đọc thêm (4) : " Trịnh Cung - 20 câu hỏi cho bản Tự Khai "/ Trịnh Cung / Mỹ ] -- trích: https://www.dutule.com>trinhcung...
TRỊNH CUNG - 20 Câu hỏi cho bản Tự Khai
Nguồn gốc:
Năm và nơi sinh: trên giấy Thế vì khai sinh ghi 1939. Thực tế sinh ngày 31-12-1938 (Mậu Dần),
làng Chụt, Nhatrang.
Tên khai sinh: Nguyễn văn Liễu
Bút hiệu: Trịnh Cung (1962)
Huyết thống: Cha, Điện Bàn, Quảng Nam. Mẹ, làng Chụt, Nhatrang.
Học hành: Trung học Võ Tánh, Nhatrang.
Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế
1, 1958, tại sao đi học mỹ thuật? Có biết mỹ thuật là gì không mà xin đi thi?
- Vì học toán và các môn khoa học khó quá, điểm lúc nào cũng 1 hoặc 0. Vẽ và làm thơ dễ và
thích hơn.
Lúc còn học trung học ở tĩnh đâu có biết mỹ thuật, nghệ thuật là gì, chỉ biết là đi thi để học vẽ,
để làm họa sĩ như ông thầy dạy vẽ ở trường.
2, Ở trường trung học, có là học sinh vẽ giỏi không? Đi thi tuyển, nếu rớt thì sao?
- Không, có khi còn bị thầy đá đít vì vẽ không giống mẫu cái nón cối Tây mà thầy ra bài cho cả
lớp.
Đi thi đại vì thích học vẽ và cũng để có dịp biết Huế với bao nhiêu cảnh đẹp của cựu kinh đô đã
được truyền tụng qua thi ca của những Hàn Mặc Tữ, Xuân Diệu, Huy Cận,...Nếu rớt thì quay
về, tính sau.
3, Việc này có sự đồng ý hay khuyến khích gì của ba mẹ hay không?
- Hoàn toàn không. Chẳng những không bằng lòng mà còn phẩn nộ, ông ba đánh cho một trận
đòn tét đít dù mẹ hết sức can ngăn. Tuy nhiên, sau đó, ông cũng mua cho vé tàu hỏa và đưa ra
ga Nhatrang kịp chuyến tàu đi Huế ngày hôm đó, còn cho ít tiền đi đường và dặn “con đến nơi,
nhớ gửi thư về cho ba!”
Sự chọn lựa của tôi gây cho ba mẹ sự thất vọng ê chề vì ông bà đã nghèo khổ vì không được
học hành, chỉ mong con mình chí ít thì cũng đổ tú tài để sau này làm thầy giáo hoặc công
chức,... thế mà lại đi học cái thứ vẽ vời, chả ra giống gì!
4, Ở Huế, cách Nhatrang hơn 500 cây số, không bà con, thí sinh thi tuyển có cả trăm mà
trường chỉ lấy 15 người, quá khó đậu lại nhà nghèo, tiền đâu để chi trả cho việc ăn ở?
- Đúng là “điếc không sợ súng”, may là có chơi một bạn làm thơ ở Huế qua thư. Anh ấy cho ở
nhờ vài ngày để đi thi còn thì cơm đường cháo chợ. Cũng may nữa là hồi đó xã hội rất thanh
bình và con người rất tốt bụng, không có gì để sợ hãi và lo lắng dù trong túi chỉ có vài đồng
bạc. Người ta thường nói” Thánh nhân đãi kẻ khù khờ” và mình được như vậy nên đã thi đậu
dù là đậu áp chót. Đúng là hay không bằng hên!
5, Tự nhận là học sinh không vẽ giõi trong lúc những thí sinh khác, phần lớn đều đã trãi qua
một năm học luyện thi tại các Trường Mỹ Thuật trước khi dự tuyển, vậy làm sao thi đậu? Kết
quả này có chỗ nhầm lẫn?
- Như đã nói ở trên, thật sự là thiếu hiểu biết, thơ ngây nên mới đi thi. Khi vào ngồi vẽ mẫu, một
tượng thần vệ nữ Hy Lạp bằng thạch cao, mới phát hiện bài vẽ của các bạn thi cùng đều giống
mẫu và đẹp hơn hẳn bản vẽ thô thiển của mình, hỏi ra mới biết họ đã học vẽ một năm trước để
chuẩn bị cho kỳ thi này. Và tự nghĩ thi rớt là chắc chắn.
Sau hai buổi thi, chẳng mong đợi gì kết quả, trước khi cuốn gói về lại Nhatrang, đi chơi khắp
chỗ đẹp của Huế cho thỏa mộng giang hồ của một anh chàng tỉnh lẽ.
Kết quả thật bất ngờ, đúng như câu hỏi, phải chăng có sự chấm nhầm? Mình đã dành chỗ của
một tài năng nào đó? Hoặc, có một ông thầy chấm bài đã có mắt tinh đời, nhìn ra một tài năng
hội họa tìm ẫn trong những nét vẽ vụng về?
6, Những điều gì đáng nhớ trong 3 năm học mỹ thuật? Tại sao có việc học tạm cho năm thứ 2
tại Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định?
- Đáng nhớ nhất là học càng ngày càng tiến bộ trong môn vẽ khoả thân (Academi)*,
môn vẽ chính của toàn khoá học. Chỉ cần 5 tháng từ bắt đầu học năm thứ nhất đã có bài loại
nhất lớp và sau đó trở thành sinh viên được thầy và các bạn yêu thích vì vừa vẽ tốt các bài của
trường vừa có tranh sáng tác ngoài giờ theo phong cách hiện đại.
Tuy nhiên, do tính bộc trực, không đồng ý cách đối xử thiên lệch và chống vẽ modern của thầy
hiệu trưởng lúc bấy giờ nên bị đuổi học khi đang học năm thứ 2. May thay, ông Giám đốc Nha
Mỹ thuật, kiến trúc sư Lê văn Lắm cho vào học tiếp ở Trường QG CĐMT Gia Định.
7, Lý do nào lại trở về trường cũ vào năm sau?
- Sự bảo thủ và thiên vị của thầy Tôn Thất Đào đối với sinh viên ưa thích hội họa hiện đại đã
được Nha Mỹ Thuật Học Vụ biết nên đã cử thầy Mai Lan Phương, tốt nghiệp Trường Cao đẳng
Mỹ thuật Paris về Huế thay thầy TTĐ làm Hiệu Trưởng cùng với nhà điêu khắc người Pháp gốc
Việt, Bernard Huệ, cũng từ Paris về Huế dạy điêu khắc. Thế là mình lại được về lại trường cũ
học tiếp năm cuối và đã tốt nghiệp niên khoá 61-62. Trong đợt thay đổi mới này còn có một số
sinh viên điêu khắc của Trường QGCĐMT Gia định theo thầy Huệ ra Huế học như Nguyễn Mai
Chững, Trần văn Danh, Lê Tài Điển.
8, Những ấn tượng nào đặc biệt về hai vị giáo sư này?
Mai Lan Phương là con của ông Tam Mộc- Mai Lan Quế, chủ báo Buổi Sáng, một nhật báo lớn
ở Sài Gòn. Ông đi du học về bộ môn trang trí và tốt nghiệp tại một trường mỹ thuật danh tiếng
thế giới, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Paris. Ông có vẽ ngoài thanh lịch, trí thức, tươi sáng, dễ
gần. Riêng thầy Huệ rất đẹp trai, hình như có pha trộn dòng máu Pháp Việt nên có mũi cao và
lông mi cong, nghiêm nghị hơn thầy MLP. Đây là 2 nhân tài được đào tạo bởi cái nôi mỹ thuật
thế giới nên đã mang lại cho sinh viên Huế nhiều cảm hứng học học hành và nhất là chủ
trương nghệ thuật hiện đại, điều này rất khác biệt với Trường Gia Định.
9, Nói thêm về thành tựu đào tạo và nghệ thuật điêu khắc của thầy Bernard Huệ.
- Ông có tên Việt đầy đủ là Lê Ngọc Huệ, là một điêu khắc gia trẻ, trạc tuổi từ 30-35, theo
khuynh hướng điêu khắc hiện đại. Thủ pháp mạnh mẽ, đơn giản nhưng vẫn tinh tế và có xu
hướng ngã về nghệ thuật ý niệm. Tác phẩm Trụ Cột Hoà Bình của ông sáng tác trong thời gian
dạy học tại Trường CĐMT Huế đã đoạt huy chương bạc Giãi Mỹ Thuật Quốc Tế Sài Gòn lần
thứ 1 năm 1962 là một tác phẩm điêu khắc trên chất liệu đồng đã tiêu biểu cho một cá tính
nghệ thuật dung hoà giữa tinh thần trầm tư của phương Đông và kỷ thuật điêu khắc avant -
garde của phương Tây. Ông và các học trò gồm Mai Chửng, Trần văn Danh, Trương Đình Hải,
Lê Tài Điển, Đỗ Xuân Chính đã hình thành một quần thể tượng Thánh Mẫu Maria và chúa Jesu
gồm 15 pho bằng chất liệu xi măng trắng trộn với sạn nhỏ được gọi là granito, theo phong cách
điêu khắc hiện đại. Đây là một công trình điêu khắc ngoài trời trên chủ đề Thiên Chúa giáo đồ
sộ và sáng rực tính sáng tạo rất mới so với thời điểm 1961-62 chưa từng có ở Việt Nam từ
trước và cho cả đến nay, cũng có thể là cả châu Á. Ông cũng là người đầu tiên mở ra một thay
đổi cách làm điêu khắc hiện đại trong trường mỹ thuật ở Việt Nam vốn rất bảo thủ và yếu kém
từ 30 năm trước đây. Nhờ đó mà Miền Nam có được một thế hệ nhà điêu khắc trẻ hiện đại rất
tài năng như Nguyễn Mai Chửng, Dương văn Hùng, Lê Thành Nhơn.
Dù không có thêm thông tin gì về thầy Huệ sau khi ông rời bỏ Huế để về Pháp kể từ biến cố
Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đỗ vào năm 1963 cũng như sự nghiệp điêu khắc của ông trên
đất Pháp như thế nào, hoàn toàn im lặng nhưng chỉ bằng công trình 15 tượng Đức Mẹ và Chúa
Jesu ở nhà thờ La Vang và Trụ Cột Hoà Bình, ông vẫn là một nhà điêu khắc tài hoa nhất nếu
không muốn nói là lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay dù lúc bấy giờ còn có một điêu khắc
gia Pháp gốc Việt khác rất đặc sắc, từng đoạt Prix de Rome là ông Nguyễn văn Thế, tác giả
pho tượng Hai Bà Trưng được đặt ở công trường Mê Linh, Sài Gòn ( đã bị kéo sập bởi phe lật
đỗ Tổng Thống Ngồi Đình Diệm 1963).
10, Còn ông Hiệu trưởng Mai Lan Phương, điều gì đáng nhớ?
- Tất nhiên, ông là đầu tàu, là chỉ huy trưởng của trường đào tạo mỹ thuật Huế theo một định
hướng mới, hiện đại hơn. phóng khoáng và cởi mở hơn để khích lệ óc sáng tạo của tuổi trẻ.
Ông là người vui tính, dễ gần gũi, lúc nào cũng có nụ cười trên môi, có một khuôn mặt phúc
hậu, khác với vẽ nghiêm nghị của thầy Huệ. Dưới mái trường mỹ thuật Huế, hai ông là một cặp
bài trùng tạo ra một môi trường học tập sôi nỗi, tươi trẻ và hiệu quả.
Rất tiếc họ phải chia tay sau biến cố đảo chánh năm 1963, người về Pháp, kẻ bị cho thôi việc.
Những người bảo thủ và truyền thống lại nắm vận mệnh mỹ thuật đất nước, ông Mai Lan
Phương về lại Sài Gòn làm giáo sư môn trang trí kiến trúc cho Trường Đại học Kiến trúc Sài
Gòn cho đến ngày 30-4-75. Ông mất sau đó vài năm do suy nhược tinh thần.
11, Vì sao Trường CĐMT Huế, ra đời sau và có ít thầy nỗi tiếng hơn Trường Quốc Gia CĐMT
Gia Định nhưng lại đào tạo được nhiều họa sĩ tài danh không kém gì trường ở thủ đô?
- Điều này chỉ xảy ra ở trường Huế được mấy năm, từ 1961-1964, do một số sinh viên ngã theo
chủ nghĩa hiện đại như Lâm Triết (khoá 1), Trịnh Cung ( khoá2), Đinh Cường (khoá 3), Nguyên
Khai, (khoá 4) gặt hái những giãi thưởng lớn của quốc gia về hội họa được tổ chức hằng năm
ở thủ đô Sài Gòn, trong khi đó, trường mỹ thuật Gia Định (không kể 2 họa sĩ đàn anh là Hiếu
Đệ và Trần Kim Hùng thuộc khoá 1 và 2) cũng chỉ có con số tương đương đoạt giãi như
Nguyễn Trung. Nghiêu Đề, Nguyễn Phước và Nguyễn Lâm nhưng trừ 2 bạn sau, Nguyễn Trung
bị đuổi học vào năm thứ 2 và Nghiêu Đề thôi học vì vẽ hiện đại, tính đến giải Hội họa Mùa Xuân
cuối cùng năm 1964. Sau đó. một giãi thưởng mang tên Giãi Văn học và Nghệ thuật Tổng
Thống ra đời, chấm đứt sự thắng thế của mỹ thuật hiện đại, từ đó cho đến ngày Sài Gòn sụp
đỗ.
Người xưa có câu:” Không thầy đố mày làm nên”, rõ ràng Trường Huế nếu không có 3 thầy Mai
Lan Phương, Lê Ngọc Huệ và Lê Yên thì không có những học trò xuất sắc để góp phần làm
nên một bộ mặt hội họa hiện đại Việt Nam như lịch sử nghệ thuật đã ghi nhận.
12, Đã từng có một năm theo học tại Trường QG CĐMT Gia Định, chất lượng và đường lối đào
tạo ở đấy có khác với Trường CĐMT Huế? Điểm mạnh và yếu của mỗi trường?
- Vâng, được Nha Mỹ thuật Học Vụ cho vào Trường QG CĐMT Gia Định học tiếp năm thứ 2 vì
lý do như đã nói trên. Nhờ đó, đã trãi nghiệm qua cách dạy vẽ môn khỏa thân (academi) của
thầy Lê văn Đệ, Giám đốc Trường, rất khác với cách dạy của thầy Lê Yên ở Huế dù cả 2 ông
đều cùng xuất thân từ Trường CĐMT Đông Dương-Hà Nội.
Trong cách vẽ chì than cho sinh viên Sài Gòn dưới sự hướng dẫn của thầy Lê văn Đệ, đường
nét, hình khối,được thực hiện rất mềm mại, nhẹ nhàng, ít độ tương phản. Ngược lại, thầy Lê
Yên rất chú trọng đến độ đậm nhạt, mỏng dầy,... và nhịp điệu của đường nét. Ông rất chú trọng
tới sự khác biệt phải có giữa các tính chất cứng hay mềm của các phần trên cơ thể. Do đó, có
thể lý giãi được vì sao tranh lụa của sinh viên Trường QG CĐMT Gia Định thường chiếm tỷ lệ
đông hơn các bộ môn khác, đó là đó ảnh hưởng quá mạnh của lối vẽ mềm mại, mượt mà và
sang trọng của thầy-Giám đốc Lê văn Đệ, đồng thời do chủ trương bảo thủ cứng rắng, không
chấp nhận cách vẽ phóng khoáng, hiện đại trong nhà trường. Sinh viên nào không tuân thủ
đường lối đào tạo như thế sẽ bị đuổi học.
Có lẽ vì ảnh hưởng này mà sinh viên Trường Gia Định sau khi ra trường có rất ít nghệ sĩ có cá
tính mạnh, thiếu phá cách, thiếu tìm tòi thử nghiệm một cách vẽ khác. Đa số thích chọn chuyên
ngành tranh lụa, số khác chọn vẽ hiện thực để tốt nghiệp.
Cũng như Trường Huế, khi đường lối đào tạo bảo thủ nắm quyền sau khi hai thầy Mai Lan
Phương và Lê Ngọc Huệ ra đi thì trở nên im ắng, mất sinh khí trong học tập, không có thêm
ngôi sao nào lấp lánh trên bầu trời mỹ thuật VN cho đến ngày đất nước thấy đổi.
13, kinh nghiệm của một họa sĩ trẻ, tay trắng, có thể hội nhập và thành công giữa một xã hội
nghệ thuật phồn thịnh Sài Gòn, thủ đô của Miền Nam?
- Vào Sài Gòn lập nghiệp là chuyện không dám nghĩ đến khi vừa mới ra trường mỹ thuật Huế.
Giấc mơ lúc ấy là muốn trở thành một thầy giáo dạy vẽ cho học sinh trường trung học cũ ở quê
nhà, trường Trung Học Võ Tánh Nha Trang. Thế nhưng điều ấp ủ ấy đã bị nhà trường từ chối
vì không có chỗ, tôi đành khăn gói vào Sài Gòn tìm kiếm một cơ hội, may ra.
Và tôi đã gặp may khi mới chân ướt chân ráo giữa Sài Gòn tráng lệ với lầu cao phố rộng, người
người thanh lịch, đường nhiều như mắc cửi, rộng và tráng nhựa. Xe, đủ loại, nỗ bình bịch suốt
ngày đêm. Tôi ngơ ngác, lạc lỏng, quê mùa nhưng được “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”, gặp
ngay Sài Gòn đang tổ chức chọn tranh đẻ lập đội tuyển quốc gia dự Triển lãm Mỹ thuật Quốc tế
Sài Gòn lần Thứ Nhất và bức “Mùa Thu Tuổi Nhỏ” của tôi gửi dự tuyển một cách cầu âu đã
được chọn một trong 17 tác phẩm chính thức đại diện cho mỹ thuật Việt Nam tham gia cùng 19
quốc gia bạn trong đó có nhiều nước là siêu cường về mỹ thuật như Pháp, Ý, Anh, Tây Bạn
Nha, Hoà Lan, Đức,...
Thế là từ một gã họa sĩ vô danh, non nớt, bỗng được khoát lên mình ngay chiếc áo nghệ sĩ,
được báo chí * khen có bức tranh đạt nhất trong số 16 bức( bức 17 là tác phẩm điêu khắc của
thầy Lê Ngọc Huệ).
14, và sau đó?
- Tôi được nhận vào dạy vẽ cho Trường Trung học Kỷ thuật Cao Thắng Sài Gòn nhưng đến
năm 1963 xin nghỉ để lên Đà Lạt sống theo tài trợ của một người yêu hội họa, anh Thọ, chỉ để
vẽ sau khi có bức tranh sơn dầu “Người Ngồi” được huy chương đồng giãi Hội Họa Mùa Xuân
1963 và bức tranh này được Việt Nam chọn gửi đi tham dự Triển lãm Lưởng Niên Paris 1963.
Đây là bước ngoặt quan trọng cho con đường sáng tác của tôi. Những bức tranh được vẽ tại
Đà Lạt đã mang lại cho tôi sự thành công mới sau bức “ Mùa Thu Tuổi Nhỏ” và bức “Người
Ngồi”.
Khi tôi trở lại Sài Gòn vào cuối năm 1963 vì lệnh tổng động viên, trong lúc còn thời gian, tôi đã
cùng Đinh Cường. Tôn Nữ Kim Phượng làm chung một triển lãm tại Phòng Thông Tin Đô
Thành. Và hầu như toàn bộ 10 bức vẽ của tôi đều được mua hết. Riêng ông Phó Thủ Tướng
Nguyễn Xuân Oánh đã mua 4 bức, một trong 4 bức. “Trên Vùng An Nghỉ” đã được Hội đồng
Giám khảo Giãi Hội Họa Mùa Xuân chọn trao giãi cho năm 1964. Loạt tranh này thực sự tạo
cho tôi một sự yêu mến của giới nghệ sĩ và các nhà phê bình nghệ thuật.
1964, mọi giấc mơ về sáng tạo của tôi gần như bị khép lại khi phải nhập ngủ vì lệnh tổng động
viên của chính phủ vào năm 1964 và thuộc khoá 19 sĩ quan trừ bị Thủ Đức.
Sau khi ra trường, trở thành sĩ quan huấn luyện viên của quân trường Thủ Đức. Dẫu vậy, tôi
vẫn tiếp tục vẽ khi có giờ rảnh. Trong thời gian quân ngủ, bức sơn dầu “Đứa Trẻ Du Ca” ra đời
trong trại lính và dự giãi Văn học & Nghệ thuật Tổng Thống năm 1970. Nó được giãi Khuyến
Khích và được báo New York Times số ra năm 1971, in và bình luận bởi nhà báo Peggy Stanle.
15, Về sự ra đời của Hội Họa Sĩ Trẻ?
- Hôi HST được thành lập vào tháng 11 năm 1966 bởi 2 ông, một họa sĩ là Ngy Cao Uyên, một
Bác sĩ là Nguyễn Tấn Hồng. Chúng tôi gồm gần 10 họa sĩ trẻ được rủ vào và Hội HST ra đời tại
tư thất của Bs Nguyễn Tấn Hồng với chức Chủ tịch đầu tiên do Hs Ngy Cao Uyên phụ trách và
Nguyễn Trung làm Phó. Trịnh Cung làm Tổng Thư Ký.
Hoàn cảnh đất nước chiến tranh nên chúng tôi, một nữa là quân nhân và một nữa còn lại là từ
chối nhập ngủ.
16, Hội HST đã làm được những gì?
- Hội đã tập họp được những tinh hoa nghệ thuật hiện đại trẻ Việt Nam và tạo được một cao
trào cho công cuộc phát triển toàn diện hội họa hiện đại ở Miền Nam Việt Nam.
Tuy nhiên, cao trào đó chỉ mới khởi phát thì phải bị chùng xuống vì sự bất ổn chính trị cũng như
sự leo thang của chiến sự trên toàn quốc kể từ vụ tổng tấn công tết Mậu Thân năm 1968 của
Việt cộng. Và sau đó, hội tiếp tục hoạt động một cách rời rạc, gượng gạo cho đến ngày kết
thúc, 30-4-1975.
Thực ra, những gì mà Hội HST tạo được tiếng vang và trở thành một cột mốc lịch sử của hội
hoạ Việt Nam trước 1975 là do hội tập họp được những khuôn mặt nghệ sĩ trẻ đã gặt hái hầu
hết những giãi thưởng mỹ thuật quốc gia có tên “Hội Họa Mùa Xuân” ra đời từ năm 1960 cho
đến 1964, thuộc thời của nền Đệ Nhất Cộng Hoà.
17, Những gì đã xảy ra sau 1975 với các thành viên Hội HST?
- Thực tế, những hội viên chủ chốt của Hội gồm có 2 thành phần, một nửa là quân nhân, một
nữa là phản chiến. Những ai thuộc quân đội Sài Gòn đều phải đi tập trung cãi tạo, một nữa còn
lại được hoạt động nghệ thuật dưới sự lãnh đạo của chính quyền mới, trong số này có Nguyễn
Trung và Hồ Hữu Thủ được trọng dụng.
Tuy nhiên, sau những năm đầu sống mất tự do dưới Chủ nghĩa Xã hội, phần lớn những bạn
này đã vỡ mộng, lần lượt tìm đường ra khỏi nước bằng bão lãnh hoặc vượt biển.
18, Trong thời gian 3 năm tù cải tạo, những gì đáng nhớ nhất?
- Đó là 2 lần gặp nạn khi nhận vẽ Bác Hồ cho khối. Lần đầu, sau khi đến Trảng Lớn, khối tôi
được chỉ định ở tại dãy nhà mái tôn nằm trên một con dốc, mặt quay về hướng mặt trời lặn về
phía Cam bốt. Sau mấy ngày sắp xếp chỗ ngủ, Khối trưởng đề nghị tôi vẽ một chân dung Bác
Hồ để treo trước cổng của khối. Không biết lấy gì để vẽ vì dâu có đem màu, cọ theo, tôi nghĩ ra
cách lấy gỗ thùng đạn ghép lại làm nền bức tranh và lấy thuốc súng làm mực vẽ bằng cách rãi
thuốc súng theo nét vẽ bằng bút bi rồi bất quẹt cho thuốc súng cháy. Khi lửa tắt, để lại đường
cháy đen theo nét vẽ. Thế là có một chân dung Bác để treo trước cổng chào của khối. Thế
nhưng, trong lúc anh em tù đang ngạc nhiên và trầm trồ về bức vẽ thì chỉ 15 phút sau, các quản
giáo kéo đến với thái độ tức giận và quát: “ Ai làm cái này? Các anh không có tư cách để vẽ
Bác! Tháo xuống ngay! Trưởng khối lên làm việc!”
Lần thứ nhì cũng do vẽ Bác Hồ. Dịp đó xảy ra ở trại tù Xuân Lộc. Tôi lại bị giao vẽ Bác Hồ trên
tờ Bích báo của khối nhân một dịp lễ lạc gì đó. Lẽ dĩ nhiên, lần này tôi cản trọng hơn nên đặt
điều kiện là khi vẽ thì phải có cán bộ quản giáo ngồi bên để thấy gì không đúng thì cho biết mà
thay đổi. Và một chân dung Bác bằng màu nước đã hình thành ngay giữa tờ bích báo. Tờ báo
được treo giữa hội trường một cách long trọng, cả trăm anh em tù xúm lại xem và xì xào về bức
chân dung, một câu mà họ nói thầm vào tai tôi:” Cậu vẽ cậu chứ đâu phải..., giống như đúc!”
Tôi xuýt và nói:” Đừng nói bậy, tới tai quản giáo là bỏ mẹ!”
Và chỉ nữa giờ sau, một đội vệ bình với súng có lưới lê bước đều, tiến về hội trường, trịnh trọng
tháo gở tờ bích báo, cuốn nó lại và đem về ban quản trại trước sự chứng kiến của cả trăm tù
cải tạo. Tất cả đều nhao nháo và mọi cặp mắt lo ngại đều dồn về phía người vẽ bức chân dung
HCM. Lẽ dĩ nhiên, tôi rơi vào ý nghĩ mình sắp bị giảm giữ riêng và hồi hộp chờ. Tuy nhiên, tôi
vẫn được bình an cho đến ngày ra trại, một năm sau đó.
19, Những thăng trầm đã trải qua trong 40 năm trong một đất nước xhcn và tiếp theo?
- 1975-1985, Có 3 năm tù “cãi tạo”, 2 năm đi “kinh tế mới”, 3 năm làm việc cho Sở Y tế tp HCM,
2 năm bán thức ăn vữa hè. Tổng cộng 10 năm bỏ vẽ.
Trở lại giá vẽ vào năm 1986 khi có chủ trương “đổi mới”. Bán được tranh cho Việt kiều về thăm
quê nhà và các galleries của Hồng Kông, đa phần vẽ về thiếu nữ và trừu tượng.
Những năm 1998-2003, được mời làm thỉnh giảng về mỹ thuật cho Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn, Đại học Sư phạm, Đại học Hoa Sen.
1994, được Hội Xã Hội Học Pháp mời tham quan và có cuộc triển lãm cá nhân tại Paris năm
1995. Đây là một chuyến đi đầy sóng gió, ê chề sau một tuần lễ đầu ở Paris vì sự xung khắc
chính trị giữa các nhân vật người gốc Việt ở Paris mà tôi quen biết. Bơ vơ, lạc lõng kinh khủng,
không biết đi đâu, ở đâu. May thay, chị Sìfani và tiếp theo là các anh Lê Tài Điễn, Đặng Tiến và
chị Thụy Khuê đã mở rộng vòng tay giúp thoát khỏi cơn ác mộng ấy. Nhờ đó mà tôi tiếp tục
cuộc du hành qua các viện bão tàng mỹ thuật và các thành phố lộng lẫy của nước Pháp. Hơn
nữa, với một tháng trước khi về lại Sài Gòn, tôi được nhà phê bình thi ca Đặng Tiến dành cho
một căn phòng trên lầu nhà anh nằm bên dòng sông Loire thuộc thành phố Orleans để ở và vẽ.
Nhờ đó mà một cuộc triển lãm cá nhân được ra mắt kiều bào yêu hội họa tại Nhà Việt Nam trên
đường Cardinal Le Moin, Paris cũng do Đặng Tiến tổ chức và giới thiệu thật cảm động.
1996, được Đại học San Francisco mời thỉnh giảng về Mỹ thuật Việt Nam và năm 1997, có 2
triển lãm cá nhân tại Orange County- California và tại Washington DC. Đây cũng là một chuyến
đi đầy bất ngờ, hụt hẫng vì không giống những gì mong đợi khi chưa đặt chân xuống vùng Little
Sài Gòn. Những ấm áp, vui mừng gặp lại những bạn cũ ở đây đã không xảy ra mà ngược lại là
sự lạnh nhạt, nghi ngờ đến nỗi dẫn tới bị cô lập, trừ một người bạn duy nhất là nhà thơ Y Dịch
Lê Đình Điểu. Không có anh, tôi chẳng thể có được một cuộc triển lãm và một tinh thần lạc
quan sau 3 tháng đầu ở Little SG đầy thất vọng. Riêng báo Sài Gòn Nhỏ ở đây đã đăng hẳn
một bài chụp mũ tôi là do Hà Nội gửi qua Mỹ để chia rẻ văn nghệ sĩ lưu vong.
Nhưng nhờ bị ức chế bởi những ngộ nhận như thế, tôi đã tập trung sáng tác và đem lại cho tôi
một kết quả tuyệt vời không ngờ: 10 bức sơn dầu từ khổ trung bình đến khổ lớn đã ra đời, một
hình thái hội họa trừu tượng mang phong cách rất riêng bằng một kỷ thuật cũng rất riêng có tên
là Echo of The Land (Âm Vang của Đất) đã chính phục những người yêu tranh và nhất là đã
làm thay đổi cách nhìn kỳ thị tôi trước đây như đã nói ớt trên bằng một sự thân thiện tử tế. Tất
cả số tranh đều được mua. Và cuộc triển lãm này cũng là món quà đặc biệt tôi dành cho Xinh
Xinh, người vợ đang ở vào những ngày cuối cùng của cuộc đời vì bệnh ung thư tại một bệnh
viện ở Sài Gòn.
1997 tháng 11, người vợ xinh đẹp, hiền hậu mất vì ung thư sau 4 năm chữa trị, để lại cho tôi 3
người con: Vương Hương, Luân Vũ và Bạch Mai.
1998, nhờ sự thành công của triển lãm có tên Echo of The Land ấy, tôi được gallery LA Artcorp
thuộc thành phố Los Angeles mời triển lãm cá nhân. Và cũng là họa sĩ Việt Nam đầu tiên có
triển lãm cá nhân ở đây.
2000, được Đại học Indiana mời thỉnh giảng kỷ thuật mới cho tranh sơn dầu.
2001, được Đại học George Mason ở Washington DC. mời triển lãm, khi đến Mỹ thì bị bạo
bệnh, được giãi phẩu tại bệnh viện Fountain Valley thuộc Orange County-California.
2001-2003, nghĩ mình sắp chết theo dự báo của bệnh viện Mỹ, không sống được quá 6 tháng,
nên đã về lại Sài Gòn để sống những tháng cuối cùng với mẹ già. Và tôi đã không chết mà mẹ
lại ra đi, từ đó không còn muốn gìn giữ điều gì, tôi đã để cuộc sống rơi tự do, không gìn giữ,
sống buông thả, bê tha.
2004, bất ngờ gặp nhà thơ trẻ Phương Lan, nàng đã kéo tôi ra khỏi vũng lầy của buông thả,
hoan lạc, đã đem lại cho tôi nguồn cảm hứng mới, một giai đoạn sáng tạo mới cho cả viết và vẽ
đến hôm nay. Và hơn thế nữa, năm 2007, cô ấy còn sinh cho tôi một thằng cu rất khẩu khỉnh,
cháu Nguyễn Cung Bách, một cái tên được đặt bởi các bạn văn nghệ ngoài luồng của Sài Gòn
như Thận Nhiên, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Viện, Nguyễn Quốc Chánh, Nguyễn Hương, Huy
Tôn, Lynh Barcardy,..
2007, được tổ chức WJC mời đọc tham luận “ Mỹ thuật Việt Nam từ Chiến tranh đến Hoà bình”
tại Đại học Massachusetts
2010, đọc tham luận “ Mỹ thuật Việt Nam, Chiến tranh và Hậu quả” tại Singapore Art Museum.
2009, xuất bản “Mỹ thuật Việt Nam, những vấn đề xoay quanh”
2012, triển lãm nhóm những thành viên một thời sáng lập Hội HST trước 1975 tại Viet Art
Gallery, Houston - Texas. Và được Đại học UCLA mời nói chuyện về Hội HST VN trong bối
cảnh một VIệt Nam chiến tranh trước 1975.
2013, chính thức định cư tại California.
2015, triển lãm cá nhân tại Manzi Gallery, Hà Nội.
2017, xuất bản “ Nhận định và Những câu hỏi về Mỹ thuật và triển lãm tại nhà thuộc Little Sai
Gon- California nhân sinh nhật năm 80 tuổi.
20, Tại sao đi định cư ở Mỹ vào lúc tuổi đã già và xã hội Việt Nam đã mở cửa?
- Trước hết, vì Hoa Kỳ có một nền giáo dục rất tốt, lại miễn phí từ tiểu học đến hết trung học, rất
cần cho Bách, đứa con trai 8 tuổi từng bị một trường tiểu học của quận 1 tp HCM từ chối không
nhận mặc dù đúng tiêu chuẩn, và vốn là một xã hội văn minh, dân chủ và tự do, Hoa Kỳ là một
đất nước có nhiều cơ hội thăng tiến cho giới trẻ, rất thích hợp với Phương Lan, người vợ trẻ
tuổi và cầu tiến.
Riêng cá nhân, California là một tiểu bang lớn, khí hậu ôn hoà, trong lành và kinh tế thịnh
vượng vào hàng đầu thế giới, đặc biệt là một nơi có đông người Việt sinh sống nên dù có phải
xa quê nhà cũng không đến nỗi thiếu thốn mùi vị, tiếng nói và tập quán văn hoá Việt Nam nên
đây là nơi tốt nhất để sống an lành, nghỉ dưởng nếu có cơ hội cho bất cứ người Việt nào đã
nếm đủ sự khốn cùng mà nền chính trị hiện nay của Việt Nam đã áp dặt lên mọi người dân
không thân thế.
Dù cơ hội được định cư đến muộn nhưng vẫn hơn không. Và lưu vong, phải chăng đối với một
nghệ sĩ của tự do là một gia vị đặc biệt cho bộ sưu tập “bất hạnh” của hắn ? Nên vì thế tôi lại
dấn thân ?
Cuộc dấn thân cuối đời như một biến cố, chuyện gì sẽ xảy ra cho hội họa của tôi?
Bolsa, 2-12-2018
Trịnh Cung
___________
Ghi chú:
* Academi là tên gọi môn học vẽ khỏa thân ở các trường mỹ thuật. Một thuật ngữ, nó có nghĩa
là Kinh điển hay Hàn lâm vì đây là môn học quan trọng nhất của trường, sinh viên phải học kỷ
trong suốt 3 năm chính thức, mỗi tuần, sinh viên phải học 16 giờ. Nó không phải môn cơ thể
học (Anatomy), môn này chúng tôi được dạy bởi một bác sĩ.
Môn Academi dạy sinh viên áp dụng kiến thức từ môn cơ thể học để vẽ về các tư thế người
đúng tỷ lệ vàng và diễn tả các khác biệt mà con người chịu ảnh hưởng của ánh sáng, thời gian
cũng như tình trạng họ đang hoạt động để áp dụng vào sáng tác sau này.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ