Thứ Năm, 15 tháng 9, 2022

'"tưởng nhớ về Nhất Linh "/ Trương Kim Anh [ 1946 - / Na Uy ] -- trích: https://www..blogger.com/ em...

 Thứ Năm, 17 tháng 10, 2019

TƯỞNG NHỚ VỀ NHẤT LINH !

 Trương Kim Anh


Nhà văn Trương Kim Anh ngay từ thời ấu thơ đã có nhiều kỷ niệm đẹp với "bác Nguyễn Tường Tam". Mời đọc bài viết của bà về nhà văn Nhất Linh.

           


Nhà văn Nhà văn Trương Kim Anh sinh 1946, tại Hà Nội, là ái nữ của nhà báo kiêm dịch giả Trương Bảo Sơn và nhà văn Nguyễn Thị Vinh. Năm 1953 theo cha mẹ di cư vào Nam, Trương Kim Anh lớn lên, đi học, lập gia đình ở Sài Gòn.

 Năm 1967-1974 bà theo chồng sống tại Nha Trang. Năm 1980 bà cùng chồng con định cư tại Na Uy. Trương Kim Anh bút hiệu Bạch Liên- Trương Kim Anh, là dịch giả của một số truyện Dân Gian Na Uy của hai nhà văn nổi tiếng Peter Christen Asbjørnsen và Jørgen Moe; Căn Nhà Búp Bê của kịch tác gia Henrik Johan Ibsen… 


            

             TƯỞNG NHỚ VỀ NHẤT LINH ! 

                                Trương Kim Anh

Một hôm nhà văn Nhất Linh, mà từ năm tôi mới hai tuổi vẫn quen được phép gọi là bác Tam, đến thăm gia đình tôi, tại nhà in Trường Sơn, số 14 Nguyễn An Ninh (phía cửa Tây, chợ Sài Gòn) Giống như mọi lần, tôi chạy tới quấn quýt bên bác, định đem sáo trúc thổi cho bác nghe, hay dạo khúc đàn tranh mới học được ở trường Quốc Gia Âm Nhạc. Nhưng chưa kịp làm thì đã bị mẹ bảo: "Kim Anh, con hãy đi chơi, để mẹ nói chuyện với bác" Nhìn nét mặt mẹ và bác có vẻ quan trọng !

 Tôi không dám hỏi, nhưng trong lòng không vui, phụng phịu đi ra khỏi phòng khách, chạy qua nhà hàng xóm đối diện, chơi với Thúy, con gái ông chủ tiệm Trần Văn Phép. Mãi sau này, tôi mới biết, chuyện quan trọng đó là: Bác Tam nhận được trát đòi "ra hầu tòa" cùng với một số bạn chiến đấu của bác; trong đó có ba tôi, "ông Trương Bảo Sơn", lúc ấy đang bị chính quyền Ngô Ðình Diệm giam tại Tổng Nha Công An, cùng với một số chính trị khác. 

        

Khoảng một tiếng sau, từ trên cửa sổ nhà Thúy nhìn xuống cửa nhà mình, tôi thấy bác Tam đang từ giã mẹ tôi. Bác bước khỏi ngưỡng cửa, ra tới lề đường, dáng cao lêu nghêu. Theo thói quen, bác để tay lên rờ rờ vầng trán cao, mắt ngó xung quanh như tìm một cái gì… Sau này, tôi đoán bác có ý tìm tôi, nhưng lúc đó tôi đang hờn dỗi vì bị đuổi "đi chơi", nên tôi không chạy xuống tiễn bác. Không ngờ đó lại là hình ảnh cuối cùng mà tôi được thấy bác, tới nay vẫn còn hằn ghi trong trí tôi !!! Tôi hối hận vô cùng, đã không xuống chào bác để được nghe những lời thân yêu cuối của bác. 


Tảng sáng, ngày Song Thất, tức ngày 7 tháng 7 năm 1963, cả nhà tôi còn đang ngủ ở từng lầu hai; bỗng tiếng chuông cửa dồn dập, thôi thúc ! Mẹ hốt hoảng chạy xuống, tôi cũng ngồi bật dậy, theo mẹ và chú tôi, xuống nhà dưới.

 Cửa mở, tôi thấy anh Nguyễn Tường Thiết, con trai út của bác. Anh Thiết thì thầm nói với mẹ tôi vài câu, rồi vội vã đi. Tôi linh cảm có chuyện bất thường. Mẹ và chú tôi quay trở lên lầu, hớt hãi, giục:

 "Kim Anh thay quần áo nhanh lên! Ði với mẹ!". 

Tôi quýnh quáng, im lặng làm theo lời mẹ, lát sau cùng mẹ và chú ra xe. Chú lái đi. Ai cũng ngồi lặng im, đầy vẻ lo lắng, bồn chồn. Không khí nghiêm trọng đến nỗi, suốt dọc đường, tôi không dám hỏi một câu. Tới nhà thương Grall, tức bệnh viện Ðồn Ðất, Sài Gòn.

 Khu vườn rộng mênh mông với những hàng cây to, được chia làm nhiều khu bệnh. Chúng tôi vẫn không ai lên tiếng. Mẹ và chú tôi hấp tấp đi về hướng một trong mấy dẫy lầu. Cho tới khi vào đến trong hành lang, chú tôi mới nói: 

"Ðúng là đây này, trên lầu; số phòng … đây, đây rồi !".

 Tôi vẫn chỉ biết bén gót đi theo hai người. Sau này, mãi tới nay, tôi còn nhớ như in: Từ cầu thang lên lầu, dẫn thẳng đến phòng bệnh nhân. Trong phòng lúc đó, bác Tam đang nằm mê man trên giường. Từ ngực trở lên được phủ một "túp lều" ny- lông trong suốt (cứ tạm gọi như thế), mũi miệng bị chụp ống dẫn khí. Giờ phút này, tôi mới hiểu lý do giữa đêm hôm khuya khoắt, tại sao mẹ và chú dẫn mình tới đây. 

Trong phòng lúc đó chỉ có mấy người trong gia đình, đứng yên lặng. Nét mặt căng thẳng, đầy vẻ lo lắng, chờ đợi. Cảm nhận được tình trạng nghiêm trọng, tôi đứng sát bên giường, nhìn bác nằm đó, khẽ nắm bàn tay bác. Nước mắt tôi tuôn trào, lòng đầy hối hận:"Giá như mấy ngày trước, mình đừng hờn dỗi …" .

Hôm sau, tin bác mất được truyền tới mọi người! Bác đã tính kỹ cho cái chết của mình được mau lẹ, nên tự uống một chất độc gì đó cực mạnh, các bác sỹ đã tận tình cứu chữa, nhưng không kịp. Hai ngày sau, mẹ tôi đã dặn tôi đem ống sáo trúc, theo mẹ vào nhà xác, vĩnh biệt bác! Lúc đó, tâm trạng tôi tràn đầy đau thương, mọi cảnh vật xung quanh được thu nhỏ lại trong mắt tôi, vỏn vẹn một chiếc giường đơn, vừa đủ cho bác nằm ngay ngắn, bất động. Nét mặt bình thản trong giấc ngủ ngàn thu. Tôn trọng giây phút cuối thiêng liêng, ông "gác dan" lặng lẽ lui ra khỏi phòng. Còn lại mẹ và tôi đứng bên cạnh bác. Mặc cho nước mắt ràn rụa chảy, tôi lấy tay áo chặn ngang mũi, ngăn chặn tiếng sụt sịt. Mẹ tôi cũng đang thì thầm những lời vĩnh biệt, ngập trong nước mắt. Sau một lúc, mẹ bảo tôi lấy sáo trúc ra thổi một bản tiễn bác. Tôi gạt nước mắt, đưa ống sáo ngang miệng, chọn bản "Thiên Thai" của Văn Cao & Hoàng Thái, bản mà bác thường bảo tôi thổi mỗi lần bác đến nhà chúng tôi. Tiếng sáo u uẩn vang trong nhà xác, lạnh lẽo. Nhưng chỉ được nửa bản, tiếng sáo ngưng trong tiếng nấc nghẹn ngào; âm thanh như đọng lại trong không gian, tiễn đưa hương linh bác về nơi vĩnh cửu. 

                                                Đám tang Nhất Linh


Bức ảnh chân dung Nhất Linh là phóng họa từ tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Gia Trí, bạn thân và cũng là đồng chí của ông từ thời Tự lực Văn đoàn.

Trong tang lễ bác, có cả ngàn người tiễn đưa. Dẫn đầu đám táng là một tấm biểu ngữ ghi lời di chúc của bác "Ðời tôi để lịch sử xử …".

 Khởi điểm từ Nhà Thương Grall. Tới chùa Xá Lợi, đám tang ngưng lại. Linh cửu bác được rước vào chùa đặt trước chánh điện, các thầy tụng kinh, làm lễ. Gia đình, bạn hữu và những người mến mộ bác lần lượt nối nhau vào lễ. Xong mọi nghi thức, đám tang tiếp tục đi tới nghĩa trang Hạnh Thông Tây, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Ðịnh.

 Tôi được chít khăn tang trắng, để tang bác, vì lúc sinh thời bác coi tôi như con như cháu. Có thời kỳ, thấy tôi và Nguyễn Tường Thiết thân nhau, hai bác từng ngỏ ý xin tôi về làm dâu. Việc không thành vì tôi đang là là một nữ sinh đệ nhị cấp với nhiều mơ mộng. Về sau, tôi và anh Thiết cũng không có nhân duyên. 


Năm 1945, Bác Tam cùng một số bạn đồng chí hướng, chạy qua Thượng Hải sống lưu vong, trên một ngọn núi, cách trung tâm thành phố độ một giờ xe điện.

 Năm 1946, khi tôi mới chào đời, ba tôi qua Thượng Hải gặp bác Tam, để mẹ tôi cùng đứa con sơ sinh ở lại Hà Nội.

 Qua năm 1948, mẹ tôi mới bế tôi qua với ba, lúc đó đang ở Hương Cảng. Ðó cũng là lần đầu tiên, mẹ và "bé Kim Anh" mới được hân hạnh quen biết bác Nguyễn Tường Tam cùng mấy bạn đồng chí hướng.

 Từ năm 1948 tới năm 1952, thời gian mẹ tôi và tôi ở Hương Cảng "trên núi", tôi còn bé quá, không nhớ được những kỷ niệm thương yêu của bác Tam, cũng như của các chú các bác Nguyễn Gia Trí, Phan Quang Ðáng, Trần Văn Tuyên …, đã dành cho tôi. 


Tôi từng nghe mẹ kể, hồi đó các chú các bác đều mang một nỗi buồn chung, nghe tin các chiến hữu như Khái Hưng bị thủ tiêu và Hoàng Ðạo Nguyễn Tường Long bị bất đắc kỳ tử trên một chuyến tầu hỏa Hồng Kông - Quảng Châu.

 Theo thời gian, lần lượt mọi người đều kiếm ra được việc làm, sinh sống qua ngày. Ba tôi được tuyển vào một công ty hàng hải của Hòa Lan. Một đứa bé hai tuổi vô tư như tôi, đang bi bô tập nói, chỉ biết chập chững, quanh quẩn bên cạnh các chú các bác. Bác Tam thường bế tôi, tập tôi nói cho bớt ngọng; bác Trí chiều chuộng, cho tôi nghịch những sơn cọ vẽ. Tiếng cười của trẻ thơ, hòa tiếng cười của người lớn, khiến mọi người đôi lúc khuây khỏa nỗi buồn. 



Tôi vẫn nhớ rõ những kỷ niệm, giòng suối Ða Mê, thuộc vùng Fi-Nom, cách cao nguyên Ðà Lạt hai mươi sáu cây số :  Fi-Nom, bên suối Ða Mê, bác ở trong căn nhà gỗ, không lớn, nhưng ngăn nắp, đồ đạc đơn sơ (nhà ông cậu của bác)

Trong nhà có đến mười mấy loại Lan rừng, được sưu tầm. Dạo đó tôi mười tuổi, còn nhớ những buổi được theo bác cùng với mấy ông bạn của bác vào rừng kiếm hoa phong lan bám trên những ngọn cây cao vút. 

Mỗi lần chúng tôi từ Sài Gòn lên thăm bác, đều được bác đưa ra thăm suối, ngồi trò chuyện ngay sát ven bờ suối. Ðể đãi khách, bác kéo từ dưới suối lên một sợi dây có cột chiếc giỏ, chứa vài ba chai bia "33" được ướp lạnh sâu dưới lòng suối.

 Trong lúc người lớn chuyện trò, tôi mặc bộ đồng phục thể dục của trường tiểu học: chiếc quần bồng mầu xanh dương và áo trắng tay bồng sát nách, tung tăng ngâm mình dưới lòng Ða Mê mát lạnh, tay vuốt ve những cánh hoa xinh xinh tím đỏ, mọc trên những tảng đá giữa dòng nước trong suốt, hồn chơi vơi trong tiếng kèn clarinet của bác, vọng lên bản Limelight của Chopin, Changing partner hay I went to your wedding, tôi quên tên tác giả, nhưng thời đó bản nhạc được nổi tiếng qua giọng nữ ca sỹ Paty Page, ..v..v...

 Cũng bên dòng suối Ða Mê, trong một buổi chia tay với ba mẹ tôi, bác đã làm hai câu thơ : "Người đi đi mãi không về. Nhớ người lòng suối Ða Mê gợn buồn". Không ngờ sau này, hai câu thơ chính là điềm báo ứng với vệc bác vĩnh viễn ra đi, vào ngày Song Thất, mồng 7 tháng 7 năm 1963 !

 Nhờ bác Tam, mà tôi đã được hưởng những cảnh thiên nhiên bên suối Ða Mê, mùi hương phong lan thoảng thoảng lẫn mùi nhựa thông trong rừng. Thật là những kỷ niệm đẹp khó phai mờ ! Tôi cũng còn giữ được hai tấm ảnh, có hình bác Tam đang bế tôi trên lòng, ngồi bên cạnh một cái bàn, sau lưng là ba mẹ tôi, tức dịch giả Trương Bảo Sơn và nhà văn Nguyễn Thị Vinh, đứng bên cạnh là cố họa sỹ Nguyễn Gia Trí. Theo lời ba mẹ tôi kể, mấy tấm ảnh này đã được chụp vào năm 1953, tôi độ bẩy tuổi. Hồi đó, bác Nguyễn Gia Trí bị thực dân Pháp an trí tại Thủ Dầu Một, trong một garage của xưởng mỹ nghệ sơn mài. 


Tôi còn nhớ, năm 1960, dưới chính quền Ngô Ðình Diệm, tôi đã được mười bốn tuổi. Thời đó ba tôi cùng một số bạn chiến đấu của bác Nhất Linh -Nguyễn Tường Tam, bị mật vụ Ngô Ðình Diệm bắt bớ tra tấn, rồi đem đầy ra Côn Ðảo.

 Riêng bác phải ẩn trốn trên chung cư lầu ba, số 134/24 đường Lê Thánh Tôn, góc đường Phan Bội Châu (Cửa Bắc chợ Bến Thành).

 Chung cư này có khoảng ba chục căn, mỗi căn rộng khoảng ba chục thước vuông, tôi nhớ hình như cứ 4-5 căn dùng chung một phòng tắm và cầu tiêu ngay đối diện, nên giữ được vệ sinh chung sạch sẽ. Căn phòng bác ở có cửa sổ ngó bao quát xuống khu chợ Sài Gòn, góc đường Lê Thánh Tôn-Phan Bội Châu, khu bán tơ lụa.

 Bác ở chung với anh Nguyễn.Ð.N, anh con cô con cậu của tôi. Ngày nay tôi còn nhớ rõ khá tỷ mỷ chung cư này, cũng nhờ hồi đó đại gia đình bà dì tôi đã ở tại đây, cũng chính dì tôi đã giới thiệu bác Tam thuê phòng số 24. 

Hiện nay dì tôi đang sống tại tiểu bang Los Angeles (USA), khoảng hai mươi năm qua, Người đã trở thành một vi sư ni, ngoài tám mươi. Khoảng một năm sau, để khỏi lộ tung tích, bác dọn tới một địa chỉ khác, tôi cũng được phép tới lui thăm bác, rất tiếc tôi không còn nhớ chủ nhà là ai, để hỏi ghi lại địa chỉ trong bài viết này. Có lẽ thấy tôi ít nói và kín đáo, nên bác tin cẩn và cho phép tôi thường xuyên theo người thân tín tới thăm bác trong căn nhà đó. 

        

        

        

                                            Bức tranh “Hai vẻ đẹp” của Nhất Linh

Tôi thích xem bác vẽ những bức tranh khổ nhỏ cỡ khoảng 15x18 cm, bằng chì màu. Có lần bác tỷ mỷ ngồi cắt những bông hoa bằng giấy thủ công màu, tô điểm thêm cho bức họa, vẽ một bình hoa với những bông hoa xinh xinh. Tôi thích thú khen đẹp, bác lặng lẽ mỉm cười.

 Bức tranh hoàn tất vào đầu Xuân năm đó, tôi vui mừng được bác tặng đúng bức tranh hoa rực rỡ. Xúc động hơn nữa, bên phải bức tranh bác vẽ thêm tập bản thảo truyện dài "Cô Mai" của mẹ tôi sắp xuất bản; bên trái kèm hai câu thơ: "Ngày Xuân tặng cháu bó hoa, Xuân này chúc cháu toàn gia sum vầy". Chứng tỏ bác luôn luôn nghĩ tới ba tôi cùng các bạn đồng chí hướng, đang bị nhốt ngoài Côn Ðảo. 


Và trong một bức vẽ tấm chăn len, ghi bốn câu thơ: "Một tấm chăn len khám Chí Hòa Ấy ai vượt ngục mới đem ra Tù nhân tặng kẻ chùm chăn kín Tuy mỏng nhưng mà cũng ấm da!" để nhớ đến một số bạn chiến đấu, đang bị giam trong khám Chí Hòa. Ðáng buồn thay, lúc bấy giờ lại có những kẻ "chùm chăn kín" thờ ơ đứng ngoài thế sự, Nhất Linh đã mỉa mai "Tuy mỏng nhưng mà cũng ấm da", cứ ngoảnh mặt làm ngơ "chùm chăn" thì cũng đủ vinh thân phì da rồi! 

    
                      Tấm ảnh Trương Kim Anh đang ngồi thổi sáo,
                                    do nhiếp ảnh Mạnh Ðan chụp

           
                         Bức họa một thiếu nữ ngồi thổi sáo dưới gốc thông. 

                              Hai bên tranh ghi mấy chữ Nho:
                       " Nhất Linh-Tặng Kim Anh / Ất Sửu 1961".

Năm 1961, tôi khoe bác một tấm ảnh tôi đang ngồi thổi sáo, do nhiếp ảnh Mạnh Ðan chụp. Không ngờ tấm ảnh này đã gợi ý cho bác họa một thiếu nữ ngồi thổi sáo dưới gốc thông. Hai bên tranh ghi mấy chữ Nho: Nhất Linh-Tặng Kim Anh-Ất Sửu 1961

Suốt gần bốn mươi năm, những bức vẽ quý giá đó vẫn được tôi lưu giữ trong cuốn Lưu Bút, gồm những hình ảnh và bút ký của một số nhà văn miền Nam Việt Nam.

 Trang đầu là di ảnh và chữ ký của bác Nhất Linh- Nguyễn Tường Tam vào năm 1960.

 Từ ngày Song Thất mồng bảy tháng bảy 1963 đến nay, lại đến ngày Song Thất của năm 2002. Ðã ba mươi chín năm trôi qua, nhưng những kỷ niệm của nhà văn Nhất Linh (bác Tam của tôi) vẫn ghi đậm trong trí nhớ tôi. Tôi ghi lại đôi giòng trên đây, như một nén tâm hương, để kính dâng lên bác.

                                                                             Trương Kim Anh
                                                                            Oslo/ tháng 7 2002

         nguồn:
   https://www.facebook.com/pg/thicavietnamvn/photos/?         tab=album&album_id=273515799336689

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ