" Những chuyện bên lề về văn học Sài Gòn 1954- 1975 "/ Lê Minh Quốc [ 1959- / tphcm ] -- trích : nld. com.vn > (tphcm)
Những chuyện bên lề về văn học Sài Gòn 1954-1975
Tập sách của Lê Văn Nghĩa dù không phải là nghiên cứu có tính chất học thuật nhưng cũng là một tiếng nói cần thiết, đòi hỏi cần quan tâm hơn nữa về một dòng văn học lâu nay ít nói đến.
Nhà văn Lê Văn Nghĩa vừa ra mắt sách biên soạn "Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề" (NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành 2020). Với nhan đề này, ta thấy rằng đây không phải là công trình nghiên cứu chính thống có lớp lang, có hệ thống mà chỉ là các câu chuyện mang tính chất trà dư tửu hậu. Đại loại, loại sách kể về chuyện vui, giai thoại của nhà văn thì trước đây, các nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, Hoàng Minh Châu, Nguyễn Trọng Tạo, Đông Trình… cũng đã biên soạn, tất nhiên trong đó không có các nhà văn miền Nam trước 1975.
Với nhà văn Lê Văn Nghĩa lại khác, dù vẫn là các giai thoại nhưng là của nhà văn miền Nam. Các giai thoại được truyền miệng, kể cho nhau nghe, khó có thể biết đâu là trình xác thực của nó. Hơn nữa, nói rốt ráo thì bản chất câu chuyện cũng không ảnh hưởng đến giá trị của tác giả - tác phẩm. Không ai căn cứ vào đó để phán xét về giá trị tác phẩm, vì lẽ đó, khi đọc ta cần có cảm nhận "nghe cho vui" là vậy. Đúng như người biên soạn cho biết: "Đọc lên thấy vui vui, ngồ ngộ cũng giúp cho người đọc khám phá một chút gì đó, mặc dù không chính thống, chỉ là một loại "ngoại văn sử"; ai tin thì tin, không tin thì cũng chẳng mất gì" (tr. 6).
Bìa sách “Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề”
Tuy nhiên, bên cạnh các giai thoại, trong chừng mực nào đó, nhà văn Lê Văn Nghĩa cố gắng phân tích, đi sâu vào một vài cá tính độc đáo của dòng văn học miền Nam. Trong đó, có thể kể đến những vấn đề như nhóm Nhân Loại, Sáng Tạo. Bách Khoa, Trình Bày… hoặc Nguyễn Vỹ với "Thơ lên ruột", kinh nghiệm viết văn của Bình Nguyên Lộc… Dù chỉ mới dừng lại ở đôi nét lướt qua, "cưỡi ngựa xem hoa" nhưng cũng ít nhiều cho thấy sự nghiêm túc. Cũng do nhờ tập trung nhiều mẩu chuyện diễn ra trong khoảng thời gian 1954-1975, ta có thể phần nào hình dung ra không khí văn chương, tâm thế làm văn nghệ của nhiều lớp người thời đó ở miền Nam. Đây cũng là điều hấp dẫn và cần có trong sự tiếp cận của bạn đọc.
Sau cuốn sách "Văn học Sài Gòn 1954-1975 - Những chuyện bên lề", chắc chắn sẽ có thêm nhiều công trình nghiên cứu về dòng văn học này. Hiện nay, ở hải ngoại, nhà văn Võ Phiến, Nguyễn Vy Khanh đã công bố phần nghiên cứu về văn học miền Nam trước 1975. Trong khi đó, ở trong nước thì vẫn chưa, vì lẽ đó, tập sách của Lê Văn Nghĩa dù không phải là nghiên cứu có tính chất học thuật nhưng cũng là một tiếng nói cần thiết. Đó là tiếng nói cần quan tâm hơn nữa về một dòng văn học mà lâu nay chúng ta ít nói đến, bởi dù muốn dù không đây cũng là tài sản chung của nền văn học Việt Nam hiện đại.
Sau năm 1975, tác giả - tác phẩm của dòng văn học miền Nam "tái xuất" chừng mực trên thị trường sách trong nước. Trước hết phải kể đến quyển "Thơ văn người Việt ở nước ngoài 1975-1990" (NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành 1990) do Nguyễn Phúc biên soạn. Kế đến, vào năm 2004, đáng chú ý nhất là thông qua "Từ điển văn học bộ mới" (NXB Thế giới -2004) do nhóm chủ biên Đỗ Đức Hiểu, Trần Hữu Tá, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu thực hiện, dày 2.882 trang, thấy xuất hiện những tên tuổi: Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Dương Nghiễm Mậu, Kim Định, Lê Văn Siêu, Nhật Tiến, Nguyễn Văn Xuân, Bùi Giáng, Bình Nguyên Lộc… Năm 2007, NXB Văn nghệ TP HCM cùng Công ty Sách Phương Nam ấn hành "Nguyệt Đồng Xoài" (3 tập) của Lê Xuyên; "Tiếng sáo người em út", "Đôi mắt trên trời", "Nhan sắc" của Dương Nghiễm Mậu… Đến năm 2013, lần đầu tiên cùng một lúc 3 truyện ngắn "Lạc đạn", "Nhà có cửa khóa trái", "Trở về mái nhà xưa" của nhà văn Trần Thị NgH được NXB Hội Nhà văn ấn hành. Các cơ quan truyền thông đại chúng của Việt Nam cũng đã lác đác in lại tác phẩm của những nhà văn miền Nam trước 1975 đang sống ở hải ngoại, như: Nguyên Sa, Du Tử Lê, Tô Thùy Yên (nay 3 nhà văn này đều đã qua đời)…
Năm 2017, sau hội nghị "Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc" do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc, "gạn đục khơi trong" đối với dòng văn học miền Nam đã có cái nhìn tích cực theo xu hướng ngày càng tốt đẹp hơn. Thời điểm này, toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Thị Thụy Vũ, Kim Định… và gần đây của Nguyễn Thị Hoàng đã được tái bản...
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ