Ngôi Sao Hàn Thuyên
MAI THẢO
Nhà văn Nguyễn Đức Quỳnh
Ảnh: Nguyễn Mạnh Đan
(1909 - 21.6.1974)
Suốt thời kỳ niên thiếu ở Hà Nội, đến trường bằng con đường Tiên Tsin có những cỗ tầu điện một toa chạy xuống ngoại ô Kim Liên, những dẫy sấu, cành lá đan chen rườm rà trên những lòng mái cong trũng, tôi hàng ngày đi qua cái bảng hiệu treo cao trên một ngôi nhà có thềm cửa vào thường đóng kín, không khí bên trong đoán thấy hắt hiu, ngưng đọng. Đó là nhà xuất bản Hàn Thuyên. Sau này tôi mới được biết, ngôi nhà có một căn gác gỗ, chật và tối, nhiều khói thuốc, ở đó Nguyễn Đức Quỳnh, Trương Tửu, Đặng Thái Mai họp mặt viết sách, với Nguyễn Đức Quỳnh là những tiểu thuyết tự thuật về ấu thời ông ở Hưng Yên, và những thiên khảo luận lịch sử văn minh loài người ở những đầu ngọn xa thẳm nhất quá trình và sinh hoạt văn minh nhân loại.
Nguyễn Đức Quỳnh viết sách. Về thái cổ Đông Phương. Về tiền cổ Tây Phương. Về thời đồng, thời đá, thuở trái đất mới có lửa, cộng đồng sống chung trong hình thái bộ lạc cách biệt. Trước một người từ thời đó đã viết những cuốn sách giải thích những hiện tượng nhân văn típ tắp mịt mùng ngoài khối thơ dại ú ớ của mình, cái tự nhiên là Nguyễn Đức Quỳnh đã hiện hình trong trí tưởng ngây ngất của tôi hồi đó, sau lớp ánh sáng lung linh khác thường của một nhân vật huyền thoại. Huyền thoại toả chiếu từ trí tuệ siêu việt.
Có thể, hồi đó, ông cũng chỉ là một nhà văn. Như tôi bây giờ. Ngồi soạn sách, viết bài trên gác một nhà in, một toà báo. Như tôi bây giờ. Nhưng trước một lớp nhà văn đầu đàn có tư tưởng và hoài bão trí thức như nhóm Hàn Thuyên bấy giờ, thì đối với đứa học trò trung học ngày ngày cắp cặp đi qua Hàn Thuyên, văn chương nơi những người như Nguyễn Đức Quỳnh là một hành động khác thường. Nó huynh đệ với chí lớn, đồng nghĩa với vá biển lấp trời, đồng tính với cách mạng, trên một hình thái tiêu cực nhưng cũng hiểm nghèo và hào hùng như cách mạng thực sự. Và cũng khác thường luôn, trong suy diễn và tưởng tượng đơn giản của tôi, cái số người làm cái công việc khác thường đó.
Phải đặt hẳn mình trở lại với một thời kỳ đã mất, sống hẳn trở lại với tuổi nhỏ mình và Hà Nội 41, 42, trong bầu không khí ngột ngạt đế quốc chiếm đất bít cản bằng ngục tối và lưu đầy biệt xứ mọi vươn phóng của trí tuệ tư do đòi quyền được sống, tôi mới hội nhận lại được, sau trên ba mươi năm, niềm tưởng tượng và suy diễn lãng mạn của mình về những người và sự việc Nguyễn Đức Quỳnh. Nhớ những buổi chiều mưa, đứng ẩn mưa dưới mái hiên một tiệm sách ở Hàng Bông, hay Phố Huế, nhìn những cuốn sách bày bán trong ô kính, tôi còn thấy những cuốn sách Hàn Thuyên bìa mầu tối, chữ nhỏ, khắc khổ, không đập vào mắt, khác với những cuốn sách khác. Thời kỳ đồng, thời kỳ đá. Văn minh nhân gian tiến một bước kỳ diệu ở nơi hai hòn đá đập vào nhau làm bùng ngọn lửa đầu giữa đêm rừng hồng hoang. Những biển trời nào vậy? Và người viết những cái đó, Nguyễn Đức Quỳnh là ai vậy? Tôi hình dung ra một ông già râu tóc. Một đạo sỹ. Có những nhà văn bởi đến người đọc bằng một cách nào đó, là những hình bóng gần như lung linh, hoang đường. Nghĩ vừa buồn cười, vừa cảm động. Chẳng bao giờ tôi còn được cái sung sướng nhìn ngắm trong xa cách một nhà văn như thế nữa. Nhưng hồi nhỏ, dưới những bóng me, bóng sấu của Hà Nội tiền chiến, cái đứa nhỏ chớm cảm thấy văn chương là một cần thiết lớn lao cho đời mình, đã nhìn Nguyễn Đức Quỳnh, một khuôn mặt Hàn Thuyên, sáng rỡ, như thế. Một nhìn ngắm huyễn hoặc và ngây ngất.
Phải đợi đến trưởng thành, thiên đô và tản cư kháng chiến, tôi mới được gặp cái nhân vật văn học từng đã mênh mông trong trí tưởng lãng mạn và suy diễn thơ dại một thời . Bấy giờ là mùa hè 1948. Năm kháng chiến thứ ba. Pháp mở cuộc tổng càn trên khắp mấy tỉnh hai bờ Hồng Hà. Tôi chạy vào khu Tư. Được một cơ quan chuyên môn nơi tôi làm việc phái đi tham dự đại hội văn nghệ liên khu tổ chức tại làng Quần Tín, tỉnh Thanh Hoá. Trong cái đám hai trăm đại biểu từ khắp nơi đeo bạc đà, vượt tiêu thổ, về họp mặt dưới những chùm hoa gạo đỏ thắm trên mái làng Quần Tín, người Hàn Thuyên gần đủ mặt, chỉ thiếu Lê Văn Siêu.
Mai Thảo ơi! Sông Mã sông Chu có cầu không nhỉ? Đó là câu đề tặng sau này, cuốn Ai Có Qua Cầu, anh Quỳnh viết cho tôi, trong cái ý gợi tôi nhớ lại cùng anh mấy lần gặp mặt giữa hai giòng Chu, Mã chảy song song trên địa hình Thanh Hoá. Và cái tuần lễ ghi khắc sâu đậm trong trí nhớ tôi, ở Quần Tín. Đã ngót ba mươi năm. Tôi còn như đang thấy anh đến. Tráng kiện, mạnh mẽ. Khuôn mặt rám nắng, vầng trán mênh mông. cái nhìn sáng và sắc, chém đinh chặt sắt . Với cái gậy trúc ngắn trong tay, bộ bà ba rộng, cái vóc dáng cao lớn in hình lên mặt nước sông Chu xanh biếc, và nụ cười, nụ cười thân yêu bè bạn sau này không bao giờ quên của cả một lớp người văn nghệ trẻ tuổi ở miền Nam, anh Nguyễn Đức Quỳnh tức khắc là "người" của đám người viết mới như tôi, trong đại hội. Bên cạnh một Trương Tửu lè phè, xập xệ, một Đặng Thái Mai nhợt nhạt, đau yếu, anh là khuôn mặt sống động và nghệ sỹ nhất của nhóm Hàn Thuyên chúng tôi thấy mặt lần đầu. Thực ra, tới năm đó, Hàn Thuyên kể như không còn nữa. Bởi những bất đồng ý thức, những lựa chọn hàng ngũ tách rời giữa những nhân vật cột trụ, Hàn Thuyên đã chia lìa. Như chúng ta thấy trong cùng một thời kỳ, sự chia lìa của Đời Nay, với sự rời khỏi 80 Quan Thánh của Thế Lữ và Tú Mỡ. (Mở một dấu ngoặc. Không ăn thua mảy may đến mình, mà sự tan vỡ của Hàn Thuyên và Đời Nay với tôi đến nay vẫn là hai cuộc chia lìa buồn bã và bi thảm nhất của văn học Việt Nam).
Trở lại với người vừa mất tôi đang nói tới. Người ta thường nói đến một từ trường Nguyễn Đức Quỳnh. Đến sức hấp dẫn kỳ lạ toát ra ở ông. Đến hiệu năng thu hút khác thường tưởng như có ma thuật ở nơi ông, đối với lớp nhà văn trẻ suốt hai thập niên vừa qua, ở miền Nam. Đừng vội bảo rằng vì đến ông, tự ái được ve vuốt, giá trị được phóng lớn. Phải nói rằng lớp người trẻ tuổi tìm đến ông đơn giản vì ông gần họ nhất. Và đã thấy ông trước như thế nào mới chịu đến. Điểm này dưới những chùm hoa gạo Quần Tín năm nào, Nguyễn Đức Quỳnh với đám người trẻ hồi đó, hệt như lớp người trẻ ở đây, sau tôi. Nguyễn Đức Quỳnh ngày ấy và của Đàm Trường Viễn Kiến gần đây là một. Một sức hút. Một từ trường.
Họp mặt Quần Tín cũng là một chia lìa. Những người mác xít, chưa ra hẳn mặt, đã muốn áp đặt đường lối chính trị họ vào hội thảo văn học. Không khí họp mặt thoạt đầu cởi mở, trở nên trầm trọng, ngột ngạt. Những phát biểu không xuất phát từ biện chứng hiện thực bị bác bỏ tàn bạo. Trên bàn chủ tịch đoàn, Nguyễn Đức Quỳnh là người duy nhất đánh phá đường hoàng vào sự trầm trọng lệch lạc này. Bằng những ý kiến phóng khoáng, vui nhộn, tếu nghịch, làm nhẹ hẳn cái không khí khó thở đè nặng. Ở dưới, bọn trẻ chúng tôi khoái thích ông vô tả. Thấy ông bước vào phòng họp là chúng tôi vỗ tay ào ạt.
Tóm lại, Nguyễn Đức Quỳnh vui không chịu được. Ông chưa nói, bọn "vô đường lối" chúng tôi đã sửa soạn tán thưởng. Ông nói xong, chúng tôi cười rộ từng hồi. Còn nhớ một ngày, phiên họp kéo dài tới đêm khuya. Trời Thanh Hoá im sững không một ngụm gió. Dưới ánh lửa lập loè làm tăng thêm sức nóng nung nấu của phòng họp đông chật, lưng vai mọi người đã ướt đẫm mồ hôi. Bỗng, nhân vật Hàn Thuyên từ trên bục cao dõng dạc nói xuống, thật lớn: "Cởi hết quần áo ra ngồi họp. Đồng ý cả không nào?" Chúng tôi phá lên cười và đồng ý tức khắc. Mọi cái áo được cởi phăng ra. Dưới ánh lửa chập chờn, cảnh tượng họp tếu nghịch, tức cười, đến cực điểm. Với những bộ xương cứu chúa trình diễn khoái thích cùng khắp trên những hàng ghế.
Những chùm hoa gạo vẫn nở đỏ trên mái đình Quần Tín. Nhưng bên dưới đã vắng lặng. Mấy ngày họp mặt chấm dứt. Từng người trở về dưới từng bóng núi, từng góc rừng mình. Sau đó, tôi không thấy Nguyễn Đức Quỳnh đâu nữa. Ít lâu sau, một đêm ngủ ở chân cầu Hàm Rồng, tôi được một người bạn nói nhỏ cho hay Nguyễn Đức Quỳnh sau nhiều lần vào Hà Nội trở ra, lại vào. Vào hẳn. Bởi những nguyên nhân nào, sự bỏ đi đó? Không bao giờ tôi được biết. Qúy mến ông, tôi cũng không muốn đặt ra những giả thuyết. Một lần, tò mò, tôi hỏi : "Có một huyền thoại về Nguyễn Đức Quỳnh. Về những chuyến ra vào Hà Nội. Anh làm thế nào đi lại an toàn qua vòng đai trắng nhiều lần vậy được." Ông nghe, tủm tỉm cười. Rồi ấn ngón tay xuống một chỗ trên lòng tay kia mở rộng, giọng đùa nghịch: "Mỗi chuyến đi, tôi tới bên này sông Đáy, ngủ lại ở vùng Phủ Lý một đêm. Đêm đó là đêm quyết định. Hễ thấy cái chỗ này của lòng tay dật dật, là điềm tốt, đi được. Thế là tảng sáng tôi qua sông." Chẳng hiểu đùa hay thật, có hay không.
Sáu mươi năm sống đầy ắp của Nguyễn Đức Quỳnh, bằng một trăm năm của người khác, có những khoảng cách mịt mùng, ấy là một số năm số tháng trống bặt, vô hình tích, chỉ riêng ông biết. Như những đêm đợi sáng bên này bờ sông Đáy, chờ cái nháy mắt nghịch ngợm của định mệnh trên đường chỉ tay, để vượt vòng đai trắng trong mù sương. Những đoạn đời vô hình tích ấy mang hình ảnh hoang đường của những khoảng trời không, mất tăm luôn trong chính cái miệng vực mênh mông không đáy của chúng.
1954. Vào Nam, tôi tìm thăm anh ngay ở tuần báo Đời Mới. Anh ngồi một mình trong căn phòng phía trong, đeo kính trắng, cắm cúi viết trong một không khí cực kỳ đơn độc, bên cạnh một tài liệu kê cứu mở rộng là cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Chúng ta thường kinh ngạc khó hiểu, trước cái bình trí nhớ kỳ diệu của Nguyễn Đức Quỳnh. Trong phần phát biểu cảm tưởng, Thanh Nam đã chia sẻ với chúng ta niềm kinh ngạc này, qua vài đoạn văn nhỏ của Thanh Nam mà anh Quỳnh đã phê bình tức khắc trong lần gặp mặt thứ nhất ở Hà Nội. Nhớ tiếng, nhớ hình. Nhớ những thời gian, những tên người, những cái lớn, những cái nhỏ, nhớ những sự việc tầm thường và cách xa nhất xẩy đến cho một cá nhân này nọ trong khi chính cá nhân đó đã quên. Đó là cõi trí nhớ ngoại hạng của Nguyễn Đức Quỳnh, tinh tế, bén nhạy, không nhầm lẫn cho đến trút thoát hơi thở cuối cùng.
Sáu năm không gặp mặt, chỉ một thoáng nhíu mày, anh đã nhận ra tôi. Duy lần gặp lại đó, chứ không phải sau này, anh để râu, chịu giải phẫu nhiều lần, héo hắt vì ung thư tàn phá, tôi thấy anh già hẳn. So với cái hình ảnh Quần Tín tôi còn giữ được nguyên vẹn về anh, sáu năm về trước. Có phải là sau những biến thiên, đều không nhiều thì ít, đã thả xuống những mái sống rực rỡ nhất, những phiến bóng rợp ngậm ngùi buồn bã? Có phải là sau một lựa chọn, một thay đổi, cũng cứ là đã lẻn nhập vào những cõi tinh thần vững vàng, tích cực nhất, những hoài nghi phảng phất ở chính mình? Có phải là rũ bỏ một quá khứ hành động, cho là rũ bỏ thuận tình đến đâu, cũng vẫn trong tâm linh bâng khuâng, những bóng ma cũ thấp thoáng? Những điều đó, nếu có, anh không nói ra với tôi. Anh chỉ già đi, thế thôi. Ngừng viết, ung dung, trong cái phong cách thoải mái của một người hoà thuận với thêm một hoàn cảnh nữa của đời mình, anh hỏi thăm tôi về một số người ngoài kia, khoảng thời gian anh đã bỏ đi, tôi còn ở lại. Sơ sơ về hết thảy. Nhiều về những đồng hành cũ thời Hàn Thuyên. Về Đặng Thái Mai, anh gật: "Ở lại, đành rồi. Anh ta không thể làm khác". Về Trương Tửu, anh suy nghĩ rồi mơ hồ: "Muốn làm cách mạng phải có đủ ba thứ Courage, Morale, Intelectuelle. Physique nữa". Về anh, đang viết Nhân Bản Mới trên bàn viết Đời Mới: "Họ là một cản trở mình, mình cũng là một cản trở lớn cho họ. Ở lại, mình bị đẩy làm toa đen cho họ kéo. Tội gì". Mỉm cười, anh tiếp, giọng bông đùa: "Về đây, may ra mình làm được ông đầu tàu, kéo được vài toa đen làm đồng hội đồng thuyền, khỏe hơn". Với Đàm Trường Viễn Kiến, với Di Ngôn đi theo người muốn trở về cát bụi hoàn toàn, bằng hỏa táng hình hài, anh Quỳnh không ngừng nỗ lực làm cái điều anh nói với tôi ở Đời Mới hôm đó.
1974. Đã hai mươi năm, từ một lần gặp lại. Chủ nhật, mùng 6. Thêm một lần gặp chót với người Hàn Thuyên cũ. Đưa tiễn anh một quãng đường, rồi Phan Lạc Phúc, Vũ Khắc Khoan, Thanh Tâm Tuyền và tôi kéo đến phim trường Alpha, xem trong một xuất chiếu riêng, cuốn phim Hè Muộn của đạo diễn trẻ tuổi Đặng Trần Thức. Hè Muộn là cuốn phim vừa đoạt 5 tượng vàng trong 7 tượng vàng chính giải văn học nghệ thuật toàn quốc. Phim thuộc loại khó, danh từ điện ảnh gọi là "phim của đạo diễn". Cốt truyện dật dờ đòi hỏi suy đoán. Những hình ảnh biểu tượng đầy đặc. Chúng tôi theo dõi, cẩn thận, chăm chú. Xong, kéo về nhà Doãn Quốc Sỹ ăn cơm trưa.
Trời tuyệt đẹp. Tháng sáu, mà buổi sáng Sài gòn tơ liễu như một buổi sáng mùa thu miền Bắc. ban nãy, gió thổi lộng trên những ngọn cây cao vút ven con đường tới An Dưỡng Địa. Ban nãy, những giải nắng ấm áp, đã lăn theo những vòng bánh chậm chạp của cỗ xe tứ mã mà cánh tả xe là di ngôn người Hàn Thuyên xưa kêu gọi hoà đồng và cứu chuộc lấy mình của nhà văn và trí thức toàn cầu. Quá trưa, trời vẫn đẹp. Bữa ăn kéo dài trong trò chuyện bình tĩnh. Tuần cà phê kéo dài thêm nữa bữa ăn. Anh Quỳnh đi giữa một chủ nhật rộng rãi, khí hậu và dáng vẻ mùa thu đậm đà hơn với trận mưa tơ lất phất khoảng 4 giờ chiều, trong nỗi lòng chúng tôi cũng ấm áp như cái nắng mùa thu bay bay trong nó nhiều bâng khuâng nhẹ nhàng, tâm trạng mà tôi yêu mến lắm và muốn mọi người cùng có như mình về anh Quỳnh, lúc đi theo linh cữu anh, và mãi mãi.
Anh có tôi trong đời sống anh đôi chút thế nào chẳng biết. Chỉ biết, ở tôi, từ tấm biển Hàn Thuyên 48, những ngày Thanh Hoá xa thẳm, mặc dầu những đứt quãng rộng lớn, cũng gọi là anh đã có, xa gần, đậm, nhạt trong tôi, suốt một đời người . Lắng kiếm một cảm tưởng mới, chẳng thấy gì hơn bằng gọi về, và sống thêm một lần nữa, với một số cảm giác, hình ảnh quen thuộc, đã có về anh từ đầu, tôi vẫn thấy tồn tại sáng rõ trong trí nhớ mình. Con đường Tiên Tsin. Những cỗ xe điện một toa chạy về ngoại ô Kim Liên. Những dẫy sấu Hàng Cót, Hàng Đậu trên những mái nhà Hà Nội cong trũng. Cái tấm biển của nhóm trí thức lẫy lừng tiền chiến. Đứa nhỏ mơ mộng. Cái cặp da của nó, và những cuốn sách Hàn Thuyên bìa tối, chữ nhỏ, khắc khổ, đứng riêng một góc ô kính bụi bặm của cái tiệm sách Phố Huế. Mối liên hệ êm đềm, tình cảm, từ đầu, như thế đã là quý hiếm, bất ngờ, đáng gìn giữ. Giữa một người và một người. Mai Thảo, sông Mã sông Chu có cầu không nhỉ? Đùa mãi, anh Quỳnh. Sông nào mà không cầu. Giòng thiên hà đêm đêm trên đất trời không bờ cũng có. Những cây cầu nhân thế đã được bắc, đêm ngày, liên tiếp, không ngừng, đời này qua đời khác, từ thời đồng, thời đá. Và muôn vàn trong những cuốn sách anh viết. Phải, Những cây cầu quả đã là một cảnh tượng kiến thiết tấp nập vang động. Trong đời sống anh đã sống, những cuốn sách anh đã viết.
Tạp chí Văn, số tháng 6, 1974
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét