Có một kiểu dịch vụ bát nháo để dịch văn học Việt in ở nước ngoài
“Tôi ra một tập thơ song ngữ 45 bài ở Canada, người ta lo hết gần 30 triệu đồng. Riêng công dịch cứ mỗi bài là 200 ngàn đồng. Còn 18 triệu tiền gì đó nữa tôi không biết, chỉ biết người ta nói thế thì chuyển cho người ta thôi”.
'Dịch vụ' dịch văn học Việt:
Những chuyện cười ra nước mắt
NÔNG HỒNG DIỆU
Tiền Phong Chủ Nhật, số 338, 4/12/2022, đã “giải mã” Giải Văn học Thế giới Rahim Karim 2022. Điều đáng nói, 11 nhà văn được đề cử đều khẳng định: Họ đã có tác phẩm được xuất bản ở nước ngoài. Nhưng cũng giống như Giải Văn học được gắn mác “Thế giới” nói trên, phía sau nhiều tác phẩm văn học Việt xuất bản ở nước ngoài có những khoảng tối, những câu chuyện dở khóc, dở cười.
Có đường dây lôi kéo nhà văn đưa tác phẩm ra nước ngoài?
Một số cây bút trong giới văn chương gợi ý tôi “gõ cửa” nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi, khi họ biết tôi đang tìm hiểu về con đường đưa văn chương Việt ra nước ngoài. Ông chia sẻ: “Tôi mới dịch vài truyện ngắn thôi, chưa ra sách. Một truyện in ở Pakistan, một truyện in ở Hy Lạp. Tôi được nhà thơ T.T.H giới thiệu, cô K.B.H, Ban Đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam, cô K.P là dịch giả”. Việc đưa văn học sang Pakistan và Hy Lạp miễn phí hay tốn phí? Tôi hỏi. Đụng trúng nỗi bức xúc, nhà văn Nguyễn Ngọc Lợi cảm thán: “Ôi, một truyện ngắn dịch ra mất 1,5 triệu đấy. Bảo in ở báo nước ngoài mà tôi chẳng thấy mặt báo đâu, lại chẳng có nhuận bút”.
Ông tiết lộ thêm, ông còn chi 1,5 triệu đồng cho một bài phỏng vấn mình, dĩ nhiên cũng in ở nước ngoài: “Nghe bảo hôm nào sẽ in cho tôi 1 truyện ở Nga, 1 truyện nữa in ở nước nào đấy. Nghe bảo thế chứ mình có được thấy đâu. Mình chẳng có chủ quyền gì cả. Nhuận bút không có vì người ta bảo in để quảng bá cho văn học Việt Nam. Tôi bực mình vì chẳng cầm được tờ báo nào có truyện ngắn của mình. Cho nên tôi không cộng tác nữa. Cô nhà thơ T.T.H bảo, muốn có sách in thơ mình thì phải bỏ tiền ra mua. 700 ngàn đồng/cuốn sách. Thôi, tôi không làm sách nữa. Tôi đã mất đến 7,5 triệu đồng rồi đấy. Tốn tiền lắm”.
Một truyện ngắn được ra nước ngoài theo cách vừa kể, nhà văn phải móc hầu bao 1,5 triệu đồng. Còn một bài thơ thì tốn ra sao? Tôi “gõ cửa” nhà thơ Cẩm Thạch. Theo nữ sĩ, nước đầu tiên mà thơ chị cập bến chính là Hy Lạp. Người giới thiệu để thơ chị có cơ hội “vượt biên” cũng chính là nữ sĩ T.T.H, người chuyển ngữ vẫn là K.P. Tôi hỏi đến chi phí, nhà thơ Cẩm Thạch không tiết lộ cụ thể chi phí cho việc dịch thuật. Tôi hỏi tiếp: “Chị có nhận được nhuận bút không?”.
Đến câu hỏi này thì tôi bị nữ thi sĩ “đuổi” khéo: “Em hỏi hơi quá! Thôi, em hỏi họ đi. Tôi còn có khách”. Cũng có những nhà thơ khẳng định không tốn xu nào cho việc quảng bá những “đứa con tinh thần” của mình ra thế giới. Chia sẻ của nhà thơ Đậu Phi Nam: “Tôi không phải mất phí. Thơ tôi in ở nước Mỹ năm 2014, thời đó chẳng mất gì vì nằm trong chương trình của Ban Đối ngoại, Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi lại là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chùm thứ hai tôi in ở Hy Lạp, dịch giả là ai tôi không rõ”. “Anh có được xem tác phẩm của mình in ở nước ngoài không?”, tôi hỏi. Thi sĩ đáp: “Ở bên Mỹ người ta đã chuyển sách về cho tôi rồi. Còn tác phẩm in ở bên Hy Lạp, tương lai sẽ chuyển về”. Tác giả Đậu Phi Nam xác nhận, anh cũng không nhận được nhuận bút.
Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc là một trong những tác giả gần đây nhận được không ít lời “rủ rê” (chữ dùng của nhà văn) thuê dịch giả, tiến tới in sách song ngữ tại các nhà xuất bản nước ngoài. Hỏi chuyện, nhà văn kể: “Nhiều người rủ rê tôi in sách, in bài lên các trang nước ngoài. Ban đầu, tôi cứ tưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau này tôi thấy nghi ngờ vì sao Hội Nhà văn Việt Nam lại làm đơn giản vậy? Một bài được dịch và in nước ngoài phải có thời gian, đằng này đưa bài cho họ hôm trước, hôm sau đã lên mạng rồi”.
Về chuyện xuất bản sách ở nước ngoài, nữ nhà văn băn khoăn: “Người giới thiệu là chị T.T.H, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, giờ đã là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Tôi không hiểu sao bao nhiêu người in tác phẩm ở trên mạng thường do nữ sĩ T.T.H giới thiệu? Người không biết ngoại ngữ tại sao lại giới thiệu văn học Việt ra nước ngoài? Chính chị H từng trao đổi với tôi. Chị ấy nói, nếu dịch một truyện ngắn hết 1,5 triệu đồng. Một tập truyện cứ thế nhân lên”. Tôi hỏi, công in ấn và xuất bản một cuốn sách văn học Việt ở nước ngoài ra sao? Nữ nhà văn “bật mí”: “Một tập truyện ngắn hết khoảng 80 triệu đồng, hơn 200 trang”.
Người giới thiệu “mù” ngoại ngữ và những hoạt động tự phát
Không khó khăn để kết nối với nữ thi sĩ T.T.H, người được các nhà văn gọi là “Người giới thiệu” trong phong trào quảng bá văn chương Việt ra thế giới. Tôi hỏi: Nếu muốn giới thiệu một tác phẩm văn học Việt ra thế giới thì chi phí thế nào? “Người giới thiệu” trả lời: “Chỉ trả tiền cho dịch giả thôi, ngoài ra không thêm chi phí nào hết”. Phóng viên hỏi tiếp: “Xuất bản một cuốn sách ở Việt Nam trải qua khá nhiều “khâu”, ở nước ngoài thì sao?”. Đây là lời đáp: “Xuất bản một cuốn sách ở nước ngoài tất tật người ta lo hết. Tôi đã làm rồi nên mới biết, mới trả lời được. Thí dụ, tôi ra một tập thơ song ngữ 45 bài ở Canada, người ta lo hết gần 30 triệu đồng. Riêng công dịch cứ mỗi bài là 200 ngàn đồng. Còn 18 triệu tiền gì đó nữa tôi không biết, chỉ biết người ta nói thế thì chuyển cho người ta thôi”.
Về nhuận bút, “người giới thiệu” xác nhận: Không có nhuận bút. “Tôi chỉ được người ta chuyển cho tôi 20 cuốn”. Những cuốn sách này sẽ phát hành thế nào? T.T.H chia sẻ: “Người ta bảo phát hành trên toàn thế giới. Nếu bán hết lượng sách ấy thì sẽ tái bản, khi tái bản tôi sẽ nhận được phần trăm nào đấy”. Câu chuyện tiếp tục: “Chị không có hợp đồng ký kết giữa chị và đơn vị xuất bản ở nước ngoài hay sao? Vì sao chị không nắm được lượng sách phát hành?”.
Nhà thơ bèn kể chi tiết: “Nhà văn K.B.H, Ban Đối ngoại Hội Nhà văn Việt Nam nhắn tin cho tôi: Chị có ra tập thơ song ngữ không? Tôi đáp: Có. Cô ấy nói tiếp: Chị viết cho em một cái giấy ủy quyền. Thế là tôi viết giấy ủy quyền. Sau đó nhận được 20 cuốn sách người ta gửi về cho, người ta bảo phát hành toàn thế giới, nếu tái bản tôi sẽ được một khoản tiền, tôi cũng chỉ biết đến thế thôi”.
Cuối cùng, tôi gửi thắc mắc của nhiều nhà văn tới nhà thơ T.T.H: “Chị làm cầu nối cho khá nhiều cây bút ở Nghệ An, đưa tác phẩm văn chương của họ ra thế giới. Có nhà văn nói bài phỏng vấn có giá 1,5 triệu đồng mà cũng không nhận được tờ báo nào in phỏng vấn cả?”. Nữ thi sĩ trả lời: “Cái này ở trên báo mạng chứ không có trên báo giấy. Tôi mù ngoại ngữ, không biết tiếng Anh, cũng chẳng biết tiếng nước nào. Phần dịch người khác đảm đương còn phần tiếng Việt thì tôi biết. Những chuyện này hỏi nhà văn K.B.H nhé”.
“Báo mạng” mà nhà thơ T.T.H nhắc đến có khi chỉ là… blog. Nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc đặt câu hỏi: “Tôi không hiểu tại sao các tác phẩm của các tác giả Việt cứ toàn in ở blog, chứ không phải báo chí, ra sách thì toàn ở Hy Lạp với Pakistan?”.
Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An có liên quan đến lùm xùm quảng bá văn học Việt nêu trên? Bà Phạm Thùy Vinh, Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, Tổng Biên tập Tạp chí Sông Lam lên tiếng: “Gần đây, qua mạng xã hội Facebook, tôi thấy một số nhà văn, nhà thơ được giới thiệu các tác phẩm ra quốc tế (qua một số trang được gọi là tạp chí, báo và blog bằng tiếng nước ngoài) do chính các nhà văn, nhà thơ chia sẻ. Tuy nhiên, việc đăng tải hay in ấn ở nước ngoài hoàn toàn là vấn đề cá nhân của các nhà văn, ở mối quan hệ riêng có của các cá nhân này với các tạp chí hay blog… không phải do Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An giới thiệu. Hội không hề biết tới hay có sự can thiệp nào tới các tác phẩm đã được công bố tại các địa chỉ “quốc tế” này”.
Bà Phạm Thùy Vinh cũng đã nghe nhiều thông tin về chi phí khi công bố các sáng tác của các nhà văn, nhà thơ, cũng như xuất bản sách ở nước ngoài: “Đây là vấn đề thỏa thuận giữa cá nhân nhà văn, nhà thơ với các cá nhân, đơn vị, tổ chức quốc tế nào đó nên để nhận xét thì thật khó về lý, về tình. Song việc tìm hiểu về uy tín các giải thưởng văn chương quốc tế, hay việc công bố sáng tác ra quốc tế cũng không khó, nếu chúng ta chịu khó tìm kiếm trên Internet. Không ai ngăn cản giấc mơ văn chương Việt vươn tầm thế giới nhưng việc thận trọng với các giải thưởng “quốc tế” hay “thế giới”, hay các tác phẩm đăng tải ở các website văn chương ngoài biên giới cũng không thừa, đặc biệt khi các nhà văn, nhà thơ phải bỏ ra chi phí lớn”.
Đến đây, nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao không thấy những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng hưởng ứng ra “biển lớn”? Tôi có cuộc trao đổi với nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, tác giả của những tác phẩm gây chú ý: “Lạc rừng”, “Tiễn biệt những nỗi buồn”, “Lính trận”…: “Ông có tác phẩm nào dịch ra nước tiếng ngoài chưa?”. Nhà văn đáp: “Có cuốn “Lạc rừng”. Bà Nguyễn Thị Tư người Việt cùng một nhà dân tộc học Canada, một ông người Canada nữa cùng dịch. Họ còn gọi tôi sang đó chỉnh lý. Tôi cũng sang rồi. Nhưng vì những lý do khác nhau, mắc kẹt nhiều thứ nên sau nhiều năm đã in được đâu”.
Phóng viên hỏi tiếp: “Thấy nhiều nhà văn, nhà thơ xuất bản sách ở nước ngoài dễ dàng, ông không được chào mời hay sao?”. Tác giả “Lạc rừng” cười: “Chắc người ta biết tính tôi nên không chào mời. Nước ngoài dịch cho mình thì mình mừng quá, nhưng không phải bằng mọi giá để được in ở chỗ nọ, chỗ kia. Tôi quan tâm đến sách của mình ra thế giới song phải đàng hoàng chứ không phải “chạy”, hay phải bỏ tiền”.
NÔNG HỒNG DIỆU
Nguồn: Tiền Phong
----------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét