đọc thêm (1) : " nhớ PHAN LẠC PHÚC [ 1928- 2016 ] & những chuyện xưa " / Văn Quang [ i.e. Nguyễn Quang Tuyến 1933- 2021) -- trích: http://petrusaus.net>
Nhớ Phan Lạc Phúc
& những chuyện xưa
Văn Quang
– Viết từ Sài Gòn 17/04/2016
Tôi quen biết với anh Phan Lạc Phúc từ những năm 1956 từ khi còn làm chung trong Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH. Hồi đó anh đã là đại úy và có thời làm Trưởng Ban Báo Chí, tôi làm dưới quyền anh nhưng anh vẫn xem tôi là bạn dù tôi ít tuổi hơn anh và mới chỉ là anh Trung Uý trẻ. Nhà anh ở ngay trong chợ An Đông, bà vợ là con một ông chủ tiệm vàng ở Quy Nhơn nên vào Sài Gòn nhà anh cũng mở tiệm vàng.
Tôi mới từ Nha Trang đổi vào Sài Gòn, ở nhờ nhà bà dì em của mẹ tôi. Anh đã có chiếc xe Fiat thường đến đón tôi cùng đi làm. Mỗi buổi chiều chúng tôi thường chơi bóng chuyền ngay trước cửa Phòng 5. Anh Phúc cao ráo bảnh trai, đứng trên lưới đập bóng khá hay. Tôi là người nâng bóng. Tuy chân anh bị thương hơi tập tễnh, nếu không chú ý thường không thấy. Sau này có lúc anh làm Trưởng Phòng 5 Bộ TTM một thời gian.
Tôi nhớ mãi hôm vào nhà Đại tá Vũ Quang anh được tặng một trái đào. Anh để dành mang về tặng cho mẹ tôi, anh nói nhìn bà cụ nhà ông tôi nhớ hình ảnh bà mẹ tôi. Thỉnh thoảng nhà tôi có tổ chức vài món ăn đặc biệt truyền thống miền Bắc xưa mà ngày nay hầu như “mất tích”, không có bất cứ cửa hàng nào bán và cũng rất ít nhà náo làm được vì sự nhiêu khê của nó và những công thức gia truyền như phải chon con cá chép hay cá mè như thế nào mới làm được món gỏi cá hoặc phải chọn thứ rau muống nào, nhúng nước sôi bao lâu mới làm được món nộm rau muống. Chưa kể cá món phụ gia rất lủng củng như giềng mẻ, muối mè, bảy loại rau đi kèm. Lần nào thường cũng có những người bạn của gia đình tôi như các anh Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan, Mai Thảo, Phạm Đình Chương, Phan Lạc Phúc, Thanh Nam.
Sau đó anh làm Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị Quân Đoàn 3 đóng tại Biên Hòa rồi về Trường Cao Đẳng Quốc Phòng.
Có một thời vào khoảng năm 1969 tôi về phụ trách Đài Phát Thanh Quận Đội, anh về làm chủ bút nhật báo Tiền Tuyến của Tổng Cục CTCT. Chủ nhiệm lúc đó là anh Phạm Xuân Ninh tức Hà Thượng Nhân. Anh thường viết bài hàng ngày và cái tên anh đặt cho mục đó là “Tạp Ghi” ký tên “Ký Giả Lô Răng” được rất nhiều độc giả yêu thích. Từ đó chúng tôi gọi anh là ông Lô Răng.
Khi tôi lập gia đình, cần sang một cái nhà với giá 80 triệu đồng. Tôi không đủ tiền, xoay xở mãi cũng chỉ được một nửa. Ngồi nói chuyện ở Point de Blagueur tục gọi là “Mỏm Đấu Láo” bên bờ sông Sài Gòn, anh nói cho tôi mượn một nửa số tiền sang nhà. Nhờ thế tôi mới có cái nhà ở cư xá Chu Mạnh Trinh gần nhà ông Phạm Duy cùng nữ ca sĩ Thái Hằng.
Những ngày ở tù nghe Phan Lạc Phúc nói chuyện Kim Dung
Sau tháng Tư, 1975, anh cũng kẹt lại như tôi và cùng vào trại tù Long Giao rồi cùng đi chuyến tàu thuỷ “lịch sử” từ Nam ra Bắc, suốt 3 ngày đêm nằm dưới hầm tàu nơi dành để chuyên chở súc vật, đúng là cảnh “cơm đưa xuống phân đưa lên” nói trắng ra là khi đến giờ cơm, bọn cai tù mắc rổ cơm vào chiếc dây thừng thòng xuống, chúng tôi đại tiểu tiện ngay tại chỗ nên lại phải thu gom phân vào bao đưa lên cho chúng mang đi đổ. Ra đến Vĩnh Phú, anh Phan Lạc Phúc nằm cùng phòng với tôi, cùng đi “nao động” phờ phạc và cùng ăn bo bo thay cơm. Những ngày Chủ Nhật nghỉ không được ăn sáng, chúng tôi đói meo, ngồi thừ nhìn nhau mãi cũng chán nên làm những quân bài mạt chược bằng gỗ đánh với nhau cho quên đói. Ông Lô Răng cũng là tay mạt chược khá cao.
Tôi nhớ có lần một anh bạn nhắc về kỷ niệm ngày xưa khi còn tung hoành trong quân đội, anh Phan Lac Phúc hét lên: “Thôi xin ông đừng bao giờ nhắc lại chuyện xưa nữa, buồn lắm rồi.” Từ đó chúng tôi rất thận trọng khi nhắc chuyện xưa với ông. Có những đêm buồn và lạnh, chúng tôi nằm xúm lại bên nhau nghe kể chuyện cổ tích hoặc chuyện Tây chuyện Tàu. Ông Phúc có tài kể chuyện kiếm hiệp, những bộ truyện của Kim Dung ông nhớ rất rõ, một trí nhớ có thể gọi là siêu phàm. Ông Nhớ từng thế võ của từng nhân vật, những cuộc giao đấu “thần sầu” của “võ lâm ngũ bá”. Anh em nằm nghe hết đêm này qua đem khác vẫn chưa hết pho truyện Kim Dung – Phan Lạc Phúc.
Sau đó chúng tôi bị đày lên Sơn La cùng Vũ Văn Sâm tức nhạc sĩ Thục Vũ và Thục Vũ chết ở Bệnh xá này, chính anh Phan Lạc Phúc báo tin đó cho tôi khi cùng làm ở vườn rau sát bên bệnh xá.
Đám tang nhạc sĩ Thục Vũ
Môt buổi chiều khi hoàng hôn gần xuống, đồi núi Sơn La bắt đầu có sương mù, chúng tôi cùng đứng lặng nhìn sang bên kia bờ ao có mấy anh lính vác súng AK đi đầu, theo sau là mấy anh tù khiêng chiếc quan tài đi trên con đường mòn vòng theo dẫy núi cao rồi mất hút sau khúc quanh con đường mòn nhỏ xíu. Đó là đám ma nhạc sĩ Thục Vũ. Nước mắt chảy dài, anh Phan Lạc Phúc quay mặt vào trong lấy tay áo sờn rách che giấu nỗi đau buồn tức tủi. Hôm sau chúng tôi mới biết phần mộ Thục Vũ nằm trên sườn đồi cô quạnh lối đi vào thị xã Sơn La.
Sau đó anh Phan Lạc Phúc chuyển vào trại tù Thanh Hóa, tôi không còn gặp anh nữa.
Hơn mười hai năm sau, từ nhà tù cải tạo được tha về, tôi cũng chẳng biết anh ở đâu. Sau cùng tôi được tin anh đi định cư ở Úc. Khi tôi cộng tác với nhật báo Chiêu Dương và tuần báo Văn Nghệ Úc của anh Nhất Giang và Vi Tuý, thỉnh thoảng anh Phúc đến tòa soạn thăm anh em. Anh Nhất Giang thường móc điện thoại gọi cho tôi ở Sài Gòn nói chuyện với anh Phan Lạc Phúc. Lúc đó chúng tôi mới biết vể cuộc sống hiện tại của nhau. Anh cho tôi số điện thoại ở nhà nhưng anh nói hàng ngày phải vào bệnh viện thăm bà xã nên khó gặp anh ở nhà.
Tôi không còn nhớ rõ từng chi tiết và ngày tháng ở đây, có thể có sai sót. Nhưng cuối cùng tôi cần phải nói rõ lúc nào tôi cũng coi anh như đàn anh tôi về mọi mặt.
Ký Giả Lô Răng trên giường bệnh
Cho đến hôm nay, chiều ngày 17 tháng 4, 2016, Sài Gòn nóng như cái chảo lửa. Rất bất ngờ tôi nhận được thư anh Huy Phương từ Mỹ. Anh viết có gọi điện thoại cho tôi nhưng không gặp, anh gửi cho tôi cái tin buồn về anh Phan Lạc Phúc đang hôn mê trên giường bệnh. Anh Vi Tuý từ Úc cũng gửi cho tôi tin này.
Xin chuyển đến các bạn đọc của tôi tin buồn này, tôi chắc trong số bạn đọc cũng có rất nhiều vị biết đến tên ký giả Lô Răng – Phan Lạc Phúc và cầu nguyện cho ông.
(văn quang)
---------------------------------
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ