Nhạc vàng, Nhạc đỏ
Hai miền Cao Ly
Chị Lee Suk-jeong kiếm khá bộn tiền nhờ buôn hàng từ Trung Quốc sang biên giới Triều Tiên. Những mặt hàng của chị được săn lùng ở các thị trường chợ đen Triều Tiên: vàng, thuốc lá và các chương trình truyền hình, phim ảnh và âm nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc. Do hoạt động buôn bán này, chị là đối tượng bị theo dõi thường xuyên, nhà của chị bị khám xét mà không cần báo trước. Chị đã từng đi tù hơn một năm vì buôn loại hàng này. Bây giờ thì người phụ nữ 49 tuổi này đang sống yên ổn tại miền Nam sau khi trốn khỏi miền Bắc vào năm 2019.
Những người theo dõi chị Lee là những “tai mắt nhân dân”, vô cùng hạnh phúc khi báo cáo cho “cơ quan chức năng” các hành vi bị coi là “phi xã hội chủ nghĩa” hoặc hành vi đi ngược lại các nguyên tắc của chế độ Kim Jong Un, vốn dựa vào sự an phận, sợ hãi, hối lộ và tống tiền để giúp Kim duy trì sự kìm kẹp, lãnh đạo toàn diện.
Các vi phạm sẽ bị báo cáo gồm có: sở hữu hoặc tiêu thụ phương tiện truyền thông Hàn Quốc; hát, nhảy hoặc nói theo cách không đúng chuẩn miền Bắc (ví dụ ngô thay vì bắp, lợn thay vì heo, béo thay vì mập); có ý định đào tẩu; hoặc móc máy chế độ. Những người vi phạm có thể bị đưa đến các trại lao động hoặc trong trường hợp hết thuốc chữa, bị xử tử công khai.
Triều Tiên thắt chặt các hoạt động giám sát sau nạn đói vào những năm 1990, ước tính có tới 3 triệu người thiệt mạng. Người dân tìm cách tồn tại bằng cách lén lút nhập hàng hóa từ nước láng giềng Trung Quốc. Thói quen đó mở đường cho thị trường chợ đen, hiện là trung tâm của nền kinh tế Triều Tiên.
Đi cùng với hàng hóa là một luồng thông tin “xấu”, đe dọa sự tồn vong của chế độ chuyên chính. Các bộ phim truyền hình và điện ảnh Hàn Quốc cho thấy miền Nam là một quốc gia tư bản thịnh vượng, chứ không phải là một quốc gia nghèo khó đầy những người ăn xin và tội phạm như được Ban Tuyên giáo của Triều Tiên miêu tả.
Có chuyện buồn cười là có nhiều người thuộc thành phần tai mắt nhân dân, sau khi đi sâu đi sát vào quần chúng “xấu” để tìm cách báo cáo lấy điểm, cũng bắt đầu sáng mắt ra và có thái độ quay xe. Chính vì lẽ đó, chính quyền của Kim chỉ sử dụng thành phần tai mắt nhân dân từ 6 tháng đến 1 năm, sau đó lại thay người mới.
Chính quyền của thái tử đảng Kim Jong Un không may mắn như cha và ông của mình. Kim phải đối đầu với thế hệ sinh sau 2000, thành thạo Internet, tiếp cận dễ dàng hàng hóa, dịch vụ, các phương tiện giải trí, và nhất là các tư tưởng tự do dân chủ bên ngoài – trong nhiều trường hợp, truyền cảm hứng cho họ để thoát khỏi đất nước. Các chế độ ưu việt sợ nhất là các tư tưởng lệch lạc, thoái hóa, biến chất, không chịu đi đúng lề, không ngay hàng thẳng lối. Đã có lần, nhà nước Triều Tiên khan cả giọng lên án bậc cha mẹ buông lỏng, không chịu giáo dục uốn nắn con cái
Giờ đây, có bằng chứng cho thấy K-pop Hàn Quốc đang đóng một vai trò phá đám một cách tinh vi chính sách tuyên truyền của chế độ Bắc Triều Tiên, nhiều người đào tẩu xuống miền Nam khai rằng âm nhạc là một yếu tố khiến họ vỡ mộng với đảng và nhà nước. Hiện tượng này càng trầm trọng hơn khi số người làm chủ điện thoại di động ở Triều Tiên ngày càng đông và trao đổi thương mại ngang biên giới Trung Quốc ngày càng nhộn nhịp.
Khi còn là một bé gái quàng khăn đỏ, Ryu Hee-Jin được nuôi nấng để biểu diễn những bài hát yêu nước the thé ca ngợi ý chí sắt đá, lòng dũng cảm và lòng thương dân của Kim Jong Il, nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc bấy giờ.
Thế rồi nhạc pop của Mỹ và Hàn Quốc đến với cô.
Bây giờ thì cô nói:”Khi bạn nghe nhạc Triều Tiên, bạn không có cảm xúc. Nhưng khi bạn nghe nhạc Mỹ hoặc Hàn Quốc, nó thực sự mang lại cho bạn cảm giác nổi gai. Ca từ rất mới mẻ, rất gần gũi. Khi người trẻ nghe nhạc này, nét mặt của họ chỉ có cái thay đổi”.
Hai miền An Nam
Trường hợp của Ryu Hee-Jin không khác trường hợp của nhiều bộ đội miền Bắc lên đường vào Nam. Sau 75, chuyện nghe lén nhạc VNCH trong lúc ở rừng đã có nhiều cựu bộ đội thành khẩn khai báo.
Rất hiếm khi nào nhạc miền Bắc có những câu lãng mạn như “Anh lên xe trời đổ cơn mưa, cái gạt nước xóa đi nỗi nhớ” mà ông nhà văn Không quân Dương Hùng Cường đã chỉnh lại thành “Anh lên xe quần để trên vai, cái vòi nước lúc la lúc lắc” và nghêu ngao trong trại, mặc kệ quản giáo muốn làm gì thì làm.
Thống nhất hai miền ai mà chả muốn, nhưng thống nhất với kết quả như bây giờ thà đừng thì hơn. Nhiều người vẫn chưa hiểu tại sao người miền Nam lại luyến tiếc cái thời 54-75, chỉ có 21 năm mà làm được nhiều chuyện coi được hơn gần 50 năm qua. Muốn chứng minh chỉ cần hỏi gần 50 qua Đảng đã có ai thay thế Tuấn Ngọc, nhạc nhẹ; hoặc Huyền Vũ, bóng đá, chưa? Muốn chứng minh chỉ cần nhìn các ông các bà gửi con sang Mỹ học.
Bất chấp những đợt cấm nhạc vàng, dòng nhạc này chẳng những không chết mà còn sống mạnh sống hùng, đè bẹp nhạc đỏ. Bây giờ mà tổ chức một gala nhạc đỏ bên cạnh một gala nhạc vàng thì biết đá biết vàng ngay.
Chưa có nước nào phải lập danh mục những bài được hát và những bài không. Ca sĩ hải ngoại trước khi hát phải nộp danh sách cho biết hát những bản gì, làm giàu quan chức, làm nghèo ban tổ chức. Vậy mà sự cố Gia Tài Của Mẹ của Khánh Ly ở Đà Lạt vẫn xảy ra, kết quả như bà mong muốn, “Như một lời chia tay”.
Chính sách lãnh đạo toàn diện của Đảng là Quản mọi mặt, cái nào Quản không được thì cấm.
Thế hệ sinh sau tháng Tư năm 75 không biết rằng dòng nhạc bolero vào cuối năm 74 và những tháng đầu năm 75 đã đi vào giai đoạn thoái trào, nhưng nhờ có cộng sản vào, nó đã hồi sinh và sống khỏe.
Thế hệ này nghĩ rằng được hát lại nhạc vàng, được đá banh thoải mái, được xem hoa hậu liên tục, bây giờ hễ ra ngõ là gặp hoa hậu, là chế độ này cũng thoáng lắm rồi, còn đòi hỏi chi nữa.
Chỉ một số ít hiểu rằng nhạc vàng, hoa hậu, bóng đá, thậm chí thuốc lắc, chỉ là những màn để người ta quên đi những chuyện bất công, bóc lột, kỳ thị, chèn ép thậm tệ. Giai cấp bị trị ngày càng te tua, khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, đa số những căn nhà mặt tiền ở Sài Gòn đều có chủ miền ngoài.
Một xã hội bình thường, phát triển thì vào giờ hành chánh, con nít phải ở trong trường, người lớn lớp tuổi lao động sản xuất không la cà ở quán cà phê, quán nhậu.
Càng nhiều gala, festival, thi hoa hậu, giải bóng đá thì nhà nước càng mừng.
Chính sách “cái nào Quản không được thì cấm” bây giờ đã thêm một cái đuôi “cấm không được thì cho chơi thả cửa, miễn là đừng thách thức quyền lãnh đạo của Đảng”.
Châu Quang
nguồn: Đàn Chim Việt
=========
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét