảng hoặc, nhất là từ ngày chị vào sống trong TP Hồ Chí Minh thì càng xa cách hơn). Nói đúng ra là ngày trước tôi hay được hai chị “rủ rê” cho đi chơi cùng. Tôi là đứa em hay được đi theo các chị và cũng là người hay được chứng kiến những chuyện “tào lao” của giới nữ làm thơ của chúng tôi ngày ấy .

Ví như có lần ngồi một nhóm chị em gái với nhau đến 4-5 người đều viết văn làm thơ cả, các chị đều yêu quý và gọi một nhà thơ nổi tiếng lại có chức sắc thời đó bằng ANH riêng tôi thì cứ nhất mực gọi bằng CHÚ.

Một chị bảo “sao mày không chuyển thành anh đi, cứ chú mãi thế.!” Chị khác nói luôn “kệ nó, cứ để nó gọi CHÚ, loại được đứa nào tốt đứa ấy!” thế là cả đám cười vang, vui như tết! Và, có lẽ trong suốt mấy chục năm qua, mối quan hệ với hai chị không chỉ là thơ mà còn hơn cả thơ – đó là mối quan hệ chị em thân thiết.

Nhà thơ Ý Nhi từ cuối những năm 80 đã cùng gia đình chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống.

Những năm chị mới vào trong đó, mỗi lần vào công tác tôi đều tìm đến thăm chị. Khi  thì được chị giữ lại ăn cơm, khi  thì được chị cho mượn cái xe đạp đi long dong khắp phố. Hàng ngày chị đến cơ quan (văn phòng đại diện của NXB Tác phẩm mới) với tà áo dài tha thướt.

Tôi thấy rất nhiều văn sĩ, trí thức đến làm việc với chị. Người có bản thảo, người chỉ có tay không. Họ đến không chỉ để được in sách mà quan trọng hơn là được nhìn ngắm chị - một nữ sĩ, một nhà thơ từ Bắc kỳ vào sao lại có người duyên dáng, lịch thiệp thế!

Rồi những đêm thơ nữ ở thành phố không thể vắng chị vì chị là “chủ soái” của CLB thơ nữ của thành phố Hồ Chí Minh. Bằng mối quan hệ quen biết của mình, chị đã đưa các nhà thơ nữ của thành phố đi đọc thơ ở hầu hết các tỉnh phía nam. Một lần tôi đang đi công tác ở Nha Trang, tình cờ gặp CLB thơ nữ của chị thế là được nhập vào và được coi như một thành viên luôn.

Lại nhớ về những năm 70 của thế kỷ trước... Khi ấy các con của tôi vẫn còn trứng nước mà mẹ của chúng lại vừa bị “gãy một lần đò”. Nhà thơ Ý Nhi là người đã đến động viên và chăm sóc tôi nhiều nhất trong những ngày ấy.

Biết tôi mang con về ẩn náu ở quê, chị đã cùng cậu con trai lớn đi canô về an ủi, động viên tôi gắng sống. Do không biết đường nên hai mẹ con ngồi quá mất một bến. Hai mẹ con phải lên bờ ngồi chờ chuyến canô ngược lên… trời thì nắng chang chang…

Đến tận bây giờ tôi vẫn không thể quên tấm lòng của chị. Mỗi lần nhớ tới chuyện ấy tôi lại cảm động và không hiểu sao ở trên đời này lại có một người tốt đến thế, nhân hậu đến thế!

Khi tôi chuyển nhà cũng vậy…trời thì mưa như trút nước, loay hoay chỉ có một mình… Chị Ý Nhi lại xuất hiện và chị đã đội mưa đi cùng tôi xuống tận Tân Mai. (Tôi đã viết lại cảnh này trong bài “Ngôi nhà Tân Mai”: Vẻn vẹn chưa đầy một xe xích lô-tất cả gia tài của con và của mẹ- giữa một chiều mưa như chưa bao giờ mưa như thế - mẹ con mình chuyển nhà về Tân Mai!).

Bây giờ ngồi viết những dòng này về chị, có thể là nhà thơ Ý Nhi đã quên như chị đã từng quên những điều chị đã làm cho người khác nhưng người khác lại không quên chị. Ngày tôi còn học ở Nga, chị Ý Nhi hay đến thăm các cháu và lấy thư của các cháu để nhờ gửi giúp mỗi khi Hội nhà văn có người sang... Mỗi phong thư ngắn ngủi của chị đã động viên tôi rất nhiều trong những năm học ở xa như thế.

Càng sống, con người ta như càng vỡ ra nhiều điều. Ngày trước có lần rủ chị đi đọc thơ chị chỉ cười, bảo “mày đi đi, tao giờ chán rồi không thích xuất hiện nữa” tôi nghe mà thấy ngạc nhiên. Sao lại chán? Sao lại không thích?

Bây giờ ở vào tuổi của chị ngày ấy tôi mới thấy chị đã thật đúng, thật sâu sắc khi biết tự “chán” mình ! Vẫn trong bài “Tiểu dẫn” chị đã viết “tôi ngại các tiệc vui - nhiều khi tôi khóc vì chính cái khiến mọi người quanh tôi vui sướng - và lại muốn thét lên khi mọi người yên lặng”. Chị đã viết như thế từ rất lâu rồi và chị cũng đã sống như những gì chị viết. Không thể khác được vì đó chính là chị.

Nhà thơ Ý Nhi đã cho xuất bản khá nhiều tập thơ (Trái tim nỗi nhớ, Đến với dòng sông, Người đàn bà ngồi đan (giải A Hội nhà văn Việt Nam, 1985), Ngày thường, Mưa tuyết, Gương mặt...) và bây giờ tôi dám chắc một điều là chị vẫn làm thơ, những bài thơ dù chị chưa công bố nhưng hẳn là sẽ rất thích, sẽ rất hay, sẽ đầy những suy nghĩ sâu sắc về cuộc đời, về nhân tình thế thái...

Nói vậy, dù biết chị “ở ẩn” nhưng  năm ngoái, năm kia gì đó tôi đã theo Hoài Sơn em trai chị hiện là phóng viên TT&VH vào Gò Vấp thăm chị. Hoài Sơn biết tôi quý chị và ngược lại chắc chị cũng vậy nên sốt sắng đèo tôi đi.

Tôi hớn hở mua một bó hồng đỏ thật đẹp để tặng chị (vì chị em lâu ngày không gặp nhau. Cái sự “lãng mạn” này là tôi học được ở nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, bao nhiêu năm nay chị Nhàn vẫn có thói quen mua hoa cho bạn bè mỗi lần chị đến nhà chơi đã khiến lũ đàn em chúng tôi rất thích).

Cạnh đó tôi cũng rất thực tế, mua một chú gà quay mang vào góp bữa  (cái sự “thực tế” này tôi lại học được của nhà thơ Ý Nhi - nhà thơ bao giờ cũng chú ý đến việc có thực mới vực được đạo mà!)

Nhà thơ Ý Nhi đang làm vườn. Chị đón tôi bằng nụ cười hiền hậu như ngày nào và khen tôi mập hơn trước. Trong nhà hôm đó có cả bác Hoàng Châu Ký, cụ thân sinh của chị mới ở Đà Nẵng vô chơi. GS Nguyễn Lộc cũng khen tôi khỏe hơn trước và tôi cũng thấy anh như vậy.

Vẫn như trước đây, nhà thơ Ý Nhi dù bận bịu công việc đến mấy vẫn quan tâm đến chuyện bếp núc và chị cũng là người nấu món ăn cực ngon. Chị chưa bao giờ sao nhãng chuyện chăm sóc chồng con và những người thân.

Thấy mớ tôm ngon chị mua cho nhà mình, thì cũng mua luôn cho nhà các em như vậy… Cái gì cũng san xẻ, chắt chiu... Dù là nhà thơ nhưng chị rất đảm đang trong việc tề gia nội trợ. Khác hẳn với thói quen thông thường của người đời hình dung về nhà thơ và thường sợ nhà thơ đoảng vị nếu “chót” lấy về làm vợ!

Ngắm nhìn ngôi biệt thự một tầng nhưng kiến trúc theo kiểu Tây (có nhiều phòng ngủ bao quanh và một phòng khách rất rộng, tường phía ngoài quét sơn màu trắng vừa thấy giống kiến trúc kiểu Pháp lại vừa thấy giống kiểu Úc). Xung quanh nhà là khu vườn rộng mênh mông trồng cỏ xanh mượt, góc vườn để chiếc ôtô 4 chỗ phủ bạt.

Chị bảo khi cần thăm thú ai hoặc có việc gì thì bảo người lái xe đưa vào thành phố. Tôi kể  với chị về những người chị quen thân ở Hà Nội trước đây, có người sống vui vẻ, có người thì vừa mới mất... Chị lặng yên rồi khẽ thở dài... 

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ