Nguyễn Trung – họa sĩ tài hoa
(Vanchuongphuongnam.vn) – Nguyễn Trung, sinh năm 1940 tại Sóc Trăng. Anh lên học trường Trung học Phan Thanh Giản (Cần Thơ) rồi lên Sài Gòn vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn 2 năm (1959-1961) – vì bỏ học ngang năm thứ ba. Dù vậy, sau đó Nguyễn Trung vẫn được mời về trường dạy sơn dầu cho sinh viên. Nguyễn Trung vẽ theo khuynh hướng hiện thực (realism) và trừu tượng lãng mạn (lyrical abstraction).
Họa sĩ Nguyễn Trung.
Là họa sĩ nòng cốt trong sự hình thành Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam (1966) tại Sài Gòn và viết nhiều bài lý luận về nghệ thuật, Nguyễn Trung đã sớm đạt các giải thưởng Mỹ thuật: Huy chương bạc (năm 21 tuổi), Huy chương vàng (năm 23 tuổi). Họa sĩ Nguyễn Trung đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm cá nhân từ năm 27 tuổi ở trong và ngoài nước, tại: Alliance Française (Pháp văn Đồng minh hội) Sài Gòn; Paris (Maison du Viet Nam-Ngôi Nhà Việt Nam), Pháp; Hà Nội (Tràng An Gallery; Thành phố Hồ Chí Minh (Gallery Quỳnh). Là người đã từng sớm dịch quyển “Trà đạo” của thiền sư Suzuki. Sau ngày giải phóng, họa sĩ từng là Phó Tổng Biên tập tạp chí Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Tranh của Nguyễn Trung được triển lãm và lưu giữ tại Singapore, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Ý, Pháp, Hoa Kỳ, Bắc Âu và tranh của họa sĩ cũng được các nhà sưu tập tranh trong và ngoài nước trân trọng lưu giữ.
Sinh ra tại Sóc Trăng, một tỉnh trù phú được coi là xứ lúa mênh mông của miền sông nước Tây Nam bộ. Nguyễn Trung lên học trường trung học Phan Thanh Giản (nay là trường PTTH Châu Văn Liêm), Cần Thơ. Tại Tây Đô – đất nước cầm thi – có truyền thống về nghệ thuật văn chương, với Bùi Hữu Nghĩa (1807-1872), Phan Văn Trị (1830-1910), Lưu Hữu Phước (1921-1989), Trần Kiết Tường (1924-1999), Tô Dự (sinh 1930)… Nguyễn Trung, một tuổi trẻ yêu hội họa năng động, cá tính và giàu ước mơ sáng tạo trong không gian nghệ thuật của một thành phố văn hiến.
Ngoài những giờ học văn hóa chính thức ở một ngôi trường nổi tiếng được coi là chiếc nôi đào tạo của nhiều văn nghệ sĩ, Nguyễn Trung cùng nhóm bạn học yêu mỹ thuật như Nguyễn Thanh, Nguyễn Đồng, Lê Tấn Lộc… học thêm ngoài giờ môn hội họa với giáo sư Nguyễn Cường – tốt nghiệp trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương. Nhưng khi bắt đầu sang Đệ nhị cấp, (nay là PTTH), bất ngờ Nguyễn Trung vắng mặt ở ngôi trường Phan Thanh Giản anh đang học mà ít có ai trong số bạn bè thân của anh hay biết. Trong khi đó, Lê Tấn Lộc (Hội Mỹ thuật Việt Nam, đã mất) đã âm thầm vào chiến khu Tây Ninh. Còn Nguyễn Thanh sau khi tốt nghiệp Trung học, vừa vào Đại học Văn khoa, vừa học hàm thụ (par correspondance) Mỹ thuật một khóa ở nước ngoài tại Pháp và một khóa ở Sài Gòn, trong lúc Nguyễn Trung vào học Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn.
Sau khi ra trường, Nguyễn Thanh đi làm nghề “gõ đầu trẻ” (dạy Văn, Mỹ thuật), nhưng vẫn tiếp tục nghiên cứu thêm mỹ thuật và mở phòng vẽ tại Cần Thơ, Nguyễn Trung (và Nguyễn Đồng) đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp tại Sài Gòn dù có lúc không suôn sẻ. Riêng Nguyễn Trung, sau khi bỏ học ở trường vẽ hai năm, nhờ vẽ giỏi sơn dầu, anh được mời trở về dạy tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Anh thăng tiến mạnh mẽ trên con đường nghệ thuật đã chọn và đã xuất sắc đạt được những thành tựu rực rỡ vào những năm đầu của thập niên 1960: Huy chương Bạc trong Triển lãm mùa Xuân 1961 và Huy chương Vàng Triển lãm mùa Xuân 1963 cùng với sự góp công thành lập Hội Họa sĩ Trẻ Việt Nam – Sài Gòn gồm các họa sĩ nòng cốt: Nguyễn Cao Uyên (sinh 1933), Nguyễn Trung (1940), Hiếu Đệ (1935-2009), Trịnh Cung (sinh 1939), Nguyên Khai (sinh 1940), Hồ Thành Đức (1940), Nguyễn Phước (1943), Cù Nguyễn, Mai Chửng (1940-2001)…
Hành trình vào thế giới nghệ thuật tạo hình của Nguyễn Trung, người ta nhớ lại trong thời kỳ đầu mới hoạt dộng mỹ thuật, họa sĩ vẽ theo khuynh hướng hiện thực (realism) chủ yếu về chân dung phụ nữ. Nhưng trong đa phần tác phẩm vẽ phụ nữ nhất là những tranh anh đạt giải đã biểu lộ sắc thái mới lạ theo một phong cách đặc biệt về bố cục, cách phối màu nền tranh và nghệ thuật tạo đường nét. Nhìn lại kỹ chân dung người đẹp trong những bức tranh anh vẽ, khách thưởng ngoạn rất dễ nhận ra bút pháp cách tân đầy tính khai phá của anh khá gần gũi với phong cách vẽ chân dung phụ nữ của họa sĩ Ý Modigliani (1884-1920) mà chẳng phảng phất nét tương đồng với những họa sĩ hàn lâm, nổi tiếng vẽ chân dung phụ nữ vào hàng bậc thầy (Master-Artist) trong lịch sử hội họa thế giới như: Léonard de Vinci (1452-1519), Bottocelli (1445-1510), Rembrandt (1606-1669)), Rubens (1577-1640), Goya (1746-1828), Raphael (1483-1520)… Đặc biệt ở Nguyễn Trung, người phụ nữ được vẽ với dáng dấp mảnh mai, đôi cánh tay thậm thượt, bàn tay với những ngón dài, khuôn mặt thon thả. Nét mặt cô gái ngây thơ, hồn nhiên mà như ẩn chứa một vẻ lãng mạn thầm kín. Tư thế đối tượng trong tranh cũng khá độc đáo: từ dáng ngồi cho tới cách cầm hoa hay cái nghiêng đầu làm dáng rất trữ tình. Phần nền tranh anh vẽ thông thoáng (bức tranh “Thiếu nữ và Hoa”, “Thiếu nữ”, “Sen Hồng”, “Khỏa thân”, “Đêm xanh”, “Hoa vàng”, Thiếu nữ đứng trên đá”…).
Tranh thiếu nữ của họa sĩ Nguyễn Trung.
Nhìn kỹ lại, ta thấy thân hình mỹ nhân anh vẽ không nhất thiết phải săn chắc, khuôn mặt không phải tròn trịa kiểu hàn lâm của truyền thống Cao đẳng Mỹ thuật Đông dương, thường gặp nơi các nhà danh họa Tô Ngọc Vân (1906-1954), Trần Văn Cẩn (1910-1994)… ở phía Bắc và họa sĩ nổi tiếng đàn anh Lê Trung (1919-?), Lê Minh (1937- ?), Duy Liêm (1914-1994)… ở trong Nam. Cái nét lạ không giống ai ở họa sĩ Nguyễn Trung là anh không quá cẩn thận sử dụng một bút pháp chi li, trong từng ánh mắt, viền môi… trông không khác gì một tác phẩm cơ bản hình thành bằng máy móc của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Gần như ngay từ cái thuở ban đầu Nguyễn Trung đến với hội họa, anh đã nổi tiếng từ những họa phẩm vẽ giai nhân – một đề tài sở trường của họa sĩ – với phong cách rất Nguyễn Trung khiến cho người xem tranh dù chưa nhìn chữ ký tên bên dưới tác phẩm, cũng có thể đoán biết trước được ngay đó là tranh Nguyễn Trung. Cùng thế hệ với Nguyễn Trung, không thiếu vắng những họa sĩ tài hoa nổi tiếng ở Sài Gòn ngày trước, nhưng có lẽ Nguyễn Trung đã một thời thăng tiến trong nghệ thuật bằng con đường riêng, rất sáng tạo và đầy tính trí tuệ.
Sở hữu được những thành tựu rực sáng đó trong làng nghệ thuật là nhờ Nguyễn Trung chịu khó đọc rộng, nên có một kiến thức quảng bác về lịch sử hội họa thế giới, thẩm thấu và đánh giá chuẩn xác được những họa phẩm của nghệ sĩ bậc thầy. Nhờ đọc nhiều, biết nhận định nghệ thuật, Nguyễn Trung đã cảm nhận ra được giá trị đích thực của hầu hết tranh vẽ phụ nữ của các nhà danh họa trong và ngoài nước: vẻ đẹp thuần khiết, giàu nữ tính trong bức tranh vẽ thiếu nữ của nhà họa sĩ cách mạng Tô Ngọc Vân, vẻ đẹp của người phụ nữ với sắc diện đầy tâm trạng của danh họa Trần Văn Cẩn, vẻ đẹp dịu dàng, huyền hoặc trong họa phẩm của Dương Bích Liên,… Nguyễn Trung cũng dễ khám phá ra được cái tính chất liêu trai, ma mị ở người phụ nữ trong tranh sơn mài của Nguyễn Gia Trí hay tranh thủ ấn họa của Tú Duyên lẫn cái mượt mà, bóng lộn đầy vẻ chải chuốt trong tranh của nhà họa sĩ chuyên vẽ người đẹp Lê Trung và rất nhiều kỹ thuật độc đáo của các họa sĩ bậc thầy ở Hà Lan, Pháp nhất là những danh họa hàn lâm thuộc thời phục hưng (Renaissance: 1420-1600) được coi là thời đại hoàng kim của nghệ thuật nước Ý. Từ đó, trên nền tảng kỹ thuật vững vàng, anh đã có phong cách khai phá sáng tạo, Nguyễn Trung tự tin và không ngại đi tách rẽ sang một con đường mới, mang dấu ấn độc đáo được coi là tài sản riêng của mình.
Nhìn lại quá trình sáng tác của Nguyễn Trung, ta có thể nói nghệ sĩ đã trải qua hai giai đoạn: thời kỳ vẽ hiện thực (1961-1975) từ khi anh bắt đầu cầm cọ và thời kỳ vẽ trừu tượng (1990 đến nay) sau khi họa sĩ đi Pháp về. Thực ra, trong lịch sử hội họa thế giới, không hiếm trường hợp những họa sĩ đã trải qua nhiều chặng đường với những điều chỉnh đúng lúc nếu không nói là sự chuyển hướng sáng tác: Picasso (1881-1973), Braque (1882-1963), Nguyễn Gia Trí (1908-1993), Tú Duyên (1915-2012)…
Với Nguyễn Trung, chính những bức tranh vẽ thiếu nữ trong các cuộc triển lãm ban đầu của anh đã thể hiện rõ nét khuynh hướng hiện thực mặc dù đối tượng trong tranh vẽ của anh đã có riêng một phong cách lạ, đầy tính đặc thù khiến người ta không có thể nhầm lẫn tranh của anh với bất cứ tranh của một họa sĩ nào khác. Nhìn kỹ lại hầu hết tranh thiếu nữ Nguyễn Trung vẽ từ trước năm 1975, ta phát hiện ra được cái độc đáo là ở người đẹp nào cũng có một chút làm duyên rất lãng mạn trong cái nghiêng đầu ra vẻ ngây thơ. Đôi khi có ngấn cổ, nhưng thân hình cô nào cũng mảnh mai, cánh tay dài khẳng khiu với những ngón gầy guộc trên một khoảng nền không gian rộng rất ít khi được điểm xuyết bằng hoa lá cho bớt phần trống trải. Dường như đây là một sự cố ý làm khác với cách làm của các họa sĩ đi trước, cùng thời với anh hoặc các danh họa thế giới từ trước đến nay. Về tranh tĩnh vật cây trái, lá hoa được xem không phải là thế mạnh của Nguyễn Trung, khách thưởng ngoạn cũng ít tìm thấy nét uyển chuyển, mượt mà ở tranh tĩnh vật của J.E. Liotard (1702-1789), Cézanne (1839-1906), hoặc Henri Rousseau (1844-1910), Manet (1832-1883)…cho nên người ta ít để ý đến tranh tĩnh vật của anh. Chứng minh điều này không khó, bằng những tác phẩm hiện thực vẽ người trong thời kỳ 15 năm đầu chính thức khởi nghiệp cầm cọ của Nguyễn Trung cho đến ngày giải phóng.
Do ảnh hưởng của tình hình xã hội, sau 1975, trong 5 năm chuyển tiếp, Nguyễn Trung làm công việc trình bày và vẽ minh họa cho các báo và sống bằng tiền bán số tranh đã vẽ từ trước. Năm 1980, Nguyễn Trung mới bắt đầu vẽ lại, có dịp xuất ngoại và tiếp tục triển lãm tranh. Tranh của anh vẫn sáng đẹp tính trí tuệ với kỹ thuật già giặn, phong cách rất riêng và sáng tạo, không thể nhầm lẫn vào đâu được nhưng chủ đề và đường lối sáng tác đã đổi khác. Nguyễn Trung đã thực sự chuyển từ khuynh hướng hiện thực (realism) sang trừu tượng (abstraction) sau mấy chuyến anh đi ta đã từng bắt gặp trong tranh của họa sĩ Nga Kandinsky (1866-1944), Hans Hartung (1904-1989), Tạ Tỵ (1922-2004), Nguyễn Phước (sinh năm 1943)… với hiện diện của những hình ảnh kỷ hà ngang dọc, vạch nét phóng túng, sắc màu vung vải trong tranh của họa sĩ vẽ một cách tự do theo trí tưởng tượng của tác giả. Xem loại tranh này, khó có ai dám đảm bảo mình đã thấu hiểu được nội dung họa phẩm và ý đồ của tác giả ngoài việc phỏng đoán chủ quan hay cảm nhận bằng trực giác !
Từ năm 1990, nội dung tranh Nguyễn Trung đã hòa nhập sâu vào thế giới trừu tượng khiến cho người xem không dễ dàng cảm nhận và đánh giá. Nhìn chung, tranh Nguyễn Trung từ thời điểm này, gần như được họa sĩ tiết chế tối đa đường nét và sắc màu, thậm chí có những họa phẩm coi như chỉ là sự khống chế của một mảng không gian rộng lớn gần như “không hình” chiếm gần hết khung bố bằng một màu nhạt nhòa trên đó lạc lỏng vài đốm màu và hình ảnh không dễ hiểu… như dòng tranh “Xám Trắng Đen” của họa sĩ Nguyễn Trung trưng bày tại phòng tranh Quỳnh – 65 Đề Thám, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh trong cuộc triển lãm từ ngày 9.12.2010 đến 26.2.2011. Đó thật là tranh trừu tượng, vì mỗi người xem nó chỉ có thể lĩnh hội một cách chủ quan theo cách riêng của mình ngoại trừ tác giả đã sáng tác nó sau khi đi Pháp và Mỹ về: “Linh hồn của sen”, “Kẻ mộng du” anh mới vẽ năm 2014 và trước đó là bộ tranh Bảng đen, với những tác phẩm: AaA, F, aaa, BM, E, g…- cách gọi những tác phẩm mà Nguyễn Trung đã đặt tên cho nó một cách rất trừu tượng. Có người phân vân về những tranh chỉ vẽ với 3 màu, Nguyễn Trung chia sẻ: “Xám, trắng, đen không có ý nghĩa gì quan trọng hết. Chỉ là một ý tưởng về tạo hình, chỉ là muốn dùng màu sắc tối thiểu để hình thành bức tranh” – “Trừu tượng ăn nhau là ở chiều sâu tương tác giữa tác phẩm và người xem”.
Xem tranh trừu tượng của Nguyễn Trung sáng tác ở giai đoạn sau khi họa sĩ đi Pháp về, người xem có thể nhận ra nỗi ray rứt nhân sinh lúc nào cũng đè nặng lên con người trần thế luôn sợ bị hủy diệt bởi thời gian và cái chết mà vẫn không bao giờ tránh khỏi. Nói khác đi, tranh trừu tượng của Nguyễn Trung vẽ sau này thấm đẫm sắc màu triết lý trong khi tranh hiện thực anh vẽ phụ nữ ở thời kỳ đầu lại chứa chan nét lạc quan lãng mạn và đầy chất thi vị tin yêu vào cuộc sống.
Sắc màu như khô quánh cạn kiệt, hình ảnh có vẻ thiếu thốn và đường nét hạn chế tập trung lại để hình thành một ngôn ngữ nghệ thuật nói lên nỗi chán chường của nghệ sĩ, bàng bạc trong tác phẩm hội họa anh vẽ trong giai đoạn từ 1990 về sau. Đó là hai tính cách đối cực thể hiện nỗi ray rứt, đay nghiến kéo dây dưa suốt cả cuộc đời nghệ sĩ. Nguyễn Trung còn là một con người nặng nghĩa ân tình. Dù bận rộn với công việc sáng tác, anh vẫn hằng nghĩ về mẹ, về cha, về tuổi thơ và quê hương xứ lúa Sóc Trăng với nhiều kỷ niệm đầm ấm yêu thương, chan chứa tình người. Trong lần xuất cảnh ra hải ngoại, hết khổ sở chịu cái rét cắt da ở đất Pháp (Paris), Nguyễn Trung như cánh chim bằng, lại bay sang Mỹ như một tín đồ say đạo làm cuộc hành hương tìm về miền đất hứa “Chân Thiện Mỹ” của lý tưởng nghệ thuật mà anh coi như là một tín điều.
Mang tâm hồn một nghệ sĩ thích độc hành trên con đường nghệ thuật dài vô tận, Nguyễn Trung dường như chung thân đi tìm những cung bậc và hương sắc để làm nên tác phẩm mang bản sắc nghệ thuật riêng cho mình. Làng hội họa hay gọi vui anh là ”Gã trai trong hình thể ông già”. Có lẽ các bạn đã ngộ ra được cái sức mạnh của hạt nổ đột phá trong sáng tạo ở con người nghệ sĩ của Nguyễn Trung, đã tiềm ẩn dưới khuôn mặt lúc nào cũng có vẻ trầm tư ẩn phía sau cặp kính trắng nằm trễ dưới sống mũi của anh. Thực ra, trong lĩnh vực nghệ thuật văn chương, người nghệ sĩ khi còn sung lực sáng tác dồi dào, không thể gọi là già theo kiểu nói đời thường dựa vào con số năm sống khô khan của một kiếp người trần tục. Bởi lẽ mái tóc bạc có rụng thưa dần, trái tim của văn nghệ sĩ lúc nào cũng xanh thắm mãi với mọi không gian, thời gian và tác phẩm có giá trị nghệ thuật, đạt tính nhân văn, chứa đựng hồn cốt của nghệ sĩ, cũng sẽ mãi mãi bất tử với muôn thu.
Nhìn lại Nguyễn Trung, ta có thể nói ở anh là biểu tượng đậm nét của loại hình nghệ thuật mang tính đột phá, luôn vươn tới đỉnh cao trí tuệ. Sự nghiệp của Nguyễn Trung, từ những bức tranh sáng tác đầu thập niên 1960 vẽ theo trường phái hiện thực đến những tác phẩm chuyển sang khuynh hướng trừu tượng được vẽ từ khi anh xuất ngoại trở về, đều được bán sớm nhất, với giá cao nhất (3.000 USD/một bức) trong những lần triển lãm tập thể hoặc cá nhân từ trước tới nay. Dù vậy, họa sĩ Nguyễn Trung vẫn là người mãi chung thân đi tìm cái đẹp vì không thật sự biết về cái đẹp hay khiêm tốn “không vẽ tôi biết làm gì” và câu nói vừa lãng mạn vừa đầy tính galant của anh: ”Hạnh phúc khi được vẽ về phụ nữ”.
Tóm lại, Nguyễn Trung là nghệ sĩ có lòng yêu hội họa bẩm sinh mãnh liệt, một cá tính đặc biệt hiếm gặp và kiến thức tích lũy cộng với bề dày chuyên môn, chiều sâu trí tuệ cùng với nhiều thành tựu mỹ thuật cao quí. Nguyễn Trung thực sự đã trước bạ tên tuổi mình trong làng nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam bằng những tác phẩm giàu chất thơ ở thời kỳ anh vẽ phụ nữ theo lối hiện thực và những họa phẩm đầy tính triết lý khi anh vẽ trừu tượng từ giai đoạn chuyển mùa nghệ thuật. Trên cơ sở đó, nhà phê bình Mỹ (Nora Taylor) và nhiều tác giả nước ngoài đã ngưỡng mộ, viết sách và bài trên báo ca ngợi họa sĩ. Do vậy, ta có thể nói: Nguyễn Trung là một tài năng hội họa hàng đầu của không gian nghệ thuật Nam bộ.
Đan Thanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét