" để tôi kể bạn nghe một câu chuyện "/ Trần Thị Bông Giấy / San José ] --- Fw. TRANTHIBONGGIAY tới tôi, AU, Bong / August 31, 2022.
Fw: ĐỂ TÔI KỂ BẠN NGHE MỘT CÂU CHUYỆN (Tâm Bút TTBG)Hộp thư đến
ĐỂ TÔI KỂ BẠN NGHE MỘT CÂU CHUYỆN (Tâm Bút TTBG) [ TRẦN THỊ BÔNG GIẤY 1950 - / San José ] []
(Gửi Lê Đức Cường, Vũng Tàu, VN). []
San Jose, thứ Hai Aug. 29, 2022
Sáng nay khoác xong áo lạnh vào người, định đi bộ qua ngân hàng gần nhà mà cứ chần chờ tự hỏi “Sẽ ngã trên đường, nên đi hay không”? Cuối cùng, đi, miệng lẩm bẩm: “May mà chiều hôm qua không theo xe chú cháu Văn Thanh về chơi San Francisco ít ngày.”
Tay chân lạnh toát, bước thật chậm, mồ hôi vã nơi trán, tôi biết rằng sức khỏe mình đang tệ lắm kể từ hôm chích cùng lúc vào người hai mũi Vaccine và Cúm đầu mùa. (Tối hôm qua kể cho bà Dì Nha Trang nghe chuyện này, Dì la lên: “Trời ơi! Con liều lĩnh quá! Làm như vậy, rất dễ bị choque thuốc, đột tử!”) * * * Từ thuở nhỏ, tôi vốn rất sợ hàm ơn kẻ khác. Cuộc sống tôi cực kỳ đơn giản cũng do từ cá chất sợ hãi thẳng thắn đó. Nợ cha sinh mẹ đẻ, tôi đã có dịp trả bằng tâm tánh lương thiện chân thật cả đời. Vậy mà mấy chục năm trên đất khách, tôi từng hàm một cái ơn rất lớn nhưng chưa hề có dịp trả. Cũng không biết cách nào trả ngoài những con chữ hôm nay kể cho bạn nghe một câu chuyện viết trong nhật ký (mà, trừ ra TNH và ba người bạn trong năm 1986), chẳng ai biết, ngay đó là mẹ tôi, hai đứa con hay tất cả anh em, bạn hữu gần xa.
Chuyện thế này: Mùa hè 1986, quyết định bỏ Âu Châu “vượt biên” qua Mỹ, tôi được Tòa Lãnh Sự Pháp cấp cho hai tháng Visa du lịch. Đến Mỹ, gia đình một ông anh họ ở Sacramento, thủ phủ tiểu bang California, dang tay chào đón. Anh giới thiệu cho tôi một người đàn ông trung niên (đang làm chủ một cái chợ VN ở Sacramento), bảo tôi: “Em mà làm vợ chàng này thì em giàu lắm!” Cơ hội đó, tôi không nắm; lý do dễ hiểu là tôi rất sợ mùi hôi tanh của đồng tiền!
Lưu lại Sacramento đúng một tuần, tôi rời gia đình ông anh, lên San Jose. Nơi đây chẳng bất cứ ai thân thuộc, ngoại trừ nhạc sĩ Trần Quảng Nam (học trò trong trường Quốc Gia Nghĩa Tử Sàigòn, năm 1971 có tôi làm cô giáo) lúc ấy đang bắt đầu nổi danh với ca khúc Mười Năm Tình Cũ. TQNam có lòng giới thiệu cho tôi quen biết nhóm bạn văn nghệ riêng, mong kẻ nào đưa tay giúp tôi làm hôn thú ở lại Mỹ. (Hẳn nhiên, đây là chuyện không nhỏ nên ai cũng phớt lờ…)
Một bữa, TQNam mời riêng tôi và TNH đi ăn ở quán phở Hòa. Tại đây, TQNam nói thẳng với TNH: “Ông đang độc thân, chị TVân cũng độc thân. Ông làm hôn thú giúp chị ấy ở lại Mỹ đi!” TNH lúc đầu ngồi im, sau, ngẩng nhìn TQNam, hỏi: “Sao không chính Nam làm?” TQNam đáp bằng cái cười hề hề quen thuộc.
Tôi thấy khó chịu, nói riêng với TQNam: “Nam à, tôi biết Nam có lòng muốn giúp tôi, nhưng từ nay thì thôi đi, tôi không phải một món hàng để Nam đem ra năn nỉ mời chào. Hết hạn Visa, tôi về lại Âu Châu, đâu có gì quan trọng?” TNH ngước nhìn tôi, trong mắt phát ra vẻ gì rất lạ. * * * Sau hai tuần bầm dập cuộc sống ở San Jose, tôi được một anh bạn trường Nhạc ngày xưa giới thiệu đến chơi violon trong dancing Palace, cặp vợ chồng vũ sư Minh Cường & Dạ Lộc làm chủ.
Ngay buổi làm việc đầu tiên, giờ nghỉ giải lao, đứng một mình ngoài sân, bỗng thấy Lê Đức Cường đến cạnh, giọng Sàigòn nhỏ nhẹ: "Tiếng đàn TVân truyền cảm quá. Trong giới nhạc sĩ VN ở Mỹ, Cường thấy ít ai có được căn bản âm nhạc dồi dào như TVân." Rồi, nửa đùa nửa thật, anh hỏi: "Cường muốn xin làm đệ tử, TVân có nhận?" Tôi ngạc nhiên nhìn anh.
Lê Đức Cường là nhạc sĩ guitare basse, gốc Sàigòn, em ruột Tướng Nhảy Dù Lê Quang Lưỡng (QLVNCH), du học Mỹ từ 1974, khuôn mặt sáng sủa, điển trai, dáng dấp nghệ sĩ, cá chất hiền lành trầm tĩnh.
Tình bạn nẩy sinh. Lúc ấy anh đang sống độc thân, lại rất nghèo, đôi lần đến đón tôi đi làm, anh (thú nhận) suốt ngày anh chỉ lót dạ với một củ khoai lang hay ổ bánh mì nên “không dám mời TVân. Từ sáng đến giờ, Cường chỉ còn củ khoai này bỏ bụng, tối đi đàn đỡ run tay.” Tôi thật cảm động.
Khi biết tôi đang lo lắng vì thời hạn du lịch đã hết, Lê Đức Cường thẳng thắn đề nghị: "Nếu không ai giúp TVân làm hôn thú ở lại hợp lệ trên đất Mỹ thì Cường có thể làm. Hai năm sau mình xé hôn thú, TVân được quyền lưu trú luôn, không bị tống xuất khỏi nước Mỹ.” Tôi chưa kịp ngạc nhiên đã nghe anh nói: "Con người ta hơn kém nhau chỉ ở điều may mắn. Cường qua Mỹ trước thì may hơn TVân, nhưng nếu kể về tài năng, chưa chắc đã đáng là học trò TVân nữa. Bây giờ biết bạn mình đang trong hoàn cảnh khó, giúp được gì cũng tốt."
Chẳng phải tôi muốn "làm rắc rối đời sống mình", mà bởi vì tôi chưa đánh mất sự tự trọng (đến thành tự ái) trước TNH. Nghĩ, dẫu đang dành cho tôi một tình cảm (bằng sự đeo đuổi sát nút) thì TNH vẫn chưa đủ thời gian để hiểu rõ tôi, một cánh chim mỏng manh nhưng rất dễ dàng cất cánh bay xa nếu như một lúc nào tình cảm bị thương tổn vì những hiểu lầm đáng tiếc. Hiện tại này, dù muốn hay không thì trong sự liên hệ, tôi cũng đang ở vào "thế kém". Do đó, thay vì TNH, tôi nhận sự giúp đỡ của Lê Đức Cường. * * * */ 11 giờ đêm July 6, 1986. Tôi đi cùng Lê Đức Cường, Trần Quảng Nam, Trần Lãng Minh và Uông Thanh Mai lên Réno, tiểu bang Nevada, để ngày hôm sau (7/7/1986) ký hôn thú.
*/ 9 giờ tối ở San Jose, trước lúc khởi hành, tôi và TNH ngồi bên nhau trong quán Café Văn của Trần Quảng Nam. Cả hai không nói gì dưới làn ánh sáng mờ ảo, ồn ào tiếng nhạc. Sự im lặng mang ý nghĩa thông cảm. Đến lúc chia tay, tôi nghe TNH nói, giọng e dè, ngần ngại: "Anh rất nể sự tự trọng đến độ kiêu hãnh của TVân. Nhưng TVân đâu hiểu rằng anh đau lòng vì những gì TVân quyết định..." Xiết mạnh tay tôi, TNH tiếp: "Nếu việc làm hôn thú với Lê Đức Cường ngày mai có gì trục trặc, xin TVân hãy nhận lời để cho anh lo."
*/ 3h sáng ở Réno, ngày 7/7/1986. Trong khi Trần Quảng Nam, Trần Lãng Minh và Uông Thanh Mai nhập vào các bàn bài bạc thì tôi và Lê Đức Cường ngồi chuyện trò nơi một bar rượu trống, chờ trời sáng. Tôi kể cho Cường nghe những khó khăn trong cuộc sống vừa qua ở Mỹ, rồi hỏi: "Lý do nào để Cường tự ý giúp TVân làm hôn thú?" Giọng thành thật, Lê Đức Cường đáp: "Có hai lý do: Thứ nhất, Cường hâm mộ tiếng đàn TVân, tiếc cho một tài năng không có cơ may vùng vẫy. Thứ hai, từ lâu rồi vẫn nghe TQNam nhắc đến TVân và bây giờ thấy Nam đối riêng với TVân bằng một tình cảm tôn trọng đặc biệt, nên nghĩ, TVân chắc có gì hay lắm mới được TQNam lưu tâm như vậy."
Lê Đức Cường hỏi lại tôi: "TNH đang đeo đuổi TVân; tại sao TVân nhận lời đề nghị của Cường?" Tôi thẳng thắn đáp: "Đơn giản cũng vì hai điểm: Thứ nhất, Cường rất nghèo. Thứ hai, giữa Cường và TVân không có chút liên hệ nào đặc biệt ngoài tình đồng nghiệp. Nhận sự giúp đỡ của Cường, TVân không phải mang mặc cảm lợi dụng đối tượng để đạt mục đích riêng cho mình."
*/ 10 giờ sáng ngày 7/7/1986, tôi và Lê Đức Cường ký hôn thú với nhau tại một nhà thờ nhỏ, có sự hiện diện như những nhân chứng của Uông Thanh Mai, Trần Quảng Nam và Trần Lãng Minh. * * * Từ đó, hai người bạn bước đi trên hai con đường Định Mệnh riêng rẽ. Tôi làm vợ TNH, sanh Âu Cơ. Biết Lê Đức Cường rất thành công trong cơ sở băng nhạc Người Đẹp Bình Dương ở Nam Cali do anh làm giám đốc, tôi rất mừng cho anh. Mỗi lần cô ca sĩ nào trong nhóm anh, lên San Jose hát, gặp tôi (vẫn làm việc trong dancing Palace), đều nói: “Anh Cường gửi lời chào chị.”
Hai năm sau, July 1988, Lê Đức Cường từ Nam Cali lên Bắc Cali. Trong bữa ăn với TNH, anh vẫn cái cười móm món dễ thương, giọng Sàigòn nhỏ nhẹ: “Chồng cũ lên xé hôn thú cho vợ đi lấy chồng mới đây!” * * * Hơn ba mươi năm trôi qua, vật đổi sao dời, từ một trang Facebook của một fan của Cường, tôi biết rằng anh đã bỏ Mỹ, về Vũng Tàu cư trú chín năm qua.
Bất thần nửa tháng trước, nhận tin từ chính Lê Đức Cường: “Anh TQNam và Cường đang tìm chị đây. Số là Cường bị sa cơ, cô vợ đã bỏ mình vì mình bệnh và yếu sức, lại hết tiền. Anh TQNam có kêu gọi bạn bè giúp Cường chút đỉnh trong lúc khó khăn. Anh cũng có ra Vũng Tàu thăm Cường. Nay Cường thật lòng rất mong được chị giúp dùm phần nào trong lúc đang kẹt. Thật mình không nghĩ là phải lâm vào cảnh ngộ như vậy. Rất cảm ơn chị. Mong tin chị.”
Tôi thấy lòng rúng động như vừa nghe tin xấu xảy ra cho Vân San, Âu Cơ hay một người thân, người bạn thiết của mình. Lầm bầm trong miệng: “Chẳng nghệ sĩ nào trong đời mà không từng có lần sa cơ để phải cầu cứu tới bạn. Mozart là điển hình thứ nhất. Những lá thư gửi ‘xin tiền bạn’ của nhà thiên tài âm nhạc vẫn còn là những gia tài lưu lại cho thế gian hai trăm năm sau.”
(Có lẽ bạn biết con người chung thủy của tôi phải hành sử như thế nào rồi?)
Điều tôi muốn ghi ra trong bài viết này chính là hai chữ MANG ƠN viết hoa tôi dành nghĩ về Lê Đức Cường. Nửa đời người trước, nhờ ơn cha mẹ sinh thành, ơn đất trời và quê hương un đúc mà tôi có Âm Nhạc trong tay.
Nửa đời sau sống đời đất khách, cũng NHỜ VÀO tấm hôn thú với Lê Đức Cường mà tôi đứng thẳng người được trên Văn Chương, trên tấm lòng nhân ái trong cuộc sống thực tế vô cùng điên đảo. Không phải chỉ tôi mang ơn, lại còn vô số người kéo theo sau TỪ cái ơn đó.
Ông bà xưa bảo “Miếng khi đói bằng gói khi no.” Nhưng, “qua cầu rút ván” vốn là bản chất đại đa số con người; những kẻ luôn nhìn thấy trước mắt cái hiện tại thành công để không bao giờ màng nhớ đến quá khứ ngặt nghèo nào từng có bàn tay đưa ra cho nắm. Thử hỏi, nếu không ở Mỹ, kiếm ra tiền trên đất Mỹ, làm sao tôi có thể dang rộng hai cánh gầy giúp lại kẻ khác trên chỗ đứng nhỏ nhoi của mình? Mẹ già, hai đứa con, em út, bạn bè, rất nhiều họ hàng Sàigòn (thời bao cấp bị Việt Cộng làm cho tàn mạt đói khổ), ngay cả TNH và luôn những độc giả đọc tôi... chẳng ai “không vướng cái nợ” vào bước khởi đầu tôi ký tờ giấy hôn thú với Lê Đức Cường.
Tôi viết cho Lê Đức Cường: -TVân không bao giờ quên cái ơn Cường đã làm thời gian lúng túng mới vào Mỹ. Hoàn cảnh TVân hiện tại cũng buồn lắm nhưng tấm lòng thì vẫn ghi nhớ hoài những gì đã nhận. Con đường nào đi cũng hết, khúc quanh nào cũng sẽ vượt qua. Mong Cường vững niềm tin vào Thượng Đế và Âm Nhạc, những vị không bao giờ ngoảnh mặt với kẻ có lòng như Cường.
Lê Đức Cường: -Ngày đó chị đang đàn cho Cường thu âm, nghe chị nói sắp hết hạn phải về lại Âu Châu, Cường biết hoàn cảnh chị bị ông chồng cũ bỏ rơi nên cảm động và quyết định giúp chị ngay, không cần đắn đo, cũng không hề nghĩ gì đến điều lợi hại.
TTBG: -Chính đó là điểm đặc sắc rất lớn mà Cường đã gây ấn tượng mạnh trong TVân. Con người ta hơn kém nhau không phải danh vọng, tiền bạc, mà chính là CÓ hay KHÔNG một trái tim nhân hậu. TVân là người trọng tình nghĩa, ai làm gì xấu, mình quên nhanh lắm. Còn đã nhận điều tốt từ ai thì cứ canh cánh mãi bên lòng.
Lê Đức Cường: -Cường đặc biệt hay cảm động trước những hoàn cảnh thương tâm và cũng có chút tính anh hùng, coi nhẹ những ai miệng lưỡi không thật. Cường không ngờ thiên hạ có thể ác độc và vô tâm với một người phụ nữ bất hạnh và cũng là một nghệ sĩ tài hoa hiếm hoi như chị. * * * Bạn ạ, Hôm nay kể ra được câu chuyện nằm im trong nhật ký mấy chục năm, tôi thấy nhẹ tâm hồn. Rõ ràng, trong đời tôi, hai vị thần Âm Nhạc và Văn Chương luôn đan tréo vào nhau, vị này tiếp nối vị kia, lần lượt có mặt để kịp thời kéo tôi lên ở những vực sâu bế tắc.
-Nhờ Âm Nhạc mà tôi gặp Lê Đức Cường và lưu lại trên nước Mỹ. -Nhờ tự do trên nước Mỹ mà Văn Chương tôi có dịp phát tiết.
(Phải mở một cái ngoặc lớn điểm này: + Tôi không bao giờ quên bước đầu TNH khuyến khích cho sự chào đời hoàn hảo của bút ký Nước Chảy Qua Cầu. Nhưng, như TQNam từng nói cùng ai đó trong vòng bè bạn: “Tôi không trách gì TNH ở sự chia tay, mà chỉ trách, cớ sao TNH đưa TTBG vào chốn giang hồ gió tanh mưa máu bằng Một Truyện Dài Không Có Tên rồi bỏ chị ấy một mình, cô đơn chống trả?”... thì sao?
Bây giờ sức tàn lực kiệt, bản thân không còn gì ngoài những con chữ rất được tôn quý, tôi dùng đó để vinh danh con người từng đưa tay cho tôi nhận cái ơn “tái sinh” rất lớn nửa cuộc đời sau trên đất khách.
Tôi viết cho Lê Đức Cường: -Ngày đó Cường làm hôn thú cho TVân ở lại Mỹ là điều KHÔNG uổng phí chút nào. Cuộc đời dẫu bầm dập, con người dẫu tàn nhẫn, TVân vẫn đứng thẳng, không để cho Cường phải hỗ thẹn hoặc tiếc nuối theo cái ơn đã giúp TVân. Cũng nhờ tấm hôn thú mà bao nhiêu tài hoa Văn Chương trong TVân có cơ phát triển. TVân cứ tự nhủ mình “Phải luôn ghi nhớ những gì đã nhận.” Mang ơn trong lòng mới khó, chứ rũ nợ kẻ bội bạc là điều dễ vô cùng, Cường à.
Văn là Người. Tôi là thế. Bạn đọc tôi nhiều, chắc cũng biết? “Sự Thật luôn là đầu mối dẫn đến cái Thiện và cái Đẹp của Con Người”, tôi cứ hoài nghĩ vậy. []
Trần Thị Bông Giấy. (Những lời ghi vội sáng Thứ Hai, Aug. 29, 2022 tại San Jose trong trạng thái muốn ngã, tim đập thình thịch, bộ não làm việc quá cỡ, căng cứng. Viết xong, sinh khí như tìm lại được một cách kỳ diệu!) [] |
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ