Từ danh gia vọng tộc đến người công nhân thợ mỏ
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn kể về sóng gió dòng họ mình: “Bà chủ Mai Lĩnh, nổi tiếng Hải Phòng, trước đây chỉ ngồi quầy đếm tiền, quản lý thu chi của gia tộc, giờ thúng mẹt ra vỉa hè ngồi bán từng gói xôi, nhặt nhạnh từng đồng”.
Từ danh gia vọng tộc đến người công nhân thợ mỏ
NGUYỄN MẠNH TUẤN
Sau hiệp nghị Genève 1954, Việt Nam phải chia hai miền Nam – Bắc. Những người miền Bắc từng theo Pháp và chính quyền thuộc Pháp, những người không theo Pháp, nhưng không tán thành chế độ Việt Minh cộng sản, ùn ùn đưa gia đình di cư vào Nam, tạo nên bầu không khí bức xúc và xáo trộn xã hội cho cả những người ở lại.
Hai bên đối nghịch đều vận hết công suất tuyên truyền và phản tuyên truyền. Một đằng vận động dân đi càng nhiều càng tốt để hút cạn sinh lực đất Bắc, một đằng giữ dân ở lại, đừng mắc mưu kẻ địch. Hồi đó, tôi mới 9 tuổi, hàng ngày cắp sách đi học, từ nhà ở Trần Nhật Duật đến trường Đỗ Hữu Vị, phố Cửa Bắc, hôm nay vừa đọc ở các bức tường trên đường đi học, câu: “Cụ Ngô thống nhất sơn hà, Già Hồ chia sẻ nước nhà làm đôi”, viết nguệch ngoạc bằng sơn đỏ, thì sáng hôm sau, cũng dòng chữ trên tường ấy, được ai chữa chữ “Ngô” thành “Hồ” và chữ “già Hồ” thành “thằng Ngô”, đọc cả câu thành: “Cụ Hồ thống nhất sơn hà, Thằng Ngô chia sẻ nước nhà làm đôi”. Hôm sau nữa, lại “Cụ Ngô…”, “Già Hồ…”. Rồi hôm sau nữa lại” Cụ Hồ…”, “Thằng Ngô..”, cho đến ngày Hà Nội hoàn toàn thuộc chính quyền mới.
Phải kể bối cảnh xã hội lúc đó, để nói về các ông nhà Mai Lĩnh, đến phút cuối cùng cũng người đi, kẻ ở. Do ông Ba và ông Năm cùng mất 1947, nên đến 1954, nhà Mai Lĩnh chỉ còn ông Hai (Đỗ Văn Kiêm, ông ngoại tôi), ông Sáu (Đỗ Xuân Mai), ông Bảy (Đỗ Như Ngọc) ở Hà Nội, và ông Tư (Đỗ Như Phượng) ở Xuân Mai, Phúc Yên.
Gia tộc Mai Lĩnh, có cụ Đỗ Văn Phong vì chống Pháp, bị Pháp xử khổ sai chung thân, đày đi Guyane. Thế hệ kế thừa là các ông nhà Mai Lĩnh lập ấp, làm báo chí, xuất bản, với mục đích góp phần đưa dân tộc thoát khỏi ngoại xâm bằng con đường cải thiện dân sinh, nâng cao dân trí. Trước Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến chống Pháp, các ông đều ủng hộ Việt Minh. Ông Hai, ông Tư bị Pháp bắt giam. Ông Ba cùng khá đông con cháu nhà Mai Lĩnh gia nhập Việt Minh lên chiến khu kháng Pháp. Đến năm 1954, gia tộc nhà Mai Lịch, trừ chú Rỵ, con ông Ba, bị động viên, học ở trường sĩ quan Đà Lạt, còn lại, không một ai làm việc trong chính quyền thuộc Pháp hoặc đi lính cho Pháp. Năm 1949, thủ hiến Bắc Việt nhiều lần gặp ông Hai và ông Sáu đặt vấn đề người Pháp sẽ tài trợ toàn diện để phục hưng nhà Mai Lĩnh, nhưng hai ông nhất mực từ chối.Vậy tại sao khi Việt Minh thắng Pháp, ông Hai và ông Sáu lại đưa quá nửa dân số nhà Mai Lĩnh vào Nam? Theo địch, chắc chắn không.
Nhưng không theo “ta” thì rõ ràng. Nguyên nhân chính, từ năm 1948, 1949 trở ra, những sinh hoạt chính trị và thanh trừng nội bộ trong lực lượng kháng chiến ở chiến khu, do ảnh hưởng từ cộng sản Trung Quốc, đỉnh điểm là vụ tử hình bà Nguyễn Thị Năm (1953), một địa chủ có công kháng chiến, đã dẫn đến việc hàng loạt các thành phần thuộc tầng lớp trên: trí thức, văn nghệ sĩ, địa chủ, tư sản, vân vân… bỏ chiến khu trở về vùng Pháp chiếm, gọi lóng là “dinh tê” (về tề). Hồi đó, những người này bị kết tội đào ngũ, phản bội, là ăn phải bả tuyên truyền của địch, là hèn nhát không chịu được gian khổ của kháng chiến, vân vân và vân vân… Chính làn sóng “dinh tê” này đã ảnh hưởng nặng đến số đông người trong vùng bị Pháp chiếm, từng theo Việt Minh, nhưng vẫn di cư vào Nam, trong đó có các ông nhà Mai Lĩnh.
Cuối năm 1953, cuộc họp gia tộc diễn ra tại 21 Hàng Bún, có mặt ông Hai, ông Sáu, ông Bảy; ông Tư, bác Tiếp, bác Thụ cùng ở Phúc Yên ra và bố tôi, dẫn đến quyết định cuối cùng: tất cả cùng đi . Nhưng ông Tư về Phúc Yên, do quá yêu, quá gắn bó, quá tiếc đồng đất quê hương, gia tộc, thay vì thu xếp ra đi, ông trở lên Hà Nội, nói với ông ngoại tôi: Các anh cứ đi. Tôi không thể bỏ đất đai, nhà cửa, mồ mả cha ông. Ở lại sướng thì biết chắc là không rồi, còn khổ bao nhiêu, tôi chịu hết, miễn vẫn giữ được đất nhà mình. Sau này, nói về sự qua đời tức tưởi của ông Tư trong cải cách ruộng đất, bố tôi nói: Ta biết tính ông Tư. Nếu biết đất cũng không giữ lại được một tấc, ông vẫn cứ ở lại.
Ông Bảy lại khác. Con trai lớn của ông là chú Yên (kỹ sư Đỗ Phúc Yên) theo Việt Minh, từ năm 1946, nhà ông Bảy ở Hải Phòng lại là cơ sở nuôi giấu nhiều cán bộ hoạt động nội thành của Việt Minh. Cũng vì “tội” này, ông bị sở Mật thám Hải Phòng hành lên, hành xuống, có thời gian phải đưa cả nhà trốn đi hậu phương Thanh Hóa rồi về làng Bát Tràng . Bên nhà bà Bảy cũng nhiều anh em làm lớn phía Việt Minh. Song điều quan trọng nhất là ông có niềm tin như đinh đóng cột vào lý tưởng yêu nước của Việt Minh, nên đem cân những lợi thế trên với quyết định của các anh và thúc giục ra đi của bà Bảy, thấy việc ở lại nặng ký hơn hẳn, lần đầu tiên trong đời, ông Bảy, em út của anh em nhà Mai Lĩnh, một người trước sau chỉ biết nghe lời các anh và nể vợ, dám quyết định ngược lại: Sẽ sống mãi với thành phố cảng.
Năm 1963, tôi đi thanh niên xung phong, rồi trở thành thợ sửa chữa ô tô lâm nghiệp ở vùng mỏ Quảng Ninh, đến trước hồi máy bay Mỹ ném bom ác liệt miền Bắc, mỗi năm đôi lần, tôi đạp xe từ Quảng Ninh về Hải Phòng, chơi ở nhà ông Bảy, số 9, ngõ Công Bình, đường Cát Dài, và chú thím Bách (dược sĩ Đỗ Như Bách, con ông Năm), ở “căn hộ” một gian, vốn là vách ngăn cạnh gầm cầu thang khu tập thể xí nghiệp dược.Thời gian này cũng là lần đầu tiên tôi biết đến gia sản nhà Mai Lĩnh Hải Phòng. Trang ấp Mai Lĩnh, gần nhà thờ Nam Phát ở ngoại vi thành phố và những địa chỉ A, B, C nào đó, đều biến mất trong cuộc cải tạo tư sản. Cửa hàng thuốc tây ở ngã tư Cát Dài – Cầu Đất đưa vào công tư hợp doanh, nên cả nhà ông Bảy: hai vợ chồng, 11 con trai gái, toàn ở tuổi trứng gà, trứng vịt, cộng thêm cô Sửu, con ông bà Ba bị quy địa chủ, trốn từ Xuân Mai, Phúc Yên ra, ở ngôi nhà ngói một tầng khiêm tốn trong ngõ Công Bình.
Từ khi xa gia đình, sống tự lập, bắt đầu có ý thức về tinh thần nhà Mai Lĩnh một thời hưng thịnh trong sự nghiệp báo chí, xuất bản, thì nơi tôi tiếp xúc đầu tiên chính là nhà ông Bảy, còn trước đây, con cháu nhà Mai Lĩnh lứa chúng tôi, chưa bao giờ được nếm vị ngọt ngào từ bản lý lịch gia tộc, nên thường nói với nhau về thân phận mình: Hiện tại thì gian nan, hoàng kim thì tưởng tượng.
Về ông Bảy, bố tôi thường kể, khi cùng ông Sáu, ông Năm làm Hải Phòng Tuần Báo, Tiểu Thuyết Thứ Ba và xuất bản sách, ở Hải Phòng, ông luôn cần mẫn, tháo vát, một mình bao hết việc đặt bài, sửa morasse, chạy nhà in, rồi giao dịch phát hành. Việc đến tay ông, không bao giờ ông Sáu phải xem lại. Người Hải Phòng biết nhiều đến nhà Mai Lĩnh với ông Sáu (Đỗ Xuân Mai), ông Năm (Đỗ Văn Năm), ông Bảy (Đỗ Như Ngọc) chính trong thời gian này. Khi nhà Mai Lĩnh phát triển việc xuất bản, ông Sáu lên Hà Nội, ông Bảy, ông Năm ở lại Hải Phòng vẫn lo tờ báo, quản lý ấp Mai Lĩnh, buôn bán nhà đất, thuốc tây, văn hóa phẩm.
Ông chủ Mai Lĩnh giờ là nhân viên bán hàng của cửa hàng thuốc tây công tư hợp doanh, không còn mang tên Mai Lĩnh. Hôm gặp ông ở nhà, tôi tò mò hỏi:
– Vào công tư hợp doanh, ông có còn là chủ?
– Không. Ông nói: Giờ ông chỉ là người làm thuê. Nhưng làm thuê trong chế độ xã hội chủ nghĩa, giá trị gấp trăm lần làm chủ dưới chế độ tư bản.
Một người ông cao, gày, chiếc kính cận gọng nhựa cũ với hai mắt kính dày cộp, góp phần tạo nên gương mặt luôn sống thật trong vẻ khiêm nhường, nhẫn nại với ít nhiều sự khắc khổ. Một con người như sinh ra để yêu công việc, yêu gia đình, dòng tộc, và chẳng bao giờ nhận ra ông có thể giận ai, ghét ai. Còn lòng yêu nước, yêu quê hương ở ông vừa chân thành, vừa quyết liệt, khi ông đặt tên tất cả các con là địa danh các tỉnh và dòng sông. Người đầu tiên là Đỗ Phúc Yên, rồi đến Đỗ Thái Bình, Đỗ Thị Bắc Ninh, Đỗ Thái Nguyên, Đỗ Thị Bắc Giang, Đỗ Lạng Sơn, Đỗ Tuyên Quang, Đỗ Thị Hà Đông, Đỗ Hải Dương, Đỗ Phú Thọ, Đỗ Thị Hồng Hà, đến Đỗ Thị Hiền Lương... Họ hàng nói đùa: có lẽ sợ tiến qua sông Bến Hải sẽ vi phạm hiệp định Genève và luật sinh đẻ có kế hoạch, nên ông bà mới chịu dừng bước, nếu không, tên các con ông bà phải rải tận Cà Mau, Phú Quốc.
Tôi tin ông Bảy thật lòng khi nói về chủ nghĩa xã hội. Chỉ sau năm 1954, khi miền Bắc thực hiện phân loại dân chúng ra các thành phần: cán bộ, địa chủ, tư sản, phú nông, trung nông, bần nông, cố nông, tiểu chủ, tiểu tư sản, dân nghèo thành thị, vân vân… thì cả người hiểu biết lẫn không hiểu biết mới lớn tiếng nói về chủ nghĩa xã hội như những nhà thông thái, chứ trước đó, trong tâm trí người dân, xã hội chỉ đơn giản hai loại nhà giàu và nhà nghèo.
Cũng năm 1954 này, anh Khôi tôi, 14 tuổi, đang học trường trung học Chu Văn An, đem niềm phấn khởi từ các phong trào sinh hoạt chính trị ở trường về nhà tuyên truyền cho các em, trong đó, tôi lớn nhất, mới 9 tuổi: Việt Nam sẽ xây dựng chủ nghĩa xã hội, sẽ trở thành thiên đường như Liên Xô, Trung Quốc. Tôi hỏi: Chủ nghĩa xã hội là thế nào? Anh tôi hào hùng: Là tất cả mọi người đều bình đẳng, không có người bóc lột người.
Tôi cam đoan 90 phần trăm dân số miền Bắc, trong đó có ông Bảy, lúc ấy đều hiểu chủ nghĩa xã hội đơn giản và thật thà như anh tôi. Liên Xô, Trung Quốc chưa ai nhìn thấy, nhưng “tất cả mọi người đều bình đẳng, không có người bóc lột người” thì lý tưởng quá. Người nghèo sung sướng vì từ nay mình không còn bị thực dân, phong kiến bóc lột; còn người giàu cũng sung sướng vì nghĩ kẻ bóc lột không phải là mình. Chỉ khi dân chúng bị phân loại thành phần, rồi cải cách ruộng đất, rồi cải tạo tư sản, người giàu mới té ngửa: hóa ra kẻ phạm tội bóc lột là chính mình. Các cậu ấm, cô chiêu con nhà giàu được tỉnh ngộ nhờ tham gia sinh hoạt đoàn thể, về ngắm nghía bố mẹ mình để tìm hạnh phúc trong đấu tranh.
Ngoài công việc cần mẫn ở cửa hàng, ông Bảy có niềm say mê đọc tất cả các loại báo, tạp chí mới xuất bản, thấy bài nào hay về đạo đức, lý tưởng, về người tốt việc tốt là ông cắt ra, đóng thành bộ sưu tập để các con cùng đọc.
Chuẩn mực về đạo đức, niềm tin và nghị lực từ ông Bảy ảnh hưởng tích cực đến sự hiếu học và quyết tâm thành đạt của các con, cộng hưởng với khí phách phi thường của bà Bảy, thành sức sống mãnh liệt chung của cả nhà. Và nhờ sức sống này, gia đình ông Bảy đã vượt qua những thử thách gian nan, mà ngày nay, không ai tin có thể vượt qua.
Hải Phòng và miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Việc ông bà Bảy đóng góp tâm sức, của cải cho kháng chiến, có thể phải trả giá bằng sinh mạng, được xác định và tôn vinh là tư sản yêu nước, tư sản có công với nước, kèm theo chứng nhận của nhiều quan chức cao cấp, từng được ông bà giúp đỡ trong kháng chiến, nhưng tài sản vẫn cứ mất trong cuộc cải tạo tư sản, và các con lần lượt tốt nghiệp trung học loại xuất sắc, vẫn lần lượt không được vào đại học. Chú Đỗ Thái Bình, sinh 1941, phải ra Quảng Ninh dạy bổ túc văn hóa cho bộ đội. Đỗ Thái Nguyên sinh 1945 ra cảng làm công nhân bốc vác. Đỗ Thị Bắc Giang sinh 1946, làm công nhân ở nông trường Tô Hiệu. Đỗ Lạng Sơn làm thợ điện ở nhà máy nhựa Tiền Phong. Đỗ Tuyên Quang vào quân đội chiến đấu ở chiến trường miền Nam, vân vân…
Sinh mạng chính trị của gia đình như vậy, còn sinh mạng kinh tế rơi tõm vào tình trạng cực kỳ túng quẫn, khi lương nhân viên bán hàng của ông Bảy chỉ đủ nuôi mình ông, con lớn nhất là Đỗ Thái Bình mới 14 tuổi. Và người lèo lái con thuyền kinh tế gia đình Mai Lĩnh Hải Phòng trong cơn phong ba bão táp chính là bà Bảy. Xin nhắc lại, đó là người bà có khí phách phi thường, sẵn sàng xả thân đội trời đạp đất để sống và nuôi chồng con.
Bà (Lê Thị Nội) là dân Bát Tràng. Phụ nữ Bát Tràng nổi tiếng cả nước làm ăn buôn bán giỏi. Còn sinh đẻ có giỏi không thì không rõ, nhưng chỉ riêng với bà: con đầu được sinh năm 1941, con thứ 11, sinh năm 1958, tức trong vòng mười tám năm, bà liên tiếp mang thai và đẻ . Nếu tính con út sinh 1958 đến tuổi trưởng thành năm 1978, thì gần như cả đời bà phải nuôi con đàn, con mọn. Vậy mà nhà Mai Lĩnh thời hoàng kim, bà cũng tay hòm chìa khóa, sang thời không còn cả hòm lẫn chìa khóa, một mình bà vẫn xoay xỏa nuôi cả nhà bằng nghề bán… xôi.
Xuất thân trong một gia đình khá giả và danh giá, bà không đẹp nhưng có tướng sang: mắt sáng sắc, tai to, miệng rộng, giọng vang, luôn thu được sự nể trọng trong giao dịch của cả người thuộc giới thượng lưu lẫn giới bình dân, điều rất hợp với người buôn bán giỏi.
Bà chủ Mai Lĩnh, nổi tiếng Hải Phòng, trước đây chỉ ngồi quầy đếm tiền, quản lý thu chi của gia tộc, giờ thúng mẹt ra vỉa hè ngồi bán từng gói xôi, nhặt nhạnh từng đồng. Sự nhẫn nhục, nuốt nghẹn những thể diện thời danh gia vọng tộc vì mưu sinh, giờ chỉ là chuyện nhỏ khi nỗi uất ức phải chịu đựng để sống trong những cực nhục vô lý lớn hơn gấp bội. Để được đặt gánh bán xôi ở vỉa hè, phải xin đủ thứ phép của đủ thứ cấp chính quyền, nhưng lệnh cấm buôn bán và chế biến lương thực từ các loại lúa gạo, ngũ cốc vẫn hết sức nghiêm ngặt. Muốn nấu xôi, đương nhiên phải mua gạo, đậu … chợ đen, nên việc bán xôi, nếu tính phạm pháp, công an bắt lúc nào cũng được.
Bà Bảy phải vừa bán hàng, vừa lo chạy những cơn ruồng bố bất thần của công an. Sau này, bà làm tương để bán cũng vậy. Bán tương thì không cấm, nhưng cấm mua bán đậu làm tương, thế là phải tìm mọi cách để làm và tiêu thụ lén lút. Nhưng phạm pháp, dù để sống qua ngày, không phải phẩm chất nhà Mai Linh. Nên được chồng con làm ngơ, đối với bà cũng là điều hạnh phúc. Hơn nửa thế kỷ sau, Nhà nước xóa bỏ chế độ tem phiếu và bao cấp lương thực như một phát minh vĩ đại, không ai nhớ tới công của những người bán xôi, trong đó có bà Bảy, bao năm chịu đựng mọi đắng cay tủi nhục để…đi trước “thời đại”.
NGUYỄN MẠNH TUẤN
==============
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét