Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

 

Thế Nguyên: Cây Ách Chuồn Của Phong Trào "Văn Chương Dấn Thân"

DU TỬ LÊ


20 Tháng Hai 201112:00 SA(Xem: 19009)
Thế Nguyên: Cây Ách Chuồn Của Phong Trào "Văn Chương Dấn Thân"

thenguyen_100-content-content

Trong ghi nhận của tôi thì, thời điểm từ 1965 tới 1975, bên cạnh những mùa gặt sung mãn về sách dịch các loại, là sự rộ nở tới mức độ “choáng ngợp” của các khuynh hướng văn chương đối nghịch nhau.

Thời điểm đó, một số bằng hữu của tôi, dứt khoát chủ trưông văn chương phải chống cộng, phải có bom rơi, đạn nổ, phải phân định rạch ròi ta/ địch... mới là... văn chương thứ thiệt, mới phản ảnh trung thực tinh thần “trách nhiệm của người cầm bút;” hay tinh thần “quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”... Phần còn lại, chỉ là những kẻ “trùm mền,” những nhà văn thành phố...

Một số bằng hữu khác của tôi, lại cổ suý dòng văn chương hiện sinh. Vì học thuyết này cho rằng cuộc đời vốn phi lý, bế tắc, vô nghĩa, rất đáng...buồn nơn. Đối nghịch với dòng văn chương tạm gọi là “tuyến đầu, lửa đạn” là dòng văn chương chống chiến tranh. Những người cuồng nhiệt với khuynh hướng văn chương “giải giới” hay, “giã từ vũ khí” cho rằng, đó mới thực sự là nhà văn... tiến bộ.

Cùng lúc đó, một số khác lại phất cao ngọn cờ, phải “giải phóng” văn chương để văn chương hăm hở, sôi sục bước vào thế giới tình dục, như một “chân trời chói lọi mới!” Đối nghịch với khuynh hướng này, là dòng văn chương chủ trương “thơ mộng/ lãng mạn” muôn năm...

Bay lượn vật vờ giữa những dòng văn chương vừa kể, là khuynh hướng chủ trương “tiểu thuyết mới,” (dù thực tế đã... cũ; đã bị lãng quên ngay tại nơi sinh ra là Paris;) hoặc khuynh hướng thiên tả, tôn giáo, hư vô; hoặc hớn hở , rung đùi với chủ tâm khai thác hình thức bậc thang, hình thể zíc zắc, méo, tròn, nón lá, giầy dép...

Điều đáng nói là dù bạn thuộc khuynh hướng nào cũng đều được “welcome.”

Bạn chủ trương văn chương chống cộng ư? – Tốt quá chứ! Bạn chủ trương văn chương chống chiến tranh ư? - Chúc mừng bạn! Bạn chủ trương văn chương không thể rời xa khỏi... chiếc giường? - “Mới” lắm! Bạn chủ trương văn chương thiên tả? - “Tiên tiến” đấy... Nghĩa là dù bạn có chủ trương hay, cổ súy cho khuynh hướng văn chương nào chăng nữa thì, cũng không bị ai làm phiền, quấy rầy. Bước ra đường, nếu bạn có gặp những nhà văn ở các khuynh hướng đối nghịch thì, vẫn là anh em. Không vì thế mà có sự mặt nặng mày nhẹ. Quá lắm, thì bạn tránh đến những chỗ được coi là nơi thường xuyên lui tới của các nhà văn không “hợp khẩu vị’ với bạn. Thí dụ nhóm Sáng Tạo chọn phòng trà “Đêm Mầu Hồng” ở đường Tự Do (của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương) làm nơi họp mặt thường xuyên. Nhóm tạp chí Văn thường gặp nhau ở quán Cái Chùa. Nhóm Bách Khoa (gồm các nhà văn công chức, tả/ hữu đề huề) ít khi “xuống đường." Họ chọn tòa soạn Bách Khoa ở đường Phan Đình Phùng làm nơi “tọa đàm.” Nhóm Trình Bày (tòa soạn ở đường Lý Thái Tổ) chọn phở Tầu Bay, cũng nằm trên đường Lý Thái Tổ để “đóng đô” vân vân... Mỗi khu, mỗi vùng, mặc nhiên thuộc về một nhóm, hay một khuynh hướng. Do đó, hiếm khi có vụ “lạc đạn” vì đi lộn chỗ.

Nói như thế, không có nghĩa trong 20 năm sinh hoạt văn học miền Nam Việt Nam, không có những đụng độ, va chạm giữa nhà văn này với nhà văn khác. Nhưng tất cả mọi “va chạm” nếu có, đều giới hạn trong lãnh vực văn chương, học thuật, với tinh thần tự chế, đầy tương kính.

Tôi thí dụ như giữa nhà văn Trần Phong Giao và nhà báo Lê Phương Chi, từng có một thời gian lời qua tiếng lại, khi trên tờ Tin Sách, ông Lê Phương Chi cho đăng một bài điểm sách “nặng tay” về tác phẩm “Ngồi Lại Bên Cầu” của Trần Phong Giao. Nhưng sự lên tiếng bênh vực quan điểm của mình, giữa hai bên, đều dựa trên nội dung tác phẩm, chứ không hề đi vào đời tư, với những lời lẽ hơi “bị” thiếu văn hóa. Nó càng không hề có màn thoải mái...“tặng mũ cho nhau,” như ta thấy nhan nhản, nhiều năm qua, ở hải ngoại. Sau này, hai ông trở thành bạn tâm giao của nhau, tính tới ngày họ Trần qua đời. (1)

Cũng thế, giữa thi sĩ Nguyên Sa và Phạm Công Thiện, từng có lúc bất đồng quan điểm về một khía cạnh triết học. Hai ông từng viết bài nêu rõ quan điểm của mình; với lý luận, lời lẽ rất trí thức.

Sau biến cố tháng 4-1975, khi nghe tin nguyên tỳ kheo Phạm Công Thiện nhập thất nhiều tháng, ở chùa Việt Nam, Los Angeles, của cố Đại lão Hòa thượng Thích mãn Giác, thi sĩ Nguyên Sa đã có bài thơ tuyệt vời - - Nhan đề “Nói chuyện phải quấy với Phạm Công Thiện;” sau được viết ngắn lại, thành “Nói chuyện với Phạm Công Thiện.”

Toàn thể bài thơ có 5 khổ, tôi xin trích 2 khổ, như sau:

“Người vào tịnh thất sống ba năm

“Cất tiếng không lời để nói năng

“Buổi sáng thinh không chiều tới chậm

“Tiền kiếp chen vô cạnh chỗ nằm.

(...)

“Dưới bóng tường im, giữa nhạc không

“Đời đang phía trước bỗng mung lung

“Thơ như hữu thể mà vô thể

“Có cũng xong, mà không cũng xong...” (2)

(Qua bài thơ này, tôi nghĩ, khó có thể có một bày tỏ tương kính nào, đẹp đẽ hơn.)

Những điều viết lại trên của tôi, chỉ với mục đích dẫn đến ghi nhận một biến cố văn học (nếu có thể nói được như vậy,) đó là:

Tạp chí Đất Nước số 2, đề tháng 10 năm 1967; chủ đề “VĂN NGHỆ THEO ĐUÔI” - - Nhan phụ: “Rời Bỏ Nền Văn Chương Trú Ẩn, Theo Đuôi Triết Học Hiện Sinh Và Những Người Cầm Bút Ở Miền Nam,” như một kiểu “tuyên ngôn” văn chương/ chính trị hay một vạch phấn quyết liệt phân ranh hai khuynh hướng văn chương “Viễn Mơ và Dấn Thân.”

Đất Nước số 2 của Thế Nguyên đã bất ngờ “đoạn bào,” cắt áo, cắt tình bằng hữu bao nhiêu năm, đánh “trực diện” nhóm Sáng Tạo (bị coi như cổ súy, “phát tán” khuynh hướng văn chương Viễn Mơ mà, người bị nêu đích danh là nhà văn Mai Thảo.

Tôi dùng chữ “đoạn bào” vì tạp chí Đất Nước, do Giáo sư Nguyễn Văn Trung (bút hiệu Hoàng Thái Linh,) đứng tên Chủ Nhiệm, từng cộng tác mật thiết với tạp chí Sáng Tạo ở những số đầu tiên, ngay khi ông mới về Saigon từ Bỉ - - Chưa kể một số cộng tác viên của Đất Nước cũng là chỗ quen biết hoặc, có giao tình với chủ nhiệm Sáng Tạo.

Qua những bài báo trên Đất Nước nhiều số sau đó, người đọc hiểu rằng, nhà văn Thế Nguyên, tác giả truyện dài “Hồi Chuông Tắt Lửa,” (3) nhốt chung một giỏ, tất cả những khuynh hướng văn chương nào, không chủ trương chống chiến tranh, đòi hòa bình cho miền Nam, vào một tên gọi “Văn chương Viễn Mơ.” Mà, người đứng đầu nỗ lực “phát tán,” cổ suý cho chủ trương này, không ai khác hơn là nhà văn Mai Thảo, khởi sự từ tờ Sáng Tạo, những năm giữa thập niên 1950.

Như tôi đã viết, tháng 10 năm 1967, Thế Nguyên phát hành tạp chí Đất Nước, số 2, khởi đăng loạt bài mở đầu cuộc kết án những người chủ trương văn chương “Viễn Mơ” mà, nhà văn Mai Thảo, bị coi là “thủ lãnh đại ca” của phong trào này. Một tháng sau, tức tháng 11, nhà xuất bản Trình bày của Thế Nguyên (4,) xuất bản tuyển tập thơ/ văn bằng Pháp ngữ, nhan đề “Le Crépuscule De La Violence - Poèms, Nouvelles Témoignages D’une Guerre” - - Theo thứ tự in nơi bìa sách, gồm các tác giả: Diễm Châu, Lê Tấn Hưu, Thái Lãng, Du Tử Lê, Đặng Thần Miễn, Thế Nguyên, Thế Phong, Nguyễn Quốc Thái, Tạ Quang Trung, Thảo Trường. Phần chuyển ngữ do Nguyễn Ngọc Lan (Linh mục,) và Lê Hảo (tức Lê Văn Hảo, nhân chủng học,) đảm trách.

Khi tuyển tập này ra đời khoảng hơn tuần, một buổi trưa Mai Thảo rủ tôi đi ăn ở quán Ngọc Hương(?) nằm trên đường Gia Long (gần Tòa soạn nhật báo Sống.) Giữa bữa ăn, bất ngờ ông kể, ông mới đọc tuyển tập “Le Crépuscule De La Violence,” và, hỏi:

“Thế Nguyên có hỏi Lê trước khi xuất bản không?”

Tôi đáp, không. Lát sau, nhớ lại, tôi nói:

“Cách đây vài tháng, Thế Nguyên có thông báo cho tôi biết rằng Hảo-Dân-Tộc-Học (5,) có chọn một bài thơ của tôi, để dịch sang tiếng Pháp. Còn vụ in thì, tôi chỉ biết sau khi sách đã phát hành.” Rồi, tôi hỏi ngược lại:

“Có chuyện gì không anh?”

Mai Thảo lắc đầu. Ông trầm ngâm - - Cầm lên, bỏ xuống ly rượu cognac, nhìn mông đường phố. Tôi khá quen thuộc với những giây phút im lặng của ông. Tuy nhiên, nếu có những khoảng khắc im lặng êm đềm thì, đôi khi, giữa chúng tôi, cũng có những khoảng khắc im lặng nặng nề, thắt, xiết. Và, câu hỏi bất ngờ của ông, đã ném ra những giây phút im lặng thắt, xiết ấy. (Dù thường xuyên theo dõi mọi sinh hoạt văn nghệ của nhau, nhưng rất họa hiếm chúng tôi đề cập tới chuyện văn chương, chữ, nghĩa.)

Tôi biết, tôi có nhiều việc làm, Mai Thảo không đồng ý. Thí dụ, tôi hay đưa bài của anh em nhờ chuyển cho ông, thời gian ông phụ trách bài vở cho Vấn Đề và, Văn. Trong số bài tôi đưa, có không ít tác giả khiến ông nhăn mặt. Hoặc, tôi giao du thân thiết với một số người mà, họ từng lên tiếng đả kích ông. Nhưng chưa lần nào, ông nói ra, sự không hài lòng kia. Ngay cả những khi tôi nổi khùng, viết xuống những bài thơ mang tính chống chiến tranh! (Mà, bài thơ “Có gì đâu” của tôi, Lê Văn Hảo chọn dịch, là một thí dụ) - - Ông cũng im lặng. Cùng lắm, ông chỉ nói gần, xa rằng, ông thích thơ tình của tôi, hơn những loại khác.

Tôi tin ông hiểu, đó là những giây phút tôi phản ứng một cách tự nhiên trước những cái chết của bằng hữu, người thân, quanh tôi.

Thời gian đó, tôi phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến, ở Saigon. Tôi nghĩ đơn giản, sau khi làm tròn bổn phận của người lính, tôi được quyền sống, suy nghĩ, rung động theo nhịp đập riêng của trái tim mình. Tôi nhớ, gần như tất cả thời gian tự cho phép sống riêng cho mình đó, tôi đã hăm hở đuổi theo những chùm bóng tình yêu bí nhiệm, phía trước. Tôi đã chìm, nổi hụt hơi, bơi theo tiếng gọi của những con sóng đam mê cấp bảy, cấp tám, chân trời.

Thời đó, chẳng biết có phải vì ám ảnh về cái chết, có thể xẩy đến bất cứ lúc nào hay không, mà, dường tôi rất ít suy nghĩ về tương quan giữa văn chương và, thời thế. Chưa một lần trong tôi, hiện lên, một cách nghiêm chỉnh, câu hỏi phải chọn lựa giữa văn chương “viễn mơ,” và “dấn thân.” Tôi như một người mù, để cảm hứng cầm tay, dắt đi.

Thời đó, một số bằng hữu của tôi, ở Saigòn, ưa cất tiếng (lập lại,) những câu hỏi rất thời thượng; đại để “Viết cái gì? Viết cho ai? Viết thế nào?...” của Jean Paul Sartre, trong “Văn Chương Là Gì?” phổ biến từ năm 1947! Hay “tiên tiến” hơn nữa, thì họ nói về phong trào “tiểu thuyết mới” (nở rộ ở Pháp, từ giữa thập niên 1950, )với truyện của Alain Robber Grillet, Nathalie Sarraute,Claude Simon...; kịch của Beckett, Ionesco, Adamov... Cứ như thể, chỉ một sớm một chiều thôi, các bạn tôi sẽ thành những “Phù Đổng Thiên Vương” hô “biến” những quả đồi văn chương Việt Nam thành những ngọn núi, cao ngang tầm thế giới...!

Tôi đứng bên lề. Tôi nằm ngoài “nỗ lực” này. Tôi như người mù, để cảm xúc đời thường, với những nhiệt hứng cháy đỏ, dắt tay đi. Tôi sống hối hả tới độ không có thì giờ đọc lại bản thảo của mình. Tạp chí A., hỏi thơ? Tôi hỏi mấy ngày nữa, phải đưa? Tạp chí B., hỏi truyện? Tôi hứa, sẽ có trong vòng một tuần...

Hôm nay, nhìn lại, tôi nghĩ phải chăng, thuở đó, tôi đã sống ích kỷ? Thiếu trách nhiệm? Thiếu trách nhiệm ngay với cuộc chơi văn chương của mình? (6)

Điều may là miền Nam đã cho tôi (cho các bạn tôi,) cái tự do cá nhân, phơi phới ấy. (7)

Trở lại với Mai Thảo, cuối cùng, tựa không thể nín lặng lâu hơn, ông nói:

“Có người cho tôi tờ Đất Nước số 2. Tôi ngạc nhiên! Lê biết mà, đã bao giờ tôi viết bài đề cập “văn chương viễn mơ” đâu! Hà cớ gì Thế Nguyên lại đổ cho tôi là người chủ trương, người làm công việc ấy?...”

Lấy một ngón tay khua động những viên đá trong ly rượu (như vuốt ve niềm thân thiết, nỗi âu yếm rất mực, của mình,) Mai Thảo tiếp:

“Nhưng tôi buồn hơn cả, không phải vì những bài viết trong số báo đó. Mà, Đất Nước do Nguyễn Văn Trung đứng chủ nhiệm. Lê có nhớ Nguyễn văn Trung với bút hiệu Hoàng Thái Linh, là người đầu tiên và, cũng là người viết nhiều bài nhất về ‘văn chương hiện sinh’ cho Sáng Tạo?”

“Vâng. Tôi biết.” Tôi nói, như một cố gắng dư thừa, điền khuyết một khoảng trống!

Cả tôi và Mai Thảo, ngày đó, đều không rõ “ngòi nổ” của vụ Thế Nguyên lớn tiếng kết án chủ trương “văn chương viễn mơ,” xuất phát từ đâu?

Mãi sau này, gần đây, ở hải ngoại, khi đọc cuốn “Trong Dòng Cảm Thức Văn Học Miền Nam – Nhận Định Thi Ca Hải Ngoại” (8) của nhà thơ, kiêm nghiên cứu văn học Trần Văn Nam, tôi mới vỡ nhẽ ra rằng, “ngòi nổ” đó, từ một bài viết của Trần Văn Nam, in trong tạp chí Vấn Đề, số 7, năm 1967, nhan đề “Văn chương tìm về viễn mơ hay hiện thực.” Trong sách của mình, nơi 469, họ Trần viết:

“Riêng bài ‘Văn chương tìm về Viễn Mơ hay Hiện Thực,’ đăng trong tạp chí Vấn Đề đã được nhà văn Thế Nguyên trích ra dẫn chứng viết phản bác trong tiểu luận “Văn chương trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến tranh lạnh’, trích ra nhưng không để tên người viết Trần Văn Nam, và cũng không biết rõ đây chỉ là bài viết có tính cách cá nhân tùy hứng. Sau năm 1975, giáo sư Trần Hữu Tá sưu tầm lại bài ấy của Thế Nguyên, do đó cũng không ghi tên người viết Trần Văn Nam (xin xem cuốn ‘Nhìn Lại Một Chặng Đường Văn Học’ của G.S. Trần Hữu Tá, dầy 1090 trang, xuất bản trong nước, năm 2000.” (9)

Tưởng cũng nên nhấn mạnh rằng, thời gian đó, nhà văn Mai Thảo là Thư ký tòa soạn Vấn Đề; Vũ Khắc Khoan, chủ nhiệm. Tòa soạn đặt trong khuôn viên Đại học Vạn Hạnh, đường Trương Minh Giảng, Saigon.

Tôi không biết sau tôi, nhà văn Mai Thảo có nói với ai khác, về việc ông bị “khép tội” chủ trương phong trào văn chương “viễn mơ”? Với tôi thì không. Sau lần nói chuyện với nhau ở tiệm cơm Ngọc Hương, đường Gia Long, Mai Thảo dường đã quên, chuyện ấy. Tôi nói, Mai Thảo quên hay không đề cập nữa, vì, sau bài “Văn chương trước những mưu đồ bất chính của hệ thống chiến tranh lạnh,” Thế Nguyên và các bạn ông, tiếp tục “triển khai” trận đánh với cường độ “oanh kích” ngày một gia tăng bom, đạn...

Một trong những bài viết được phổ biến trên tạp chí Đất Nước, cũng đã tố cáo tác giả “Người đàn bà trong vòng đai trắng” là người nhận tiền trợ cấp từ một bộ phận phụ trách văn hóa thuộc tòa đại sứ Hoa Kỳ, ở Saigon, để xuất bản tờ Sáng Tạo. Nhóm Sáng Tạo cũng bị lên án là theo đuổi “chủ nghĩa độc đảng!” Xóa bỏ quá khứ. Khoanh vùng. Và, chỉ “suy tôn” nhau mà thôi.

Tuy có phương tiện trong tay, cũng như nếu cần, có thể sẽ có nhiều diễn đàn bạn, sẵn sàng “nhập cuộc” để bênh vực mình; nhưng Mai Thảo đã chọn thái độ thản nhiên, im lặng. Theo tôi, đây là một trong những cung cách ứng xử mà, Mai Thảo đã giữ được suốt đời mình. Chưa bao giờ tôi thấy ông dùng ngòi bút để phản bác hay, tấn công một nhà văn. Ông quan niệm, chữ nghĩa không phải là những mũi dao dùng để đâm anh em, ngay khi phải tự vệ... Quan niệm đó, đã làm thành một nhân cách lớn. Nhân cách Mai Thảo.

Là người khởi xướng một cuộc... “chiến tranh lạnh” trên địa bàn văn học, với ba tờ tạp chí và, một nhà xuất bản (với hàng trăm tác phẩm ấn hành trong một khoảng thời gian tương đối ngắn,) Thế Nguyên đã nhận được sự tiếp tay, cộng tác của khá nhiều văn nghệ sĩ, trí thức thuộc nhiều thành phần, nhiều khuynh hướng...


Không phải tất cả những người đến với Thế Nguyên, đều hoàn toàn đồng ý với chủ trương, quan điểm của hai tạp chí Đất Nước, Nghiên Cứu Văn Học và, bán nguyệt san Trình Bày... Nhưng, họ đến, nhiều phần vì cá nhân Thế Nguyên, và một vài thành viên nòng cốt khác của ông - - Như giáo sư Nguyễn Văn Trung; linh mục Thanh Lãng, (Chủ nhiệm tạp chí Nghiên Cứu Văn Học;) Diễm Châu, (Tổng thư ký,) Nguyễn Quốc Thái (Thư ký) tòa soạn Trình Bày.

Về những tác giả thành danh cộng tác với Thế Nguyên, chúng ta có thể kể: Nguyên Sa, Thảo Trường, Đỗ Long Vân, Nguyễn Khắc Ngữ, Trần Thái Đỉnh, Lê Tôn Nghiêm... Lớp mới, có Hoàng Ngọc Biên, Lê Văn Hảo, Lữ Phương, Nguyễn Trọng Văn, Thái Lãng... Và, dĩ nhiên, Thế Nguyên là nơi “tìm về,” là một “địa chỉ hoa” của những cây bút trẻ, chủ trương “dấn thân” (Đồng nghĩa với chống chiến tranh, đòi hòa bình cho đất nước!)

Về tính cách cá nhân thì, dù không phải đi lính vì lý do gia cảnh, nhưng Thế Nguyên vẫn tứ thời hớt tóc “đầu đinh/ ba phân.” Người mỏng; mắt hơi lồi; nụ cười hở lợi; quần, áo lèng xèng; quanh năm đi dép; phong cách công nhân nhiều hơn một nhà văn (hay một nhà vận động chính trị,) Thế Nguyên đã mang lại cho những người tiếp xúc với ông, (ngay lần đầu,) cái cảm giác gần gũi, tin cậy. Chóng vánh. (10)

Với ánh mắt ân cần, với điếu thuốc gần như lúc nào cũng trên tay, Thế Nguyên thuộc loại người một tháng chưa dùng hết một bao diêm-quẹt, (chỉ tốn 1 cây diêm-quẹt đầu ngày?) Ông có thể lắng nghe bạn nói nhiều giờ, không mệt mỏi... Chưa kể, một khi đã là bằng hữu, Thế Nguyên thường tỏ ra rất quan tâm tới đời sống riêng, thói, tật của bạn. Ông luôn cho người đối thoại với ông, cảm tưởng ông là người dễ thỏa hiệp, thậm chí, dễ thuyết phục. Sự thực, ngược lại. Ở những lãnh vực thuộc về niềm tin, lý tưởng thì, ông thuộc loại cực đoan. Dứt khoát. Tàn nhẫn, nếu cần. Tôi nghĩ, ông có nhiều hơn, một con người, trong một con người. (11)


Dù Thế Nguyên có bao nhiêu con người, trong một con người thì, với tôi, những đóng góp của ông ở phương diện báo chí, văn chương, vẫn là những đóng góp đáng kể. Với sự tiếp tay của nhiều người, ông đã khai mở một dòng chảy mới, cho văn chương miền Nam, từ giữa thập niên 1960. Một dòng văn chương sôi sục đối kháng.

Đặc biệt, với bảng hiệu nhà xuất bản Trình Bày, qua một số dịch giả khác nhau, ông đã giới thiệu với độc giả miền Nam, những nét đặc thù của văn chương Nhật Bản (như tiểu thuyết của Kawabata;) văn chương Đại Hàn (như truyện của Richard Kim) và, nhất là thi ca của những tác giả thuộc khối thứ ba, thời đó, tương đối còn xa lạ với người Việt, đa phần, do nhà thơ Diễm Châu chuyển ngữ.

Ngay cả khi những tiết lộ mới đây, của tác giả Lữ Phương về Thế Nguyên, trong hồi ký nhan đề “Lữ Phương, Những chuyến ra đi,” (12,) có là sự thật, thì, tôi vẫn thấy, tôi gần với ghi nhận của thi sĩ Nguyên Sa về Thế Nguyên. Tác giả “Áo lụa Hà Đông” thấy con người Thế Nguyên là một... tu sĩ. Một kẻ giang hồ! Muốn “thế thiên hành đạo.” (13)

Chỉ tiếc, Thế Nguyên mất sớm. Ông từ trần tại Saigon, ngày 15 tháng 8 năm 1989, ở tuổi 48.

Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái, một trong vài bạn văn thân thiết với Thế Nguyên, còn ở lại Saigòn, sau biến cố 30 tháng 4-75, kể rằng, một buổi chiều rảnh rỗi, tác giả “Hồi chuông tắt lửa” dùng dao cắt (hay khoét bỏ) một mụn cóc ở chân. Lưỡi dao bị nhiễm độc mà, ông không biết. Đêm đó, ông lên cơn sốt. Nghĩ, không quan trọng. “Cũng thường thôi!” Nhưng qua hôm sau, ông bị co giật với những cơn sốt trên 40 độ C. Người nhà cầu cứu Nguyễn Quốc Thái. Họ Nguyễn chạy đến, đưa ông vào bệnh viện.

Trên giường bệnh, lúc tỉnh táo, linh cảm rằng mình đã bước rất gần cõi chết, ông bảo bạn:

“Chậm rồi! Thái ạ.”

Đúng vậy! Nguyễn Quốc Thái nói, chứng phong đòn gánh (tetanus,) không phải là một chứng bệnh gì khó chữa. Nhưng thời gian đó, Saigon gần như thiếu tất cả mọi thứ thuốc! Bác sĩ giỏi mấy cũng...“bó tay!”

Nguyễn Quốc Thái kể thêm:

“Dù sao thì tôi vẫn tin rằng, cuối cùng, Thế Nguyên đã ra đi trong thanh thản. Trước giờ bạn đi, tôi đã mời được cha đến làm phép xức dầu, xưng tội, giải tội...cùng mọi nghi thức tôn giáo khác...”

Tính đến hôm nay, nhà văn Thế Nguyên từ trần đúng 20 năm. Nó cũng tương đương với 20 năm văn học miền Nam. Nền văn học đã đem đến cho ông những ngày tuổi trẻ “nhập đồng.” Những ngày tuổi trẻ rực rỡ chữ và, nghĩa. Đường và, lối. Tin và, tưởng...

Nhưng, cũng kể từ 20 năm sau cái chết, ở thế giới khác, tôi không biết ông nghĩ gì về cái chết lãng nhách. Cái chết cũng phi lý như cuộc chiến tranh đối đầu giữa hai ý thức hệ... Tôi cũng không biết, ông có nghiệm ra rằng, nhiệt tâm của một nhà văn như ông, dù “dấn thân” đến đâu, rốt ráo, thực tế đã phũ phàng, cho thấy: Nó cũng giống như một loại... “viễn mơ,” mà thôi!

Và, trong chừng mực nào đó, nếu có cơ hội nhìn lại, tôi nghĩ, ông không thể phủ nhận rằng, miền Nam đã cho ông, cho các bạn ông, cho chúng ta, những người cầm bút, số tự do đủ, để được sống như một nhà văn, với những suy nghĩ, cảm nhận, hành động... Nhưng phải chăng, đôi khi, chúng ta đã lạm dụng nó, một cách vô trách nhiệm?!?

(Calif. May 21. 2009)


DU TỬ LÊ



_________


Chú Thích:


(1) Đọc thêm “Trần Phong Giao, Người gác cổng văn học, tạp chí Văn,” kỳ thứ 2, nhật báo Người Việt, California, số đề ngày Thứ Năm 16 tháng 4-2009.

(2) Đọc “Thơ Nguyên Sa Toàn Tập,” trang 191, Đời xuất bản, California, 2000.

(3) “Hồi Chuông Tắt Lửa” của nhà văn Thế Nguyên được tái bản nhiều lần. Nội dung tác phẩm khiến nhiều Ky-tô-hữu thuần thành, phải lên án sau khi đọc. Cùng với LM Nguyễn Ngọc Lan, LM Chân Tín, các giáo sư Nguyễn Văn Trung, Lý Chánh Trung, ông được xếp vào thành phần “Công giáo cấp tiến.”

(4) Nhà xuất bản Trình Bày ra đời cùng lúc với tạp chí Đất Nước. Nhưng tạp chí Trình Bày thì mãi tới ngày 1 tháng 8 năm 1970, mới phát hành số 1.

5) Anh em nhóm Trình Bày quen gọi T.S. Lê Văn Hảo là Hảo-Nhân-chủng-học, để phân biệt với Hảo-Kinh-tế, tức T.S. Nguyễn Văn Hảo, có thời làm Phó Thủ tướng, đặc trách kinh tế. Cũng như anh em quen gọi Trung Nguyễn và, Trung Lý, để phân biệt Nguyễn Văn Trung và, Lý Chánh Trung, cả hai đều là giáo sư.

(6) Trong một gặp gỡ tình cờ tại nhà cựu Thiếu tá Lê Hùng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 341, Tiểu khu Bình Tuy, tôi thổ lộ với Lữ Quỳnh, sự nhìn lại của mình. Không ngờ, ông cho biết, ông cũng có những tâm cảnh, như tôi.

(7) Nếu không ở miền Nam thì, khi Giáo sư Lê Văn Hảo, trở thành Thị trưởng Huế, trong những ngày CS chiếm giữ hồi Tết Mậu Thân, 1968; sau rút “lên núi,” chắc chắn tôi đã bị cơ quan an ninh kêu “làm việc’ hay “giải trình” mệt nghỉ. Chỉ bởi vì ông chọn dịch thơ tôi sang tiếng Pháp. Dù cho tôi có gân cổ giải thích, tôi không hề quen biết ông, cũng chẳng ai tin! Tương tự, nếu Thế Nguyên và, một số bạn ông trong nhóm Trình Bày, (như G.S. Trần Tuấn Nhậm,) nếu không ở miền Nam, các ông cũng sẽ không thể “vô tư” kêu gọi chống chiến tranh, đòi hòa bình, như đã từng. Tôi nhớ Trần Tuấn Nhậm, đầu thập niên 1970, ứng cử chức vụ Dân Biểu, tại Saigon, với khẩu hiệu “Chống Mỹ Cứu Nước”... Tuy không đắc cử, nhưng ông cũng không bị một cơ quan an ninh nào bắt ông phải “giải trình” gì hết.

(8) Trần Văn Nam, “Trong dòng cảm thức...,” California, Hoa Kỳ, 2006, tr. 465.

(9) Sđd.

(10): Thế Nguyên là bút hiệu của Trần Gia Thoại, sinh năm 1942, tại Nghĩa Hưng, Hà Nam Ninh. (Nhà thơ Nguyễn Quốc Thái cho biết, Thế Nguyên sinh năm 1941.) Theo gia đình di cư vào Nam, năm 1954, ông tốt nghiệp Cán sự Công chánh (cùng khóa với nhà thơ Phan Lạc Giang Đông;) phục vụ tại Cục Công Binh, đường Nguyễn Tri Phương, đối diện Nhà thờ Dòng Đồng Tiến, Saigon. Thế Nguyên được miễn dịch vì là con trai duy nhất.

(11): Nguyên Sa, “Hồi Ký,” Đời xuất bản, Calif., Hoa Kỳ, 1998. Tr. 167.

(12): Lữ Phương, Hồi ký “Những chuyến ra đi;” www.daohieu.com, đề mục chung: “Lề bên trái.


-------------


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét