đọc thêm (3) : "NTK Minh Hạnh đã cống hiến to lớn cho văn hoá thời trang châu Á "/ Hoàng Vân -- trích : vanhoa@dantri.com.vn > - 08/ 07/ 2015.
(Dân trí) - “Qua việc sáng tạo kiểu mẫu đa dạng và phong phú kết hợp với nền văn hóa truyền thống Việt Nam và đào tạo các nhà thiết kế thời trang trẻ, bà đã cống hiến to lớn cho sự phát triển của văn hóa thời trang châu Á”, đó là lý do chính mà Giải thưởng FUKUOKA PRIZE 2015 đã được trao cho NTK Minh Hạnh.
Phó thị trưởng thành phố Fukuoka - ông Sadakari Atsuhito đã trao chứng nhận giải thưởng FUKUOKA PRIZE 2015 tới NTK Minh Hạnh, sáng 7/7 tại Hà Nội.
Tại lễ công bố Giải thưởng FUKUOKA PRIZE 2015 diễn ra hôm qua 7/7 tại Hà Nội, khi nói về nhà thiết kế (NTK) Minh Hạnh, nhà sử học Phan Huy Lê - người Việt Nam đầu tiên đã giành giải thưởng này, cho biết: “Tôi đã chờ đợi quá lâu với giải thưởng này, sau 19 năm Việt Nam mới vinh dự có được giải thưởng này, mà lại là một người phụ nữ tài năng như NTK Minh Hạnh”. Nhà sử học Phan Huy Lê cũng mong muốn Việt Nam có nhiều người đạt giải thưởng như NTK Minh Hạnh hơn nữa, vì nước ta còn có rất nhiều người tài giỏi và nhiều nước xung quanh mình đều đã đạt được rất nhiều giải, thậm chí như Ấn Độ, Trung Quốc đã có tới 10 giải thưởng.
Nhà sử học Phan Huy Lê (ngoài cùng, bên trái) giành giải thưởng FUKUOKA PRIZE năm 1996 phát biểu tại lễ công bố giải thưởng năm 2015
Phát biểu tại Lễ công bố giải thưởng, ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du Lịch nói: “NTK Minh Hạnh không chỉ hoạt động trên lĩnh vực thời trang mà còn là người nỗ lực đưa Văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, trong điều kiện ngành kinh phí còn có hạn, chị đã tự bỏ kinh phí quảng bá cho hình ảnh Việt Nam ra thế giới thông qua nhiều show diễn...”. Thứ trưởng cũng không quên bày tỏ cảm kích trước thành phố FUKUOKA - nơi đã tổ chức nên giải thưởng danh giá suốt 25 năm qua.
Phó thị trưởng thành phố Fukuoka - ông Sadakari Atsuhito trong phần chia sẻ của mình đối với NTK Minh Hạnh, ông nói rằng, Minh Hạnh đã có rất nhiều lần tổ chức thời trang tại nhiều nước, làm cho thế giới biết đến Việt Nam thông qua văn hóa thời trang nhiều hơn. Chính Minh Hạnh góp phần to lớn cho sự phát triển nền Văn hóa thời trang và tạo ra các cuộc gặp gỡ và sáng tạo mới.
NTK Minh Hạnh luôn trăn trở với chất liệu, với bản sắc dân tộc qua từng mẫu vải. Trong buổi diễn tới đây của chị tại Nhật Bản, vơ- đét của chương trình chính là những nghệ nhân đến từ các dân tộc
Chủ nhân của giải thưởng danh giá FUKUOKA PRIZE 2015 - NTK Minh Hạnh không khỏi xúc động khi nói về giải thưởng với lời cảm ơn trân trọng. Chia sẻ trong lễ công bố giải thưởng, NTK tới từ TPHCM cho rằng chính bề dày lịch sử sẽ tạo được văn hóa, và nhà thiết kế tài năng này luôn tâm niệm rằng “Văn hóa chính là điều sẽ cứu rỗi thế giới”. Cũng bởi điều đó, suốt nhiều năm qua, không chỉ bền bỉ với những mẫu thiết kế đa dạng, mà sự lao tâm vào những nghiên cứu, sáng tạo đã giúp NTK có được thành công và ghi nhận giá trị như hôm nay.
Chiếc áo dài của NTK Minh Hạnh đang mặc được thiết kế trên tấm vải đã có tuổi đời trên 100 năm
NTK Minh Hạnh cũng khẳng định “những giá trị sáng tạo nghệ thuật sẽ bất biến, sẽ tồn tại mãi với thời gian” - ví dụ sinh động ấy được chính NTK “minh họa” bằng chiếc áo dài chị may trên tấm vải chị được tặng trong chuyến đi Nhật hồi đầu tháng 7 này. Chị xúc động nói rằng, tấm vải này đã được người thợ thủ công làm có tuổi đời trên 100 năm, mà vẻ đẹp của nó vẫn vẹn nguyên thế này.
Nhiều đại biểu, khách quý chụp ảnh kỷ niệm tại lễ công công bố Giải thưởng FUKUOKA PRIZE 2015 dành cho NTK Minh Hạnh
Sau lễ công bố giải thưởng tại Việt Nam, lễ trao giải chính thức sẽ diễn ra tại Fukuoka vào ngày 16/9/2015 với sự chứng kiến của nhiều nhân vật cao cấp Nhật Bản, Thái tử Akishino và phu nhân.
Cũng tại buổi lễ công bố sáng 7/7, NTK Minh Hạnh cho biết bà cũng vừa trở về từ thành phố Fukuoka để chuẩn bị cho những liên kết mới trong lãnh vực thời trang với Nhật Bản.
NTK Minh Hạnh chụp ảnh cùng các nghệ nhân dân tộc bên cạnh các mẫu thiết kế mà chất liệu được sử dụng từ chính đôi bàn tay của những nghệ nhân dân tộc A Lưới, H'Mông, Thái...
Là nơi giao thoa văn hóa của Nhật Bản, thành phố FUKUOKA từ ngày thành lập đã giữ một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trao đổi với các vùng miền khác ở Châu Á. Năm 1990, giải thưởng FUKUOKA đã được khai sinh để vinh danh những đóng góp tiêu biểu cho các Cá nhân, Tổ chức trong việc bảo tồn và phát triển sáng tạo sự đa dạng và độc đáo của văn hóa Châu Á. Mục đích nhằm nhấn mạnh và tăng cường nhận thức về những giá trị của văn hóa Châu Á cũng như thiết lập một khuôn khổ trao đổi rộng lớn và học hỏi lẫn nhau giữa các công dân Châu Á. Trong 25 năm vừa qua, FUKUOKA PRIZE đã có vinh dự trao giải cho 99 gương mặt tiêu biểu trong nhiều lĩnh vực chuyên biệt. Trong số họ, có thể kể tên Ông Muhammad Yunus từ Bangladesh và Ông MoYan từ Trung Quốc, những người đã được nhận các giải Nobel Hòa bình thế giới . Những gương mặt nổi trội như Đạo diễn Trương Nghệ Mưu từ Trung Quốc, và một cá nhân đặc biệt khác từ Việt Nam: Giáo sư Phan Huy Lê (Nhà lịch sử học) được trao giải Academi Prize năm 1996. Sau 20 năm, một người Việt Nam được vinh danh tại giải thưởng này và trong số những gương mặt tiếu biểu với nhiều lãnh vực hoạt động khác nhau. NTK Minh Hạnh cũng chính là NTK Thời trang đầu tiên nhận được vinh dự này . NTK Minh Hạnh được Hội Đồng Ủy ban Giai Fukuoka 2015 đánh giá là NTK có nhiều sáng tạo độc đáo trong việc phát huy và kế thừa những giá trị truyền thống, mang lại một giá trị mới cho thời đại, cho bản sắc Việt Nam và Châu Á. Lễ trao giải chính thức sẽ diễn ra tại Fukuoka vào ngày 16/9/2015 với sự chứng kiến của nhiều nhân vật cao cấp Nhật Bản, Thái tử Akishino và phu nhân. |
Vào ngày 20/9/2015, NTK Minh Hạnh cùng 2NTK trẻ VN là Hùng Việt và Quang Nhât kết hợp với NTK của Nhật là Seiji Amamoto cùng có cuộc biểu diễn tại ngôi đền cổ kính Keigo (800 năm tuổi) nằm ngay trung tâm thành phố. Tại đây, vẫn còn một tấm bia khắc ghi những cây Kim may và hàng ngày người dân Fukuoka vẫn thường xuyên đến viếng thăm. Tất cả 4 NTK Việt và Nhật sẽ giới thiệu những BST được thiết kế trên nền vải thổ cẩm VN và vải Hakata Ori là một chất liệu truyền thống độc đáo do những nghệ nhân Nhật bản chuyên dệt dành cho Kimono. Ngoài ra, các NTK còn sử dụng vải dệt Indigo cao cấp và những loại giấy đặc biệt không thấm nước được làm bằng tay từ vỏ cây vùng Yame.
|
Hoàng Vân
(Email: vanhoa@dantri.com.vn)
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ