đọc thêm (3) : " Phan Cự Đệ vs Khái Hưng "/ Nhị Linh -- trích : Văn Việt
Phan Cự Đệ vs Khái Hưng
Nhị Linh
Tiếp tục câu chuyện Khái Hưng: mười năm sau khi Khái Hưng qua đời (1947) là mười năm loạn lạc. Hết quãng thời gian đó rồi, Khái Hưng bắt đầu quay trở lại với tư cách đối tượng của nghiên cứu văn học.
Dưới đây là thời điểm 1957, ở Hà Nội.
Ngày nay, khi nghiên cứu Nhân Văn-Giai Phẩm 1956-1958, mảng báo không thuộc hệ thống báo chí văn chương (ví dụ tạp chí Văn nghệ) thường không mấy được chú ý. Nhưng trên các tờ báo ấy cũng có nhiều bài liên quan. Và nhìn rộng ra, ta thấy quãng 1956-1958 ở miền Bắc, Nhân Văn-Giai Phẩm không phải là đối tượng duy nhất: cùng lúc, đối tượng bị hướng tới là xuất bản và báo chí tư nhân; cộng thêm sự vùi dập Tự Lực văn đoàn.
Một trong những tờ báo ấy là Hà Nội hàng ngày. Đây là một trong những tiền thân của tờ Hà Nội mới (thật ra tôi cũng không nắm được chắc chắn một cách tuyệt đối về mọi tiền thân của Hà Nội mới, nhưng có vai trò của Hà Nội hàng ngày). Giai đoạn 1958 ta có thể đọc được ví dụ:
Tác giả là Thiều Quang (Thiều Quang từng viết một tiểu luận về Vũ Trọng Phụng, in trên phụ trương của tờ Hà Nội hàng ngày này):
Ở đoạn này, tờ Hà Nội hàng ngày có chủ nhiệm là Phùng Bảo Thạch, chủ bút Lưu Động.
Ngay trước đó, năm 1957, chủ nhiệm của tờ báo là Nguyễn Đức Mưu. Ở đoạn này, có bài báo của Phan Cự Đệ mà ta sẽ nói rõ hơn dưới đây:
(Hà Nội hàng ngày, trang 3, số 675, năm thứ ba, ra ngày thứ Tư 12/6/1957)
Nếu đây là một bài tiểu luận của sinh viên đưa cho tôi, thì tôi, nếu tôi là giảng viên, sẽ cho điểm kém ngay sau khi đọc vài dòng. Không phải vì bất kỳ cái gì liên quan đến tư tưởng, lập luận hay cách hành văn, mà vì một điều rất đơn giản: Phan Cự Đệ còn không xác định được niên đại của Tiêu sơn tráng sĩ. Nói Tiêu sơn tráng sĩ in năm 1940 là sai. Kỳ đầu tiên của cuốn tiểu thuyết này đã được đăng trên Phong hóa từ rất sớm (xem thêm ở đây), và cuốn sách xuất bản sau này cũng không có niên đại là năm 1940. Mà năm 1957 khi Phan Cự Đệ viết bài này thì mới chỉ cách sự tồn tại của Tự Lực văn đoàn rất ít thời gian.
Rất may là không có sinh viên nào sẽ bị tôi cho điểm kém, và cũng rất may là tôi không đi dạy học.
Hình như kể từ đó, nghiên cứu văn học ở Việt Nam rất bất cần niên đại. Lôi lại chuyện cũ thật đúng là chẳng thích thú gì, nhưng cũng cần nói thêm rằng ở Việt Nam, hơn một giáo sư văn học đã xây những bước đầu tiên trong sự nghiệp của mình bằng cách đánh đập người khác, kiểu như thế này. Cách đây vài năm, tôi trông thấy Trần Trọng Đăng Đàn tại một cuộc hội thảo. Ông ấy đứng lên phát biểu, nói gì đó về Hồ Biểu Chánh, rồi rơm rớm nước mắt. Tôi không có đủ từ ngữ để miêu tả mình cảm thấy gì lúc đó.
Dưới đây là bài viết của Phan Cự Đệ năm 1957 trên tờ Hà Nội hàng ngày.
Góp ý kiến về việc tái bản Tiêu Sơn tráng sĩ
Nhà xuất bản Minh Đức vừa cho tái bản tập Tiêu sơn tráng sĩ của Khái Hưng, một nhà văn trong Tự lực văn đoàn. Quyển này vừa mới ra đời đã gây một luồng dư luận trong độc giả, đặc biệt trong giới sinh viên văn khoa đang nghiên cứu về văn học lãng mạn.
Trong phạm vi bài này chúng tôi cố gắng phản ảnh trung thành một số dư luận của sinh viên về việc tái bản Tiêu sơn tráng sĩ của nhà xuất bản Minh Đức cũng như về cách đánh giá tác phẩm của nhà thơ Tú Mỡ.
Muốn nhận định đúng Tiêu sơn tráng sĩ thì chúng ta phải đặt tác phẩm vào hoàn cảnh lịch sử mà nó xuất hiện. Tiêu sơn tráng sĩ ra đời năm 1940. Trước đó, từ 1936-1939 một cao trào mặt trận bình dân đã lôi kéo hàng vạn công nhân nông dân tham gia đấu tranh cách mạng. Từ 1939 trở đi bọn đế quốc Pháp bắt đầu tàn sát khủng bố dữ dội, đàn áp tự do dân chủ. Cách mạng tạm thời lắng xuống, âm ỷ như một lò than hồng để chờ dịp bùng lên với cao trào Việt-Minh đánh Pháp đuổi Nhật. Trong giai đoạn thoái trào cách mạng đó, nhiệm vụ của một nền văn học tiến bộ là gì? Là phải tố cáo những tội ác của đế quốc và phong kiến, phải thức tỉnh nuôi dưỡng tinh thần cách mạng, đề cao lòng tin tưởng vào khả năng vô biên của quần chúng, vào sự thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Trong một hoàn cảnh như thế, Khái Hưng đã tung ra một tác phẩm với những mục đích gì?
Một tác phẩm bôi nhọ phong trào nông dân khởi nghĩa
Nhà thơ Tú Mỡ trong lời đề tựa đã đề cao lòng yêu nước của những nhân vật trong Tiêu sơn tráng sĩ. Ông viết: “Trong quãng đời ấy họ đã tận tụy hy sinh cho một lý tưởng: lòng yêu nước. Lòng yêu nước của họ đồng nhất với lòng yêu triều đại cũ và được coi là có chính nghĩa vì xuất phát từ cuộc khởi nghĩa Lam sơn và mười năm chống quân Minh xâm lược. Lòng chung thành [sic], chí khẳng khái, cái nhiệt tình và tinh thần dũng cảm của họ đáng mến phục biết chừng nào!” Ông Tú Mỡ khuyên chúng ta nên đứng vào quan điểm lịch sử để đánh giá một tác phẩm cũ, tránh thái độ “chủ quan” ngăn trở chúng ta thông cảm với chuyện cũ người xưa”.
Chúng tôi cũng đồng ý như vậy. Đánh giá một tác phẩm văn học cũ chúng ta phải đứng trên quan điểm lịch sử để nhìn thấy ý nghĩa tiến bộ của tác phẩm trong cái vòng vây giới hạn của lịch sử, của ý thức hệ thời đại. Nhưng không phải như vậy là chúng ta vứt bỏ quan điểm vô sản của chúng ta, càng không có nghĩa là chúng ta không phê phán nó trên quan điểm tiến bộ của giai cấp công nhân. Chúng ta không phủ nhận lòng yêu nước chân chính của Trần hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, Phan bội Châu v.v… trong những điều kiện giới hạn của lịch sử và của giai cấp họ. Ngày nay những tác phẩm của họ vẫn có giá trị “gieo chất nồng say vào cuộc sống”, vẫn thúc đẩy chúng ta tiến lên trong cuộc chiến đấu mới. Quan điểm của chủ nghĩa Marx, quan điểm lịch sử là như vậy. Nó công nhận mọi giá trị tiến bộ của các giai cấp trong giai đoạn đang lên, đang dung hòa được quyền lợi của giai cấp với quyền lợi chung của dân tộc. Nhưng không phải như thế là nó công nhận “lòng yêu nước” của những tầng lớp phong kiến đã suy tàn, đã mục nát chống lại một phong trào nông dân khởi nghĩa vĩ đại chưa từng có trong lịch sử dân tộc: phong trào Tây sơn.
Ông Tú Mỡ đã không nhìn thấy quá trình diễn biến từ cuộc khởi nghĩa Lam sơn, một cuộc khởi nghĩa giải phóng dân tộc do giai cấp phong kiến nhà Lê lãnh đạo đến sự thất bại nhục nhã của bọn phong kiến suy tàn Lê Trịnh đã bị cuộc tấn công vũ bão của nông dân quét sạch. Do đó ông mới đi đến kết luận sai lầm rằng hành động phò Lê diệt Tây-sơn là một hành động “chính nghĩa” “đáng mến đáng phục biết chừng nào”!
Sự thực thì hành động của các đảng viên Tiêu sơn là hành động của một từng lớp phong kiến đã suy tàn mà quyền lợi của chúng chà đạp lên quyền lợi nhân dân, quyền lợi dân tộc. Tiêu sơn tráng sĩ đã bôi nhọ phong trào nông dân khởi nghĩa. Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải của quần chúng bị mô tả như một kẻ vũ phu, thô bạo. Những đảng viên Tiêu sơn mạt sát Tây sơn là giặc. Trong một tờ yết thị, chúng kêu gọi nhân dân:
“Nay anh em cha con Tây-sơn ngu độn bạo ngược, chẳng hiểu lẽ mệnh trời, chẳng nghĩ tới lẽ vua tôi dám gây quân phản loạn để đến nỗi hoàng đế phải phiêu lưu đất khách gần 10 năm nay. Than ôi, vua bị nhục, bầy tôi phải chết! Nay vua ta bị nhục mà nỡ sống an nhàn được ru?”
Bọn phong kiến suy tàn này còn chống lại chính sách văn hóa tiến bộ của Tây sơn. Chúng gọi chữ nôm là mách qué và vận động thí sinh Bắc Thành, phá trường thi, chống chữ nôm. Một loại nhân vật khác cũng chống lại triều đình Tây-sơn nhưng tiêu cực hơn: Kiến xuyên hầu lặng lẽ phản đối nhà Tây-sơn bằng cách say đắm trong đạo Phật, “một đạo giáo hình như đã bị nhà Tây-sơn ruồng ghét”.
Nói chung, đọc xong Tiêu-Sơn tráng sĩ chúng ta có một ấn tượng rất xấu về phong trào nông dân khởi nghĩa, về triều đình Tây sơn.
Một tác phẩm đề cao con người phiêu lưu anh hùng, con người thất bại đi trốn thực tế
Đối lập với phong trào nông dân khởi nghĩa, với triều đình Tây-sơn là cả một từng lớp quý tộc suy tàn, phá sản. Phạm-Thái là con Trạch trung Hầu, một cựu thần nhà Lê; Nhị Nương là con binh bộ thượng thư Nguyễn đình Giản; Quang Ngọc đã có một thời “oanh liệt theo cha tung hoành trong hai trận Đông-Bắc”. Họ đều có mối thù với phong trào Tây-sơn nên họp nhau lại trong một đảng chống lại triều đình: đảng Tiêu Sơn. Công việc của họ là cứu bà hoàng phi họ Lê, chuẩn bị phối hợp với Nguyễn Ánh đánh lại Tây sơn để cướp chính quyền. Họ hành động một cách phiêu lưu anh hùng, không có cơ sở quần chúng nên rốt cuộc thất bại mỗi người một nơi.
Đối với loại nhân vật này, thái độ Khái Hưng như thế nào?
Nhờ thơ [sic] Tú Mỡ viết: “Đó không phải là những con người và những cuộc đời gương mẫu để lớp thanh niên đương thời với tác giả và những lớp thanh niên về sau noi theo từng ly từng tý. Chắc chắn là ý định của Khái Hưng không phải thế”. Ông Tú Mỡ đã dẫn thêm lời của Trịnh Đán để chứng minh cho ý kiến của mình. Ông cho rằng không những Khái Hưng không tán thành hành động của những nhân vật đó mà còn “phê phán” những hành động đó nữa. Thực ra nên đọc kỹ tác phẩm, ta thấy Trịnh Đán, tuy có tiến bộ hơn các đảng viên Tiêu Sơn khác nhưng cái triết lý cuối cùng của hắn vẫn là: “Chúng ta nên tin ở sức mình là hơn. Nếu mình chưa đủ sức thì hãy đợi. Và liệu không bao giờ đủ sức thì thôi hẳn đi đừng kháng cự người ta nữa. Chứ đi rước kẻ thù nọ về đánh kẻ thù kia thì kẻ nào mạnh hơn nó chiếm lấy nước mà vua chúa vẫn hoàn không chỗ nương thân,…” Trịnh Đán vẫn không thể nào đánh giá được cái phong trào Tây Sơn, vẫn coi Tây Sơn là kẻ thù. Có điều hắn khôn hơn ở chỗ nhìn rõ tương quan lực lượng giữa đảng Tiêu Sơn và triều đình Tây sơn và thấy nếu viện trợ đến lực lượng Nguyễn Ánh thì phe lũ hắn cũng chẳng có quyền lợi gì!
Nhưng thái độ của Khái-Hưng không phải ở một câu hay một đoạn. Tư tưởng, thái độ của một tác giả toát ra ở toàn bộ tác phẩm, gửi gắm vào các nhân vật. Chính Tú Mỡ đã nhận rằng “Khái Hưng đã yêu mến những nhân vật của anh ở khía cạnh nhất định”. Theo chúng tôi, Khái-Hưng đã nâng niu và cố ý tô vẽ cho nhân vật mình một cách có ý thức. Đọc xong Tiêu-sơn tráng sĩ ta thấy thương tiếc ngậm ngùi cho sự thất bại của đảng Tiêu Sơn và kính phục hành động “anh hùng đẹp đẽ” của cả một lớp thanh niên “hy sinh cho một lý tưởng cao cả” là phò vua cứu nước. Hình ảnh Quang Ngọc, “một khách chinh phu niên thiếu lang thang trên con đường gió bụi”, hình ảnh Nhị Nương một người con gái tài sắc gan dạ, trung thành với lý tưởng; hình ảnh Phạm Thái “cưỡi con ngựa tía phi trong đám giáo gươm, tên đạn coi cái chết nhẹ như lông hồng” với cái trí nguyện [sic] bình sinh được “da ngựa bọc thây chôn trên cồn cát trắng”; hình ảnh một đám tráng sĩ vừa vỗ kiếm vừa hát “ta tráng sĩ hề gặp thời loạn lạc, như cá gặp nước hề ta vẫy vùng”. Tất cả những hình ảnh đó đã lôi cuốn quyến dũ [sic] bao nhiêu thanh niên của một thời đại. Tác giả không đề cao họ thì không có ngòi bút vung lên sảng khoái như thế, không tô vẽ cho họ thành những người anh hùng lý tưởng đẹp như vậy.
Những nhân vật này hành động một cách phiêu lưu, hành động để mà hành động, họ không hy vọng ở sự thành bại. Phạm Thái nói với bà Hoàng phi họ Lê: “Tâu lệnh bà, đời kẻ tráng sĩ chỉ có một nghĩa là hành động. Còn sự thành bại cùng sự sống chết không nên để trí nghĩ quá”. Nhưng cái triết lý hành động “tích cực” ấy của Phạm Thái cũng chỉ được một thời. Thực tế lịch sử vẫn làm chúng thất bại. Lê Báo từ một chiến sĩ ngỗ ngược trở thành một nhà chân tu, mộ đạo phật. Phạm Thái đi trốn thực tế bằng cách chìm đắm vào ái tình, chìm đắm vào rượu với cái triết lý hành lạc:
“Ha ha! chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy một hồ rượu! Ha ha! chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy hai con mắt mỹ nhân”. Phạm Thái trong thực tế lịch sử là một kẻ chống lại phong trào Tây sơn bằng hành động bạo lực và bằng văn nghệ (Chiến tụng Tây hồ phú) thì ở đây đã được tác giả tô vẽ thành một nhân vật đẹp thờ phụng cái triết lý hành động cao cả phò vua cứu nước, thành một nghệ sĩ có tâm hồn lãng mạn yếu đuối, đáng thương hơn đáng ghét.
Đánh giá Tiêu Sơn tráng sĩ như thế nào?
Trong giai đoạn cách mạng Việt-nam tạm thời lắng xuống sau cao trào mặt trận Bình dân, đáng lẽ phải bồi dưỡng thêm lòng tin vào cách mạng, vào lực lượng quần chúng thì Khái Hưng đã bôi nhọ một phong trào quần chúng nông dân khởi nghĩa, đã đề cao từng lớp phong kiến suy tàn, đề cao những con người phiêu lưu anh hùng, những con người thất bại chạy trốn thực tế. Đọc Tiêu Sơn tráng sĩ chúng ta lại nhớ đến cinq Mars [sic] của Alred [sic] de Vigny, Vigne [sic] đề cao hành động của một lớp P.K [sic] suy tàn chống lại chế độ quân chủ tập trung của Richelieu. Lúc ấy, dưới triều Louis XIII, Richelieu đại diện cho những quan hệ tư sản đang lên, dưới hình thức quân chủ chuyên chế. Tuy ở hai phương trời cách nhau hàng vạn dặm, 2 tác fẩm [sic] đều giống nhau ở chỗ đề cao những con người đi ngược lại giòng lịch sử!
Càng nhìn về trước chúng ta càng thấy rõ hơn tư tưởng bảo thủ lạc hậu của Khái Hưng. Từ năm 1933, sau cao trào Xô-viết Nghệ-An, Khái-Hưng đã ru ngủ thanh niên vào đạo phật và tình yêu trong Hồn bướm mơ tiên. Rồi đến 1936, trong cao trào mặt trận Bình dân, lúc lực lượng hàng vạn công nhân, nông dân nổi dậy đấu tranh dưới ngọn cờ của Đảng, Khái Hưng cho ra quyển Trống mái, một tác phẩm bôi nhọ người lao động (anh Vọi). Cho đến 1940, Tiêu sơn tráng sĩ ra đời với một tác dụng phản động sâu sắc, trắng trợn hơn. Ở đây tôi không có ý đánh giá toàn bộ văn phẩm của Khái Hưng nhưng qua những tác phẩm kể trên ta thấy trong một giai đoạn lịch sử, tác phẩm của Khái Hưng không những không có lợi cho cách mạng mà còn đưa thanh niên đi xa cách mạng, trốn vào nhà chùa, vào ái tình, dẫn họ đến một cái nhìn thiên lệch về phong trào quần chúng.
Có đánh giá như vậy, chúng ta mới thấy việc xuất bản và phổ biến rộng rãi Tiêu sơn tráng sĩ trong giai đoạn hiện nay là một việc không có lợi. Nó không đóng góp gì vào việc xây dựng đời sống tình cảm và tư tưởng cho thanh niên mà còn gây tác hại là đàng khác. Đây cũng là một kinh nghiệm để nhà xuất bản Minh Đức cần thận trọng hơn trong việc xuất bản các tác phẩm cũ. Và cũng là một kinh nghiệm để chúng ta thận trọng hơn trong việc đánh giá và giới thiệu vốn cũ, nhất là nền văn học lãng mạn tư sản và tiểu tư sản.
Cũng nhân việc xuất bản Tiêu sơn tráng sĩ, chúng tôi thấy cần đề cập đến hai vấn đề:
1) Hội nhà văn nên hướng dẫn và giúp đỡ cho các nhà xuất bản trong việc giới thiệu các tác phẩm cũ trong nền văn học dân tộc. Hiện nay trước tiên nên chú ý đến văn học bình dân, văn học phong kiến tiến bộ và nền văn học hiện thực phê phán cận đại. Đối với những tác phẩm khác có giá trị tài liệu lịch sử cần cho việc nghiên cứu văn học sử, chúng ta cũng có thể xuất bản nhưng phải tiến hành phê phán giới thiệu một cách chu đáo. Việc xuất bản có thể chỉ phục vụ cho một giới hạn độc giả nào đó cần nghiên cứu mà không nhất thiết phải phổ biến rộng rãi.
Đối với vấn đề giá cả cũng cần có sự điều hòa tránh tình trạng đầu cơ văn hóa, làm khó khăn cho độc giả và những người muốn nghiên cứu văn học sử.
2) Song song với việc sưu tầm vốn cũ dân tộc cần đẩy mạnh công tác phê bình, tranh luận về giá trị của những tác phẩm cũ. Đối với văn học bình dân, văn học phong kiến và văn học hiện thực phê phán chúng ta đã cố gắng trong việc sưu tầm, đánh giá. Một vài cuộc tranh luận nhỏ nổ ra. Điều đó rất tốt cho sự phát triển văn học. Nhưng đối với các tác phẩm thuộc giòng lãng mạn tiểu tư sản và tư sản (đặc biệt là các tác phẩm của Tự lực văn đoàn) chúng ta chưa có ý kiến. Hiện nay đã đến lúc nên đánh giá lại nền văn học này.
Đẩy mạnh việc phê phán vốn cũ dân tộc sẽ giúp ta tiếp thu đúng mức nền văn nghệ tiến bộ xưa của dân tộc và sẽ góp phần hướng dẫn các nhà xuất bản phục vụ tốt cho độc giả.
Đẩy mạnh công tác phê phán vốn cũ cũng là một mặt của sự xây dựng nền văn học mới, một nền văn học tiếp thu những thành tựu tốt đẹp xưa của dân tộc và phát triển trên cơ sở những nhân tố mới xuất hiện trong chế độ dân chủ cộng hòa tươi sáng.
Phan-cự-Đệ
(Sư phạm văn khoa)
Cùng khoảng thời gian đó (chính xác là năm 1958), tại Sài Gòn:
Đây là một trong những bình luận đầu tiên về văn chương Khái Hưng, sau đó ở miền Nam mảng này sẽ còn rất phong phú.
(các bài viết có tính cách duel này được xếp dưới label mới xversusy)
http://nhilinhblog.blogspot.com/2015/06/phan-cu-de-vs-khai-hung.htm
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét
Đăng ký Đăng Nhận xét [Atom]
<< Trang chủ