đọc thêm (2) : " người viết văn viết báo thời đại nay đâu phải ... "/ Phương Duy-TDC -- Virgil gheorghiu 09/03/ 2021 .
THỨ BA, 9 THÁNG 3, 2021
Phỏng Vấn Văn Học Nhà Văn Nhà Báo Thanh Thương Hoàng
"NGƯỜI VIẾT VĂN VIẾT BÁO THỜI ĐẠI NAY PHẢI ĐAU NỔI ĐAU CỦA DÂN TỘC..."
PHƯƠNG DUY- TDC
(đăng trên Tuần báo Việt TRIBUNE số báo 22 và 23 ra ngày 29.09.2006 và 06.10.2006)
Sinh năm 1930 tại Hải Ninh, Bắc Việt. Nguyên quán Nghệ An, Trung Việt.
1953: Vào Saigon.
1954: Khởi sự viết văn, viết báo. Ðã xuất bản 12 tác phẩm gồm truyện dài, truyện ngắn.
Trước 1975: Ký giả, Chủ bút, Chủ nhiệm, Tổng Thư Ký nhiều tờ báo lớn ở Saigon, Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam và là sáng lập viên Làng Báo chí Việt Nam tại Thủ Ðức.
Sau 30 tháng Tư, 1975: bị đi tù "học tập cải tạo" trong nhiều trại tập trung ngót 10 năm về tội "văn nghệ sĩ báo chí phản động".
Tháng 5, 1999: Do sự can thiệp của các hội đoàn, cơ quan ở hải ngoại như: Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại và Văn Bút Quốc Tế (P.E.N. International), Hội Quốc tế Nhân Quyền, Liên Ðoàn Báo Chí Hoa Kỳ, Hội Bảo Vệ Gia Ðình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam (của bà Khúc Minh Thơ) và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ông đã được sang định cư tại Hoa Kỳ. Hiện ông cư trú tại San José, California và vẫn tiếp tục viết báo, viết văn.
Năm 2003: ông làm Chủ nhiệm, chủ bút tuần báo Ðời. Số ra mắt ngày 2 tháng 5 năm 2003. Góp tiếng nói với làng báo Bắc Cali vừa đúng 7 tháng 2 tuần. Hiện ông đang cộng tác với các Nhật báo Việt Nam (San Jose), Thời Báo (San José), Tuần báo Việt Tribune (San Jose), Tuần báo Phụ Nữ Cali (San Jose), Tuần báo Saigon Nhỏ (Nam Cali),Tuần báo Con Cò (Nam Cali), Bán nguyệt san Tự Do (Houston,Texas), Bán nguyệt san Ngày Nay (Houston,Texas),Tạp chí Thế Giới Nghệ Sĩ (Houston, Texas), Tạp chí Hồn Việt (Nam Cali) Tạp chí Tinh Hoa (MN), Tạp chí Suối Văn (San Jose). Tạp chí Nguồn (San Jose) và nhiều tờ báo, tạp chí ở các Bang khác.
Ðã xuất bản: Trước 1975:
Cánh Hoa Mùa Loạn, truyện dài (1955)
Kiếp Phong Sương, truyện dài (1956)
Nổi Lửa, truyện ngắn (1960)
Kho Tàng Tô Ðịnh, truyện dài dã sử (1962)
Phật Giáo Tranh Ðấu, biên khảo (bút hiệu Quốc Oai, 1963)
Lành Rách, phóng sự tiểu thuyết (1965)
Sau 1975:
Khoảnh Khắc Và Thiên Thu, truyện ngắn (xuất bản tại Úc 1994)
Tiến sĩ Lê Mai (tiểu thuyết, 1999)
Người Mỹ cô đơn (tiểu thuyết, 2000)
Những nỗi đau đời (tập truyện ngắn, 2001)
A Lonely American (Novel) (bản dịch cuốn tiểu thuyết NMCÐ, 2004)
Ông tướng tỵ nạn (tập truyện, 2005)
Dòng Suối (tuyển tập truyện ngắn Ngọc Huyên & Quốc Oai xuất bản 2009)
Cõi Đời, Cõi Người (tập truyện 2011)
Từ khi bắt đầu làm báo viết văn, anh đã viết bao nhiêu tác phẩm?
Tôi bắt đầu viết từ năm 1953 tại Hà Nội. Từ đó tới nay tôi đã cho xuất bản 12 cuốn truyện ngắn và truyện dài. Tác phẩm đầu tay là cuốn truyện dài "Cánh Hoa Mùa Loạn" dài hơn 200 trang, xuất bản lần đầu năm 1955 tại Saigon và tái bản năm 1960 (cũng tại Saigon). Có một hai cuốn truyện viết dở dang và một vài phóng sự tiểu thuyết đăng trên một số nhật báo, tuần báo (tôi không in thành sách). Sau năm 1975 bị CS bắt tù tất cả sách vở bản thảo tài liệu đều bị tịch thu nên khi tù về tôi bỏ luôn không viết lại. Ngoài ra tôi có viết một truyện phim nói về thân phận hẩm hiu đau thương nhục nhã của một cô gái mang hai giòng máu Việt Mỹ.Viết sau khi tù về (1985) khi hoàn tất tập một thì hết hứng. Và cho tới nay bản thảo vẫn nằm im trong hộc bàn vì chưa có "ngài" đạo diễn nào đoái hoài tới để thực hiện thành phim! Kể ra trong hơn 20 năm, từ 1953 tới 1975, mà viết chưa được tới 10 cuốn sách quả là ít oi đối với một người cầm bút chuyên nghiệp như tôi. Sở dĩ có tình trạng này vì từ năm 1964 tới 1975 tôi dành trọn toàn thời gian cho công việc làm báo, viết báo và hoạt động Nghiệp đoàn Ký Giả. Hơn 10 năm trời tôi không sáng tác được một truyện ngắn, mặc dầu lúc nào tôi cũng nặng lòng với "cô nàng văn chương". Quả thật là "nghề báo đã giết chết nghiệp văn" như nhà thơ Hà Thượng Nhân sau khi đọc hết cuốn truyện dài "Tiến Sĩ Lê Mai" đã tỏ ý tiếc cho tôi về việc này.
Trước năm 1975 nghề cầm bút (nói chung làm báo viết văn) có nuôi sống nổi người viết và gia đình? Người cầm bút có phải làm thêm nghề nào khác?
Phải phân biệt rõ viết văn và viết báo là hai "nghề" khác nhau nếu có thể gọi viết văn là một nghề. Theo tôi thì viết văn không phải là một nghề mà là cái nghiệp, cái duyên nợ văn chương. Những người viết báo chuyên nghiệp trước năm 1975 đa số đều có mức lương trung bình trong xã hội nên đủ sức nuôi sống mình và vợ con. Tôi không thấy anh nhà báo nào than thở đói rách, trừ trường hợp báo bị đóng cửa thất nghiệp. Những nhà báo tên tuổi làm cho các báo lớn hoặc làm cho các Hãng Thông tấn và báo nước ngoài có một mức sống tương đối cao, có nhà có xe hơi riêng hay ít ra cũng một cái Vespa. Còn với những người viết văn, trừ một vài trường hợp cá biệt ăn khách, còn đa số đều là "nghiệp dư". Phải có một nghề nhất định như công chức, thương mại, dạy học v...v.. Lúc nào nhàn rỗi thì viết văn gửi đăng báo hoặc đưa Nhà xuất bản in, coi như "làm chơi" và cũng không" ăn thiệt" (vì nhuận bút một bài văn, một cuốn truyện không cao lắm). Tuy nhuận bút không cao nhưng có bài đăng là có tiền nhuận bút chứ không có chuyện "viết chùa". Người viết dù mới tập sự hay chưa nổi danh cũng được trả nhuận bút đàng hoàng.
Trong xã hội Việt Nam trước năm 1975, người làm báo, viết văn có được coi trọng không?
Câu này tôi có thể trả lời anh ngay không cần suy nghĩ là những người cầm bút (viết văn, viết báo và làm thơ) đều được tất cả các giới trong xã hội thời đó rất coi trọng. Tuy không còn được kính cẩn quý trọng như thời Tự Lực Văn Ðoàn nhưng không có một ai dám xem thường coi khinh người cầm bút cả. Riêng với người viết báo chẳng những được đa số dân chúng nể vì quý trọng (vì tranh đấu bênh vực quyền lợi cho họ) mà những người cầm quyền dù lớn hay nhỏ từ trung ương đến địa phương đều sợ "bọn nhà báo". Những bài điều tra phóng sự đã làm cho bọn quan quyền tham nhũng và gian thương sợ xanh mặt. Quyền lực của người viết báo lên tới đỉnh cao, trấn áp cả quyền lực của người cầm quyền. Những ông Tướng, những lãnh chúa Vùng, những ông vua con như Tỉnh trưởng, Quận trưởng đều ngán ngẩm, sợ hãi trước những bài viết (xã luận, phóng sự điều tra..) của "bọn nhà báo". Sức mạnh của ngòi bút đã làm cho những nhà độc tài quân phiệt như tướng Nguyễn Khánh cũng phải nhìn nhận "mỗi cây viết là một sư đoàn". Chính vì cái quyền lực này nên đã nẩy ra một số "con sâu làm rầu nồi canh" với câu truyền tụng trong dân gian "Nhà báo nói láo ăn tiền".
Nhà báo Nhà văn có bị ai bóc lột sức lao động viết lách không?
Có. Ðấy là những "bà chủ" má bầy nhỏ. Ða số anh em chúng tôi tiền lãnh ra chưa nóng túi đã bị "bóc lột" hết liền.
Xin anh kể một vài kỷ niệm vui buồn trong nghiệp vụ và nghiệp dĩ của nghề viết lách.
Chuyện vui buồn trong cuộc đời viết văn, viết báo trải qua cả nửa thế kỷ thì nhiều lắm, phải viết cả cuốn sách. Chỉ xin kể vài ba câu chuyện không biết là vui hay buồn. Chuyện thứ nhất là vào những năm giữa thập niên 50 (của thế kỷ 20) tôi làm nhân viên hợp đồng giữ chức trưởng ban nghiên cứu (về văn hóa) của cơ quan Văn Hóa Vụ thuộc Bộ Thông Tin thời Luật sư Trần Chánh Thành làm Bộ Trưởng. Vì đêm hôm thường nổi hứng viết văn nên thức khuya dậy trễ. Dậy trễ tất nhiên đi làm trễ. Các công sở khởi sự làm việc từ 8 giờ sáng. Tôi thì 9 giờ rưỡi, 10 giờ mới tới Sở làm. Khi hết việc tôi đi uống cà phê với bạn bè. Khi nhiều việc tôi ở lại 8, 9 giờ tối giải quyết xong mới về. Phải nói không ngại miệng là khả năng tôi vượt ngoài công việc và nhất là không tương xứng với đồng lương. Vì cái sự "cao ngạo" và đi làm trễ của tôi khiến một hai đồng nghiệp nào đó tức tối "chạy" lên Bộ "báo cáo" với ông Tổng Thư Ký T.T.L . Ông này có bằng cử nhân luật, có tham gia kháng chiến chống Pháp một vài năm rồi trở về hàng ngũ quốc gia nhưng đầu óc còn chứa đầy quan liêu hống hách, thích đe nẹt viên chức thuộc cấp và ưa nịnh nọt. Ông L. cho gọi tôi lên hạch sách về cái "tội" đi làm trễ. Tôi nhìn nhận là có đi làm trễ nhưng công việc tôi đều hoàn tất một cách nhanh chóng tốt đẹp, khả năng làm việc của tôi bằng ba người khác. Ông L. lắc đầu xua tay: "Ở đây chúng tôi cần những nhân viên tôn trọng kỷ luật, giờ giấc công sở, sau đó mới xét tới khả năng. Tôi sẽ chuyển anh đi tỉnh về sự vô kỷ luật của anh." Tôi phản ứng liền: "Nếu vậy tôi xin thôi việc kể từ giờ phút này." Trước câu nói của tôi ông L. có vẻ bất ngờ. Ông không thể tin tôi (cũng như đa số những người khác) "dám" xin thôi việc trong lúc kiếm được một việc làm "trong Nhà nước" đâu có dễ dàng, nhưng ông vẫn làm bộ thản nhiên nói: "Tốt thôi. Vậy anh về làm đơn và chuyển từ Sở lên đây." "Tôi đã thông báo với ông rồi." Ông L. nổi đóa: "Anh ngang bướng vậy tôi sẽ đưa anh ra Tòa Hành chánh và từ nay về sau anh không bao giờ được làm ở công sở nữa vì hồ sơ lý lịch của anh xấu." Tôi cười nhạt: "Cám ơn ông Tổng Thư Ký. Từ nay về sau tôi cũng xin nói thẳng là dù có chết đói tôi cũng không bao giờ làm công chức nên ông muốn ghi gì vào hồ sơ tùy ý. Và tôi xin phép gửi lại ông Tổng thư ký hồ sơ này để..làm kỷ niệm!" Nói xong tôi đứng dậy ra về. Hậu quả của cái sự "ngang bướng"này đã khiến tôi bị khốn đốn một hai năm về sinh kế nuôi vợ con.
Ít năm sau khi chấm dứt nền đệ nhất cộng hòa, tôi trở thành ký giả chuyên nghiệp và được bầu làm Chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam, có một đời sống tương đối ổn định, có nhà có xe hơi. Một hôm tôi đưa vợ con ra Vũng Tầu nghỉ mát. Cả nhà vừa rời khỏi khách sạn T.N. để ra xe đi biển tắm thì bất ngờ gặp vợ chồng ông T.T.L. đi vào Khách sạn. Tất nhiên tôi lờ ông đi để tránh cái chào. Bất ngờ ông bước nhanh lại phía tôi và cất tiếng chào to: "Gớm, làm lớn rồi thấy anh em định lờ đi phải không?" Tôi bất đắc dĩ phải ngừng lại bắt tay ông và nói: "Chào ông Tổng Thư Ký!" Ông L. biết là tôi xỏ ông vì ông mất chức Tổng Thư Ký lâu rồi. Ông cười hè hè đánh trống lảng: "Thôi mà người anh em. Dù sao chúng ta cũng có thời kỳ làm việc với nhau. Trong công việc tránh sao khỏi va chạm buồn vui." Trước khi đi tôi nói: "Lúc nào tôi cũng nhớ tới ông với sự biết ơn. Tôi nói thật đấy! Nếu không có cái sự trừng trị thẳng thừng của ông, chắc giờ này tôi vẫn là một viên chức hạng bét, tuy mẫu mực nhưng mòn mỏi và rỗng ruột." Vào đầu năm 1975, khi "đánh hơi" thấy VNCH sắp lâm nguy, ông T.T.L. trở cờ đón gió, bị bắt giam trong Tổng Nha Cảnh sát. Ông nhờ người cầm thư tay tới tòa báo chúng tôi cầu cứu bằng cách loan tin và "lên tiếng" giúp ông trong việc tuyệt thực phản đối (!) . Dù chúng tôi chẳng ưa gì ông, nhất là với việc ông làm "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản", nhưng thay vì "bồi" thêm cho ông một trận, chúng tôi lại loan tin về việc tuyệt thực này một cách vô tư. Như vậy có khác gì nối giáo cho giặc? Có lẽ người quốc gia chúng ta thua một phần vì cái cảm tính, cái chất quân tử tầu này? Nghe nói ông này sau khi CS vào miền Nam đã đôn đáo chạy chọt kiếm chút danh lợi trong "hội trí thức yêu nước" nhưng rốt cuộc vẫn "ăn cơm nguội nằm nhà ngoài" nên đã chuồn sang Pháp sống và giã từ cõi thế sau đó một vài năm.
Chuyện thứ hai. Nếu tôi nhớ không lầm thì vào năm 1958. Lúc ấy tôi thất nghiệp, đói rách. Mỗi tháng chỉ có một hai truyện ngắn đăng các tuần báo, tạp chí, tiền nhuận bút không đủ mua sữa cho con. Một hôm có anh bạn làm thơ sống tại Thành phố Biên Hòa về Saigon thăm. Anh hí hửng đưa tôi một tờ "bướm" quảng cáo của một đoàn hát cải lương, nói: "Anh có một khoản tiền rồi." Tôi chưa kịp hỏi thì anh nói ngay: "Ðoàn cải lương họ lấy truyện của anh diễn thành tuồng." Tôi cầm tờ "bướm" coi. Ðúng là họ lấy cuốn truyện Cánh Hoa Mùa Loạn của tôi viết thành tuồng. Tên tuồng và nội dung tuồng y chang cuốn truyện của tôi, nhưng họ không để tên tác giả cũng như xuất xứ vở tuồng mà họ "phóng tác". "Thế này là đạo văn. Mình bắt họ phải trả tiền bản quyền tác giả. Nếu họ lơ mơ mình kiện sặc gạch!" Anh bạn nói. Tôi đồng ý với anh. Thế là sáng hôm sau tôi đáp chuyến xe lô sớm nhất đi Biên Hòa. Tới thành phố Biên Hòa vào lúc 9 giờ sáng, đi bộ tới rạp hát nơi đoàn cải lương trình diễn. Tôi phải ngồi đợi nơi quán cóc trước rạp hát tới gần 12 giờ trưa các nghệ sĩ cải lương mới thức dậy. Tôi hỏi thăm "thầy tuồng" kiêm "bầu" đoàn hát. Ðó là một người khoảng 30 tuổi da mặt xanh bủng, đầu chải dầu bóng mượt, hai bên tóc mai dài vắt ngang tai, áo quần "pyjama" mầu vàng nhạt nhầu bẩn, bước đi khật khưỡng xiêu vẹo. Tôi nghĩ anh này nghiện á phiện nặng. Tôi mời anh ta ra quán cóc nói chuyện. Khi biết tôi là tác giả cuốn truyện mà anh ta "phóng" thành tuồng, anh ta chẳng lộ vẻ ngạc nhiên hay tình cảm gì. Sau cái ngáp dài, không cần che miệng, anh ta nói giọng ngai ngái để lộ mấy cái răng vàng: "Thế anh Hai muốn chi?". "Tôi muốn anh trả tiền bản quyền tác giả và phải để tên tác giả cuốn truyện là tôi mà anh phóng thành tuồng". Mặt anh "thầy tuồng" bỗng dài ra méo xệch, anh ta nói một hơi dài như ca cải lương trên sân khấu vậy: "Chèn đét ơi, nói anh Hai thương, bọn tui đêm qua chỉ có đúng 12 khán giả mua vé nên phải dẹp đêm hát. Sáng nay cả đoàn không có cả tiền cà phe, lấy đâu tiền trả anh Hai. Anh Hai thông cảm đi, bao giờ mần ăn khấm khá, tụi em sẽ không quên anh Hai". Trước cái sự tả oán của anh thầy tuồng tôi đành chào thua, chẳng thế lại còn phải chi cho anh ta một chầu cà phê sữa và bánh bao. Khi bắt tay từ giã, anh thầy tuồng còn cầm bàn tay tôi lắc mãi:"Thông cảm cho tụi em nghe anh Hai, thông cảm nghe". Tôi ngồi vào trong xe lô rồi mà vẫn còn nghe nghẹn ngào cay đắng dâng nơi cổ. Có một việc nữa kể ra đối với tôi cũng là một dấu ấn khó quên. Khi tôi đi tù về, một buổi lên thăm ông già tôi có trại chăn nuôi ở Hố Nai Biên Hòa. Bất ngờ có một ông nhà ở khu xóm bên nghe tin tôi "học tập" 10 năm mới trở về, tới thăm. Sau khi hỏi han vài ba câu, ông ta lấy trong túi xách ra một cái gói nhỏ bọc giấy nói: "Tôi tặng ông món quà này. Tôi tin là ông sẽ thích thú". Nói dứt lời ông ta xin phép ra về. Tôi mở bọc giấy ra: đó là cuốn truyện ngắn "Nổi Lửa" của tôi in năm 1960. Tức là đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua trên cuốn sách. Thế mà sách vẫn chưa bị rách hay nát một trang nào và bià sách vẫn còn nguyên vẹn. Tôi xúc động biết bao khi thấy lại cuốn truyện của mình mà tôi tưởng chẳng bao giờ còn có cơ hội nhìn thấy nữa! Sau này hỏi ra mới biết ông bạn không quen biết này trước đây là Nhà giáo. Gia đình ông có một tủ sách khá đầy đủ sách báo văn nghệ trước 1975. CS vào sợ bị tịch thu ông đã "phân tán mỏng" bằng cách gửi bà con họ hàng mỗi nơi vài ba cuốn. Sau đó một thời gian nhà văn Nguyễn Thụy Long mang đến cho tôi cuốn phóng sự tiểu thuyết "Lành Rách". Anh nói là kiếm được ở nhà bán sách cũ. Vui buồn trong nghiệp vụ và nghiệp dĩ còn nhiều, nhất là trong thời gian đi tù cải tạo, nhưng thôi ta để dịp khác".
Có nữ độc giả nào biểu lộ sự mê văn Nhà văn không?
Có thể nói gần như toàn bộ sáng tác của tôi, từ truyện ngắn tới truyện dài, đều thiên về mặt xã hội. Tôi không viết truyện tình, nhất là truyện tình thuộc loại lâm ly bi đát ái tình tay đôi tay ba ướt đẫm nước mắt. Có lẽ vì thế mà tôi không có nữ độc giả... mê. Hồi thập niên 50 (thế kỷ trước) tôi còn độc thân sống trọ trong nhà một người bạn. Nhà bên cạnh có một cô con gái ở tuổi 17,18. Cô không đẹp nhưng cũng có chút duyên. Một hôm chị vợ anh bạn bảo tôi: "Cô bé hàng xóm thích cuốn Cánh Hoa Mùa Loạn của anh lắm. Cô ấy cứ rình nhòm lén ông Nhà văn hoài." Hỏi ra mới biết đó là một cô gái bị câm sau một trận đau nặng mà người ta nói là cô bị ếm bùa phép gì đó. Còn một ca "ái mộ" nữa. Khi tôi tới Hoa Kỳ định cư (1999) được mấy tháng thì cho xuất bản cuốn tiểu thuyết "Tiến Sĩ Lê Mai". Tạp chí văn nghệ "Thế Giới Ngày Nay" có trích đăng đoạn cuối cuốn truyện này trong số đặc biệt Xuân. Sau đó anh Lê Hồng Long (chủ nhiệm TGNN) có chuyển cho tôi một lá thư của một nữ độc giả gửi về Toà Báo. Nữ độc giả này có vẻ đã đứng tuổi. Bà hết lời khen cuốn tiểu thuyết của tôi và mong nó được thực hiện thành phim để cho mọi người khắp thế giới biết nỗi đau của con người (nhất là giới trí thức VN) sau chiến tranh bị tù đầy khốn khổ nhục nhã như thế nào. Có lẽ tôi chỉ có hai nữ độc giả biểu lộ sự mến mộ văn tôi. Thật quá ít oi phải không?
Anh quen biết nhiều trong giới cầm bút trước 75. Có giai thoại, kỷ niệm vui buồn nào không?
Với vị thế chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả và với hơn 20 năm hành nghề viết lách có thể nói tôi quen biết gần như hầu hết những người cầm bút (viết văn, viết báo, viết kịch, làm thơ) tại Saigon trước 75, từ lớp đàn anh tiền chiến 1930 – 1945 tới lớp hậu sinh 1954 – 1975. Nhiều giai thoại, nhiều kỷ niệm lắm không thể nào kể hết trong một bài phỏng vấn. Xin hẹn anh dịp khác.
Tại Hải ngoại hiện nay anh nhận thấy công việc làm báo viết văn có những thuận lợi nào? Và những bất lợi nào?"
Trước hết nói về những thuận lợi. Với phương tiện khoa học hiện tại có thể nói vô cùng thuận lợi cho những người làm báo, viết báo. Cộng thêm vào đó là sự hoàn toàn tự do – một vốn quý báu nhất đối với người cầm bút. Chưa bao giờ người cầm bút VN được tự do thoải mái như ở nước Mỹ này. Muốn viết, muốn in gì cứ việc làm, kể cả việc chửi Tổng Thống và cả cái nước đã cưu mang mình. Chính vì cái tình trạng "bội thực tự do" này mà phát sinh nhiều tiêu cực, nhiều đáng tiếc, nhiều đau lòng. Người ta đã lợi dụng sự tự do để làm những công việc vô chính phủ, vô trật tự, vô kỷ cương, vô đạo đức. Thêm vào đó đa số những người nắm giữ trong tay những tờ báo hôm nay không phải là những người làm báo chuyên nghiệp. Họ không tốt nghiệp một trường báo chí nào lại không có cả một chút khả năng viết cũng như làm báo. Họ làm báo không phải để làm báo (với ý nghĩa chân chính của nghề nghiệp). Họ chỉ là những cây tầm gửi sống bám vào nghề báo để kiếm ăn (và cả làm giầu nữa). Ðó là những con buôn không hơn không kém. Anh thử đếm trên đầu ngón tay xem có bao nhiêu tờ báo (chữ Việt) xứng đáng gọi là tờ báo – cơ quan thông tin ngôn luận – nơi đất Mỹ này. Có thể nói người cầm bút chưa bao giờ bị xem thường (và đôi khi cả coi khinh nữa) như hiện nay. Ngày trước người ta quý trọng người cầm bút bao nhiêu thì bây giờ bị xem thường bấy nhiêu.
Phải chăng đó là do một số những người làm báo đã không biết tự trọng khi hành nghề?
Chúng ta phải nhìn nhận một sự thực (đáng buồn) là: nhiều tờ báo sống được phần lớn do "tài" xin quảng cáo của chủ nhân. Tức là tờ báo không sống bằng độc giả mà sống bằng sự ban ơn (!) của các chủ quảng cáo. Ngưng quảng cáo là báo chết liền! Như vậy làm sao người làm báo, viết báo giữ được sự độc lập, sự tự do, (quyền thứ tư) của nghề nghiệp? Tất nhiên tôi không vơ đũa cả nắm. Tôi được biết có những ông bà chủ báo, mặc dầu tờ báo sống về quảng cáo, đã thẳng tay từ chối đăng những cái quảng cáo không thích hợp với chủ trương đường lối của tờ báo. Tôi đã từng gặp những người làm báo thực sự với tất cả tấm lòng. Họ yêu nghề, họ quý trọng nghề, sống chết với nghề. Họ can đảm nói tiếng nói chân chính trong công cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ của đất nước. Tiếc thay những tờ báo này không nhiều. Thú thực với anh tôi rất bi quan và đau xót với thực trạng báo chí của chúng ta hôm nay. Với một nền "báo bổ" (cứ tạm gọi thế) như vậy thì làm sao đấu tranh chính trị với CS? Tôi nói có vẻ hơi nặng và có thể động chạm tới một số người. Xin hiểu cho nỗi khổ tâm của tôi khi nói vậy có khác gì tự sỉ vả mình, vạch áo cho người xem lưng (mặc dầu ai cũng biết lưng bị lở loét từ lâu!). Nhưng biết làm sao khi sự thật là vậy chẳng lẽ lại nói khác? Và rồi trong một, hai thập niên nữa với tình trạng báo chí như hiện nay liệu "nền báo chí của chúng ta"có còn tồn tại? Sự tiêu vong hình như đang rình rập bên kia mé đường hầm! Ðó là về phương diện báo chí. Còn về văn chương? Quả là một sự bi đát thê thảm. Có thể nói nền văn chương bây giờ là nền văn chương chợ chiều với những bọn múa rối bắng nhắng kiếm danh! Theo sự nhận xét của tôi văn chương bây giờ, (kể cả trong nước) chỉ là một trò đùa của bọn người lố lăng phơi bầy lõa lồ cái tính dâm của con người mà còn đắc chí vỗ ngực tự cho mình là đại diện thế hệ mới (!). Người ta đã nói nhiều, quá nhiều về việc này rồi nên tôi không muốn nhắc lại ở đây nữa, chỉ cầu mong sao nền văn chương của chúng ta sớm "thoát cơn bĩ cực tới tuần thới lai". Chúng ta ráng kiên nhẫn chờ xem, biết đâu "trời làm một trận mưa rào..." quét sạch hết bụi bậm rác rưởi rong rêu, cây cối sẽ xanh tươi trở lại và đơm hoa kết trái. Anh cho phép tôi "thông qua" vấn đề gai góc này ở đây nhé, càng nói càng thêm nhức đầu mà chẳng giải quyết được gì!"
Anh nói vậy có nghĩa là chúng ta đành bó tay?
Vâng, có lẽ vậy. Nhưng như tôi vừa nói, biết đâu... Anh có thể cho biết ý hướng hiện tại và dự tính tương lai?" Ðọc những bài viết của tôi anh biết rồi đó. Con én dù không làm nổi mùa Xuân nhưng tôi vẫn cố gắng hết sức mình để hy vọng đóng góp được chút gì hữu ích cho người, cho đời. Nói đại ngôn một chút là cho đất nước, dân tộc. Với tôi chỉ có viết và viết. Viết tới khi nào không viết được nữa mới thôi.
Hiện nay, hình như ngoài viết văn anh vẫn thường xuyên viết báo?
Vâng, nghề của chàng mà, dứt làm sao được.
Anh vẫn dùng bút hiệu .. .
Không, chỉ viết văn tôi mới dùng bút hiệu Thanh Thương Hoàng. Còn viết báo thì nhiều lắm xin miễn cho tôi kể ra đây.
Có nhiều độc giả thắc mắc muốn biết duyên do bút hiệu Thanh Thương Hoàng của anh. Anh có thể cho biết?
Vâng, có một số bạn hữu và độc giả tò mò muốn biết tại sao tôi lấy bút hiệu này. Như nhạc sĩ quá cố Nhật Trường trong một buổi tình cờ gặp tại Quận Cam trước đây đã hỏi thẳng tôi là có phải anh lấy bút hiệu đó là do anh"thương" cô Hoàng hay cô Hoàng "thương" anh không? Tôi đáp là quê nội tôi ở Thanh Chương, Nghệ An.Theo lời Bố tôi kể lại thì ông Nội tôi làm quan tại Triều đình Huế vì tham gia phong trào Cần Vương hay theo cụ Phan Bội Châu chống Pháp gì đó nên bị bắt đầy chung thân biệt xứ tại Móng Cái, Hải Ninh. Tại đây sinh Bố tôi và thế hệ sau là tôi. Người "bản xứ" quen gọi chúng tôi là "con cháu ông đồ Nghệ", vì ông Nội tôi trong quãng đời lưu đầy đã làm ông đồ dạy chữ Nho mưu sinh. Ðể ghi nhớ quê cha đất tổ, ông nội tôi "di chúc" con cháu đệm chữ "Thanh" vào giữa tên họ (người miền Trung ít để chữ đệm giữa tên họ). Khi khởi sự viết văn tôi lấy bút hiệu Thanh Chương. Năm 1955, cho xuất bản cuốn tiểu thuyết đầu tay "Cánh Hoa Mùa Loạn" (chỗ này hơi lòng thòng một chút, xin thông cảm cho chuyện riêng tư chẳng đáng nói nhưng anh đã có nhã ý hỏi thì tôi... đành trả lời vậy).
Năm đó ông Ngô Ðình Diệm trưng cầu dân ý truất phế vua Bảo Ðại. Tôi có nhiệm vụ đi "quan sát" các phòng phiếu quận Ba. Tình cờ tôi gặp một cô nàng be bé xinh xinh trong một trường học dùng làm nơi bỏ phiếu khu chợ Vườn Chuối. Cô ấy làm công việc ghi tên người bỏ phiếu. Vì mê mẩn người đẹp, tôi loanh quanh đợi tới trưa cô ra quán ăn trước cổng trường dùng bữa, tôi lấy hết can đảm (tôi vốn nhút nhát với phụ nữ) tới bàn ngồi đối diện và bắt chuyện với cô. Tôi chỉ lắp bắp được vài ba câu vô nghĩa. Cô ngạc nhiên và tỏ ra ngại ngùng trước một gã trai lạ và cô cố trả lời cho xong những câu ngớ ngẩn của tôi. Hình như cô cũng lúng túng không kém tôi. Sau hết, trả lời câu tôi hỏi, cô cho biết tên là Hoàng và làm việc ở Bộ Lao Ðộng (lúc ấy trên đường Pasteur thì phải). Ðể "lấy le" với người đẹp (ta là nhà văn) và cũng là biểu lộ tình cảm nhằm chinh phục người đẹp (theo sự xui dại xui khôn của bạn bè), tôi đến ngay nhà in yêu cầu ông chủ thêm chữ Hoàng vào sau hai chữ tên tác giả Thanh Chương, tức Thanh Chương Hoàng. Khi sách in xong thì tên tác giả (không hiểu sao) lại là Thanh Thương Hoàng. (Chữ C biến thành chữ T của chữ "Chương"). Tất nhiên tôi phản đối và bắt đền vì cái tên nghe có vẻ "cải lương" quá. Ông chủ nhà in có lẽ vì tiếc tiền làm lại cliché (thời đó in 3 mầu phải làm 3 bản kẽm và in 3 lần) và giấy bìa, tốn thêm tiền bạc nên ông "tán" với tôi là ngày xưa thời Nghiêu Thuấn, vua Văn (hay vua Võ gì đó) gẩy khúc nhạc Thanh Thương để cầu hiền (?) và Hoàng là Hoàng đế (?) Ngoài "điển" này ra, ông (bảo tôi) dùng bút hiệu này còn có thể làm cho cô Hoàng xiêu lòng yêu tôi. Nghe bùi tai tôi đành chấp nhận cái bút hiệu không do mình định. Tôi lấy một bản in đặc biệt trên giấy quý thuê đóng bià cứng gáy da mạ chữ vàng, trịnh trọng đề tặng người đẹp tên Hoàng nơi trang đầu sách rồi lên bộ com lê cà vạt phóng xe solex tới Bộ Lao Ðộng tìm "nàng" tặng sách, sau đó mời đi ăn tối và xem xi nê. Nhưng mất cả giờ tìm kiếm, tôi hỏi thăm tất cả các ban, các phòng, cả ông tùy phái đều nói không có cô nào tên Hoàng cả. Tôi buồn rầu chán nản ra về. Thật là một sự khôi hài ngây ngô của tuổi trẻ phải không? Thế là cái bút hiệu Thanh Thương Hoàng (lỡ rồi) từ đó cứ đeo đuổi tôi mãi đến nay. Gần hai mươi năm sau tôi tình cờ được một người bạn cho biết Bộ Lao Ðộng thời đó có một cô hình dáng như tôi tả nhưng cô ta tên là Yến và đã lập gia đình với một sĩ quan Hải quân. Cô Hoàng có mà không là vậy đó. Chẳng lẽ cái bút hiệu cũng có ... định mệnh? Chuyện này anh Phương Duy hoặc Hoa Hoàng Lan bí đề tài, có thể viết thành một truyện ngắn!
Cám ơn anh đã cho biết "tâm sự ngày xưa". Sau chót, anh có điều gì muốn nói thêm, nhất là với giới cầm bút thế hệ trẻ bây giờ.
Trước đây, năm 2000, trong một cuộc phỏng vấn củai Ðài VOA, tôi có nói rằng người viết văn viết báo thời đại này - nhất là với người Việt Nam lưu vong hiện nay - phải đau nỗi đau của dân tộc, phải đau nỗi đau của đất nước. Phải dùng máu và nước mắt của mình để viết về những nỗi đau đời đó.* Nếu không thì nên làm nghề khác kiếm ăn. Bây giờ tôi vẫn muốn nhắc lại câu trên. Có vậy may ra nền báo chí, nền văn chương của chúng ta mới có thể lớn nổi. Chứ còn nhiều thứ văn chương báo bổ bá láp, hỗn tạp, bát nháo, tầm gửi như hiện nay thì chẳng còn gì để trông để mong nữa! Cám ơn anh Phương Duy đã dành cho tôi buổi chuyện trò này.
PHƯƠNG DUY- TRƯƠNG DUY CƯỜNG
* Trong một cuộc phỏng vấn trước đây với một Tạp chí văn nghệ, nhà văn Thanh Thương Hoàng cho biết ông chịu ảnh hưởng nhiều nhất có lẽ là cuốn Giông Tố của nhà văn tiền chiến Vũ Trọng Phụng. Ông nói ông đã đọc cuốn này lúc còn nhỏ. Và sau này mỗi khi đọc lại, ông còn say sưa mê mải như đọc lần đầu. Theo ông, đây là cuốn tiểu thuyết thể hiện đầy đủ cả một thời đại. Thảm kịch xã hội với những đớn đau, bi thảm, tối tăm, tệ hại nhất của con người được Vũ Trọng Phụng hiện thực một cách tài tình, sống động. Những nhân vật chính của "Giông Tố" luôn luôn ám ảnh ông ngay từ ngày đầu mới viết văn, cho mãi tới ngày nay, nên ông đã nhìn cuộc đời "tối" hơn "sáng". Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông "Cánh Hoa Mùa Loạn" viết năm 1954, xuất bản năm 1955 tại Saigon, chịu ảnh hưởng rất nhiều của cuốn Giông Tố. ./.
source: tuần báo VIỆT TRIBUNE ( Hoa Kỳ)
===================
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ