Thứ Năm, 7 tháng 7, 2022

" Bích Ngân [i.e. Trịnh Bích Ngân 1960- / tphcm] "/ Võ Xuân Hà -- trích: http://suckhoedoisong.vn> -- 20- 05/ 2014

 Thứ Năm, 07/07/2022 02:13 (GTM+7)

Bích Ngân, con đường gập ghềnh

VÕ XUÂN HÀ

30-05-2014 1:00 PM | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Những năm 89-90 thế kỷ 20, những người hay lui tới chơi với học viên khoá 4 Trường viết văn Nguyễn Du thường nhìn thấy một cô gái cao cao, trắng mịn, mái tóc dài tha thướt.

Những năm 89-90 thế kỷ 20, những người hay lui tới chơi với học viên khoá 4 Trường viết văn Nguyễn Du thường nhìn thấy một cô gái cao cao, trắng mịn, mái tóc dài tha thướt. Hỏi chuyện cô ấy trả lời thật ngọt bằng chất giọng Nam bộ nghe thật dễ thương. Hỏi nữa, cô nói em người miệt Cà Mau. Mảnh đất Cà Mau thật kỳ lạ, nơi tận cùng ấy đã sinh ra khá nhiều gương mặt văn nghệ sĩ, đặc biệt là các nhà văn như Nguyễn Ngọc Tư sau này.

Cô hay ngồi cuối lớp, khiêm tốn và lặng lẽ. Không mấy ai biết rằng khi sinh cô ra ở miền sông nước Cà Mau, cha cô đang đi hoạt động cách mạng, người mẹ tần tảo khi đưa mấy chị em chạy giặc, khi lên bưng cùng chia bùi sẻ ngọt với bà con theo cách mạng. Nhìn cô ngồi khiêm tốn ở cái góc cuối lớp ấy, cũng không mấy ai tin cô đã và sẽ viết đến kiệt cùng câu chữ, đến nhọc nhằn cả số kiếp.

Nhà văn Bích Ngân.

Nhà văn Bích Ngân.

Cô gái ấy là Bích Ngân - tác giả của rất nhiều truyện ngắn hiện nay đang được độc giả, đặc biệt là độc giả phía Nam đón nhận.

Sinh năm 1960, tốt nghiệp Trường đại học Tổng hợp TP.HCM, Trường viết văn Nguyễn Du, Bích Ngân xuất hiện rồi đi trên con đường văn chương nhọc nhằn không ồn ào náo nhiệt như những cây bút khác ở đồng bằng sông Cửu Long. Mặc ai rộn rã văn trường, mặc ai rải hoa cho chữ, Ngân một mình đi con đường riêng mình. Con đường riêng ấy là lối viết có sự nghiền ngẫm tìm hiểu văn chương mọi miền, ngắn gọn, hình ảnh sống động mà mộc, không quá lạm dụng lối văn tả và văn nói của dân sông nước Cửu Long.

10 năm sau Đất không cưu mang, Bích Ngân thoát khỏi lối viết kể, dần chuyển sang lối viết cảm là lối viết rất khó đối với ngay cả những nhà văn lớn bởi rất dễ rơi vào trạng thái triết lý vụn vặt: “Hình như vừa có một cơn mưa. Mặt đường loang loáng. Gió nhè nhẹ. Trời lành lạnh. Đông thoáng rùng mình với ý nghĩ rằng tất cả sẽ qua đi, tất cả rồi cũng chỉ mong manh. Và dù có mong manh, mong manh như chiếc lá nằm trong tay cô lúc chiều, nó cũng đã sống trọn một kiếp lá, đã xanh hết mình trước khi lìa cành...” (Cảm xúc).

Rồi mới đây, Bích Ngân lại như tự trải nghiệm cuộc sống và triết lý cuộc sống bằng những câu chữ trong truyện ngắn Làn gió hôm qua:

“Cái đặc biệt của quán cà phê này là khi ra khỏi không gian lặng câm của sỏi đá, phải bước vào một nơi khác để lấy xe: đó là cổng sau của nhà tang lễ lớn nhất thành phố... Những vũng hoa tím, trắng đôi khi vẫn chập chờn trong giấc ngủ, nhưng không hiểu sao Hoài vẫn không thể không đến quán cà phê quen thuộc. Nhâm nhi vị đắng quen thuộc, ngắm nhìn không gian quen thuộc, lắng nghe cuộc sống nhộn nhạo với cuộc mưu sinh khốc liệt ẩn sau cái vẻ ung dung thư nhàn. Mỗi khi rời quán cà phê ra về, lại chạm vào những vũng hoa, lại ngửi mùi khói  nhang, nghĩ đến những cách trở âm dương... khiến nhiều lúc Hoài chợt lặng đi, chợt huyên thuyên, thấy sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi đau vẫn lặng lẽ song hành, thấy sự bất trắc rình rập đâu đó, thấy nỗi bất hạnh không chừa một ai, thấy hạnh phúc bất chợt mong manh...”.

Như thế, Bích Ngân đã đặt được bước chân vào cõi không gian đa chiều, để rồi tự chiêm nghiệm. Chỉ đến khi xa nhau rồi, chúng tôi mới thấy nhớ nhau. Có lẽ có chung những hoài niệm và cái đích nhắm tới thật tương đồng. Ngân thường chia sẻ với tôi những nỗi niềm và vui mừng “khoe” một truyện ngắn nào đó của Ngân vừa được đăng trên mấy tờ Văn nghệ, Thanh niên, Tuổi trẻ... Ngân nói, đọc đi rồi nhận xét. Tôi đọc, càng ngày càng thấy mạch văn của Ngân sâu, trong, gọn. Thực sự là những câu chữ của người có học đồng thời không cậy mình có học, đã chịu khó bứt lên, phá bỏ lối viết sáo của miệt sông nước, cắt bỏ những câu chữ thừa...

Thi thoảng Ngân tâm sự về chuyện riêng. Thương Ngân - cô bạn gái xinh xắn, dịu dàng, đầy nữ tính, có tài, lại quá truân chuyên. Ai biết hằng đêm, người đàn bà viết ấy sau khi lo cho hai con gái chuyện học hành, riêng tư, lại một mình gánh chữ. Cái gánh chữ ấy càng gánh càng thấy nặng. Mà con đường đi lại đầy rẫy nỗi niềm thân gái dặm trường. Nhưng mà Ngân vẫn rất lạc quan. Hình như đâu riêng gì những người bạn gái như tôi, vẫn luôn có ai đó, thậm chí có rất nhiều ai đó vẫn luôn chờ đợi Bích Ngân gánh được cái gánh nghiệp tới đích.             

  Võ Xuân Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét