" con đường tư tưởng của TRƯƠNG TỬU & Nhóm Hàn Thuyên "/ Thuỵ Khuê " / Paris -- trích: http://thuykhue.free.fr>
Thụy Khuê
Con đường tư tưởng của Trương Tửu và nhóm Hàn Thuyên
Trước khi tìm hiểu con đường tư tưởng của Trương Tửu và nhóm Hàn Thuyên, chúng ta cần phải nhìn lại giai đoạn văn học mà nhóm này đã xuất hiện và đã có những đóng góp đáng kể, đó là giai đoạn 1940-1945. Giai đoạn văn học 1940-1945, trước khi chiến tranh Việt-Pháp bùng nổ và trải dài trong thế giới đại chiến thứ hai, là một giai đoạn phong phú của văn học tiền chiến. Nhưng vì lý do chính trị, những nhà nghiên cứu miền Bắc đã hầu như không nhắc đến, không muốn nhìn nhận, hoặc không muốn tìm hiểu sâu xa về giai đoạn này. Phạm Thế Ngũ, tác giả bộ Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, in tại Sàigòn năm 1961, gọi đây là giai đoạn Phục Hưng của văn học Việt Nam và ông giải thích như sau: « Phục Hưng đây không chỉ có cái nghiã phục cổ (restauration) mà còn có cái nghĩa phục sinh (renaissance). Văn học Việt Nam sau 1940 bày ra một cảnh tượng phát sinh rộn ràng và mới mẻ. Không những phái già tha thiết với những giá trị cổ tưởng như gặp thời sống lại, mà phái trẻ cũng hăng hái góp phần. Nhiều thanh niên tân học đứng ra giải quyết lại các vấn đề mà Nam Phong còn bỏ lửng : Vấn đề học thuật và giáo dục quốc gia, vấn đề tổng hợp văn hoá đông tây, vấn đề thâu nhập khoa học tây phương, giải quyết với tất nhiên tinh thần mới bản lĩnh mới của họ.» (trích tập 3, trang 613, Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, 3 tập, Quốc học tùng thư, Sàigòn 1961-1965 của Phạm Thế Ngũ). Sau thời kỳ Tự Lực Văn Đoàn và Thơ Mới (1932-1939), văn học nước ta bước sang một giai đoạn mới với những cây bút mới, những chiều hướng sáng tác, biên khảo khác hẳn thời kỳ 32-39. Triết học Tây phương được đưa vào một cách có hệ thống hơn, với những phương pháp nghiên cứu khoa học hơn và đặc biệt trong đó có hệ tư tưởng Mác-xít, đưa đến một lối nhìn mới, trong phương pháp phê bình, mà Trương Tửu là người đã vận dụng nó một cách nhuần nhuyễn. Đất nước đang bước vào một thời đoạn lâm nguy mới, trí thức văn nghệ sĩ đồng lòng muốn đứng lên kêu gọi lòng yêu nước bằng con đường văn hoá và lịch sử. Vì vậy, các tác phẩm trong thời kỳ này nghiêng hẳn về lịch sử và xã hội: Nguyễn Đức Quỳnh viết Gốc tích loài người, Đời sống thái cổ ; Chu Thiên viết Lê Thánh Tông, Bà quận Mỹ ; Nguyễn Tế Mỹ viết Lý Thường Kiệt ; Lương Đức Thiệp viết Xã hội Việt Nam ; Nguyễn Huy Tưởng viết Đêm hội Long Trì, Vũ Như Tô, An Tư công chúa; Hoa Bằng-Hoàng Thúc Trâm viết Quang Trung, anh hùng dân tộc ; Hoàng Xuân Hãn viết Lý Thường Kiệt, v.v... Những tác phẩm như thế vừa có tham vọng không những kêu gọi lòng yêu nước, mà còn muốn xây dựng một đời sống tư tưởng mới cho dân tộc, thoát khỏi ảnh hưởng của nho giáo, tìm đến những triết thuyết khác, có tính chất khoa học, gắn bó với tự do dân chủ của Tây phương. Có thể nói chủ nghĩa dân tộc, nằm trong nội tâm của nhiều nhà văn, nổi dậy dưới nhiều hình thức, mà tiêu biểu hơn cả là Hồ Hữu Tường và Trương Tửu. Không khí Phục hưng này, được Phạm Thế Ngũ trình bày và phân tích khá cặn kẽ, qua ba nhóm nổi bật nhất: Nhóm Tri Tân, nhóm Thanh Nghị và nhóm Hàn Thuyên. Tri Tân chủ trương: ôn cổ tri tân. Tờ Tri Tân số 1 ra đời tháng 6/1941. Chủ bút là Hoa Bằng - Hoàng Thúc Trâm với những cây bút: Nguyễn Văn Tố, Dương Bá Trạc, Nguyễn Đôn Phúc, Tiên Đàm, Trúc Khê, Thiếu Sơn, Nhật Nham, Chu Thiên, Khuông Việt. Nghiên cứu lịch sử là một trong những mục đích chính của Tri Tân. Bởi họ quan niệm : Có biết rõ lịch sử mới hiểu được công khó của tổ tiên xây dựng nước nhà và tạo được tinh thần trách nhiệm quốc gia của người công dân. Mục đích của Tri Tân dưới thời Pháp thuộc rõ ràng là mục đích ái quốc ẩn trong văn hoá. Hoa Bằng viết: «Quốc sử không phải là một nắm hoang đường, mớ thần thoại. Quốc sử không phải là một tập phả ký của một hoàng gia. Quốc sử phải là những trang dưới ngòi bút thờ sự thật».(trích theo Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, trang 616) Nhóm thứ nhì là nhóm Thanh Nghị: Tờ Thanh Nghị cũng xuất hiện tháng 6/ 1941. Nhóm này phần lớn là những nhà trí thức, nhà khoa học đã đi du học Pháp về. Mục đích của họ là « muốn giải quyết những vấn đề của dân tộc Việt Nam» (sđd, trang 620). Nội dung tờ báo có tính cách bách khoa : Về chính trị có Vũ Văn Hiền, Phan Anh. Kinh tế và xã hội có Nghiêm Xuân Yêm, Vũ Văn Cẩn. Sử học có Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Thiệu Lâu, Nguyễn Văn Huyên. Giáo dục và văn học có Vũ Đình Hòe, Đinh Gia Trinh, Lê Huy Vân. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp tháng 3/45, những thành viên chính của nhóm như Hoàng Xuân Hãn, Phan Anh, Vũ Văn Hiền, tham gia chính phủ Trần Trọng Kim, để thực hành lý thuyết canh tân và kiến thiết đất nước mà họ đã đề ra trên Thanh Nghị. Nhóm Hàn Thuyên gồm những nhà văn, nhà phê bình, nhà biên khảo có khuynh hướng mác-xít như : Nguyễn Đức Quỳnh, Nguyễn Tế Mỹ, Đặng Thai Mai, Nguyễn Đình Lạp, Phạm Ngọc Khuê, Nguyễn Hải Âu, Lương Đức Thiệp và Trương Tửu-Nguyễn Bách Khoa. Hàn Thuyên chủ trương canh tân đất nước bằng con đường khác hai nhóm trên. Không hoài cổ như Tri Tân, Hàn Thuyên đả phá quan niệm Khổng Mạnh. Cũng không theo con đường Âu hoá như Thanh Nghị. Hàn Thuyên chủ trương «đi tìm một triết lý mới về nhân sinh có lợi ích thiết thực cho cuộc sống hiện tại của quốc dân Việt Nam» và qua tác phẩm của họ chúng ta thấy đó là triết học mác- xít. Hàn Thuyên lập nhóm Tân Văn Hoá, ra bán nguyệt san Văn Mới. Căn bản tư tưởng của Hàn Thuyên dựa trên triết học Mác-xít qua hai điểm chính : 1- Coi lịch sử nhân loại như một tiến hoá sử, là lịch sử đấu tranh giai cấp. 2- Cho rằng sinh hoạt kinh tế - tức hạ từng cơ sở- chi phối mọi quyết định thượng từng cơ sở- nói khác đi : vật chất chi phối tinh thần. Từ quan điểm Mác-xít trên đây, nhóm Hàn Thuyên nhìn lại lịch sử và văn học : Nguyễn Tế Mỹ xem cuộc khởi nghiã của Hai Bà Trưng là kết quả của cuộc đấu tranh xã hội thị tộc mẫu hệ chống lại hệ thống phụ quyền. Trương Tửu Nguyễn Bách Khoa coi Ca dao là hình thức đấu tranh không ngừng của dân tộc chống lại toàn bộ hệ thống cầm quyền nho giáo. Nhưng điểm khác biệt sâu xa nhất giữa nhóm Hàn Thuyên và những người cộng sản cùng thời là Hàn Thuyên chống lại quan niệm sùng bái anh hùng. Và chủ trương tự do tuyệt đối cho văn nghệ. Ở điểm chống lại sự sùng bái anh hùng, họ đã đi đúng đường lối của Karl Marx hơn những người cộng sản chính thống. Marx cho rằng: Anh hùng hay vĩ nhân chỉ là «sản vật của một hoàn cảnh, một thời cuộc nào đó, của một sản xuất kinh tế nào đó ». Anh hùng chỉ là «sự tất yếu của thời thế». Tóm lại hoàn cảnh vật chất và kinh tế tạo ra anh hùng. Nước Pháp nếu không có Napoléon người Corse thì sẽ có một Napoléon khác thay thế. Triết học ở thời điểm giửa thế kỷ XIX, nếu không có Marx, Engels thì cũng có những Marx, Engels khác. Nguyễn Tế Mỹ viết: « Sự hưng thịnh, hùng cường của một quốc gia, nhờ dân tộc tiến hoá hơn là nhờ thủ đoạn siêu việt của một thiểu số cá nhân, cho dầu cá nhân ấy là Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi hay Nguyễn Huệ ». Trương Tửu đề nghị một nền Tân Văn Nghệ (rất có thể ảnh hưởng của Trotski), trong cuốn Tương lai văn nghệ Việt nam, do nhà Hàn Thuyên xuất bản năm 1945 (chúng tôi không có trong tay cuốn sách này). Nhưng dựa trên ba bài « phê bình » cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam của tác giả Thanh Bình, in trên báo Tiên Phong (tạp chí của Hội Văn Hoá Cứu Quốc) cuối năm 1945 (số 2 ra ngày 1/12/1945, số 3 ra ngày 16/12/45 và số 6 ra ngày 16/2/46), chúng ta có thể biết qua những nguyên tắc chính của Trương Tửu, để kiến thiết một nền văn nghệ mới, như sau: 1- Tự do tuyệt đối cho văn nghệ. 2- Đoàn Tân Văn Nghệ sẽ không theo một mệnh lệnh của một Đảng nào. 3- Trong khi sáng tạo, những thành viên của Đoàn Tân Văn Nghệ sẽ đặt Văn Nghệ lên trên tất cả, trên mọi huấn lệnh của Đoàn, trên mọi chủ nghiã. 4- Nếu có « một huấn lệnh, một chủ nghiã » thì «huấn lệnh, chủ nghĩa phải biến thành máu họ, để sáng tạo tự do và thành thực bằng những phương tiện thuần văn nghệ ». (trích theo bài của Thanh Bình trên báo Tiên Phong). Quan niệm tự do văn nghệ và không phục tòng sự lãnh đạo của bất cứ Đảng nào, trong cuốn Tương lai văn nghệ Việt Nam của Trương Tửu đã bị Thanh Bình phê phán nặng nề trên báo Tiên Phong từ tháng 12/45. Sau đó là chiến tranh Việt Pháp, Trương Tửu đi theo kháng chiến, dạy học ở khu tư trong 9 năm. Đến năm 1956, Phong trào Nhân Văn Giai phẩm ra đời, Trương Tửu vẫn kiên quyết giữ vững lập trường tự do văn nghệ trên các tờ Giai Phẩm. Chính vì đường lối Văn nghệ tự do và độc lập đối với Đảng mà Trương Tửu đã bị những người lãnh đạo văn nghệ như Tố Hữu, Hoài Thanh, Hồng Vân, lên án, bôi nhọ và dập vùi. Trở lại địa hạt phê bình của Trương Tửu. Câu hỏi đầu tiên là ông đã làm gì cho phê bình, ở thời điểm những năm 35- 45 của thế kỷ trước? Nếu so sánh lối phê bình của Trương Tửu với những người cùng thời với ông như Thiếu Sơn, Lê Tràng Kiều, Hoài Thanh, Trần Thanh Mại, Vũ Ngọc Phan v.v...thì Trương Tửu là người đầu tiên có một quan niệm mới về phê bình, dựa trên phương pháp lý luận khoa học. Có thể tóm tắt tình trạng phê bình chung vào thời điểm 1940, qua hai ngòi bút phê bình nổi tiếng nhất là Hoài Thanh và Vũ Ngọc Phan. Tất nhiên không thể chối cãi những đóng góp quý giá của họ, mà chỉ nhận định lại cách phê bình của họ so với cách phê bình của Trương Tửu: Vũ Ngọc Phan phê bình theo lối giáo khoa. Ông khen, chê, tác phẩm một cách rạch ròi, đoạn này được, đoạn kia hỏng, theo chủ kiến của chính ông. Ở Hoài Thanh là lối phê bình ấn tượng, nghiã là người phê bình viết lại cái ấn tượng mà mình cảm nhận được khi đọc tác phẩm. Cả hai lối phê bình này đều chủ quan. Nhà phê bình giáo khoa đương nhiên coi nhà văn và người đọc là học trò, và khi họ sai lầm, thì cái sai lầm ấy rất tai hại, nó trở thành giáo điều và có khả năng chôn vùi tác phẩm và nhà văn. Có thể thấy rất rõ những tai hại của lối phê bình giáo khoa trở thành giáo điều này qua những ngòi bút phê bình chính thống từ 1945 đến ngày nay : họ áp đặt cái dốt nát của họ trên các nhà văn, và chính những ngòi bút phê bình «vô văn hoá » đó đã chôn vùi bao nhiêu nhân tài vửa chớm nở. Phê bình ấn tượng, cũng không thoát khỏi sự chủ quan, nó dẫn đến sự tán, đến tình trạng người phê bình tùy hứng gán cho tác phẩm những giá trị không có trong văn bản. Sau 1945, Vũ Ngọc Phan không viết phê bình nữa, nên ông vẫn giữ được tư cách của nhà phê bình, trong khi Hoài Thanh đi vào con đường quan lộ và ông đã phải cộng hưởng hai khiá cạnh tồi tệ nhất của phê bình, đó là phê bình tán dương và phê bình giáo điều để giữ vững địa vị của mình trong suốt cuộc đời còn lại. Trương Tửu đưa ra một quan niệm khách quan về phê bình. Quan niệm này được ông xác định trong bài đầu tiên, khi phê bình Tố Tâm, năm 1935, trên báo Loa, như sau: « Phê bình từ nay, theo tôi muốn, không thể, không nên, chỉ là một sự thưởng thức của từng người. Nó phải là một nghệ thuật, một khoa học, căn cứ vào lịch sử quan, với những luật tâm lý, xã hội, nghệ thuật để nghiên cứu». Và trong cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều, in năm 1942, đi vào chi tiết hơn, ông viết: « Bởi vậy, bổn phận nhà phê bình không phải chỉ đi tìm tâm sự nhà văn trong tác phẩm văn chương. Nhà phê bình cần phải tìm hiểu đến cá tính nhà văn - vì cái này mới là tất cả nhà văn. Cái này mới thành thực, mới không bị che đậy hoặc xuyên tạc. Nó là phần sâu thẳm nhất, tiềm tàng nhất, mạnh mẽ nhất của cơ thể, của khối óc, của tâm hồn. Cá tính, đó mới là cái phần cống hiến riêng của nhà văn đem dâng trong linh từ văn học.» (trích Nguyễn Du và Truyện Kiều, trang 22). Phải nói ngay rằng cả cách phê bình xã hội học, sử học và tâm lý học của Trương Tửu, ngày nay cũng đã lỗi thời - vì sao nó lỗi thời, điều này chúng tôi sẽ đề cập đến sau- nhưng ở thời điểm 1940, ông là ngòi bút phê bình hiện đại nhất. Áp dụng nguyên tắc phê bình khoa học, Trương Tửu đã đi xa hơn những người cùng thời : ông có một cái nhìn tổng thể về xã hội, về tính chất đấu tranh trong xã hội. Nhà văn vừa được coi là sản phẩm của xã hội vừa phản ánh lại bản chất của xã hội, bằng tính chất đặc thù của mỗi cá nhân nhà văn. Và ông đã thiết lập được mối tương quan mật thiết giữa ba yếu tố: cá nhân, xã hội và tác phẩm. Trong khi phần lớn những nhà phê bình khác chỉ mới nêu lên được một vài khía cạnh tương đối hiển nhiên của tác phẩm hoặc một số chi tiết khá đặc sắc về cách cảm nhận của họ khi đọc tác phẩm, thì Trương Tửu đã nhìn thấy cái sườn chính của tư tưởng, tức là sợi chỉ đỏ xuyên suốt con đường nhận thức của tác giả, xuyên qua các tác phẩm. Cái phần chìm ấy, không hiển hiển nhiên và không phải người đọc hay người viết phê bình nào cũng thấy được, mà chỉ những nhà phê bình có kiến thức và có thực tài mới tìm ra.
© Copyright Thụy Khuê 2008 ------------------------ |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ