Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2022

" Hà Nội trong những áng văn của Nguyễn Tuân "/ báo Đại Đoàn Kết -- tri`1 ch: Internet.

 VietNamNet

Hà Nội trong những áng văn của Nguyễn Tuân

Văn sĩ và thi sĩ người Hà Nội không ít. Văn sĩ và thi sĩ viết về Hà Nội càng nhiều. Mỗi tác giả đều có những áng văn hay về Thủ đô. Trong số đó có nhà văn Nguyễn Tuân.

Nguyễn Tuân quê ở làng Nhân Mục (làng Mọc), xã Thượng Đình, nhưng cất tiếng khóc chào đời cách đây 100 năm (10-7-1910) tại phố Hàng Bạc một trong 36 phố phường Hà Nội cổ, trong một gia đình nhà nho.
Nguyễn Tuân bắt đầu viết báo, viết văn từ năm 1933 và thực sự sống bằng ngòi bút từ năm 1937, với một phong cách tài hoa không trộn lẫn với ai. 


Trước cách mạng tháng 8, Nguyễn Tuân đã cho ra đời những truyện ngắn, tùy bút ghi lại những nét văn hóa của Hà Nội nghìn năm văn hiến.
Truyện “Hương cuội” là nền nếp gia phong, là cách uống rượu, ngâm thơ, thưởng hoa của các nhà nho Hà Nội: “Cụ Kép làng Mọc nguyện đem cái quãng đời xế chiều của một nhà nho để phụng sự lũi hoa thơm cỏ quý. Biết đã đủ tư cách chơi cây cảnh, cụ mới gây một vườn lan nho nhỏ, muốn nói rằng người chơi hoa nhiều khi phải lấy cái chí thành chí tình mà đối đãi với giống hoa cỏ. Như thế mới phải đạo, cái đạo của người tài tử.”
Rượu nhà tự chưng cất, rất quý: “Mấy vò rượu này là rượu tăm đấy. Cụ nhà ta quý nó hơn vàng”. Rượu này uống với kẹo mạch nha cuốn bọc ngoài những viên đá cuội trắng phau xếp khéo vào chậu lan đang nở, đậy lồng bàn giấy dó để ủ hương hoa vào kẹo: “trên mỗi án thư nhỏ, ngất nghểu hai chậu lan còn lù lù chiếc lồng bàn úp và một hũ da lươn lớn có nút lá chuối khô...”. Tiệc rượu hương cuội thường được khai mở vào trưa mồng một Tết kéo dài đến chiều hoặc vào đêm rằm tháng giêng. Uống rượu và đọc thơ “Rồi mỗi chén rượu là một lời thơ ngâm trong trẻo”. Không có hoa lan thì phải có chậu hoa thủy tiên tỉa khéo, hoa nở, toả hương thơm ngào ngạt theo thời khắc chủ nhân muốn. Đấy là một nét văn hóa tao nhã, lịch sự trong sinh hoạt của các nhà nho.

 

Sau uống rượu, uống trà là việc phổ biến thường ngày trong thiên hạ. Nhưng với Nguyễn Tuân, uống trà là một nghệ thuật mang tính triết lý của người có văn hóa. Chả thế mà tác giả viết liền hai truyện “Những chiếc ấm đất” và “Chén trà sương” nói chuyện uống trà. Để có một chén trà ngon, phải hội đủ các thứ : ấm trà, nấu nước pha trà, loại trà, cách pha. Phải chọn một trong ba loại ấm: “Thứ nhất Thế Đức gan gà;- thứ nhì Lưu Thủy;- thứ ba Mạnh Thần”. Nước thì: “Những người uống trà đúng cách thức trà đạo bao giờ cùng có ít nhất là hai cái ấm đun nước. Ấm nước sôi nhắc ra khỏi lò than là đã có chiếc ấm thứ hai đặt lên đấy rồi. Và hai cái ấm đồng đỏ cứ được thay nhau đặt lên lò than đỏ rực, người ta có luôn tay một thứ nước sôi đủ độ nóng để pha một ấm trà ngon”. Trà phải là trà tàu, hoặc trà mạn ướp nhụy sen hồ Tây. Thưởng thức cái vị, cái hương của chén trà tàu, trà mạn là những người “không cẩu thả trong cái thú chơi thanh đạm. Pha cho mình cũng như pha mời khách đã để vào đấy nhiều công phu. Những công phu đó đã trở nên lễ nghi. Trong ấm trà pha ngon, người ta nhận thấy có một mùi thơ và một triết lý... Chỉ có người tao nhã, cùng một thanh khí mới có thể ngồi cùng nhau bên một ấm trà.”



Ai đã có thời gắn bó với Hà Nội thì khi xa càng nhớ quay nhớ quắt Hà Nội, nhất là những người một thời sống ở khu phố cổ chật hẹp, luôn nghi ngút mùi khói phở, mùi khói thịt nướng, mùi ngô nếp nướng, mùi nước mắm cà cuống. Có người cực đoan đến mức không ăn phở Sài Gòn vì ngọt quá, dù công tác dài ngày ở thành phố phương nam này. Tháng 5- 1957, trong chuyến công tác 10 ngày ở Phần Lan, một sáng thức dậy giữa cái lạnh của người xa xứ, Nguyễn Tuân đăm đăm nhớ Hà Nội, ước gì lúc này có bát phở khói nghi ngút trước mặt. Thế là tùy bút “Phở” ra đời đăng lên báo Văn (10-5-1957 và 17-5-1957), được độc giả nồng nhiệt đón nhận. Người đã ăn phở Hà Nội thì thích thú thưởng thức mùi vị qua cách tả kỹ lưỡng của tác giả về các loại phở. Người ở khắp nơi chưa một lần tới Hà Nội thì làn khói từ tô phở trong văn của Nguyễn hấp dẫn sự tò mò và khao khát một lần được về Hà Nội để ăn một bát phở trong một quán phở chật chội, ám khói ở phố Bát Đàn, phố Hàng Bạc, Hàng Bè... hay những gánh phở rong như Nguyễn Tuân kể.
Uống là thế, ăn là thế. Hà Nội xưa còn một thú chơi rất văn hóa nữa là viết chữ đẹp. Coi uống rượu, uống trà là một thú chơi tao nhã, lịch sự trong giao tiếp, các nhà nho còn trau dồi viết chữ đẹp để cho chữ, tặng chữ cho những người có nhân cách, có tấm lòng” biệt nhỡn liên tài” lại biết quý chữ .
Người viết chữ đẹp không chỉ có hoa tay mà còn phải rèn luyện và hơn thế phải là nhà nho có nhân cách, có khí phách. “Chữ người tử tù” là một truyện ngắn ca ngợi nét văn hóa truyền thống của các hiền nhân quân tử : “Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn Cao mà treo là có một vật báu trên đời.” Những nếp sống văn hóa “vang bóng một thời” trong văn chương Nguyễn Tuân tưởng rằng đã mai một theo sự thăng trầm của lịch sử. Nhưng nay đã và đang được khôi phục, phổ biến là viết thư pháp, viết câu đối ở các chùa, ở các lễ hội lớn như festival Huế và dịp tết Nguyên đán
Nguyễn Tuân có cách viết lịch sử rất súc tích: “Nói về ngoại xâm lấy đất Thăng Long - Hà Nội làm chiến trường, sử sách ghi lại 5 lần nội loạn và 9 lần xâm lăng (...). Pháp chiếm xong thành Hà Nội, đi vào cuộc bình định Bắc Kỳ và ngày 23-7-1893 Pháp ra Nghị định phá thành Hà Nội. Chiếu theo Nghị định trong 3 năm phải phá xong thành, nhát cuốc đầu tiên đã bổ vào thân thành một buổi sớm mùa thu 18-8-1894. Song song với việc bạt thành lấp hào là việc “chôn sống” con sông Tô Lịch” (Một ít lịch sử Hà Nội)
Đọc đến đây, ta chợt nghĩ : Hoàng thành Thăng Long cách đây 200 năm chắc còn tồn tại trên mặt đất và khi quân Pháp cho đập phá, chắc sử sách có ghi lại? Vậy thì tại sao đến một ngày tháng 12- 2002, khi cho san ủi mặt bằng xây dựng nhà Quốc hội, mới phát lộ di tích đồ sộ này? Câu hỏi này mấy năm nay chưa được nhà nghiên cứu nào trả lời!
Tiếp nối truyền thống đánh giặc giữ nước của bao đời, những năm 60, 70 của thế kỷ 20, trước cuộc chiến tranh phá hoại bằng không lực của Mỹ, quân và dân miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng đã chiến đấu và chiến thắng oanh liệt. Tinh thần chiến đấu đó được Nguyễn Tuân phản ánh sinh động qua tập ký “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”. Tác giả tự hào với chiến công của Hà Nội: “Hăm ba con đại bàng Mỹ B.52 là thành tựu chiến thắng chung của Thủ đô trong chiến dịch mười hai ngày đêm liền Hà Nội chỉ ngủ có một mắt.”
Từ ngôi nhà ở phố Trần Hưng Đạo-Yết Kiêu, Nguyễn Tuân thường thả bộ trên các đường phố đến Hội Nhà văn, đến các nhà xuất bản, đến tòa soạn các báo, đến bạn bè, dạo quanh hồ Gươm bằng cảm quan của một người Hà Nội tinh tế, nhạy bén, giàu cảm xúc. Những hàng cây trên phố (mỗi phố Hà Nội thường trồng một loài cây riêng), và bao nhiêu cây quanh hồ Gươm đều đi vào sáng tác của ông như một nhà nghiên cứu thực vật chuyên nghiệp: “Cây sấu trông hình thù xấu xí. Cũng như anh Trương Chi tiếng hát rất hay, cây sấu có nhiều đức tính...” (Cây Hà Nội)
 Hà Nội có nhiều hồ lớn hồ nhỏ, nổi tiếng nhất là hồ Gươm giữa trung tâm mà Nguyễn Tuân đặt cho nó cái tên “Con hồ Thủ đô”- một bài tùy bút về hồ Gươm làm cho bao độc giả nôn nao trong lòng nếu chưa đến và đến rồi lại muốn được đến nhiều hơn, lâu hơn để được ngắm nhìn vẻ đẹp của con hồ này ở mọi thời khắc của một ngày, của những ngày khác nhau trong bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Con hồ có lúc đã làm cho nữ văn sĩ Ba Lan phải thốt lên chút ganh tị đáng yêu: “Tôi muốn đánh ghen với tạo vật , cái thứ tạo vật biệt nhỡn với những con người Hà Nội- Không thế sao Thủ đô của  anh lại có một cái hồ xinh nhường ấy! Tôi mệnh danh hồ Hoàn Kiếm của các anh là một viên ngọc êmơrốt.”
 Chao ôi là háo hức, xao xuyến trong lòng hơn 80 triệu công dân lớn nhỏ nước Đại Việt, hậu duệ của Lý Thái Tổ xưa và bao bạn bè quốc tế năm châu thân thiện với nước Việt Nam mới đang hướng về Hà Nội và sẽ đến Hà Nội theo cách của mỗi người để được tự hào là người có mặt trong Đại lễ có một không hai này. Tôi xin đến với Đại lễ bằng bài viết nhỏ này để nhớ một nhà văn Hà Nội đã qua đời cách đây 13 năm ( 7-1987), người đã dùng văn phong tài hoa, độc đáo của mình để lại cho hậu thế những áng văn hay về thủ đô Thăng Long- Hà Nội yêu dấu và để thêm một lần được có lời cảm ơn nhà văn Nguyễn Tuân kính mến!


Theo DDK

[ Đại Đoàn kết]


-------------------

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]

<< Trang chủ